Vào đầu thập niên 90, 2 nhà kinh tế người Mỹ là Gene Grossman và Alan Krueger đã phát hiện ra một sự trùng lặp. Khi tìm hiểu số liệu về mối tương quan giữa GDP với chất lượng không khí và nguồn nước trên khoảng 40 quốc gia, họ thấy rằng cùng với sự gia tăng GDP, vấn đề ô nhiễm đầu tiên là tăng cao nhưng sau đó lại giảm dần, tạo ra biểu đồ hình chữ U lộn ngược khi phác họa trên giấy. Vì trông rất giống với Đường cong Kuznets nổi tiếng trong vấn đề bất bình đẳng, đường cong hình chữ U lộn ngược này cũng sớm được biết đến với cái tên là Đường cong Môi trường Kuznets (Environmental Kuznets Curve).
(Hình minh họa: Đường cong Môi trường Kuznets đưa ra nhận định rằng sự phát triển cuối cùng sẽ dẫn đến giải pháp cho các vấn đề môi trường mà nó gây nên.)
Các chuyên gia kinh tế này còn sử dụng mô hình thống kê để tính toán xem ở mức thu nhập nào thì đường cong sẽ bắt đầu đi xuống. Họ thấy rằng đối với lượng chì tại các sông ngòi, mức độ ô nhiễm lên đến đỉnh điểm rồi bắt đầu giảm khi thu nhập quốc dân đạt mức 1.887 đô la trên đầu người (tính bằng đô la Mỹ năm 1985, đơn vị tiêu chuẩn khi đó). Thế còn với lượng lưu huỳnh điôxit thì sao? Có vẻ như nó sẽ giảm khi thu nhập đạt mức 4.053 đô la trên đầu người. Còn khói đen? Hãy đợi đến khi GDP vượt qua ngưỡng 6.151 đô la trên đầu người thì khói đen mới bắt đầu tan đi. Họ tuyên bố rằng nhìn chung, phát triển sẽ bắt đầu làm sạch ô nhiễm không khí và nguồn nước trước khi các nước đạt được mức thu nhập 8.000 đô la trên đầu người – tức là khoảng 17.000 đô la bây giờ.[1]
Tuy nhiên, Grossman và Krueger cũng cẩn thận đưa ra cảnh báo về phát hiện của mình. Họ thừa nhận chỉ có các số liệu về ô nhiễm nước và không khí diện hẹp, chứ không có số liệu về lượng thải khí nhà kính, sự mất đa dạng sinh học, thoái hóa đất, và nạn phá rừng… trên phạm vi toàn cầu. Họ ghi nhận rằng thu nhập quốc dân phụ thuộc vào tình hình chính trị, công nghệ, và kinh tế lúc đó. Và họ cũng chỉ ra rằng sự trùng hợp giữa tăng trưởng kinh tế và giảm ô nhiễm mà họ tìm ra không chứng minh được là sự phát triển tự nó dẫn đến việc cải thiện môi trường. Thế nhưng, cũng giống như hầu hết các nhà kinh tế khác khi cho rằng mình đã phát hiện ra một định luật chuyển động kinh tế mới, 2 nhân vật này cũng không thể cưỡng lại việc đưa ra kết luận rằng đối với hầu hết các chỉ số về môi trường thì “phát triển kinh tế lúc đầu sẽ dẫn tới một giai đoạn xuống cấp rồi theo sau sẽ là giai đoạn cải thiện.”[2]
Mặc dù có đi kèm lời cảnh báo như vậy nhưng giả thuyết này của 2 nhà kinh tế vẫn sớm trở thành một câu thần chú được sử dụng rộng rãi trong ngành kinh tế. Nó được nói đến trong các buổi hướng dẫn chính sách, các bài bình luận, các bài giảng kinh tế khắp nơi trên thế giới: khi nói đến ô nhiễm thì sự tăng trưởng cũng giống như một đứa trẻ ngoan ngoãn, nó sẽ biết tự dọn dẹp. Một vài người, như nhà kinh tế Bruce Yandle chẳng hạn, đã biến thông điệp này thành một lời tuyên bố mạnh bạo hơn, rằng “tăng trưởng kinh tế giúp giải quyết các thiệt hại gây ra trước đó. Nếu tăng trưởng kinh tế là tốt cho môi trường thì các chính sách thúc đẩy tăng trưởng (như tự do hóa thương mại, cải tổ kinh tế, cải cách giá) hẳn cũng tốt cho môi trường.”[3] Vâng, nền kinh tế theo kiểu ‘thuốc đắng giã tật’ đã quay lại, và lần này nó đem đến cho thế giới một chế độ luyện tập rất tai ác. Nếu bạn muốn có không khí và nước sạch, rừng xanh và biển biếc, thì thỏa thuận là thế này: phải đi xuống rồi mới đi lên – và cuối cùng thì tăng trưởng sẽ khiến mọi việc trở nên tốt đẹp, thế nên bạn cố cắn răng mà chịu đi.
