Cảnh quan, môi trường sống, phong tục tập quán… và đặc biệt, đời sống ẩm thực của một cộng đồng đều là tấm gương phản chiếu những biến động xã hội, đặc biệt ở các vùng nông thôn đang đối mặt với làn sóng công nghiệp hóa và đô thị hóa. Qua những bữa ăn tưởng chừng đơn giản, chúng ta có thể thấy được những thay đổi sâu sắc trong tập quán, thói quen và cả mối quan hệ xã hội. Giáo sư nhân học văn hóa Ellen Oxfeld, đến từ Đại học Middlebury College, trong cuốn sách nổi tiếng của mình có tựa đề “Đắng cay và ngọt bùi” đã đi sâu nghiên cứu thực địa tại một ngôi làng Khách Gia ở miền Nam Trung Quốc, để ghi lại những câu chuyện đời sống ẩm thực trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Những gì bà khám phá không chỉ là hương vị, mà còn là sự chuyển mình của một cộng đồng – nơi mà truyền thống và hiện đại đang hòa quyện trong từng bữa cơm, từng món ăn, vừa giữ lại những giá trị cũ, vừa đối mặt với những thách thức mới.
Ngôi làng nông thôn điển hình ở miền Nam Trung Quốc
Độc giả Việt Nam từ lâu đã quen thuộc với hình ảnh nông thôn Trung Quốc qua các tác phẩm văn học kinh điển của những tên tuổi lớn như Cao Hành Kiện, Dư Hoa, hay Mạc Ngôn…, và gần đây là Pearl S. Buck. Tuy nhiên, một góc nhìn khác – qua lăng kính của các nhà nhân học văn hóa – lại gần như vắng bóng. Giáo sư Ellen Oxfeld, với những năm tháng điền dã tại nông thôn Trung Quốc, đã mở ra một cách tiếp cận mới mẻ, sâu sắc với các nghiên cứu tiêu biểu như “Đắng cay và ngọt bùi – Nông thôn Trung Quốc trong quá trình đô thị hóa và kinh tế thị trường” (Quách Trọng dịch, Book Hunter & NXB Đà Nẵng, 2024) và nhiều công trình chưa được dịch sang tiếng Việt như “Blood, Sweat and Mahjong: Family and Enterprise in an Overseas Chinese Community (Tạm dịch: Mahjong, Gia tộc và Thương nghiệp ở Cộng đồng Trung Quốc hải ngoại) và “Drink Water, but Remember the Source”: Moral Discourse in a Chinese Village (Tạm dịch: Uống nước nhớ nguồn: Đạo Đức luận ở một ngôi làng Trung Hoa)… Mỗi nghiên cứu không chỉ là tài liệu khoa học, mà còn là lời tâm tình về những con người và vùng đất bà đã gắn bó, làm sống dậy một bức tranh nông thôn Trung Quốc vừa quen thuộc, vừa mới lạ trong lòng độc giả toàn cầu.
>> Tìm hiểu thêm về sách: Đắng cay và ngọt bùi – Ellen Oxfeld – Book Hunter Lyceum
“Đắng cay và ngọt bùi” nỗ lực truyền tải vai trò trung tâm của ẩm thực, không chỉ trong đời sống hàng ngày mà còn trong cấu trúc văn hóa và xã hội tại Nguyệt Ảnh Trì – biệt danh của một ngôi làng Khách Gia ở vùng đông nam Trung Quốc. Bằng cách tập trung vào thực phẩm trong một cộng đồng nông thôn, cuốn sách mang đến góc nhìn độc đáo để hiểu sâu hơn về nhiều khía cạnh của văn hóa và xã hội Trung Quốc đương đại. Từ sự tiếp nối văn hóa trong bối cảnh đứt gãy và thay đổi, mối quan hệ gắn bó với đất đai và căn tính nông dân đối lập với sức hút mạnh mẽ từ đô thị, đến nghĩa vụ gia đình trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân, và nền kinh tế tiền tệ đối lập với các hình thức trao đổi truyền thống dựa trên nghĩa vụ xã hội – thực phẩm trở thành tấm gương phản ánh tất cả những biến động này. Hơn thế, cuốn sách nhấn mạnh một chân lý đơn giản nhưng sâu sắc: ẩm thực luôn đóng vai trò cốt lõi, không chỉ về mặt sinh tồn mà còn trong việc định hình và duy trì cấu trúc của mọi xã hội.
