Home Đọc Đọc “Nghệ thuật và thợ thủ công” của Oscar Wilde

Đọc “Nghệ thuật và thợ thủ công” của Oscar Wilde

Về Oscar Wilde

Oscar Wilde (1854 – 1900) là một nhà văn nổi tiếng của Ireland. Ông ra đời tại Dublin, Ireland, ngày 16 tháng 10 năm 1854 và mất tại Paris vì viêm não, ngày 30 tháng 11 năm 1900. Nguyên nhân cái chết của ông vẫn còn là một nghi vấn đối với các nhà khoa học.

Oscar Wilde tốt nghiệp trường Trinity College tại Dublin với kết quả học tập xuất sắc. Sau đó, ông tiếp tục học tại trường Magdalen Oxford. Ở trường đại học ông là một học giả xuất sắc và là một nhà thơ đầy hứa hẹn. ông được biết đến như một nhà mĩ học nổi bật, ông còn là người đầu tiên giảng giải về nghệ thuật và cái đẹp lúc bấy giờ.

 Nổi tiếng về tài tranh luận và phong cách ăn mặc lịch lãm. Điều này khiến ông bị các bạn học trêu chọc và ông đã không ngần ngại tự vệ bằng… nắm đấm, cách phản ứng phần nào trái ngược với hình ảnh công tử bảnh bao mà ông để lại.

Oscar Wilde cũng nổi tiếng với đời sống hưởng lạc của mình, và mối tình đồng tính giữa ông và  Alfred Douglas. Hai người yêu nhau đắm đuối và sống cuộc đời buông thả, không giấu giếm quan hệ đồng tính luyến ái của họ. Cha của Alfred là John Sholto Douglas, Hầu tước Queensberry, không chấp nhận mối quan hệ này và nhiều lần gây sự với Oscar Wilde. Việc này dẫn đến vụ tai tiếng Queensberry và một vụ kiện, mà kết quả là Oscar Wilde đã phải ngồi tù hai năm. Sự kiện này có ảnh hưởng rất lớn đến Oscar Wilde.

Các sáng tác của Wilde đa dạng ở cả thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết…

Những năm gần đây, Oscar Wilde khá phổ biến ở Việt Nam với những bản dịch các truyện ngắn “Hoàng tử hạnh phúc”, “Tội ác của huân tước Arthur và các truyện ngắn khác”, “Ngôi nhà thạch lựu”.

Thật ra, Oscar Wilde đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1990 với bản dịch tiểu thuyết “Bức chân dung của Dorian Gray” của Lê Thanh Hương và Nguyễn Như Nguyện. Tuy nhiên, các  bản dịch cuốn tiểu thuyết duy nhất của Oscar Wilde đều chưa đầy đủ. Đến năm 2018, Book Hunter đã ra mắt bản dịch đầy đủ cuốn “Bức họa Dorian Gray” do Nguyễn Tuấn Linh dịch.

Điểm lại sơ qua các tác phẩm của Oscar Wilde đã được dịch để thấy, ở Việt Nam, Oscar Wilde được biết đến nhiều với tư cách sáng tác. Ông sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch, nhưng là một nhà văn nổi tiếng nhất của Anh quốc, Oscar Wilde cũng viết cả tiểu luận để trực tiếp diễn đạt những suy nghĩ, cảm xúc, ý tưởng của mình. “Nghệ thuật và thợ thủ công” là tập tiểu luận đầu tiên của Oscar Wilde được dịch ở Việt Nam.

Các bạn đã quen với văn phong chuẩn mực, đẹp đẽ, giàu hình tượng và biểu cảm, lối nói hài hước, những ẩn dụ thâm sâu… có lẽ sẽ bất ngờ khi đọc “Nghệ thuật và thợ thủ công”, bởi ở đây, thay vì ẩn dụ, ông bày tỏ trực tiếp những quan điểm, suy nghĩ của bản thân. Có thể nói, nếu tiểu thuyết, truyện ngắn là tấm áo choàng đẹp đẽ mà Oscar Wilde đỏm dáng thích khoác lên người, thì tiểu luận chính là địa hạt mà Oscar Wilde có thể thể hiện mình chân thật nhất, không cần quan tâm đến thị hiếu đại chúng, càng không cần quan tâm đến việc có ai đang yêu thích/ đồng ý với mình hay không.

