Home Đọc HÃY VIẾT THẬT LÒNG, BẤT KỂ CÓ LÀM AI ĐAU ĐỚN

HÃY VIẾT THẬT LÒNG, BẤT KỂ CÓ LÀM AI ĐAU ĐỚN

Minh Hùng

20/11/2019

Sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết mới Tender is the Night năm 1934, F.Scott Fitzgerald yêu cầu Ernest Hemingway đánh giá chân thật về cuốn sách của mình.

Câu chuyện trong cuốn sách giữa hai nhân vật Dick và Nicole Diver dựa trên hình mẫu của Gerald và Sara Murphy, hai người bạn chung ngoài đời của Fitzgerald và Hemingway.

Dưới đây là thư phản hồi của Hemingway. Bức thư được trích từ tập “Ernest Hemingway Selected Letters 1917 – 1961”, trong đó có những lời khuyên vô giá cho mỗi nhà văn.

Thư gửi F. Scott Fitzgerald

Key West
28 May 1934

Scott thân mến

Tôi vừa thích lại vừa không thích quyển sách này. Nó bắt đầu với những miêu tả tuyệt vời về Sara và Gerald (tệ thật, Dos đã cầm nó theo nên giờ tôi chẳng thể dẫn lại, thế nên có thể tôi nhầm lẫn–). Nhưng sau đó anh bắt đầu làm hỏng họ, khiến họ bước ra từ nơi họ không thuộc về, thay đổi họ thành những con người khác, và anh không thể làm thế, Scott à. Nếu anh nhìn những con người thật sự và viết về họ, anh không thể ghép họ vào gia đình khác với những người cha mẹ khác (họ được tạo nên bởi cha mẹ họ, và cả những gì đã xảy đến với họ), anh không thể bắt họ làm những điều mà họ sẽ không làm. Anh có thể viết về chính mình, hoặc tôi, hay Zelda, Pauline, Hadley, Sara hay Gerald nhưng anh phải giữ nguyên như thế và chỉ có thể khiến họ làm những gì họ sẽ làm mà thôi. Anh không thể biến một người thành một người khác được. Sáng tạo là điều tốt lành nhất nhưng anh không thể bày ra điều gì vốn không thực xảy ra.

Bịa ra mọi thứ, đó là những gì người ta tin rằng chúng ta làm khi chúng ta đang ở đỉnh cao – nhưng lời bịa ấy phải chân thật đến mức nó thật sự sẽ xảy ra như thế sau này.

Chết tiệt, anh đã hư cấu quá khứ và tương lai của mọi người, nên đã tạo ra không phải con người, mà chỉ là những cảnh ngộ minh họa lịch sử vô cùng giả tạo đáng ghét. Anh là người có thể viết tốt hơn bất kỳ ai, là người có đầy tài năng đến đáng kinh ngạc, đừng phung phí nó. Scott à, vì Chúa, hãy viết và viết thật lòng, bất kể có làm ai đau đớn, miễn đừng làm nên những sự thỏa hiệp ngớ ngẩn như thế này. Anh có thể viết một quyển thật hay chẳng hạn về Gerald với Sara khi anh biết đủ nhiều về họ, và họ sẽ chẳng có lấy một chút cảm giác băn khoăn nào, dẫu chỉ thoáng qua, rằng liệu nó có thật hay không.

Có những đoạn thật tuyệt vời và không có ai trong đám trai có thể viết một đoạn hay bằng nửa thứ anh viết ra, nhưng anh đã lừa dối quá nhiều với quyển này. Và anh đâu cần phải làm thế.

Hemingway và F.S Fitzgerald

Ngay từ đầu, tôi đã luôn khẳng định rằng anh không thể suy nghĩ. Được rồi, chúng ta cùng thừa nhận rằng anh có thể suy nghĩ. Nhưng cứ nói anh không thể suy nghĩ đã, thế rồi anh có thể viết, sáng tác ra, từ những gì anh biết và giữ lai lịch mọi người cho thật chân thực. Thứ nữa, một thời gian dài trước đây anh đã thôi không lắng nghe, trừ những lúc tìm câu trả lời cho câu hỏi riêng của mình. Anh viết những thứ thật tuyệt đến mức anh chẳng cần lắng nghe nữa. Đó là điều khiến nhà văn trở nên khô cạn: không còn lắng nghe. (Tất cả chúng ta đều khô cạn, tôi không hề có ý xúc phạm anh). Quan sát và lắng nghe, đó là nguồn của tất cả. Anh đã quan sát rất đủ, nhưng anh lại bỏ lắng nghe.

