Vượt qua những khó khăn do sự khác biệt văn phong, chúng ta sẽ chạm đến lối tư duy và cách biện luận của Aristotle, những điều rất hữu ích cho mỗi chúng ta trong thế giới hiện đại. Dù sống ở thời Hy Lạp cổ đại, cách chúng ta hơn 2300 năm, dù nhiều quan điểm của ông bị giới khoa học hiện đại bác bỏ, nhưng ông vẫn là một bộ óc lỗi lạc với những nền móng tư tưởng và phương pháp luận quan trọng của thế giới phương Tây.
Athens trước Aristotle vốn đã là một đô thị nhộn nhịp và phát triển nhờ vào sự quy tụ của nhiều nhà tư tưởng trong khoảng thế kỷ VII TCN tới thời của Aristotle vào thế kỷ IV TCN. Những nhà tư tưởng trốn chiến tranh diễn ra ở các vùng khác đã di cư tới đây, mang theo trí tuệ tinh hoa của họ, đã tạo nên một nền tảng tri thức xã hội căn bản để từ đó không chỉ Aristotle mà rất nhiều nhà hiền triết khác phát triển. Aristotle theo học tại ngôi trường nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, Academy, được dịch thành Học viện, của Plato trong 20 năm, và Aristotle đã tự phát triển cách thức tư duy và truy tìm tri thức của riêng ông, có nhiều phần khác hoàn toàn với Plato cũng như các nhà tư tưởng khác lúc bấy giờ và kể cả trước đó.
Cách thức nghiên cứu của Aristotle là ông khảo sát toàn bộ, nhiều nhất có thể, các kết quả nghiên cứu của các triết gia đã từng bàn tới đề tài mà ông đang nói tới như Chính trị, Thi ca, Luân lý, Siêu hình…và bằng biện luận, ông chỉ ra những điểm hạn chế, điểm hợp lý của từng quan điểm, và chính điều này dẫn đến việc nhiều độc giả hiện đại cảm thấy khó khăn khi tiếp cận tư tưởng của ông. Thay vì đưa ra một chỉ dẫn rõ ràng để độc giả có thể yên tâm làm theo, ông đưa độc giả vào chuỗi biện luận chặt chẽ nhưng không xác định, để độc giả có thể “tự giải ảo” chính mình. Ông đề cao việc tự quan sát và đúc rút phương pháp của mỗi người và áp dụng vào từng trường hợp cụ thể khác nhau hơn là đề xướng một chìa khóa tư duy vạn năng. Không thể xếp Aristotle vào duy tâm hay duy vật bởi vì như vậy sẽ hạn chế những phát hiện mang tính nền tảng của ông cho cả thế giới hữu hình và vô hình.
Trái với Plato là một người luôn hướng tới lý tưởng hóa, Aristotle đi thẳng vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tiễn đang ảnh hưởng tới mỗi chúng ta. Câu nói nổi tiếng “The man is a political animal”, vẫn hay được dịch thành Con người là động vật chính trị, thực ra cần được hiểu chữ political ở đây có nghĩa là polis, tức là thành bang, đô thị. Con người sống trong đô thị, cộng đồng, cần có luật lệ. Và một nhà nước luôn có một vai trò quan trọng đó là giúp cho mỗi công dân được sống tốt nhất, trọn vẹn nhất và thể hiện được tối đa tiềm năng của mình.
Aristotle được vua Philip II của Macedonia mời sang làm quân sư và dạy cho Alexander, con trai và là người kế vị Phillip II sau này. Alexander Đại đế sau này đã phát triển Macedonia và biến nơi này từ một thành bang nhỏ trở thành một đế chế trải dài từ Địa Trung Hải tới Ấn Độ. Sau khi đã xong việc tại Macedonia thì Aristotle quay về Athens và chọn Lyceum làm chỗ giảng dạy cho các môn đồ của ông. Các cuốn sách hiện nay đang được lưu truyền thì hầu hết là do các môn đồ ghi chép lại, không phải do Aristotle tự viết, do đó có cấu trúc khác hoàn toàn so với những cấu trúc viết của tác phẩm học thuật hiện nay.
Để đọc Aristotle, chúng ta cần nắm vững một số đặc điểm cơ bản trong phong cách của ông.
