Home Chuyên đề tháng Giải thực dân và bản địa học

Giải thực dân và bản địa học

Dưới sự cai trị của chủ nghĩa thực dân, người bản địa bị coi khinh, thậm chí còn không được coi là một con người đúng nghĩa. Nhận thức về người bản địa, vì thế trở thành một mặt trận quan trọng trong chống chủ nghĩa thực dân. Cũng vì vậy mà giải thực dân trong khoa học là một thành quả quan trọng của người dân thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Câu chuyện linh hồn và chủ nghĩa thực dân khinh rẻ người bản địa

Sau khi phát hiện ra châu Mỹ, những quan niệm của người châu Âu về người bản địa, cụ thể là người Anh Điêng đã tạo nền tảng cơ sở cho nhiều chính sách liên quan đến việc ứng xử với cộng đồng này. Nhiều người châu Âu coi người Anh Điêng là không có linh hồn nên không được Chúa che chở bởi nguyên nhân là vì họ có thể ăn thịt đồng loại. Xuất phát của quan niệm này là do họ nhận được các thông tin từ một số nhà thám hiểm, các nhà truyền đạo hay các nhà dân tộc chí về tập tục ăn thịt người và một số nghi lễ truyền thống liên quan của người Anh Điêng. Từ đó, một cuộc tranh luận gay gắt về người bản địa và các tập tục của họ, trong đó có các tập tục hiến sinh, giữa nhiều luồng quan điểm khác nhau và ảnh hưởng mạnh mẽ đến Giáo hội. Bên cạnh luồng quan điểm cho rằng người bản địa (Anh Điêng) không có linh hồn nên Chúa không thể che chở, thì cũng có nhiều quan điểm cho rằng họ có linh hồn và cũng là những người bình thường chỉ là có nền văn hóa khác biệt với châu Âu. Và họ cũng có thể học ngôn ngữ của người châu Âu, tham gia vào việc tiếp nhận và truyền đạo như người bình thường khác. Cuộc tranh luận gay gắt đó diễn ra trong nhiều thế kỷ. Nhưng một thực tế là người Anh Điêng đã bị thực dân châu Âu tấn công, đàn áp và tiêu diệt một cách nhanh chóng bởi nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân về nhận thức và phân biệt chủng tộc: “Ngay từ ban đầu, sự diệt chủng những người Anh Điêng đã được nhận thức như một biến cố độc nhất vô nhị trong lịch sử mà châu Âu phải chịu trách nhiệm. Ngay từ năm 1542, Barlotomé de Las Casar đã giải thích là trong 40 năm người châu Âu có mặt, từ 12 đến 15 triệu người Anh Điêng đã chết do chiến tranh rồi sau đó là do bị áp bức. Các nhà dân số học thế kỷ XX thậm chí còn cho rằng con số là cao hơn. Họ ước tính rằng trước khi Christophe Colomb đến vào năm 1492, 80 triệu người đang sống tại châu Mỹ và năm 1550 họ chỉ còn không quá 10 triệu. Phần lớn những người chết, ngoài chiến tranh và áp bức, đều được quy là do bệnh tật”.

Một ví dụ vậy để nói rằng sản xuất tri thức về người bản địa đã trở thành một công cụ mà chủ nghĩa thực dân lợi dụng trong quá trình chinh phạt. Vậy nên, người bản địa cũng vươn lên trong lĩnh vực tiếp cận và sản xuất tri thức, để chống lại chủ nghĩa thực dân. Ban đầu, họ làm phiên dịch cho các nhà truyền đạo, sĩ quan quân đội hay các nhà thám hiểm. Họ học ngôn ngữ của người châu Âu để trao đổi, làm việc cho người châu Âu. Sau đó họ vươn lên để khẳng định bản thân mình cũng có thể tham gia vào sản xuất tri thức. Đương nhiên, có không ít các nhà truyền đạo hay các nhà nghiên cứu khoa học đã học tập ngôn ngữ người bản địa, thậm chí kết hôn với người bản địa và khám phá nền văn hóa bản địa. Nhưng sự trưởng thành về mặt nhận thức, sự tiếp nhận khoa học và kỹ thuật, quan điểm và phương pháp nghiên cứu từ người châu Âu của người bản địa là nhân tố quan trọng trong quá trình giải thực dân trong khoa học.

