Home Đọc “Cộng hòa” của Plato là một cơn ác mộng toàn trị, chứ không phải là utopia (xã hội lý tưởng)

“Cộng hòa” của Plato là một cơn ác mộng toàn trị, chứ không phải là utopia (xã hội lý tưởng)

Book Hunter

30/12/2022

Xã hội lý tưởng (utopia) đầu tiên của văn học cho thấy chúng ta đã đi được bao xa.

Các ý quan trọng trong bài

  • Cộng hòa của Plato là cuốn tiểu thuyết xã hội lý tưởng đầu tiên, hoàn chỉnh với một thành phố lý tưởng: Kallipolis.
  • Khuynh hướng toàn trị của Kallipolis đã khiến nhiều nhà tư tưởng chỉ trích tầm nhìn về xã hội lý tưởng của Plato.
  • Cuốn Cộng hòa của Plato chứa đựng những ý tưởng mà nhiều độc giả hiện đại sẽ thấy phản cảm – và việc tìm lý do tại sao những ý tưởng đó lại có vẻ xấu xa đối với chúng ta là một bài tập hữu ích.

Văn học và triết học đầy rẫy những tầm nhìn xã hội lý tưởng được vẽ ra bởi các nhà tư tưởng với nhiều khuôn khổ ý thức hệ khác nhau. Một số dựa trên các hệ thống kinh tế thay thế; một số khiến [xã hội lý tưởng] phù hợp với một quan điểm cụ thể về tâm lý con người; những người khác hy vọng tìm thấy sự hòa hợp với thiên nhiên. Tương tự trong hầu hết các lĩnh vực khác của lao động trí óc, tất cả đều mắc nợ Plato, người đưa ra [ý tưởng xã hội lý tưởng] đầu tiên.

Cộng hòa của Plato chứa bản phác thảo về một xã hội lý tưởng được biết đến đầu tiên. Một phần là câu chuyện ngụ ngôn, một phần là đề xuất chính sách hợp pháp và một phần là phê phán các hệ thống hiện có, cuốn sách đưa ra nhiều ý tưởng được cho là hướng đến một thành phố lý tưởng.

Thật không may (chẳng mấy chốc chúng ta sẽ thấy), không ai có đầu óc minh mẫn lại muốn sống ở đó cả.

Xã hội lý tưởng đầu tiên

Hầu hết các tác phẩm về xã hội lý tưởng đều bắt đầu bằng cách cố gắng giải đáp câu hỏi “xã hội lý tưởng là gì?”. Cuốn Cộng hòa của Plato bắt đầu bằng cách cố gắng trả lời câu hỏi: “Công chính là gì và liệu con người có công chính không?” Đây là một câu hỏi rất lớn, và Plato trả lời nó thông qua phép loại suy từ nhân vật chính Socrates. Ông gợi ý rằng công chính trong một thành phố lý tưởng cũng giống như công chính trong một con người, và bằng cách hiểu công chính ở quy mô lớn, dễ nhìn, chúng ta có thể hiểu nó ở quy mô nhỏ hơn.

Thành phố, được mệnh danh là Kallipolis, sẽ được cai trị bởi các vị vua hiền triết. Được lựa chọn vì trí tri của họ, những người cai trị này sẽ được giáo dục trong 50 năm trước khi nắm quyền kiểm soát thành phố. Được dẫn dắt bởi sự hiểu biết về điều tốt, chính nghĩa và cách đạt được điều đó, họ sẽ đưa thành phố hướng tới hòa bình và thịnh vượng.

Đàn ông và phụ nữ sẽ được đối xử bình đẳng, vì Plato không thể tìm ra lý do tại sao một trong hai giới về cơ bản không thể làm những gì mà giới kia có thể trong giới hạn hợp lý. Tất cả trẻ em sẽ được cung cấp một nền giáo dục chất lượng phù hợp với tài năng thiên bẩm của chúng. Tất cả những điều này hướng tới việc tạo ra một thành phố tốt nhất có thể, với hạnh phúc, phẩm hạnh và sự hòa hợp tổng thể cao – ít nhất là như Plato đã quan niệm.

Thành phố sẽ đạt được điều này thông qua một loạt các luật lệ và quy định ngày càng chuyên chế giữ cho nó hoạt động mà ít quan tâm đến những mong muốn đã nêu của thần dân. Trong khi nhiều chi tiết cụ thể là bất thành văn, thì những điều đã nhắc đến là rất nhiều.

