Xuất phát từ thực trạng tin giả tràn lan, mất niềm tin vào chuyên gia và những thách thức mới đến từ công nghệ deepfake, triết gia Asa Wikforss đã có một hành trình truy nguyên về điểm khởi đầu cho hiểu biết của chúng ta với tác phẩm quan trọng về nhận thức luận: Dữ kiện lấp lửng – Bàn về tri thức và sự khước từ tri thức (tiếng Thụy Điển Alternativa fakta : om kunskapen och dess fiender).
Hành trình đó, không ngờ lại hé lộ nhiều vấn đề quan trọng và ẩn chứa giải pháp cho kỷ nguyên mới: kỷ nguyên kết nối thông tin và mạng xã hội.
Tri thức vừa là mục tiêu vươn tới vừa là giới hạn của con người
Điều đầu tiên cần phải khẳng định đó là chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi tin giả, tri thức sai, kiến thức sai, niềm tin sai và tư duy bị bóp méo. Đó là khiếm khuyết mặc định của loài người và chúng ta cần biết điều đó, sống chung với nó và cải thiện dần dần. Đó là hành trình của mỗi người từ khi sinh ra tới lúc trở về cát bụi. Nhiều triết gia cả Đông lẫn Tây đều nói về sự bất khả tri của con người khi tiếp cận cái được gọi là sự thật, chân lý, hay bất kỳ một cụm từ nào nhằm nói tới cái thực sự tồn tại bên ngoài ý nghĩ của con người.
Đạo Đức Kinh đã viết:
Đạo khả đạo phi hằng đạo. (Đạo mà có thể theo đó để làm thì vốn dĩ không phải Đạo)
Danh khả danh phi hằng danh. (Danh mà có thể định danh thì không phải danh đích thực)
Con người có thể đặt tên cho sự vật nhưng cái tên đó không bao giờ đồng nhất được với sự vật một cách hoàn toàn, và đây là lý do khiến sự truyền đạt tri thức có thể bị sai lệch. Plato cũng đã nói về ẩn dụ cái hang rằng cái chúng ta nhìn thấy chỉ là cái bóng của sự vật, nhưng làm cách nào để ra khỏi hang thì đến thời điểm hiện tại các triết gia vẫn tiếp tục tranh luận. Chủ nghĩa hoài nghi đã thu hút rất nhiều nhà tư tưởng, triết gia và nhiều thành phần khác của xã hội suốt hàng nghìn năm qua và thực trạng này thể hiện một điều mà có lẽ ai cũng biết: “Ignoramus et ignorabimus” (tiếng Latin có nghĩa là Chúng ta không biết chúng ta sẽ không biết). Và như một phản lực, thái cực còn lại thu hút cũng không ít các nhà tư tưởng, các nhà khoa học, toán học khởi động một cuộc đua để khẳng định rằng chúng ta có thể biết và giải đáp mọi câu hỏi bằng các mô hình toán và thực nghiệm. Nổi bật nhất có lẽ phải kể tới nhà toán học người Đức David Hilbert với công trình đầy tham vọng nhằm chứng minh rằng toán học có thể giúp loài người thoát khỏi tình trạng Ignoramus et ignorabimus, cụm từ được đưa ra bởi nhà sinh lý học người Đức Emil du Bois-Reymond, sinh thành trước Hilbert vài chục năm. Và cứ thế, cuộc cạnh tranh giữa hai nhóm diễn ra không hồi kết, và dù rằng hai nhóm này không phải lúc nào cũng được phân định ranh giới rõ ràng, bởi một lẽ đó là dù thuộc nhóm khả tri hay bất khả tri, khoa học hay tôn giáo, thì họ cũng đều là những người bình thường, bị khiếm khuyết mặc định của loài người: năng lực nhận biết có giới hạn.
Vậy số phận của loài người sẽ ra sao khi chúng ta bị đá qua đá lại giữa hai phe nhóm tư tưởng kia? Thật may mắn vì cuốn sách Dữ kiện lấp lửng – Bàn về tri thức và sự khước từ tri thức đã đưa độc giả tới một hành trình trọn vẹn, một hành trình đi qua các tư tưởng đã chi phối xã hội loài người từ khi có lịch sử, một hành trình mộng mị mà trong đó Asa Wikforss cảm thấy sự khích lệ và đồng quan điểm từ triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle: con người là động vật có lý trí và chúng ta có thể bước ra khỏi cơn mộng mị này, và thoát khỏi nạn dịch Tin Giả nếu chúng ta bắt tay vào hành động một cách thực tế.
