Home Đọc Erich Fromm và sứ mệnh tâm phân học như “y sĩ của linh hồn”

Erich Fromm và sứ mệnh tâm phân học như “y sĩ của linh hồn”

Tâm phân học (psychoanalysis, thường được dịch là phân tâm học) trong những năm qua đặc biệt được ưa chuộng tại Việt Nam. Lúc đầu, các nhà phê bình văn học thường sử dụng tâm phân học như một con dao mổ sắc nhọn để hé lộ cõi giới của các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… Khi tâm phân học lan ra đại chúng độc giả Việt, con dao mổ ấy được sử dụng để phanh phui các chứng bệnh xã hội với những động cơ cả tốt cả xấu. Khi sử dụng tâm phân học như con dao mổ, người ta ít khi bận tâm đến những di chứng để lại sau cơn đại phẫu tinh thần ấy. Liệu mọi thứ có thực sự trở nên tốt hơn, hay sau cuộc đại phẫu Frankenstein vẫn cứ là Frankenstein? Những gì tâm phân học đang tác động tới Việt Nam hiện nay và cơn hưng phấn của độc giả Việt với tâm phân học có lẽ không khác thế giới Âu Mỹ những năm đầu thế kỷ 20: đại đa số vẫn sử dụng tâm phân học nói riêng cũng như tâm lý học nói chung như những con dao mổ sắc nhọn khoét sâu vào các tổn thương, phơi bày chúng với hi vọng lấp liếm chúng bằng vẻ ngoài “hòa nhập xã hội” một cách tinh vi hơn, hoặc phơi bày tới mức bệnh hoạn do tổn thương tâm lý trở thành một thứ quyền cần được tôn trọng chỉ bởi vì không thể chữa lành nó.

Trong mong ước chữa lành tổn thương, mỗi nhà tâm phân học lại có một cách thức khác nhau để thấu hiểu, đi sâu vào thế giới tâm trí của người bệnh, và gợi nên những giải pháp trị liệu: Freud chạm vào ám ảnh dục, Jung chạm tới vô thức tập thể, Roberto Assagiolie chạm vào các cơn khủng hoảng tâm linh…còn Erich Fromm đi sâu vào những suy niệm đạo đức của con người. Khác với Freud và Jung, Erich Fromm có một sự trăn trở lớn với các lựa chọn đạo đức, đặc biệt là đạo đức xã hội, và điều ấy khiến Fromm gần với một triết gia nhân văn hơn là một nhà tâm phân học. Nói một cách khác, điều Fromm mong muốn nhất có lẽ không phải trị bệnh cho những cá thể bệnh nhân, mà ông mong muốn trị liệu cho toàn bộ xã hội – một tập hợp những con người thiếu trưởng thành, khiếm khuyết về nhận thức, tiếp tục nuôi dưỡng tâm thức tôn sùng (tôn giáo) dưới mọi hình thức…nhưng lại luôn muốn đồng hóa mọi dị biệt. Do đó, Fromm phê phán sự điều trị của các nhà tâm lý học không thực sự chữa lành những tổn thương trong tâm hồn và hướng con người tới đời sống tốt hơn mà chỉ dừng ở nỗ lực giúp người bệnh thích nghi với một xã hội vốn dĩ đã mắc chứng thần kinh loạn. Fromm đưa ra tuyên ngôn hành động cho nhà tâm phân học trong cuốn sách “Tâm phân học và tôn giáo” (Tên tiếng Anh: “Psychoanalysis and Religion”, Thích Nữ Trí Hải dịch, Khai Tâm & NXB Đà Nẵng, 2023) như sau:

