Tại sao thảo luận về một vấn đề rất quan trọng đối với hạnh phúc lâu dài của chúng ta lại bị coi là bất lịch sự?
Các ý quan trọng trong bài
- Nói về tiền – đặc biệt là thu nhập – được coi là điều cấm kỵ ở nhiều nền văn hóa.
- Nhưng xét tầm quan trọng của tiền trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có rất ít lý do chính đáng khiến tiền không nên là chủ đề thảo luận.
- Bạn thường nói về tiền như thế nào? Bạn đang bỏ lỡ điều gì nếu bạn không nói về tiền? Có lẽ đã đến lúc triển khai thảo luận về tiền.
Nếu bạn nghĩ về tất cả những người bạn thân nhất và gia đình của mình, bạn biết lương của bao nhiêu người? Trong số những người này – những người biết bí mật của bạn, những người đã chứng kiến bạn trong giờ phút đen tối nhất – có bao nhiêu người trong số họ biết bạn kiếm được bao nhiêu?
Chỉ một phần ba cặp vợ chồng ở Mỹ có thể đưa ra chính xác số tiền mà mỗi người kiếm được, trong khi tỷ lệ 15% thấp đến kinh ngạc số cặp có thể giải thích tình trạng việc làm của đối phương. Nhiều người trong chúng ta thấy ý tưởng nói về tăng lương, giá nhà, tiền tiết kiệm hoặc thang lương là điều khó chịu, nếu không muốn nói là xúc phạm. Cùng với tình dục, tôn giáo và chính trị, việc nói về tài chính bị xáo trộn dưới tấm thảm giả tạo xã hội, ẩn sau những tiếng ho và nụ cười ngượng nghịu.
Nhưng tại sao nói về tiền lại là một điều cấm kỵ như vậy? Và cách mọi người tiếp cận để thảo luận tất tần tật mọi thứ về tiền bạc khác nhau thế nào?
Việc tạo ra một điều cấm kỵ
Để hiểu cách mọi người tiếp cận khi nói về tiền bạc khác nhau thế nào, chúng ta nên xem xét kỹ hơn cách những điều cấm kỵ được tạo ra. Những điều cấm kỵ là những khu vực xã hội cấm đi vào và những điều không thể chạm tới trong cuộc trò chuyện.
Nền văn hóa mà chúng ta thuộc về mang lại cho chúng ta những giá trị và niềm tin của chúng ta. Đó là thứ cho chúng ta biết rằng gia đình, lòng trung thành, niềm tự hào dân tộc, lòng tốt, sự cạnh tranh hoặc thành công tài chính là những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Những niềm tin văn hóa này tạo thành cơ sở cho các chuẩn mực xã hội và các hành vi được chấp nhận. Nếu chủ nghĩa dân tộc là một phẩm hạnh đáng trân trọng, thì việc đốt cờ là một điều cấm kỵ. Nếu gia đình là trung tâm của cuộc sống, thì sẽ có áp lực xã hội rất lớn về chăm sóc cha mẹ bạn khi họ già đi. Theo thời gian, một số chủ đề trò chuyện mà vi phạm hoặc thách thức các chuẩn mực xã hội trở thành điều cấm kỵ.
Như Chaim Fershtman đã viết trong một bài báo cho Tạp chí Kinh tế Hoa Kỳ, “Lập luận nhân chủng học điển hình là nguồn gốc của những điều cấm kỵ là kinh nghiệm văn hóa. […] Mỗi khi hành vi của một cá nhân khác với chuẩn mực, hành động này sẽ tác động đến các thành viên khác trong xã hội, những người sau đó sẽ trừng phạt cá nhân lệch lạc. […] Những điều cấm kỵ được thi hành bằng hình phạt xã hội”.
