Home Chuyên đề tháng Sự xuyên tạc của thực dân về “Cách mạng Chè” ở tỉnh Phú Thọ (Bắc Kỳ), 1920-1945

Sự xuyên tạc của thực dân về “Cách mạng Chè” ở tỉnh Phú Thọ (Bắc Kỳ), 1920-1945

“Phát hiện” này giải thích làm thế nào mà việc trồng chè, loài cây mà trong các sách chuyên khảo và nghiên cứu kinh tế trước năm 1935 vẫn được coi là một loại cây trồng ‘trong vườn’ có tầm quan trọng kinh tế thứ yếu, nhanh chóng trở thành mối quan tâm chủ yếu trong tỉnh.”[1] “Phát hiện” của tác giả trong báo cáo năm 1939 này về việc thuộc địa hóa tỉnh Phú Thọ[2] liên quan đến 1.866 đồn điền chè trái phép với tổng diện tích là 5.000 ha và được thiết lập trên vùng đất được coi là khu bảo tồn rừng quốc gia vĩnh viễn. Sự tích tụ nội sinh đáng ngạc nhiên này đã xảy ra mà chính quyền bảo hộ Bắc Kỳ không hề hay biết và nằm ngoài kế hoạch phát triển chính thức[3].

Như thế, đã quá rõ là tại sao, ngoại trừ một vài ghi chú và báo cáo được viết sau sự kiện trên, lại không có tài liệu chính thức nào đề cập đến phong trào thuộc địa hóa này trước năm 1935; vì nhìn chung, chính quyền thuộc địa không hề hay biết gì về nó, và người dân lẫn chính quyền địa phương cũng không thể thừa nhận sự việc ấy. Trong khi đi thực địa tại một số cộng đồng thuộc huyện Thanh Ba vào cuối những năm 1990, tôi đã tình cờ phát hiện ra sự tồn tại của phong trào này, mà tôi đặt tên là “cuộc cách mạng chè” để làm nổi bật tốc độ và quy mô của một hiện tượng đã làm biến đổi toàn bộ cấu hình của khu vực này chỉ trong vài thập kỷ. Tôi nói “vô tình” vì chỉ trong quá trình phỏng vấn hơn ba mươi dân làng về câu chuyện cuộc đời họ, thì việc trồng chè nổi lên như một mẫu số chung liên kết những quỹ đạo đơn lẻ, và do đó là độc nhất, này. Hai đoạn trích sau đây sẽ cung cấp một cái nhìn thoáng qua về cách các gia đình, những người đã sống qua nhiều thế hệ như những người nông dân trồng lúa trong những ngôi làng lớn được xây dựng trên các bờ đồi của sông Hồng, đã đổi sang sống bằng nghề quản lý đồn điền thuộc địa, thiếu chắc chắn hơn nhưng lại đầy hứa hẹn.

Ông tôi là người đầu tiên đến đây hơn một trăm năm trước. Lúc đầu, ông đốn gỗ và thả gỗ xuống Sông Thao. Khi đó mọi thứ rất dễ dàng, bạn chỉ cần xin đất từ ​​lý trưởng[4] và sau đó khai hoang nó. … Sau đó, cha tôi trồng chè và lúa nương trên các sườn đồi. Nhưng ông và bố tôi không sống ở đây toàn thời gian. Họ vẫn có một ngôi nhà và nhiều cánh đồng lúa trong cộng đồng Mạn Lạn. Tôi là người đầu tiên định cư ở đây. Cha tôi sau đó đã thành lập một đồn điền chè (làm trại) ở Đông Lĩnh, làng bên. … Nhiều người Mạn Lạn thuộc các dòng họ Nghiêm, Mã, Mai, Tống, Hà, Định, Nguyễn đến khai khẩn, không chỉ ở Thái Ninh, mà còn ở các cộng đồng Ninh Dân, Đông Lĩnh, Đại Lục, Yên Kỳ, Hương Xạ, và những nơi khác nữa.[5]

Cha mẹ tôi đã xây dựng một đồn điền chè (làm trại) ở xã Đại An và sau đó ở xã Đông Lĩnh trước khi tôi lập gia đình hơn bảy mươi năm trước. … Chúng tôi thuê nhân công để thu hoạch và sấy chè rồi vận chuyển đến Vũ Ẻn. Các thương lái từ Hà Nội và đặc biệt từ Phú Thọ đến chỗ chúng tôi trực tiếp mua chè và vận chuyển chè bằng tàu hỏa. … Tôi cùng với vợ chuyên buôn bán chè. … Đối với chúng tôi, việc kinh doanh thực sự phát triển sau năm 1940; còn trước đó, chúng tôi chỉ bán chè, nhưng với số lượng nhỏ, 50 đến 100 kg mỗi ngày, mà những người thu mua sẽ mua từ chúng tôi.[6]

Tuy việc những sự kiện này xảy ra tương đối gần đây có thể giúp ta khảo sát chúng thông qua ký ức sống động của các thành viên sống lâu nhất trong cộng đồng, thì ký ức của họ thường chứa đầy khoảng trống và đôi khi bị nhầm lẫn. Để không bị phụ thuộc vào những lời khai của họ và để sắp xếp cách hợp lý những mảnh vỡ tiểu sử này trong một bối cảnh lịch sử xã hội, tôi so sánh khoảng ba mươi cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện với các nguồn tài liệu bằng văn bản về thời kỳ đó, từ các bài viết của thực dân về sự phát triển của cây trồng hoa màu ở Đông Dương trước đây đến các kho tài liệu của thực dân được lưu giữ trong Văn khố Quốc gia Việt Nam. Việc nghiên cứu ban đầu các nguồn này đã gây thất vọng: các chuyên khảo về làng mạc được tập hợp trong bộ sưu tập “Affaires indigènes”, cung cấp một bức chân dung chưa từng có về lịch sử xã hội “từ dưới lên”, đã kết thúc một cách bí ẩn đối với tỉnh Phú Thọ vào khoảng giữa năm 1923 và 1925. Mặt khác, việc khảo sát tỉ mỉ hai tuyển tập khác của Thống sứ Pháp ở Phú Thọ và của Thống sứ Cấp cao Bắc Kỳ đặc biệt mang lại nhiều kết quả. Dự định ban đầu là nghiên cứu phụ trợ để bổ sung cho công việc thực địa của tôi đã trở thành đối tượng cho một nghiên cứu lịch sử theo đúng nghĩa của nó. Sự đối chứng giữa thực tế địa phương của giai đoạn bấy giờ, như được dân làng mô tả theo ký ức của họ, với những dữ kiện và sự lý giải được trình bày trong các tài liệu hành chính và thuộc địa đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn.[7] Do đó, cần phải phân tích và sau đó là giải cấu trúc diễn ngôn thuộc địa.

Paul Veyne tuyên bố: “Lịch sử là một bản tường thuật các sự kiện… [vì] không có trường hợp nào mà cái mà các nhà sử học gọi là một sự kiện được nắm bắt trực tiếp và đầy đủ”[8] – hay một cách khách quan, được nhà sử học thêm thắt. Về mặt này, lịch sử của “cuộc cách mạng chè” như được tái hiện qua các nguồn tài liệu thuộc địa trở thành một quyển sách giáo khoa. Nó tiết lộ cách thức mà chính quyền bảo hộ tự đóng cửa và chui rúc trong lời phủ nhận thực tế đầy nhiệt tâm. Nó phản ánh sự kiêu ngạo chỉ có ở những người nắm giữ quyền lực bất chính, mà thứ quyền lực này chính là căn cơ việc họ chiếm đoạt vô tội vạ không chỉ các nguồn lực của đất nước thuộc địa mà còn cả các năng lực thích ứng và đổi mới của người dân đất nước ấy. Câu chuyện về sự lũng đoạn này chính là vấn đề chính của bài viết này.

Lược sử về chè ở tỉnh Phú Thọ: Sự nhiệt tình hão huyền

Việc trồng chè ở Bắc Kỳ được đề cập lần đầu tiên trong một ghi chú dài hai mươi trang do Pierre Lefèvre-Pontalis viết năm 1892. Tác giả kiên quyết đứng về phía những người ủng hộ việc thực dân hóa Bắc Kỳ, được biện minh bởi tiềm năng thị trường to lớn của nước láng giềng hùng mạnh ở phương Bắc, là Trung Quốc. Khi lập luận rằng “chúng ta đã cho phép các thương gia Trung Quốc nắm thế độc quyền” trong việc buôn bán gạo, vốn là cái nôi thịnh vượng của Nam Kỳ, tác giả tin rằng “việc trồng chè, lan rộng từ Trung Quốc xuống Đông Dương và Java và mang một hình thức mới, đáng được chúng ta quan tâm đặc biệt, bởi vì tại các vùng đất thuộc địa của ta ở Đông Dương, nơi sản phẩm này được người bản xứ đánh giá cao, thì việc trồng và bán chè rất có thể mang nhiều lời lãi cho chúng ta.”[9] Cương lĩnh này cuối cùng đã được chấp nhận bởi tất cả các chuyên gia thuộc địa, chủ yếu là các kỹ sư nông nghiệp. Cho đến cuối những năm 1930, họ đã đưa ra một diễn ngôn quân phiệt và đầy quyết đoán ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của việc trồng chè. Lập luận của họ xoay quanh việc thỏa mãn tổng cầu của thị trường nội địa Đông Dương và các thị trường ở chính quốc và các thuộc địa Bắc Phi.