Vốn cho rằng tiếp nhận thông tin và suy luận có quan hệ tương hỗ lẫn nhau, khi giải quyết một vấn đề được đặt ra, Aristotle thường bắt đầu bằng hình dung biểu hiện của vấn đề trong thế giới quanh ta ở mọi khía cạnh, liệt kê tất cả các biểu hiện và hình thái liên quan đã từng có trong quá khứ và hiện tại. Đây là phương pháp kết hợp song hành giữa phainomena và endoxic. Phainomena là những biểu hiện hoặc được cho là liên quan tới vấn đề cần giải quyết, còn endoxic là khảo sát những quan điểm khả tín xung quanh vấn đề. Ví dụ như trong cuốn “Physics”, Aristotle bắt đầu bằng một phainomena “chúng ta cảm thấy chắc chắn rằng thời gian tồn tại hoặc thời gian trôi qua”, nhưng khi chúng ta tìm hiểu xem thời gian thực sự là gì thì chúng ta lại lúng túng, và khi khảo sát theo lối endoxic thì sẽ thấy rằng hầu hết các triết gia đều gặp vấn đề với định nghĩa thời gian. Ông phản biện tất cả các endoxic, và hướng tới nhận định rằng hiểu biết càng rộng thì càng nhận biết ĐÚNG hơn.
Với phong cách như vậy, các tác phẩm được cho là của Aristotle quả thực rất khó đọc vì mỗi tác phẩm đều nhắc tới nhiều triết gia khác, nhiều quan điểm khác. Ngay lập tức hiểu rõ được nhiều quan điểm là điều không dễ dàng gì. Thế nhưng cũng chính thông qua việc đọc Aristotle mà chúng ta được chứng kiến cách ông phân tích, phê phán các quan điểm có vẻ thuyết phục được nhiều nhà tư tưởng khác đưa ra. Đây có lẽ là điều bổ ích nhất mà Aristotle dạy cho hậu thế: tư duy phản biện. Đây cũng là cách triển khai quan điểm của ông trong “Luân lý học” (tựa tiếng Anh là Nicomachean Ethics, là tác phẩm nổi bật nhất và một trong vài tác phẩm về Ethics được cho là của Aristotle), một trong các tác phẩm quan trọng nhất của Aristotle có ảnh hưởng tới nền tảng hành xử của người phương Tây. Cuốn sách đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử triết học, thần học và chính trị hiện đại, với các vấn đề trọng yếu của đời người bao gồm: Hạnh Phúc, Phẩm Hạnh Đạo Đức, Công Chính, Phẩm Hạnh Trí Tuệ, Tự Chủ, Tương Giao, Khoái Lạc.
Luân Lý Học của Aristotle: Từ Lý Trí Đúng đến Trung Đạo và Kỳ Vĩ
Trong bài viết ngắn này tôi chỉ bàn về 3 điểm mà được cho là xương sống trong Luân Lý Học của Aristotle, bao gồm: 1) Lý trí đúng – 2) Trung Đạo và 3) Sự Kỳ vĩ. Lý trí Đúng là điều kiện cần, Trung Đạo là kết quả tổng quát có được từ Lý trí Đúng, và Sự Kỳ vĩ là biểu hiện cao nhất và tốt đẹp nhất của chuỗi phát triển này.
Thế nào là Lý trí Đúng?
Khi nói về Lý trí thì mỗi người trong chúng ta dù ít dù nhiều đều có trải nghiệm và đánh giá được xem liệu chúng ta đã sử dụng Lý trí nhiều hay ít từ trước tới nay, và mức độ hiệu quả tới đâu? Đã bao giờ lý trí đánh lừa chúng ta chưa? Từ những quyết định quan trọng như chọn học đại học nào, chọn theo nghề gì, chọn vào làm ở đâu, chọn mua nhà ở đâu, chọn lập gia đình với ai… tới những quyết định thường ngày hơn như hôm nay ăn gì, mặc gì, đọc sách gì, xem clip nào, đọc báo nào, uống cà phê ở đâu, với ai… thì cũng đều được phân loại thành quyết định đúng hay sai, và ở mức độ nào. Lý trí sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định và nếu tuân theo Lý trí Đúng thì chúng ta sẽ ít gặp phải rắc rối và tiếc nuối nhất.
