Home Học Giáo viên hay Học sinh: Đâu là trọng tâm của giáo dục

Giáo viên hay Học sinh: Đâu là trọng tâm của giáo dục

Truyền thông về giáo dục chục năm gần đây tuyên truyền sự đổi mới giáo dục gắn với việc chuyển đổi vai trò của người giáo viên từ người truyền thụ tri thức trở thành người tổ chức việc lĩnh hội tri thức, từ mô hình giáo dục giáo viên là trung tâm sang mô hình giáo dục học sinh là trung tâm. Quá trình “đổi mới” được truyền thông như vậy tạo cho tôi liên tưởng tới việc chuyển kênh truyền hình. Mô hình giáo dục cũ như chiếc kênh truyền hình lạc hậu, một chiếc điều khiển, nhấn nút, thế là ta dễ dàng bước sang một kênh mới. Người giáo viên chuyển đổi niềm tin, triết lý giáo dục như một nút “bật” “tắt” sẵn có trong đầu. Và “chiếc điều khiển” ở đây là gì, là những chương trình đào tạo giáo viên về các phương pháp giáo dục hiện đại, những hình thức dạy học áp dụng công nghệ… Gần đây, tôi có hỏi lại các đồng nghiệp thân thiết của mình rằng “Không biết trong những buổi đào tạo đó, chúng ta có thực sự được tổ chức để phản biện các triết lý giáo dục không?”.

Quá trình làm việc ở trường tiểu học, tôi có may mắn được tham gia nhiều buổi đào tạo, hội thảo… về phương pháp dạy học. Trong đó, về cơ bản, phương pháp dạy học sẽ được chia thành 2 nhóm: nhóm dạy học truyền thống và nhóm dạy học hiện đại. Các phương pháp “mới” (được coi là mới hoặc cập nhật với xu hướng giáo dục hiện tại) được khuyến khích luyện tập và sử dụng, nhưng không loại trừ các phương pháp giáo dục cũ. Những phương pháp dạy học truyền thống được gắn với mô hình giáo dục mà người dạy là trung tâm, có thể kể ra tiêu biểu bởi một số nhóm phương pháp như nhóm phương pháp diễn giảng, nhóm phương pháp trực quan, nhóm phương pháp thực hành. Bỏ qua những kĩ thuật cụ thể thì nhóm những phương pháp này, người giáo viên sẽ dùng lời là chủ yếu nhằm cung cấp, hướng dẫn học sinh đạt tới tri thức. Học sinh sẽ được xem như có trình độ hiểu biết như nhau, hoặc được chia vào vài nhóm trình độ nên có thể cùng nghe một bài giảng, cùng thực hiện một vài hoạt động thực hành. Phương pháp dạy học hiện đại còn được gọi là phương pháp dạy học học sinh là trung tâm, phương pháp dạy học tích cực… Và ngược lại với nhóm truyền thống trên, ở nhóm này, giáo viên thay vì người “nói” sẽ phải tổ chức hoạt động để học sinh được nói, thay vì giáo viên là người cung cấp các tri thức “chuẩn” thì học sinh sẽ khám phá hoặc kiến tạo tri thức mới. Mỗi học sinh mong đợi được nhìn nhận như một cá thể duy nhất, thích ứng với những hoạt động học tập phù hợp với phẩm chất, năng lực của từng em. Mang băn khoăn của một người làm thực hành, bỏ qua tán tụng về triết lý giáo dục, chúng tôi hỏi các giảng viên của mình câu hỏi có vẻ “ngây thơ”: Thế là chúng ta sẽ không sử dụng những phương pháp dạy học cũ nữa?  Một số giảng viên, giáo sư về phương pháp sư phạm mà tôi được tiếp cận chia sẻ rằng “Sẽ có những lúc, chúng ta cũng cần sử dụng việc thuyết trình cho học sinh chứ”. Nhưng, “có những lúc” ấy, lúc soạn bài giảng, tôi vẫn e sợ rằng, mình có đang không dạy học mà học sinh là trung tâm không? tôi có đang không dạy học tích cực?… Tôi của “có những lúc” ấy, đã không biết, khi thấy băn khoăn với việc thực hành thì cần phải tìm lại từ triết lý ban đầu.