Tác phẩm này thực sự tốt hơn rất nhiều so với tôi nói, nhưng nó còn xa mới đến giới hạn của anh.

Anh có thể nghiên cứu Clausewitz trên chiến trường, rồi kinh tế học, tâm lý học, chẳng gì khác có thể làm anh tốt lên một khi anh đang viết. Chúng ta như những gã nhào lộn trên dây đáng nguyền rủa, nhưng chúng ta có thể nhảy vài cú tuyệt vời, bạn ạ, còn họ thì có thật nhiều gã nhào lộn chẳng hề biết nhảy lên.

Vì Chúa, hãy cứ viết và đứng lo lắng về những gì người ta nói, hay nghĩ thử liệu nó có thể trở thành kiệt tác hay không. Tôi chỉ viết được một trang kiệt tác sau mỗi 91 trang toàn rác. Tôi ném hết đống ấy vào thùng rác. Anh cảm thấy anh phải xuất bản rác rưởi để có đủ tiền mà sống. Được thôi nhưng nếu anh viết đủ nhiều và với đúng khả năng của bản thân, anh sẽ có đủ kiệt tác (như chúng ta nói ở Yale). Anh chẳng thể tư duy tốt đến mức có thể ngồi xuống và viết liền ra một kiệt tác vẹn toàn được đâu, và nếu anh có thể tách khỏi Seldes cùng những gã đang hủy hoại anh, hãy bỏ họ càng xa càng tốt, hãy cứ để độc giả thét lên khi anh viết hay, hoặc la lên khi tác phẩm không đủ tốt, anh vẫn sẽ ổn chẳng làm sao cả.

Hãy quên những bi kịch cá nhân của mình đi thôi. Chúng ta đều là những tên khốn từ lúc ban đầu, và đặc biệt anh phải đau khổ như ở địa ngục trước khi anh có thể viết một cách nghiêm túc. Nhưng khi anh phải chịu những đớn đau chết tiệt ấy, hãy dùng nó, đừng cùng nó lừa dối. Hãy thành thật với nó như một nhà khoa học – nhưng đừng nghĩ rằng điều gì là quan trọng chỉ bởi nó xảy đến với anh hoặc ai đó gắn bó với anh.

Lần này, tôi sẽ không đổ lỗi cho anh nếu anh khiến tôi say sưa nữa. Trời ạ, thật tuyệt khi được nói với người khác về làm sao để viết, để sống và để chết…

Hemingway

Tôi muốn gặp anh và nói nhiều điều với anh một cách tỉnh táo. Anh đã ở mãi N.Y rồi, chúng ta chẳng đến đâu cả. Anh thấy đấy, anh chẳng phải một nhân vật bi kịch. Tôi cũng vậy. Chúng ta là nhà văn, và điều chúng ta nên làm là viết. Hơn tất cả mọi người trên thế giới anh cần kỷ luật trong công việc của mình, nhưng thay vào đó anh lại cưới về một người ghen tỵ với tác phẩm của anh, luôn muốn cạnh tranh và hủy hoại anh. Chuyện này không đơn giản như vậy và tôi nghĩ Zelda thật điên trong lần đầu tôi gặp, anh thì thậm chí còn làm phiền phức thêm lên bằng việc yêu luôn cô ấy, dĩ nhiên anh vốn kỳ dị. Nhưng cũng chẳng kỳ dị hơn Joyce, và hầu hết những nhà văn giỏi khác. Mà Scott à, nhà văn giỏi thì luôn quay trở lại. Luôn luôn. Giờ đây anh đã giỏi lên gấp đôi so với lần trước khi anh nghĩ mình thật tuyệt. Anh biết không, tôi chẳng bao giờ nghĩ nhiều về Gatsby thời điểm ấy. Anh có thể viết hay hơn gấp đôi so với anh đã từng viết. Tất cả những gì anh cần làm là viết thành thực và đừng quan tâm gì cả đến số phận của nó.

