Các bậc thầy tâm linh trong dòng lịch sử của nhân loại mỗi khi nhập thế để rồi rời bỏ thế gian, bên cạnh những lời giảng, thường để lại một di sản mang tính hiện thực hóa ý tưởng của họ. Đó có thể là giáo hội, có thể là tăng đoàn, có thể là một phương pháp tu, hay một trại thiền, một làng tâm linh…nhưng Krishnamurti (1895 – 1986), bậc thầy tâm linh độc lập có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 để lại cho thế giới một hệ thống trường học. Thuở sinh thời, Krishnamurti đã thể hiện mối quan tâm rất lớn tới giáo dục, ông bàn luận nhiều về giáo dục, xây dựng hệ thống trường học, và nhiệt tâm trong hoạt động truyền cảm hứng tới các giáo viên và học sinh.
Krishnamurti được yêu thích ở Việt Nam trong nhiều thế hệ độc giả, từ trước những năm 75 cho tới ngày nay, với nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Tại Việt Nam, đa phần độc giả tiếp nhận tư tưởng tâm linh của ông, như lời dẫn đạo thoát khỏi lối sống lầm lạc của những tham muốn và xung đột của nhân loại. Osho có thể bàn về ý nghĩa tâm linh của chính trị, bàn về về việc tâm linh cần đi vào từng khía cạnh của đời sống để chuyển hóa, nhưng Krishnamurti là người thực sự hành động. Và đây là khía cạnh mà độc giả Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến.
Cuộc đời đầy biến cố của Jiddu Krishnamurti
Krishnamurti xuất thân trong một gia đình Bà La Môn làm việc cho thực dân Anh vào đầu thế kỷ 20. Thuở nhỏ, ông thường ốm đau, bệnh tật, và bị đánh đập ở trường học. Cuộc đời của ông đã chuyển hướng khi cha ông nhận công việc tại trụ sở của Thông Thiên Học tại Ấn Độ. Năm 1904, Charles Webster Leadbeater, nhân vật có ảnh hưởng lớn trong Thông Thiên Học đã tuyên bố rằng cậu bé Jiddu có ánh hào quang kỳ lạ, rằng cậu có số phận trở thành cỗ xe cho đấng Maitreya (Di Lặc) chuyển thế. Lúc bấy giờ, Krishnamurti luôn biểu hiện là một cậu bé cam phận thực hiện bất cứ điều gì người thầy Leadbeater của mình yêu cầu. Theo như miêu tả của Pupul Jayakar trong cuốn tiểu sử về Krishnamurti của bà, ông lúc bấy giờ luôn nói rằng “Tôi sẽ làm bất cứ điều gì ngài muốn”, rằng ông khúm núm và phục tùng, mơ hồ, bất định, ủ rũ, chẳng quan tâm đến mọi chuyện diễn ra xung quanh, và như thể “bình chứa bị thủng một lỗ lớn, dù nhét bất cứ thứ gì thì cũng trào hết ra ngoài chẳng gì đọng lại” (Sách “J. Krishnamurti: A Biography” của Pupul Jayakar, 1988)
Dầu vậy, Krishnamurti đã thực sự đổi đời. Ông được tiếp cận với thế giới thượng lưu phương Tây, được nuôi dưỡng và chăm sóc đặc biệt bởi những chức sắc cao cấp của Thông Thiên học, được đào tạo năng lực đọc và học tiếng Anh. Chính Krishnamurti sau này cũng thừa nhận rằng, nếu không có sự “phát hiện” của Leadbeater ngày ấy, có lẽ ông đã chết. Tiếp theo đó, ông cùng em trai trở thành con nuôi của Annie Bersant, người đứng đầu Thông Thiên Học bấy giờ. Năm 1911, Thông Thiên Học đã thành lập Hội Ngôi sao Phương Đông (OSE) để chuẩn bị các hoạt động đón chào Chân Sư Thế Giới xuất thế qua thân thể của Krishnamurti, và chính ông được bổ nhiệm là người đứng đầu Hội. Sự việc này gây chấn động báo giới với những lời ra tiếng vào và tranh cãi tại Ấn Độ và ngay cả trong nội bộ Thông Thiên Học.