“Chúng ta thấy rằng thật không dễ đoán định cái gì gọi là bệnh hoạn và cái gì được xem là sự chữa trị. Giải pháp tùy thuộc vào những gì người ta cho là mục đích của tâm phân học. Chúng ta thấy rằng theo một quan điểm, sự thích nghi là mục đích của phép chữa trị bằng tâm phân. Thích nghi là khả năng một con người hành động như đa số người thuộc cùng một văn hóa với y. Trong quan điểm này những mẫu mực xử thế mà xã hội và nền văn hóa chấp nhận sẽ cung cấp tiêu chuẩn cho sự lành mạnh tinh thần. Những tiêu chuẩn này không được xét đoán phên phán từ cương vị những quy luật nhân văn phổ quát mà đúng hơn chúng biểu thị một luật tương đối có tính cách xã hội xem “lẽ phải” của tập thể như điều tất nhiên và xem mọi hành vi vượt ngoài những tiêu chuẩn ấy như sai lạc, và cho đó là bệnh hoạn. Một khoa trị liệu không nhằm mục đích nào khác ngoài sự thích nghi xã hội, chỉ có thể giảm thiểu sự đau khổ trung bình tiềm ẩn trong khi khuôn rập theo những mẫu mực ấy.

Trong quan điểm thứ hai mục đích sự chữa trị không phải cốt ở thích nghi mà cốt phát triển tốt đẹp nhất những tiềm năng của một con người và thực hiện cá tính y. Ở đây nhà tâm phân học không phải là một cố vấn thích nghi mà là, dùng từ ngữ của Platon, một y sĩ của linh hồn. Quan điểm này đặt căn bản trên tiền đề rằng có những luật tắc bất di dịch nội tại trong bản tính con người và hoạt động của y, những luật tắc điều hành trong mọi nền văn hóa. Những luật này không thể bị vi phạm mà không phương hại trầm trọng đến nhân cách. Nếu một người nào vi phạm sự nguyên vẹn tri thức và tâm hồn mình, toàn thể nhân cách y sẽ bị suy yếu hay què quặt. Y sẽ cảm thấy bất hạnh và đau khổ. Nếu lối sống của y được nền văn hóa y chấp nhận, thì sự khổ đau có thể không được ý thức hoặc chỉ được cảm nhận như là liên can đến những sự việc hoàn toàn tách biệt với vấn đề thực thụ của y. Nhưng dù nghĩ thế nào đi nữa, vấn đề sự lành mạnh tâm hồn cũng không thể tách rời khỏi vấn đề nhân văn căn bản, nghĩa là vấn đề hoàn thành những mục tiêu của đời người: tự chủ, nguyên tính và khả năng yêu thương.” (Trang 121,122)

 

Trong xã hội thần kinh loạn tôn sùng thần tượng

Trước khi xuất hiện các nhà tâm lý học, các giáo sĩ, thầy tu, bậc thầy tâm linh, ngôn sứ, tư tế, triết gia… chính là những y sĩ cho linh hồn đầu tiên. Bằng nhận thức, kinh nghiệm và kiến thức của mình, họ tìm cách đưa con người tới một đời sống tốt hơn, hạnh phúc hơn…nhưng sau cùng, tất cả vẫn không thể đưa con người thoát khỏi tâm thức tôn sùng, tâm thức cốt lõi khiến con người tạo nên không chỉ có tôn giáo mà còn cả các định chế văn hóa, chính trị, các thần tượng, những độc tài… là thứ khiến các cơn điên tập thể bỗng trở thành điều bình thường cho đến khi con người chợt tỉnh ngộ. Mặc dù tên cuốn sách là “Tâm phân học và tôn giáo”, nhưng mục tiêu thực sự của Fromm hướng tới chính là biểu lộ tâm thức tôn sùng của con người và hệ quả của tâm thức ấy đối với lịch sử loài người. Ông nhận diện tâm thức ấy như một chứng bệnh trầm kha hình thành do tâm trí thiếu trưởng thành của loài người – thứ tâm thức lệch lạc và khó kiểm soát, mà khi ai đó cố “chữa trị” cho bệnh nhân tâm thần khó thích nghi lại vô tình đẩy họ vào căn bệnh tập thể thông qua quá trình thích nghi.

Khi định nghĩa về tôn giáo, Fromm đã mở rộng nội hàm của khái niệm này, không chỉ giới hạn trong các giáo đường và thầy tu mà là “bất cứ tư tưởng hệ hay hành vi nào được chia sẻ bởi một nhóm người, đem lại cho cá nhân một khuôn khổ định hướng và một đối tượng tôn sùng”(trang 46). “Tôn giáo” cũng giống như “tình yêu”, vốn dĩ rất khó định nghĩa, không phải bởi vì quá khó hiểu, mà bởi mỗi cá nhân với nhận thức khác nhau lại hiểu về những từ này theo các cách khác nhau và chứa đựng những nội hàm khác nhau. Sự tranh luận đúng sai, rộng hẹp của nội hàm trở nên vô nghĩa, bởi vì hình thái thực tế của chúng cũng vô cùng đa dạng tới mức khó có thể gạt bỏ các thực tế khác nhau để bảo toàn một định nghĩa duy nhất. Do đó, khi đọc tác phẩm của một tác giả, nhất là khi tác giả ấy đã đưa ra giới hạn nội hàm của riêng mình, thì ta cần gác lại những suy diễn về nội hàm của từ ấy trong chính ta để chấp nhận nội hàm mà tác giả đưa ra. Và ở đây, Fromm chỉ rõ ba yếu tố của nội hàm tôn giáo trong quan niệm của mình:

  • Tư tưởng hệ hoặc hành vi
  • Khuôn khổ định hướng
  • Đối tượng tôn sùng

Mà trong đó sự tôn sùng và đối tượng tôn sùng là trọng yếu còn tư tưởng hệ hoặc hành vi và khuôn khổ định hướng là biểu hiện của sự tôn sùng ấy. Fromm viết:

“Không có một người nào là không có một nhu cầu tín ngưỡng, một nhu cầu muốn có một khuôn khổ định hướng và một đối tượng tôn sùng, nhưng lời nói này không cho ta biết tí gì về cảnh diện đặc biệt trong ấy nhu cầu tôn giáo đó được biểu lộ. Con người có thể tôn thờ súc vật, cây cối, thần tượng bằng vàng hay đá, một thượng đến vô hình, một con người thánh thiện hay những lãnh tụ quỷ mị, con người có thể thờ phụng tổ tiên, tổ quốc, giai cấp hay đảng phái của mình, tiền bạc hay sự thành công. Tôn giáo của nó có thể giúp phát triển hay phá hoại tình yêu, giúp phát triển sự chuyên chế hay tình huynh đệ, có thể tăng trưởng năng lực lý trí con người hay làm tê liệt lý trí. Con người có thể ý thức về hệ thống của mình như một hệ tôn giáo, khác hẳn tát cả những hệ thống thuộc lãnh vực thế tục, hay cũng có thể nghĩ rằng mình không có tôn giáo nào cả và giải thích sự sùng kính của nó đối với một vài mục đích được xem là thế tục như quyền lực, tiền tài hay sự thành công, là không gì cả , nhưng là mối quan tâm của nó đối với thực tế và lợi ích. Vấn đề không phải là tôn giáo hay không tôn giáo mà là loại tín ngưỡng nào: đấy có phải là một loại tín ngưỡng đem lại sự phát triển con người, mở mang những năng lực đặc biệt người của nó hay một tín ngưỡng làm tê liệt những năng lực ấy.” (trang 53)