Theo số liệu do Henri Brénier cung cấp vào năm 1914, trọng tải hàng năm xuất khẩu sang Pháp trong giai đoạn 1898-1902 (138 tấn) đã tăng gấp đôi vào năm 1903-1907 (238 tấn), trước khi đạt 314 tấn trong giai đoạn 1908-1912.[10] Tuy nhiên, sự tăng trưởng không thể phủ nhận này trong xuất khẩu không nên lấp liếm đi quy mô sản xuất thương mại vẫn còn tương đối nhỏ. Trong giai đoạn 1908-1912, chưa đến 10% trong số 4.030 tấn nhập khẩu hàng năm của Pháp – 2/3 trong số đó được dành cho Bắc Phi – có xuất xứ ở Đông Dương. Ngoài ra, mỗi năm phải nhập khẩu 1.000-1.200 tấn chè từ Trung Quốc vào Đông Dương.

Số liệu thống kê do Philippe Eberhardt và Maurice Aufray tổng hợp bốn năm sau đó chỉ ra rằng một sự thay đổi trong trọng tâm toàn cầu đã bắt đầu vào giữa những năm 1910. Nhưng các động lực lại rất khác nhau ở ba quốc gia tạo nên Việt Nam ngày nay: An Nam (Trung Việt) trở thành nước xuất khẩu, và Bắc Kỳ (Bắc Việt) đang dần tiến tới sự cân bằng tương đối giữa xuất và nhập khẩu, trong khi Nam Kỳ (Nam Việt) vẫn là nhà nhập khẩu quan trọng, chiếm 3/4 tổng lượng chè nhập khẩu.[11] Ở Bắc Kỳ, các nhà cầm quyền chỉ rõ rằng hầu hết các đồn điền được điều hành bởi “người bản xứ” không chỉ vì nhu cầu tiêu dùng trong nước đều nằm ở vùng Trung Bộ. Vài năm trước đó, Brénier đã nhận thấy một hình thức địa phương hóa tương tự trong việc sản xuất chè: hai “vùng canh tác phong phú để xuất khẩu” duy nhất nằm ở phía hữu ngạn sông Hồng tại vùng Cát Trù và ở phía tả ngạn tại huyện Thanh Ba.[12] Sự gần gũi về địa lý của hai khu vực này không phải là một sự ngẫu nhiên: sự nhiệt tình trồng chè ở Thanh Ba xuất phát từ việc mở rộng đồn điền ở Cát Trù.

Câu chuyện trên bắt đầu ở hữu ngạn sông Hồng trong những năm cuối cùng của cuộc chinh phục thuộc địa (1883-1895) với sự thành lập của Công ty chè Chaffanjon ở huyện Cẩm Khê: “Trong số những người tiên phong ban đầu này, ta cần đặc biệt chú ý đến Paul Chaffanjon, từ năm 1890, ông ta đã đến định cư tại tỉnh Phú Thọ và bằng những nỗ lực của chính mình, đã thành công trong việc xây nên một đồn điền tiếp tục mang lại lợi nhuận cao.”[13] Vai trò điển hình của doanh nghiệp thuộc địa đầu tiên này có thể là do việc “ngay cả khi những đồn điền này chỉ có diện tích vài héc-ta, thì họ tạo nên được vai trò quan trọng của mình nhờ việc sản xuất thêm các loại chè trồng tại địa phương”.[14] Hơn nữa, chất lượng loại chè này “gần với khẩu vị của người Pháp hơn”, mà đây lại là một dấu hiệu tốt cho việc mở rộng thị trường đáp ứng nhu cầu của thuộc địa.[15] Điểm độc đáo của doanh nghiệp này nằm ở khả năng biến đổi và sản xuất các sản phẩm thu được từ “người bản địa” thành trà đen. Cách tiếp cận này đã được áp dụng ngay từ đầu và do đó cũng xác định được vị trí thực tế của việc kinh doanh này, vì một số lượng lớn cây chè đã có ở huyện Cẩm Khê trước khi thực dân đến.

Mặc dù danh tiếng của tỉnh Hưng Hóa (một tỉnh rộng lớn bao quanh tỉnh Phú Thọ)[16] đã nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX, nhưng sự phát triển của việc sản xuất thương mại tại đây đã nhanh chóng gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu.[17] Điều này gây ra sự căng thẳng và đố kỵ giữa những người mua, được ghi lại trong lời yêu cầu sau đây của lý trưởng xã Mạn Lạn gửi cho Thống sứ Pháp tại Phú Thọ, ngày 29 tháng 9 năm 1908:

Năm ngoái, khi một cá nhân có tên là Phóng làm lý trưởng, ông chủ đất nhượng của Tình Cương [ông Chaffanjon] đã gặp Phóng về việc buôn bán chè nhưng tôi không biết liệu người tiền nhiệm của tôi có hứa bán cho ông ta toàn bộ số chè trồng trong xã hay không. Tôi đã giữ chức vụ này từ tháng Bảy và tôi đã thấy những người hầu cận của ông Lafeuille [thương gia] từ Hà Nội đến xã của chúng tôi để mua chè của chúng tôi. Vài ngày sau, ông chủ đồn điền từ Tình Cương đến gặp quan huyện và yêu cầu đuổi những người này đi. Đây là những gì tôi đã cố gắng làm, nhưng họ không chịu rời khỏi làng của tôi. Vì hai người thực dân này là những người có địa vị cao, họ buộc tội tôi ngăn cản dân làng bán chè của họ[18].

Sợ hãi trước việc phải phân xử sự xung đột giữa hai người thực dân Pháp, lý trưởng đã nhờ Thống sứ Pháp dàn xếp việc mà ông cho là “sự bất công này”. Bên lề lời yêu cầu này, Thống sứ đã lưu ý rằng, lý trưởng không có gì phải lo lắng vì “sự bất đồng này thuộc quyền tài phán của tòa án Pháp” và nói thêm rằng, “nếu các nhà sản xuất chè có giao kết với ông Chaffanjon, thì họ phải giữ giao kết. Nếu không, họ có thể tự do bán chè của mình cho bất kỳ ai họ muốn. Còn ngoài ra, ông Chaffanjon đề nghị thuê những khu đất này, đó là quyền của ông ấy”.[19] Từ thời điểm này, sự mất cân đối giữa cung và cầu đã thúc đẩy nghề trồng chè phát triển, kéo theo sự lan rộng từ vị trí ban đầu ở xã Thái Ninh đến từng thôn bản trên triền đồi ở huyện Thanh Ba. Năm 1928, Jean Goubeaux xác định một trung tâm sản xuất lớn thứ hai ở vùng Cát Trù, mà ông gọi là “các vườn chè Thái Ninh”.

Khu vườn chè thứ hai, mô phỏng theo những vườn chè ở phủ Yên Bình [Tuyên Quang] chỉ mới tám đến mười năm … . Những khu vườn này không phải do người dân bản địa Thái Ninh xây dựng mà là do những người di cư từ làng Mạn Lạn. Họ trồng chè ở làng mình, nhưng sau một thời gian lớp đất mặt bị xói mòn nên họ di cư đến Thái Ninh định cư. Một thương gia Trung Quốc, đã được nhắc tới ở trên, đã khuyến khích họ và ứng trước tiền cho họ. Ông ta gửi chè khô đến Tourane [Đà Nẵng]. 120 đến 150 tấn được xuất khẩu từ Thái Ninh và Cát Trù theo cách này mỗi năm.[20]

Nghiên cứu thực địa xác nhận những tuyên bố này. Những cư dân hiện nay của xã Thái Ninh thực chất là con cháu của những “người quản lý đồn địa thuộc địa” này từ Mạn Lạn, một xã nằm cách đó khoảng 15 km bên sông Hồng. Cuộc xung đột nói trên chứng minh cho truyền thống đồn điền này. Do đó, những người tiên phong đã đến đây từ năm 1915 không phải là dân nghiệp dư, vì họ đã có kinh nghiệm và kỹ thuật, giúp họ ổn định và hạn chế rủi ro. Quan trọng hơn, trong một khu vực có mật độ dân số thấp, họ đã phát triển một hình thức khai hoang mới lạ, mà giới nông dân gọi là đi đi – về về (nghĩa đen là “qua lại”) và một số người đã tiếp tục vận hành hình thức ấy trong suốt giai đoạn cải cách nông nghiệp 1953-1954. Họ xây dựng các trang trại và trại (làm trại)[21] dọc theo các sườn đồi hoang sơ, chưa từng được sử dụng cho nông nghiệp. Mỗi người đi khai hoang xây dựng một ngôi nhà ở đó, đồng thời vẫn ở lại và làm kinh tế, chủ yếu là trồng lúa, tại làng quê gốc của mình. Phương thức cư trú và sản xuất kép này, được tạo ra nhờ sự gần gũi về địa lý của hai khu vực, dần trở thành trung tâm của một “nền kinh tế đồn điền” thực sự, sự mở rộng của nền kinh tế này đã làm thay đổi toàn bộ cảnh quan của khu vực này trong bốn thập kỷ tiếp theo.