Thành phố có một hệ thống đẳng cấp được thi hành nghiêm ngặt và người trưởng thành không thể thực hiện phong trào xã hội nào. Tuy nhiên, con cái họ có thể được thăng hoặc giáng cấp dựa trên kết quả học tập ở trường. Tầng lớp giám hộ và binh lính mà cai quản và bảo vệ thành phố sẽ không có tài sản cá nhân và tư nhân, họ sống trong những nơi ở chung được tài trợ bởi tiền thuế thu được từ các tầng lớp thấp hơn. Tất cả những người cai trị sẽ được chọn từ tầng lớp này.

Nói về con cái, các gia đình sẽ không sinh tồn như những đơn vị đơn lẻ nữa. Thay vào đó, những đứa trẻ sinh ra từ các cuộc hôn nhân mà nhà nước thừa nhận sẽ được nhà nước nuôi dưỡng. Bên cạnh đó sẽ là một hệ thống thuyết ưu sinh nhấn mạnh việc giết trẻ sơ sinh có “cha mẹ kém cỏi” hoặc bất kỳ đứa trẻ “khiếm khuyết” nào. Xổ số gian lận sẽ được sử dụng để đảm bảo rằng những bố mẹ có chất lượng thấp hơn không vấy bẩn dòng dõi của bên có chất lượng cao hơn.

Để đảm bảo sự thật được tôn trọng, tất cả các nhà thơ sẽ bị lưu đày. Tất cả các tác phẩm văn hóa, từ các vở kịch đến các câu chuyện trước khi đi ngủ, sẽ được các nhà cai trị chấp thuận. Đương nhiên, những người cai trị này là những người duy nhất có khả năng nắm bắt “sự thật” chứ không phải là sự bắt chước rẻ tiền của nó.

Hệ thống sẽ tồn tại nhờ vào “lời nói dối cao quý”, đảm bảo với những người bình thường rằng linh hồn có nhiều loại. Các vị vua hiền triết có linh hồn bằng vàng, các trợ thủ và chiến binh của họ có linh hồn bằng bạc, còn linh hồn những người nông dân, người lao động và thợ thủ công àm bằng đồng và sắt một cách siêu hình. Lời nói dối bao gồm lời cảnh báo rằng mọi thứ sẽ sụp đổ nếu những người sai tầm vóc được giao trách nhiệm.

Ồ, và cuối cùng nó chắc chắn sẽ thất bại như cách Plato cho rằng tất cả các chế độ chính trị đều như vậy. Nghe có vẻ dễ chịu phải không?

Nhà triết học Karl Popper, người phản đối chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism) trong một số cuốn sách, cho rằng các ý tưởng trong Cộng hòa của Plato đã được đánh giá quá nghiêm túc. Cộng hòa – với cống hiến cho ý tưởng rằng kiến thiết xã hội không chỉ là chuyện khả thi mà còn thường được khao khát, và rằng tất cả đều được cho phép miễn là chính thể hướng tới điều tốt “khách quan”, Popper gợi ý rằng Cộng hòa đã truyền cảm hứng về mặt tri thức cho các phong trào toàn trị của thế kỷ 20.

Thật vậy, Ayatollah Khomeini, người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran và lãnh đạo Cách mạng Iran, đã lấy cảm hứng từ cuốn sách khi xây dựng chính phủ Iran hoàn chỉnh với vị vua hiền triết riêng. Việc này hiệu quả ra sao vẫn đang là chủ đề bàn luận.

Nhà triết học Bertrand Russell, một nhà phê bình sách khác, lập luận rằng nó được đánh giá một cách nghiêm túc như một xã hội mà có thể ban hành được ở Hy Lạp cổ đại, một luận điểm được củng cố với nhiều bằng chứng.

Bất kỳ ý tưởng nào về xã hội lý tưởng – hiện đại hay cổ đại – đều sẽ dựa trên các giả định về con người, xã hội, công chính và các khái niệm khác mà người ta sẽ thấy gây tranh cãi. Trong 2.000 năm kể từ khi Plato viết, mọi điều ông nói đã đi từ được cho là đúng đến bị coi là vô nghĩa. Kết quả là, thành phố hoàn hảo của ông có vẻ quái dị đối với chúng ta ngày nay.