Tập tiểu luận “Nghệ thuật và thợ thủ công” của Oscar Wilde do Book Hunter tuyển chọn và xuất bản

Cuốn sách “Nghệ thuật và thợ thủ công” (Minh Hùng dịch, Lê Duy Nam hiệu đính) gồm 4 bài tiểu luận:

+ Bài giảng cho sinh viên nghệ thuật (1883)

+ Nghệ thuật và thợ thủ công (1882)

+ Tâm hồn con người (xuất bản năm 1891)

+ Những lời gan ruột (viết khi ở tù)

Cả 4 tiểu luận đều là những suy tư của Oscar Wilde về sự kiến tạo tinh thần trong thời đại mà ông sống. Ông bàn về cách nghệ thuật cần phải hướng đến các giá trị thẩm mỹ ra sao, người nghệ sĩ cần giữ thái độ độc lập và chuẩn mực sáng tác như thế nào, chúng ta cần phải hướng tới tự do cá nhân như một lẽ sống không thể chối bỏ.

Tìm hiểu thêm: Nghệ thuật và thợ thủ công – Oscar Wilde – Book Hunter Lyceum

Bài giảng cho sinh viên nghệ thuật:

Đây là bài giảng được trình bày với các sinh viên nghệ thuật của học viện Hoàng gia tại Câu lạc bộ của họ ở Golden Square, Westminster, vào ngày 30/6/1883. Bản dịch được dựa trên văn bản gốc của Oscar Wilde.

Trong bài giảng này, Wilde nói về cái đẹp, nhưng ông không định nghĩa nó. Theo Wilde, “đối với một nghệ sĩ trẻ, không có điều gì nguy hiểm bằng bất cứ một khái niệm về cái đẹp lý tưởng nào đó” vì “anh ta sẽ nhanh chóng bị dẫn hướng bởi khái niệm đó”. Do vậy, Wilde không mang tới cho người nghe/ người đọc một triết học về cái đẹp. Thay vào đó, ông mong muốn người nghe/ người đọc truy tìm cách người nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật.

Chủ đề của bài nói chuyện là những gì làm nên một nghệ sĩ và những gì nghệ sĩ có thể làm; mối quan hệ giữa nghệ sĩ và môi trường của anh ta là gì, sự giáo dục mà nghệ sĩ nên có, và chất lượng của một tác phẩm hay nằm ở đâu.

Đừng chờ đợi cuộc sống mỹ lệ, nhưng hãy cố gắng nhìn cuộc đời dưới những điều kiện mỹ lệ.

Mục đích của nghệ thuật là khuấy động những hòa âm xa xôi và thiêng liêng nhất, thứ tạo nên âm nhạc trong tâm hồn ta; và thực sự, sắc màu bản thân nó là một sự hiện diện thần bí trên mọi thứ, còn thanh âm thì như thể người lính gác.

Nghệ thuật và thợ thủ công:

Bài tiểu luận này được lấy từ bản gốc mới được tìm ra gần đây. Không rõ bài này có nằm trong cùng bài giảng với Bài giảng dành cho sinh viên nghệ thuật ở trên hay không, cũng không rõ nội dung này có được viết cùng một giai đoạn hay không. Một vài phần của bài tiểu luận này được viết tại Philadelphia vào năm 1882.

Trong bài tiểu luận này, Oscar Wilde khẳng định: Cái đẹp không đối nghịch với cái hữu dụng. Cái đối nghịch với cái đẹp là cái xấu. Cũng trong tiểu luận này, Wilde khẳng định: Tinh thần thương mại và đô thị không đối lập với cái đẹp, bởi người xây nên những thành phố xinh đẹp như Genoa, Florence, Venice… đều là những thương gia.

Trung tâm của bài tiểu luận và vấn đề nghệ thuật và thủ công. Wilde không đặt nghệ thuật và thủ công đối lập nhau, càng không đặt người nghệ sĩ đối lập với người thợ thủ công. Wilde cho rằng, nghệ thuật mang trong mình vẻ đẹp và những động cơ tinh thần, niềm vui tưởng tượng; còn người thợ thủ công có trong tay mình kỹ thuật để có thể tạo tác ra những chi tiết ấn tượng và kỹ lưỡng nhất. Wilde trân trọng cả người sáng tạo nghệ thuật và những thợ thủ công, vì “mọi nghệ thuật đều có tính hữu dụng và mọi nghệ thuật cũng đều có tính trang trí”.

Người ta thường nói như thể cái đẹp đối nghịch với cái hữu dụng. Nhưng chẳng có gì đối nghịch với cái đẹp ngoại trừ cái xấu: mọi thứ đều hoặc là đẹp hoặc là xấu, và cái có ích luôn ở về phía cái đẹp.

Phong trào nghệ thuật của chúng ta là phong trào đầu tiên mang thợ thủ công và nghệ sĩ đến với nhau, để nhắc ta nhớ rằng việc tách rời chúng khỏi nhau chỉ mang đến thất bại cho cả hai; như thể bạn đã cướp đi mọi động cơ tinh thần và niềm vui tưởng tượng của một bên, rồi tách bên còn lại khỏi tất cả sự hoàn hảo kỹ thuật thực thụ.