Giới chính quyền thuộc địa nhanh chóng nhận ra những lợi ích thu được từ sự phát triển việc trồng chè. Để theo đuổi tham vọng này, trạm nông nghiệp thực nghiệm ở Phú Hộ được khánh thành vào năm 1918, thay cho trạm Thanh Ba đã bị đóng cửa vào năm 1911.[22] “Bắt đầu từ năm 1918, chè ngày càng thu hút sự quan tâm của giới nông nghiệp. Trạm nông lâm thực nghiệm Phú Hộ ở Bắc Kỳ được lập ra đặc biệt nhằm mục đích nghiên cứu chè”.[23] Yves Henri, tổng thanh tra nông nghiệp ở các thuộc địa, người rất gay gắt khi nói đến cái mà ông xem là sự vô dụng của các viện nghiên cứu như thế, đã tạo ra một ngoại lệ đáng chú ý trong trường hợp của chè: “Sự vô nghĩa của những nỗ lực này nhanh chóng trở nên rõ ràng đối với hầu hết các loại cây trồng, ngoại trừ cây chè, là đối tượng được tiến hành thử nghiệm tốt, và đã được thu hoạch với 500 đến 550 kg chè khô trên một cây trưởng thành, nhờ đất được bón phân liên tục.”[24]

Tuy nhiên, đây là một chủ đề lặp đi lặp lại, và cuộc thử nghiệm do trạm Phú Hộ tiến hành, giống như những đề xuất của các chuyên gia khác nhau, chỉ được thực hiện với những đồn điền quy mô lớn, do thực dân Pháp chỉ đạo và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Vì vậy, đối với Paul Braemer, “trong thập kỷ tới, sẽ không có gì cản trở việc thành lập mười đến mười hai doanh nghiệp sản xuất chè công nghiệp ở Bắc Kỳ, có thể canh tác 3.000 đến 4.000 ha đất và sản xuất 2.000 tấn chè thành phẩm hàng năm, xấp xỉ một phần tư nhu cầu của chính quốc. Tổng vốn cần thiết để thực hiện kế hoạch này, khoảng 3 đến 3,5 triệu đồng bạc, có thể dễ dàng kiếm được từ chính vùng thuộc địa.”[25] Vì lý do này, việc phát triển trồng chè do địa phương khởi xướng đã hoàn toàn bị bỏ qua trong gần hai thập kỷ. Sự phủ nhận thực tế này rõ ràng là hệ quả từ chủ nghĩa thực chứng đang thịnh hành, trong đó niềm tin vào tính ưu việt không thể tiếp cận trong tư tưởng duy lý Tây phương càng trở nên khó lay chuyển hơn thông qua mối quan hệ thống trị thuộc địa dựa trên sự bóc lột các dân tộc thuộc địa và phủ nhận tri ​​thức địa phương của họ. Điều đó còn có nghĩa, sự mê mải ngu ngốc mà chính quyền thuộc địa và các nhà cầm quyền này phải gánh chịu vẫn còn là một điều đáng ngạc nhiên. Chẳng hạn như việc nghiên cứu nông học ở tỉnh Phú Thọ do Goubeaux công bố năm 1928. Sau khi xem xét “các khoản đầu tư có khả năng gây lãi cho vốn từ châu Âu”, tác giả đã chọn việc trồng chè là việc sinh lãi nhiều nhất: “Chúng tôi có thể ước tính rằng diện tích vùng đất thích hợp để trồng chè và cafe Excelsa là khoảng 40.000 ha giữa sông Hồng, sông Đà và sông Chảy; 3.000 ha ở phía đông sông Lô; và 2.000 ha về phía bắc của sông Chảy, chiếm tổng cộng 45.000 ha.”[26]

Điều gì đã xảy ra với những kế hoạch này, vì các đồn điền công nghiệp của Pháp, vốn có thể cạnh tranh – cả về chất lượng chè sản xuất và về chi phí trồng trọt – với các quốc gia lớn trong ngành sản xuất chè trong khu vực (Trung Quốc, Sri Lanka, Nhật Bản, Ấn Độ thuộc Anh và Hà Lan) mà ngay cả với những chủ đồn điền Pháp, chủ yếu là ở An Nam, đã thất bại thảm hại?[27] Số liệu được Robert Du Pasquier tổng hợp mười năm sau đó nói lên rất rõ ràng và dứt khoát.

Năm 1938, quy mô đồn điền của người Châu Âu ở Bắc Kỳ không những không đáng kể, mà trớ trêu thay, sáu mươi ha được liệt kê cho tỉnh Phú Thọ lại thuộc về Société Chaffanjon. Không có gì thay đổi kể từ năm 1890. Sự gia tăng sản lượng khá đáng kể, và nó diễn ra bất chấp tác động thảm khốc của cuộc khủng hoảng năm 1929 đối với điều kiện sống của nông dân[28] và tình trạng sản xuất quá nhiều chè trên toàn cầu.[29] Tất cả khoản nợ sẽ thuộc về “người bản địa”, là những người trong vòng hai thập kỷ, đã biến tỉnh Phú Thọ trở thành khu vực sản xuất chè quan trọng nhất ở Đông Dương.

Thật vậy, sự phát triển của các đồn điền được hưởng lợi từ các điều kiện thuận lợi về vật chất và con người. Đầu tiên là tình trạng thiếu dân cư theo cấu trúc của những ngôi làng trên sườn đồi thuộc vùng nông thôn. Ví dụ, xã Thái Ninh, nơi những người thực dân đầu tiên bắt đầu đến từ năm 1915, chỉ có mười hộ gia đình đăng ký trên tổng diện tích 7,2 km2 vào năm 1908.[30] Cùng năm này, tại xã Ninh Dân, giáp với Thái Ninh, có 31 hộ gia đình sống trên tổng diện tích 11,8 km2.[31] Những báo cáo này đặt ra các vấn đề về tính liên tục và chiều sâu lịch sử của các xã bắt đầu tiếp nhận một làn sóng xuất hiện các đồn điền thực dân vào những năm 1920. Bảy xã tạo nên khu di tích lịch sử nơi các đồn điền xuất hiện và phát triển — và là nơi mà 1.866 khu định cư bất hợp pháp được chính thức hóa vào năm 1937 — đã tồn tại từ năm 1810 đến năm 1813.[32] Hồ sơ hành chính ở cấp xã về giai đoạn trước khi triều Nguyễn được thành lập (bởi Gia Long năm 1802) còn rời rạc và không đầy đủ, do đó cần phải xem xét từng đơn vị hành chính riêng biệt để tìm hiểu lịch sử của chúng. Ví dụ ở xã Ninh Dân, ngay cả khi giai đoạn xã được thành lập dựa theo Ngọc Phả (truyện thần thoại về nguồn gốc) là không rõ ràng – vì nó có từ thời Vương quốc Văn Lang cổ đại (2879 đến 258 TCN.), đây được coi là nhà nước Việt Nam đầu tiên, thì niên đại văn bản này được soạn thảo (1572) vẫn chứng thực sự tồn tại của Ninh Dân vào cuối thế kỷ XVI.[33] Trong hồ sơ tài sản (điền thổ hoặc địa bạ) của chính xã này, được lập từ năm 1803 đến năm 1805, dưới thời vua Gia Long, như một phần nỗ lực tiến hành một cuộc tổng điều tra đất đai nông nghiệp và dân cư các xã ở Bắc Thành (Khu vực phía Bắc), ba mươi sáu điền chủ được liệt kê chính thức — dù tổng số dân cư không được kể ra. Con số này cao hơn một chút so với số liệu của năm 1908. Sự đình trệ này, thậm chí có thể được coi là sự sụt giảm dân số, là kết quả của một thời kỳ cực kỳ bất ổn ở miền Bắc Việt Nam trong nửa sau thế kỷ XIX[34], vốn khiến nhiều người chạy loạn, để lại làng mạc bị bỏ hoang một phần hoặc toàn bộ.[35] Sự trở lại của hòa bình vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, dù chỉ tương đối và mong manh, đã dẫn đến một cuộc “tái khai hoang” chậm chạp và hỗn loạn của những ngôi làng hoang vắng và bị tàn phá. Điều này dẫn đến những cuộc gặp gỡ và đối đầu thường xuyên giữa các nhóm khác nhau, mà nguồn gốc lẫn dự định của họ về vùng đất này đều khác nhau: trong số họ là những cư dân từng chạy loạn và hiện quay trở lại để khai hoang và khôi phục những vùng đất mà họ đã bỏ hoang; là dân làng từ các xã lân cậntrên những bờ đồi sông Hồngđã thu mua hoặc định cư ở những cánh đồng lúa bỏ hoang; là những đại diện địa phương mới vốn là khách hàng của chính quyền thuộc địa và được ban cho những vùng đất nhượng và đặc quyền về lãnh thổ; và là những người buôn gỗ từ đồng bằng đến để khai thác gỗ. Sự đa dạng của các nhóm người này và của những lợi ích vẫn thường hay xung đột nhau khiến phong trào đầu tiên này có vẻ giống như một “mặt trận tiên phong” với đặc trưng là những xung đột đôi khi mang tính bạo lực.[36] Phong trào khai hoang đầu tiên này, có thể được gọi là “tái thiết”, diễn ra trước “cuộc cách mạng chè”.