Hình phạt đó thường có hình thức tẩy chay. Hãy tưởng tượng bạn đang ở một bữa tiệc. Đó là một kiểu tiệc trân trọng, với đồ ăn nhẹ và một nghệ sĩ dương cầm ở phía sau. Mọi người đang vui vẻ nói về thời tiết hay bữa tiệc được trang hoàng tuyệt vời thế nào. Đột nhiên, bạn chen ngang (một điều cấm kỵ khác) và nói: “Vợ chồng anh có chung chăn gối tối qua không? Mọi chuyện suôn sẻ chứ?” Trong sự im lặng và trố mắt của mọi người, bạn quyết định tăng gấp đôi. “Chiếc đồng hồ đó trông cực kỳ đắt tiền, bạn kiếm được bao nhiêu vậy? Bạn phải thu nhập một triệu một năm chứ nhỉ?”
Chuyện diễn ra tiếp theo là tẩy chay. Mọi người có thể sẽ rời xa bạn để nói chuyện với người khác, hoặc họ có thể cười ngượng nghịu và thay đổi chủ đề cuộc trò chuyện – khiến bạn không thể tiếp tục. Hoặc thậm chí quyết liệt hơn, đơn giản là họ sẽ ngừng mời bạn tham gia các bữa tiệc, có thể là cả đối phương của bạn nữa. Ai muốn mời kẻ lập dị luôn nói về những vấn đề riêng tư như đời sống tình dục và thang lương chứ?
Tôi đáng giá hơn bạn
Vậy lý do của việc cấm nói về tiền bạc là gì? Một lời giải thích là niềm tin (đúng hay sai) rằng của cải tương đương với giá trị. Ý tưởng là chúng ta càng kiếm được nhiều tiền, chúng ta càng tốt hơn hoặc quan trọng hơn. Vì vậy, hỏi ai đó họ kiếm được bao nhiêu từ công việc của họ cũng giống như hỏi họ địa vị xã hội của họ là gì. Nếu tôi kiếm được nhiều tiền hơn bạn, tôi phải giỏi hơn bạn.
Trên khắp Scandinavia, có một thuật ngữ Bắc Âu được sử dụng phổ biến được gọi là Jantelagen. Từ này (thực ra được đặt ra lần đầu tiên bởi tác giả Aksel Sandemose) được dùng phổ biến ở nhiều nơi thuộc Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch. Ý tưởng là bạn không bao giờ nên thấy mình giỏi hơn bất kỳ ai khác và thật sai lầm khi đặt mình vào vị trí mà bạn có thể bị coi là như vậy. Như vậy, các xã hội Scandinavia rất riêng tư trong thái độ của họ đối với sự giàu có và tiền bạc.
Một giả thuyết khác là nói về tiền lương và sự giàu có giúp xoa dịu mọi bất bình mà chúng ta có thể có với hệ thống. Trong một bài viết cho The Atlantic về lý do tại sao người Mỹ không nói về tiền bạc, nhà văn Joe Pinsker chia sẻ:
“…những điều cấm kỵ về tiền bạc – giữa người có và người không có đều giống nhau – tạo ra một loại lực ổn định, làm mờ đi số tiền thực sự mà mọi người có và khiến họ có ít lý do hơn để khó chịu với vị trí của mình trong xã hội”.
Bởi vì bất bình đẳng là một nguồn tạo ra xung đột xã hội và cá nhân lớn, các xã hội đã phát triển các chiến lược để che giấu hoặc bỏ qua những bất bình đẳng đó ngay từ đầu, đó là: Đừng nói về tiền!
Pinkser và người Thụy Điển có thể đang làm gì đó. Rất nhiều cảm giác khó chịu khi nói về tiền bạc gắn liền với cảm giác tội lỗi – lương tâm cắn rứt rằng bạn có thể đang sống một cuộc sống dễ dàng hơn người khác. Vì vậy, nói về tiền bạc có thể khiến tất cả chúng ta cảm thấy không thoải mái, đặc biệt là khi những khác biệt đó quá rõ ràng. Mọi người có thể cảm thấy lúng túng khi nói về bể bơi mới của họ khi đồng nghiệp của họ làm việc hai ca để nuôi cả gia đình.
Tôi thực sự không ngại nói về nó
Những điều cấm kỵ rất nhạy cảm với bối cảnh — chúng thay đổi từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác và từ người này sang người khác. Việc nói về tiền cũng không ngoại lệ.