Giống như những làng quê trù phú ở miền Bắc Việt Nam, Nguyệt Ảnh Trì – ngôi làng trong cuốn sách “Đắng Cay và Ngọt Bùi” – mang đậm dáng dấp của một vùng nông thôn lúa nước truyền thống. Ở đây, sản vật thiên nhiên phong phú là nguồn sống của người dân. Người dân trong làng sống quần tụ trong những gia tộc lớn, vừa gắn bó khăng khít, vừa duy trì những phong tục, tập quán lâu đời. Ở vùng quê ấy, người dân từng trải qua những năm tháng đói nghèo khắc nghiệt dưới thời Mao Trạch Đông và chứng kiến những đứt gãy sâu sắc trong cấu trúc cộng đồng sau các cải cách kinh tế định hướng thị trường của Đặng Tiểu Bình. Những gia tộc vốn quần tụ thành một khối vững chắc giờ đây không còn giữ được sự gắn bó như xưa, khi một lượng lớn thanh niên bắt đầu rời làng lên thành phố, từ bỏ đời sống nông nghiệp truyền thống. Nông thôn cũng đối mặt với những vấn đề môi trường ngày càng rõ nét, khi việc sử dụng phân bón hóa học trở thành hiện thực phổ biến. Dẫu vậy, niềm tin và ý chí kháng cự của người dân làng vẫn hiện diện, khi họ kiên định với những thói quen ăn uống truyền thống, ví dụ như giết mổ vật nuôi tại chỗ hay mua đồ từ những người quen trong làng, khác hoàn toàn với những thực phẩm được đóng gói và bán trong siêu thị theo tiêu chuẩn kiểm dịch nhưng vẫn không đáng tin cậy với họ. Không chỉ kể câu chuyện hiện tượng, Oxfeld còn chỉ ra những định chế văn hóa truyền thống và nỗi ám ảnh của “ẩm thực ký ức” đã ảnh hưởng tới niềm tin và định kiến của người dân làng Nguyệt Ảnh Trì.
Hiện tượng biến chuyển và phản ứng mang tính phân hóa này không chỉ xuất hiện tại Trung Quốc và gợi cho độc giả mối liên hệ với đời sống văn hóa tại nông thôn Việt Nam, mà còn xuất hiện tại Nga và dải Gaza. Trong những nghiên cứu nhân học văn hóa về ẩm thực mới nhất như “Hummus & Falafel – Bảo tồn ẩm thực cổ truyền trước làn sóng công nghiệp hóa ở Dải Gaza” (Liora Gvion, Sophia Ngo dịch, Book Hunter & NXB Phụ Nữ Việt Nam” và “Vương quốc lúa mạch đen – Lược sử ẩm thực Nga” (Darra Goldstein, Nhã Phong dịch, Book Hunter & NXB Phụ Nữ Việt Nam”), những biến chuyển ở các vùng nông thôn có bản sắc sâu đậm khi đối mặt với làn sóng công nghiệp hóa, đô thị hóa thường có phản ứng phức tạp đan xen, vừa hào hứng thụ hưởng sự thuận tiện và giàu có của kinh tế thị trường, nhưng vừa lo sợ và tuyệt vọng nhìn các giá trị truyền thống mình trân trọng mai một dần. Phản ứng gìn giữ truyền thống của mỗi cộng đồng thường rất khác nhau, với những nhóm người trong cộng đồng khác nhau, tùy thuộc vào mối liên thuộc của mỗi nhóm với các giá trị khác biệt trong quá trình này.
