Home Đọc ĐỌC “CÁC HUYỀN THOẠI VỀ NGUỒN GỐC CỦA LỬA” ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CON NGƯỜI NGUYÊN THỦY

ĐỌC “CÁC HUYỀN THOẠI VỀ NGUỒN GỐC CỦA LỬA” ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CON NGƯỜI NGUYÊN THỦY

Lửa có từ bao giờ? Tại sao lửa lại quan trọng đến vậy? Những huyền thoại về lửa trên thế giới phản ánh điều gì? Những ngọn lửa “nhân tạo” đầu tiên được tạo ra như thế nào?… Nếu bạn từng đặt ra bất cứ câu hỏi nào liên quan đến nguồn gốc của lửa như trên, thì “Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa” của J. G. Frazer chính là cuốn sách dành riêng cho bạn.

Đối với những độc giả yêu thích tìm hiểu văn hóa nguyên thủy, cái tên J. G. Frazer là một cái tên đã quá quen thuộc. J. G. Frazer (1854-1941) là nhà nhân học phòng giấy vĩ đại cuối cùng trên thế giới. Không áp dụng phương pháp thực địa như các nhà nhân học khác, J. G. Frazer nghiên cứu chủ yếu trên văn bản và các tư liệu cổ mà ông thu thập được. Khối lượng tư liệu đồ sộ ấy được Frazer tổng hợp, phân loại, phân tích, để rồi được ông khái quát lên thành những lý thuyết về văn hóa nguyên thủy. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Cành vàng”, cuốn bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy, bộ tư liệu đồ sộ về huyền thoại của nhân lọai. Trong những trang cuối cùng của “Cành vàng”, bắt đầu với cái chết của thần Balder trong văn hóa Bắc Âu, J. G. Frazer đã gợi mở cho người đọc những huyền thoại về lửa ở nhiều nơi trên thế giới. Những huyền thoại về lửa này được giới thiệu đầy đủ và kĩ lưỡng hơn trong công trình “Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa”.

Công trình “Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa” gồm hai phần chính. Phần thứ nhất, cũng là trọng tâm của cuốn sách, liệt kê cho bạn đọc nguồn gốc của lửa ở các khu vực và tộc người khác nhau trên toàn thế giới, bắt đầu từ huyền thoại của tộc người hoang dã nhất ở khu vục Tasmania cho đến những huyền thoại tiên tiến nhất ở Ấn Độ cổ đại. Chính trong phần này, bạn đọc sẽ được bước vào một khu bảo tàng rộng lớn với nhiều ngóc ngách riêng biệt, mà mỗi biển chỉ dẫn lại đưa người đọc đến với những câu chuyện và cách lý giải khác nhau về lửa. Nếu mới đầu, các câu chuyện liên quan đến lửa đơn giản chỉ là những huyền thoại động vật, lý giải một vài đặc trưng của loài chim, gà, cá,… thì dần dần về sau, ở những nền văn hóa tân tiến hơn, huyền thoại về lửa lại gắn liền với tín ngưỡng thờ vật tổ hoặc giai đoạn chuyển đổi của xã hội nguyên thủy từ mẫu hệ sang phụ hệ, thậm chí, ở những bộ tộc tại châu Phi, lửa và thao tác nhóm lửa còn tượng trưng cho hoạt động tính giao giữa người nam và người nữ. Phiêu lưu qua nhiều vùng đất và bắt gặp nhiều câu chuyện khác nhau, người đọc sẽ nhận ra một vài motip chung trong những huyền thoại về lửa ở bất kỳ nền văn hóa nào: Luôn có một đối tượng đánh cắp ngọn lửa về cho con người, và kể từ đó, con người biết sử dụng lửa để phục vụ nhu cầu sinh tồn của bản thân.