Thông Thiên Học rất đầu tư cho hình ảnh “cỗ xe của Chân Sư Thế Giới”. Ông được gửi tới Oxford để theo đuổi đại học, nhưng ông thể hiện rằng mình không có các kỹ năng học thuật và cũng không hứng thú với lĩnh vực này. Từ bỏ con đường đại học, cùng lúc ấy, Krishnamurti cũng nghi ngờ định mệnh mà Leadbeater và Annie Bersant áp đặt lên ông. Trong suốt quá trình thuyết giảng dưới danh nghĩa Thông Thiên Học, Krishnamurti đã tạo dựng được sức ảnh hưởng của mình, từng bước cải thiện khả năng diễn thuyết, thậm chí đạt được độc lập tài chính khỏi tổ chức này.
Bước ngoặt tiếp theo đến với Krishnamurti khi ông và em trai – Nitya tới California. Đây là quãng thời gian hai anh em thoát khỏi sự giám sát và kìm kẹp của Thông Thiên Học, và thực sự cảm thấy được bầu không khí tự do. Tuy nhiên, những trải nghiệm tâm linh dị thường bắt đầu ập đến với Krishnamurti với những cơn đau, cảm nhận năng lượng khác nhập thể, đôi khi mất ý thức…nhưng sau tất cả, dường như Krishnamurti đã có những biến chuyển về giác quan và khả năng thông linh. Sự kết nối của ông đối với thế giới trở nên rõ ràng hơn, mãnh liệt hơn. Trong lúc ấy, những người thầy của Krishnamurti tại Thông Thiên Học mơ hồ nhận thức rằng dường như họ chưa hề chuẩn bị những điều này cho ông, tuy nhiên, những tin đồn về quá trình biến chuyển tâm linh của ông vẫn lan rộng và tiếp tục gây nhiều tranh cãi sôi nổi. Nhưng rồi, Nitya, người em trai thân thiết với ông qua đời. Cú shock này khiến ông hoài nghi toàn bộ những gì đã hứa hẹn của Thông Thiên Học, và cũng từ đó, con người cá nhân của ông biểu lộ mãnh liệt hơn trong cái bài nói chuyện. Đỉnh điểm của sự ly khai đánh dấu bằng tuyên bố giải tán Hội Ngôi Sao Phương Đông vào năm 1929, lên án sự kiểm soát của tổ chức và khẳng định về tinh thần tự do, đồng thời hoàn trả toàn bộ những tài sản và từ chức quản lý các quỹ tín thác đứng tên ông. Krishnamurti ra đi với hai bàn tay trắng và một tinh thần tự do.
Hoạt động như một nhà diễn thuyết tự do, Krishnamurti vẫn tiếp tục có được ảnh hưởng lớn tại Mỹ, đặc biệt với các diễn ngôn hòa bình và chống chủ nghĩa dân tộc. Những phát ngôn của ông đi ngược lại hoàn toàn chủ trương tuyên truyền của chính phủ và quân đội Mỹ lúc bấy giờ vốn đang hừng hực thúc đẩy tinh thần chiến đấu và cổ vũ bom nguyên tử. Trong suốt 4 năm, ông không được phát biểu và chịu sự giám sát của FBI cho đến năm 1944. Sau thế chiến II, ông quay trở lại thuyết giảng và bắt đầu tiếp cận giới trí thức trẻ, và hơn cả thế, ông bắt đầu tác động trở lại ở Ấn Độ. Ông đã tiếp xúc với Thủ tướng Jawaharlal Nehru, cùng nhiều nhân vật lớn tại Ấn Độ và thuyết giảng về tư tưởng của mình. Không chỉ trao đổi với các lãnh đạo tôn giáo danh tiếng, Krishnamurti còn trao đổi với David Bohm – nhà vật lý lượng tử nổi tiếng đề xuất thuyết Vũ Trụ Toàn Ảnh, cùng nhiều nhà khoa học lỗi lạc khác như nhà vật lý Fritjof Capra (Tác giả “Đạo của Vật lý), nhà sinh vật học Rupert Sheldrake, bác sĩ tâm thần David Shainberg, cũng như các nhà trị liệu tâm lý đại diện cho nhiều khuynh hướng lý thuyết khác nhau… Các đoạn đối thoại của Krishnamurti với những nhân vật lớn này đạt đến độ kinh điển trong sự va chạm giữa học thuật, chính trị với tâm linh. Theo Jayakar, người viết tiểu sử về Krishnamurti, những thông điệp của ông còn có ảnh hưởng tới việc gỡ bỏ những chính sách áp đặt của thủ tướng Indria Gandhi trong thời kỳ hỗn loạn. Ông cũng đã phát biểu tại Liên Hiệp Quốc trong những năm 1984, 1985 với các thông điệp quan trọng về hòa bình và tương lai của nhân loại.