Làm sao để xây dựng được Lý trí Đúng, để có được Lý trí Đúng thì là một quá trình rèn luyện liên tục. Để luyện tập được Lý trí Đúng thì trước tiên cần có được Mục đích. Có lẽ sẽ khó đọc được Aristotle nếu chúng ta không có Mục đích vì Aristotle là đại diện tiêu biểu của trường phái Mục đích luận (Teleology). Khi bàn về Mục đích của mỗi người thì Aristotle mặc định rằng Mục đích của mỗi người chính là được sống trong cộng đồng, được thể hiện hết tiềm năng của mình, có được danh dự, có đầy đủ Phẩm hạnh Trí tuệ và Phẩm hạnh Đạo đức, từ đó đạt được Hạnh phúc. Một người nghệ sĩ chơi đàn thì có mục đích là chơi đàn một cách hoàn hảo, tốt nhất, được sự công nhận của cộng đồng. Một chính trị gia thì có mục đích là đưa ra các quyết định đúng đắn nhất, giúp cộng đồng của người ấy phát triển trọn vẹn, mỗi công dân trong đó được hạnh phúc nhất. Đây cũng chính là lý do mà Aristotle cho rằng Politics (Chính trị học) là môn học quan trọng nhất. Nó ảnh hưởng lên mỗi một cá nhân trong cộng đồng. Và Aristotle cho rằng chính trị cần hỗ trợ, tạo điều kiện để mỗi cá nhân được hiện thực hóa tiềm năng của chính mình ở mức độ cao nhất có thể. Và những Mục đích như Giàu có, Mạnh khỏe, Nhiều bạn bè…thì Aristotle cho rằng đó chưa phải là Mục đích cao nhất.
Mục đích thực sự của mỗi người phải là Mục đích cao nhất, tức là không có Mục đích nào khác nữa ở sau nó. Nếu chúng ta muốn có A để đạt được B thì A không phải là Mục đích cao nhất. Chúng ta phải nhìn thấy B, chỉ khi nào chúng ta không còn nhìn thấy mục đích nào khác ở đằng sau mục đích chúng ta đang muốn đạt được, thì đó mới là Mục đích thực sự – mà ở hầu hết mọi người thì cái Mục đích thực sự chính là Hạnh Phúc, như đã đề cập ở trên.
Để có được Hạnh phúc, Aristotle cho rằng nó đến từ việc sở hữu các phẩm hạnh. Có hai loại phẩm hạnh đó là Phẩm hạnh Trí tuệ và Phẩm hạnh Đạo đức. Một người có những Phẩm hạnh Trí tuệ sẽ dẫn tới một cuộc sống đầy chiêm nghiệm. Phẩm hạnh Trí tuệ là những sự ưu tú hay sức mạnh đã phát triển của lý trí – chúng nhìn thấy và công thức hóa các luật lệ, quy chuẩn, quản lý các hệ thống, và hài lòng khi thấy những điều này. Để phát triển Phẩm hạnh Trí tuệ cần nắm rõ và phân loại các kiểu Tri kiến (knowledge). Tri kiến lý thuyết là những loại tri kiến giúp chúng ta hiểu rõ những gì xung quanh mình. What it is (Nó là cái nó là). Aristotle bàn rất nhiều và để lại cũng rất nhiều các tác phẩm thuộc nhóm này. Ông bàn về Physics (Nature) tức là những gì chúng ta sờ, nắm, nghe, nhìn…thấy được và sự biến dịch của chúng. Sau này, phương Tây phát triển thành môn Vật lý. Dưới đây là danh sách các tác phẩm thuộc nhóm này.
- Physics
- Generation and Corruption
- On the Heavens
- Metaphysics (Siêu Hình Học, Book Hunter xuất bản, 2023)
- On the Soul (Bàn về Linh Hồn, Book Hunter xuất bản, 2023)
- Brief Natural Treatises
- History of Animals
- Parts of Animals
- Movement of Animals
- Meteorology
- Progession of Animals
- Generation of Animals
>> Tìm hiểu Bộ Tứ Aristotle do Book Hunter xuất bản vào tháng 2/2023, trong đó có các cuốn Bàn về Linh Hồn và Siêu Hình Học: Xuất bản Bộ Tứ Thế giới quan của Aristotle: Siêu Hình Học, Linh Hồn, Biện Luận, Chủ Đề – Book Hunter Lyceum
Vượt ra khỏi Physics là Metaphysics, tức là Siêu hình học, ông bàn tới những vấn đề đi xa hơn, những gì còn chưa bàn tới trong Physics. Và tác phẩm này thì bàn về cái gọi là Nguyên lý và Nguyên cứ của sự vật quanh ta. Nói nôm na là nguồn gốc của vạn vật. Trong cuốn này Aristotle đã phát biểu như sau:
Nghiên cứu Chân lý theo nghĩa nào đó thì khó, nhưng theo một nghĩa khác lại dễ. Điều này được thể hiện bởi thực tế là trong khi không ai có thể nắm bắt được đầy đủ về nó, thì không phải tất cả chúng ta đều thất bại trong nỗ lực này; [993b] mỗi nhà tư tưởng đưa ra một số tuyên bố về thế giới tự nhiên, và trong khi một cá nhân chỉ đóng góp ít hoặc không có gì cho cuộc truy tìm, thì một sự kết hợp của tất cả các phỏng đoán lại dẫn đến một điều gì đó đáng kể. Vì vậy, cho đến nay dường như Chân lý giống như cánh cửa thành ngữ mở rộng cho mọi người mà không ai có thể bỏ lỡ, theo nghĩa này, nghiên cứu của chúng ta sẽ dễ dàng; nhưng sự thật rằng chúng ta, dù có thể nắm bắt ở đâu đó cái toàn bộ, vẫn không thể nắm bắt được một phần cụ thể, cho thấy khó khăn của công việc này. Tuy nhiên, vì khó khăn cũng có thể được giải thích theo hai cách, nguyên cứ của nó tồn tại có thể không phải tới từ các đối tượng nghiên cứu của chúng ta mà là từ chính chúng ta: tương tự như cách đôi mắt của con dơi từ chối ánh sáng ban ngày, chính trí thông minh tinh thần của chúng ta có thể đã từ chối những chân lý hiển nhiên nhất.