Áp lực nhân khẩu học thậm chí còn yếu hơn do các sườn đồi có độ cao thấp hơn thích hợp cho việc trồng chè là tài sản tập thể của các làng và do nông nghiệp mà vẫn còn hoang sơ. Cho đến thời điểm đó, chúng chỉ được sử dụng để khai thác lâm sản. Vì vậy, việc thiết lập các đồn điền không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp, và không yêu cầu bất kỳ sự chuyển đổi nông nghiệp nào ngoại trừ việc phát quang rừng. Trước đó, Trung Khu được coi là một khu vực không tốt và không lành mạnh. Bản Địa dư chí của vua Đồng Khánh, được viết vào cuối thế kỷ XIX (1886-1888), mô tả phủ Lâm Thao và các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa — hai trong bốn huyện tạo thành Trung Khu (cùng với Sơn Vi và Cẩm Khê) —trong những dòng sau: “Ở các khu vực thuộc phủ mà có nhiều đồi núi, cái lạnh đến sớm và dữ dội: khí hậu vùng núi khắc nghiệt và rét lạnh. Thời tiết không tốt ấy khắc nghiệt nhất là vào các tháng Ba và Chín âm lịch: những người vào rừng (để chặt và khai thác gỗ) phải chọn những ngày thời tiết thuận lợi rồi mới lên đường.”[37] Cũng có một thông tin không hay về khu vực này: vào cuối những năm 1930, Phạm Xuân Độ đã cảnh báo những người di cư tiềm năng “về bệnh sốt rét và về tình trạng nước tù đọng ở huyện Thanh Ba.”[38]

Yếu tố thứ hai trong sự phát triển thành công của các đồn điền là mạng lưới giao thông mà hàng hóa có thể được vận chuyển theo hướng về đồng bằng và về Hà Nội. Huyện Thanh Ba nằm ở trung tâm của một tam giác giáp với Đường Thuộc Địa số 2, Sông Hồng và đường sắt Hải Phòng Yunnanfou (xem bản đồ 3). Tuyến đường sắt tư nhân này được xây dựng từ năm 1901 đến năm 1911, nối Hải Phòng với Lào Cai qua Hà Nội với khoảng cách 368 km ở Việt Nam, đi qua toàn bộ tỉnh Phú Thọ. Huyện Thanh Ba có không dưới bốn ga tàu: Vũ Ẻn, Trí Chủ, Hiếu Lễ và Thanh Ba. Nằm cách trung tâm vùng sản xuất chè chỉ 7km và có bốn chuyến tàu chạy hằng ngày, hai chuyến đầu tiên đã trở thành yếu tố then chốt trong việc buôn bán chè.[39] Trong hệ thống này, Tỉnh lộ số 99, được cải tổ lại thành “Trà Lộ” vào năm 1937, đóng một vai trò thiết yếu trong việc mở cửa khu vực này bằng cách thiết lập một ngả đường nối Đường Thuộc Địa số 2 với thị trấn Vũ Ẻn – nói cách khác là nối sông Hồng với đường sắt.

Cuối cùng, yếu tố quyết định thứ ba chính là sự tồn tại của những khoảng đất rộng lớn sẵn có trong hai khu bảo tồn rừng[40] Đại Lục (1.444 ha) và Năng Yên (2.263,30 ha), được tạo ra lần lượt vào các năm 1914 và 1928.[41] Các khu bảo tồn này thuộc phạm vi chính quyền bảo hộ địa phương và được giám sát bởi Sở Lâm nghiệp Đông Dương (Service Foresttier de l’Indochine). Điều hữu ích ở đây là chỉ rõ thực tế đằng sau thuật ngữ này: “Các khu bảo tồn rừng của tỉnh Phú Thọ chủ yếu là sự đan xen giữa nông nghiệp và rừng, và nhìn chung bao gồm các làng mạc và thôn bản nằm gọn trong các khu bảo tồn ấy.”[42] Đây là định nghĩa ngắn gọn được đưa ra bởi người đứng đầu Sở Lâm nghiệp Bắc Kỳ trong một bức thư gửi cho Thống sứ Cấp cao ngày 24 tháng 6 năm 1916; định nghĩa trên cho thấy một đặc điểm của những khu rừng này dường như mâu thuẫn với các mục tiêu kép của việc bảo tồn và phục hồi rừng: sự hiện diện của con người và các hoạt động nông nghiệp trên các khu bảo tồn.[43] Do đó, mỗi nghị định chỉ định đất nào là đất lâm nghiệp cấp quyền sử dụng có hạn chế cho cư dân của các ngôi làng nằm trong hoặc nằm liền kề khu bảo tồn, đặc biệt là quyền chỉ được chặt lượng gỗ cần thiết cho mục đích sử dụng của địa phương, điều này đã được áp dụng với sự cho phép trước của Sở Lâm nghiệp (Cục Lâm nghiệp).[44] Có lẽ không cần phải nói rằng, những kiểu sắp xếp này, vốn đặt ra một hạn ngạch đối với việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác trước đây theo cách sử dụng thông thường (và việc này được thực hiện vì những lý do ý thức hệ khá xa lạ với cách suy nghĩ của địa phương), đều giả tạo và mang tính sung công.

Sự kết hợp của các yếu tố thuận lợi cho thấy các nhà chức trách của chính quyền bảo hộ kém năng lực thế nào trong việc thúc đẩy các dự án sản xuất công nghiệp lớn đã được các nhà nông học nhiệt tình dự báo. Các nhà chức trách đã giảm thiểu sự thất bại toàn diện này bằng cách hạ thấp giá trị của sự bùng nổ trong canh tác chè thông qua việc tố cáo các phương thức và hoạt động nông nghiệp “bản địa” đối với chè, đồng thời quy kết sự phát triển không thể chối cãi của những “đồn điền bản địa” này chỉ do chính sách nghiên cứu có tầm nhìn xa được phổ biến bởi các cơ quan kỹ thuật thuộc địa. Chiến lược tu từ này rất nghịch lý và không thuyết phục ở chỗ nó vừa phủ nhận các hoạt động của người bản địa vừa quy trách nhiệm về việc phổ biến thành công việc trồng chè cho các cơ quan nông nghiệp.