Tôi muốn đặt câu hỏi: Việc chia các phương pháp giáo dục thành hai nhóm “truyền thống” và “hiện đại” đã ngầm áp giả định gì lên giáo viên? Và các buổi đào tạo phương pháp dạy học từ hệ thống trường tư tới trường công có nên xem như “chìa khóa” cho sự đổi mới giáo dục?

Tôi, trải qua năm học này đến năm học khác, tuổi đời tính theo năm học, vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Thế vai trò của giáo viên là gì” qua từng buổi đào tạo phương pháp dạy học – như một con người miệt mài của triết học hiện sinh đi tìm ý nghĩa sống, để dành lấy cuộc sống có ý nghĩa thực sự…

Có học giả nào đó đã nói vai trò của người thầy như mặt trời. Ánh mặt trời cứ chiếu sáng, còn bao giờ “nhận được ánh sáng” thì không phụ thuộc vào người thầy, mà ở người trò. Với tôi thì ở mô tả này, mặt trời đại diện cho nơi trung chuyển ánh sáng như người thầy sẽ giúp tri thức truyền gửi qua các thế hệ và không kiểm soát được khả năng lĩnh hội tri thức ở người học. Và như vậy, bất kì ai/vật gì có khả năng làm nơi trung chuyển tri thức (thực sự) đều là người thầy của ta. Chuyện gì xẩy ra nếu giáo viên –  mặt trời, hiểu theo đúng nghĩa đen của so sánh trên, nhìn nhận vai trò của mình là duy nhất, độc quyền tri thức. Đây là phê phán dành cho nền giáo dục cũ, khi giáo viên là trung tâm của lớp học. Giáo viên và sách giáo khoa luôn “đúng”. Khối tri thức “tĩnh tại” qua bao nhiêu năm trong khi vận động xã hội hiện tại đang khác đi vô cùng.

“Luôn đúng” tưởng là một đặc quyền, nhưng là gánh nặng trĩu.

Tôi (và những đồng nghiệp thân thiết mà tôi được làm việc cùng) vật vã cởi bỏ để có thể nói trước học sinh của mình “Cô đã sai”, “Cô không biết về điều này”, “Cô sẽ tìm hiểu thêm”…

Quay trở lại với chủ đề, dù đồng ý với việc không xem giáo viên là nguồn sáng duy nhất, tôi vẫn cho rằng không thể đơn giản gom việc nhìn nhận lại vai trò của giáo viên hay mối quan hệ của người dạy – người học thành việc chuyển đổi phương pháp dạy học. Cách thức này giống như việc ta cố gắng làm đơn giản hóa các nội dung tri thức thành sách giáo khoa, lầm lẫn giữa một tư tưởng với kĩ thuật cụ thể. 

Được làm việc trong một trường học tư thục có mô hình lớp học với số lượng học sinh (khoảng 20 học sinh) phù hợp hơn cho các phương pháp dạy học mà học sinh là trung tâm, chúng tôi được đầu tư đào tạo về phương pháp với đủ hình thức: tổ chuyên môn, đào tạo nội bộ, mời chuyên gia trong nước, ngoài nước. Như vậy vẫn chưa đủ, chúng tôi cũng tham gia các buổi chuyên đề ở trường công… Các bạn bè là giáo viên tiểu học cùng học chung với tôi ở trường tiểu học cũng cho biết họ được đào tạo phương pháp đầu mỗi năm, giao lưu dự giờ ở các trường trong cùng quận huyện. Như mô tả về người giáo viên trong các trường sư phạm mà chúng tôi được dạy, chúng tôi phải là “những người học”. Như vậy, việc đào tạo về phương pháp dạy học được chú trọng – dù chỉ nhìn qua ở mặt hình thức – cho giáo viên chúng tôi. Sau vài năm, tôi mệt mỏi than thở với đồng nghiệp của mình “sao càng được đào tạo, em lại càng cảm thấy mình đang biến thành “thợ” dạy?”. Chúng tôi chỉ thay vì tập viết chữ trên bảng, tập nói sao cho hay, cho thuyết phục học sinh tin vào điều gì đó (phương pháp dạy học truyền thống) thì giờ sẽ tập kĩ năng thiết lập nhóm, viết dự án, kêu gọi các nguồn lực…để sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Tôi trăn trở, luôn thấy thiếu một điều gì đó, luôn thấy cần phải học điều gì đó ngoài những phương pháp cụ thể để có thể tìm thấy hình ảnh người giáo viên mà mình muốn là, muốn trở thành.