(Siêu hình học, trang 82, Nguyễn Nguyên Hy và Lê Duy Nam dịch, NXB Đà Nẵng, 2022)
Mọi tri kiến đều phải bắt nguồn từ một cái gì đó ban đầu. Mọi hiểu biết đều dựa trên suy luận từ các TIÊN ĐỀ. Ví dụ như Hình học thì có các Tiên đề Euclid. Vậy các Tiên đề thì dựa vào đâu? Điều gì chứng minh được sự đúng đắn của chúng? Và tới đây thì xuất hiện Trực giác, một trong những loại Tri kiến mà Aristotle liệt kê ra. Bên cạnh Trực giác, Tri kiến Lý thuyết thì hẳn phải có Tri kiến thực tiễn. Những hiểu biết giúp chúng ta xử lý các vấn đề thực tế trong cuộc sống vì sự cấp thiết của nó. Và muốn có được các Tri kiến Thực tiễn tốt nhất thì trước tiên phải sở hữu Tri kiến Lý thuyết thật vững, nếu không những hành động đưa ra giống như những người lính chưa được đào tạo bài bản mà xông ra chiến trường vậy.
Bên cạnh Phẩm hạnh Trí tuệ chính là Phẩm hạnh Đạo đức, đạt được bằng kỷ luật.
Kỷ luật ở đây tức là một dạng tuân phục quy tắc hành xử được chấp nhận bởi một đối tượng là có giá trị đối với một nhóm hoàn cảnh lặp đi lặp lại trong cuộc đời con người. Sự tuân phục này yêu cầu tri thức về quy tắc đó và sự chấp nhận nó như là quy tắc của hành vi mà một đối tượng tự thực hiện, nhưng không nhất thiết phải là tri thức về căn cứ của nó hay mối liên hệ mang tính hệ thống của nó đối với những quy tắc được chấp nhận tương tự và được biết đến tương tự. Tức là cuộc sống luôn có những vấn đề mà có sự tương tự, lặp lại theo thời gian, và nếu một người ghi nhớ được bài học trong quá khứ, có thể xử lý được một cách tốt hơn khi gặp phải ở lần thứ 2,3…n.
Aristotle luôn nhấn mạnh loài người vượt trội hơn các động vật khác ở chỗ chúng ta có ký ức, có kinh nghiệm và có lý trí để phân tích, đưa ra quyết định tốt hơn sau mỗi lần phạm phải sai lầm. Và để thực hành hoàn thiện Lý trí Đúng thì Aristotle đã đưa ra hệ thống Trung Đạo.
>> Xem chuỗi video Online Review về Luân Lý Học của Aristotle do Book Hunter thực hiện
Bản chất lý luận Trung Đạo rất đơn giản.
Trong mỗi vấn đề xảy đến thì một lựa chọn mà một người chưa có Lý trí Đúng đưa ra luôn rơi vào hoặc Thừa, hoặc Thiếu. Ví dụ gặp nguy hiểm thì hoặc Liều lĩnh (Thừa) hoặc Nhút nhát (Thiếu). Trong việc chi tiêu thì hoặc Hoang phí (Thừa) hoặc Keo kiệt (Thiếu). Trong khi nếu có Lý trí Đúng thì sẽ lựa chọn được quyết định Trung Đạo. Gặp nguy hiểm thì Dũng cảm vì đã có sự chuẩn bị hiểu biết lẫn những thứ cần thiết khác. Trong chi tiêu thì Hào phóng, dám chi vào chỗ bản thân thấy hợp lý và dựa trên sự suy xét cẩn thận. Aristotle đã viết như sau về Trung Đạo trong Luân lý học:
Vì thế mà Phẩm hạnh về đạo đức, dĩ nhiên ý tôi là Phẩm hạnh, liên quan đến những cảm xúc và hành vi, trong hai khía cạnh này đều có thể có thừa, thiếu và Trung Đạo. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy những cảm xúc sợ hãi, tự tin, ham muốn, giận dữ, thương cảm, Vui Thú và Khổ Đau nói chung, quá nhiều hoặc quá ít, và cũng chẳng phải nhiều hay ít; tuy nhiên cảm nhận được những cảm xúc này đúng lúc, trong những dịp nào, đối với ai, tại sao, và cũng như điều chúng ta nên làm, là sự Trung Đạo, hay nói cách khác là trạng thái tốt nhất, và điều này thuộc về Phẩm hạnh.
