Tóm tắt
Thần thoại, các đức tin và lễ nghi liên quan đến gà phản ánh thế giới quan của người Akha đối với loài vật này sẽ đem đến một cách hiểu rõ ràng hơn về mối liên kết giữa con người và gà. Những khía cạnh này có thể được xem như một sự kết nối quan trọng đến quá trình thuần hóa.
Từ điền dã văn hóa dân gian ở Chiang Rai (Thái Lan), người ta nhận thấy rằng người Akha chia gà ra làm 3 loại: gà rừng đỏ, gà mồi và gà nuôi. Gà rừng đỏ là gà thuộc về thế giới của các linh hồn. Công dụng duy nhất của nó là để ăn, không phải để hiến cúng. Gà mồi có vị thế cao hơn gà nuôi. Nó được xem là ở giữa thế giới con người và thế giới tâm linh. Gà nhà là gà của thế giới con người. Nó được sử dụng cho mục đích ăn uống và hiến cúng trong nhiều nghi lễ. Nó đóng vai trò quan trọng là cầu nối giữa người Akha với linh hồn của tổ tiên họ. Vì gà nhà dùng trong các nghi lễ phải có những đặc điểm tương ứng với đức tin của người Akha, thế nên họ phải bảo tồn giống gà nguyên bản. Điều này, các thần thoại do pháp sư kể lại thường cho thấy tầm quan trọng của gà trong văn hóa Akha.
Giới thiệu
Ở Chiang Rai, ngoài Khon Muang là nhóm lớn nhất có lịch sử lâu đời gắn liền với khu vực này, có nhiều nhóm dân tộc khác nhau như là Thái Lự, Thái Shan, Thái Nhã, nhóm Mon-Khmer như Lawa hay Lua và các nhóm dân tộc được gọi chung là “các bộ tộc vùng cao” như La Hủ (Musser), Lật Túc, Dao, Hmong (Maew – Mèo), Akha (E-ko), những tộc người có thể sống trên các cao nguyên dọc theo biên giới Thái – Miến Điện lâu đời, bao gồm cả những nhóm mới nhập cư trong vòng 30 năm qua. Giữa những nhóm người này, người Akha sử dụng gà vào nhiều nghi lễ cổ truyền, đặc biệt là để thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, họ chỉ sử dụng gà nuôi trong các nghi lễ này.
Bài viết này hướng đến việc trình bày quan điểm của người Akha về gà rừng đỏ (một thuật ngữ đặc biệt chỉ loại gà rừng ở Đông Nam Á mà người ta cho là tổ tiên của tất cả các loại gà trên thế giới), gà mồi và gà nuôi bắt từ đồng ruộng, đặc biệt là các truyền thống truyền miệng như thần thoại, truyện cổ tích và nghi lễ, để chỉ ra quan điểm của người Akha về gà. Chúng tôi cũng muốn tìm hiểu về ý nghĩa của gà rừng đỏ và gà mồi trong xã hội của tộc người này. Nghiên cứu đi theo lập luận cho rằng nên ưu tiên quan điểm của người Akha về 3 loại gà, từ đó hiểu rõ hơn về mối liên kết giữa loài vật này với con người trong xã hội Akha.
Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu là tìm hiểu về phong tục, nghi lễ và thần thoại của người Akha có liên quan đến gà, nhằm phân tích quan điểm của người Akha về gà rừng đỏ, gà nuôi và gà mồi, đồng thời xác định những ý nghĩa gắn liền với ba loại gà này theo một chiều kích văn hóa.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này tập trung vào các nhóm cư dân Akha tại Chiang Rai, đặc biệt là nhóm Lomi và Pia ở Baan Huay Kra và Baan Na Toh tại huyện Mae Fah Luang, và nhóm U-Lo ở Baan Huay Kheelek, huyện Mae Suai, trong thời gian từ tháng 7 năm 2004 đến tháng 3 năm 2005.
Lý do hai nhóm này được lựa chọn là vì các nhóm Akha ở Baan Huay Kra và Baan Na Toh đã sống gần biên giới Thái – Miến Điện và nhập cảnh vào Thái Lan qua Baan Pang Hnun và Baan Mae Kham. Các nhóm Akha này sống ở Thái Lan chưa quá 50 năm. Ở làng Huay Gut, có khoảng 100 hộ gia đình người Akha và La Hủ. Dù có khoảng 33 hộ gia đình là người La Hủ, nhưng hầu hết cư dân trong làng lại là người Akha. Người dân Akha ở đây vẫn duy trì lối sống nguyên thủy vì không thể tiếp cận được lối sống hiện đại do gặp khó khăn về giao thông. Để đi đến làng, cần di chuyển bằng ô tô có hệ thống động cơ mạnh mẽ hoặc dẫn động bốn bánh. Gà trong làng đều là gà chính gốc. Ngôi làng tọa lạc gần rừng; do đó, vẫn có gà rừng trong khu vực. Bên cạnh đó, người dân trong làng chỉ mới dừng việc săn bắt gà rừng cách đây không lâu, khi chính phủ ban hành luật buộc người dân phải giao nộp vũ khí. Cả hai ngôi làng đều được cảnh sát biên giới bảo vệ. Có một trường tiểu học do cảnh sát biên giới vận hành với 214 học sinh. Ngôi trường mới được Cơ quan Hàng không Thái Lan xây dựng vào năm 2003 nhằm tôn vinh công chúa Sirindhorn.
Do đó, trường có các văn phòng dành cho công chúa, các tòa nhà phòng học và những tiện nghi khác để các nhà nghiên cứu ở lại cũng như làm việc. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có các giáo viên đến từ lực lượng cảnh sát biên giới, những người quen thuộc với các nhà nghiên cứu và có thể nói tiếng Akha. Các giáo viên này đảm nhận vai trò phiên dịch viên trong quá trình thu thập dữ liệu.
Nhóm Akha U-Lo ở Baan Huay Khee Lek, Doi Wawee, huyện Mae Suai là một nhóm sinh sống đã lâu, họ chuyển đến Thái Lan vào năm 1957 và từng định cư tại làng Samakhee Kao trước khi chuyển đến ngôi làng hiện tại. Một vài thành viên trong nhóm này là người có học thức, như ông Wudthikrai Mohpah, người có bằng cử nhân và quây về làng làm giáo viên. Hầu hết thông tin về người Akha trong báo cáo nghiên cứu này đều được thu thập từ nhóm Akha U-Lo, với sự giúp đỡ của ông Wudthikrai trong việc kiểm tra tính chính xác của dữ liệu. Nhược điểm là nhóm Akha đã tiếp nhận nhiều ảnh hưởng từ văn minh hiện đại do có vị trí nằm gần một thị trấn.
Tuy nhiên, nhóm Akha nào cũng đều có các phong tục chính và lễ nghi hằng năm giống nhau; do đó, mẫu được chọn có thể đại diện cho cả bộ tộc Akha.
Các công cụ được sử dụng để thu thập dữ liệu
Hai loại công cụ được sử dụng: trước tiên, tổng quan lý thuyết trong các sách giáo trình của cả Thái Lan và quốc tế cũng như các báo cáo nghiên cứu có liên quan đến những chủ đề về người Akha cùng các nhóm dân tộc khác tại Chiang Rai, và thứ hai, nghiên cứu thực địa các cuộc phỏng vấn định kỳ của những người đứng đầu ngôi làng cũng như giáo viên từ tháng 8 năm 2004, tham dự vào các nghi lễ như lễ hội đánh đu và tết của người Akha nhằm quan sát đồng thời ghi lại bằng máy ảnh và máy quay.
