Liệu có thật sự người Việt có văn-hóa đọc kém cỏi? Tôi thường-xuyên nghe nhận xét này, không những trong cộng-đồng người Việt hải-ngoại, song kể cả trong những tháng năm qua kiều-ngụ ở hải-nội, phàm gặp người quan-hoài đến dân-trí, ai ai cũng cùng một điệu cảm-thán, rằng văn-hóa đọc của người Việt còn quá ư sơ-đẳng. Cách đặt câu hỏi trên, theo tôi, là không thiết-đáng. Văn-hóa đọc của những người Việt nào? Kém cỏi so sánh với ai? Hiện nay, một phần đáng kể của quốc-dân Hoa-Kỳ hoặc trình-độ đọc hiểu dừng lại ở mức trung-học, hoặc cơ-hồ mù chữ, chỉ biết đủ văn-tự để lo việc doanh-sinh thường ngày. Thực-trạng “mù chữ” này còn xuất-hiện ở nơi những trường đại-học danh tiếng nhất thế-giới. Tôi đã chấm bài không ít sinh-viên không viết nổi một đoạn Anh-văn không mắc lỗi chánh-tả, chưa kể những hà-tỳ về văn-phong và thẩm-mỹ. Sự viết đương-nhiên không đồng-nghĩa với sự đọc, song hai thứ ấy quan-hệ đến nhau không ít: đọc văn người ta, có thể mường tượng một phần nào đó loại sách vở người ta “tiêu-dụng” hằng ngày. Trong truyền-thống Đông-Á cận-đại, Chu Hy thường ví sự đọc sách với việc ăn uống. Sách vở là một thứ lương-thực tinh-thần cung-cấp sức sống cho người đọc, nhưng lương-thực đấy phải được tiêu-hóa triệt-để mới có tác-dụng. Chúng ta phải đọc sách tới khi nào nội-dung “chín nhừ” (thục-độc) mới mong đạt được hiệu-quả nhờ đọc sách mà biến-hóa khí-chất bản-thân. Hay nói theo ngạn-ngữ Tây-Dương: You are what you eat.
Càng kinh-lịch và suy nghĩ về cuộc sống hải-nội, tôi càng cho rằng những điểm thú-vị nhất của văn-hóa đọc ở Việt-Nam—tốt có xấu có—ít nhiều đều xuất-phát từ cùng một nguyên-nhân: sự hỗn-loạn của thị-trường sách vở. Khi tất cả những ranh giới và tiêu-chuẩn được xí xoá, hoặc không còn ai đủ uy-tín để chấp-hành và đòi hỏi những thứ ấy, những tên gọi chúng ta dùng để phân-biệt sách “học-thuật” với sách “đại-chúng” không còn hữu-hiệu. Điều này gây không ít khó khăn cho tôi, là vì theo thói quen của học-giới Hoa-Kỳ, cơ-quan xuất-bản được hiểu ngầm là một trong những điều phải cân nhắc khi đánh giá về uy-tín của một công-trình nghiên-cứu. Một công-trình nghiên-cứu chỉ được xem là sách học-thuật (academic) khi được xuất-bản bởi một nhà xuất-bản học-thuật (thường là nhà xuất-bản của một trường đại-học). Một bài nghiên-cứu có được xem là đủ nghiêm-túc để trích-dẫn hay không cũng ăn thua nơi nó được công-bố: đương-nhiên phải là tạp-chí học-thuật có phản-biện, song không phải tạp-chí học-thuật nào cũng được xem trọng như nhau. Những trước-tác cá-nhân, dù nghiên-cứu tỷ-mỷ, phương-pháp tân-tiến thế nào chăng nữa, hiếm khi được xem ngang hàng với trước-tác học-thuật. Sự phân-loại này ảnh-hưởng trực-tiếp đến văn-hóa đọc ở Hoa-Kỳ. Mười năm qua, trừ tác-phẩm văn-học ra, tôi gần như không đọc sách vở gì ngoài sách học-thuật. Những người bằng-hữu thân-thuộc của tôi không làm việc trong học-giới thì ngược lại. Tác-giả tác-phẩm tôi đọc và thảo-luận cùng đồng-nghiệp hằng ngày, họ thường không biết. Tác-giả tác-phẩm họ quan-tâm, lắm khi chúng tôi cũng chẳng tường.