Tâm hồn con người

Bài tiểu luận này được xuất bản lần đầu trong Fortnightly Review năm 1891. Bản dịch được dựa trên ấn bản do Arthur L. Humphreys, một người bạn của Oscar Wilde, phát hành năm 1900.

Trong bài tiểu luận này, Wilde tin rằng Chủ nghĩa xã hội sẽ giải thoát con người khỏi lối sống nề nếp hèn mọn của việc sống cho người khác chứ không phải sống cho chính bản thân mình. Wilde lấy ví dụ về cuộc sống của những người nghèo, khi họ nghèo đến mức không thể nghĩ đến điều gì khác ngoài việc làm no bụng. Chủ nghĩa xã hội sẽ xóa bỏ tư hữu, và từ đó, người nghèo sẽ không còn phải lo về miếng cơm manh áo nữa.

Wilde cho rằng, chính xã hội tư hữu đã khiến con người thui chột đi đời sống cá nhân, đời sống tinh thần. Và chủ nghĩa xã hội, với việc xóa bỏ tư hữu và khiến con người không còn phải lo lắng về tiền bạc, cơm áo, những vật ngoài thân…, có thể giúp con người  sống thật sự, nuôi dưỡng cho đời sống tinh thần của bản thân mình. Với suy nghĩ đó, Oscar Wilde khẳng định: “Bản thân chủ nghĩa xã hội sẽ có giá trị, đơn giản bởi nó sẽ dẫn tới chủ nghĩa cá nhân”.

Ngoài việc bàn về tương lai khi chủ nghĩa xã hội giúp con người tiến đến chủ nghĩa cá nhân, Wilde cũng bàn đến việc: Thế nào là một tác phẩm nghệ thuật lành mạnh, và thế nào là một tác phẩm nghệ thuật không lành mạnh? Wilde khẳng định:

Một tác phẩm nghệ thuật không lành mạnh là tác phẩm có phong cách rõ ràng, cổ lỗ, và thông dụng, với đề tài được lựa chọn dựa trên sự cân nhắc không phải bởi niềm vui của người nghệ sĩ có với nó, mà bởi anh ta nghĩ rằng công chúng sẵn lòng trả công cho anh ta về đề tài đó.

Chẳng có gì ích kỷ khi nghĩ cho chính mình. Một người không suy nghĩ cho chính mình thì cũng chẳng suy nghĩ gì hết cả.

Những lời gan ruột

Oscar Wilde viết “Những lời gan ruột” trong thời gian ngồi tù tại Reading Gaol. Tiểu luận được viết dưới dạng một bức thư dài 50 nghìn từ dành cho tình cũ của ông là Alfred Douglas.

Ngồi tù có thể xem là biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời Wilde, khi ông đang ở đỉnh cao danh vọng thì lại vướng phải một vụ kiện tụng, mất toàn bộ tài sản, danh tiếng đi xuống, phải ngồi tù khổ sai hai năm.

Những ngày tháng chán nản, phẫn uất, nhục nhã, tuyệt vọng đến với Wilde khi ông ngồi tù. Trong thời gian này, ông trải nghiệm đến cùng những bi ai đó, để rồi lột xác và có những trải nghiệm tinh thần sâu sắc hơn. Những lời gan ruột ghi lại tất cả những trạng thái cảm xúc và suy nghĩ của Wilde, đi từ những đau thương tận cùng cho đến lúc lột xác trong đời sống tinh thần.

“Những lời gan ruột” bàn đến nhiều vấn đề trong đời sống cá nhân, tinh thần của riêng Wilde hơn là nghệ thuật, với những suy tư của ông về sự sầu muộn, khổ đau, tính khiêm nhường, sự chia sẻ giữa những người nghèo, tôn giáo, đạo đức, lý trí. Nhà tù nhốt Wilde, buộc ông phải đối diện với chính bản thân mình: Không còn Wilde xa hoa hưởng lạc nữa, không phải một người nghệ sĩ kiêu hãnh trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, chỉ còn một chàng trai bị rơi từ trên vị trí cao xuống vị trí thấp, để rồi từ đó, hấp thụ mọi khổ đau, tuyệt vọng và không né trành mà ghi nhớ toàn bộ nỗi đau ấy.

Người nào hối tiếc trải nghiệm của mình thì cũng chặn đứng sự phát triển của bản thân. Chối bỏ kinh nghiệm của bản thân là đặt một lời nói dối lên đôi môi cuộc sống của chính mình. Điều đó chẳng khác nào chối bỏ một linh hồn.