> Đọc thêm: TỪ DỮ KIỆN LẤP LỬNG ĐẾN TIN GIẢ | ÅSA WIKFORSS
Quyền lực truyền thông càng lớn càng phải nắm chắc các khái niệm nền tảng nhất
Cuốn sách được viết một cách cô đọng và súc tích, lấy cảm hứng từ một thuật ngữ ngớ ngẩn nhưng dược gieo rắc bởi Cố vấn Tổng thống Mỹ Kellyanne Conway trong câu nói: “Spicer chỉ đơn giản là đang đưa ra những dữ kiện lấp lửng” khi Cố vấn Tổng thống muốn bênh vực cho phát ngôn thiếu căn cứ và sau này được chứng minh là sai của Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer về số lượng người tham gia lễ nhậm chức của cựu Tổng thống Donald Trump. Asa Wikforss đã nhận thấy một điều nghiêm trọng cần cảnh tỉnh trong sự việc này, đó là khi một thông tin sai được đưa ra, người ta có thể viện cớ vào dữ kiện lấp lửng để biện minh cho thông tin sai, tức là không có dữ kiện nào thật hay giả mà nó hoàn toàn dựa vào nhận định của mỗi người. Đây là một tình trạng nghiêm trọng bởi vì một quan chức cấp cao của Nhà Trắng không thể phân biệt nổi dữ kiện, quan điểm và các khái niệm cơ bản khác. Và Asa Wikforss đã dành năm chương đầu của cuốn sách để liệt kê các khái niệm cơ bản nhất và cách con người chúng ta sử dụng các khái niệm đó như thế nào.
Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là khái niệm dữ kiện, Asa Wikforss viết như sau:
“Để trả lời ngắn gọn thì dữ kiện là những gì diễn ra trên thế giới này. Chúng bao gồm mọi thứ, từ những sự việc tầm thường hàng ngày cho đến các dữ kiện về nguồn gốc của vũ trụ. Có các dữ kiện tâm lý về những điều chúng ta cảm thấy và suy nghĩ; dữ kiện xã hội về thất nghiệp, lạm phát và tội ác; dữ kiện y tế về các loại bệnh và nguyên nhân gây ra chúng; dữ kiện sinh học về sự phát triển của các loài; dữ kiện vật lý về các hạt cơ bản và cách di chuyển của chúng; dữ kiện về việc nhà bếp của tôi trông như thế nào và dữ kiện về đời sống tình cảm của những người nổi tiếng. Còn câu trả lời dài hơn một chút, mang tính triết lý hơn cho câu hỏi trên thì các dữ kiện là thứ khiến cho phát biểu xác thực trở nên đúng: dữ kiện là những thứ khiến sự thật là sự thật. Những phát biểu về thế giới – ví dụ, phát biểu rằng có một con ngựa đang đứng trong vườn nhà tôi – là đúng hay sai thì tùy vào thế giới ra sao và dữ kiện nào tồn tại. Phát biểu của tôi là đúng nếu thực sự có một con ngựa đang đứng trong vườn nhà tôi.” (Trang 17, Dữ kiện lấp lửng, NXB Đà Nẵng và Book Hunter, 2023)
Như vậy, một điều được coi là thật, tức sự thật, khi tồn tại các dữ kiện tương ứng. Tiếp đó là khái niệm tri thức; theo Asa Wikforss, tri thức không nằm trong đầu chúng ta, nhưng có một thành phần quan trọng nằm trong đầu chúng ta, đó là niềm tin. Các triết gia hầu như đồng ý rằng tri thức đòi hỏi ít nhất ba điều: niềm tin (một trạng thái tâm lý đi kèm một nội dung ý nghĩ cụ thể), niềm tin đó phải đúng, niềm tin đó được dựa trên một dạng cơ sở xác đáng hay còn gọi là chứng cứ. Như vậy, các nguồn tri thức hay thông tin mà chúng ta có được đều đến từ bản thân chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày và đây là những bằng chứng mạnh mẽ nhất, tạo ra các niềm tin vững chắc nhất. Tuy nhiên, để tồn tại thì