Trên danh-nghĩa thì sự phân-biệt giữa sách học-thuật và sách đại-chúng cũng tồn-tại ở Việt-Nam. Nhưng về thực-tế thì thị-trường mua bán sách và văn-hóa đọc không bị phân-liệt bằng Hoa-Kỳ. Dấu hiệu rõ rệt nhất là khuynh-hướng dịch sách học-thuật từ Anh-văn ra quốc-ngữ, rồi đem phổ-biến bên cạnh (và không khác gì) sách đại-chúng. Cứ ghé ngang hiệu sách Nhã Nam: sẽ thấy các chuyên-khảo của Keith Taylor và Alexander Woodside xếp bên cạnh những tác-phẩm nghiệp-dư không có chút uy-tín hay vai trò gì trong học-thuật quốc-tế. Đương-nhiên, kể cả chuyên-khảo học-thuật của các bậc danh-gia không phải là thần-thánh bất-khả-xâm-phạm. Vả lại, nghiên-cứu nghiệp-dư chưa chắc đã thua kém gì học-thuật chuyên-nghiệp. Trong nhiều thập-niên qua, Nguyễn Duy-Chính đã miệt mài nghiên-cứu lịch-sử Đàng Trong/Đàng Ngoài thế-kỷ 18 với tư-cách là một nhà nghiên-cứu độc-lập. Danh-xưng này (ít nhất là trong trường-hợp này) là một biệt-hiệu mỹ miều đồng-nghĩa với nghiệp-dư. Giá-trị của những công-trình nghiên-cứu của ông, thiết-nghĩ không kém gì những công-trình nghiên-cứu về cùng một thời-đại đã được công-bố và xuất-bản qua những cơ-quan có chính-danh học-thuật hơn. Chắc chắn, tên tuổi của ông đối với độc-giả vẫn quen thuộc hơn (và vì thế có trọng-lượng hơn) tính-danh của các học-giả chính-quy chỉ ru rú trong sân chơi tạp-chí tính điểm.
Một mặt, một văn-hóa đọc không tôn-trọng hay bảo-trì những ranh giới truyền-thống này có ưu-điểm ở chỗ phổ-biến được những tác-phẩm chuyên sâu cho một giới độc-chúng rộng hơn cả mộng-tưởng tác-giả. Không những thế, giá cả lại rất phải chăng. Hiện-tượng này vẫn là không-tưởng ở Hoa-Kỳ. Khả-năng và nhu-cầu phổ-biến sách học-thuật như vậy là một dấu hiệu khả-quan cho văn-hóa đọc ở Việt-Nam. Tuy-nhiên, việc phổ-biến học-thuật một cách thiếu hệ-thống như hiện nay cũng dẫn đến không ít hệ-quả không hay. Học-phong Hoa-Kỳ không giống như học-phong chủ-lưu ở Việt-Nam. Học-thuật ở Hoa-Kỳ được ngầm hiểu là sự tương-tác giữa các học-giả, đối-chất và phê-phán lẫn nhau trong tinh-thần xây dựng. Vì vậy cho nên về mặt hình-thức, học-thuật Hoa-Kỳ chú-trọng về sự trích-dẫn tỷ-mỷ. Mỗi công-trình nghiên-cứu phải được đọc qua lăng kính liên-văn-bản, như một cuộc đối-thoại giữa trùng-trùng điệp-điệp những lý-thuyết, những học-giả, những mô-hình hỗ-tương đối-đáp lẫn nhau. Phần đóng góp của tác-giả vào cuộc đối-thoại đấy, lắm khi chỉ là một tiểu-tiết bỏ sót, một góc nhìn hơi khác, một sự nhấn mạnh trước kia chưa được thể-hiện rõ. Học-phong ở Việt-Nam không phải tuyệt-nhiên không có khuynh-hướng này, song nó vẫn chưa chi-phối học-thuật Việt-Nam như một quy-tắc chung. Thay vào đó, học-thuật Việt-Nam (ít nhất trong lĩnh-vực của tôi) còn thiên về những công-bố và phát-hiện được xem như độc-sáng của tác-giả. Bài tạp-chí thường hao hao như những thông-báo cô-lập, không đem lại cho độc-giả khái-niệm về một bối-cảnh học-thuật chung. Toàn-đồ của học-thuật Việt-Nam có thể ví như hàng loạt những phát-hiện li ti chưa được xâu chuỗi thành một chỉnh-thể hữu-lý. Dường như người Việt vẫn bị ám-ảnh bởi thần-thoại các tài-tử và thần-đồng thời xưa, thể-hiện sự bác-học bằng những phương-thức mang tính