Bốn tiểu luận trên được viết trong những hoàn cảnh khác nhau, thể hiện những quan điểm và sự chuyển dịch trong tư duy của Oscar Wilde về nghệ thuật, tuy nhiên, xuyên suốt vẫn là sự nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật và tận hưởng cuộc sống của ông. Sau khi ở tù ra, Oscar Wilde thay đổi, nhưng không đối lập hoàn toàn với cuộc đời xa hoa hưởng lạc trước đây, mà trở thành một Oscar Wilde hoàn thiện hơn: vừa trung thành với cái đẹp, vừa hướng tới cái cao cả vĩ đại của con người cá nhân.

Ở đây, tôi không bàn sâu về từng nội dung trong tiểu luận, thay vào đó, mình đưa ra những phạm vi nội dung chính mà từng tiểu luận đề cập đến. Chúng ta nên đọc trực tiếp tiểu luận của Oscar Wilde, cũng như nên đọc trực tiếp các sáng tác của ông, bởi khi đó, chúng ta mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của ngôn ngữ, đồng thời chạm đến được cảm xúc, tâm hồn mà Wilde gửi gắm qua câu chữ.

Nguyễn Hoàng Dương

 

Hà Thủy Nguyên phỏng vấn giáo sư E. SAN JUAN, Jr: Ý thức chính trị và nguyên tắc tự do trong văn chương Oscar Wilde

E. SAN JUAN, Jr. là nhà phê bình văn học và văn hóa thế giới, là giáo sư danh dự về Tiếng Anh, Văn học so sánh (Comparative Literature) và Nghiên cứu Dân tộc học. Ông nhận bằng từ Trường đại học Philippines và Đại học Harvard. Ông là trưởng khoa Văn hóa so sánh Hoa Kỳ, Đại học Washington, và hiện là thành viên của Trung tâm Hary Ransom, thuộc Đại học Texas. San Juan trước đây là nghiên cứu sinh ở Viện W.E.B.

Book Hunter ra mắt bản dịch “Bức họa Dorian Gray” đầy đủ nhất từ trước tới nay

"Bức họa Dorian Gray" (Tên tiếng Anh: "The picture of Dorian Gray") của nhà văn vĩ đại người Anh Oscar Wilde là một trong các tác phẩm có ảnh hưởng nhất của thế giới phương Tây. Tác phẩm được nhiều lần chuyển thành phim (25 bộ phim bao gồm chuyển thể và phóng tác), truyền cảm hứng cho nhiều truyện tranh, ca khúc và thi ca. Thậm chí, cái tên Dorian Gray còn được sử dụng để gọi hội chứng tâm lý sợ tuổi già và

Book Hunter

18/10/2018

Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại

Romanticism được dịch sang từ Hán Việt là Chủ nghĩa lãng mạn. “Lãng mạn” theo nghĩa đen là con sóng tràn đầy; theo nghĩa bóng là chỉ sự buông thả, phong lưu, không chịu ràng buộc của luân lý. Lối dịch này có lẽ do ảnh hưởng từ cách dịch của các nhà văn hiện đại Trung Quốc. Lối hiểu này nghe có vẻ hợp lý và gần nghĩa nhưng vô tình làm giảm đi triết lý của “romanticism”, và đưa “romanticism” đến gần với

Chuyện đời đầy bi kịch của Edgar Allan Poe

Trong toàn bộ nền văn học Mỹ, có lẽ không bậc thầy nào của thể loại rùng rợn được tôn vinh nhiều như Edgar Allan Poe. Từ bài thơ nhuốm màu siêu nhiên khó quên mang tên "The Raven" (Con quạ) cho đến tình tiết đầy ám ảnh vốn là trọng tâm của "The Tell-Tale Heart" (Trái tim kể tội), phong cách và các chủ đề của Poe vẫn là nền tảng cho điểm mấu chốt của hầu hết các câu chuyện kinh dị ngày

Minh Hiền

29/01/2024

Lãng mạn U ám (Dark Romanticism): Ám ảnh về góc khuất trong thế giới tinh thần với xúc cảm rùng rợn, hung cuồng và tuyệt vọng

Đối nghịch với khuôn vàng thước ngọc của Chủ nghĩa cổ điển phương Tây, Chủ nghĩa lãng mạn tìm đến những cảm thức phóng cuồng và biểu tượng dị giáo để biểu thị cho tinh thần của mình. Điều này, tôi đã viết trong bài Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại - Book Hunter. Nhưng không dừng ở đấy, các tác giả lãng mạn đi xa hơn vào những góc khuất của tâm