>> Đọc đầy đủ chùm bài: Thần thoại La Mã Archives – Book Hunter
Khi đọc thần thoại Hy Lạp, hẳn không ít bạn lăn tăn về nguồn gốc của các vị thần và những thoại bản đầy kịch tính xoay quanh mối quan hệ của họ. Có rất nhiều tranh cãi, nhưng một trong các giả thuyết được đưa ra mà tôi cảm thấy khá thuyết phục, đó là những vị thần có thể là những vị anh hùng có thật trong cộng đồng cổ đại, dần dần được thần thánh hóa và tôn thờ, giống như Phục Hy – Thần Nông – Hoàng Đế… trong thần thoại Trung Quốc.
Thần thoại La Mã dường như không có các yếu tố này, mà tồn tại nhiều vị tiểu thần (chính xác hơn, là những hồn ma) gắn liền với các hoạt động đồng cốt đã tồn tại sẵn trong cộng đồng người Sabine.
Có nhiều giả thuyết xoay quanh nguồn gốc của Sabine, nhưng đa phần các giả thuyết đều cho biết rằng Sabine có gốc tích từ một nhóm Lacedaemonians đào tẩu khỏi Sparta vì không đồng tính với luật lệ bị coi là “hà khắc” của vị vua Sparta nổi tiếng vì tiết kiệm và đề cao tính bình đẳng trong cộng đồng công dân. Giả thuyết này được đề cập sớm nhất trong tác phẩm của sử gia Dionysius, cũng trong tác phẩm này, phẩm tính hung hăng hiếu chiếu và tiết kiệm của người Sabine được cho là giống với tính cách của dân Sparta (22). Plutarch củng cố thêm cho nhận định này của sử gia Dionysius bằng lời khẳng định trong cuốn sử về vua Numa Pompilius: “Người Sabine tuyên bố mình là thuộc địa của Lacedaemonians” và Pythagoras của Sparta đã giúp Numa sắp xếp chính quyền Rome cũng như kiến tạo nhiều phong tục của người Sparta (có lẽ là cả đời sống tín ngưỡng, bởi vì Pythagoras không phải chỉ là một nhà triết học, ông ta còn là một giáo chủ).
Trước Numa, không có tài liệu ghi chép những hoạt động triệu hồi hồn ma của người Sparta hay người Sabine; thậm chí ngay trong triều đại của bố vợ Numa – vua Titus Tatius, người cai trị dân Sabine khi Romulus xua quân sang cưỡng hiếp, cũng không để lại bất cứ dấu vết nào của thuật triệu hồn. Nhưng câu chuyện triệu hồi ma quỷ và sử dụng ma quỷ để thiết lập quyền lực của vương triều của Numa lại li kỳ và chi tiết không kém những mẩu chuyện triệu hồi quỷ của Solomon.
Trong bài viết về sự du nhập của các vị thần Sabines vào thần thoại La Mã, tôi đã đề cập sơ lược về vua Numa trong mối quan hệ với Egeria – nữ thần nhỏ trong giáo đoàn của Diana. Xin nhắc lại đôi chút về Egeria, Numa thường xuyên triệu hồi Egeria để tham vấn về đường đi nước bước cai trị quốc gia, mà cụ thể là luật pháp và nghi lễ tôn giáo. Nhưng mối quan hệ của Egeria với Numa không dừng lại ở vai trò của một vị thần đưa tin. Huyền thoại của người La Mã cho biết rằng Egeria và Numa có mối quan hệ thân mật ngang mức bạn tình, và khi Numa qua đời vào năm 673 trước Công nguyên thì Egeria cũng tan tành rồi biến thành một con suối ở Porta Capena – trung tâm đời sống tôn giáo của người La Mã cổ đại. Mối quan hệ của Egeria đặt ra nhiều nghi vấn: Liệu Egeria có thực sự là một nữ thần hay thực ra là một nữ tư tế của Diana đã tham gia thiết lập thể chế thần quyền của Numa, giống như Pythagoras? Hay Egeria là linh hồn của dòng suối ở Porta Capena được Numa triệu hồi như một nghi lễ mang tính hợp thức hóa các thiết lập tôn giáo và pháp luật của vị vua này trong cộng đồng người dân cổ đại vốn kính sợ thần thánh? Dù là gì đi chăng nữa, mối giao kết của Numa với Egeria cũng đã mở ra một thế giới thần thoại khác biệt gần như hoàn toàn so với thần thoại Hy Lạp trước đó.