Yves Henri thẳng thừng tuyên bố: “Việc trồng cây thường được thực hiện một cách cẩu thả, cây trồng chỉ được chăm sóc một chút hoặc hoàn toàn không được chăm sóc, và bị đối xử tàn bạo, bao gồm việc đơn giản là hái mọi lá già của cây hai hoặc ba lần một năm, nói chung là vào các tháng thứ tư và thứ sáu của người Annam.”[45] Goubeaux đã so sánh các phương pháp hái và tỉa cây chè mà “người bản địa” ở Cát Trù sử dụng; về điều này, ông kết luận một cách chính xác rằng, “chúng ta có thể thấy phương pháp này man rợ đến mức nào” khi so với các phương pháp “công phu hơn nhiều” của những người trồng rừng ở Thái Ninh:

“Về việc cắt tỉa, ta cần hiểu điều này: thao tác cắt tỉa được thực hiện cách kém cỏi, nhưng yếu tố căn bản ấy vẫn được chấp nhận.” Ông nói tiếp: “Những người trồng rừng ở Thái Ninh tiến bộ hơn nhiều so với dân trồng rừng ở Cát Trù. Chúng ta có thể nhận ra ở đây sự ảnh hưởng của nhà nước thuộc địa. Tại Cát Trù, dòng họ Dê Kiêu vẫn duy trì tư tưởng phong kiến ​​cổ hủ, chỉ quan tâm đến việc vắt kiệt tiền của nông dân bao nhiêu có thể. Trong khi các địa chủ Thái Ninh thì rất độc lập, cởi mở với mọi tiến bộ. Thái Ninh cử các quan sát viên đến Trạm Thí nghiệm ở Phú Hộ, còn ở Cát Trù, họ hoàn toàn không biết gì về sự tồn tại của trạm này.”[46]

Nói cách khác, ngoài những kỹ năng và kiến ​​thức mà thực dân đã để lại cho người dân địa phương, thì sứ mệnh khai hóa của Pháp và sự tiến bộ xã hội sinh ra từ sứ mệnh ấy rốt cuộc chính là điều dẫn đến thái độ cởi mở và những kết quả đạt được. Những tham vọng thuần túy trọng thương vào cuối thế kỷ XIX đã được thay thế bằng một diễn ngôn thực chứng, tính hợp pháp và sự liên hệ của chúng được đảm bảo bởi chủ nghĩa duy lý khai sáng của những người đã hình thành nên nó. Các lập luận của Du Pasquier hầu như không phát triển trong mười lăm năm sau đó: “Cuối cùng đã đến lúc tuyên bố những thành tựu của chương trình tuyên truyền ở tỉnh Phú Thọ. Các chuyến tham quan khắp các làng mạc, các cuộc thử nghiệm trên từng đồn điền, và các cuộc biểu tình tại nhà máy ở trạm Phú Hộ đều đã khắc sâu vào các đồn điền nhỏ những nguyên tắc cơ bản của việc trồng trọt và sơ chế. Sự phát triển đáng kể của việc trồng chè ở vùng này phần lớn là nhờ vào chương trình này.”[47] Đây là một cách hay để quy về cho các hoạt động của các cơ quan kỹ thuật – và do đó của chính quyền bảo hộ – những nguồn lực và cổ tức của một sự phát triển mà bản thân họ đã không thể thiết lập và sự phát triển ấy đã lan truyền mà họ không hề hay biết hay cho phép.

“Cuộc cách mạng chè”: Khám phá, Phản ứng và Truy xuất

Tác giả của báo cáo được trích dẫn ở đầu bài báo này đã đưa ra nhận định sau:

Khoảng năm 1930, các vùng đất rộng lớn trong các vùng lãnh thổ đã có người đến định cư và được bí mật giải tỏa với sự đồng lõa của chính quyền các xã và tổng, hoặc bởi dân bản xứ từ tỉnh hoặc bởi dân nhập cư từ đồng bằng. Sở Địa chính tỉnh (Cục Đăng ký đất đai tỉnh) chịu trách nhiệm về việc phát hiện, trong một khu bảo tồn rừng và ẩn sâu sau những rặng cây vài trăm mét, những khu vực rộng lớn, nơi rừng đã bị tàn phá và đã được thay thế bằng các đồn điền chè mà cơ quan kỹ thuật chủ quản không hề hay biết.[48]

Vấn đề được đặt ra ngay lập tức về phiên bản này của câu chuyện đang bàn đến là liệu nó có thực sự là một “khám phá” hay không, trong khi ta không thể che đậy trong một quy mô rộng lớn như vậy. Có hai nguồn thông tin xác thực nghi ngờ này. Đầu tiên là một loạt những bức thư giữa Sở Kiểm lâm, Thừa sứ Bắc Kỳ và Thừa sứ Pháp ở Phú Thọ, nhắc đến quá trình tái phân loại toàn bộ hoặc một phần các khu bảo tồn rừng có người ở. Bức thư sau đây, do Thừa sứ Pháp gửi người đứng đầu Sở Kiểm lâm vào ngày 3 tháng 8 năm 1937, đã thể hiện rõ sự phẫn nộ giữa họ:

Ngài đã hỏi ý kiến của tôi về lý do có lợi cho việc tái phân loại các lô đất của Khu bảo tồn Đại Lục, hiện đang là nơi sinh sống của người bản địa từ đồng bằng Bắc Kỳ. Những lý do này xuất phát từ chính việc Sở Lâm nghiệp của ngài tọa lạc trên vùng thực địa này, khi việc đăng ký đất đai của tỉnh được nhắc lại tại chỗ để duyệt xét một yêu cầu được định cư tại vùngđất nằm trong các khu bảo tồn được đề cập trước đó và được nhận thấy với mức độ thiệt hại diễn ra trong vài năm qua. Ngài không có lựa chọn nào khác ngoài việc thừa nhận tình huống này.[49]

Thông điệp trong bức thư ấy, tuy được trình bày bằng những lời lẽ có chút ẩn ý, lại rất rõ ràng: vì Sở Kiểm lâm đã thất bại trong vai trò quản lý của mình, nên Sở Địa chính tỉnh xứng đáng được ghi nhận vì đã phát hiện ra những vi phạm ở quy mô lớn. Phản hồi từ người đứng đầu Sở Kiểm lâm vào mười ngày sau đặc biệt cho ta nhiều thông tin.

Trong nhiều trường hợp khi các nhân viên Sở Kiểm lâm, trong các chuyến khảo sát rừng, phát hiện những rẫy [nương rẫy] hoặc sự xâm lấn rừng,  họ đã ban hành một trát lệnh. Cơ quan của tôi đã nhận thức được tình trạng này từ khá lâu và thông qua việc trấn áp liên tục, chúng tôi đã đấu tranh để chấm dứt nó, bằng việc sử dụng các phương tiện hạn chế theo ý của chúng tôi. … Trong khoảng ba năm trước khi sự việc đó kết thúc, người đứng đầu hiện tại của khu vực, ông Dumaison, đã ban hành hai mươi bảy trát về các rẫy và về việc khai rẫy trái phép trong khu bảo tồn số 292.[50]

Nhờ chính sự thừa nhận của ông ấy, chứ không như một “khám phá”, mà vấn đề này cùng lắm chỉ là sự công nhận tình trạng của các vấn đề mà Sở Kiểm lâm của ông trước đó đã nhận thức được “trong một khoảng thời gian nào đó.” Một đợt thư từ căng thẳng đã xảy ra sau đó, quanh vấn đề về thực trạng và tương lai của hai khu bảo tồn rừng liên hệ.[51] Để tóm gọn tình hình, Thống sứ Pháp tại Phú Thọ muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề kép của việc tái phân loại và định cư bất hợp pháp mà không cần chờ bản đồ đăng ký đất đai được soạn thảo, như người đứng đầu Sở Kiểm lâm yêu cầu. Hơn hết, ông muốn tái phân loại toàn bộ hai khu bảo tồn này, trong khi người đứng đầu của Sở Kiểm lâm chỉ ủng hộ việc tái phân loại một phần. Trái ngược với vẻ bề ngoài, vấn đề trọng tâm của cuộc tranh luận gay gắt này không phải là việc bảo tồn rừng quá nhiều vì vấn đề chính là mức độ trách nhiệm của các sở khác nhau trong chính phủ bảo hộ. Đối mặt với sự sơ suất rõ ràng bị sự “khám phá” này vạch trần, mỗi sở đều tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng này một cách danh dự.

Do đó, người đứng đầu Sở Kiểm lâm đã biện minh việc xâm lấn các khu bảo tồn là do tính phức tạp và đa dạng trong các nhiệm vụ được giao cho cơ quan của mình, bởi vì “hầu hết các bản án bấy giờ không được thực thi.” Trong số hai mươi bảy trát được ban hành trong ba năm trước đó, chỉ một trong số chúng dẫn đến việc truy tố. Ông ta cũng quy một phần trách nhiệm cho sự sao lãng của các cấp, ngành của tỉnh. Khi tiếp tục đi theo hướng này và khi cố tự miễn trách nhiệm cho bản thân, ông ta đã chọn đứng về một quan điểm, nếu nói không quá lời thì đó là một quan điểm gây ngạc nhiên khi  nó bênh vực lý lẽ của Phòng Nông nghiệp và của Bộ Nông nghiệp Bắc Kỳ, hai cơ quan này đã lập luận ủng hộ việc tái phân loại nhanh chóng và đầy đủ cả hai khu bảo tồn rừng. Để biện minh cho việc đột ngột đảo ngược tình thế này, ông tuyên bố rằng các vùng đất liên quan “đều phù hợp với nông nghiệp, nhất là với việc trồng chè”[52], mặc dù người tiền nhiệm của ông ta đã tuyên bố điều hoàn toàn ngược lại vào hai năm trước đó: “Các khu vực được coi là khu bảo tồn này bao gồm những gò đồi không thích hợp cho việc canh tác lâu dài”[53]. Do đó, người ta phải thận trọng khi kiểm xét các nguồn thông tin này, vì tính khách quan của chúng khác nhau khi xét đến vừa mức độ quan tâm của chủ thể tài liệu vừa người nào có liên hệ đến.