Người bản địa cũng là con người và có thể hợp tác

Người Anh Điêng (và tất cả các cộng đồng người bản địa khác trên Trái Đất) có linh hồn, có nhận thức, có năng lực để kiến tạo cuộc sống, kiến tạo nên nền văn hóa của họ. Đó là cơ sở để nhiều nhà khoa học, nhà truyền đạo đã dành nhiều thế kỷ để đấu tranh cho người bản địa trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân. Cuộc chiến đó cũng kéo dài nhiều thế kỷ, cho đến giữa thế kỷ XX, khi mà hệ thống thuộc địa sụp đổ, nhiều quốc gia dân tộc vùng lên giành lại độc lập dân tộc. Sự hiểu biết về chính mình và khẳng định năng lực tư duy cũng như trách nhiệm dân tộc của những người bản địa có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thực dân. Những người bản địa đã khẳng định họ đủ năng lực để sản xuất tri thức về chính cộng đồng họ từ góc nhìn của người trong cuộc. Trong quá trình khẳng định mình đó, đương nhiên có sự giúp đỡ của những nhà khoa học, các nhà truyền đạo người châu Âu.

Sử dụng người bản địa làm phiên dịch trong quá trình sản xuất tri thức là điều khá phổ biến trên thế giới khi mà người châu Âu đến khám phá các lục địa khác. Nhưng hầu hết họ coi người phiên dịch là những công cụ để làm việc của mình hơn là những đối tác, những đồng nghiệp hay những cộng sự. Tuy nhiên, trong sự phổ biến đó, cũng có những trường hợp đặc biệt, mà sau này có thể coi họ là những ông tổ, là những nhà tiên phong trong việc nghiên cứu bản địa dựa vào tinh thần hợp tác hay ngày nay một số người gọi với cái tên chuyên ngành hơn là “nhân học hợp tác”. Trong đó phải kể đến trường hợp Sahagun với quá trình biên soạn bộ kiệt tác Histoire générale des choses de la Nouvelle Espagne (Lịch sử đại cương về những điều ở nước Tây Ban Nha mới), một công trình gồm 12 quyển và ông đã dành hơn 20 năm để hoàn thành, đã từng bị Ban kiểm duyệt của Cơ Đốc giáo cấm triệt để. Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, Sahagun đã hợp tác với người bản địa để tìm hiểu, trao đổi và hoàn thành. Ông không chỉ xem họ là phiên dịch, là giúp việc, mà xem là cộng sự, là hợp tác một cách nghiêm túc. Vậy nên, không chỉ điều tra, mà cả việc biên soạn cũng là công trình tập thể: “Trong 3 năm, một mình tôi đọc lại nhiều lần những gì mình đã viết và đưa vào đó những dự hiệu chỉnh […]. Những người Mexico xem lại rồi bổ sung rất nhiều điều cho 12 cuốn sách của tôi, trong khi đó việc chúng tôi phải làm là chép lại cho sạch sẽ”. Công việc điều tra cũng như việc biên soạn các tư liệu từ đầu đến cuối đều là kết quả của mối quan hệ liên kết hợp tác. Mối quan hệ liên kết với những người có địa vị để chọn lọc những “người cấp thông tin”. Mối liên hệ giữa những người già có chuyên môn, những học trò trẻ tuổi và các nhà khoa học. Cũng có mối quan hệ hợp tác giữa những tác giả biên soạn người Mexico (có thể là những học trò trẻ tuổi) và nhà biên soạn điều phối (Sahagun). Một chi tiết tiêu biểu cho các mối quan hệ có tính cá nhân được hình thành giữa Sahagun và nhóm các điều tra viên và những người cấp thông tin: ông gọi tất cả họ bằng những tên riêng”.

Đó là sự khởi đầu cho việc người bản địa tham gia vào sản xuất tri thức. Qua những công việc giúp việc cho một số nhà khoa học, họ bắt đầu ý thức về việc tìm hiểu về chính mình, sản xuất tri thức về chính mình bằng con mắt nhìn nhận của người trong cuộc. Và ở hầu hết các quốc gia thuộc địa, khát vọng thấu hiểu về chính mình của người bản địa không ngừng lớn lên, tạo nên nguồn động lực quan trọng để sau đó hình thành nền khoa học của người bản địa.