Không chỉ giao kết với Egeria mà Numa còn giao ước với các loài ma quỷ khác mà có lẽ người La Mã ngưỡng vọng họ gọi bằng “tiểu thần”. Trong huyền thoại của người La Mã, Numa đã triệu hồi hai tiểu thần Picus và Faunus để đưa ra các điềm báo tiên tri về tương lai.
Picus là vị vua đầu tiên của vùng Latium, tương truyền là con trai của thần Saturn – một vị thần phân bón của người Sabine. Ông nổi tiếng với các kỹ năng cưỡi ngựa và làm tình mãnh liệt (không rõ kỹ năng này giúp ích gì cho tiên tri). Picus được miêu tả là khá đẹp trai và được các thiếu nữ săn đón. Phù thủy Circe đã cố gắng dẫn dụ Picus bằng bùa và thảo dược nhưng đã bị anh chàng từ chối một cách thẳng thừng. Uất hận, Circe đã biến Picus thành một con chim gõ kiến vì khinh bỉ tình yêu của bà ta. Đồng đội của Picus đã lên án Circe thả Picus, Circe tức giận biến họ thành quái thú. Vợ của Picus là Canens, một nymph – con gái của Janus và một nữ thần biển, đã lang thang trong cơn điên loạn giữa rừng già suốt 6 ngày đêm cho đến lúc nàng gục xuống bên bờ sông Tiber và qua đời. Họ có một con trai là Faunus (mà Numa cũng thực hiện phép triệu hồi). Picus được Numa triệu hồi để tiên tri có thể được giải mã theo cách rằng Numa đã nhìn hành vi của chim gõ kiến để đoán biết tương lai và giải thích chúng với người dân của mình rằng đó là điềm báo từ vị vua tổ tiên mà họ vẫn kính ngưỡng.
Faunus, con trai của Picus cũng là vị tiểu thần được Numa triệu hồi để đưa ra điềm báo, và với danh phận này, Faunus chắc hẳn là một vị vua huyền thoại của người Latin giống như Vigil đề cập đến trong sử thi Aeneid. Bằng cách nào đó, Faunus đã bị đồng nhất với thần Pan – một vị satyr với chân dê, thân người, đầu sừng trong thần thoại Hy Lạp; và cũng được gắn với chức năng mục đồng mang lại sự béo tốt cho gia súc và sự màu mỡ của các đồng cỏ. Người La Mã cổ đại coi Faunus như một vị thần mách bảo, thường xuyên xuất hiện trong các giấc mơ của những người đến ngủ trên tấm da cừu bị hiến tế. Dù thường xuyên được đồng nhất với thần Pan, nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ trực tiếp ngoài hình dạng chân dê, thân người, đầu sừng đặc trưng của giống loài satyr mang đậm màu sắc huyền thoại. Sự tương đồng này chỉ cho thấy rằng tín ngưỡng liên quan đến satyr đã tồn tại ở Latin và sau này là nhà nước La Mã cổ đại, gắn liền với thuật triệu hồi và tiên tri.
Đến đây, có lẽ chúng ta nên dừng đôi chút ở satyr để hiểu hơn về chủng loài này (Một bài kỹ lưỡng hơn có lẽ sẽ được viết trong tương lai khi tôi giải mã thần thoại Hy Lạp). Chủng loài lai giữa người và dê (hoặc cừu, bò… – các động vật có sừng) khá phổ biến trong thần thoại của sắc dân Ấn Âu, có độ ảnh hưởng toàn bộ châu Âu, châu Phi, Trung Đông, thậm chí là Ấn Độ, mà trong đó “satyr” cũng chỉ là một cách gọi. Kito giáo thường mô tả các vị thần có sừng như quỷ dữ bởi loài tinh linh này sở hữu bản tính dâm dục, thích chọc ghẹo, lừa lọc… Nhiều người còn cho rằng khái niệm “satyr” có liên đới tới “satan” và thể hiện satan dưới hình dạng thần dê Bephomet. Sự dâm dục mà nguyên bản hơn có lẽ là hoạt động tính giao phóng túng của người du mục, hoặc nghi lễ phồn thực tại các vùng quê thôn dã mà cừu – dê – bò là vật nuôi phổ biến, đã đi ngược lại các lề luật xã hội của Kito giáo, từ đó khiến cho các satyr mang hình hài của quỷ dữ. Nhưng ở trong tâm thức của thần thoại La Mã, satyr Faunus và các vị thần dê là vị thần mách bảo thân thiện mà trong đó bản tính dâm dục không có gì là xấu xa. Sự triệu hồi Faunus của Numa và vai trò của vị thần này cho thấy rằng dưới triều đại Numa, các nghi lễ tính giao và đời sống dâm dục vẫn phổ biến tại xã hội La Mã.