Được trang bị trong tay biểu đồ đường cong và các phương trình đi kèm, các nhà kinh tế chính thống chế nhạo thứ mà họ gọi là ‘những tiếng kêu gào gây hoảng loạn’ từ các nhà phê bình về môi trường khi những người này chỉ ra rằng tăng trường kinh tế đang làm thoái hóa trầm trọng đất đai, biển cả, hệ sinh thái và khí hậu của Trái Đất. Tuy vậy, những chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận rằng không có bằng chứng nào cho thấy mối quan hệ trực tiếp giữa tăng trưởng kinh tế và sự cải thiện về môi trường, vì vậy họ đã đưa ra 3 cách giải thích cho việc này. Đầu tiên, họ cho là khi một quốc gia phát triển thì dân chúng ở đó sẽ bắt đầu có điều kiện để quan tâm hơn đến môi trường và đòi hỏi những tiêu chuẩn cao hơn; thứ 2 là các ngành công nghiệp của quốc gia đó bắt đầu có điều kiện để sử dụng các công nghệ sạch hơn; và thứ 3 là các ngành công nghiêp đó sẽ chuyển từ sản xuất sang dịch vụ, đổi các ống khói lấy các trung tâm chăm sóc khách hàng.
Có thể những giải thích này mới đầu nghe có vẻ có lý, nhưng chúng lại không được minh chứng bằng thực tế. Trước hết, dân chúng không cần phải đợi đến lúc tăng GDP mới bắt đầu muốn và có quyền đòi hỏi không khí và nước sạch. Đó là điều mà Mariano Torras và James K. Boyce nhận thấy khi so sánh số liệu được sử dụng để vẽ nên Đường cong Môi trường Kuznets với số liệu về quyền của dân chúng tại các nước khác nhau. Đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp, họ thấy rằng môi trường có chất lượng tốt hơn ở những nước có phân phối thu nhập công bằng hơn, nhiều người biết chữ hơn, và quyền lực dân sự và chính trị được coi trọng hơn.[4] Chính sức mạnh của người dân chứ không phải là sự tăng trưởng kinh tế đã bảo vệ được chất lượng nước và không khí của địa phương. Tương tự như vậy, không chỉ đơn thuần là nhờ gia tăng lợi tức mà chính áp lực từ người dân đối với chính phủ và các doanh nghiệp để có các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn đã buộc các ngành công nghiệp phải chuyển sang dùng công nghệ sạch. Thứ 3 là việc làm sạch không khí và nguồn nước của một quốc gia bằng cách chuyển đổi từ các ngành công nghiệp sản xuất sang công nghiệp dịch vụ không loại bỏ được những chất gây ô nhiễm. Cách này chỉ chuyển những chất này sang các quốc gia khác, buộc những người ở nơi khác phải chịu hậu quả, trong khi dân sở tại có thể sử dụng hàng hóa nhập khẩu đã được chế biến và đóng gói đẹp đẽ. Điều đó có nghĩa là chiến lược làm sạch môi trường này không phải nước nào cũng theo được vì cuối cùng thì sẽ chả còn nơi nào để chứa chất thải nữa cả.
Vì không có số liệu rộng hơn nên Grossman và Krueger đã không thể tìm hiểu xem hình dạng của Đường cong Môi trường Kuznets liệu có đúng với các tác động sinh thái rộng lớn hơn như lượng phát thải khí nhà kính, sự cạn kiệt nước ngầm, hiện tượng phá rừng, sự thoái hóa đất, việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, và sự mất tính đa dạng sinh học. Họ cũng không thể kiểm tra xem bao nhiêu phần trăm tác động môi trường của mỗi quốc gia là để các nước khác phải gánh chịu. Nhưng nhờ có các tiến bộ trong việc tính toán cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên mà tình trạng số liệu này đang ngày càng được cải thiện nhanh chóng – và các con số này cho thấy một hiện trạng khác hẳn với những gì đã được công bố.
Việc khai thác và chế biến các nguyên liệu tại chỗ ở các nước thu nhập cao đúng là đã giảm, mang tới những lời tuyên bố hoan hỷ khắp EU và OECD rằng hiệu suất sử dụng tài nguyên đã tăng lên và tăng trưởng GDP có thể được tách rời khỏi việc sử dụng tài nguyên. Đây là 2 tuyên bố được coi như là minh chứng ban đầu cho giấc mơ ‘tăng trưởng xanh’. Nhưng những số liệu quốc tế được thu thập gần đây cho thấy khi dấu vết sử dụng tài nguyên trên toàn cầu của một quốc gia được đưa vào xem xét, nghĩa là tính cả sinh khối, nhiên liệu hóa thạch, quặng kim loại, và khoáng chất xây dựng được sử dụng khắp nơi trên thế giới để tạo ra các sản phẩm mà nước đó nhập khẩu, thì câu chuyện thành công này có vẻ như bốc hơi đi mất. Từ năm 1990 đến 2007, trong lúc GDP tăng lên ở các nước có thu nhập cao thì dấu vết sử dụng tài nguyên của họ trên toàn cầu cũng tăng dần. Và không chỉ là tăng một lượng nhỏ: Hoa Kỳ, Anh Quốc, New Zealand và Australia đều tăng hơn 30% trong khoảng thời gian này; Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan tăng 50%. Trong khi đó, dấu vết của Nhật Bản tăng 14% và Đức tăng 9%, nghĩa là tăng khá ít so với các nước khác, nhưng vẫn là đang tăng lên.[5] Những số liệu này cho thấy xu thế ngày càng tăng rất đáng lo ngại chứ không phải là việc tăng lên rồi giảm đi như những gì Đường cong Môi trường Kuznets đã hứa hẹn.