Tuy nhiên, trong số tất cả những lập luận mang tính vụ lợi này, chắc chắn có một lý lẽ đã góp phần vào độ nhanh và độ mở rộng của sự phát triển vùng khai hoang bất hợp pháp: sự thiếu hụt nguồn nhân lực và tài chính mà người đứng đầu Sở Kiểm lâm có trong tay. Các số liệu sau đây giúp chúng ta có thể quan sát được mức độ của trường hợp này. Năm 1914, tỉnh Phú Thọ (150.000 dân và 479 xã trên diện tích khoảng 3.740 km2) được quản lý bởi hai mươi lăm công chức người Pháp, là những người đứng đầu các cơ quan dân sự và quân sự khác nhau, ba người trong số họ là nhân viên kiểm lâm chịu trách nhiệm giám sát ba divisions forestières (bộ phận kiểm lâm) của tỉnh.[54] Năm 1929, trong khi dân số tăng gần gấp đôi (290.000 “người bản địa”), thì nhân viên hành chính chỉ gồm hai mươi chín viên chức người Pháp.[55] Số lượng kiểm lâm viên (ba người) không thay đổi, ít đến mức vô vọng so với sự gia tăng số lượng khu bảo tồn rừng: mười một khu bảo tồn với tổng diện tích 5.309 ha vào năm 1913, mười sáu khu bảo tồn với quy mô lũy kế là 13.093 ha vào năm 1928, và mười chín khu bảo tồn và 38.386 ha ba năm sau đó. Khác xa với hình ảnh lý tưởng về một chế độ bảo hộ với sự hiện diện vững chắc trên toàn bộ lãnh thổ Bắc Kỳ, quyền kiểm soát thuộc địa nhanh chóng suy yếu ở ngoại thành Hà Nội – thủ phủ Đông Dương. Ở các tỉnh xung quanh đồng bằng sông Hồng, chỉ một số ít đại diện của chính quyền trung ương chỉ đạo trực tiếp các cơ quan cấp tỉnh đóng tại huyện lỵ. Trong thực tế, các nhiệm vụ quản lý và điều tiết theo lãnh thổ của các đơn vị hành chính cấp tỉnh được giao cho Quan lại (ở quận và huyện) cùng chính quyền địa phương (tổng và xã).

Trong bối cảnh này, có thể dễ dàng nhận ra, các đại diện của chính quyền bản xứ đã thấy mình đang ở vị thế mong manh, bị giằng xé giữa vị trí của họ trong xã hội địa phương với vai trò của họ trong bộ máy cưỡng bức và thống trị do một thế lực ngoại bang áp đặt, một vị trí không thể chấp nhận được khi các chính sách của chính quyền bảo hộ xung đột với thực tiễn và nguyện vọng của người dân. Họ buộc phải thích ứng với cuộc sống nghèo đói khốn khổ của những người thuộc quyền, phải đặc xá cho những người vi phạm pháp luật, và khi không thực sự đồng lõa và trục lợi, họ phải giả vờ không biết về hành động của nhóm người đó. Điều này có thể được suy ra từ nguồn tài liệu cũ về các yêu cầu có được quyền khai phá rừng được đệ trình lên các cơ quan thuộc chính quyền bảo hộ từ năm 1925 đến năm 1932, trong thời kỳ các đồn điền chè đang được mở rộng nhanh chóng.

Hiếm khi thấy có được các yêu cầu chính thức – chỉ có bảy trong năm mươi bốn xã ở huyện Thanh Ba – vấn đề này đã chứng thực thông lệ chung lúc bấy giờ là bỏ qua tiến trình cấp phép hành chính như được yêu cầu, để phá một lô rừng, đây là một vi phạm chắc chắn có sự thông đồng của các cơ quan chức năng xã và thôn. Trong số bảy yêu cầu được gửi, bốn yêu cầu đã bị từ chối, hoặc vì khu đất họ muốn nằm trong giới hạn của khu bảo tồn rừng, điều này đã đủ khẳng định, người nộp đơn không thể xưng là chủ sở hữu hợp pháp,[56] hoặc vì người đứng đầu Bộ phận kiểm lâmPhủ Đoan nghi ngờ rằng người nộp đơn có động cơ “chỉ thu lợi từ việc bán lâm sản, và không quan tâm đến việc cải tạo những vùng đất này”.[57] Việc chấp thuận ba hồ sơ đã dẫn đến việc ban hành một sắc lệnh của Thống sứ Cấp cao Bắc Kỳ. Phần đầu tiên của sắc lệnh năm 1927 nêu rõ những điều sau:

Để trồng cây chè, ông Phạm Văn Nghiêm, trú tại làng Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, được phép khai khẩn một gò đồi của ông nằm trong khu vực mang tên Mang Quốc và giáp với lãnh thổ của làng nói trên. Vị trí, các ranh giới và diện tích của khu vực mà việc khai khẩn được phép tiến hành phải được xác định theo những chỉ dẫn được cung cấp trên bản phác thảo kèm theo nghị định này.[58]

Người nộp đơn không giấu ý định trồng chè mà về nguyên tắc, Sở Kiểm lâm và Sở Địa chính tỉnh chắc hẳn đã biết đến vì thủ tục pháp lý quy định rằng mỗi yêu cầu ủy quyền khai hoang đất phải được trình cho họ để thẩm tra. Theo quy định, mỗi bộ hồ sơ phải có đơn đề nghị trình bày lý do, giấy giới thiệu của tri huyện Thanh Ba, ý kiến của người đứng đầu bộ phận kiểm lâm Phủ Đoan, và quyết định của người đứng đầu Sở Kiểm lâm Bắc Kỳ.[59] Do đó, có thể các nhân viên thuộc Bộ phận kiểm lâm Phủ Đoan đã không thực sự mạo hiểm đi kiểm tra đất đai để xác minh các khai báo của những người nộp đơn. Nếu họ từng làm vậy, thì họ đã không thể không biết đến sự mở rộng của các khu định cư bí mật và việc khai khẩn đất đai. Hơn hết, có hai garderies forestières (trạm kiểm lâm) ở Thái Ninh và Đại Lục, đặt ngay trung tâm khu di tích lịch sử của các đồn điền: do đó, các kiểm lâm viên bản địa hẳn đã chứng kiến tiến độ định cư trong các khu bảo tồn rừng diễn ra ngay trước mắt họ.

Những nghi ngờ tương tự về Sở địa chính tỉnh cũng có thể nảy sinh. Dù Thống sứ Pháp ở Phú Thọ tự hào tuyên bố rằng cơ quan này đứng sau cuộc “khám phá” nổi tiếng ấy, nhưng rõ ràng đã không đề cập chuyện ông phải mất mười năm để nhận ra điều ấy. Tuy nhiên, những biến đổi sâu sắc của cảnh quan đã được nhìn thấy từ Tỉnh lộ số 99: “Các sườn đồi dọc hai bên đường hoặc được phủ đầy cây cối tươi tốt hoặc đã bị phát quang để trồng chè. Hơn nữa, có nhiều thôn làng mới được thành lập, mà người ta trong tầm mắt của mình vẫn có thể nhìn thấy các mái nhà nhô ra khỏi tán cây: đó thực sự là một cảnh tuyệt đẹp.”[60]

Trong thực tế, dân chúng địa phương nhờ vậy mà có quyền tự trị: chính quyền của xã và tổng đã tham gia vào việc khai hoang bất hợp pháp cùng với nhân viên của hai Lâm Viên (garderies forestières) và đại diện của cả chính quyền và thành phần quan lại ở cấp huyện. Đối với các nhân viên người Pháp của chính quyền tỉnh, sự thiếu hiểu biết của họ lại có chút khó hiểu hơn: hoặc họ không bao giờ mạo hiểm bước ra ngoài và do đó không biết tình hình đã tiến triển rất nhanh chóng, hoặc sự im lặng của họ là kết quả của một mong muốn bị kìm hãm hoặc có chủ ý sẽ không thông báo cho cấp trên của họ. Trong cả hai trường hợp, một khi họ bị “người bản địa” làm bẽ mặt và không còn có thể phủ nhận bằng chứng, thì chính quyền bảo hộ không có lựa chọn nào khác ngoài phản ứng lại vụ việc.