Tín ngưỡng thờ gia thần cũng phổ biến trong xã hội La Mã (trong các mô tả tín ngưỡng Hy Lạp thông qua thần thoại không đề cập đến thờ gia thần).
Người La Mã gọi các gia thần là Lares (ở dạng số ít là Lar), đôi khi còn được gọi là genius (có nguồn gốc từ khái niệm jinn trong thần thoại các tộc ở khu vực Trung Đông). Lar là dạng thần hộ mệnh, có thể là linh hồn các anh hùng, linh hồn tổ tiên, linh hồn bảo vệ hoa trái, lò sưởi, cánh đồng, ranh giới… Tượng của các Lares được đặt trên bàn trong bữa ăn gia đình và xuất hiện thường xuyên trong các sự kiện quan trọng của gia đình (tương tự với gia tiên, thổ địa, thần tài, táo quân… trong tín ngưỡng của người Việt). Các Lares cũng xuất hiện trong các đền thờ hoặc ngã tư đường để phù hộ độ trì cho người dân. Tín ngưỡng tồn tại trong tâm thức của người dân này có lẽ là cội nguồn của thuật triệu hồi mà vua Numa thực hiện trong giai đoạn trị vì của ông ta, và nó ăn sâu tới mức đến tận thế kỷ thứ V sau công nguyên, khi quyền lực của các vị thần tối cao của La Mã đã bị thay thế hoàn toàn bởi Công giáo, vẫn tiếp tục được bảo tồn bởi người dân thường. Ở một khía cạnh nào đó, Picus và Faunus có thể được coi là những Lares trong tâm tưởng của người La Mã cổ đại, mà trước đó là của các sắc tộc Latin. Khái niệm “Lar” có gốc từ ngôn ngữ Etruscan “larth”, mà sau này trong tiếng Anh được viết là “lord”, với ý nghĩa là Chúa Tể. Do đó, Romulus hay Aeneas và nhiều vị vua khác của La Mã đều có thể là các lares.
Romulus là một vị Lar được tôn thờ với những nghi lễ rất kỳ quái và khó hiểu mà khi đọc tôi băn khoăn về thái độ của người La Mã với vị anh hùng này. Khi Romulus thống nhất các làng của người Latin để hợp nhất thành Roma và tổ chức các cuộc hiếp dâm phụ nữ Sabine, ông đã trở thành biểu tượng của chiến tranh đối nghịch với vua Numa đại diện cho hòa bình (người kế vị ông và là một quý tộc Sabine mà có lẽ chẳng mấy ưa Romulus). Numa được bầu làm vua Roma bởi hội đồng đã ám sát và xé xác Romulus nhân danh thần Mars rồi chôn xác vị vua của chiến tranh rải rác tại nhiều điểm. Một mặt, người La Mã đồng nhất Romulus với vị thần chiến tranh và mùa màng có gốc từ Sabine Quirinus (một số thuyết cho rằng vị thần chiến tranh này là hiện thân của Mars hoặc Janus) và tôn vinh ở đồi Capitol tại trung tâm của Rome, một mặt thường xuyên thực hiện nghi lễ như thể ăn mừng cái chết của Romulus trong lễ hội Fordicidia. Trong ngày cuối cùng của lễ hội Fordicidia có tên là Quirinalia tương ứng với ngày mất của Romulus theo huyền thoại, người La Mã nâng ly chúc tụng nữ thần Fornax – vị thần lò lửa. Theo Plutarch trong “Life of Romulus”, thân xác của Romulus bị chia thành từng miếng để các quý tộc mang về chôn trong đất của mình được đồng nhất với thần Quirinalia trong lễ hiến sinh cho sự phồn thịnh của các gia tộc. Nghi lễ hiến sinh với nghi thức xé xác này cũng được ghi dấu trong tín ngưỡng thờ thần rượu nho Dionysus. Thông qua giết một con vật được coi là thần Dionysus rồi xé xác thành từng mảnh, người ta cho rằng có thể đạt được sự may mắn và phồn vinh.