Những chương trình cung cấp phương pháp dạy học hiện đại đang được xem như cách thức duy nhất để tiến tới đổi mới giáo dục liệu có thực sự đáp ứng được mong đợi?

Việc nâng cấp yêu cầu đối với giáo viên về bằng cấp như thay vì tốt nghiệp cao đẳng mà phải là cử nhân mới đạt trình độ giảng dạy bậc học tiểu học thực chất là nhắm vào thay đổi điều gì? Một người có nghiệp vụ sự phạm hơn hay là được đào tạo về tầm nhìn giáo dục hơn?

Giờ tôi sẽ nhìn sâu hơn vào những buổi đào tạo mà tôi được tham gia. Tôi nhận thấy rằng bao nhiêu lý thuyết về nhóm phương pháp giáo dục hiện đại, việc giáo viên cần làm gì để đảm trách được mục tiêu tăng cường tính tích cực, chủ động cho học sinh dường như chẳng mấy sáng rõ. Các mô tả như “tổ chức hoạt động” “truyền cảm hứng” “đứng đằng sau” “bên cạnh” để học sinh tự kiến tạo nên tri thức trở thành khẩu hiệu hơn là kĩ thuật cụ thể.

Một người thực hành sư phạm như tôi và những đồng nghiệp mà tôi có dịp trao đổi sẽ có vô vàn băn khoăn chi tiết: Có cần cung cấp tri thức nền tảng trước khi học sinh thực hiện việc khám phá, kiến tạo không (như những tiên đề Ơclit trong hình học được thừa nhận trước khi chứng minh những tri thức hình học phẳng khác)? Chúng tôi được khuyến khích xây dựng và thực hiện các dự án liên môn học bởi vì các tri thức trong cuộc sống luôn tồn tại cùng nhau trong một vấn đề, dạy học như vậy mới là dạy học bắt nguồn từ thực tế. Nếu tổ chức cho các em tham gia một dự án kinh doanh, liệu các em cần biết những kĩ năng tính toán nền tảng nào, kĩ năng ngôn ngữ đến đâu, khả năng lập kế hoạch như thế nào, kĩ năng làm việc nhóm… Thời gian ở trường học thì có hạn, các em cũng cần đáp ứng yêu cầu đầu ra về tri thức sau các dự án, vậy chúng tôi nên xác định tri thức nào là “nền tảng”, cung cấp cho các em vào lúc nào… Quá nhiều câu hỏi cụ thể. Mà vốn trong mô hình giáo dục cũ, việc xác định tri thức nền tảng đã được làm sẵn, có sẵn trong tài liệu sách giáo khoa. Giờ chúng tôi cảm giác người giáo viên đang mang trong mình quá nhiều vai trò, nhiệm vụ để có thể thực hiện được khẩu hiểu Đổi mới giáo dục – lấy học sinh làm trung tâm.

Tôi kể ra đây thêm một số câu hỏi khác mà tôi hay các bạn đồng nghiệp chia sẻ với nhau sau những buổi đào tạo hoặc trước khi soạn giáo án, sau khi thực hiện các tiết học: Việc tổ chức những câu hỏi mở đến đâu là đủ để những tâm trí non nớt không cảm thấy mông lung về cuộc sống? Khẳng định 1 điều là đúng hay sai có phải là 1 “tội ác” với trí tìm tòi khoa học?… Hay những câu hỏi nghe có vẻ ấu trĩ như “tổ chức cho học sinh kiến tạo tri thức thì giáo viên phải có bao nhiêu về tri thức ấy hay cứ tổ chức và điều gì các em kiến tạo ra đều là tri thức”… Tôi chới với trong hàng loạt các lý thuyết về phương pháp dạy học hiện đại.