Bắt đầu từ tháng 12 năm 1937, chính quyền thuộc địa đã tìm cách giành lại quyền kiểm soát bằng cách chính thức trừng phạt phong trào khai hoang tự phát và khởi xướng một giai đoạn mới trong quá trình phát triển các miền đất nhằm đón những người di cư mới từ đồng bằng Bắc Kỳ. Thật ra, sự mất cân bằng nhân khẩu học ở Đông Dương, đặc biệt là vấn đề nan giải về “dân số quá đông” ở đồng bằng Bắc Kỳ,[61] đã trở thành chủ đề của nhiều nghiên cứu được thực hiện từ đầu thế kỷ này. Tất cả, hoặc gần như tất cả, các nghiên cứu ấy đều cho rằng giải pháp bền vững và khả thi duy nhất là sự di dân ồ ạt của một bộ phận dân cư đồng bằng đến các khu vực rất thưa dân ở Trung Nguyên và “Vùng cao Nguyên” Lào, Campuchia, và đặc biệt là Nam Kỳ, nơi họ ước tính có 400.000 ha thích hợp để trồng lúa.[62] Nhưng kết quả mà các dự án khác nhau được thực hiện trong ba thập kỷ trước đó mang lại đều gây thất vọng, ít nhất là vậy, và các kết quả ấy chưa từng đạt được mục tiêu đầy tham vọng của việc kiểm soát tăng trưởng nhân khẩu học.[63] Vào đầu những năm 1940, mức tăng trưởng vượt mức ước tính vào khoảng 100.000 đến 120.000 ha mỗi năm chỉ riêng ở đồng bằng Bắc Kỳ, trong khi hai nỗ lực di cư chính do Văn phòng thuộc địa (Office de la colonisation), Ủy ban thường trực thuộc địa (Permanent Standing Committees on Colonization), Văn phòng thuộc địa hóa nông thôn ở Nam Kỳ (Office de colonization rurale de la Cochinchine)và Hội đồng thuộc địa Cấp cao (Conseil supérieur de la colonization) chỉ chiếm tám nghìn chuyến mỗi năm hướng về các nông trại và đồn điền lớn của Nam Kỳ (101.000 trong hơn mười ba năm) và 1.100 kiều dân đến các khu vực Pháp chiếm đóng ở Thái Bình Dương (13.600 trong hơn 12 năm). Hơn nữa, “2/3 số người di cư này sau đó đã trở về làng quê của họ”.[64]

Trong bối cảnh này, có thể hiểu tại sao động lực khai hoang tự phát, từng phát triển ở huyện Thanh Ba, lại thu hút sự chú ý của chính quyền thuộc địa; và tại sao họ lại lao động để khai thác lợi tức tiềm năng về tài chính và chính trị của huyện này. Nền tảng của các biện pháp này là việc thành lập “Chương trình thuộc địa hóa quy mô nhỏ ở tỉnh Phú Thọ” (Programme de Petite Colonization Indigène de la province de Phú Thọ). Nói một cách chính xác, đây không thực sự là một sự đổi mới. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản là bồi dưỡng và thực hiện các quy tắc chung được đưa ra trong sắc lệnh ngày 13 tháng 11 năm 1925 bởi Thống sứ Cấp cao Bắc Kỳ, mà mười hai năm trước, ông đã xác định một tiêu chuẩn pháp lý cho việc cấp đất nhượng quy mô nhỏ cho người dân bản địa (với diện tích tối đa là 15 mẫu hoặc 5,5 ha). Trước đó, một khuôn khổ như vậy chỉ là một cái vỏ rỗng: “Một cuộc kiểm tra các hồ sơ ủy quyền cho thấy rằng chỉ có năm đồn điền tạm thời được cấp, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 1935.”[65] Sự thất bại tương tự cũng đã diễn ra trên toàn bộ đất Bắc Kỳ: “Mọi người đều cho rằng hệ thống được thiết lập bởi sắc lệnh ngày 13 tháng 11 còn lâu mới thành công. … Trong mười năm, có ít hơn 1.400 đồn điền được cấp, có nghĩa là trung bình 140 đồn điền mỗi năm!” Tác giả kết luận: “Những người làm ruộng can đảm và có tinh thần kinh doanh, những người đã mạo hiểm rời khỏi Đồng bằng, thật không may, chỉ đại diện cho một thiểu số vô cùng nhỏ. Do đó, nếu chúng ta thực sự muốn phá vỡ các quần cư ở đồng bằng, chúng ta phải nhanh chóng áp dụng một chính sách cương quyết về việc thuộc địa hóa trực tiếp trên diện rộng, đây là cách duy nhất để thực hiện việc chuyển dịch dân cư quy mô lớn”.[66] Tác giả này đã không thể hình dung được rằng các sáng kiến ​​cá nhân nằm ngoài mô hình thuộc địa lại khả thi.

Được trang bị công cụ đặc biệt phù hợp với tình hình này, Thống sứ Cấp cao Bắc Kỳ đã vạch ra cách tiếp cận mà ông ta định sẽ thực hiện trong vùng trong một bức thư đề ngày 20 tháng 12 năm 1937 gửi Thống sứ Pháp tại Phú Thọ.

Tôi không có ý định tái phân loại toàn bộ các khu bảo tồn rừng số 292 và 490. Việc phù hợp lúc này là tái phân loại các khu bảo tồn có các đặc điểm sau: 1. Bao chứa các khu vực mà người bản địa trồng chè không thường xuyên cư ngụ tại đó, để điều chỉnh tình hình đã được xác lập; 2. bao gồm các khu rừng có gỗ hoặc thích hợp dùng trong việc trồng chè hoặc thích hợp dùng làm củi trong quá trình pha chế chè.[67]

Với những điều được đề ra ấy, việc khai hoang theo kế hoạch của tỉnhđược tiến hành với cách tiếp cận gồm bốn hướng.[68] Đầu tiên, 1.866 khu định cư bí mật được chính thức hóa, và 991 lô bổ sung được cấp dưới hình thức đồn điền nhỏ (15 mẫu), với tổng số 19.500 mẫu (7.000 ha) tập trung trong một khu hợp nhất bao quanh khu vực lịch sử của việc phát triển đồn điền: 7 xã gồm Thái Ninh, Đào Giã, Ninh Dân, Đại Lục, Đại Đồng, Hanh Cù và Thanh Cù. Sau đó, lấy những gì “người bản địa” đã hoàn thành và những gì chính quyền không thể làm như một hình mẫu, họ phân định hai lĩnh vực mới ở cả hai bên của khu này, rồi dùng chúng cho quá trình “thuộc địa hóa bản địa quy mô nhỏ”, bao gồm tổng số 25.000 mẫu (9.000 ha) trong trữ lượng rừng. Sau đó, ở phần phía bắc huyện Hạ Hòa, 1.500 mẫu (khoảng 550 ha) được dành cho việc “thuộc địa hóa quy mô lớn” kiểu châu Âu. Cuối cùng, ở hữu ngạn sông Hồng, có hai dự án đã được thực hiện: phát triển nhà ở với khoảng 15.000 mẫu (5.400 ha) được phân phối dưới hình thức “đồn điền nhỏ dưới sự kiểm soát hành chính” dành riêng cho những người nhập cư từ đồng bằng sông Hồng. Năm 1939, 120 gia đình khai hoang từ tỉnh Nam Định đã được di dời theo cách này, và 2.000 mẫu (720 ha) được dành để tạo ra các khu nhượng địa dân cư trong một khu vực giáp ranh với ba khu bảo tồn rừng mới được thành lập.[69]

Trong vòng chưa đầy hai năm, 63.000 mẫu (23.000 ha) đã được chỉ định theo quy định hành chính để thuộc địa hóa nông nghiệp và để phát triển việc trồng chè. Kế hoạch triển vọng và đầy tham vọng này sẽ không bao giờ được thực hiện cách rốt ráo: chỉ một phần ba diện tích đất được cấp vào năm 1939, khi việc chiếm đóng của Nhật Bản và việc xảy ra Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã kết thúc các dự án của Pháp trong khu vực.