Đến với phần thứ hai, độc giả sẽ gặt hái những kết luận của riêng J. G. Frazer khi ông tìm hiểu những huyền thoại về nguồn gốc của lửa, đồng thời đưa ra một lý giải về sự xuất hiện và cách thức hoạt động của những công cụ tạo ra lửa của người nguyên thủy như khoan lửa, cưa lửa,… Từ việc lý giải này, J. G. Frazer có đưa ra giả thuyết: Khu vực đầu tiên mà con người tìm ra cách đánh lửa có thể là xứ nhiệt đới, bởi chỉ ở xứ nhiệt đới, cây tre – một loại cây dễ dàng tạo ra lửa khi phần gỗ hoặc lá cây cọ xát vào nhau – mới sinh trưởng tràn lan. Tất nhiên, không thể có được một khẳng định chắc chắn cho những hiện tượng đã xuất hiện từ thời nguyên thủy, nhưng những giả thuyết của J. G. Frazer cũng không phải là không có căn cứ.

Nhìn chung, “Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa” là một cuốn sách dễ đọc, cung cấp nhiều thông tin lí thú cho người đọc. Có thể nói, bên cạnh “Cành vàng”, cuốn sách này xứng đáng là sách nhập môn cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về văn hóa nguyên thủy nói chung, và tìm hiểu về lửa trong huyền thoại nói riêng; hoặc đơn giản hơn, nó phù hợp cả với những người yêu thích văn hóa và say mê với công cuộc thu thập, xử lý dữ liệu. Được xuất bản từ năm 1929, cho đến nay, có nhiều điều trong sách đã không còn chuẩn xác, song cuốn sách này của J. G. Frazer xứng đáng được đọc cẩn thận, và người đọc nên chọn cách đối thoại với cuốn sách (xa hơn, là với tác giả), thay vì chỉ đọc thông tin theo cách thụ động, một chiều.

Để kết luận, xin được trích lại một đoạn trong lời mở đầu cuốn sách của chính J. G. Frazer:

“Ngay cả khi là những huyền thoại, chúng cũng đáng được nghiên cứu: bởi lẽ trong khi huyền thoại không bao giờ giải thích những thực tế mà chúng tìm cách làm sáng tỏ, thì nhân đó, chúng cũng cho thấy trình độ của những con người sáng tạo ra chúng hoặc tin tưởng chúng…”

Và nói cho cùng, tìm hiểu về văn hóa nguyên thủy, nói rõ hơn là tìm hiểu về lửa và cách con người sử dụng lửa, chẳng phải là để hiểu rõ hơn về trí tuệ con người từ bao đời nay hay sao?

Nguyễn Hoàng Dương

Trải nghiệm đa văn hóa trong nghiên cứu điền dã nhân học

Trong nhiều năm qua, phương pháp luận được quan tâm nhiều trong các ngành khoa học xã hội nói chung và Nhân học nói riêng. Tuy nhiên, phần nhiều các tác giả đều đặt mối quan tâm vào những công đoạn, những thao tác cụ thể với các điều kiện trên thực địa. Trong khi đó, những thảo luận về phương pháp luận trên phương diện triết học rất ít khi được quan tâm. Dựa trên quá trình nghiên cứu thực địa về người Dao

Giải thực dân và bản địa học

Dưới sự cai trị của chủ nghĩa thực dân, người bản địa bị coi khinh, thậm chí còn không được coi là một con người đúng nghĩa. Nhận thức về người bản địa, vì thế trở thành một mặt trận quan trọng trong chống chủ nghĩa thực dân. Cũng vì vậy mà giải thực dân trong khoa học là một thành quả quan trọng của người dân thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Câu chuyện linh hồn và chủ nghĩa thực dân khinh rẻ

Dân chủ sinh thái: Khi người dân là chủ thể của môi trường sinh thái

Trong mấy thập kỷ gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái trở thành mối quan tâm của hầu hết các quốc gia, cộng đồng, và là nội dung quan trọng bậc nhất, được đề cập đến nhiều nhất của các tổ chức quốc tế, các hội nghị liên quan quốc. Điều đó cũng phản ánh đúng hiện thực xã hội khi mà môi trường sinh thái đang bị suy thoái nghiêm trọng, đe doạ tính mạng, tài sản của hàng tỷ con