Đối với các hành vi cũng tương tự, có thể có thái quá, khuyết thiếu và Trung Đạo. Phẩm hạnh có liên quan đến các hành vi và cảm xúc, mà trong những khía cạnh này sự thái quá là sai trái và khuyết thiếu là đáng bị chỉ trích nhưng sự Trung Đạo được ca ngợi cũng như đi theo đúng đường; và tất cả những trạng thái này đều thuộc Phẩm hạnh. Do đó mà Phẩm hạnh được xem là trạng thái Trung Đạo, bởi chắc chắn nó có khả năng đạt được sự Trung Đạo.
(Luân lý học, trang 75, Lê Thúy Ái, Nguyễn Thế Anh, Bùi Minh Hùng, Nguyễn Minh Tuấn dịch, Lê Duy Nam hiệu đính, NXB Đà Nẵng, 2020, tái bản 2021,2022)
Trung Đạo chính là một cái bảng mà mỗi chúng ta có thể tự bổ sung thêm, liệt kê thêm trong hoàn cảnh của chính mình.
- Đối với sự thật: Người ở trạng thái Trung Đạo chúng ta sẽ gọi là Thật Thà, và trạng thái của anh ta là Chân Thật, và như đối với sự che giấu sự thật, nếu nó ở phía phóng đại, thì là Khoác Lác, và người có tính này là một kẻ Khoe Khoang Khoác Lác; nếu ngược lại thì sẽ được gọi là Dè Dặt và Khép Kín.
- II. Đối với sự dễ chịu theo cách thư giãn hoặc giải trí: Trạng thái Trung Đạo sẽ được gọi là Hóm Hỉnh, và nhân cách tương ứng là một người Hóm Hỉnh; thái quá là Trò Hề, và người thái quá là một tên hề; kẻ kém hài hước là một người Cục Mịch, và trạng thái của anh ta là Cục Mịch.
- III. Đối với sự dễ chịu trong cuộc sống thường ngày: Người như vậy nên được gọi là Thân Thiện, và trạng thái Trung Đạo của anh ta là Thân Thiện: anh ta quá đà, nếu nó không đi cùng với bất kỳ động cơ lợi ích nào, thì là quá Dễ Dãi, còn nếu đi kèm với động cơ lợi ích, thì là Xu Nịnh; người khuyết thiếu và khó chịu trong mọi hoàn cảnh, thì là Gây Gổ và Cáu Gắt.
(Luân lý học, trang 75, Lê Thúy Ái, Nguyễn Thế Anh, Bùi Minh Hùng, Nguyễn Minh Tuấn dịch, Lê Duy Nam hiệu đính, NXB Đà Nẵng, 2020, tái bản 2021,2022)
Chúng ta tham khảo bảng Trung Đạo sau trong Luân lý học:
Đối với những nỗi sợ hãi và sự tự tin hoặc tính liều lĩnh | Trạng thái Trung Đạo là Can Đảm: dĩ nhiên, con người có thể thái quá trong trường hợp thiếu vắng đi nỗi sợ hãi hoặc tự tin tuyệt đối: ở trường hợp đầu thì không có tên gọi (một trường hợp phổ biến), trường hợp sau thì được gọi là liều mạng: hơn thế nữa, con người quá sợ hãi và thiếu tự tin thì được gọi là một kẻ nhát gan. |
Đối với những Vui Thú và Khổ Đau (nhưng không phải là tất cả, và có lẽ với Khổ Đau ít hơn Vui Thú) | Trạng thái Trung Đạo ở đây là Hoàn Toàn Tự Chủ, sự khuyết thiếu hoàn toàn không hiện diện trong Tự Chủ. Do đối với khuyết thiếu ở khía cạnh Vui Thú, thì chẳng có ai thực sự chịu trách nhiệm về nó, thế nên, tất nhiên, không thực sự có tên gọi nào cho những đặc tính như vậy, nhưng, để người ta có thể hiểu được, chúng ta sẽ đặt cho chúng một cái tên và gọi chúng là vô cảm. |
|
