Tư duy kinh tế đúng đắn là yếu tố sống còn cho một tương lai thịnh vượng.
Kinh tế học là nghiên cứu về hành động của con người – những lựa chọn mà con người đưa ra trong một thế giới khan hiếm. Sự khan hiếm có nghĩa là mọi người có nhu cầu vô hạn nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới có nguồn lực hạn chế. Vì thực tế này, mọi người phải đưa ra lựa chọn, và lựa chọn bao hàm sự đánh đổi. Những lựa chọn mà mọi người đưa ra bị ảnh hưởng bởi những thúc đẩy mà họ gặp phải và những thúc đẩy đó được hình thành bởi các thể chế – luật chơi – theo đó mọi người sống và tương tác với những người khác.
Quỹ Giáo dục Kinh tế – FEE đã xuất bản một số bài tiểu luận xuất sắc về lối tư duy kinh tế và các khái niệm cơ bản (ví dụ “Lối tư duy kinh tế” của Ronald Nash và “Kinh tế học cho Công dân” của Walter E. Williams).
Trong bài tiểu luận này, tôi sẽ giải thích tám ý tưởng và đưa ra các ví dụ về lối tư duy kinh tế.
1. TANSTAAFL (Không có bữa trưa nào miễn phí): Biết sự khác biệt giữa giá cả và chi phí
Chúng ta thường nghe về một số quốc gia tuyệt vời như thế nào vì họ cung cấp dịch vụ “chăm sóc sức khỏe miễn phí” hoặc “giáo dục miễn phí”. Nhiều người cũng sẽ nói “Tôi nhận miễn phí” vì họ không trả bằng tiền.
Lỗi nằm ở việc không hiểu sự khác biệt giữa giá cả và chi phí. Ví dụ, mọi người thường nói, “Ly cà phê Starbucks làm tôi chi 5 USD” hoặc “Vé xem phim làm tôi trả 15 USD”. Chi phí trong kinh tế học có nghĩa là những gì bạn từ bỏ hoặc hy sinh. Trong những ví dụ này, giá cả là 5 USD và 15 USD. Nhưng chi phí của ly latte có lẽ là chiếc bánh sandwich mà một người có thể mua với cùng 5 USD đó, và chi phí của bộ phim có lẽ là ba ly latte mà một người có thể mua với cùng 15 USD đó.
Dán nhãn chăm sóc sức khỏe và giáo dục là “miễn phí” không chỉ sai – (bởi) “không có bữa trưa miễn phí trên đời”- mà nó còn gây hiểu lầm. Như giáo sư cũ của tôi, Walter E. Williams, đã nói: “Trừ khi bạn tin vào Ông già Noel hay Tiên Răng, còn không thì tiền phải đến từ một nơi nào đó”. Bạn có thể không nhận được hóa đơn y tế ở những quốc gia đó nhưng bạn đã lấy nhiều hơn từ tiền lương của mình (ví dụ: tiền để trả thuế) và bạn có thể phải đợi lâu hơn để được kiểm tra y tế hoặc phẫu thuật “nhỏ” (theo quan điểm của giới quan chức). Bạn trả bằng tiền hoặc thời gian, nhưng dù bằng cách nào, bạn cũng vẫn phải trả! Thuế cũng được sử dụng để trả cho các trường học công lập, đây là một ví dụ khác về cách mọi người gọi một thứ gì đó là “miễn phí” trong khi thực tế không phải vậy.
Có sự khác biệt giữa giá cả bằng không và chi phí bằng không. Có thể có giá bằng không (0 USD), nhưng không bao giờ có chi phí bằng không. Do đó, hãy thôi chửi thề!
2. Hành động quan trọng hơn lời nói
“Hành động vẫn tốt hơn lời nói” là một thành ngữ nổi tiếng. Con người hành động, và hành động lựa chọn cho chúng ta biết điều gì đó. Hãy xem xét ví dụ sau: Một người bước vào cửa hàng Apple và nhìn thấy giá của chiếc iPhone mới nhất và giận dữ lẩm bẩm: “Thật là một sự lừa đảo” nhưng người đó vẫn tiếp tục mua chiếc điện thoại.