(Bạn bè tôi động viên là ít nhất chúng tôi còn có thể có những câu hỏi cụ thể, còn ngoài kia, bao người chỉ áp dụng, áp dụng mà không có cơ hội cảm nhận quá trình đó diễn ra)

Giáo viên được “yêu cầu” ở bên cạnh, thúc đẩy nhưng không áp đặt học sinh. Vậy ai “ở bên cạnh” giáo viên?

Vậy nên, việc đào tạo phương pháp dạy học mà không bắt nguồn từ những suy ngẫm về vai trò của giáo viên, của người dạy thì vẫn là sự tỉa tót một cái cây – giáo dục – hơn là chăm bón, nuôi dưỡng nó. Sự chuyển đổi mô hình giáo dục cần nhìn giáo dục trong thể toàn vẹn của nó, bao gồm các yếu tố và triết lý giáo dục sẽ là gốc rễ. Nếu giáo viên được xem là yếu tố quan trọng của một nền giáo dục thì nhìn nhận giáo viên chỉ ở mặt phương pháp cũng giống như chỉ nhìn vào cành, lá của một cái cây vậy. Sử tỉa tót cành lá sẽ làm cho cái cây trông có vẻ gọn gàng sạch sẽ hơn, nhưng, liệu có tạo ra sự sống bền vững hay không? “Nuôi dưỡng” giáo viên chắc chắn sẽ mất thời gian hơn nhiều, vì phải đào sâu vào các tầng suy nghĩ đã hình thành nên Con người – giáo viên. Hơn thế nữa, việc đào tạo phương pháp như lý thuyết (dù có kèm hoạt động thực hành) mà không có hệ thống hỗ trợ các vấn đề hằng ngày thì thật khó hình dung tới những điều lạc quan.

Và cá nhân tôi vẫn không tự trả lời được câu hỏi về Vai trò của người giáo viên chỉ bằng các chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm. 

Tôi, một cách vô thức, mong đợi một câu trả lời tính đến vai trò của người dạy khi hỏi những người phụ trách chuyên môn của mình về các căn cứ để giáo viên lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp. Câu trả lời mà tôi nhận được thường liệt kê các thành phần giáo dục như nội dung dạy học, khả nặng nhận thức của học sinh, điều kiện cơ sở vật chất… Tôi “vặn vẹo” (tôi biết ơn lắm vì được “vặn vẹo” đã là một đặc ân trong bối cảnh nói chung) để xin lời khuyên về việc bản thân người giáo viên cũng cần là một căn cứ, nếu không muốn nói là quan trọng, để họ lựa chọn phương pháp dạy học. Tôi dường như muốn bật ra thành lời việc giáo viên cần thoải mái nhất, phải thấy thích, thấy phù hợp với phương pháp dạy học đó hơn chỉ chọn nó cho những yếu tố bên ngoài mình như những câu trả lời trên. Một nỗi sợ vô hình nào đó khiến tôi không thể diễn đạt được những băn khoăn đó, dù biết mình chẳng thể dạy nỗi các phương pháp như Đóng vai, thậm chí là có thể tập phương pháp đó trong những buổi đào tạo. Tôi cũng chẳng thích sử dụng Slide hay các phần mềm trò chơi trong dạy học. Các buổi lên lớp của tôi chẳng mấy khi có thể trở thành một tiết dạy mẫu.

Người giáo viên ở đâu trong những căn cứ đó hay đang chỉ được “đối xử” như một yếu tố thứ yếu. Các đặc điểm cá nhân của người giáo viên nên được xem xét như nào để lựa chọn phương pháp giáo dục? Một phương pháp dạy học phù hợp với học sinh có nên phù hợp với mỗi giáo viên riêng biệt không?