Mặc dù phần lớn các quốc gia có một số cấm kỵ xã hội khi nói về tiền bạc, nhưng nó không có nghĩa là các cấm kỵ đó mang tính phổ quát. Ví dụ, ở Trung Quốc, việc nói về tiền lương, tiền thuê nhà và hóa đơn với bạn bè thường được coi là bình thường hơn nhiều. Tiền bạc không được coi là một bí mật để mình nói với giọng ngượng ngùng, im lặng – đó là một phần tự nhiên, vui vẻ của cuộc sống. Trên thực tế, một trong những món quà phổ biến nhất để tặng cho trẻ em là “lì xì đỏ” – một hầu bao dày dặn tiền mặt. Triết học và văn hóa Trung Quốc chưa bao giờ có cùng thái độ “của cải làm hư hỏng tâm hồn bạn” mà nhiều người trong truyền thống Cơ đốc giáo đã quen thuộc. Ví dụ, trong Luận ngữ của Khổng Tử, tiền bạc hoặc sự thịnh vượng được coi trọng – mặc dù nó phải luôn đến từ một nguồn cao quý và có uy tín.
Trên toàn thế giới, giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp cũng có sự khác biệt đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng nói về tiền bạc. Như Pinsker đã viết, “Trong khi đó, trong các cộng đồng của tầng lớp lao động, cấm kỵ về tiền bạc có thể mỏng manh hơn”. Trích dẫn nghiên cứu được thực hiện bởi Jennifer Silva tại Đại học Indiana (Mỹ), Pinsker lưu ý cách các cộng đồng thuộc tầng lớp lao động “không ngần ngại tiết lộ cụ thể về thu nhập, tiền thuê nhà hoặc chi tiêu của họ”. Họ có xu hướng khá sẵn lòng thảo luận về những khó khăn khi sống bằng ngân sách và hỗ trợ gia đình với mức lương tối thiểu.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Intuit Inc. (công ty phần mềm kinh doanh của Mỹ), mức độ sẵn sàng thảo luận về tiền bạc của mọi người thay đổi theo độ tuổi. Nghiên cứu cho thấy 71% số người trả lời ở độ tuổi 20 hoặc đầu 30 cảm thấy thoải mái khi nói chuyện về tiền bạc với bạn bè. So sánh với chỉ 31% của thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh (Baby Boomer), những người đang hoặc sắp đến tuổi nghỉ hưu. Có vẻ như bạn càng lớn tuổi, bạn càng không thoải mái khi nói về tiền bạc.
Nói về tiền nhiều hơn
Được gì và mất gì khi cởi mở hơn trong chuyện nói về tiền bạc? Có một số bằng chứng cho thấy rằng chúng ta càng ít nói về tiền, chúng ta càng trở nên tồi tệ. Như tạp chí khoa học của Mỹ Scientific American đã lưu ý, nói chuyện về tiền bạc với vợ/chồng của bạn để đưa ra quyết định chung “dẫn đến ít rủi ro tài chính hơn” và có thể khiến bạn “ít bị ảnh hưởng bởi các thành kiến hành vi chẳng hạn như hiệu ứng đóng khung tâm lý”.
Nhưng có một vấn đề xã hội lớn hơn cũng có thể liên quan đến việc không nói về tiền bạc: trao quá nhiều quyền lực cho các tập đoàn và người sử dụng lao động. Như Kate Morgan đã viết cho BBC, “Các công ty có động lực khuyến khích việc giữ bí mật tiền lương, dù ngấm ngầm hay công khai, vì điều đó thường giúp họ tiết kiệm tiền”.
Khi bạn không biết mức lương khởi điểm tốt là bao nhiêu, bạn sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn nhiều so với mức bạn nên chấp nhận. Nếu bạn không biết rằng đồng nghiệp của mình đang kiếm được gấp đôi bạn, thì bạn sẽ ít có khả năng yêu cầu tăng lương. Nếu bạn không biết rằng những người khác thường xuyên nhận được tiền thưởng, thì bạn thậm chí còn không biết mình đang bỏ lỡ điều gì.