Khi một người tự nguyện làm điều gì đó, nó thể hiện sở thích thực sự của họ vào thời điểm đó. Giả sử rằng các cá nhân có tư lợi và sẽ cân nhắc trước (nhìn trước) một cách chủ quan chi phí và lợi ích của một hành động, đồng thời cũng cho rằng việc có tài sản riêng của bên khác (ví dụ: iPhone của Apple) không phải là một quyền, thì khi một người bước vào cửa hàng Apple và mua chiếc iPhone mới, rõ ràng là người đó mong đợi sẽ hạnh phúc hơn theo một cách nào đó vào thời điểm đó. Nói Apple “đã lợi dụng” sự sẵn lòng của khách hàng là vô nghĩa vì Apple, hay bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào, không thể ép buộc mọi người mua sản phẩm của họ. Nói là một chuyện, nhưng bằng chứng nằm trong hành động lựa chọn.
3. Ngụy biện chi phí chìm: Đừng khóc vì sữa đã bị đổ
“Đừng khóc vì sữa đa bị đổ” có nghĩa sự đã xong là xong rồi. Chi phí duy nhất nên có trong quá trình ra quyết định của chúng ta là chi phí cơ hội tương lai. Chi phí trong quá khứ là chi phí “chìm”. Ví dụ điển hình giải thích ngụy biện chi phí chìm là ví dụ về phim. Bạn chi 15 USD để xem một bộ phim và sau một giờ xem phim dài ba tiếng này, bạn nhận ra rằng nó thật kinh khủng và sẽ chỉ trở nên tệ hơn mà thôi. Tuy nhiên, cảm giác của bạn là bạn nên ở lại và cho đáng với đồng tiền bỏ ra. Đó là tư duy kinh tế tồi. 15 USD đã đi rồi, vì vậy đừng lãng phí thời gian quý báu của bạn trong hai giờ tới – hãy đứng dậy và rời đi thôi.
Hầu hết chúng ta đều biết những người đã (đang) có một mối quan hệ kinh khủng hoặc hẹn hò với nhầm người (có lẽ điều này áp dụng cho bạn). Nhưng cảm giác “Tôi đã trải qua hai năm cuộc đời với người này rồi” có thể dẫn đến một quyết định dở. Nhiều người kết hôn với người đó để biện minh cho việc đầu tư thời gian.
Không có ý xúc phạm Beyoncé, nhưng nếu bạn thích mình thì có lẽ đừng để người ấy “cầu hôn”! Đừng để mất hai năm thời gian quý báu sắp tới. Thà độc thân còn hơn có một mối quan hệ tồi tệ (nhưng đó là dành cho một bài luận khác).
*”cầu hôn” (put a ring on it) xuất hiện trong bài hát Single Ladies của Beyoncé.
4. Đánh đổi: Học cách suy nghĩ cận biên
Mức độ ô nhiễm tối ưu hoặc hiệu quả không phải bằng không. Số ca tử vong do tai nạn giao thông hoặc chấn thương thể thao tối ưu cũng có thể không bằng không. Số người bị nhiễm vi-rút tối ưu không phải là con số không. Mức độ an toàn tối ưu không phải là mức độ an toàn hoàn hảo. Điều này nghe có vẻ lạ hoặc khắc nghiệt đúng không? Chà, nếu bạn muốn thực hiện một chuyến đi xuyên quốc gia chứ không phải đi bộ hoặc đi xe đạp, hoặc nếu bạn muốn chơi hoặc xem thể thao, và nếu bạn muốn tương tác về mặt thể chất với người khác, thì hiển nhiên rằng mức độ tối ưu của ô nhiễm, tử vong, thương tích và những người bị nhiễm vi-rút thực sự lớn hơn không. Mức độ an toàn tối ưu thấp hơn mức an toàn hoàn hảo. Không có gì là miễn phí kể cả an toàn hơn – sự đánh đổi luôn liên quan vì luôn có chi phí cơ hội khi chúng ta làm một việc gì đó, ngay cả những việc như du lịch, chơi thể thao hoặc tương tác với người khác.
Việc ra quyết định gia tăng là điều mà các nhà kinh tế học gọi là tư duy cận biên. Cận biên có nghĩa là một đơn vị được thêm vào. Mỗi khi chúng ta đưa ra quyết định, giống như chúng ta đang tính toán lợi ích cận biên (lợi ích của việc thêm một đơn vị) và chi phí cận biên (những gì sẽ phải từ bỏ để có thêm một đơn vị) của hành động. Lối suy nghĩ kinh tế cho rằng một việc gì đó nên được thực hiện cho đến khi lợi ích cận biên (MB) bằng với chi phí cận biên (MC). Ngoài ra còn có một khái niệm được gọi là quy luật tiện ích cận biên giảm dần – mỗi đơn vị bổ sung mang lại ít tiện ích hoặc lợi ích hơn.