Hãy tiếp tục viết.

Dù thế nào tôi cũng quý anh ra phết và tôi muốn có dịp chuyện trò. Chúng ta đã có những lần nói chuyện thật hay. Có nhớ người chúng ta đến gặp ở Neuilly? Anh ta đã đến đây mùa đông này. Thằng bạn tốt chết bầm Canby Chambers. Và cả Dos. Giờ anh ấy thấy khỏe, tầm này năm ngoái thì gặp thật lắm bệnh. Scotty và Zelda thế nào rồi? Pauline muốn gửi lời thăm hỏi thân ái đến họ. Chúng tôi đều ồn. Pauline sẽ đến Piggott một vài tuần cùng Patrick, sau đó đưa Bumby trở lại. Chúng tôi có một chiếc thuyền tốt, còn tôi đang ổn với một cái truyện rất dài. Môt truyện thật khó viết.

Bạn của anh,

Ernest

Nguồn: https://www.fs.blog/2013/02/you-see-well-enough-but-you-stop-listening/

Minh Hùng dịch

Bài đã đăng trên Ipick.vn

Tại sao bạn nên vẽ tranh thay vì chụp ảnh

Mỗi khi bắt gặp một thứ gì thú vị, một cảnh nào tươi đẹp, trong con người xuất hiện động lực thôi thúc muốn đoạt lấy và lưu giữ nó – nghĩa là, trong thời đại ngày nay, chúng ta sẽ thường rút điện thoại ra và chụp ảnh. Dù giải pháp trên trông có vẻ cũng lý tưởng, nhưng có hai vấn đề lớn khi ta chụp ảnh.  Thứ nhất, khi đã rút điện thoại lên chúng ta dường như bận rộn chụp ảnh

Minh Hùng

03/09/2018

Văn chương đích thực và tiểu thuyết hạ cấp ở Việt Nam

Nếu bạn là người thích đọc tiểu thuyết, bạn đi vào hiệu sách và dạo quanh một vòng, bạn sẽ thấy lẫn lộn những cuốn tiểu thuyết hạ cấp với văn chương đích thực. Thậm chí các tác phẩm văn chương sẽ bị để trong xó xỉnh, còn những cuốn tiểu thuyết thị trường lại nghiễm nhiên chiếm vị trí đẹp đẽ nhất trên giá sách. Đó là cách sắp xếp sách ở các trung tâm phát hành Việt Nam, từ nhà sách lớn như

Thơ Nguyễn Bính – Say đắm trong ảo mộng

Cái sự thất tình của Nguyễn Bính đẹp man mác như cánh đồng lúc hoàng hôn. Nó không dằn vặt, quằn quại mà khiến người đọc cảm giác như ông đang hưởng thụ sự đơn độc, sự bỏ rơi, sự xa cách. “Hồn anh như hoa cỏ may Một chiều cả gió bám đầy áo em” Đã mang trong mình một tâm hồn Việt, ai chẳng lưu giữ đôi ba câu thơ Nguyễn Bính trong ký ức, nhiều khi chúng ta còn không biết chúng

Sai lầm mang tính lịch sử của hệ thống giáo dục phổ cập

Trong nhiều năm ròng rã, các bài viết cả chính thống và phi chính thống đả kích nền giáo dục nhiều tới nỗi người dân không còn tin vào nền giáo dục nữa. Năm nào cũng thế, không chuyện đề thi có nhiều vấn đề nực cười do người ra đề thiếu kiến thức, lại đến những vụ việc bạo lực học đường mà chúng ta tưởng như không thể xuất hiện trong thời đại mà truyền thông lúc nào cũng ra rả về quyền

Tin tưởng vào trẻ em để hướng tới tương lai

Trong suốt chiều dài lịch sử, xã hội loài người luôn chuyển động và thay đổi. Là một giống loài dễ dàng thích nghi với biến động do sự giao thoa và va chạm giữa những nhân tố khác biệt, học tập dường như đã trở thành bản năng của con người. Con người không chỉ học từ môi trường thân quen với các nhân tố tương đồng mà còn học từ các tác động bên ngoài, và bản năng này tồn tại từ khi