Và khi tôi có ngầm ý “đòi” quyền ưu tiên cho giáo viên, tôi sẽ bắt gặp khẩu hiệu “học sinh là trung tâm” sừng sững. Tôi là một giáo viên, tôi không thể là chính mình. Tôi tự thuyết phục “nhưng đó là những điều tốt cho học sinh. Những điều tốt cho học sinh cũng sẽ tốt cho chính tôi. Bởi chẳng phải tất cả chúng tôi ở đây là vì điều đó”. Tôi lại về đúng đường. 

Những người giáo viên như tôi thực sự được tự chủ quá trình dạy học bao nhiêu khi phải “tự thuyết phục mình”. Một điều chẳng tự nhiên như nó vốn là.

Các trường học lao vào công cuộc thay đổi cơ sở vật chất hay chương trình học để đổi mới giáo dục. Giáo viên được đầu tư điều gì? Phương pháp dạy học và chế độ đãi ngộ.

Dễ hiểu, phương pháp dạy học là “cần câu”, còn chế độ đãi ngộ là để cho giáo viên có một nền tảng “có thực mới vực được đạo”.

Vấn đề của việc cung cấp cần câu thì tôi đã trình bày như trên. Còn những truyền thông về việc tăng chế độ đãi ngộ cho giáo viên làm tôi thực sự phẫn nộ vì nó vô hình chung gây dựng hình ảnh giáo viên thành những người tham lam vật chất. Các chế độ, mức lương của giáo viên nếu thấp là thấp chung của mặt bằng xã hội như bất kì ngành nghề nào tính lương theo bậc học và số năm kinh nghiệm. Và trong mặt bằng chung như vậy, tính mức bình quân thu nhập, tính thêm cả phúc lợi những ngày nghỉ thì mức lương hẳn không thể là lý do. Gần đây, một người bạn gửi tôi một phóng sự về các giáo viên bỏ nghề do mức thu nhập không đủ sống, cuối phóng sự là các chính sách tăng lương. Tôi chán nản với những thông điệp “tầm thường hóa” người dạy như vậy? Và hơn thế, nó che đậy những khó khăn thực sự hơn là khó khăn về kinh tế mà giáo viên đang gặp phải.

Một nền giáo dục hướng tới việc đề cao tính tự chủ của học sinh có nên bắt đầu từ tính tự chủ của ngươi giáo viên? Với trải nghiệm của tôi, đó mới là nơi bắt đầu của quá trình thay đổi giáo dục. Thay đổi về phương pháp, thay đổi về đời sống vật chất dù có làm bao lâu, bao nhiêu cũng không đủ. Tôi trong mỗi sáng trước khi đi dạy, đều tự nói với chính mình “Trước khi mình là một giáo viên, mình là một con người”.  Như Montessori đề cập về giáo viên, sự chuẩn bị tốt nhất cho giáo viên là sự thay đổi về “tinh thần”.

Và Giáo dục – như thường gọi nôm na theo nghĩa hẹp là quá trình dạy – học. Không có việc học thì cần gì việc dạy. Và không có dạy thì làm gì có học. Việc chuyển đổi người dạy hay người học là trung tâm thì không có nghĩa là Vai trò của người dạy trở thành bên lề, trở thành thứ yếu. Và câu hỏi “vai trò của tôi – người giáo viên ở đây để làm gì” không chỉ là một câu hỏi lớn, mang tính triết lý giáo dục, mà nó còn trở thành câu hỏi trong mỗi bài học cụ thể để triển khai được các kĩ thuật dạy học cụ thể hơn.

Cá nhân tôi, bao năm miệt mài giữa dạy và học, tôi xem công việc của mình như một cuộc giao tiếp. Một cuộc giao tiếp có thể có người chủ động bắt đầu trước nhưng không bên nào có thể xem mình hay người kia là trung tâm cả.