Chúng ta muốn không khí trong lành để mắt không bị cay khi ra ngoài và phổi không bị thương tổn khi hít thở. Tuy nhiên, nếu mong muốn không khí hoàn toàn trong lành, điều này có nghĩa là không còn ô tô, không máy bay, không thuyền, không tàu và không tàu hỏa (một số người thực sự mong muốn tình huống này, ít nhất là về mặt lý thuyết). Việc này sẽ gây ra những chi phí to lớn cho xã hội.
Hãy nhìn nó theo một cách khác. Nếu tôi búng tay và làm cho Thái Bình Dương hoàn toàn sạch sẽ nhưng sau đó nhỏ một giọt dầu ở đâu đó trong đại dương mà những người khác không hề hay biết, thì liệu có đáng để bỏ tiền, thời gian và các nguồn lực khác để săn lùng một giọt dầu đó không? Lợi ích cận biên của việc tìm và loại bỏ một giọt dầu trong hàng triệu tỷ gallon nước sẽ thấp hơn chi phí cận biên. Nói một cách dễ hiểu, nó không đáng. Một lần nữa, mức độ ô nhiễm tối ưu là một con số, không phải bằng không.
Khi đề cập đến việc học tập, tập luyện một môn thể thao hoặc nhạc cụ hoặc hẹn hò với ai đó trước khi kết hôn với họ, bạn có thể nghĩ: “Càng nhiều thời gian càng tốt”. Tôi là người theo nghĩa đen nên nếu tôi nói với học sinh của mình “Càng học càng tốt”, điều này có nghĩa là họ sẽ không bao giờ ăn, uống, ngủ hay dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Nhưng lẽ thường nói rằng sau khi học trong một khoảng thời gian nhất định, hầu hết sinh viên sẽ nói, “Em hiểu rồi” hoặc đơn giản là “đã đến lúc tiếp tục (sang chủ đề khác)”. Tại sao lãng phí nhiều thời gian học tập?
Ngoài ra, nếu bạn đang ở thời điểm cân nhắc kết hôn, thì mục đích của việc hẹn hò là thu thập thông tin về đối phương để bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Cuối cùng, bạn sẽ có đủ thông tin để cầu hôn, chấp nhận lời cầu hôn hoặc chia tay với người này. Khi tôi cầu hôn vợ mình, tôi không có thông tin hoàn hảo về cô ấy, nhưng thông tin của tôi thì đủ tốt. Chắc chắn, thêm một tháng hẹn hò sẽ mang lại cho tôi một số lợi ích cận biên về mặt thông tin bổ sung về cô ấy, nhưng tôi đã đạt đến điểm mà tôi có đủ thông tin – khi MB=MC.
“Đủ tốt là đủ tốt” là ý nghĩa của các nhà kinh tế khi làm một việc gì đó cho đến khi lợi ích cận biên bằng với chi phí cận biên. Quy tắc MB=MC ngụ ý rằng suy nghĩ “càng nhiều càng tốt” không phải là tối ưu. Một viên aspirin trong lọ có thể giúp bạn đỡ đau đầu nhưng thật nguy hiểm khi nghĩ rằng: “Chà, nếu một viên tốt thì uống cả lọ còn tốt hơn”. Vâng, cơn đau đầu của bạn sẽ biến mất nhưng bạn cũng vậy.
5. Lợi thế so sánh: Khả năng làm điều gì đó không có nghĩa là một người nên làm
Trong một lớp kinh tế tiêu chuẩn, sinh viên được dạy về lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh. Cái trước có nghĩa là có thể sản xuất nhiều hơn bên khác với cùng một lượng tài nguyên hoặc sử dụng ít tài nguyên hơn để tạo ra một đầu ra. Cái sau có nghĩa là có thể làm điều gì đó với chi phí cơ hội thấp hơn so với bên khác.