con người cần thêm thông tin từ các nguồn khác như sách vở, bạn bè, kênh truyền thông, nhà trường. Asa Wikforss cho rằng, nếu may mắn, ta sẽ nhận được những niềm tin từ các nguồn chính đáng: trường học hoạt động tốt, phương tiện truyền thông đáng tin cậy, bạn bè có hiểu biết, và các chính trị gia trung thực. Nhưng ngược lại, tình trạng đang phổ biến hiện nay trên thế giới đó là chúng ta sẽ phải nhận thông tin từ: các hệ thống giáo dục thiếu hụt, phương tiện truyền thông không đáng tin cậy, những người bạn không hiểu biết, và những tuyên truyền chính trị lệch lạc. Không ai, bất kể tài năng của họ là gì, có thể chống lại được điều này. Và đây chính là cơn mộng mị mà xã hội loài người đang vướng phải, và có lẽ nó đã tới mức cảnh báo đến nỗi một nữ triết gia kín tiếng phải lên sóng để cảnh tỉnh mọi người.
Thế giới quan giới nữ như một sự bổ sung cần thiết cho tri thức nhân loại
Cuốn sách đưa ra nhiều giải pháp đáng để chúng ta học hỏi, nhưng với dung lượng bài viết có hạn, người viết không liệt kê các giải pháp ở đây, mà thay vào đó, xin được trích dẫn một đoạn đáng chú ý mà Asa Wikforss đưa ra về sự gia tăng của các nữ triết gia như một xu hướng cân bằng lại sự thiên lệch trong sự thống trị về mặt tư tưởng của nam giới trong suốt lịch sử loài người.
Asa Wikforss được xem là một trong những nữ triết gia đương đại có ảnh hưởng mạnh mẽ đặc biệt tại Thụy Điển, có bằng tiến sĩ triết học tại Đại học Columbia, New York và là Giáo sư Triết học tại Đại học Stockholm. Bà có sự nghiệp là một học giả quốc tế, giảng dạy khắp thế giới và đã đăng nhiều bài báo rộng rãi trên các tạp chí nghiên cứu quốc tế. Bà là thành viên danh dự của Viện hàn lâm châu Âu và gần đây đã được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển, với chiếc ghế số 7 trong tổng số 18 ghế của Viện. Với việc xuất bản cuốn sách nổi tiếng về hậu sự thật, bà nhanh chóng được công nhận là một trí thức của công chúng trong bối cảnh châu Âu rộng lớn – với tư cách là một phụ nữ bảo vệ lý trí và sự thật trước những kẻ thù của tri thức.
“Nhận thức luận nữ quyền cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc coi trọng tri thức của phụ nữ. Điều này không chỉ liên quan đến việc nam giới có xu hướng phớt lờ trải nghiệm của nữ giới trong suốt lịch sử và chỉ tập trung vào nam giới, đặc biệt là những người có quyền lực. Mà đó còn là về việc nam giới có xu hướng phớt lờ tri thức của nữ giới, chẳng hạn như tri thức của họ về các hình thức áp bức khác nhau. Nhận thức luận nữ quyền đã có bước đột phá trong suốt những năm 1980 và hiện đang là một lĩnh vực nghiên cứu chính với nhiều tiêu điểm đa dạng. Một cách tiếp cận có ảnh hưởng là xem xét khía cạnh xã hội của tri thức, và nhấn mạnh việc vị trí xã hội của một cá nhân đóng vai trò như thế nào đối với những gì người đó biết và cách họ biết được điều đó. Ví dụ, nhận thức luận theo lối truyền thống nam quyền bị phê phán vì sa đà vào chủ nghĩa cá nhân và không tập trung đủ vào loại tri thức đòi hỏi có sự cộng tác.” (Trang 65, Dữ kiện lấp lửng, NXB Đà Nẵng và Book Hunter, 2023).
Lê Duy Nam
Bài đã đăng trên Báo điện tử Ngày Nay
1 Bình luận