Khi tìm hiểu về cuộc đời của Krishnamurti, ta có thể hình dung về số phận của một cậu bé bị bạo hành trong nhà trường, bị người lớn thao túng và áp đặt, nhưng vùng dậy để giành quyền tự do, tự chủ và hạnh phúc cho riêng mình, dù phải chịu đựng không ít đớn đau. Ông từ bỏ đại học nhưng lại đủ tầm cỡ để đối thoại với những trí tuệ lớn nhất thời đại, ông có một tuổi thơ bất hạnh với trường lớp và những người lớn, nhưng lại giành nguồn lực lớn để đầu tư vào giáo dục. Ông đã xây 5 ngôi trường ở Ấn Độ, 1 ngôi trường ở Anh, 1 ngôi trường ở California. Tuy ông không đứng lớp trực tiếp giảng dạy nhưng tư tưởng của ông thấm nhuần trong cách thức hoạt động và vận hành của những ngôi trường này. Krishnamurti không xây những ngôi trường lớn, ông chủ trương duy trì các trường nhỏ mà tại đó tạo được bầu không khí dễ chịu cho cả giáo viên và học sinh. Sự quan tâm của Krishnamurti đến giáo dục có lẽ một phần đến từ những ám ảnh tuổi thơ, nhưng hơn cả thế, ông nhận ra rằng giáo dục là môi trường tác động tâm trí tốt nhất có thể để gợi mở tinh thần tự do cho những công dân của tương lai.
Xem video trò chuyện cùng dịch giả Quách Trọng, người dịch cuốn sách “Toàn thể biến dịch của cuộc sống là học tập”
Tư tưởng giáo dục của Krishnamurti
Từ góc nhìn tâm linh, cũng như nhiều bậc thầy khác, Krishnamurti không coi đó là công cụ để giáo hóa, tuyên truyền hay đào tạo nghề. Giáo dục với ông là sự khơi mở cái nhìn tổng thể cho học sinh, tức cái nhìn vạn vật có sự liên kết thống nhất với nhau trong tính toàn thể, là hoạt động mà mỗi nhân tố trong đó tự khai phá thế giới tinh thần cũng như trí tuệ của chính mình. Ngày nay, với cái nhìn thực dụng, chúng ta có thể coi tư tưởng của Krishnamurti là một điều gì đó không tưởng, tuy nhiên, nếu nhìn lại dòng lịch sử, ta có thể thấy bóng dáng của tư tưởng này thấp thoáng ở các trường phái triết học Hy Lạp cổ đại hay lớp học của các vị chân sư trải dài khắp thế giới phương Đông, từ Trung Đông đến Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Mô hình giáo dục này hoàn toàn đối lập với phương cách của giáo dục đại chúng nhằm đào tạo ra nhân công cho cỗ máy công nghiệp khổng lồ.
Nếu như chúng ta dễ dàng hào hứng với những bài nói chuyện đại chúng đầy gợi mở hay những cuộc đối thoại gay cấn của ông và các nhân vật lớn, thì các cuộc trò chuyện về giáo dục của ông tạo cho chúng ta những cảm giác rất khác lạ. Những đối tượng mà ông cần khai mở là những người giáo viên hết sức bình thường đã quen với cách giảng dạy và làm việc máy móc, hay những công chức quản lý cũng nhắc, hay những đứa trẻ thanh thiếu niên với tâm trí non nớt đang bị môi trường xung quanh ảnh hưởng. Những câu chuyện mà ông đề cập tới với họ vừa phải đi sâu vào tinh thần họ để đánh thức, nhưng cũng vừa phải thực tiễn để họ có thể hiểu được và cảm nhận được. Hãy hình dung người đàn ông nhỏ bé đã từng có tuổi thơ tuân phục mọi áp đặt của thầy mình, giờ đây đang khuyên những thầy cô giáo và các công chức trong ngôi trường ông sáng lập rằng: “Đừng máy móc”. Và câu trả lời ông nhận được rằng: “Tôi là một nhân viên làm việc máy móc” (Chi tiết được đề cập trong chương 1 cuốn sách “Trường học không sợ hãi”, Hoàng Lan dịch, NXB Dân Trí & Book Hunter, 2023). Vẫn kiên nhẫn, ông đã có những bài nói chuyện rất dài để gỡ bỏ từng thói quen của hệ thống giáo dục khỏi cơ chế điểm số, thi cử… cũng giống như Ivan Illich và John Holt, những người cùng thời với ông đã tuyên bố giải trừ tính bắt buộc của trường học.