Bởi vì luôn có chi phí cơ hội khi làm một việc gì đó, đôi khi việc trả tiền cho người khác để làm việc gì đó sẽ có lợi hơn ngay cả khi chúng ta có kiến thức và kỹ năng để tự mình làm việc đó. Điều này cũng ứng dụng cho chính sách thương mại. Chỉ vì Mỹ (thực tế là các cá nhân ở Mỹ) có thể sản xuất một số sản phẩm nhất định không có nghĩa là chúng ta nên làm như vậy. Sẽ không sao nếu không phải mọi thứ chúng ta mua đều ghi “Sản xuất tại Mỹ” bởi vì nếu chính phủ cố gắng “bảo vệ việc làm của người Mỹ” và bắt đầu áp đặt thuế quan và hạn ngạch, thì chúng ta không thực sự cứu được việc làm của người Mỹ. Sẽ đúng hơn khi nói rằng chúng ta đang tiết kiệm những công việc cụ thể bằng chi phí cho những công việc khác của người Mỹ. Tất nhiên, chính trị tốt và kinh tế tốt thường đi theo những hướng khác nhau.
6. Cung và cầu: Tìm hiểu cách vận hành của giá cả
Khiếu nại việc các doanh nghiệp có thể tính phí “bất cứ điều gì họ muốn” là vô nghĩa. Ví dụ, tại sao các rạp chiếu phim chỉ tính 8 USD cho bỏng ngô mà không phải 8.000 USD hoặc 8.000.000 USD nếu họ có thể tính bất cứ thứ gì họ muốn? Có hai mặt đối với một giao dịch trên thị trường và chính sự tương tác giữa người bán và người mua này sẽ quyết định giá cả. Điều thú vị là nhiều khi chính những người phàn nàn lại là những người gây ồn ào khi ăn bỏng ngô trong suốt bộ phim.
7. Ngụy biện về chiếc bánh cố định: Trao đổi tự nguyện là đôi bên cùng có lợi để tạo ra chiếc bánh lớn hơn
Các doanh nhân trở nên giàu có nếu họ tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại giá trị cho nhiều người. Trừ khi các doanh nhân nhận được đặc quyền đặc biệt từ chính phủ, thì họ đã không mạnh mẽ lấy tiền từ khách hàng của họ.
Sự tức giận nhắm vào “người giàu” dựa trên ngụy biện khi cho rằng nền kinh tế là một chiếc bánh có kích thước cố định. Nói cách khác, những người chỉ trích “người giàu bẩn thỉu” tin rằng họ đã lấy một miếng quá lớn, để lại ít miếng bánh hơn cho những người bình thường còn lại như chúng ta. Thực tế là những doanh nhân này đã nướng một chiếc bánh lớn hơn. Họ được lợi, nhưng chúng ta cũng vậy!
Trong một giao dịch kinh doanh, trao đổi là tự nguyện và thương mại tự nguyện là một tình huống đôi bên cùng có lợi. Doanh nhân hưởng lợi (cũng như những nhân viên mà họ thuê) và khách hàng cũng hưởng lợi.
8. Ngụy biện ý định tốt: Đừng quên những chi phí vô hình
Ý định và kết quả không phải lúc nào cũng giống nhau. Lối tư duy kinh tế dạy chúng ta xem xét những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra từ hành động của chính chúng ta hoặc hành động của các chính trị gia. Chỉ vì điều gì đó nghe có vẻ tốt hoặc cảm thấy đúng không có nghĩa là sẽ đạt được một mục tiêu nhất định. Trên thực tế, chính vấn đề đang được giải quyết có thể trở nên tồi tệ hơn.
Tư duy kinh tế đúng đắn cũng loại bỏ những điều mù quáng của một người. Tác động của một chính sách đối với tất cả các nhóm đều được xem xét, không chỉ một nhóm. Điều này giúp các cá nhân nhìn thấu tuyên bố của các chính trị gia rằng một chính sách sẽ bảo vệ việc làm của người Mỹ trong khi trên thực tế, chỉ một số nhóm lợi ích đặc biệt sẽ được hưởng lợi bằng chi phí của những người Mỹ khác. Khi các chính trị gia sung công tiền (tức là tiền thuế) để xây dựng các sân vận động thể thao với lập luận “nó sẽ tạo ra việc làm”, sai lầm là tập trung vào những công việc nhìn thấy được và bỏ qua những thứ không nhìn thấy được – chi phí cơ hội của những đồng tiền thuế đó.
Kết luận
Còn rất nhiều điều để nói về chủ đề kinh tế học này và còn rất nhiều ví dụ khác về lối tư duy kinh tế mà tôi có thể đưa vào. Một số trong đó mô tả kinh tế học như bình thường được áp dụng; tuy nhiên, kinh tế học cũng cho chúng ta những hiểu biết trái ngược với trực giác.
Đó là sức mạnh và vẻ đẹp của kinh tế học.
Nguồn: Ninos P. Malek – FEE
Dịch: Hải Anh