Home Chiêm nghiệm tinh thần Đạo đức trong tương giao: Tình bạn, hợp tác & hữu nghị trong thời đại mới

Đạo đức trong tương giao: Tình bạn, hợp tác & hữu nghị trong thời đại mới

le-nam

Lê Nam

07/07/2025

Tôi luôn cảm thấy một sức hút đặc biệt với chủ đề tương giao – cái cách con người hiện hữu qua những mối liên hệ với nhau. Trong khoảng thời gian tôi dịch tác phẩm của Aristote, từ năm 2019 đến 2020, tôi càng thấm thía tầm quan trọng của đề tài này. Trong toàn bộ mười quyển của “Luân lý học”, Aristote đã dành hẳn hai quyển – quyển 8 và quyển 9 – chỉ để bàn về tương giao. Điều đó có nghĩa là một phần năm tác phẩm, một khoảng không nhỏ chút nào, ông dành trọn cho việc suy tư về tình bạn, về sự kết nối giữa con người với con người. Với Aristote, tương giao không chỉ là một phần trong đời sống đạo đức; nó là nền móng, là điều kiện để con người sống đúng nghĩa là người.

Vì sao Aristote lại coi trọng tương giao đến thế? Lý do nằm ở quan điểm cốt lõi của ông: con người là sinh vật cộng đồng. Chúng ta không hiện hữu một cách biệt lập như những hòn đảo đơn côi, mà sống trong mối gắn bó với những người khác. Chính trong sự chung sống ấy, nơi ta gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ và cả xung đột, mà tương giao được hình thành. Và khi từ hai người trở lên có mặt trong một mối quan hệ, thì tương giao không còn là điều tùy hứng, nó trở thành một nhu cầu tất yếu. Aristote không xem nhẹ điều này. Ông dành cả tâm huyết để mổ xẻ, để suy ngẫm và phân định: thế nào là một mối tương giao tốt đẹp? Điều gì khiến một mối quan hệ trở nên có giá trị đạo đức? Với ông, tương giao không chỉ là thứ làm nên cá tính riêng của từng người, mà là viên đá nền cho toàn thể cấu trúc xã hội. Và hôm nay, có lẽ đã đến lúc chúng ta cùng ngồi lại, để lắng nghe Aristote qua từng dòng chữ ông để lại mà hiểu sâu hơn về nghệ thuật tương giao giữa con người với con người.

Chúng ta thường nghe rằng nhiều xã hội đặt công chính (justice) lên hàng đầu. Đó là những nguyên tắc mang tính luật định: công bằng, công lý, sự đúng sai được phân định rạch ròi. Tuy nhiên, công chính phần nhiều thuộc về cấu trúc chính trị và pháp lý, còn trong đời sống thường nhật, thứ hiện diện rõ nét và gần gũi hơn chính là tương giao – mối liên hệ sống động giữa con người với con người. Có khi, để giữ lấy một mối tương giao, người ta sẵn sàng tạm gác lại công chính. Điều này không xa lạ gì trong văn hóa Việt Nam, nơi giá trị của gia đình, của làng xã, của mối quan hệ giữa người với người được trân trọng đến mức đôi khi người ta sẵn lòng nhường nhịn, im lặng, thậm chí chịu phần thiệt thòi để giữ lấy sự yên ổn trong mối quan hệ. Điều này không có nghĩa là công chính không quan trọng, mà là trong đời sống thường ngày, tương giao mới là thứ quyết định sự bền vững của một cộng đồng. Khi một xã hội đặt trọng tâm vào việc giữ gìn các mối quan hệ, thì chính điều đó trở thành chất keo gắn kết người với người. Và đó cũng là lý do vì sao Aristote lại coi tương giao là nền tảng không chỉ của đạo đức, mà của cả trật tự xã hội.