Vũ trụ ẩm thực và hệ sinh thái văn hóa
Trong số các yếu tố văn hóa của một cộng đồng, ẩm thực nổi bật như một tấm gương phản chiếu đa diện, thể hiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, sự kết nối giữa các ngành nghề, sự gắn bó giữa các thế hệ, cũng như sự tương tác với các định chế chính trị và truyền thống. Khi được nghiên cứu qua lăng kính nhân học văn hóa, ẩm thực không chỉ đơn thuần là câu chuyện về món ăn, mà còn hé lộ những lựa chọn của cộng đồng, thái độ đối với từng loại thực phẩm, và cách thức món ăn được sử dụng trong các mối quan hệ xã hội. Từ đó, ẩm thực trở thành một kho tri thức sống động, giúp ta hiểu sâu hơn về bản chất con người và những cấu trúc văn hóa ẩn sâu trong đời sống thường nhật. Oxfeld chỉ ra rằng: “vũ trụ ẩm thực của Nguyệt Ảnh Trì là một sự kết hợp phức tạp giữa thực phẩm được trồng và được hái lượm, giữa thực phẩm do tự cung cấp và đi mua, giữa thực phẩm sẵn có tại địa phương và thực phẩm được sản xuất ở nơi xa hơn. Công bằng mà nói thì dân làng đều có chung văn hóa ẩm thực.” (Trang 43, Đắng cay và ngọt bùi). Bà đã vẽ một sơ đồ về cơ cấu ẩm thực của ngôi làng như sau:
Hình ảnh: Vũ trụ ẩm thực tại Nguyệt Ảnh Trì.
Người dân làng Nguyệt Ảnh Trì dành một sự quan tâm đặc biệt cho ẩm thực, bởi với họ, đồ ăn thức uống không chỉ là kết quả của quá trình lao động sản xuất mà còn là sợi dây gắn kết các mối quan hệ trong cộng đồng. Trong mỗi gia đình, bữa ăn là khoảng thời gian quý giá để các thành viên gắn bó, thể hiện sự đùm bọc và yêu thương. Đặc biệt, với người Nguyệt Ảnh Trì, bữa ăn chung của nhiều thế hệ thậm chí còn được coi trọng hơn cả việc ở chung dưới một mái nhà. Ẩm thực cũng là biểu hiện sâu sắc của tình cảm và lễ nghĩa trong cộng đồng, khi các món quà gửi tặng nhau đều là những sản vật quý giá từ bàn ăn. Những món quà này không chỉ mang ý nghĩa lễ nghi mà còn thể hiện sự tôn trọng, kết nối, và đòi hỏi sự chăm chút về chất lượng, thậm chí là tính độc đáo, quý hiếm. Trong đời sống tâm linh, ẩm thực còn đóng vai trò chủ đạo trong các nghi lễ cúng bái, như một dạng giao ước thiêng liêng giữa con người và thần linh, tạo nên một mối liên kết sâu sắc giữa trần thế và tâm linh qua từng món ăn.
Oxfeld đã mô tả bầu không khí ẩm thực sống động của dân làng Nguyệt Ảnh Trì: “…, trong khi những người bên ngoài có thể thấy rằng phần lớn hoạt động xung quanh thực phẩm đòi hỏi việc lao động có cường độ cao – từ trồng trọt, thu hoạch đến nấu nướng – thì họ sẽ không quên nhấn mạnh vào thú vui ẩm thực, vào thái độ thích thú của dân làng khi họ nói về sản phẩm địa phương hay phê bình các món ăn khác nhau, vào niềm vui xã hội trong các bữa tiệc lớn nhỏ, cũng như vào cách thức ăn uống vốn mang lại sự vui vẻ và tình cảm tốt đẹp dành cho nhau. Chẳng hạn, hiếm khi nào người ta lại không nghe thấy ai đó ở Nguyệt Ảnh Trì khen ngợi hay chê bai món canh chả lợn của một nơi khác hoặc món ăn ở thành phố mà họ đã ăn trong một chuyến đi. Ăn uống là thú vui, và nói không ngừng về đồ ăn cũng là một thú vui!” (trang 50)
Tuy nhiên, nền văn hóa ẩm thực phong phú này vẫn phải đối mặt với làn sóng di cư ngày càng gia tăng, sự suy giảm số lượng người trẻ tham gia làm nông nghiệp, và quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của hệ thống thực phẩm tại Trung Quốc. Đó là chưa kể đến những mối đe dọa ngày một nghiêm trọng từ ô nhiễm đất và nước, cũng như tình trạng pha tạp chất trong thực phẩm. Dĩ nhiên, tương lai luôn là điều khó lường trước. Tuy vậy, với nghiên cứu của Ellen Oxfeld, ta có thể khẳng định rằng các thực hành ẩm thực truyền thống vẫn đóng vai trò cốt lõi trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực của các vấn đề nói trên. Chúng kết nối mọi người thông qua một cảm thức chung về truyền thống, ngay cả khi cuộc sống của họ không ngừng thay đổi.
Hà Thủy Nguyên
*Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam
