Tôi chưa từng xem chương trình “60 phút mở” của VTV, bởi đã lâu rồi tôi không còn có hứng thú với truyền hình Việt Nam. Tôi chỉ biết đến những gì VTV đang làm qua mạng xã hội, và mới đây nhất là cuộc tranh luận về làm từ thiện. Ngay sau cuộc tranh luận này, lại một cơn sóng dư luận ồ ạt bênh vực và ca ngợi những người làm từ thiện. Qua sự việc vừa kể trên, tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải ngồi lại và suy ngẫm thêm về định nghĩa của làm từ thiện. Tôi không mong đưa ra một câu trả lời xác đáng, chỉ đưa ra những nghi vấn và gợi ý về cách thức làm từ thiện hiện nay ở Việt Nam.
Thế nào là “làm từ thiện”?
Truyền thống Á Đông cổ rất đề cao những người “thiện”, tức là những người không bao giờ có suy nghĩ hay hành động ác ý làm tổn thương người khác. Ở một cấp độ cao hơn của “thiện”, đó là “từ”, tức là lan tỏa lòng thiện đó tới xung quanh, để nâng đỡ đời sống của người khác được tốt đẹp hơn. Người ta có nhiều cách để phân phát, có thể bằng những nghĩa cử hàng ngày như ân cần trong đối xử, cứu tế người gặp nạn, nâng đỡ tinh thần những người đau khổ…v…v… Đó là cách hiểu chung chung của chúng ta về khái niệm “từ thiện”. Chẳng biết từ bao giờ, khái niệm “từ thiện” đã ra đời, rồi sau đó nhanh chóng trở thành một cách để gọi những người đem một phần tài sản của mình để hỗ trợ người nghèo. Nói một cách khác, việc làm việc thiện đã bị gói gọn lại bằng một cách hiểu là “đem tiền cho người nghèo”. Khoan hãy bàn về việc “làm từ thiện” theo cách này có đúng đắn và hiệu quả hay không, ta hãy thử xem xét lại cách gọi đó có chuẩn xác hay không.
Chúng ta đều thấy rằng “từ thiện” vốn là một từ Hán Việt. Theo “Hán Việt từ điển” của Thiều Chửu, “từ thiện” được kết hợp giữa “thiện” có nghĩa là việc tốt và “từ” có nghĩa là lòng thương yêu. Như vậy, có nghĩa là ngay từ nghĩa ban đầu của “từ thiện” có nghĩa là những việc tốt xuất phát từ lòng thương yêu. Lòng thương yêu này phải đến một cách tự nhiên, từ trái tim rộng mở, chứ không phải đến bằng trào lưu. Những người làm từ thiện hiện nay, có người làm vì trái tim họ cảm thấy xót thương cho số phận con người, có người làm vì muốn bù lấp cho những tội lỗi do làm ăn bất chính của mình, có người làm vì muốn làm truyền thông do danh tiếng cá nhân hoặc doanh nghiệp, có người làm từ thiện đơn giản để rửa tiền. Bởi thế, “làm từ thiện” đã không còn là “làm từ thiện” đúng với nghĩa của nó. Bởi vì, nếu không phải là sự yêu thương đến từ bên trong, thì tất cả các mục đích làm từ thiện khác đều là xấu xa. Hơn nữa, nếu người làm từ thiện mà không xuất phát từ tâm thiện ở bên trong, hàng ngày vẫn tham nhũng, vẫn lừa đảo, vẫn hành hạ người khác, thì đó càng không thể gọi là “làm từ thiện”.
Bàn về “sự yêu thương” cũng lại rất tốn giấy mực (rất may là giờ đây tôi không viết bằng giấy mực nữa). “Sự yêu thương” đích thực chỉ đến từ sự đồng cảm. Có nghĩa là khi một người nào đó đau khổ, ta cũng cảm nhận thấy sự đau khổ của người ấy như thể chính ta đau khổ vậy. “Sự yêu thương” này không dễ dàng để bất cứ ai cũng có. Sự đồng cảm ấy đến từ đâu thì đó lại là điều huyền bí mà chúng ta có thể sẽ bàn đến ở một bài viết khác. Còn những trường hợp khác, khi bạn đặt bản thân mình và một người có số phận bất hạnh lên bàn cân để đối sánh, rồi nghĩ rằng mình phải cứu giữ họ, thì đó là “sự thương hại”. Nếu bạn cứu giúp họ với thái độ như vậy, tự bạn đã hạ thấp nhân phẩm của những người bất hạnh, để tự nâng bản thân mình như một “đấng cứu chuộc”, và tự cho rằng mình đang làm điều tốt cho xã hội. Cứ cho là bạn đang làm điều tốt cho xã hội bằng “lòng thương hại” của bạn, đó là lựa chọn của bạn, thì việc làm này cũng không liên quan đến khái niệm “từ thiện”, theo đúng định nghĩa chuẩn của nó.
Vậy chúng ta có thể gọi những công việc cứu tế, giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn hơn mà không xuất phát từ tình yêu thương là gì? Tôi xin đề xuất một từ vừa tầm với các bạn hơn, đó là “thiện nguyện”, có nghĩa là những việc làm hướng tới điều tốt lành. Nếu chúng ta muốn làm việc tốt vì mặc cảm, vì động cơ truyền thông hay chính trị hay thậm chí cả rửa tiền, dù sao cũng là một điều tốt, vì vẫn có những người nghèo được hưởng lợi từ việc đó. Nhưng chúng ta không nên “thần thánh hóa” việc làm của chúng ta, rồi khoác lên mình chiếc mặt nạ của từ tâm, bởi đó là dối trá – tự lừa dối cả bản thân và cộng đồng. Vì thế, hãy trung thực với công việc phi lợi nhuận mà bạn đang làm và trở về đúng với vị trí của mình. Điều đó rất có ích cho xã hội.
Hạn chế của các “phong trào từ thiện”
Như tôi đã phân tích ở trên, ta có thể thấy, đa số các hoạt động được gọi là “từ thiện” hóa ra lại không phải là “từ thiện”, thế nên “phong trào từ thiện” trở thành một trò lố bịch, bởi không ai có thể “yêu thương và đồng cảm” theo phong trào. Vì thế, tôi xin mạn phép từ giờ sẽ không gọi các hoạt động ấy là “từ thiện” nữa, mà gọi là thiện nguyện.
Các phong trào thiện nguyện rất có ích ở điểm có thể giúp huy động các nguồn vốn dân sự để giải quyết một số khó khăn trong xã hội, đặc biệt ở các thời điểm có thiên tai, địch họa. Hiện nay, ta thấy, nhà nhà đi giúp đỡ người nghèo, người người đi giúp đỡ người nghèo, đại gia dốc cả tỉ bạc để cho người nghèo, ca sĩ cũng bán vé rồi trích ra một phần ủng hộ người nghèo, các tổ chức xã hội và dân sự cũng lao vào giúp đỡ người nghèo để đánh bóng tên tuổi, các tu sĩ ở cả hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo cũng tuyên truyền rằng làm việc thiện sẽ giúp rửa nghiệp hoặc rửa tội… Tóm lại, trong việc này, người nghèo được lợi, và những người đi giúp người nghèo cũng được lợi. Thế nhưng, ở một khía cạnh nào đó, việc làm “thiện nguyện” sẽ gây ra bước cản cho xã hội. Dưới đây, tôi xin được đưa ra mấy lập luận sau:
Thứ nhất, nước ta chưa có cơ chế kiểm tra chất lượng hoạt động và tính minh bạch của các quỹ thiện nguyện này. Tức là, chúng ta chưa biết được tiền ủng hộ của mình cho một quỹ hoạt động nào đó có được tiêu một cách đúng mục tiêu hay không, hay lại xảy ra hiện trạng bớt xén hoặc lợi dụng quỹ để đầu cơ vào bất động sản hay cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, nguồn gốc của các khoản tiền ủng hộ ra sao, chúng ta cũng không được biết. Đó là khoản tiền “sạch”, hay là tiền bất chính của các doanh nghiệp làm ăn bất chính đang cần được hợp lý hóa mà “ban phát cho người nghèo” luôn là phương án hữu hiệu nhất. Vậy thì, một cơ chế bắt buộc trong công khai minh bạch các quỹ thiện nguyện cả ở hai đầu thu – chi là một điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên.
Thứ hai, việc làm thiện nguyện chỉ cho người dân nghèo con cá mà không cho họ cần câu, khiến họ đã nghèo còn nghèo mãi, thậm chí còn thấy việc nghèo là có lợi. Tôi cho rằng quan điểm này không ít người sẽ đồng tình với tôi. Tôi xin kể một câu chuyện về lần đi làm thiện nguyện duy nhất của tôi. Ngày đó, tôi hay lang thang ở Bãi Giữa Sông Hồng. Dân ở đây sống trên nhà thuyền được đóng từ thùng phi và hộp các-tông. Tôi tự thấy rằng, mình cần có trách nhiệm phải giúp người dân ở đây sống tốt hơn. Tôi đi kêu gọi các bên ủng hộ tiền bạc và sách vở, đồ dùng học tập, thuốc men…v…v… Thế nhưng, khi chuyển đồ tới khu dân cư Bãi Giữa, tôi mới thấy rằng nhóm của mình không phải tổ chức duy nhất. Cùng thời điểm tôi đang chuyển đồ ủng hộ xuống Bãi Giữa, có mười nhóm đang làm như vậy. Không biết bao nhiêu tổ chức đã đổ tiền vào để giúp những người sống trên thùng phi đó. Ấy vậy mà, đến mùa đông năm đó, tôi cùng bạn bè lên cầu Long Biên ăn ngô nướng, chính gia đình ở Bãi Giữa đã từng than thở với tôi thu nhập chỉ có 15.000 đồng một ngày, là người bán quán. Họ không nhận ra tôi, (vì một ngày họ phải tiếp quá nhiều đoàn thiện nguyện) và họ bán cho tôi 5 bắp ngô tự nướng trên lò than cùng 5 cốc trà chanh với giá 300.000. Và bạn hãy tưởng tượng, rải rác bán ngô và trà chanh khắp cầu Long Biên chính là các gia đình sống ngay dưới Bãi Giữa. Ngồi một buổi tối, không biết một nhà có thể bán được bao nhiêu bắp ngô, nhưng tôi chắc chắn thu nhập của họ còn cao hơn của tôi. Ấy vậy mà họ vẫn tiếp tục sống ở xó nước bẩn thỉu và ngửa tay đón nhận những đồng tiền ủng hộ.
Câu chuyện tôi vừa kể trên có lẽ sẽ không đúng với những khu vực có nhiều người dân gặp tình cảm khó khăn thật sự, nhưng vấn đề “làm thiện nguyện” sẽ gây ra tình trạng nghèo hóa diễn ra nhanh hơn. Bởi trên thực tế, các khu vực nghèo hoặc những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn thường đến từ mấy nguyên nhân: 1, Vì có người tàn tật (đối với gia đình); 2, Vì đất đai cằn cỗi không thể kiếm lợi; 3, Vì dốt nát về kiến thức; 4, Vì lười biếng. Với 4 lý do trên, ngoài lý do thứ nhất ra, cả ba lý do còn lại đều có thể được cải thiện bằng nhiều cách. Thế nhưng, các “nhà thiện nguyện hảo tâm” đã không đầu tư nhiều để cải thiện ba lý do trên mà chỉ đổ tiền vào giúp đỡ như muối bỏ bể, không biết bao nhiêu là đủ. Và thế là nghèo lại hoàn nghèo.
Hướng đi mới cho các quỹ thiện nguyện
Để có một hướng đi mới dẫn đến các hoạt động thiện nguyện hiệu quả hơn, trước hết, ta phải mở rộng khái niệm “thiện nguyện”. Làm “thiện nguyện” không phải đơn thuần là cứu giúp người nghèo. Đó là những công việc huy động nguồn vốn xã hội để giúp đời sống xã hội tốt hơn. Xã hội có thể tốt hơn bằng nhiều cách.
Với những hộ gia đình hoặc khu vực nghèo khó, thay vì chúng ta cho họ tiền bạc, chúng ta có thể hướng dẫn cho họ cách kiếm sống phù hợp với năng lực của họ. Việc này đương nhiên cần có kiến thức, thời gian, và nhân sự. Để làm công việc thiện nguyện một cách nghiêm túc, chúng ta cần phải chuẩn bị đầy đủ và chu đáo. Tôi được biết ở Việt Nam có một mô hình hoạt động như vậy, được gọi là các “quỹ tài chính vi mô”. Những người làm “tài chính vi mô” sẽ vận động quỹ, mời chuyên gia về phân tích các đặc tính của làng xã rồi hướng dẫn làng xã sản xuất ra các mặt hàng thủ công. Các quỹ này còn tư vấn cho người dân nghèo cách thức thiết kế sản phẩm, quản lý tài chính và móc nối với các đầu mối thu mua sản phẩm ở nước ngoài. Đây là một hình thức mới đang dần dần chứng minh tính hiệu quả của mình. Đó chỉ là một trong số rất nhiều các mô hình tài chính có thể giúp đỡ người nghèo.
Nếu chúng ta nhìn rộng ra, chúng ta sẽ thấy rằng xã hội còn rất nhiều vấn đề bất ổn vì thiếu các nền tảng tri thức. Sử dụng các quỹ thiện nguyện vào các hoạt động tri thức như nghiên cứu khoa học, kiến tạo các giá trị văn hóa, dịch thuật, giáo dục… cũng là một cách tốt để khuyến khích và tạo điều kiện cho những người tài năng có thể đưa ra các phát kiến để thay đổi xã hội. Thế nhưng, việc này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, bởi một phần lý do quan trọng, đó chính là các “nhà thiện nguyện” cũng mặc cảm về sự thiếu hiểu biết của mình, nên không dám bỏ tiền vào các hoạt động mà họ không có khả năng để kiểm định. Ngoài ra, còn chưa kể đến các “nhà thiện nguyện” không thật sự muốn cải tạo xã hội, mà chỉ đơn thuần là muốn truyền thông đánh bóng tên tuổi hoặc rửa tiền.
Xét một cách tổng quát, việc làm thiện nguyện sẽ phát huy được tối đa tất cả sự hữu ích của mình, nếu được đặt trên nền tảng là một cơ chế minh bạch tài chính, sự hiểu biết về tri thức và sự trung thực với bản thân của mỗi nhà thiện nguyện. Nếu không, công việc “thiện nguyện” sẽ trở thành vỏ bọc cho những động cơ không chính đáng, và sẽ chỉ kéo lùi sự tiến bộ của xã hội bằng việc tạo ra một lớp người nghèo đói chỉ biết ngửa tay cầu xin lòng thương hại.
Hà Thủy Nguyên