Tuy nhiên, cuộc thảo luận, mà được thúc đẩy bởi tranh luận về việc liệu Kallipolis của Plato có lý tưởng, thực tiễn hay thậm chí có thể thực thi được hay không, đã nâng cao hiểu biết của chúng ta về luân lý và triết học chính trị. Rốt cuộc, chúng ta phải tự hỏi tại sao chúng ta lại thích những khái niệm như tự do và dân chủ khi phải đối mặt với một giải pháp thay thế được cho là mang lại một xã hội tốt đẹp hơn.

Như mọi khi, chúng ta có thể nợ Plato một lời cảm ơn, ngay cả khi chúng ta bác bỏ toàn bộ triết lý của ông.

Nguồn: Scotty Hendricks – Big Think (Bài viết này ban đầu được xuất bản vào ngày 5 tháng 11 năm 2020 và đã được cập nhật vào tháng 9 năm 2022.)

Dịch: Hải Anh

Nghiên cứu về Niccolò Machiavelli để hiểu về quân chủ và dân chủ

Tại sao lại viết về Machiavelli? Machiavelli chắc chắn đã đóng góp một lượng lớn các diễn ngôn trong tư tưởng phương Tây – đáng chú ý là trong lĩnh vực lý thuyết chính trị, nhưng đồng thời còn có cả lịch sử và thuật chép sử, văn chương Ý, nguyên lý chiến tranh và ngoại giao. Nhưng Machiavelli chưa bao giờ tự nhận mình là một triết gia – thật vậy, ông thường thẳng thừng từ chối các vấn đề triết học – và
le-nam

Lê Nam

01/02/2018

Phê bình tư tưởng của John Locke về tài sản

Tóm lược Các bộ luật về tài sản, từ phạm vi nội địa cho đến phạm vi quốc gia, thậm chí là phạm vi quốc tế, phần nhiều lấy cảm hứng từ những công trình chính trị của những nhà tư tưởng tự do hậu Phục Hưng như John Locke, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khởi xướng cuộc tranh luận giữa các quan điểm liên quan đến đề tài này. Các phân tích về nguồn cảm hứng phía sau các quan

Dẫn nhập ngắn gọn về pháp quyền (1) : Định nghĩa và các chức năng của Pháp quyền

Đọc toàn bộ chùm bài tại đây: Dẫn nhập ngắn gọn về pháp quyền Lê Duy Nam chuyển ngữ Brian Z.Tamanaha, St. John’s University – School of Law Thảo luận giữa các nhà lý thuyết về pháp quyền bị chia rẽ bởi bất đồng xoay quanh định nghĩa của từ pháp quyền, các nguyên tố hoặc những yêu cầu của nó, lợi ích mà nó mang lại cũng như những giới hạn, liệu nó có phải là điều tốt phổ quát, và những câu hỏi phức hợp
le-nam

Lê Nam

06/07/2014

Dẫn nhập ngắn gọn về pháp quyền (3): Những thành tố cơ bản trong việc thiết lập nền tảng pháp quyền và hạn chế

Đọc toàn bộ chùm bài tại đây: Dẫn nhập ngắn gọn về pháp quyền Lê Duy Nam chuyển ngữ Brian Z.Tamanaha, St. John’s University – School of Law Chia sẻ định hướng rộng rãi trong xã hội – giữa các công dân với quan chức nhà nước – rằng Luật pháp thực sự thống trị và nên thống trị. Để pháp quyền được tồn tại, mọi người cần tin tưởng vào nó và tuân thủ nó. Họ cần xem đó như là một bộ phận tồn tại
le-nam

Lê Nam

23/04/2017

TÂM LÝ CHÍNH TRỊ – Chủ đề nghiên cứu quan trọng của thời đại mới

Mặc dù “tâm lý chính trị” không phải là một thuật ngữ mới mẻ gì, tuy nhiên vẫn không có ít bạn đọc vẫn chưa có một hiểu biết đủ chính xác về lĩnh vực này. Nhiều độc giả dễ dàng hiểu “tâm lý chính trị” là những chiêu trò tâm lý được một người hoặc một phe cánh sử dụng nhằm đạt được thêm quyền lực chính trị. Nếu hiểu “tâm lý chính trị” theo nghĩa này thì các bạn đang bị nhầm lẫn
le-nam

Lê Nam

06/11/2017