cá-nhân hơn là tương-tác. Khi đem sách học-thuật Hoa-Kỳ mà hỗn-nhập một môi-trường bất-phục thủy-thổ đến vậy, sự tiếp-nhận của chúng sẽ bị thiên lệch một cách không cần thiết. Huống chi, những tác-phẩm được chọn để dịch và giới-thiệu như vậy lắm khi là những công-trình cũ, bây giờ bản-thân tác-giả còn tự xem là lỗi thời và không còn phản-ánh quan-điểm của mình. Tôi không có ý muốn che đậy hay biện-minh cho những khuyết-điểm và sai lầm chắc chắn xuất-hiện đây đó trong nghiên-cứu chuyên-nghiệp. Chẳng qua, khi những thất-thác đấy bị lôi ra đàm-tiếu bởi một quần-chúng không có mục-đích gì ngoài những hơn thua lặt vặt về bề khẩu-thiệt, điều đấy không những không giúp cải-tiến học-thuật, mà nhiều khi nó còn tăng-trưởng ngạo-khí của cả hai bên chuyên-nghiệp và nghiệp-dư. Khi đối-thoại học-thuật biến-tướng thành những tranh-luận Man-Xúc diễn ra ở những không-gian ô-hợp trái ngược với tinh-thần nghiêm-cẩn của học-thuật (chẳng hạn như mạng xã-hội), khả-năng-tính của một cuộc cải-tiến bổ-ích cho cả hai bên bị hủy-diệt ra không.
Tổng chi, mặt trái của văn-hóa đọc này là khi phổ-biến tri-thức cho những người không đủ trình-độ và tư-cách để đón nhận một cách hữu-ích, tri-thức đấy không những mất tác-dụng, song còn gây tổn-hại. Khái-niệm này có lẽ đã trở nên xa lạ với tư-duy bình-đẳng của thời hiện-đại. Đối với người xưa, việc thiết-lập những giáo-trình chặt chẽ để người học men theo đó mà trục-tiệm nhập-đạo là điều hiển-nhiên, không cần lập-luận dông dài. (Kỳ-thực nguy-cơ làm ngược chỉ trở nên phổ-biến khi tình-trạng “mù chữ” bị xem như một “tệ-nạn” cần phải khắc-phục khắp toàn dân-chúng.) Nếu đã phủ-nhận sự cần thiết của những giới-hạn chính-đáng này, cũng chẳng nên lấy làm lạ khi văn-hóa đọc ngày một suy-thoái theo xu-hướng đại-chúng-hóa. Tiếng nói của “mẫu số chung nhỏ nhất” là mồ chôn của thẩm-mỹ và sáng-tạo. Khi văn-phong của bất-kỳ một tác-phẩm nào đó bị đòi hỏi phải tuân-thủ tiêu-chuẩn và thói quen của đám đông, chúng ta không còn quyền trách-vấn sự tầm-thường. Cũng chẳng nên lấy làm lạ nếu nhất-đán thức dậy mà thấy mình đã trở thành nô-lệ dưới ách thống-trị của sự tầm-thường tự bao giờ chẳng hay.
Văn dĩ tải đạo. Câu này đã bị lạm-dụng và trở thành sáo-ngữ chính vì nghĩa gốc đã không còn sáng tỏ đối với người hiện-đại. Văn không nên hiểu theo nghĩa hẹp là văn-chương nói chung, nhưng là sự sắp xếp có lớp lang trật-tự, là những cấu-tạo nhân-vi (nhân-văn) tương-ứng với trăng sao mây gió trên trời (thiên-văn) và cỏ cây sông núi dưới đất (địa-văn). Nói cách khác, bản-thân chữ văn đã hàm-ý về tính phức-tạp và cách-biệt với sự thông-tục (thậm-chí là với tự-nhiên). Một cách gần như nghịch-lý, chỉ khi nào chấp-nhận sự phân-biệt và giới-hạn về văn-chương và độc-chúng, mới có thể khoan-dung đối với những tác-giả tác-phẩm truy-cầu những đối-tượng khác với mình. Nhân danh một lý-tưởng bình-đẳng mơ hồ, chúng ta đang vô-ý-trung cản trở khí-tượng trăm hoa đua nở đáng lẽ phải có khi mặc cho mỗi người được tự-do đọc và viết theo khả-năng cá-nhân. Kết-quả là gì? Tuyệt-bút không mà hạ-phẩm cũng không. Chúng ta tê liệt và mỏi mòn giữa sáo-tập đơn-điệu của sự tầm-thường.
Nguyễn Thụy Đan