Bối cảnh nghiên cứu
Người Akha, hay người Hà Nhì, bao gồm nhiều nhóm nhỏ với khoảng 2,5 triệu người, phân bố trên các ngọn núi cao ở tỉnh Vân Nam, phía đông nam Trung Quốc, phía bắc Lào, Việt Nam và Thái Lan, và ở phía nam Myanmar. Chính phủ Trung Quốc gọi họ là tộc người Hà Nhì. Họ sống chủ yếu ở khu tự trị Hồng Hà, tọa lạc bên cạnh sông Hồng ở phía bắc biên giới Việt – Trung, và quận nội thành Tư Mao thuộc tỉnh Vân Nam, nơi có hai phần ba dân số là người Hà Nhì. Ngoài ra, còn có ba khu vực nữa là địa bàn sinh sống của người Hà Nhì: khu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp ở phía Bắc Lào và ở Đông Nam Myanmar, khu tự trị Phổ Nhĩ ở Tây Nam Côn Minh và khu tự trị dân tộc La Hủ/Wah ở thị trấn Lanchang nằm dọc theo biên giới Đông Bắc của Myanmar. Tóm lại, có khoảng 600.000 – 700.000 người Hà Nhì tại Trung Quốc.
Đặc biệt, trong khu tự trị Hồng Hà – Nguyên Dương, người Hà Nhì nổi tiếng với tài làm thủy lợi trên vùng cao. Do đó, đây là vùng canh tác ruộng bậc thang lớn nhất thế giới với 3000 bậc. Chính quyền Trung Quốc đang quảng bá ruộng bậc thang của người Hà Nhì như một di sản thế giới và đã tuyên bố khu vực này là “bảo tàng văn hóa” về con người – văn hóa – thiên nhiên. (xem Panadda Bunyasaranai, 1999: 192-193).
Ở Myanmar, có khoảng 150,000 người Akha, phân bố ở thị trấn Keng Tung trên vùng núi thuộc bang Shan ở phía Bắc. Họ được người Shan và người Myanmar gọi là “Koh”.
Ở phía Bắc Lào, phần lớn người Akha sinh sống tại khu vực núi cao thuộc các huyện Pong Sali và Luang Nam Tha, tiếp giáp với huyện Sibsong Panna và Myanmar. Ước tính có 92.000 – 100.000 người Akha sống trong khu vực này. Ở phía Bắc Việt Nam, có 2000 – 3000 người Akha quanh khu vực Mae Nam Dum gần biên giới Lào. Họ được người Lào và người Thái Đen ở Việt Nam gọi là “Koh” hoặc “Kha-Koh”.
Ở Thái Lan, có khoảng 63.000 người Akha (Benjawan Wongkum, biên tập: 2003: 7) phần lớn cư trú ở Chiangrai và phần còn lại rải rác ở các tỉnh phía bắc, trong đó có Chiangmai, Lampang, Tak, Petchaboon, Prae và Nan. Tại Thái Lan, người Akha được gọi là “I-Ko”, “Ko” hoặc “Kha-Ko”. Chit Poomisak đã chứng minh rằng người Akha tự gọi họ là “Ko” nhưng sau đó lại gọi là “Akha” theo cách gọi của người Lự và người Trung Quốc. Thuật ngữ “Akha” có nghĩa là “ở giữa hai thứ hoặc trung lập” (Chit Poomisak, 1997: 307-308). Hiện nay, theo phòng Đăng ký Trung ương của Bộ Nội vụ, tên gọi chính thức của họ là “Akha”.
Thần thoại Akha kể cho chúng ta biết rằng đó từng là một vương quốc độc lập có tên “Muang Yadae” trước khi bị các nhóm tộc người khác xâm chiếm, và vì thế họ phải tản cư về phía nam tỉnh Vân Nam, dù một số thần thoại cho biết đó là người Thái và những tộc người khác được xếp vào cùng một nhóm Mon-Khmer.
Dưới triều đại của vua Ranma V, ông Herbert Warington Smith (nhà địa chất học người Anh từng giữ chức vụ tại Khoa Kim loại và Địa chất) đã đi đến nhiều vùng khác nhau của Xiêm La để khám phá các khu vực địa chất. Khi đến một tỉnh của Lào ở phía bắc sông Mê Kông, gần thung lũng Muang Ngaaw, Luang Prabang (1892), ông ghi lại rằng mình đã tìm được các bộ tộc khác nhau như tộc người Lự, người Dao, người Lật Túc, người Kha-Tin, người Hmong, người La Hủ, người I-Ko, Kuy và các nhóm dân tộc khác đã du canh du cư từ phía đông bắc đến phía nam và phía đông. Các bộ tộc rất giống nhau là tộc người La Hủ, người I-Ko và người Kuy. Di chuyển đến Muang Ngoi ở phía bắc Nam-U, ông tìm thấy nhiều người I-Ko hay Kha-Ko. (Smith, Herbert Warington, 2001: 184-189).
Từ khảo sát thực địa, người ta biết được rằng người Akha di cư đến Thái Lan vào khoảng 100 năm trước. Có 8 nhóm Akha, gọi là U-Lo, Lomi, Pia, Akhoe, A-jaw, Na-kha, U-Pi và Pha-mi, những nhóm này có thể được phân loại theo các kiểu thêu khác nhau trên trang phục của họ. Tuy nhiên, họ cùng sử dụng một ngôn ngữ chung và theo những truyền thống giống nhau. Ngôn ngữ Akha, chỉ riêng ngôn ngữ nói, được phân loại thuộc nhóm Tạng – Myanmar.
Sau Thế chiến thứ hai, người Akha trước tiên rời Trung Quốc đến Keng Tung ở Myanmar và sau đó đến biên giới Thái – Myanmar. Trong suốt cuộc cách mạng tại Trung Quốc, người Akha di chuyển về phía nam cùng với quân đội “Quốc dân đảng”, đến khu vực nằm dọc theo biên giới Myanmar có tên gọi là “Loh-Tum”, đối diện với Baan Pha Mee. Sau đó, chính quyền Myanmar cố đẩy quân Quốc dân đảng ra khỏi khu vực biên giới. Khoảng năm 1957, người Akha vào Thái Lan thông qua ngôi làng Phaya Prai, Hua Mae Kum (huyện Mae Chan, hiện nay đã trở thành huyện Mae Fah Luang). Địa điểm đầu tiên mà người Akha di chuyển qua là khu vực Doi Tung, thuộc quyền lãnh đạo của Saen Unruan (Hulong Jupoh). Nhóm Akha có mặt sớm nhất định cư ở Baan Samakkee Kao, và sau đó tản ra đến Baan Saen Charoen, Baan Huay Kee Lek và những nơi khác. Em trai của Saen Unruan, tên là Saen Phroma (Hu song), chuyển đến Doi Pha Mee ở huyện Mae Sai và Doi Sa Ngo ở huyện Chiang Saen. Saen Iai (Tu Sae), cháu trai của Saen Unruan, định cư tại làng Saenjai, huyện Mae Fah Luang.
Con đường thứ hai mà người Akha đã đi là từ Tây Song Bản Nạp, Trung Quốc, nằm dọc biên giới với Myanmar và sông Mê Kông với Thái Lan, đi qua huyện Mae Sai, rồi sau đó đến Chiang Mai, Prae và Nan. Nhóm đi con đường này là một nhóm mới. Nhóm của người Akha Lo-Mi và Pia tại Baan Huay Kra, và Baan Na Toh, huyện Mae Fah Luang đi qua Baan Phaya Prai do Lui Mayerh dẫn đầu. Nhóm U-Lo (ông Wuttikrai gọi là “Bulo” tại Baan Huay Keelek Doi Wawee, huyện Mae Suai tách ra từ nhóm Baan Samakkee Kao.