Bí mật trả lương thường là một màn khói mà đằng sau nó là che giấu sự chênh lệch lương có tính phân biệt đối xử nguy hiểm hơn. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy mức độ minh bạch cao hơn sẽ làm giảm khoảng cách tiền lương theo giới tính như thế nào. Như nghiên cứu đã chỉ ra, minh bạch về tiền lương “làm giảm khoảng cách tiền lương theo giới tính giữa nam và nữ khoảng 20 đến 40%”. Có vẻ như việc không nói về tiền mang lại lợi ích cho người sử dụng lao động nhiều hơn so với người được tuyển dụng.
Như chúng ta đã thấy về nguồn gốc của những điều cấm kỵ, nói về tiền là nói về sự xung đột của các giá trị. Đó là về quyền riêng tư, giá trị bản thân và nhân phẩm đối lập với sự bình đẳng, minh bạch và công bằng. Nhưng con lắc đang dịch chuyển. Thế hệ gen Y (Millennials) cởi mở hơn nhiều khi nói về tiền lương và ở nhiều quốc gia, thái độ và luật pháp đang thay đổi. Năm ngoái, EU đã đồng ý soạn thảo luật minh bạch tiền lương mới, theo đó “các đại diện có quyền yêu cầu và nhận thông tin về mức lương cá nhân của họ và mức lương trung bình cho những người lao động làm cùng một công việc hoặc công việc có giá trị như nhau”. Động lực đằng sau luật mới của khối liên minh là sự thừa nhận rằng tính minh bạch và cởi mở sẽ trao quyền nhiều hơn cho người lao động.
Nói về tiền như thế nào
Vì vậy, có thể bạn muốn cố gắng phá vỡ điều cấm kỵ. Nhưng đó không phải là một chiến công dễ dàng. Bạn bắt đầu nói chuyện về tiền bạc như thế nào và ở đâu? Hãy thử ba bước sau.
Đầu tiên, chọn đối tượng của bạn. Rất ít người sẽ nói chuyện với người lạ hoặc đồng nghiệp về những chi tiết vụn vặt trong ngân sách của họ. Thay vào đó, hãy tìm một người mà bạn thực sự tin tưởng và bắt đầu cuộc trò chuyện trong một không gian yên tĩnh. Đây có thể là nửa kia của bạn, nhưng nó không nhất thiết phải như vậy. Trên thực tế, có thể dễ dàng hơn khi nói chuyện với một người bạn hoặc ai đó xa hơn một chút so với cuộc sống hàng ngày của bạn.
Thứ hai, hãy trung thực. Tất cả chúng ta đều biết rằng nói về tiền bạc là điều cấm kỵ và những người khác có thể không thoải mái với điều đó. Vì vậy, hãy nói rằng. Bắt đầu cuộc trò chuyện bằng, “Tôi biết mọi người thường không nói về điều này, nhưng tôi thực sự muốn thử”, hoặc “Hãy cho tôi biết nếu bạn cảm thấy không thoải mái với điều này”, sẽ giúp phần còn lại của cuộc trò chuyện dễ dàng hơn nhiều. Hãy trung thực nhất có thể.
Thứ ba, hãy để phán đoán của bạn ngoài cửa. Vấn đề mà mọi người gặp phải khi nói về tiền (và nói chung là cởi mở) là họ sợ bị đánh giá. Nếu bạn nói về tiền, hãy sẵn sàng chấp nhận những người khác nhau làm mọi việc theo những cách khác nhau. Tất nhiên, chắc chắn có những hành vi tài chính tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Nhưng trong khi sự xấu hổ có thể thúc đẩy mọi người thay đổi hành vi của họ, thì khi chúng ta “xấu hổ về tiền bạc” với người khác, chúng ta sẽ chỉ kết thúc cuộc trò chuyện mà thôi.
Vậy thì, bạn thường nói về tiền như thế nào? Bạn đang bỏ lỡ điều gì nếu bạn không nói? Có lẽ đã đến lúc để thực hiện rồi.
Nguồn: Jonny Thomson – Big Think
Dịch: Hải Anh