Không giống Ivan Illich hay John Holt đề xướng ly khai khỏi trường học, Krishnamurti vẫn mong muốn tạo ra môi trường trường học tốt hơn và tự do hơn. Nan đề ông cần giải chính là làm thế nào để cân đối giữa cơ chế giáo dục bắt buộc thi cử và môi trường thực sự của giáo dục nơi không có thi cử, không có đốc thúc và những nỗi sợ hãi thất bại. Những người quản lý trường và các thầy cô giáo chọn giải pháp đàm phán ở giữa, vừa tạo môi trường tốt đẹp nhưng cũng không quên cho học sinh đi thi, nhưng Krishnamurti hướng đến những hành động quyết liệt hơn và thuyết phục họ thực hiện. Trong cuộc đối thoại gay gắt giữa ông và các giáo viên được đề cập đến ở “Trường học không sợ hãi”, Krishnamurti đã vào vai một phụ huynh khó tính chất vấn ban giám hiệu trường. Ông đặt ra một nan đề, trường làm thế nào với một yêu cầu của phụ huynh rằng tôi muốn đầu óc con tôi sáng láng mà không cần thi cử? Câu chuyện lúc này đảo ngược, không phải là các nhà trường có biết cách giúp đứa trẻ thi tốt hay không mà là nhà trường có thể giúp một đứa trẻ bình thường khai mở tâm trí để hiểu biết hơn và phát triển đúng thiên hướng của mình hay không. Krishnamurti liên tục chất vấn:
“Về mặt học thuật tôi muốn con trai mình phải có đầu óc thật sáng láng; các ông có làm được chuyện đó không? Tôi không biết, tôi đang hỏi các ông đấy. Tôi muốn nó biết về toàn thể thế giới này, tôi muốn nó biết tất cả những diễn biến mới nhất trên thế giới. Tôi không muốn con gái mình chỉ thành một con bò đẻ con, nên tôi mới mang nó đến đây để nhờ các bà chăm lo cho nó. Các bà có thể làm sao cho nó biết những điều lớn lao đang xảy ra trên thế giới, và biết phải đáp lại như thế nào không? Về mặt học thuật có một số học sinh có thể vươn đến hàng ưu tú, các ông các bà có làm được chuyện đó không? Tôi không nói là không. Không có chuyện không đồng ý ở đây. Tôi có đứa con trai có thể thành họa sĩ; các ông có thể giúp nó không? Các ông sẽ giúp nó chỉ sao chép đơn thuần, hay các ông sẽ giúp nó sáng tạo?” (Trang 41, Trường học không sợ hãi)
Đây hẳn cũng là những suy nghĩ nảy sinh trong tâm trí của Krishnamurti khi ông từ bỏ đeo đuổi đại học ở Oxford – liệu Oxford có giúp ông chạm đến chân lý hay không? Trong suốt nhưng rao giảng của mình, ông bàn rất nhiều đến sự nhận thức thay vì tiếp nhận những mảnh kiến thức rời rạc, nói một cách khác, là cảm thức về tinh thần trước khi bước vào chi tiết của kiến thức, của quy tắc. Sự nhận thức về tinh thần đạt đến khi cá nhân liên tục quan sát chính mình và cuộc sống chứ không phải tiếp nhận kiến thức chết hay quy tắc cứng nhắc một cách máy móc. Sự nhận thức là tiền đề cho mọi hình thành điều tốt ở cá nhân – nghiêm chỉnh, lòng thiện, tài năng, trí thông minh, hiểu biết … – còn lại thì đều chỉ là giả dối. Trong một bức thư tay nhắn nhủ những người làm giáo dục hoạt động trong ngôi trường ông sáng lập, ông viết:
“Chúng ta không bao giờ nhìn chính mình như một tổng thể. Sự phân mảnh này do ý nghĩ gây ra, và do ý nghĩ mà nhận thức như trên là chuyện không thể. Trong nhận thức này, sự khẳng định các ham muốn và chọn lựa riêng sẽ không còn, do đó cả người trẻ lẫn người già đều đang học là chính mình. Nhận thức không chỉ diễn ra trong lớp học, nhưng còn trên bàn, ngoài sân chơi. Nhận thức cũng có thể học được khi ta bước đi một mình trên đồng hay ngồi yên lặng trong phòng. Trí thông minh sẽ đến từ nhận thức nhạy bén này. Những điều đó có thể được truyền đạt và lưu giữ bằng cách nào? Rõ ràng là bằng cách nói về chúng, bằng cách quan sát điều gì đang xảy ra quanh mình và trong các phản