Tuy nhiên, việc tính toán xu hướng sử dụng tài nguyên toàn cầu khá phức tạp, và có một số người không đồng tình với những phát hiện này. Chẳng hạn như nhà phân tích tài nguyên Chris Goodall đã thu thập một tập dữ liệu khác về Anh Quốc cho thấy việc sử dụng tài nguyên của nước này, bao gồm cả hàng xuất khẩu, có xu hướng lên đến đỉnh điểm và ngừng tăng, thậm chí có khi còn bắt đầu giảm.[6] Nhưng ngay cả nếu các số liệu mới này sát với thực tế thì vẫn tồn tại một vấn đề là sự tiêu thụ của nước Anh đang ở một đỉnh điểm cao hơn rất nhiều so với cho phép. Nếu các nước khác cũng theo gương Anh Quốc và tin rằng tăng trưởng cuối cùng cũng sẽ đưa họ đến đỉnh điểm tương tự rồi đi xuống thì chúng ta sẽ cần lượng tài nguyên của ít nhất 3 hành tinh như Trái Đất, đẩy nền kinh tế toàn cầu vượt xa qua mức giới hạn của hành tinh.[7] Nói cách khác, nếu Đường cong Môi trường Kuznets là có thật thì nó là một ngọn núi mà nhân loại đơn giản là không có khả năng leo lên bởi chúng ta sẽ không thể sống sót trên đỉnh của nó được.
“Somewhere over the rainbow, skies are blue/ Bên kia cầu vồng, bầu trời thật xanh” là lời bài hát của Dorothy trong phim The Wizard of Oz (Phù thủy xứ Oz). Đó thật là một viễn cảnh tươi đẹp, phù hợp làm nhạc nền cho hình ảnh chiếc cầu vồng là Đường cong Môi trường Kuznets. Cứ đi tiếp đi, cứ phát triển đi, và rồi một ngày không khí sẽ thoáng đãng, sông suối sẽ sạch ra, và việc làm ô uế môi trường tự nhiên sẽ dừng lại. Nhưng từ nhiều năm nay, bằng chứng qua các số liệu toàn cầu cũng như thực tế khắc nghiệt của hàng triệu người đã cho thấy rõ rằng tăng trưởng không làm sạch môi trường. Trái lại, nó chỉ làm ô nhiễm loang rộng thêm: cho đến nay, khi nền kinh tế của các quốc gia mở rộng thêm thì dấu vết sử dụng tài nguyên toàn cầu cũng ngày càng lan rộng, tăng thêm áp lực về biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn nước, axit hóa đại dương, mất đa dạng sinh thái, và ô nhiễm hóa chất. Chúng ta đã phải thừa kế những nền kinh tế công nghiệp gây ra thoái hóa, và nhiệm vụ của chúng ta hiện giờ là phải biến đổi chúng thành những nền kinh tế tái sinh có chủ tâm. Không ai có thể phủ nhận rằng đây là một thách thức vô cùng to lớn, nhưng nó cũng đang là nguồn cảm hứng cho một thế hệ mới các kỹ sư, kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị và nhà thiết kế thông minh hiện nay.
Phương Anh
Lược dịch từ “Doughnut Economics: Seven Ways to Think Like a 21st-Century Economist” (Nền kinh tế Bánh vòng: 7 cách suy nghĩ như nhà kinh tế của thế kỷ 21) của Kate Raworth (2017).
[1] Grossman, G. và Krueger, A. (1995) “Economic growth and the environment”, Quarterly Journal of Economics, 100: 2, pp. 353-377.
[2] Grossman, G. và Krueger, A. (1995) “Economic growth and the environment”, p. 369.
[3] Yandle, B. và cộng sự (2002) “The Environmental Kuznets Curve: A Primer”. The Property and Environmental Research Center Research Study 02.
[4] Torras, M. và Boyce, J.K. (1998) “Income, inequality, and pollution: a reassessment of the environmental Kuznets curve”, Ecological Economics 25, pp. 147-160.
[5] UNEP (2016) Global Material Flows and Resource Productivity: A Report of the International Resource Panel.
[6] Goodall, C. (2012) Sustainability. London: Hodder & Stoughton.
[7] Global Footprint Network (2016) “National Footprint Accounts”.