Các loại hình tương giao

Nhưng để một xã hội thực sự phát triển – không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần – thì tương giao không thể chỉ dừng lại ở việc “có” mà còn cần phải “đúng”. Chính vì vậy, Aristote không chỉ nhấn mạnh vai trò của tương giao, mà còn đi sâu vào phân tích, tìm hiểu bản chất và cấu trúc của nó. Tác phẩm Luân lý học không đơn thuần là những ghi chép về đạo đức cá nhân, mà là hành trình tư duy để vươn tới một loại tương giao lý tưởng – tương giao hoàn hảo. Vậy thì, tương giao hoàn hảo là gì? Đó là điều chúng ta sẽ cùng nhau khám phá trong phần sau. Nhưng có thể nói, toàn bộ sự phân tích công phu của Aristote đều hướng đến mục tiêu này: nhận diện những kiểu tương giao mà con người có thể có với nhau, để từ đó xây dựng được một nền tảng sống chung đúng đắn và bền vững. Theo Aristote, dù xã hội có đa dạng đến đâu, thì các mối quan hệ giữa người với người rốt cuộc cũng quy về ba loại hình cơ bản. Gần như mọi kiểu tương giao mà ta gặp trong đời sống đều có thể được xếp vào một trong ba hình thức ấy. Và đó chính là bước đầu tiên để đi tới hiểu biết sâu sắc hơn về tương giao – hiểu để sống cùng nhau một cách đúng đắn hơn, người với người.

Loại tương giao đầu tiên là tương giao vì khoái lạc. Khi hai người đến với nhau vì cảm giác vui vẻ, dễ chịu mà mối quan hệ ấy mang lại, ta có thể gọi đó là tương giao khoái lạc. Một ví dụ điển hình là tình yêu lãng mạn, nơi cảm xúc và ham muốn thường là động lực chính. Tuy nhiên, cảm xúc vốn là điều đổi thay. Khi lạc thú không còn, mối quan hệ này cũng dễ dàng phai nhạt. Vì thế, theo Aristote, đây là một dạng tương giao mong manh, khó mà bền vững, và không phải là nơi đáng để đầu tư tâm sức lâu dài.

Loại thứ hai là tương giao vì lợi ích. Đây là kiểu quan hệ hình thành khi mỗi bên nhận được một lợi ích nào đó từ người kia. Trong xã hội hiện đại, chúng ta dễ dàng nhận ra dạng tương giao này trong các mối quan hệ làm ăn, hợp tác, thậm chí giữa nhân viên và cấp trên. Nhưng lợi ích, cũng như cảm xúc, là thứ dễ biến động. Khi lợi ích không còn phù hợp hay không còn tồn tại, mối quan hệ ấy cũng theo đó mà tan rã. Aristote cho rằng mối tương giao vì lợi ích tuy phổ biến, nhưng cũng không thể là nền tảng bền vững cho một cộng đồng đạo đức.

Và rồi, ông đưa ra loại tương giao thứ ba – cũng là loại cao quý nhất: tương giao dựa trên phẩm hạnh. Đây là kiểu quan hệ giữa những con người đánh giá cao phẩm tính đạo đức của nhau. Họ không đến với nhau vì điều gì họ nhận được, mà vì họ kính trọng và mong điều tốt đẹp cho người kia, một cách vô tư. Mối tương giao này bền lâu bởi vì nó không dựa trên yếu tố bên ngoài, mà trên chính con người bên trong – tư cách, đức hạnh, phẩm giá. Miễn là hai người vẫn giữ được phẩm hạnh, thì tương giao ấy vẫn còn nguyên sức sống. Đó chính là mối tương giao mà Aristote xem là lý tưởng, là mục tiêu hướng đến của đạo đức học: tương giao hoàn hảo giữa những con người tốt, vì nhau mà sống tốt hơn.

Tuy vậy, không phải mọi mối quan hệ trong đời sống đều có thể gọi là “tương giao”. Để được xem là tương giao theo đúng tinh thần mà Aristote đề cập, mối quan hệ ấy phải có tính hai chiều—tức là cả hai bên đều có sự tác động qua lại, đều có phần cho đi và nhận lại, dù là cảm xúc, lợi ích hay phẩm hạnh.

Một mối quan hệ một chiều thì không thể được gọi là tương giao. Chẳng hạn, khi một người xu nịnh kẻ có quyền lực, dùng lời lẽ tâng bốc không phải vì quý mến, mà vì mưu cầu một điều gì đó cho bản thân—đó không phải là tương giao. Trong mối quan hệ ấy, chỉ có một bên đang “cho đi” giả tạo, trong khi bên còn lại không thật sự tiếp nhận một điều gì có giá trị đạo đức hay tinh thần. Cảm xúc không thật, giá trị không chia sẻ, mục tiêu không gặp nhau—tương giao vì thế không thể hình thành.

Hãy thử nghĩ đến các ví dụ trong đời sống: vợ chồng, cha mẹ và con cái, sếp và nhân viên, bạn bè, thầy cô và học trò—tất cả đều có thể trở thành tương giao, nếu và chỉ nếu có sự giao lưu hai chiều. Nhưng cũng có giai đoạn trong những mối quan hệ ấy mà tương giao chưa thể xảy ra. Một đứa trẻ mới chào đời, hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ, chưa có khả năng đáp lại tình thương hay sự dạy dỗ bằng ý thức—lúc đó, quan hệ ấy là một chiều, chưa thể là tương giao đúng nghĩa. Chỉ khi đứa trẻ lớn lên, bắt đầu hiểu, cảm, và đáp lại tình thương bằng sự gắn bó tự nguyện, thì khi ấy, tương giao mới hình thành. Thời phong kiến, cũng có thể thấy những mối quan hệ lệch lạc như giữa vua chúa và những kẻ nịnh thần, hay các hoạn quan tìm mọi cách tiếp cận quyền lực. Những mối quan hệ ấy, dù tồn tại trong thời gian dài, cũng không phải là tương giao theo nghĩa sâu sắc, bởi không có sự tôn trọng thực chất giữa hai phía. Từ đó, ta thấy: tương giao không chỉ là “có quan hệ với nhau” mà là cách hai con người hiện diện cùng nhau—một cách chân thành, bình đẳng và có qua có lại về mặt tinh thần. Đó là điều làm nên giá trị đích thực của một mối quan hệ trong cái nhìn của Aristote. 

Một câu hỏi thú vị thường được đặt ra: liệu mối liên hệ giữa những người cùng huyết thống, cùng dòng tộc, hay cùng một dân tộc có phải là một loại hình tương giao không? Khi hai người có điểm chung—chẳng hạn như cùng là người Việt, cùng lớn lên trong một nền văn hóa, cùng chia sẻ lịch sử và ngôn ngữ—thì đó có phải đã là tương giao chưa? Dưới ánh sáng tư tưởng của Aristote, câu trả lời là: chưa hẳn. Những mối liên kết như vậy mới chỉ là tiềm năng cho tương giao, chứ chưa phải là tương giao đúng nghĩa. Bởi vì như Aristote đã phân tích, để được xem là tương giao, một mối quan hệ cần phải rơi vào một trong ba loại hình: vì khoái lạc, vì lợi ích, hoặc vì phẩm hạnh và đặc biệt, mối tương giao vững chắc nhất, đáng hướng tới nhất, chính là tương giao dựa trên phẩm hạnh. Không thể phủ nhận rằng người cùng một dân tộc, ví dụ như người Việt, rất dễ hình thành tương giao. Sự gần gũi về ngôn ngữ, phong tục, tâm lý khiến cho chúng ta dễ nảy sinh cảm tình (tương giao vì lạc thú), dễ tạo ra sự cộng tác (tương giao vì lợi ích). Người Việt thường yêu người Việt, kết hôn với người Việt, hợp tác với người Việt, đó là điều rất tự nhiên. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức ấy, thì mối quan hệ vẫn chưa chạm tới chiều sâu mà Aristote gọi là tương giao thực sự. Chỉ khi những người cùng một dân tộc, hoặc bất kỳ cộng đồng nào cùng nỗ lực xây dựng phẩm hạnh, cùng hướng tới điều thiện, cùng mong điều tốt đẹp cho nhau một cách vô tư và bền bỉ, thì khi đó, tương giao mới thực sự hiện diện ở cấp độ cao nhất. Đó mới là nền tảng đạo đức thực sự có thể làm vững một cộng đồng, một quốc gia. Nói cách khác, máu mủ hay dân tộc không tự nó sinh ra tương giao; nhưng chúng tạo điều kiện – một “nền đất” – để tương giao có thể nảy mầm. Và chỉ khi được nuôi dưỡng bằng phẩm hạnh, những mối quan hệ ấy mới có thể lớn lên thành những đại thụ vững bền trong khu rừng đời sống chung.

Một câu hỏi nữa được đặt ra: khi hai người có sự chênh lệch về nhận thức, liệu họ có thể hình thành tương giao hay không? Theo tinh thần của Aristote, phẩm hạnh và nhận thức có mối liên hệ mật thiết. Nhận thức là nền móng để phân biệt điều tốt và điều xấu, là ánh sáng để soi đường cho hành động đạo đức. Vì vậy, sự chênh lệch lớn về nhận thức có thể tạo ra một khoảng cách trong tương giao. Nhưng điều đó không có nghĩa là tương giao không thể hình thành. Nó chỉ có nghĩa rằng tương giao đó sẽ cần thời gian, cần sự kiên nhẫn và một mức độ chấp nhận nhất định. Trong những trường hợp chênh lệch như vậy, để giữ được tương giao, người có nhận thức cao hơn hoặc có điều kiện tốt hơn thường sẽ là người gánh chịu phần thiệt thòi. Nếu họ chấp nhận điều đó một cách tự nguyện, không vì bị ép buộc hay hy sinh miễn cưỡng, mà vì tình thương hoặc lòng kính trọng, thì mối tương giao ấy vẫn có thể tồn tại – dù chưa đạt đến mức hoàn hảo. Còn khi cả hai bên đều phát triển và tiến gần đến một mặt bằng phẩm hạnh chung, thì tương giao sẽ ngày càng bền vững và sâu sắc hơn. Tương tự, ta có thể thấy trong các mối quan hệ như giữa người với thần linh: phần lớn là một chiều. Con người cầu xin, thần linh ban phát. Mối quan hệ ấy không thật sự cân bằng, bởi thiếu tính qua lại thực chất. Đây là kiểu tương giao không hoàn hảo, hoặc nói đúng hơn, là một “dáng dấp” tương giao, chứ chưa phải tương giao trọn vẹn. 

Và để hiểu rõ hơn thế nào là tương giao hoàn hảo, hãy xét đến tình bạn – thứ tương giao mà Aristote dành nhiều tâm huyết nhất để phân tích. Một tình bạn lý tưởng không dựa vào khoái lạc hay lợi ích, mà bắt nguồn từ sự quý trọng phẩm hạnh của nhau. Mỗi người trong tình bạn ấy mong muốn điều tốt đẹp nhất cho người kia, không phải vì người kia mang lại điều gì đó cho mình, mà vì bản thân họ là người đáng quý, đáng trọng. Đó là tình bạn nơi mỗi người nhìn thấy ở người kia một tấm gương về đạo đức, một nguồn cảm hứng sống tốt hơn. Và chính vì thế, họ duy trì mối quan hệ ấy không phải vì nghĩa vụ, mà vì tự trong lòng họ thấy quý, thấy cần, thấy muốn gắn bó. Đó chính là một tương giao hoàn hảo, và tình bạn như thế chỉ có thể tồn tại giữa những con người có phẩm hạnh.