Đức tin của người Akha vào các đấng siêu nhiên
Đức tin của người Akha có thể chia thành 2 loại:
Các vị thần và các linh hồn bảo hộ: Apoemiyeh – thần Sáng thế, người tạo ra vạn vật trên trời dưới đất, Um Yae – thần mưa, Akyue thần ánh sáng cai quản mặt trời và các vì sao, và thần gió Um Sa. Những vị thần này giúp đỡ cho con người; do đó, có rất nhiều nghi lễ hằng năm để thể hiện lòng biết ơn dành cho các ngài. Nghi lễ do Yau Ma, người đứng đầu các thầy cúng, những người chịu trách nhiệm giao tiếp với tất cả các vị thần, dẫn dắt.
Đức tin vào các lực lượng vô hình, gọi là “Neh”. Có hai loại Neh: các linh hồn tốt và các linh hồn xấu. Phima hay thầy đồng là người có thể tiếp xúc với các linh hồn này:
Các linh hồn tốt:
Linh hồn tổ tiên (Apoe Pawlaw): Mỗi gia đình đều phải lập một bàn thờ tổ tiên trong phòng của người phụ nữ để bảo vệ cho con cháu của họ. Các linh hồn tổ tiên nên được thờ cúng ít nhất 9 lần một năm.
Thủ lĩnh của các linh hồn (Apoe Ahpi) là người đứng đầu các linh hồn trên trời cai quản sự sung túc cho những người dân cầu xin sự giúp đỡ trong làng. Lễ Ya U Pee dành cho linh hồn vĩ đại được tổ chức vào tháng Tư.
Linh hồn làng hay linh hồn tổ tiên của tất cả mọi người. Những linh hồn này cư trú khắp mọi nơi trong làng, đặt biệt ở Lok Khaw (cổng làng) để bảo vệ cho dân làng khỏi ma tà.
Linh hồn đồng ruộng hay Cha Na Ah Ma bảo vệ cho người nông dân cũng như mùa màng trên cánh đồng. Người Akha thờ cúng linh hồn này cả vào đầu vụ canh tác và sau khi thu hoạch.
Các linh hồn xấu:
Những linh hồn này gây ra ốm đau và tai ương, cũng như luôn nóng nảy và làm hại con người. Con người phải thờ cúng và xoa dịu những linh hồn này. Các linh hồn này, bao gồm Ma Rừng, Ma Gió và Ma Cầu Vồng chẳng hạn, đều cư ngụ bên ngoài làng. Người Akha tin rằng họ chỉ có ở trong làng họ mới được an toàn; do vậy, họ dựng cổng làng ở đằng trước và đằng sau để ngăn những linh hồn xấu này vào làng. Đồng thời, cũng có những công cụ khác để xua đuổi các ác linh, như là hàng rào sắc nhọn và vũ khí ở Loh Khaw.
Gần mỗi ngôi làng của người Akha, có một đám cây lớn được xem là khu vực bảo tồn rừng của làng, là nguồn nước và là nơi ở của ma rừng. Người ta tin rằng ma rừng ngụ tại hốc cây to trong rừng. Không thể chặt bất kỳ cây nào trong khu vực này. Phải có các nghi thức thờ cúng ma rừng ở Meesong (miếu dành cho linh hồn).
Phân loại gà của người Akha
Trong số tất cả các bộ lạc trên đồi, người Akha là nhóm chủ yếu nuôi gà và có các nghi lễ sử dụng gà. Họ kiên quyết tuân theo các phong tục và nghi thức được truyền lại từ tổ tiên của mình.
Có rất nhiều câu chuyện về mối liên hệ giữa gà và người trong thần thoại của họ. Chẳng hạn như chuyện con gà gọi Mặt trời bị mất, chuyện con gà mang thóc lúa về cho con người, con gà dạy con người cách sinh sản, hay chuyện Monyi đi tìm vùng đất mới bằng cách bói gà. Theo ý nghĩa và vai trò của gà trong các giá trị của người Akha, gà có thể được chia thành 3 loại: gà rừng đỏ, gà mồi và gà nhà.
Gà rừng đỏ hay “yanee”, có nghĩa là “gà ở trong rừng”. Gà rừng trống được gọi là “yanee ya puu” và gà mái được gọi là “yanee ya maa”. Người Akha tin rằng gà rừng đỏ thuộc về các vị thần hoặc linh hồn vì chúng ở bên ngoài ngôi làng.
Hình dạng gà rừng đỏ
Gà rừng đỏ nhỏ hơn gà nhà. Chúng có thể bay lên cao và bay xuống mặt đất thấp hơn. Gà trống có lông đỏ với lông trắng ở đuôi. Những chiếc lông rất tinh xảo. Con mái màu đen (Người “Thái Lự” nói đó là màu “Mahn”, người “La Hủ” nói đó là màu nâu) với tai nhỏ, chân nhỏ có vảy. Mồng gà rừng đỏ có màu đỏ và có thể mở rộng. Những chiếc mồng dựng lên khi chúng bắt đầu gáy. Vào khoảng tháng Mười, chúng bắt đầu gáy và mồng bắt đầu dựng đứng. Từ tháng Tám đến tháng Mười, chúng gáy cả ngày, đặc biệt là vào dịp trăng tròn. Mùa giao phối của chúng là từ tháng Hai đến tháng Ba. Chúng đẻ khoảng 2-3 quả trứng vào tháng Tư. Trứng nở trong vòng 18 ngày.
Nhận xét đối với gà rừng đỏ
Người Akha
- giọng ngọt, bay nhanh, khó bắt
- thịt dày và ngọt hơn gà giò
- thuộc về linh hồn, không phải để bán
- không thể thuần hóa, kể cả nuôi trong nhà, khi đã hoàn toàn lớn, chúng sẽ bay về rừng
Người Luhuna
- giọng ngắn, khỏe, nhưng nếu chạm phải phân gà nhà (Musser Đen) sẽ chết vì chúng luôn ở trên cây
- thịt ngon
- từ trải nghiệm của nhân chứng: nếu chúng giao phối với gà nhà, lứa sau sẽ trở thành gà nhà giống mẹ nó, và do đó không thể bay lên mà chỉ có thể bay xuống
Người Thái Lự
- giọng ngọt, khôn và khỏe hơn gà nhà
- thịt săn vì chúng ăn trái cây
- biết tự trọng, tức là không thể thuần hóa. Sau khi giao phối với gà mái nhà, đàn con sẽ theo cha vào rừng. Một con gà rừng đỏ đã bị bắt và nuôi như gà nhà. Đàn con là gà rừng đỏ giống bố và bay về rừng sau khi trưởng thành.
Đặc điểm của gà rừng đỏ là tiếng kêu (tiếng gáy), màu sắc sặc sỡ và đặc biệt là thịt thơm ngon nên bị săn lùng. Đã có nhiều ý định bắt chúng về nuôi như gà nhà nhưng một cách bản năng, chúng luôn tìm cách trốn thoát. Gà rừng đỏ hiện là loài được bảo vệ. Chính phủ kêu gọi mọi người giao nộp vũ khí để buộc họ phải ngừng săn bắn chúng, theo chính sách của chính phủ.
