Từ trước đến nay, Hóa thân của Kafka vẫn được xem như là cuốn sách hàm chứa nhiều lớp nghĩa: Phản ánh mối quan hệ cha-con, thế giới bị đồng tiền chi phối, sự thay đổi (chủ động hay bị động), hoặc sự lạc lõng của con người giữa những người thân, đồng nghiệp… Người đọc đọc cuốn tiểu thuyết vẫn thường rơi vào cảm xúc hụt hẫng, buồn trùng xuống khi câu chuyện kết thúc, cũng là khi biết bao suy nghĩ về số phận con người trong xã hội liên tục được mở ra mặc cho trang sách cuối cùng đã khép. Tiếp cận tác phẩm Hóa thân, tôi không muốn nhắc lại những mệnh đề đã cũ. Trong phạm vi bài viết lần này, tôi chỉ xin bàn về bi kịch của con người cá nhân khi bị đóng khung trong cái nhìn của xã hội.
Link mua sách: https://www.bookhunterlyceum.org/san-pham/hoa-than/
Truyện kể về Gregor Samsa, nhân viên giao hàng, trong một lần tỉnh dậy sau giấc mơ dài mệt mỏi đã bị biến thành một con bọ. Cuộc biến đổi ấy kéo theo một loạt những xáo trộn trong công việc và ảnh hưởng đến gia đình (gồm bố mẹ và một cô em gái) của Gregor. Từ một người từng là “trụ cột gia đình”, Gregor bỗng chốc trở thành kẻ vô dụng chỉ sau một đêm. Gánh nặng bắt đầu đè lên vai những thành viên còn lại của gia đình. Trong lúc đó, Gregor cũng loay hoay trong hình dáng mới của bản thân, và phải hứng chịu cả sự ghẻ lạnh từ người bố. Một lần, vì quá tức giận, ông ném quả táo vào người Gregor. Quả táo đã khiến Gregor không thể chuyển động được một cách tự nhiên, sự chăm sóc của người em gái cũng thưa thớt dần. Trong một lần nghe được cuộc nói chuyện giữa bố mẹ và em gái, Gregor quá đau khổ, chui vào căn phòng riêng và trút hơi thở cuối cùng. Sau sự ra đi của Gregor, không khí gia đình trở nên nhẹ nhõm và thoải mái hẳn. Mọi người cùng vui vẻ trong chuyến đi chơi xuống phố, đặc biệt là cô em gái Crete.
Trên đây là tóm tắt sơ lược nhất về nội dung truyện Hóa thân. Cũng giống như Lâu đài và Vụ án, Hóa thân là một truyện dễ tóm tắt, nhưng để hiểu được cặn kẽ những gì tác giả muốn truyền tải lại là một công việc cực kỳ khó khăn. Rõ ràng chỉ là một câu chuyện về một người bỗng – dưng không thể làm việc, song qua cách các nhân vật phản ứng, cuốn tiểu thuyết lại đưa ra một thảm kịch về nhận dạng con người cá nhân.
Lúc đầu, Gregor Samsa là một anh nhân viên giao hàng cần mẫn, luôn cố gắng làm việc chăm chỉ, vừa lòng sếp để có thể nhận được nhiều tiền lương hơn, nhằm chu cấp một cuộc sống tốt hơn cho gia đình mình. Anh cũng là một người yêu thương em gái vô cùng. Nguyện vọng của anh là kiếm đủ tiền nuôi sống bố mẹ và có thể cho cô em gái đi học tại Nhạc viện. Đó là Gregor Samsa ban đầu – một Gregor được mô tả lại thông qua chính suy nghĩ của Gregor hiện tại. Thực chất, đó không phải chỉ là suy nghĩ riêng của Gregor Samsa. Khi anh nai lưng làm việc, gia đình anh cũng đồng tình với ý nghĩ đó, rằng người con trai lớn của họ sẽ là người đi làm và chăm lo cho cả gia đình. Những suy nghĩ ấy của Gregor và gia đình áp đặt lên chính thân xác Gregor, và chúng “định vị” kẻ tên Gregor Samsa sẽ là một kẻ có “công dụng” như vậy, trong mắt ông giám đốc, bố mẹ và người em gái. Nói cách khác, độc giả không biết đến nhân vật Gregor Samsa thật sự, mà chỉ biết đến một nhân vật mà tất cả các nhân vật khác đều nghĩ rằng Gregor Samsa phải giống như thế. Cuộc sống cá nhân của Gregor không được nhắc đến trong tác phẩm này. Vì sao? Vì thực ra anh ta đang bị nhốt vào trong thực tại mà anh ta là người có trách nhiệm phải đi làm, phải yêu thương gia đình, phải cho cô em vào trường Nhạc viện.