Ngoài việc tương giao với người khác, có một loại tương giao sâu sắc và mang tính nền tảng không kém – đó là tương giao với chính mình. Trong tư tưởng của Aristote, tương giao hoàn hảo là mối liên hệ giữa những con người có phẩm hạnh, nơi mỗi người mong muốn điều tốt đẹp nhất cho người kia. Nhưng nếu ta là một người đang nuôi dưỡng phẩm hạnh mà lại chưa tìm được ai khác đồng hành trên hành trình ấy thì sao? Câu trả lời là: hãy quay về với chính mình. Tương giao với bản thân không phải là sự khép kín, mà là một quá trình đối thoại nội tâm. Ta quan sát bản thân như quan sát một người bạn, nhận diện bản ngã của mình, hiểu điều gì khiến mình thăng hoa, điều gì khiến mình suy giảm. Ta muốn điều tốt nhất cho bản thân – đó chính là tinh thần của tương giao hoàn hảo, nhưng hướng nội. Chúng ta đều có những trải nghiệm: thử làm công việc hành chính và thấy không phù hợp, thử bước vào những môi trường không dành cho mình rồi cảm thấy gò bó. Tương giao với bản thân nghĩa là dám lắng nghe tiếng nói bên trong ấy. Là biết từ chối những điều khiến mình khổ sở, và chọn những gì giúp mình sống đúng với bản chất. Nói cách khác, tương giao với bản thân là hành động trao cho chính mình cơ hội được sống trong trạng thái tốt nhất – trạng thái mà mình cảm thấy an lành, trọn vẹn và đang “là mình” một cách tự nhiên nhất. Đó không phải là ích kỷ, mà là một hình thức đạo đức nội tâm – tôn trọng chính mình cũng như ta học cách tôn trọng người khác. Rốt cuộc, một người bạn cũng chỉ là một bản ngã khác, một sự phản chiếu bên ngoài của điều mà ta cũng tìm kiếm trong chính mình. Trong thời đại hiện đại, nơi con người bị kéo về muôn hướng, việc quay về, nhận diện và nuôi dưỡng mối quan hệ với bản thân lại càng trở nên thiết yếu. Bởi chỉ khi ta thực sự hiểu mình, yêu mình một cách đúng đắn, thì ta mới có thể bước vào các mối tương giao với người khác một cách lành mạnh và bền vững.

Tại sao chúng ta cần quan tâm đến mối quan hệ tương giao

Vậy thì vì sao chúng ta lại cần bàn đến tương giao? Tại sao, giữa muôn vàn chủ đề của đời sống hiện đại, tương giao lại là một trong những điều đáng để suy tư? Câu trả lời nằm ở chính cấu trúc của xã hội ngày nay. So với thời cổ đại, số lượng các mối tương tác mà một con người có thể có trong đời không hề nhiều hơn. Nhưng điều thay đổi sâu sắc chính là tần suất và mật độ của những tương tác ấy. Nhờ công nghệ, những mối quan hệ ngày xưa cần năm tháng để hình thành, giờ có thể nảy sinh chỉ sau vài giây. Nhờ Internet, một người sống ở Hà Nội có thể cộng tác hàng ngày với người ở New York hay Tokyo. Những nền tảng kỹ thuật số cho phép tương giao diễn ra mọi lúc, mọi nơi, vượt qua mọi biên giới về địa lý, văn hóa, thậm chí cả thời gian. Tuy nhiên, chính vì sự dễ dàng ấy, tương giao hiện đại cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Không chỉ là tương tác với những người gần gũi, chúng ta giờ đây thường xuyên tiếp xúc với những con người có nền tảng văn hóa khác, giá trị khác, nhịp sống khác. Điều đó đòi hỏi ta không chỉ tham gia vào tương giao, mà còn phải hiểu nó, chủ động định hình nó sao cho lành mạnh, bền vững, và mang lại giá trị thật sự. Nói cách khác, nếu như trong thời Aristote, tương giao là nền móng của xã hội, thì trong thời đại số, nó trở thành mạng lưới vận hành của cả thế giới. Và nếu ta không học cách hiểu về tương giao – như một dạng nghệ thuật sống – thì rất dễ rơi vào những kết nối hời hợt, thiếu chiều sâu, thậm chí độc hại. Tương giao không còn là chuyện riêng tư giữa hai cá nhân, mà trở thành kỹ năng sống, một năng lực xã hội, và là chìa khóa mở ra sự phát triển toàn diện của mỗi con người.

Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng mà ta cần nhận ra: nếu một người không thể tương giao với chính mình, thì việc xây dựng tương giao đích thực với người khác cũng trở nên vô cùng khó khăn. Bởi để có thể nhận ra phẩm hạnh nơi người khác – một điều cốt lõi trong tương giao hoàn hảo – ta phải có khả năng nhận diện phẩm hạnh trong chính bản thân mình trước đã. Một người chưa từng đối thoại với chính mình, chưa từng tự hỏi điều gì là tốt đẹp, điều gì là đúng đắn, sẽ khó mà đủ khả năng để trân trọng giá trị đạo đức nơi người khác. Khi không có sự tự nhận thức ấy, những mối tương giao bên ngoài thường chỉ dừng lại ở khoái lạc hoặc lợi ích – chúng đến nhanh, nhưng cũng tan biến nhanh. Ngược lại, nếu ta chưa thể thiết lập tương giao với người khác, điều đó có thể đơn giản là vì ta chưa gặp được ai thật sự phù hợp. Khi ấy, việc quay về với chính mình, nuôi dưỡng mối tương giao nội tâm, không chỉ không có gì đáng lo, mà còn là một hành trình cần thiết. Bởi chính nhờ quá trình đó, ta chuẩn bị mình sẵn sàng cho một mối tương giao cao hơn.

Rốt cuộc, điều mà chúng ta thực sự khao khát là mối tương giao thứ ba – tương giao giữa những con người có phẩm hạnh, biết trân trọng nhau. Đó là mối tương giao làm đầy cuộc sống, cho ta cảm giác được hiểu, được nhìn nhận đúng bản chất, và được sống thật. Những mối tương giao vì khoái lạc hay lợi ích có thể xuất hiện – và thậm chí là cần thiết ở một mức độ nào đó – nhưng chúng chỉ đóng vai trò ngắn hạn. Tuy nhiên, tương giao phẩm hạnh không phải điều dễ đạt được. Nó đòi hỏi sự vun đắp bền bỉ, sự hiện diện đều đặn, và sự tôn trọng lẫn nhau được duy trì theo thời gian. Trong một thế giới nơi các kết nối đến và đi nhanh chóng, việc xây dựng một tương giao sâu sắc và lâu bền là một thử thách thực sự. Nhưng chính vì khó, nên nó mới đáng quý. Và vì cần thời gian, nên nó càng cần sự kiên nhẫn và lòng thành.

Trong thời đại toàn cầu hóa, khi ranh giới quốc gia ngày càng trở nên linh hoạt và các nền kinh tế gắn bó chặt chẽ hơn bao giờ hết, tương giao không chỉ dừng lại ở cấp độ cá nhân hay cộng đồng nhỏ, mà còn mở rộng đến cấp độ quốc tế. Giữa các quốc gia, rõ ràng là hoàn toàn có thể hình thành tương giao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy: phần lớn các mối quan hệ giữa quốc gia với quốc gia vẫn chủ yếu vận hành trên nền tảng lợi ích – tức là dạng tương giao thứ hai theo phân loại của Aristote. Quốc gia hợp tác với quốc gia khác để cùng có lợi, để tối ưu hóa vị thế địa chính trị, hoặc để đạt được một số mục tiêu chiến lược cụ thể.