Trong bài thánh ca do thủ lĩnh linh thiêng “pima” dâng hiến, người ta kể rằng, vào thuở sơ khai của thế giới, Moh Yue, ông tổ, có 7-8 người con. Mỗi đứa con được chỉ định để tạo ra đồ vật. Một người tên là Ueyaeh đã tạo ra đôi cánh và trao chúng cho con chim vĩ đại để cai trị thiên đường. Sau đó, anh ta tạo ra một con gà trống màu đỏ tên là Puechoh để tặng cho người Akha. Khi nhà nghiên cứu hỏi tại sao Ueyae không cho gà rừng đỏ, người kể nói rằng chúng thuộc về linh hồn và được sinh ra trong rừng, trong khi gà nhà được tạo ra để sống với con người. Rõ ràng là Akha phân tách thế giới con người khỏi thế giới của các linh hồn. Điều này còn thể hiện ở việc họ thờ cúng vong linh tổ tiên. Người Akha sẽ dâng Palawpatu (mâm thức ăn cho linh hồn) cho linh hồn tổ tiên. Dâng mâm thức ăn xong phải quay đi, không được ngoảnh lại. Họ tin rằng con người và các linh hồn không thể ăn chung một mâm thức ăn.
Có một câu chuyện thần thoại rằng Mặt trời và Mặt trăng biến mất và con người phải cử động vật đi tìm chúng. Được giao nhiệm vụ đầu tiên là một con gà rừng đỏ. Con gà gáy mà mặt trời không mọc. Sau đó, Pueshoh của người Akha cũng được yêu cầu làm như vậy. Pueshoh vỗ cánh một lần, vang vọng đến cả bảy tầng trời. Nó di chuyển chân mình một lần, gửi những rung động đến thế giới ngầm. Pueshoh quay mặt về phía đông và gáy. Khi Pueshoh cất tiếng gáy, những con gà nhà khác trên thế giới cũng gáy theo và Mặt trời từ từ mọc lên, mang lại ánh sáng cho thế gian. Nhờ đó, thế gian trở lại như khi trước. Thần thoại này cho thấy mối quan hệ giữa gà rừng đỏ và gà nhà. Pueshoh phải là tổ tiên của gà nhà có nguồn gốc từ gà rừng đỏ.
Gà mồi, được người phương Bắc gọi là “kai tang” hay “yaneetama” ở Akha, là một loại gà nhà đặc biệt dùng làm mồi nhử gà rừng đỏ nghĩ rằng nó cũng là gà rừng đỏ. Gà rừng đỏ sẽ bay đến chỗ mồi nhử này và dễ dàng mắc bẫy. Gà mồi có cùng kích thước với gà rừng đỏ nhưng mồng của chúng nhỏ hơn.
Đặc điểm nổi bật của gà mồi: tiếng gáy to tương tự với gà rừng đỏ, gốc cánh và đuôi rộng, đuôi cong, mỏ trên hơi hẹp và ngực rộng. Một con gà có những đặc điểm này được coi là một con gà tốt. Một người Akha sở hữu một con gà như vậy được coi là may mắn.
Gà mồi tốt có thể chọn bằng cách nhổ một chiếc lông mềm trên cánh của nó và nhét vào tuyến nước mắt của nó, nơi có một ống nối với cổ họng. Khi lôi ra, nếu có máu thì đó là điềm báo chủ nhân của gà mồi sẽ săn được thú lớn cũng như gà rừng lông đỏ. Người Akha nuôi gà mồi cho đến khi nó chết tự nhiên. Khi nó chết, người chủ sẽ không ăn hay chôn nó. Chủ nhà sẽ làm lễ tiễn đưa linh hồn của gà mồi, giống như tục “kai jao lao” hay “kai mae lao” hay “đầu chuồng gà”, là một con gà mái có thể đẻ nhiều trứng và có khả năng đẻ trứng đến 9-10 tuổi, khi hết khả năng sinh sản.
Tục tiễn hồn gà mồi chết về trời: Trong nghi lễ, gia chủ để một ít tiền, thóc, tro và xác con gà mồi vào gốc một cây đại thụ ngoài làng và khấn cho gà mồi đã chết tái sinh làm gà mồi của mình một lần nữa.
Mọi điều được đề cập cho thấy gà mồi tương tự với gà rừng đỏ về địa vị của chúng giữa thế giới loài người và thế giới linh hồn. Khi gà mồi được nuôi như gà nhà, chúng có địa vị cao hơn và cũng có một số đặc điểm của gà từ thế giới linh hồn. Do đó, người Akha đối xử với loại gà này một cách đặc biệt, thể hiện qua nghi thức tiễn linh hồn nó về trời, được tổ chức bên ngoài ngôi làng. Phong tục này phản ánh ý niệm của người Akha về ý nghĩa địa điểm. Khu vực bên trong ngôi làng dành cho con người và bên ngoài dành cho các linh hồn.
Gà nhà hay “kai baan” hoặc “kai liang”, được gọi là “yaji”, có ý nghĩa và liên quan đến lối sống chung của người Akha hơn là vật nuôi thông thường trong tiếng Akha. Gà và trứng được sử dụng trong hầu hết mọi nghi lễ, dù là bói toán, nghi thức nhập trạch hay các nghi thức và lễ lạt hàng năm.
Vai trò của gà trong phong tục và nghi lễ
Người Akha sử dụng gà nhà trong bói toán khi:
Thành lập cộng đồng mới. Người Akha thành lập một cộng đồng mới khi những người chủ chốt trong cộng đồng có xung đột, hoặc trong trường hợp dịch bệnh, đất cằn cỗi, tội phạm, v.v. Tóm lại, bất cứ khi nào cộng đồng không thể duy trì sự ổn định vì bất kỳ lý do gì, “Djoema” hoặc chính quyền làng sẽ xác định vị trí của một cộng đồng mới bằng nghi thức ném trứng. Djoema sẽ cầm một quả trứng trong tay phải và nâng nó lên không cao quá tai, sau đó ném quả trứng vào một cái lỗ. Nếu trứng không vỡ thì phải ném lại nhưng không quá 3 lần. Điều đó có nghĩa thần linh sở hữu khu vực đó không cho phép di chuyển. Sau đó, họ phải di chuyển đến một khu vực liền kề để lặp lại nghi thức một lần nữa, nhưng không phải trong cùng một ngày.
Xây một ngôi nhà mới. Họ phải ném quả trứng qua vai, không được cao hơn tai và quả trứng không được chạm vào tai. Đối với lễ thành lập cộng đồng mới, quả trứng không được ném quá 3 lần. Lòng đỏ trứng sẽ tẽ ra 3 hướng chính, thể hiện con đường từ đầu làng đến cuối làng.
Bắt đầu một hành trình. Để kiểm tra xem sẽ gặp vận may hay vận rủi, người Akha giết một con gà để kiểm tra chân, gan và thịt ức (những người cung cấp thông tin như ông Wuttikrai, một người Akha bản địa, nói rằng người Akha kiểm tra chân và đầu của gà trước khi lên đường. Đầu gà được kiểm tra để dự đoán bệnh tật, trong khi chân được kiểm tra cho chuyến đi và trước khi săn bắn). Hơn nữa, người Akha đọc vận may của họ bằng cách cắm một que gỗ vào cả hai xương đùi của con gà. Bên chân phải dành cho mình và bên trái dành cho người khác. Thầy bói cắm một cái que vào lỗ của mỗi chân và quan sát góc độ. Nếu góc của chân phải cao hơn chân trái thì sẽ gặp nhiều may mắn.
Xương gà cũng được dùng để bói trước khi đi săn. Phải là xương gà đực. Các bộ phận khác của gà cũng được dùng để bói.
