Kết quả khác nhau như thế nào khi phụ nữ bộc lộ sự tức giận ra bên ngoài.
Trọng tâm
- Tần suất và cường độ tức giận dường như không khác biệt giữa hai giới.
- Biểu hiện của sự tức giận dường như khác nhau, đối với đàn ông thì có nhiều khả năng thể hiện sự giận dữ ra ngoài.
- Phụ nữ phải gánh chịu hậu quả lớn hơn nam giới khi họ công khai bày tỏ sự tức giận.
Là một nhà nghiên cứu về sự tức giận, có một câu hỏi tôi thường được hỏi là : “Đàn ông có phải nóng tính hơn phụ nữ không?”. Thành thật mà nói, nhiều lúc nó không chỉ đơn giản là một câu hỏi nữa. Mọi người chỉ nói với tôi rằng đàn ông hay giận dữ hơn phụ nữ. Tôi hiểu ý nghĩ này xuất phát từ đâu. Nhìn bề ngoài, nó có vẻ đúng với hầu hết mọi người. Nam giới phạm phải hầu hết các trường hợp phạm tội bạo lực (ví dụ: giết người, hiếp dâm, cướp của, hành hung nghiêm trọng [FBI,2019]). Nhưng, như chúng ta cũng biết, tức giận và hung hăng không giống nhau. Giận dữ là một cảm giác có thể được biểu hiện theo nhiều cách. Gây hấn là một hành vi có ý định làm hại ai đó hoặc điều gì đó. Mọi người thường cảm thấy tức giận mà không thể hiện điều đó theo những cách hung hăng. Quan trọng là, gây hấn và bạo lực thường được thúc đẩy bởi nhiều khía cạnh hơn là tức giận. Mọi người gây hấn vì những cảm xúc khác (ví dụ: sợ hãi, ghen tị), để duy trì sức mạnh đối với người khác hoặc đơn giản là để hoàn thành một mục tiêu.
Tuy nhiên, câu trả lời trung thực cho câu hỏi này là: Không, đàn ông không nóng giận hơn phụ nữ. Nam giới có xu hướng trực tiếp bộc lộ sự tức giận theo những cách hung hăng thường xuyên hơn phụ nữ, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng tất cả các giới đều trải qua cơn nóng giận với tỷ lệ tương đương nhau (NBC News-SurveyMonkey-Esquire Online Poll, 2016).
Có một lý do chính đáng khiến phụ nữ có xu hướng kìm nén cơn tức giận của mình trong khi đàn ông có xu hướng thể hiện điều đó ra bên ngoài, và nó liên quan đến những gì xảy ra với những người phụ nữ công khai bày tỏ sự tức giận.
Gần đây tôi có nói chuyện với Tiến sĩ Christine Smith về một tập trong podcast của tôi,Psychology and Stuff: Why We Get Mad (tạm dịch: Tâm lý và Chuyện phiếm: Tại sao chúng ta lại nổi giận), về chính vấn đề này. Tiến sĩ Smith là một nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Wisconsin – Green Bay với chuyên môn về giới, tình dục và tính cách.
Cô nói “Chúng ta mong muốn phụ nữ lúc nào cũng dễ mến và luôn mỉm cười và hạnh phúc”, vì vậy việc nổi nóng một cách hung hăng hoặc thậm chí quyết liệt thì sẽ vi phạm một số chuẩn mực cơ bản. Thật lòng mà nói, đây là những gì nghiên cứu về chủ đề này cho thấy được. Theo một nghiên cứu năm 2008 (Brescoll & Uhlmann), phụ nữ thể hiện sự nóng giận được coi là kém năng lực hơn, địa vị thấp hơn và có mức lương thấp hơn cả đàn ông và phụ nữ “vô cảm”. Trong nghiên cứu cụ thể này, các tác giả đã cho những người tham gia xem bản ghi âm các cuộc phỏng vấn việc làm với nam giới hoặc nữ giới, những người giàu cảm xúc trong suốt buổi phỏng vấn (cả buồn bã hoặc tức giận). Những người tham gia đánh giá mục tiêu dựa trên mức độ tương xứng về chức vị, ước tính mức lương và chấm điểm năng lực của họ.
Điều thú vị là những người tham gia cũng được hỏi về nguồn gốc của sự tức giận (những gì được quy cho sự nóng giận). Đối với đàn ông nóng tính, cơn giận dữ thường được tạo nên do tác động bên ngoài (ví dụ: hoàn cảnh họ gặp phải, những người họ đang tiếp xúc). Tuy nhiên, đối với phụ nữ nóng tính, sự nóng giận được cho là do tính cách của họ tạo thành. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là trong những video này, chỉ có giới tính của đối tượng được thay đổi, không phải tình huống. Trong cùng một tình huống và khi thể hiện cảm xúc theo cùng một cách, đàn ông được xem như nạn nhân của hoàn cảnh gây bực dọc trong khi phụ nữ bị xem là mất kiểm soát.
Quay trở lại nhận xét của Tiến sĩ Smith ở trên về kỳ vọng của chúng ta đối với phụ nữ so với đàn ông trong những tình huống trên, có vẻ như cô ấy nói đúng và những kỳ vọng này dẫn đến kết quả tiêu cực cho những người phụ nữ bày tỏ sự tức giận của mình. Điều này nhất quán với toàn bộ nghiên cứu phát hiện ra rằng mọi người (gồm tất cả các giới) được nhìn nhận khác nhau và phải gánh chịu các hệ quả khi họ hành xử theo những cách trái khuôn mẫu ( thường bị quy về “phản ứng thái quá dựa trên những định kiến có sẵn”). Tuy nhiên, theo nhiều hướng, tôi nghĩ đây là một ví dụ về việc chúng ta sử dụng cảm xúc như một công cụ để áp bức. Khi mọi người biểu lộ cảm xúc theo những cách khác với kỳ vọng văn hóa, họ sẽ bị hổ thẹn hoặc bị trừng phạt một cách bất công.
Nguồn: Psychology Today (Tác giả: Ryan Martin, tiến sĩ Ryan Martin là một nhà nghiên cứu về sự tức giận và là giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Wisconsin – Green Bay)
Dịch: Vũ Phương Thảo