Nhưng nếu ta mong muốn một nền hòa bình bền vững và những mối quan hệ hữu nghị thật sự – chứ không chỉ là liên minh chiến thuật tạm thời – thì điều cần thiết là các quốc gia phải vượt lên trên mức độ lợi ích, và hướng tới tương giao có phẩm hạnh. Nghĩa là gì? Nghĩa là các quốc gia phải học cách trân trọng lẫn nhau, đánh giá cao giá trị, phẩm cách và văn hóa của đối phương. Chỉ khi có sự công nhận về phẩm giá, về tinh thần và những đóng góp riêng biệt, thì tương giao quốc tế mới có thể chạm đến chiều sâu đạo đức. Đặc biệt, trong bối cảnh mà mối quan hệ giữa các nước luôn tiềm ẩn rủi ro – mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột, và những hiểu lầm có thể leo thang thành chiến tranh – thì việc vun đắp tương giao giữa các quốc gia lại càng cần được thực hiện một cách nghiêm túc và bền bỉ. Một mối tương giao quốc tế lý tưởng là mối quan hệ không chỉ dựa trên “ta cần gì từ họ”, mà còn dựa trên “ta thực sự tôn trọng và mong điều tốt cho họ”. Tương giao, xét cho cùng, là nghệ thuật sống cùng nhau. Và điều đó đúng không chỉ giữa người với người, mà cả giữa quốc gia với quốc gia.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc hình thành tương giao giữa các quốc gia chính là tính nhất quán qua thời gian. Một quốc gia không phải là một thực thể đơn lẻ mà được vận hành bởi hàng ngàn con người – đặc biệt là các cá nhân đang đảm nhiệm vai trò trong bộ máy ngoại giao, trong các cơ quan hoạch định chính sách, và trong những nhiệm kỳ luôn thay đổi. Sự luân chuyển nhân sự, sự thay đổi định hướng qua từng chính phủ, từng nhiệm kỳ, khiến cho rất khó để duy trì một tinh thần ngoại giao ổn định và mang tính phẩm cách quốc gia. Làm sao để qua nhiều thế hệ, một quốc gia vẫn giữ được một thái độ ứng xử nhất quán, một giá trị cốt lõi không thay đổi đối với các quốc gia khác? Đó là một bài toán đầy thách thức, bởi chỉ khi có sự ổn định trong phẩm cách quốc gia, thì niềm tin giữa các bên mới có thể hình thành và duy trì.

Thực tế hiện nay cho thấy phần lớn các quốc gia vẫn vận hành mối quan hệ quốc tế dựa trên lợi ích. Người ta thường nói: “Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn.” Khi lợi ích thay đổi, liên minh cũng đổi thay. Hôm nay là bạn, mai có thể là đối thủ. Mô hình quan hệ như vậy tuy thực dụng, nhưng không bền vững, đặc biệt trong một thế giới đa cực, nơi nhiều cường quốc cùng tồn tại và va chạm lợi ích. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi nghiêm túc: Liệu một mạng lưới quốc tế chỉ dựa trên lợi ích có đủ để duy trì hòa bình lâu dài? Nếu không có sự trân trọng lẫn nhau, nếu không có một nền tảng đạo đức xuyên suốt trong cách các quốc gia đối xử với nhau, thì rất có thể những mối liên minh hôm nay sẽ trở thành mầm mống cho xung đột ngày mai.

Giống như giữa hai con người – để hình thành được tương giao phẩm hạnh, cần có thời gian và sự hiện diện đều đặn – thì giữa hai quốc gia, điều đó còn khó gấp bội. Đó là lý do vì sao, dù có tiềm năng, tương giao quốc tế thực sự vẫn là điều hiếm hoi. Nhưng cũng chính vì vậy, nó lại trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Trong xã hội đương đại, với vô số cơ hội để kết nối kinh tế, học tập, giao lưu văn hóa – mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, và cả mỗi quốc gia đều có khả năng bước vào những mối tương giao mới. Nhưng điều quan trọng là ta không chỉ dừng lại ở kết nối, mà cần học cách xây dựng tương giao có phẩm hạnh – thứ tương giao mang lại sự an toàn, sự tôn trọng, và một nền hòa bình thật sự.

Lê Duy Nam

Phỏng vấn Charlotte Witt: Chuẩn mực xã hội từ mô hình Nghệ Nhân

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta chịu sự chi phối của các yêu cầu, nghĩa vụ và kỳ vọng mang tính chuẩn mực, bắt nguồn từ các vai trò xã hội mà ta đảm nhận. Chẳng hạn, là một nhà nghiên cứu thì phải theo đuổi chân lý, còn làm cha mẹ thì phải ủng hộ và nâng đỡ con cái không ngừng. Điều đáng chú ý là những yêu cầu gắn với từng vai trò này dường như áp đặt lên chúng ta

Luân Lý Học của Aristotle: Từ Lý trí Đúng tới Trung Đạo

Vượt qua những khó khăn do sự khác biệt văn phong, chúng ta sẽ chạm đến lối tư duy và cách biện luận của Aristotle, những điều rất hữu ích cho mỗi chúng ta trong thế giới hiện đại. Dù sống ở thời Hy Lạp cổ đại, cách chúng ta hơn 2300 năm, dù nhiều quan điểm của ông bị giới khoa học hiện đại bác bỏ, nhưng ông vẫn là một bộ óc lỗi lạc với những nền móng tư tưởng và phương pháp
le-nam

Lê Nam

13/02/2023

Chat với AI (2): Kết hợp Aristotle & Osho để hướng đến mô hình giáo dục hoàn hảo

Tiếp theo chuỗi Chat với AI, Book Hunter thực hiện một cuộc hỏi đáp kỳ thú về quan điểm giáo dục của Aristotle và Osho. Trong nhiều bài nói chuyện, Osho đưa ra nhiều chỉ trích quan điểm giáo dục và công cụ tư duy của Aristotle, điều này dẫn đến nhiều tín đồ của Osho lên tiếng phê bình gay gắt quan điểm của Aristotle. ChatGPT đã đưa ra những kiến giải xuất sắc về sự khác biệt cũng như đồng thuận trong quan

Book Hunter

05/02/2023

Tái định vị bản thân trong bình thường mới

Có lẽ thế giới sau 2020 sẽ không thể quay trở lại như cũ. Đây là điều hiển nhiên đã được các nhà nghiên cứu và binh luận xã hội nhân định và phân tích. Bình thường mới có thể đến sớm, nhưng cũng có thể mất tới 2-3 năm mới ổn định xong. Vậy bản thân mỗi chúng ta sẽ tìm thấy chỗ đứng mới của mình như thế nào trong bình thường mới? Trong bài viết này tôi không mong muốn thuyết giảng
le-nam

Lê Nam

29/12/2020

“Ánh sáng trong bóng tối” của S.L.Frank – Tập tiểu luận về đạo đức Kito giáo trong một xã hội vô thần

Năm 1922, “Con tàu triết học” đã chở hơn 160 trí thức và gia đình họ bị trục xuất khỏi Liên Xô, đi từ Petrograd (tức Saint Peterburg) đến cảng biển Stettin (nay thuộc Ba Lan). Đây là những nhà triết học không đồng tình với tư tưởng của nhà nước Liên Xô, ví dụ như Sergei Bulgakov, Nikolai Berdyaev… và Semen Lyudvigovich Frank. Cũng giống như nhiều nhà triết học trên con tàu ấy, S.L. Frank mang nặng những tâm tư thời đại, và