Lần thứ hai bị cầm tù cũng chính là lần được nhắc đến dài nhất trong cuốn tiểu thuyết: Khi Gregor Samsa bị biến thành một con bọ khổng lồ. Nếu trước đây, Gregor bị nhốt trong suy nghĩ thì lần này, anh ta bắt đầu bị nhốt vào một nhân dạng hoàn toàn khác hẳn, trông xấu xí và bẩn thỉu, dị dạng đến mức không ai dám lại gần. Biến thành con bọ, tức là sẽ không thể đi làm, không thể kiếm tiền, không thể phát huy được cái công dụng mà trước đây anh ta vẫn thực hiện nữa. Không những vậy, Gregor còn làm mọi người kinh sợ và tháo chạy, làm cô em gái ngày càng chán ngán. Thế nhưng, ta cũng cần phải nhìn ngược lại vấn đề, và đặt câu hỏi: Do Gregor bị biến thành con bọ nên không thể làm việc như trước, hay vì do anh không còn có thể làm việc như trước nên trong mắt mọi người, Gregor đã trở thành một con bọ khổng lồ, đáng sợ và vô dụng? Phải chăng con bọ Gregor chỉ là một hình ảnh phản chiếu trong mắt của mọi người, vào một ngày Gregor Samsa không còn là Gregor mà họ nghĩ?
Trên thực tế, hai biểu hiện trên là hai Gregor Samsa trong mắt mọi người. Bởi theo tác phẩm, mặc dù đã chuyển sang một nhân dạng khác, song ý thức người của Gregor vẫn còn. Vậy nhân vật trung tâm của màn hóa thân liệu có phải là Gregor Samsa – người đã bị biến thành bọ ngay từ trang sách đầu tiên không? Hay Gregor chỉ là một chất xúc tác (hoặc một nạn nhân) trong công cuộc hóa thân “vĩ đại” của những người còn lại? (Bởi sau biến cố biến thành bọ, các thành viên trong gia đình Gregor buộc phải thay đổi. Trước đây, chỉ có một mình Gregor làm việc để nuôi cả gia đình, thì bây giờ, cả gia đình làm việc để cùng làm giảm gánh nặng từ con bọ Gregor). Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng Gregor chỉ là nạn nhân, là người bị định vị bởi quá nhiều chuẩn mực và thiết chế. Bi kịch của Gregor diễn ra không phải vì anh biến thành con bọ vô dụng gớm ghiếc, mà chỉ đơn giản vì anh không còn theo đúng cái quy chuẩn mà người ta đã áp đặt lên anh nữa. Công cuộc hóa thân thể hiện rõ nét hơn trong các thành viên còn lại.Từ những người vô công rồi nghề, họ bắt đầu tìm việc, bắt đầu sống và có trách nhiệm trong việc nuôi sống gia đình mình.
Hóa thân là sự thay đổi, chứ không phải để chỉ quá trình con người tha hóa như nhiều người lầm tưởng. Đối với mọi người, Gregor Samsa không còn là Gregor Samsa mà họ biết (thậm chí, đến phút cuối, người em gái còn tuyên bố anh trai của mình thực chất đã chết, và con bọ đang sống trong căn phòng bụi bặm kia là một con quái vật bòn rút tiền của và tinh thần của gia đình, chứ không phải là anh Gregor thân thương mà cô từng biết). Đối với Gregor, khi ở một trạng thái khác, anh cũng nhận ra sự thay đổi theo thời gian của mọi người, đặc biệt là của cô em gái. Vậy mà mặc dù con bọ Gregor đã cố gắng chấp nhận cái khác của mọi người, nhưng mọi người lại không ai chấp nhận cái khác của Gregor. Cùng một lúc, Gregor vẫn bị đeo hai chiếc gông lên cổ: Chiếc gông về anh Gregor trước đây, và chiếc gông mới (ghê gớm hơn) về con bọ đáng kinh tởm mà ai cũng nghĩ đó là Gregor. Chúng ta không có quyền trách móc người em gái, ông bố hay bà mẹ của Gregor. Sẽ rất khó để ai đó có thể chấp nhận biểu hiện khác của một cá nhân đã từng rất quen thuộc với mình. Bằng cách nào đó, họ sẽ nhìn tất cả sự thay đổi, những điểm khác biệt ấy thành những gì quái đản nhất, xấu xa nhất, đáng bị lên án nhất. Người ta sẽ không bao giờ chấp nhận cái khác, nhất là khi cái khác ấy vượt khỏi những gì người ta định nghĩa trước đó. Bi kịch của Gregor là bi kịch của kẻ chết trên ngưỡng cửa của biết bao lối định vị trong xã hội. Người không ra người, bọ không ra bọ. Cái chết đến với Gregor như một sự giải thoát, không chỉ cho bản thân anh, mà còn cho tất cả những người xung quanh. Thế nhưng, từ bao giờ mà ý nghĩ của gia đình lại trở thành căn phòng giam kiên cố nhất? Từ bao giờ mà một thành viên trong gia đình không còn khả năng làm việc lại trở thành gánh nặng? Từ bao giờ mà gia đình lại trở nên xa lạ quá đỗi với con người?
Có quá nhiều điều để nghĩ khi đọc Hóa thân. Các nhân vật bị ném vào một bối cảnh đầy bất ngờ, nhưng cách họ xử lí lại thản nhiên đến mức kì lạ. Không tìm hiểu nguyên nhân, không cố tìm giải pháp, con người trong cuốn tiểu thuyết mỏng tang này của Kafka chỉ đơn giản là xuôi theo những gì đang diễn ra để hành động. Cuối cùng thì đâu mới là ý nghĩa của sự hóa thân? Con bọ chết đi, hay là cảm giác nhẹ nhõm khi cả gia đình xuống phố?
Thư Sinh