Biểu tượng của Romulus và người anh em song sinh của ông – Remus – cũng trở thành nền tảng cho sự sùng tín Song Tử (Gemini) của người La Mã. Chòm sao Song Tử gắn liền với huyền thoại về Castor và Pollux, hai người con trai của Leda được sinh ra do sự phối ngẫu với Zeus và vua Tyndareus xứ Sparta. Khi Castor – con của người phàm chết, Pollux – con của Zeus – đã cầu xin cha mình ban cho Castor sự bất tử bằng cách hợp nhất họ với nhau trên thiên đường. Như chúng ta đã biết, những người Sabine có gốc tích từ xứ Sparta và có thể họ đã lẫn lộn các chiến tích của cặp anh em sinh đôi Romulus và Remus với Castor và Pollux. Người La Mã kể rằng Castor và Pollux đã từng đến La Mã và đánh bại người người đứng đầu La Mã, tương đồng với Romulus và Remus đánh bại những vị vua đứng đầu các làng Latin (23), rồi sau đó cũng thực hiện vụ cưỡng hiếp những người con gái của Leucippus xứ Messnia. Tuy nhiên, bởi vì cả Romulus và Remus đều không phải con trai của Zeus, nên khi Remus chết thì Romulus không thể đem lại sự bất tử cho người anh em và bản thân ông cũng bị xé xác vì sự thù hận và lợi ích chính trị của các quý tộc Latin.
Từ tín ngưỡng thờ các vị gia thần hộ mệnh, kết hợp với ý tưởng về nguyên tắc tự do của công dân trong nền cộng hòa, người La Mã đã nhào nặn vào tạo nên nữ thần Libertas – vị nữ thần chẳng hề có câu chuyện, không nghi lễ, chẳng tư tế, mà cũng chưa từng có trong các nền văn hóa quanh khu vực Địa Trung Hải. Libertas được tôn thờ cùng lúc với sự kiện Cộng hòa La Mã được thành lập và tín ngưỡng được thiết lập bởi gia tộc Junii – gia tộc của Marcus Junius Brutus, một gia tộc đã từng âm mưu chống lại Julius Caesar. Vị nữ thần mà Junii tôn thờ chính là Juno (cái tên Junii lấy từ tên của bà), điều này không khỏi đặt ra nghi vấn rằng liệu Libertas có phải là một hiện thân của Juno hay không? Những ngôi đền thờ Libertas lần lượt được xây dựng, và một sự việc nghịch lý đã xảy ra khi người ta cố xây ngôi đền thờ nữ thần trên đất của triết gia Cicero khi ông đang lưu vong. Khi trở về, với sự bức xúc của một dân oan mất đất, Cicero đã biện luận công khai rằng việc hiến đất cho nữ thần này là không hợp lệ, đòi lại đất và phá hủy ngôi đền. (24) Thượng viện La Mã, ở thời Julius Caesar đã bỏ phiếu yêu cầu xây đền thờ cho Libertas để tôn vinh Caesar , nhưng không có ngôi đền nào được xây, mà chỉ có một bức tượng nhỏ của nữ thần đứng trong Forum ở Rome. Từ đó tới nay, Libertas vẫn giữ nguyên mô hình biểu tượng của mình, và xuất hiện ngày càng “to lớn” hơn tại Pháp và tại Mỹ. Thượng viện của Cộng hòa La Mã, bao gồm đại diện của các thị tộc, trong đó có nhà Junii, rốt cuộc đã ám sát Julius Caesar như cách hội đồng La Mã tiền sử đã giết chết Romulus. Có thể nói, Nữ Thần Tự Do Libertas đã phò trợ nền cộng hòa La Mã bằng cách để hội đồng được tạo bởi các gia tộc mang đậm màu sắc thể chế quả đầu ám sát những người lấn át quyền lực của họ. Xét về điểm này, Libertas dường như khá tương đồng về tính cách với nữ thần Hera (mà phiên bản La Mã là Juno) hay ghen tuông luôn ghen ghét những người phụ nữ quanh Zeus và không tiếc tay sát hại các người hùng.
Hà Thủy Nguyên
Chú thích
(22) Roman Antiquities, Quyển II của Dionysius xứ Halicarnassus
(23) https://www.britannica.com/topic/Dioscuri
(24) https://www.britannica.com/topic/Libertas-Roman-religion