Bản địa học

Bản địa học hay nghiên cứu bản địa được hiểu theo nhiều lớp ngữ nghĩa khác nhau. Trước hết, bản địa học là ngành học của người bản địa, do người bản địa tổ chức thực hiện những nghiên cứu về chính mình, cộng đồng hay quốc gia dân tộc của họ sinh sống. Đây là nền tảng hình thành các nền khoa học của các quốc gia khi mà chính những công dân của họ trưởng thành và nghiên cứu về đất nước, về dân tộc học. Bản địa học cũng hiểu theo cấp độ nhỏ hơn là nền khoa học của những người trong một cộng đồng nghiên cứu về chính cộng đồng họ. Những cộng đồng này có thể là một tộc người, một nhóm địa phương… Về tư tưởng lúc này, bản địa học khuyến khích và đề cao việc những thành viên trong cộng đồng chủ thể vươn lên tham gia vào quá trình sản xuất tri thức về cộng đồng mình. Đây cũng là quá trình giải thực dân ở cấp độ quốc gia dân tộc, nó gắn với bối cảnh thế giới nửa sau thế kỷ XX khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc về mặt chính trị đang trỗi dậy mạnh mẽ. Bản địa học khi đó có thể coi là quá trình giải thực dân trong nhận thức, trong khoa học giáo dục và trong văn hóa. Qua đó chống lại những quan điểm coi thường người bản địa và chứng mình người bản địa cũng đủ năng lực sản xuất tri thức về cộng đồng của mình nếu có điều kiện để phát triển.

Bước sang thế kỷ XXI, chủ nghĩa thực dân cũng có những thay đổi nhất định. Khái niệm “chủ nghĩa thực dân bản địa” dần hình thành để chỉ mọi sự can thiệp từ ngoài vào các cộng đồng ở các cấp độ khác nhau và đề cao việc tôn trọng con người chủ thể của cộng đồng, tôn trọng quyền quyết định của cộng đồng với các vấn đề liên quan đến họ. Lúc này, bản địa học cũng có những diện mạo mới mà nhiều người gọi là bản địa học phê phán. Không chỉ khuyến khích các nhà khoa học trong nước khám phá về nền văn hóa của mình, bản địa học phê phán còn đặt con người, cộng đồng chủ thể (vốn được coi là đối tượng nghiên cứu) vào vị trí trung tâm, đề cao tư tưởng, quan điểm, tiếng nói của họ. Nếu trước đây, các nhà khoa học phán xét và nhận định về đối tượng nghiên cứu theo nhận thức chủ quan của họ, thì bây giờ phải xem xét từ chính đối tượng nghiên cứu. Hay nói cách khác là nhận thức của đối tượng nghiên cứu được coi trọng, đề cao. Phát triển hơn nữa, bản địa học phê phán còn đặt lại ví trí của nhà nghiên cứu khi phải/được/để đối tượng nghiên cứu song hành với mình như các đối tác và đồng tác giả cho các sản phẩm từ sản xuất tri thức liên quan đến họ. Lúc này, đối tượng nghiên cứu có quyền thẩm định, tham gia và đánh giá, thậm chí quyết định đến nội dung các nghiên cứu của các nhà khoa học. Bản địa học phê phán đặt đối tượng nghiên cứu ngàng hàng, thậm chí cao hơn nhà nghiên cứu. Đây thực chất là một cú huých mạnh mẽ vào các nền khoa học, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa với những cuộc chạy đua về xếp hạng đại học hay công bố quốc tế. Nếu như bản địa học phổ biến rộng rãi khắp thế giới thì bản địa học phê phán lại đang dần hình thành và phát triển ở một số nước mà thôi. Và sự biểu hiện của nó cũng ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng nó đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học.

Cho đến đầu thế kỷ XX, sản xuất tri thức khoa học về người Việt Nam, về văn hóa Việt Nam vẫn chủ yếu do những người Pháp thực hiện. Hàng loạt các nghiên cứu về các cộng đồng, các nền văn hóa của người Việt Nam được người Pháp (và một số người châu Âu) tiến hành điều tra và biên soạn. Tiêu biểu phải kể đến những nghiên cứu của Savina, Bonifacy, Jonquiere, Gourou,… nghiên cứu ở phía Bắc, hay Henri Maitre, Jacque Dournes, Sabatier,… nghiên cứu về các tộc người Tây Nguyên… Có nhiều tên tuổi khoa học hàng đầu thời điểm đó cũng có những quan điểm bảo vệ, ủng hộ người bản địa như Paul Mus, Jacques Gernet, Paul Levy, Roger Billard, Louis Gernet, George Haudricourt… Những di sản của các học giả này để lại đến ngày nay vẫn còn nhiều giá trị to lớn trong khoa học.