Đối với việc ban phát và nhận lấy của cải (a) | Trạng thái Trung Đạo là sự Hào Phóng, thái quá là Hoang Phí, khuyết thiếu là Keo Kiệt: mỗi thái cực này thực ra đều bao hàm cả sự thái quá và khuyết thiếu đối nghịch với nhau: ý tôi là, kẻ hoang phí cho đi quá nhiều và nhận về quá ít, trong khi người keo kiệt lấy về quá nhiều và cho đi quá ít. (Phải hiểu rằng lúc này chúng ta chỉ đang cố ý đưa ra một cái khung phác thảo và tóm tắt: và chúng ta sẽ, ở phần sau của chuyên luận, nói rõ về những khác biệt chi tiết hơn.) |
|
Đối với sự giàu có (b) | Có những khuynh hướng khác với những điều vừa được đề cập; trạng thái Trung Đạo gọi là Kỳ Vĩ (vì người Kỳ Vĩ khác với người hào phóng, loại thứ nhất cần phải thật giàu có còn loại thứ hai thì có tài sản nhưng nhỏ thôi); thái quá gọi là Khiếm Nhã hay Thô Tục, và khuyết thiếu là Tầm Thường (những thái cực này cũng khác so với những thái cực liên quan đến sự hào phóng, và điểm khác biệt của chúng cũng sẽ được bàn đến sau). |
|
Đối với thanh danh và ô danh (a) |
Trạng thái Trung Đạo là sự Vĩ Đại của Tâm Hồn, thái quá là cái có tên Khoác Lác, và khuyết thiếu là sự Nhỏ Mọn của Tâm Hồn. |
Đối với thanh danh và ô danh (b) |
Đó là một trạng thái cũng liên quan đến sự Vĩ Đại của Tâm Hồn giống như Hào Phóng với Kỳ Vĩ mà chúng ta vừa nhắc đến, điểm khác nhau là ở mức độ sở hữu. Trạng thái này có liên hệ với thanh danh khiêm tốn, cũng như sự Vĩ Đại của Tâm Hồn với thanh danh vĩ đại; dĩ nhiên, một người có thể đạt được thanh danh nhiều hoặc ít hơn so với thanh danh anh ta nên có; giờ người đạt được quá nhiều được gọi là tham vọng, người không đạt được gọi là không tham vọng, người đạt được đúng những gì mình xứng đáng thì lại chẳng có tên gọi nào phù hợp; thực tế không có những trạng thái này, ngoại trừ những người có khuynh hướng tham vọng được gọi là tham vọng. Vì lý do này mà những người thuộc thái cực nào cũng đòi hỏi sự Trung Đạo như một vùng đất tranh chấp, và đôi khi chúng ta lại gọi tính tốt bằng cái tên tham vọng, đôi khi là không tham vọng, thỉnh thoảng ta ca ngợi cái này và có lúc lại ca ngợi cái khác. Tại sao chúng ta lại làm thế sẽ được bàn đến ở phần sau của chuyên luận; nhưng giờ chúng ta sẽ tiếp tục với những Phẩm hạnh còn lại theo như dự định đã đề ra. |
|
Đối với sự giận dữ | Trường hợp này cũng có trạng thái thừa, thiếu và Trung Đạo; nhưng vì chúng có thể được gán vào những cái tên chưa thật phù hợp, nên chúng ta gọi Đức Tính là Hiền Lành, chúng ta sẽ gọi trạng thái Trung Đạo là Thanh Lịch, và đối với những thái cực, hãy gọi người thái quá là Cáu Kỉnh, và trạng thái ấy là Nóng Tính; người khuyết thiếu là Thiếu Giận Dữ. |
(Luân lý học, Trang 77,78 Lê Thúy Ái, Nguyễn Thế Anh, Bùi Minh Hùng, Nguyễn Minh Tuấn dịch, Lê Duy Nam hiệu đính, NXB Đà Nẵng, 2020, tái bản 2021,2022)
Và khi đã đạt được Lý trí Đúng ở một mức độ nào đó, thực hành Trung Đạo ở một mức độ nào đó, tới một lúc sẽ trở nên Kỳ vĩ. Và có người sẽ thắc mắc nếu Trung Đạo có tính tùy biến cao như vậy thì làm sao để tùy biến ko thành tùy hứng?
