Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng bộ não cảm nhận cái đẹp giữa nghệ thuật hoặc khuôn mặt khác nhau.
Các ý quan trọng trong bài
- Một nghiên cứu mới cho thấy các phần khác nhau của não bộ hoạt động khi chúng ta nhìn vào những khuôn mặt đẹp hoặc tác phẩm nghệ thuật đẹp.
- Con đường khen thưởng được kích hoạt bằng cách nhìn vào vẻ đẹp trên khuôn mặt.
- Một phần khác của bộ não liên quan đến việc đánh giá vẻ đẹp trong nghệ thuật, cho thấy sự tồn tại của hai “trung tâm thẩm mỹ”.
Điều gì làm cho một thứ hoặc ai đó đẹp trong tâm trí chúng ta? Có một nhận thức bẩm sinh về vẻ đẹp nào mà giữ nguyên trong tất cả các tình huống không? Thật thú vị, một nghiên cứu mới kết luận rằng bộ não của chúng ta không chỉ có một mà là hai “trung tâm thẩm mỹ” riêng biệt – một dành cho nghệ thuật và một dành cho khuôn mặt.
Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích tổng hợp các nghiên cứu fMRI (cộng hưởng từ chức năng) hiện có trên khoảng 1.000 người. Dẫn đầu là Hu Chuan-Peng của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, nhóm nghiên cứu tập trung vào 49 nghiên cứu thực hiện phân tích não bộ của những người từ 18 đến 50 tuổi. Không ai trong số họ là chuyên gia nghệ thuật, nhưng một số nghiên cứu là về phản ứng của mọi người với nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, kiến trúc và video về khiêu vũ. Các nghiên cứu khác (đang được xem xét) hướng đến các phản ứng với khuôn mặt người. Tất cả các nghiên cứu đều sử dụng công nghệ hình ảnh não fMRI khi các đối tượng đang đưa ra các lựa chọn thẩm mỹ hoặc đánh giá các kích thích cụ thể.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật phân tích tổng hợp có tên là “ước tính khả năng kích hoạt” (ALE) để tìm ra các mối liên hệ trong những nghiên cứu theo dõi các mô hình hoạt động não bộ của những người đang nhìn vào thứ hoặc người nào đó mà họ cho là đẹp.
Cách tiếp cận cho thấy rằng việc nhìn vào những khuôn mặt đẹp sẽ gây ra hoạt động ở một số phần của não, điều này không quan sát được với trường hợp nhìn vào những khuôn mặt không được đánh giá là đẹp – vùng vỏ thùy giữa chán (vmPFC), vùng vành cung vỏ não trước chán, cũng như vân bụng trái. Đáng chú ý, việc nhìn vào tác phẩm nghệ thuật không khiến bất kỳ vùng nào trong số đó hoạt động nhiều hơn. Thay vào đó, hoạt động mạnh hơn ở vỏ não giữa trước chán (aMPFC) đã được để ý.
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Các nhà khoa học đề xuất rằng việc nhìn vào một khuôn mặt đẹp sẽ kích thích phản ứng trong con đường tưởng thưởng của não bộ, trong đó thể vân bụng là một phần quan trọng. Theo giải thích của Emma Young trong mục Research Digest của Hiệp hội Tâm lý học Anh, tín hiệu sau đó được tích hợp vào vmPFC và tạo ra cảm giác tích cực.
Young lưu ý rằng những khuôn mặt xinh đẹp được bộ não của chúng ta coi như “phần thưởng chính” không quá khác biệt so với thức ăn hay tình dục, hướng đến sự tồn tại của gen của chúng ta. Nhìn vào nghệ thuật đúng hơn là một “phần thưởng phụ”. Chúng ta đã tự dạy mình để thấy nó thú vị nhưng bộ não xử lý loại kích thích đó theo cách khác, thông qua quá trình xử lý cấp cao trong aMPFC.
Vì nghiên cứu mới liên quan đến cách bộ não của chúng ta xử lý vẻ đẹp thị giác, nên cần phải nghiên cứu thêm để hiểu quá trình xử lý vẻ đẹp phi thị giác như âm nhạc chẳng hạn, hoặc liệu có một số tiêu chuẩn phổ quát về những gì được coi là đẹp hay không.
Hãy đọc thêm nghiên cứu “Tìm kiếm ‘Trung tâm thẩm mỹ’ trong não: Phân tích tổng hợp các nghiên cứu fMRI về khuôn mặt đẹp của con người và nghệ thuật thị giác” (Seeking the ‘Beauty Center’ in the Brain: A Meta-Analysis of fMRI Studies of Beautiful Human Faces and Visual Art), được xuất bản trên Cognitive, Affective & Behavioural Neuroscience.
Nguồn: Paul Ratner – Big Think
Dịch: Hải Anh