Nhưng càng ngày, trong bộ máy giúp việc của người Pháp, có nhiều người Việt Nam đã tham gia vào công việc sản xuất tri thức khoa học. Phải kể đến những người như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Thiệu Lâu, Trần Văn Giáp, Ngô Quý Sơn, Đỗ Xuân Hợp, Vũ Đình Tụng… và một loạt các trí thức tiêu biểu khác. Họ là những người được đào tạo từ nền giáo dục Pháp học và tiếp nhận tri thức, phương pháp khoa học của người Pháp (Nguyễn Văn Chính 2014). Ban đầu họ giúp việc rồi cộng tác và sau đó họ đứng ra độc lập nghiên cứu và sản xuất tri thức về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Những công trình nghiên cứu của họ, như Mọi Kon Tum (1937) của Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của Đào Duy Anh, Văn minh Việt Nam (1944) của Nguyễn Văn Huyên… được coi là những công trình đặt nền móng cho nền khoa học xã hội Việt Nam hiện đại. Và đó cũng là kết quả của quá trình tiếp nhận khoa học hiện đại của Âu châu, mà ở đây là Pháp. Nhưng quá trình tiếp nhận này được đặt trên nền tảng tinh thần dân tộc, với động lực là khát vọng thấu hiểu chính mình. Đó là cơ sở để người bản địa xây dựng nền khoa học của chình mình.

Những nghiên cứu của các học giả đi tiên phong trong việc sản xuất tri thức về văn hóa, con người Việt Nam đã tạo nền tảng quan trọng để xây dựng nên nền khoa học Việt Nam ngày nay. Nhưng bậc trưởng bối đó cũng trở thành những tên tuổi được trọng vọng, có nhiều ảnh hưởng và nhiều đóng góp lớn trong lịch sử khoa học nước nhà. Quan trọng hơn nữa, họ là những người đã chứng minh rằng người Việt Nam thuộc địa vẫn đủ trình độ để nghiên cứu và sản xuất tri thức về chính mình nếu được phát triển một cách tự do và đầy đủ./.

Bùi Minh Hào

*Bức tranh vẽ thực dân xâm lược khu vực của người da đỏ ở Jamestown, Mỹ. Nguồn ảnh: Native American Netroots.

Dân chủ sinh thái: Khi người dân là chủ thể của môi trường sinh thái

Trong mấy thập kỷ gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái trở thành mối quan tâm của hầu hết các quốc gia, cộng đồng, và là nội dung quan trọng bậc nhất, được đề cập đến nhiều nhất của các tổ chức quốc tế, các hội nghị liên quan quốc. Điều đó cũng phản ánh đúng hiện thực xã hội khi mà môi trường sinh thái đang bị suy thoái nghiêm trọng, đe doạ tính mạng, tài sản của hàng tỷ con

Trải nghiệm đa văn hóa trong nghiên cứu điền dã nhân học

Trong nhiều năm qua, phương pháp luận được quan tâm nhiều trong các ngành khoa học xã hội nói chung và Nhân học nói riêng. Tuy nhiên, phần nhiều các tác giả đều đặt mối quan tâm vào những công đoạn, những thao tác cụ thể với các điều kiện trên thực địa. Trong khi đó, những thảo luận về phương pháp luận trên phương diện triết học rất ít khi được quan tâm. Dựa trên quá trình nghiên cứu thực địa về người Dao

ĐỌC “CÁC HUYỀN THOẠI VỀ NGUỒN GỐC CỦA LỬA” ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CON NGƯỜI NGUYÊN THỦY

Lửa có từ bao giờ? Tại sao lửa lại quan trọng đến vậy? Những huyền thoại về lửa trên thế giới phản ánh điều gì? Những ngọn lửa “nhân tạo” đầu tiên được tạo ra như thế nào?... Nếu bạn từng đặt ra bất cứ câu hỏi nào liên quan đến nguồn gốc của lửa như trên, thì “Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa” của J. G. Frazer chính là cuốn sách dành riêng cho bạn. Đối với những độc giả yêu thích