Nghi thức Chuyển giao là những nghi thức được tổ chức trong giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời của một người, từ nôi đến mộ. Người Akha chia nghi lễ thành 2 loại: (1) nghi lễ dành cho người sống mà tiếng Akha gọi là “daeyong”; và (2) nghi thức cho người chết được gọi là “siyong”. Lễ cúng của 12 tháng được tổ chức đều đặn vào mỗi tháng và trở thành thông lệ. Hầu hết các nghi lễ có gà tham gia chủ yếu là cúng thức ăn cho các linh hồn tổ tiên.
Dưới đây là các nghi thức chuyển giao của Akha:
Nghi thức sinh nở. Có những niềm tin rằng:
- Cấm phụ nữ có thai và mới làm mẹ ăn thịt gà trắng vì sẽ gây mù lòa, yếu xương.
- Cấm mẹ mới sinh con dưới 1 tháng tuổi ăn thịt gà nặng trên 1kg.
Khi một đứa trẻ sinh ra, người mẹ cho một quả trứng luộc vào miệng nó để tập cho đứa trẻ bú sữa mẹ. Quả trứng này được gọi là “Shuepoh pae ya u”: “ya-u” nghĩa là “trứng”, “Shuepoh” nghĩa là “vú”, “pae” nghĩa là “rỉ”. Quả trứng này được coi là quả trứng đầu tiên trong cuộc đời của em bé. Vào ngày đứa trẻ chào đời, người cha giết một con gà trống, được gọi là “ya sae”, (gà trắng bị cấm). Để giết ya sae, cổ họng của nó phải được cắt cẩn thận. Nếu vết cắt quá dài, họ tin rằng đứa bé sẽ có cổ dài. Con gà này được nấu cho người đỡ đẻ và người thân đến đỡ đẻ. Vào ngày thứ hai, người cha giết một con gà mái, được gọi là “yashaw sae.” “Shaw” có nghĩa là “tinh khiết”. Sau đó, anh ta mở một bữa tiệc mời tất cả họ hàng như một cách thông báo về sự ra đời của đứa trẻ mới sinh.
Cái chết và tang lễ. Người Akha chủ yếu sử dụng thịt gà trong nghi lễ liên quan đến cái chết. Có thể giết tới 20 con gà trong một buổi lễ. Phải có một con gà trắng cho đám tang.
Khi một người lớn tuổi qua đời, người ta mang một quả trứng, một ít thuốc lá hoặc một ít lá chè khô gói trong một chiếc lá gọi là “Patae” đến gia đình người quá cố.
Ngoài ra còn có một truyền thống gọi là “Prapaeni Chn Khai” (Lễ Đập Trứng) có thể là một phần của đời sống (Ngày Thiếu nhi) hoặc có thể là một trong những nghi lễ của mười hai tháng vì nó được tổ chức vào giữa tháng Tư hàng năm. Dữ liệu hiện tại không thể phân biệt hai nghi lễ này. Tuy nhiên, về các nghi thức của mười hai tháng, dữ liệu từ nghiên cứu của Kraisit Sittichodok khá đầy đủ nên chúng tôi lấy làm cơ sở tham khảo.
Có thể kết luận rằng có 21 nghi lễ sử dụng trứng và gà trong cả 12 tháng như bảng sau:
Gà trong Lễ nghi và lễ cúng mười hai tháng
Nghi lễ | Khoảng thời gian | Cấp độ của nghi lễ | Mục đích | |
Gia đình | Cộng đồng | |||
1. Lễ Tết đầu năm (ngày đầu tiên giết gà mái cúng tổ tiên) | Cuối tháng Mười hai (4 ngày) | | | 1. Mừng kết thúc mùa gieo cấy, bắt đầu mùa nghỉ ngơi.
2. Mừng thêm tuổi và xem lại mọi việc đã xảy ra trong một năm quanh làng như việc chuyển đến chuyển đi của dân làng, vi phạm chuẩn mực hay phong tục, gia đình ly tán, v.v… Ngoài ra, đây cũng là lúc để hòa giải trong gia đình. các trường hợp bất hòa hoặc vay nợ. Trong trường hợp vay nợ, số tiền phải được trả lại, ít nhất là một phần. 3. Đi thăm người già để cầu phúc và tha thứ. Gia đình nào cũng cố gắng mời càng nhiều khách càng tốt. 4. Để nam nữ thanh niên giao lưu trong ngày Tết. 5. Mở kho thóc lấy thóc dự trữ ra ăn. |
2. Lễ thu hoạch thóc lúa | Cuối tháng Hai đến cuối tháng Ba | | × | 1. Giữ gìn nghi thức thu thóc lúa nguyên thủy (lúa ruộng)
2. Cất giữ thóc thu hoạch từ vụ trước vào kho. (Nghi thức này cho phép người Akha có đủ lương thực, đặc biệt là chất đạm vì thời kỳ này là mùa khô khi đất đai trở nên kém màu mỡ hơn.) |
3. Lễ Đập Trứng Năm Mới. (Ngày thứ hai hai giết một con gà mái cúng tổ tiên. Ngày thứ năm luộc trứng và đồ xôi cho trẻ em.) | Giữa tháng Tư (năm ngày) | | | 1. Để chào đón một mùa mới và cuộc sống mới. Khi giao mùa từ mùa hè sang mùa mưa, nó được coi là là sự khởi đầu của Năm mới; đó là thời gian để bắt đầu gieo trồng.
2. Đón linh hồn tổ tiên. |
4. Nghi lễ dựng cổng làng mới (Djoema giết gà tại nhà mình sau nghi lễ và mở tiệc.) | Tháng Tư đến tháng Năm | × | | 1. Phân định thế giới linh hồn với thế giới loài người.
2. Thể hiện số tuổi của ngôi làng. Người Akha xây dựng cổng mới ở đầu trên và dưới làng. |
5. Lễ Cúng Chúa Đất, Chúa Nước (1 đôi gà: trống, mái) | Tháng Tư, ngày đầu tiên sau lễ Dựng Cổng Làng Mới. | × | | 1. Khấn xin thần linh vùng đó và các thủ lĩnh đã khuất phù hộ độ trì cho làng.
2. Để mùa màng trù phú, bội thu. |
6. Lễ Trồng Lúa Vụ Mùa (Ngày thứ nhất cúng một con gà mái, ngày thứ hai cúng một cặp gà trống, mái để bói). | Giữa tháng Năm (2 ngày) | | | 1. Báo hiệu đã đến mùa cấy lúa. Dân làng nên chuẩn bị hạt giống.
2. Để xin lỗi Chúa Nước hoặc Naga, người cung cấp nước cho nông nghiệp. Người Akha tin rằng Naga là cha của Nữ thần Lúa gạo. Vì vậy, họ giết gà để cúng ở giếng làng. 3. Dùng xương gà để dự đoán vụ mùa sắp tới |
7. Lễ Mừng Lúa Ruộng và Lễ Mộ Ruộng (ngày thứ nhất tế gà đực, ngày còn lại tế một con gà mái). | Tháng Bảy | | × | 1. Đề cao tinh thần nông dân.
2. Xin sự tha thứ của những sinh vật trong vùng trồng trọt bị ngộ sát , như chuột, chim, rắn. |
8. Lễ hội đánh đu (Một con gà mái hiến tế được sử dụng vào ngày đầu tiên.) | Từ cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín (4 ngày) | | | 1. Tôn vinh nông sản.