ứng của mình. Chính trí thông minh này sẽ mang lại trật tự. Khi sự nhận thức này hành động, thì sự đúng giờ, lối hành xử, sự lịch sự, sự tôn trọng, tất cả đều trở thành những gì rất tự nhiên, không do áp đặt hay ép buộc mà có được. Người dạy và người học đều là một. Do đó người quan sát cũng là người được quan sát. Khi tương quan này được thiết lập – và nó chỉ có thể xảy ra khi ta có trí thông minh – thì có khả năng sinh ra một con người khác, xét về mặt tâm lý.” (Trang 312, “Toàn thể biến dịch của cuộc sống đều là học tập”)
Đây là cốt lõi của nhận thức tâm linh trong quá trình tu dưỡng của một người. Các bậc chân tu Ấn Độ từ xa xưa đã nhiều lần nhấn mạnh tới vai trò của nhận thức vượt trên giới luật. Bài thuyết giảng mang tính giả tưởng của vị thần Krishna trong kinh văn quan trọng nhất của người Hindu có tên “Bhagavad Gita” đã tuyên bố: “…những người tuệ mẫn sở hữu tâm trí bình thản, từ bỏ kết quả của hành động và giải thoát khỏi trói buộc tử sinh, và đạt đến trạng thái vượt lên trên mọi điều ác.” (trang 77, Bhagavad Gita). Danh xưng Krishnamurti có nghĩa là “hiền nhân của chúa tể Krishna”, nhưng điều đó không quá quan trọng, điểm trọng yếu nằm ở chỗ, cả hai thuyết giảng đều hướng tới việc đưa con người tới nhận thức tức sự tuệ mẫn, và chỉ có vậy, cá nhân mới thực sự được phát triển đúng với thiên hướng (chân ngã – atman) của mình.
Từ xuất phát điểm ấy, Krishnamurti đề xướng giáo dục tự do, mà ở trong đó mỗi cá nhân đều tự do, không ràng buộc, không áp đặt, không phân chia thứ bậc và quyền lực. Tự do là sự cho phép cá nhân được biểu hiện và phát triển một cách toàn vẹn theo đúng thiên hướng của mình. Trong các đối thoại với giáo viên và những nhà quản lý giáo dục, ông phủ nhận hoàn toàn quan điểm rằng thi cử và ganh đua là động lực để trẻ biểu lộ tốt nhất bản thân: “Thi cử bao hàm so sánh, ganh đua. Tôi đang nói về tinh thần ganh đua, tinh thần cố vượt trên người khác, cố tỏ ra công việc của tôi tốt hơn công việc của bạn, cha tôi tốt hơn cha bạn, ông ấy có nhiều tiền hơn. Chẳng phải chức năng của nhà giáo dục là ngăn chặn cũng như chỉnh đốn tình trạng này sao? Khi các bạn nói là ở đây không có ganh đua, các bạn có hiểu tất cả những hàm ý của câu này không? Đọc lịch sử các bạn sẽ thấy lúc nào cũng có người hùng, và các cậu bé sẽ nói, “Con muốn được giống như ông ấy”. Đó chính là ganh đua, so sánh. Đừng nói rằng chuyện đó không có ở đây; nó có, cả theo cách thô thiển lẫn theo cách tinh vi. Chúng ta đang nói về những điều sâu xa hơn nhiều – tinh thần ganh đua, tinh thần so sánh, chúng sẽ dẫn đến tham vọng, mà tham vọng là thứ hủy hoại ghê gớm nhất vì khi đó bạn không yêu thích việc bạn đang làm nữa.” (Trang 43, “Trường học không sợ hãi”) Điều này có nghĩa là, khi các cá nhân nghiện ngập ganh đua, say men chiến thắng trong mọi cuộc so bì trong từng giây phút, họ sẽ cố mọi điều để chiến thắng, và lãng phí đi cơ hội được là chính mình. Chúng ta có thể liên hệ nhận định này của ông với cuộc chạy đua đại học ở Việt Nam. Đại đa số sự tham gia thi đại học của những đứa trẻ là vì bản thân ganh đua hoặc gia đình ganh đua danh tiếng trong xã hội, và họ thường chọn những ngành học mang lại công ăn việc làm có thu nhập cao để ganh đua sự giàu có và quyền thế…bất chấp toàn bộ lựa chọn ấy có phù hợp với tài năng của mình hay không. Có thể một người sẽ mất nhiều chục năm lãng phí làm một tổng thống tồi chỉ để thỏa mãn sự ganh đua trong khi anh ta, biết đâu, đáng lẽ đã là một nghệ sĩ vĩ cầm thiên tài hay một nhà thơ có thể khuấy động trái tim của biết bao người.