Theo Fromm, Freud là nhà tâm phân học đầu tiên coi hiện tượng tôn sùng của tôn giáo như một chứng thần kinh loạn. Tuy nhiên, Fromm đề xuất chiều hướng tư duy ngược lại. Ông gọi đó là “một hình thức riêng tư của tôn giáo, đặc biệt hơn, là một sự lùi về những hình thức nguyên sơ của tôn giáo, xung đột với những mẫu tư tưởng tôn giáo đã được chính thưc ông nhận”. Đồng thời, Fromm cũng bổ sung chiều hướng nhận định khác về thần kinh loạn: Ở chiều hướng thông thường là những triệu chứng loạn thần kinh ở người bệnh khiến họ khó khăn trong hòa hợp với cuộc sống. Nhưng ở chiều hướng khác là sự thất bại trong trưởng thành để trở thành một cá nhân tự lập, sáng tạo, yêu thương, suy tưởng. Sự thất bại trưởng thành này không phải là điều gì đó bệnh hoạn nếu so với cộng đồng người dễ dàng hài lòng với sở hữu tài sản, ăn uống  ngủ nghỉ, tình dục và truyền giống; mà đó là tình trạng khuyết thiếu và tâm trí cần một đối tượng để tôn sùng, bù lấp cho khuyết thiếu ấy.  Chính từ sự tôn sùng ấy, nên con người tự tạo ra những quy tắc tư tưởng và hành xử, dạng thức biểu hiện rõ nhất là các nghi thức và đạo đức để thúc đẩy con người tới hạnh phúc mai hậu. Đây chính là căn nguyên của những giáo lý và các nghi lễ tôn giáo ở các hình thức khác nhau, dù là thờ thần, thờ Chúa, thờ tổ tiên, lý tưởng, hay tôn sùng sự thành công, tiền bạc, quyền lực…

Là chuyên gia trong bệnh viên tâm thần hay trở thành y sĩ của linh hồn

Edgar Allan Poe, nhà văn thuộc trường phái Lãng Mạn U Ám (dark romanticism) có viết một truyện ngắn thế này: Có một bệnh viện tâm thần ở miền Nam nước Pháp nổi tiếng với một phương pháp trị liệu được gọi là “hệ thống xoa dịu”, tuy nhiên, liệu pháp này đã bị loại bỏ để thay thế bằng hệ thống mới do quý ngài Maillard – giám đốc bệnh viện thiết lập dựa trên phương pháp của “Bác sĩ Tarr” và “Giáo sư Fether”. Vốn dĩ, trước đây hệ thống xoa dịu đã cho phép những bệnh nhân tâm thần di chuyển tự do trong bệnh viện. Những bệnh nhân này đã lập mưu “lật đổ” bác sĩ và những nhân viên y tế, nhốt họ vào trong phòng. Gia đình của các bệnh nhân đều sở hữu gia sản kếch xù và sở hữu bệnh viện, các bệnh nhân lợi dụng lợi thế này để không cho phép khách ngoài đến thăm và tiếm quyền như những chuyên gia trong bệnh viện. Khi nhân vật người kể chuyện đang viếng thăm bệnh viện và trò chuyện với quý ngài Maillard thì một nhóm người phủ đầy nhựa đường và lông vũ xông vào (như những kẻ tâm thần ở vẻ ngoài). Theo lời kể, họ chính là những bác sĩ và nhân viên y tế bị tiếm quyền, bị nhốt như những bệnh nhân tâm thần, và giờ đã giành lại được quyền của mình. Kết thúc của truyện tựa như có hậu nhưng cũng lấp lửng câu hỏi nghi vấn: rốt cuộc bác sĩ và bệnh nhân, ai mới là ai?

Những nghi vấn dấy lên trong truyện ngắn này của Edgar Allan Poe được Erich Fromm giải đáp. Thực tế là, trong một xã hội thần kinh loạn tìm kiếm sự tôn sùng, thì sự trị liệu với mục tiêu giúp bệnh nhân thích nghi và hòa nhập với cuộc sống không bao giờ là giải pháp tốt. Thay vì đó, con đường của một nhà tâm phân học có phần nào đó gần gũi với các giáo sĩ, các triết gia, các bậc thầy: y sĩ của linh hồn.