2. Đề cao vai trò của phụ nữ vì đây là nghi lễ mà phụ nữ yêu cầu nam giới dựng một cái đu. Vào khoảng thời gian này, trời thường mưa rất to nên người dân trong làng tạm dừng việc đồng áng. 3. Mang lại sự hài hòa giữa thế giới con người và thế giới thần linh. |
9. Lễ tôn vinh các cựu lãnh đạo văn hóa hay “Jaew ma” (một con gà mái) | Tháng Chín (2 ngày) | | | Để thờ cúng cựu “Jaew ma” và tổ tiên đã khuất. |
10. Lễ nhổ lông gà (một con gà ở đền thờ tổ) | Tháng Tám – Tháng Chín (1 ngày) | | 1. Lễ bái ông bà tổ tiên.
2. Tập hợp họ hàng và kiểm tra số lượng thành viên trong tộc. Ngày này được coi là “Ngày gia đình Akha” vì mọi thành viên, trừ những phụ nữ đã kết hôn với đàn ông của (các) gia đình khác, đều phải trở về nhà. |
|
11. Lễ đuổi tà ma ra khỏi cộng đồng (1 con gà mái) | Tháng Mười (2 ngày) | | | 1. Đánh dấu sự giao mùa từ mùa mưa sang mùa đông.
2. Đuổi tà ma ra khỏi làng. 3. “Jaew ma” tổ chức tiệc tri ân vì được chọn. |
12. Lễ xác định giờ lành để cộng đồng tổ chức lễ “ăn cơm mới”. (1 con gà trống) | Tháng Mười – Tháng Mười Hai | | | 1. Xác định giờ lành để cộng đồng thu hoạch lúa.
2. Bảo tồn loại gạo được cho là loại gạo nguyên thủy mà tổ tiên đã gieo trồng. |
Những quan sát về sử dụng gà trong các nghi lễ Akha
Giống gà (đực hay cái) sử dụng trong từng nghi lễ được cố định rõ ràng. Một số nghi lễ cũng yêu cầu lông gà chỉ có màu đỏ hoặc đen. Gà trắng không được sử dụng ngoại trừ cho ngày chôn cất. Gà được sử dụng trong các nghi lễ được yêu cầu không có dị tật, mà phải thân thể hoàn hảo và thanh sạch. Việc chọn gà sẽ được thực hiện một ngày trước nghi lễ.
Trước khi giết, gà phải được làm sạch và thanh lọc bằng nước giếng thiêng hoặc nước vừa mới kéo lên. Khi thanh lọc gà, người Akha đổ nước ba lần lên chân, thân và cổ gà. Một vài người Akha nói rằng các phần cần được làm sạch là chân, cánh và đầu. Trong các nghi lễ tốt lành, gà được làm sạch từ chân rồi đến các phần thân trên, trong khi ở những nghi lễ gở, trình tự thực hiện là ngược lại.
Khi giết gà, con gà bị đánh chín lần, cụ thể lần lượt ba lần vào đầu, ba lần ở khớp cánh và ba lần ở chân. Để khiến gà ngủm hoàn toàn, nó có thể bị siết cổ ngoại trừ việc cần máu gà ở trong một số nghi lễ, ví dụ để quệt máu lên lồng. Trong trường hợp này, gà bị đánh vào đầu đến khi chảy máu. Trong bói toán, gà phải được cắt tiết. Đầu gà sẽ không bị đánh vì Pima (người giữ gìn và truyền thừa truyền thống Akha) cần xem xét hình dáng tự nhiên của đầu gà.
Con gà hiến tế phải được hun để nhổ lông, trừ móng và mỏ vì đây là những phần dễ dàng loại bỏ. Người ta không dung nước đun sôi vì nó biểu thị nồi hơi của địa ngục và nước đang sôi sùng sục sẽ làm tổn thương thần thánh của họ.
Để mổ gà, cần rút sườn cùng với lục phủ ngữ tạng từ ức. Nếu nội tạng dính với ức, phải chọn một con gà mới.
Chỉ có gừng, muối và gạo nếp được dùng cho nấu nướng. Các gia vị khác được cho là làm thức ăn không tinh khiết và thần thánh sẽ phật lòng. Hơn nữa, khi chặt gà, không được để thịt rơi xuống đất vì sẽ không còn đúng để cúng.
Gà là một yếu tố quan trọng trong khay cúng. Ba phần chính là chân, gan và ức. Để cúng bái, năm miếng, cánh và các phần thịt khác được thêm vào. Người Akha giết gà trong ngày đầu tiên của nghi lễ.
Đối với người Akha, gà nhà có liên quan mật thiết với tổ tiên. Minh chứng rõ ràng nhất là, ví dụ, “Ya Ji Jijii Ahphew”, hay Lễ Nhổ Lông Gà diễn ra vào Tháng mưới. Nó không chỉ được tổ chức như Ngày Gia Đình của người Akha, mà còn là ngày để cúng bái linh hồn tổ tiên. Nghi lễ bắt đầu bằng thanh lọc gà với nước. Nước thiêng được giữ trên bàn thờ tổ tiên. Người đứng bếp phải đổ nước lên chân, mình và cổ gà mỗi thứ ba lần. Cánh phải được nhổ ba lần tại vách ngăn giữa nam và nữ. Sau đó, thực hiện ba lần ở cửa ra vào của nam và tiếp đến là ba lần nữa ở khu vực của nữ. Việc này được lặp lại ba lần. Sau đó người ta giết gà bằng cách đập đầu gà. Chân trái và cánh phải bị cắt ngay sau đó (một số gia đình cắt bỏ mọi phần). Họ tin rằng chân gà là cây gậy của tổ tiên đi từ trên trời xuống. Gà được làm sạch, mổ và nướng để cúng.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu còn tìm ra mối liên hệ khác giữa gà nhà và tổ tiên người Akha trong thần thoại của họ. Thần sáng thế tạo ra con người cùng với gà, đã yêu cầu người rằng hãy dùng gà để cúng tế. Gà được yêu cầu đánh thức người vào buổi sáng và đi ngủ trước người. Người và các tạo vật khác thực hiện theo gà trong việc sinh sản.
Kết luận
Gà trong Thế Giới Quan Của Người Akha được chia làm 3 loại:
Gà Rừng Đỏ: gà thuộc về thế giới linh hồn.
Loại gà này không đóng một vai trò trực tiếp trong lối sống người Akha mà chỉ phục vụ cho tiêu thụ. Nhưng nó có liên kết với gà nhà thông qua thần thoại. Đặc biệt là thần thoại Puechoh, người gọi mặt trời. Puechoh là một con gà nhà nhưng có lông đỏ, giống với màu của gà rừng đỏ.
Gà mồi: gà ở giữa thế giới con người và thế giới tâm linh.
Gà mồi là một loại gà nhà mà có kích thước, màu sắc và tiếng gáy giống với gà rừng đỏ; do đó, nó được xem là nằm giữa gà nhà (thế giới con người) và gà rừng đỏ (thế giới tâm linh), nên nó có vị thế cao hơn gà nhà.
Gà nhà: gà của thế giới con người và liên quan mật thiết với người.
Nó được dùng là trung gian giữa người và linh hồn tổ tiên của họ vì chúng được dùng trong nhiều nghi lễ tổ tiên.
Nghiên cứu về quan điểm người Akha với gà hé lộ ranh giới lệch giữa trí tưởng tượng và lãnh thổ. Thế giới tự nhiên là thế giới cộng sinh, với thần thánh, linh hồn, người, và động vật sống với nhau nhưng có ranh giới khác biệt. Bên cạnh đó, có nhiều thái độ chống lại bất cứ điều gì “sai trái và không tự nhiên” trong văn hóa Akha. Nó có thể là lý do cho cái tên “Akha”, nghĩa là “ở giữa” hoặc “trung lập”.