Thực ra Aristotle vẫn luôn không đưa ra cách thức cụ thể và chính xác để đạt được Trung Đạo, mà tùy trường hợp của mỗi người, tự xây dựng cái “cảm nhận Trung Đạo” của chính mình. Một nguyên tắc rút ra từ Aristotle đó là luôn xem xét một vấn đề từ nhiều chiều nhất có thể, luôn đặt câu hỏi để đi đến cách xử lý tốt hơn chứ không có một phương án đúng duy nhất. Aristotle cực kỳ phản đối lối tư duy phổ quát mà Plato và các triết gia trước Aristotle đeo đuổi. Sẽ không có quy tắc vạn năng cho mọi tình huống. Nhưng Aristotle đề cao việc nhận biết sự vật và sự việc như nó vốn là (được bàn kỹ trong Siêu Hình Học và Chủ Đề). Khi nhận biết được nó, và hiểu được tiềm năng cũng như mục đích phát triển của nó, thì ta sẽ có năng lực sử dụng đúng đắn. Và để có năng lực đó thì ta phải ra khỏi lối tư duy phổ quát hóa mọi thứ. Mỗi người sẽ có một tự tính và tiềm năng phát triển riêng mình, mà thực ra phẩm hạnh đạo đức của một người cũng cần được xây dựng từ đó chứ không thể có một cái “tốt chung chung”.
Từ Lý trí Đúng hình thành nên Trung Đạo và Kỳ vĩ là biểu hiện tốt nhất của Trung Đạo.
Kỳ vĩ thì chắc chắn là Hào phóng. Nhưng Hào phóng thì chưa chắc đã Kỳ vĩ. Một người chỉ có tài sản 10 đồng mà sẵn sàng cho đi 5 đồng nếu thấy hợp lý thì đó là Hào phóng. Một người có 1 tỷ nhưng chỉ cho đi 10 đồng trong khi cần chi ra nhiều hơn thì lại là keo kiệt. Sự Hào phóng liên quan tới tỷ lệ mà người ta cho đi so với cái người ta sở hữu. Nhưng Kỳ vĩ là Hào phóng ở quy mô lớn. Đây là lý do chọn từ Kỳ vĩ, trong đó Vĩ muốn nói tới cái lớn; kỳ liên quan tới việc quản lý một khối tài sản lớn, thực hiện một công việc lớn.
Aristotle dùng từ Người Kỳ Vĩ còn ám chỉ những người hành động vì quyền lợi của cộng đồng. Nhưng ông không khuyến khích loại người hi sinh lợi ích của mình vì cộng đồng. Nếu một người làm cho cộng đồng nhiều hơn cho mình thì dẫn tới bất công với chính mình. Người Kỳ Vĩ đơn giản là người biết cho đi một cách xứng đáng. Và thường thì những người có khối tài sản lớn thì dễ cho đi hơn so với người không có sở hữu gì.
Aristotle bàn như sau về sự Kỳ vĩ:
“Tiếp theo chúng ta sẽ bàn về sự Kỳ vĩ, một phẩm hạnh được cho là giống với sự hào phóng, với nội hàm là Tài sản; nhưng nó không mở rộng ra toàn bộ giao dịch liên quan tới tài sản, mà chỉ áp dụng cho những đối tượng đắt đỏ, và trong những trường hợp vượt xa khỏi hào phóng ở quy mô, bởi nó liên quan tới chi tiêu ở quy mô lớn: tất nhiên khái niệm này mang tính tương đối, ý tôi là, chi phí để trang bị và vận hành một thuyền chiến cỡ lớn không giống như việc tổ chức một buổi diễn trước công chúng. Tính tương đối cũng áp dụng với cá nhân, vấn đề nằm ở đâu và anh ta phải chi tiêu lên cái gì. Và một người không được xem là Kỳ vĩ khi chi tiêu vào thứ anh ta nên ở mức độ nhỏ hoặc những thứ tầm thường, hoặc, ví dụ, “Tôi cho một kẻ ăn xin lang thang,” mà phải thực hiện những vấn đề vĩ đại: tức là, người Kỳ vĩ là một kẻ hào phóng, nhưng một kẻ hào phóng thì chưa chắc đã Kỳ vĩ. Trạng thái thiếu sót tương ứng với nó là Bần tiện, còn thái quá của nó là Thừa thãi Thô tục, Thiếu óc Thẩm mỹ và tương tự như vậy; cái sai của chúng, không phải bởi ở quy mô quá lớn khi xét tới các đối tượng thích đáng, mà bởi vì chúng phô trương các đối tượng bất hợp lý, và qua các cách thức không thích đáng. Chúng ta sẽ nói về chúng sau. Người Kỳ vĩ là người có kiến thức, bởi anh ta có thể nhìn thấy điều gì phù hợp, và có thể chi tiêu lớn vào những thứ có thẩm mỹ; bởi vì, như chúng ta đã nói ở phần đầu, thói quen đã xác lập được quyết định bởi các hành động và các đối tượng của nó. Sự chi tiêu của người Kỳ vĩ là to lớn và phù hợp: cũng tương tự như công việc của anh ta (bởi vì điều này đảm bảo chi tiêu không đơn giản là lớn, mà còn thích hợp với công việc). Do đó công việc tương xứng với chi tiêu, và điều này tương xứng trở lại với công việc, hoặc thậm chí còn hơn: người Kỳ vĩ sẽ thực hiện những chi tiêu đó từ động cơ đáng kính, thường gặp ở mọi phẩm hạnh, và bên cạnh đó anh ta sẽ thực hiện điều này với vui thú và sự rộng rãi; bởi vì tính toán chính xác quá mức đồng nghĩa với Bủn xỉn. Anh ta sẽ xem xét cả cách thức để một việc có thể được thực hiện đẹp nhất và phù hợp nhất có thể, nhiều hơn so với xem xét cần hết chi phí là bao nhiêu và làm sao để chi tiêu ít nhất để hoàn thành nó.”