Xin được kết bằng một bài thơ tôi đã viết trong giai đoạn khủng hoảng ở trường học:

 

Va chạm

Năm ngoái chỉ như cơn gió

Phẩy tay “ôi dào”…

Tối nay sắc như một con dao

Những lời nói, những người kia

Vẫn thế

Chỉ có mình

Biến đổi

Những cơn trào ngược thực quản

Những giọt nước mắt

Không ngừng

Chảy như người bệnh máu không đông

Chảy mãi đến lúc không còn biết

Vì sao mình khóc

Chỉ thấy đau

Và mớ hỗn độn…

Những giọt nước mắt

Và trống rỗng

 

Va chạm

Người thông thái bảo

Ta sẽ mạnh mẽ hơn

Ta cần đứng

Cao hơn

Những người kia

Để làm gì?

Khi đêm về

Đối diện với chính mình

Những giọt nước mắt

Rơi

Rơi

Không ngừng

Không ngừng

Chảy như người bệnh máu không đông

Đứt quãng

Vô nghĩa

Không đáng

Những giọt nước mắt!

Như máu.

 

Nguyễn Thị Bích Thủy

>> Tìm hiểu thêm về những cuốn sách về Giáo dục & Học tập tại Book Hunter:

Lưu trữ Giáo dục – Học tập – Book Hunter Lyceum

Truyền thông và nâng cao dân trí

Truyền thông là con dao hai lưỡi, vừa có thể thao túng và nhào nặn tâm trí của chúng ta khiến chúng ta nhận thức thực tại một cách lệch lạc, nhưng cũng vừa mở cho chúng ta một nhãn quan mới, cung cấp cho chúng ta kiến thức mới… Từ xa xưa, giao tiếp trực tiếp giữa người với người trong một cộng đồng là phương thức truyền thông cơ bản và mang tính bản năng nhất. Từ phương thức giao tiếp xa xưa

Trường học là một nơi tồi tệ cho trẻ em?

Khi còn là một học sinh đi học ở hệ thống trường công lập, tôi chưa từng thấy mình yêu thích việc học. Khi là một giáo viên ở một trường tư thục – một môi trường giáo dục hiện đại tôi có những nghi ngờ, những băn khoăn với rất nhiều vấn đề giáo dục. Khi rời trường học, quan sát quá trình học tập mầm non, tiểu học của những người cháu trong gia đình, tôi thất vọng với cách mà những trường

Hệ tư tưởng cấp tiến về giáo dục tại gia: hành trình của John Holt từ phê phán trường học tới biện hộ cho giáo dục tại gia

Phong trào trường học tại gia hiện nay ở Hoa Kỳ nổi lên từ tình trạng bất ổn xã hội của những năm 1960 và 1970 và tiêu biểu cho sự bất mãn ngày càng tăng đối với tổ chức trường công lập của Hoa Kỳ và sự gia tăng nhu cầu về các lựa chọn giáo dục thay thế. Sự không hài lòng của phụ huynh đối với các trường học được thể hiện bằng nhiều hình thức, chẳng hạn như sự phản đối

Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục #3: Sự truyền thụ tri thức mang tính hệ thống

Tiếp theo của series bài Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục, Book Hunter xin được giới thiệu với các bạn những cuốn sách cung cấp các nghiên cứu và phương pháp giáo dục khi việc học được hệ thống hóa. Đây là những cuốn sách đã được xuất bản tại Việt Nam và được Book Hunter đưa tới sự kiện TƯƠNG GIAO #1: NHỮNG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC TRONG LỊCH SỬ vào 9/9/2023.  Do sự hình thành cấu trúc xã hội và

Book Hunter

06/11/2023

Chat với AI (2): Kết hợp Aristotle & Osho để hướng đến mô hình giáo dục hoàn hảo

Tiếp theo chuỗi Chat với AI, Book Hunter thực hiện một cuộc hỏi đáp kỳ thú về quan điểm giáo dục của Aristotle và Osho. Trong nhiều bài nói chuyện, Osho đưa ra nhiều chỉ trích quan điểm giáo dục và công cụ tư duy của Aristotle, điều này dẫn đến nhiều tín đồ của Osho lên tiếng phê bình gay gắt quan điểm của Aristotle. ChatGPT đã đưa ra những kiến giải xuất sắc về sự khác biệt cũng như đồng thuận trong quan

Book Hunter

05/02/2023