Tôn giáo có hai chiều hướng: Một là thứ tôn giáo thần quyền – loại tôn giáo sặc mùi tôn sùng chiêm bái, lợi dụng tâm thức chưa trưởng thành của loài người. Hai là tôn giáo nhân bảo – loại tôn giáo nâng đỡ tâm hồn con người hướng tới sự tự chủ hơn, hạnh phúc hơn, trí tuệ hơn. Đương nhiên, con người thường dễ dàng bị sa trở lại tôn giáo thần quyền, bởi não trạng “hợp lý hóa” mọi điều bất thường. Con đường của tâm phân học, theo Fromm, gần với tôn giáo nhân bản, nhưng điểm khác biệt nằm ở chỗ, tâm phân học sử dụng các phương pháp khoa học còn liệu pháp của tôn giáo đến từ kinh nghiệm tinh thần của những nhà sáng lập hoặc các bậc tu hành. Tuy cùng mục đích, khác nhau về cách thức nhưng giữa tôn giáo nhân bản và tâm phân học không có sự đối nghịch, và rõ ràng tâm phân học không phải là mối đe dọa, thậm chí còn mang tính bổ trợ. Mối đe dọa thực sự cho sự phát triển tinh thần của con người chính là “những thực hành thông dụng nhất trong đời sống hàng ngày.” Fromm cảnh báo về mối nguy ấy như sau:

“Ở đây con người đã thôi tìm kiếm trong chính mình cái mục đích tối thượng của sự sống, và y đã tự biến mình thành một công cụ phục vụ cho bộ máy kinh tế do chính bàn tay y dựng lên. Y quan tâm đến hiệu năng thành công hơn là đến hạnh phúc và sự trưởng thành của tâm hồn. Đặc biệt hơn, chiều hướng nguy hại đến thái độ tôn giáo nhất chính là cái mà tôi đã gọi là chiều hướng ‘thị trường’ của con người.

Chỉ trong thời đại ngày nay, chiều hướng thị trường mới thiết lập vai trò chính yếu của nó như một mẫu cá tính. Trong thị trường nhân cách, xuất hiện đủ mọi nghề nghiệp, công việc, và địa vị. Chủ, người làm công, và lao động tự do – mỗi người muốn thành công về vật chất đều phải tùy thuộc vào sự chấp nhận của đích thân người sẽ sử dụng công việc y.

Ở đây, cũng như trong thị trường hàng hóa, giá trị sử dụng không đủ để định đoạt giá trị đổi chác. ‘Yếu tố nhân cách’ vượt trên tài khéo trong sự định giá thị trường và rất thường đóng vai trò quyết định. Trong khi quả thật là nhân cách quyến rũ nhất không thể bù lại cho một sự hoàn toàn thiếu tài khéo – thật vậy, hệ thống kinh tế của ta không thể vận hành trên một căn bản như thế – thì lại rất hiếm trường hợp mà chỉ có tài khéo và sự thành thật là đủ đem lại thành công. Những công thức của sự thành công được biểu hiện trong những điều kiện như ‘tự bán mình’, ‘để nhân cách mình qua lọt’, và ‘sự lành mạnh’, ‘tham vọng’, ‘vui vẻ’, ‘hiếu chiến’…, tất cả những từ ngữ ấy đều được đóng dấu trên gói hàng nhân cách được chiếm giải. Những khía cạnh khó nắm bắt tương tự khác, như bối cảnh gia đình, hội hè, những mối liên lạc, và ảnh hưởng cũng là những điều ưa muốn quan trọng và sẽ được quảng cáo, dù một cách tinh tế như là những yếu tố căn bản làm nên món hàng được giới thiệu.” (Trang 160,161,162)

Đây là thực tế tồi tệ cho linh hồn con người hơn cả những gì các tôn giáo sơ cổ với tâm thức ngây thơ của con người đã tạo ra. Linh hồn con người không còn khát khao được chữa lành mà nó bị vùi lấp đằng sau ham muốn “thích nghi với thị trường nhân cách” với các đức tính như “tham vọng, nhạy cảm, thích ứng với đòi hỏi của kẻ khác”. Sự chữa lành được thay thế bằng các hình thức giải trí khác nhau mà ở thời đại của Fromm là tiểu thuyết thịnh hành, báo chí, phim ảnh còn ở thời đại của chúng ta là các mẩu hài vui hay các cuộc khẩu chiến vô nghĩa trên mạng xã hội. Tất cả chỉ là hệ thống xoa dịu trong bệnh viện tâm thần mà Poe kể. Và tình trạng loạn thần kinh trở nên lan rộng hơn, nhiều sắc thái hơn, hướng tới các đối tượng tôn sùng tầm phào hơn như các siêu sao, những kẻ độc tài, những cỗ máy. Câu hỏi tu từ cuối cùng của Fromm đặt ra trong cuốn sách:

“Phải chăng chính là lúc ta nên thôi bàn cãi về Thượng Đế và thay vì đó, nên hợp quần để lột trần những hình thức tôn sùng thần tượng đương thời hay sao? Ngày  nay không phải là Baal hay Astarte (NV: những vị thần cổ của người Do Thái bị Kito giáo coi là ma quỷ) mà chính là sự thần thánh hóa quốc gia và uy quyền trong những xứ độc tài, và là sự thần thánh hóa máy móc và thành công trong nền văn hóa chúng ta; chính những thứ ấy đang đe dọa những sở hữu tinh thần quý báu nhất của con người.” (Trang 189)

Hà Thủy Nguyên

ĐỌC SÁCH TÔN GIÁO TÂM LINH – NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý

Chưa bao giờ người đọc sách tôn giáo tâm linh lại nhiều như hiện nay. Những cuốn sách ấy, thậm chí có thể xếp vào hàng Best Seller và mang lại lợi nhuận không ít cho các nhà xuất bản. Tuy nhiên, đọc nhiều sách tâm linh cũng giống như luyện nhiều pho võ công mà không luyện đến nơi đến chốn, có khả năng dẫn đến tẩu hỏa nhập ma. Tôi đọc các loại sách tôn giáo tâm linh từ hồi 10 tuổi, không

Khảo lược tiến trình chuyển đổi nhận thức Tôn giáo

Tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Tôn giáo có thể cứu rỗi con người nhưng đồng thời cũng đẩy con người vào bi kịch. Tôn giáo được ra đời như thế nào, từ bao giờ, và tại sao con người lại có các nhận thức tôn giáo, cho đến giờ vẫn chưa có câu trả lời. Thế nhưng, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng, các giáo lý của tôn giáo thay đổi trong từng

Sách “Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận” do Peter Connolly chủ biên – một giáo trình quan trọng

“Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận” do Peter Connolly chủ biên là một trong những cuốn sách quan trọng trong lĩnh vực tôn giáo học, đóng vai trò như một “giáo trình căn bản” có thể giúp các sinh viên hoặc những người bước đầu nghiên cứu tôn giáo. Sách là một tập hợp các hướng tiếp cận tôn giáo học từ cổ điển tới hiện đại được giới thiệu bởi các chuyên gia nghiên cứu tôn giáo tại các trường đại học

Isak Dinesen – Người đàn bà mỉm cười trong tòa tự sự Gothic

Trong sảnh đường, một người đàn bà cao gầy thả bước, ngẩng đầu ngắm nhìn những mái vòm uốn lượn điêu khắc tinh xảo kỳ quái. Ánh nắng xuyên qua họa tiết kính màu, thả một thực tại biến ảo lung linh trên nền tối tăm cổ kính. Người đàn bà rơi vào thực tại biến ảo ấy, dòng thời gian theo nắng trôi đi, sống dậy dải ký ức mơ hồ được kết lại thoắt ẩn thoắt hiện tựa bóng nắng hắt trên sàn

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (6): TÌNH YÊU THƯỢNG ĐẾ

Ở trên chúng ta đã khẳng định, chúng ta theo đuổi tình yêu bởi chúng ta thấy được khoảng cách giữa con người với con người, bởi vậy chúng ta muốn xóa đi khoảng cách này bằng sự gắn kết giữa người với người. Hình thức của tình yêu tôn giáo, tình yêu đối với Thượng đế nhìn từ góc độ tâm lý học không có gì khác, cũng xuất phát từ việc xóa bỏ khoảng cách này, theo đuổi sự thống nhất. Trên thực

Vũ Văn Duy

14/07/2018