Mặc dù nghiên cứu này bao gồm 2 ngôi làng người Akha, nhưng nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng dữ liệu thu thập từ nghi lễ và thần thoại là giống nhau. Một vài điểm khác biệt diễn ra là từ sự khác biệt về phát âm hoặc khẩu âm của dân làng vì họ đến từ các nhóm khác nhau. Người Akha ở Thái Lan không bị cô lập. Họ luôn an cư với người La Hu. Vậy nên, nhà nghiên cứu có thể đối chiếu các nghi lễ liên quan đến gà và thái độ về các nghi lễ với các bộ lạc lân cận.
Nghiên cứu này không đưa cho chúng ta câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi: gà rừng đỏ đã trở thành gà nhà như thế nào?
Tuy nhiên, các thần thoại về gà, hay bất kỳ chủ đề liên kết gà nhà với gà rừng đỏ có thể là một manh mối để tiếp tục nghiên cứu chủ đề này.
Đối với các bộ lạc mà không có chữ viết, thần thoại rất quan trọng vì chúng là những câu chuyện thiêng liêng, được truyền miệng từ đời này đến đời khác. Hầu hết các thần thoại là các câu tụng kinh có vần điệu, được tạo ra và dùng trong nghi lễ, đặc biệt là đám tang, một nghi lễ tiễn đưa linh hồn người chết về với thế giới của tổ tiên. Các thần thoại giải thích nguồn gốc của đất, người và các sự vật khác. Có những sự thật đằng sau ngôn ngữ ẩn dụ hoặc thần thoại học – nền tảng của khoa học tự nhiên. Do đó, chúng ta có thể rút ra những kết luận sáng suốt từ các thần thoại.
Nguồn: Bài luận này là một phần trong Human – Chicken Multi-Relationships Research Project (2004-2006) – (Nghiên cứu của hoàng tử Akishino thuộc bảo trợ hoàng gia của công chúa Maha Chakri Sirindhorn). Dự án này sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành cả về Sinh học và Sinh thái, Địa lý, Kinh tế và Nhân văn.
Tác giả: Sukanya Sujachaya – Phó giáo sư, ngành tiếng Thái và Trung tâm nghiên cứu văn hóa dân gian, Khoa nghệ thuật, Đại học Chulalongkorn, và Chomnard Sitisarn – Trợ lý giáo sư, ngành Ngôn ngữ Phương đông, khoa Nghệ thuật, Đại học Chulalongkorn.
Dịch: Lê Ái, Cụt Đuôi, Hải Anh
Phụ lục
Các thần thoại người Akha từ Điền dã
Người Akha kể những thần thoại của họ trong các nghi lễ, đặc biệt là trong tang lễ, bởi Tumoh hoặc Pima. Những câu chuyện thiêng liêng được thuật lại bằng truyền thống truyền miệng. Họ bắt đầu với sự tạo ra các vị thần, thiên nhiên và cặp vợ chồng đầu tiên; sau đó đan trộn với truyện dân gian sau này.
Con gà có trước quả trứng.
Được kể bởi ông A-tu A-kher Na-nger của nhóm Baan Na Toh
Khi thế giới được tạo ra, có hai vị thần (nam thần và nữ thần). Nữ thần hay “Miyeh” sống dưới đất khiến thực vật phát triển (có thể là Mẹ Trái Đất) và chịu trách nhiệm chăm sóc tất cả sự vật có thể ăn được. Một vị thần khác “Um Yhong”, ở trên bầu trời, chịu trách nhiệm về sức khỏe, cái chết và cuộc sống tạo mưa. Người Akha tin rằng bầu trời và trái đất có thể nói chuyện với nhau, và tồn tại một bếp lò ở đường chân trời. Khi không khí lạnh gặp nhiệt, nó tạo ra mưa.
Vị nam thần (Ánh Sáng) dùng miệng thổi gió và từ đó hiện ra một con gà trống và một con gà mái trên cành cây. Vị thần dạy chúng gáy và giao phối. Ngài cho gà trống uống nước được trộn với sương thuốc để gà trống có thể giao phối với gà mái; từ đó quả trứng xuất hiện. Sau đó, vị thần đã tạo ra con người như cách ngài tạo ra gà và cho cặp vợ chồng đầu tiên mỗi người một ly. Người phụ nữ uống trước để có thể sinh con. Vào Ngày Apoe Pawlaw hoặc Ngày Thờ Cúng Tổ Tiên, người phụ nữ muốn có một ly khác. Hai chiếc ly này là sự pha trộn giữa bóng tối và ánh sáng. Người phụ nữ uống cả hai ly và một cục máu hình thành (trong bụng).
Miyeh lệnh cho người sử dụng gà trong các nghi lễ và ra lệnh cho gà gáy vào buổi sáng.
Đầu tiên, chỉ có gà, không có tạo vật nào khác kể cả con người, biết sinh sản. Vị nam thần bảo họ làm theo loài gà. Sau đó, mọi sinh vật đều biết cách sinh sản. Trong khi xem gà, mọi người đều cười; do đó, con gà cảm thấy xấu hổ đến mức chúng phải che mặt khi ngủ. Hơn nữa, thần ra lệnh cho gà thức dậy và đi ngủ trước con người, và ra lệnh cho con người làm theo gà.
Hai anh em hoặc Đi theo mặt trời
Được kể bởi ông Wuttikrai Mohpa
Ngày xưa có hai anh em nhà nọ. Người anh tên “Maw Yhue” và người em tên “Mon Yi”. Maw Yhue luôn ăn nói bỗ bã nhưng anh ta có một cây đũa thần. Khi ra ngoài ăn xin tiền, anh sẽ trở về với rất nhiều tiền. Mon Yi mặt mũi sáng sủa nhưng lại chẳng bao giờ có tiền. Một ngày nọ, người anh bị ốm, nên người em hỏi xin cây đũa phép để ra ngoài ăn xin. Maw Yhue không cho phép bởi cây gậy đã được trao cho anh từ một thiên thần. Trong khi Maw Yhue đang ngủ, người em đã lấy trộm cây đũa phép và ra ngoài ăn xin. Cuối cùng, Mon Yi đã nhận được rất nhiều thứ nhưng anh quá sợ hãi để trả lại cây đũa phép cho anh trai nên anh ấy đã đặt cây đũa phép ở lại Lok Kong (Cổng làng). Khi Maw Yhue bình phục, anh không nhìn thấy cây đũa phép đâu. Anh hỏi em trai mình về cây đũa phép nhưng anh không nhận được câu trả lời nào. Cuối cùng, anh đã tìm thấy nó ở Lok Kong nhưng nó đã trở thành một cái cây lớn mà sau đó vươn lên và che phủ mặt trời và mặt trăng. Cây này được đặt tên là “Sidza” (giống như cây đa).
Sidza tiếp tục vươn lên cho đến khi nó bao phủ ánh sáng của mặt trời và mặt trăng. Bayi (người thợ rèn, một trong những người đứng đầu quan trọng của làng Khakha) không thể làm việc nổi, vì vậy anh đã sai người tìm hiểu xem cái cây lớn như thế nào. Một con hươu thử đầu tiên nhưng đã chết trước khi hoàn thành một vòng leo cây. Sau đó, một con vượn đã cố gắng trèo lên ngọn cây nhưng cuộc đời của nó còn ngắn ngủi hơn chiều cao của cây. Người Akha và Abue (người vùng trung du) đã phải giúp đỡ lẫn nhau. Trong khi người Akha đang chặt cây, người Abue gửi thức ăn cho họ. Người Akha đã ở bên trong gốc cây trong 7 ngày để chặt cây cho đến khi chỉ còn lại một gốc cây nhỏ, nhưng cái cây không đổ.