(Luân lý học, trang 126,127 Lê Thúy Ái, Nguyễn Thế Anh, Bùi Minh Hùng, Nguyễn Minh Tuấn dịch, Lê Duy Nam hiệu đính, NXB Đà Nẵng, 2020, tái bản 2021,2022)
Chúng ta có thể hiểu rằng, theo Aristotle, khi một người Kỳ vĩ đã quyết định thực hiện một công việc to lớn và cần phải chi tiêu nhiều, người Kỳ vĩ sẵn sàng làm việc đó mà không tính toán chi ly. Nếu như có sự tính toán được mất, thiệt hơn quá kỹ lưỡng thì công việc có thể sẽ không được hoàn thành như mong muốn ban đầu. Chúng ta có thể nhìn thấy một số hình mẫu người Kỳ vĩ nổi tiếng hiện nay như Bill Gates và Warren Buffett khi họ quyết tâm xử lý các vấn đề lớn và đòi hỏi chi tiêu lớn như cung cấp nước sạch tại châu Phi, loại bỏ các dịch tiêu chảy, sốt rét cũng tại châu Phi…một khu vực bất ổn chính trị và bạo lực triền miên. Và còn rất nhiều tỷ phú khác đang đi theo mô hình người Kỳ vĩ bằng các hành động tương tự. Tuy nhiên, để đánh giá mức độ hiệu quả của những công việc này không hề đơn giản. Do đó, điều kiện cần là phải xuất phát từ Lý trí Đúng thì chúng ta mới có thể tiến lên sự Kỳ vĩ, nếu không việc chi tiêu đôi khi mang lại tác dụng trái mong muốn.
Chính Trị Luận là phần nửa sau của Luân Lý Học. Chính Trị Luận bàn về cách phân phối tài sản và ra quyết định trong một quốc gia, cũng như phân công lao động trong quốc gia ấy. Trong Chính Trị Luận, Aristotle cũng khẳng định là Tài sản càng nhiều thì trách nhiệm xã hội sẽ càng lớn. Dễ thấy, theo Aristotle thì chỉ có những con người với tâm tư Kỳ vĩ mới dễ dàng và phù hợp với công việc chính trị, bởi lẽ chính trị luôn đòi hỏi phải xử lý và ra quyết định đối với những vấn đề to lớn, liên quan tới rất nhiều người. Tuy nhiên, với sự hình thành của truyền thông đại chúng, báo chí và truyền thông xã hội, đặc biệt là tại các nền chính trị có sự phát triển công nghệ truyền thông mạnh mẽ, chính trị hiện nay đã trở thành một sự cạnh tranh về kiểm soát công cụ truyền thông thay vì thực sự giải quyết các vấn đề mà một chính trị gia phải làm, đó là đưa ra các quyết định đúng đắn nhất, giúp cộng đồng của người ấy phát triển trọn vẹn, mỗi công dân trong đó được hạnh phúc nhất.
Trên đây là những nội dung sơ lược về tư tưởng của Aristotle trong Luân lý học, dù rằng nó chỉ chiếm chưa tới 10% toàn bộ nội dung mà ông bàn tới trong cuốn sách, nhưng là mạch phát triển lõi xâu chuỗi các lập luận của ông liên quan đến tư duy đạo đức của con người. Hi vọng rằng mỗi độc giả có thể tìm thấy những tri thức bổ ích từ Aristotle và có thể áp dụng trong thời đại hiện nay.
Hãy luôn nhớ chuỗi phát triển mà Aristotle muốn nhắn nhủ: Lý trí đúng -> Trung Đạo -> Sự Kỳ vĩ.
Lê Duy Nam
1 Bình luận