Giáo dục, trên thực tế, là sự chuẩn bị cho cuộc sống, nhưng rồi nó sẽ chuẩn bị cho một cuộc sống thế nào? Một cuộc sống ganh đua, đầy mâu thuẫn, xung đột ư? Hay một cuộc sống của những lòng tham chiếm hữu? Hay một cuộc sống đơn giản là sinh tồn và mưu sinh? Krishnamurti không phải là một người tu hành rời xa thế tục, đối diện với nhiều cái chết của người thân và trải qua những đớn đau về thể xác trong giai đoạn chuyển hóa, hơn ai hết, ông trân trọng việc sống. Không phải một người sống trong sách vở, Krishnamurti khẳng định nhiều lần rằng sự hiểu biết thực tại đến từ chính việc sống. Và sự học, cốt yếu của giáo dục, đến từ việc sống và quan sát chính sự sống của mình: “…trước khi hỏi giáo dục đúng đắn là gì, bạn phải hiểu được chính mình; và bạn sẽ thấy rằng không cần mất nhiều thời gian để hiểu chính mình nếu bạn quan tâm tìm hiểu. Nếu không hiểu được mình với tư cách nhà giáo dục, thì làm sao bạn có thể tạo ra một kiểu giáo dục mới? Do vậy, chúng ta quay trở lại điểm vĩnh cửu, là chính bạn. Và bạn muốn tránh điểm đó, bạn muốn đẩy trách nhiệm cho giáo viên, cho chính phủ. Chính phủ là con người bạn, thế giới là con người bạn; và nếu không hiểu được mình, thì làm sao có được nền giáo dục đúng đắn?” (trang 19, “Kiến giải về giáo dục”). Xét ở khía cạnh đời sống, Krishnamurti và John Holt tương đồng với nhau trong quan điểm rằng giáo dục là giúp người học nắm bắt được cái thực xảy ra ở đây và bây giờ chứ không phải là dạy cái ghi nhớ, thu thập hay sắp xếp thông tin, cũng không phải quá trình đào tạo nghề. Nắm bắt cái thực có nghĩa là tiếp xúc và trải nghiệm thực tế chứ không phải một phiên bản mô phỏng được tạo ra bởi người khác, như cách kiến thức đang được dạy hiện nay. Điều này đòi hỏi những nhà giáo dục (tức toàn bộ những người tham gia vào quá trình giáo dục các cá nhân) có một sự thấu rõ giữa khả năng nắm bắt cái thực và khả năng tiếp nhận kiến thức sẵn có. Đương nhiên, đó là một quá trình phức tạp mà mỗi nhà giáo dục đồng thời cũng trong quá trình tu dưỡng và chuyển biến.
Sinh thời, Krishnamurti chưa từng tham gia giảng dạy, nhưng ông là người truyền trao nhận thức tâm linh tới bất cứ ai có duyên tiếp xúc. Điều này khiến sự tác động của ông vẫn gián tiếp ảnh hưởng tới môi trường trường học mà ông sang lập và có lẽ nhiều tư tưởng giáo dục được nảy sinh sau ông. Trong những năm cuối đời, ông dành nhiều tâm huyết cho giáo dục, với mong muốn giành lại quyền giáo dục theo cách của riêng mỗi người khỏi tay của các nhà cầm quyền và các tập đoàn mong muốn nô dịch hóa con người trong các cuộc ganh đua. Đây vẫn là một sự nghiệp dở dang, nhưng tràn đầy cảm hứng mà di sản trường học của ông đến nay vẫn hiện diện, và tư tưởng của ông vẫn lan tỏa tới các cá nhân sẵn sàng dũng cảm để sống và tự do đích thực.
Hà Thủy Nguyên