Một con chim Pootan có thân màu xanh lá cây và mỏ có màu đỏ, được gọi là “Tong Joh Loh” trong tiếng Akha, đến và bảo người Akha đẩy cây sang bên trái. Mọi người cảm thấy khó chịu và ném một mảnh gỗ vào chim Pootan. Đó là lý do tại sao ngày nay loài chim này có mỏ và trán màu đỏ. Dù thế nào thì, mọi người cũng làm theo hướng dẫn của con chim và có thể đốn ngã cây.
Cái cây khổng lồ này có 66 rễ. Khi cây đổ, người Akha bảo người Abue chạy về phía nam, do đó 66.000 người Abue đã chết và chỉ còn 6 người sống sót. Người Akha chạy về phía bắc nên có 6 người chết và 66,000 người sống.
Không có Sidza, mặt trời rất nóng nực trong ngày hôm đó. Trời nóng đến nỗi tảng đá sắp vỡ tung. Vào ban đêm, mặt trăng mọc và cây khô héo. Sau đó, con người đi tìm ai đó để bắn hạ mặt trời và mặt trăng. Người Akha đã chặt cây khổng lồ thành 3 phần. Phần đầu tiên biến thành một người đàn ông, phần thứ hai biến thành cung tên, và phần cuối cùng là mũi tên. Người đàn ông đã bắn hạ tất cả 12 mặt trời và 12 mặt trăng khiến mọi mặt trời và mặt trăng rơi xuống nước. Bóng tối tràn đến. Do đó, ai đó phải gọi lại mặt trời và mặt trăng, nhưng họ không tìm thấy gì ngoài một con gà. Con gà đã được giao nhiệm vụ này. Vì vậy, gà phải nhìn thấy mặt trời trước và gáy để nói với mọi người.
Câu chuyện thần thoại này được tụng kinh trong đám tang của một người bị chết đuối. Trong buổi lễ, phải có một con gà để gọi lại khwan (linh hồn) của người chết đuối, theo thần thoại.
Con gà gọi Mặt trời
Được kể bởi ông Wuttikrai Mohpa
Có lần một con gà rừng đỏ và một con gà nhà tranh nhau gọi mặt trời. Cả hai đã gáy rất nhiều nhưng mặt trời vẫn không mọc. Cuối cùng, chúng đến tìm Puechoh, con gà đầu tiên của người Akha. Puechoh có quyền lực. Có thể nghe thấy một cái vỗ cánh của nó ở tất cả 7 tầng mây vì phần trên của chân nó (Pa oh leo pa) có 3 bùa chú bên trong và có 3 bùa chú bên trong cổ họng để làm cho tiếng gáy của nó hay. Khi Puechoh gáy, mặt trời mọc, mang ánh sáng trở lại thế gian một lần nữa.
Thần thoại này được tụng kinh bởi Tumoh hoặc Pima trong các nghi thức Latu (cầu nguyện để xua đuổi vận xui). Người Akha tin rằng khi cái cây khổng lồ mọc lớn và che khuất mặt trời, họ không thể tổ chức bất kỳ nghi thức nào. Con gà gọi mặt trời trở lại, vì vậy con gà quan trọng hơn bất kỳ động vật nào khác. Con gà nhìn thấy mặt trời trước những sinh vật khác. Con gà bắt đầu gáy lúc ba giờ sáng vì nó có thể nghe thấy mặt trời đang mở U-Shukoh (cửa nhà được làm bằng tre).
Umyae đã tạo ra Cánh gà.
Được kể bởi ông Wuttikrai Mohpa
Mon Yi, tổ tiên người Akha, có 8-9 người con. Ông lệnh cho mỗi đứa con tạo ra thiên nhiên. Một người tên là Umyae nói rằng anh ta sẽ dựng đôi cánh trong bốn năm. Sau khi hoàn thành, anh đã tạo ra một cặp gà nhà. Chúng có màu đỏ. Con gà trống được đặt tên là Puechoh. Những con gà này được tạo ra cho con người. Anh không tạo ra gà rừng đỏ vì gà rừng đỏ thuộc về các linh hồn. Umyae đã cho Puechoh đôi cánh. Puechow sau đó trở thành “Om-oh” (loài chim thần thoại giống Garuda) và rời khỏi con người để bay lên trời.
Từ thần thoại này, người Akha tin rằng gà nhà xuất thân từ gà rừng đỏ.
Người con rể phản bội
Được kể bởi ông Wuttikrai Mohpa
Có một câu chuyện về người Akha khi họ ở Yadae, quê hương của người Akha (được cho là xung quanh vùng Sib Song Panna). Có một cái cây khổng lồ tên là “Sizda” ngăn cản mọi người gặp nhau. Một cô gái Akha có người yêu đến từ một bộ lạc khác. Chàng đã cố gắng gửi lời của mình bằng cách đặt nó vào bên trong một đoạn tre và thả nó xuống suối. Cuối cùng, họ đã kết hôn. Người con rể hay “người Ahbue” đã phản bội người Akha bằng cách gửi thông điệp tấn công Akha. Họ thách đấu người Akha 3 thứ. Đầu tiên, họ thi bắn tên vào một vách đá.
Con rể người Abue rất nhạy bén. Anh ta bôi nhựa chuối lên mũi tên để tên có thể dính vào vách đá. Cuối cùng, họ cạnh tranh bằng cách mang lửa đến thị trấn qua một con kênh (mương tưới tiêu) mà không làm tắt lửa. Người Akha sử dụng gỗ Kia (cây thông) đang cháy nhưng ngọn lửa đã tắt khi chạm vào nước. Người Abue đã sử dụng phân trâu khô làm mồi đốt gỗ Kia và họ đã giành chiến thắng trong cuộc thi vì ngọn lửa không tắt. Vì vậy, họ có thể lấy đất nông nghiệp ở đồng bằng từ người Akha. Do đó, người Akha không có đất nông nghiệp ở đồng bằng và phải di dời lên vùng cao.
Trong câu chuyện này, Abue có thể là nhóm người Mon-Khmer hoặc nhóm người Thái, những người từ Đồng bằng đã xâm chiếm vùng đất của người Akha bản địa.
Nguồn tham khảo
Kraisit Sitthichodok. 2000. Rites, Ceremonies, and Culture of the Akha in 12 Months. The Association of Culture and Education of the Akha, Chiang Rai.
Jitra Pumisak. 1976. The Origin of Siam, Thai, Laos, and Khom, and Social Character of the Names of Races. Bangkok: Foundation of Socials and Humanities Text Books.
Benjawan Wongkhum.(editor). 2003. Akha, Rites, Beliefs, Truths, and Beauty … Meritorious Policy to Preserve Tribe Lifestyles. Experience Research from the Area, Vol. 8. Chiang Mai.
Panadda Boonnasaranai. 1999. Revival and Creation of Tribal Identification of the Akha in Thailand and Other Neighbouring Countries. In Rhetorical Identification, ed. 192-193. Bangkok: Princess Maha Chakri Sirindhorn Anthropology Center.
Smith, Herbert Warington. 2001. Five Years in Siam, Vol. 1 (Sawalak Keechanon-translator) Bangkok: Fine Arts Department.
Interview with the Leader of the Akha in Baan Natoh, Baan Huay Kra, Mae Fah Luang District, Chiang Rai (August 2004 – February, 2005)
Interview with Ahjarn Wuttikrai Mohpa and the Akha Villagers of Baan Huay Keelek Mae Suai District, Chiang Rai (October – December, 2004).