Thoạt nhìn, việc chế độ bảo hộ ưu tiên quá trình “thuộc địa hóa bản địa quy mô nhỏ” gây tổn hại cho việc thuộc địa hóa quy mô lớn kiểu châu Âu, có vẻ khá ngạc nhiên. Hiện tượng ấy có thể được giải thích bởi sự kết hợp của hai yếu tố. Đầu tiên là vào cuối những năm 1930, quá trình thuộc địa hóa quy mô lớn kiểu Châu Âu ở Trung Khu đã không mang lại kết quả hứa hẹn và cũng không phát triển như dự đoán, khác xa so với dự kiến.[70] Thứ hai là việc di dời một bộ phận dân cư ở Đồng bằng sông Hồng được coi là giải pháp thực tế và bền vững duy nhất cho vấn đề nan giải về cơ cấu dân số quá mức ở đồng bằng và sự tàn phá của một bộ phận nông dân đang gia tăng. Do đó, những người lập kế hoạch thuộc địa hóa tỉnh Phú Thọ không coi đó là một hành động cân bằng giữa lợi ích của thực dân Pháp và người bản địa mà là một công cụ có thể được sử dụng để phân bố lại dân cư trên toàn Đông Dương. Thật ra, những lời chỉ trích chính sách này, vốn ưu tiên cho những người nhập cư từ đồng bằng, chủ yếu đến từ những người trồng rừng địa phương, một số người trong số họ có tham vọng vượt xa những vùng đất nhượng khiêm tốn chỉ với 15 mẫu.

Trường hợp của Trần Văn Hợi, người tự nhận mình là “người trồng và sản xuất chè Đông Dương, sống ở làng Thái Ninh,” chính là đại diện cho mong muốn tăng quy mô sản xuất. Từ năm 1938 đến năm 1940, ông đã gửi năm yêu cầu, đầu tiên là tới Thống Sứ Pháp ở Phú Thọ, sau đó đến Thống Sứ Cấp cao Bắc Kỳ và cuối cùng là Toàn quyền Đông Dương, tất cả đều có cùng mục đích: để có được một vùng đất nhượng với diện tích từ 164 lên 482 ha, vốn tùy thuộc vào người nhận được kiến nghị của ông, để tạo ra một “đồn điền chè hiện đại”. Để hỗ trợ các yêu cầu của mình, ông không ngần ngại đặt câu hỏi liệu chính sách “thuộc địa hóa bản địa quy mô nhỏ” có phù hợp với tình hình kinh tế xã hội mà ông tuyên bố là đã quan sát được từ thực địa hay không.

Những người dân khai hoang quy mô nhỏ định cư trên những vùng đất nhượng rộng 5 héc-ta đã giảm bớt việc trồng thử nghiệm các loại cây trồng (lúa, ngô, khoai) để tự kiếm ăn và bỏ bê nhiệm vụ chính của họ: trồng chè. … Đây là lý do tại sao tôi nghĩ rằng ở những nơi mà các gia đình riêng lẻ không có ruộng để trồng lúa, họ không thể thực hiện các loại hình nông nghiệp khác. Do đó, để thành công, sẽ rất hữu ích nếu trao những vùng đất này cho những người được tiếp cận với đủ nguồn lực và các phương pháp đã được kiểm nghiệm. … Tôi sẽ rất biết ơn nếu ngài phản hồi cách thuận lợi cho vấn đề [yêu cầu có được một vùng đất nhượng] này. Tôi có thể đảm bảo trước với ngài rằng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đạt được các mục tiêu, đó là: thứ nhất, tạo động lực cho tương lai của trà Đông Dương; thứ hai, phát triển các khu vực chưa được canh tác; và thứ ba, tạo thêm việc làm cho các gia đình nghèo ở vùng đồng bằng đông dân cư.[71]

Yêu cầu cuối cùng, được gửi tớiToàn quyền Đông Dương, ngầm tiết lộ khoảng cách ngày càng lớn giữa nguyện vọng của các chủ đồn điền kinh doanh này với chính sách mà chính quyền thuộc địa áp dụng.

Tôi đã cố gắng ‘mở rộng’ trong lĩnh vực này, nhưng rất tiếc, yêu cầu có được một vùng đất nhượng của tôi không được hồi đáp. Tôi đã liên tục phản đối những hạn chế được quy định trong nghị định đề ngày 13 tháng 11 năm 1925 về việc thuộc địa hóa quy mô nhỏ. … Nhưng bây giờ chúng ta biết tầm quan trọng của sản phẩm này, thật đáng tiếc khi nghị định này không thể được sửa đổi để cho phép cấp những vùng đất nhượng rộng hơn cho những cá nhân có thể phát triển một ngành công nghiệp lớn.[72]

Mặc dù phản hồi của Toàn quyền Đông Dươngnhắm đến việc đưa ra những chỉ dẫn, nhưng yêu cầu của người nộp đơn lại bị bác bỏ.

Trong thực tế, các vùng đất được đề cập là một phần của khu bảo tồn rừng, mà việc tái phân loại chúng đã được quyết định trong nghị định tôi ký ngày 8 tháng 6 năm 1938 để dành riêng cho việc thuộc địa hóa bản địa quy mô nhỏ. Tôi rất tiếc vì không thể đáp ứng yêu cầu của ông về việc sửa đổi một số điều khoản nhất định trong nghị định Thống Sứ Bắc Kỳ ký ngày 13 tháng 11 năm 1925 liên quan đến việc thuộc địa hóa bản địa quy mô nhỏ. Thật ra, văn bản này không nhằm mục đích phát triển các vùng đất chưa được canh tác ở Trung Khu Bắc Kỳ, mà tìm cách khắc phục tình trạng dân số quá đông ở Đồng bằng Bắc Kỳ. Điều này giải thích cho việc hạn định một vùng đất nhượng cho mỗi người nộp đơn.[73]

Toàn quyền Đông Dương tái khẳng định rằng Trung Khu sẽ trở thành một trong những lối thoát cho vấn đề di cư từ đồng bằng sông Hồng khi cung cấp cho những người mới đến khả năng phát triển hoạt động kinh tế khả thi cho chính họ, chứ không phải bằng cách trở thành một khu vực nông nghiệp quy mô lớn có thể sử dụng nhiều lao động chân tay, ngay cả khi những lao động này đến từ vùng đồng bằng.

Những nhận xét và khuyến nghị của Trần Văn Hợi, vừa phù hợp, vừa quen thuộc với kế hoạch và luận điệu của thực dân, sẽ không gây được tiếng vang lớn cũng như không kích động được sự can thiệp của các cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp thuộc địa nếu ông ta là người duy nhất chấp nhận cách tiếp cận cụ thể này.[74] Những yêu cầu của ông là một phần của yêu cầu cấp các khoảng đất nhượng rộng lớn từ những người bản địa địa phương, điều này buộc chính quyền phải áp dụng một quan điểm chặt chẽ và rõ ràng về vấn đề này. Việc làm rõ này càng cần thiết và cấp bách hơn vì những sửa đổi khung pháp lý được ban hành mười năm trước đó về mặt lý thuyết đã trao cho người An Nam quyền có được những vùng đất nhượng lớn.[75]

Do đó, việc từ chối những yêu cầu này đều cần thiết để vừa biện minh vừa tạo ra một học thuyết pháp lý mới có thể chống lại bất kỳ thủ tục pháp lý mới và có tiềm năng nào.[76] Sự quan tâm ngày càng tăng của Toàn quyền Đông Dương đối với những triển vọng từ việc phát triển việc trồng chè đã làm thay đổi cán cân quyền lực trên vùng đất này.

Bị buộc phải sống trong cảnh bí bách trong hai thập kỷ, những người chủ đồn điền đã biến việc công nhận chính thức gần đây về địa vị và quyền sở hữu đất đai của họ thành lợi thế bằng cách áp dụng một hình thức mới của việc đại diện tập thể. Họ đã hợp nhất để thành lập một tổ chức lấy tên là “Corporation de planteurs indigènes” (Hiệp hội của những nhà đồn điền bản địa), sự tồn tại của tổ chức này đã được nhắc đến trong một bản kiến ​​nghị gửi cho Thống sứ Cấp cao đề ngày 5 tháng 11 năm 1937, khi ông ta đang đi thăm các đồn điền của huyện Thanh Ba.[77] Lời tuyên bố bắt đầu như sau: “Luôn luôn tin tưởng vào lòng nhân từ và sự cống hiến của ngài cho cuộc sống của chúng tôi, chúng tôi khiêm tốn yêu cầu ông, ngài Thống sứ Cấp cao, vui lòng xem xét bản kiến ​​nghị kèm theo, trình bày các mong muốn của đa số cư dân của Đào Giã và Thái Ninh.”[78]

Đằng sau những biểu hiện trung thành với chính quyền, kiến ​​nghị này, nói đúng ra, đến từ một tổ chức có ý thức về tầm ảnh hưởng kinh tế xã hội của chính mình và không ngần ngại coi mình là lực lượng chủ động: văn bản ấy kiến nghị và yêu cầu nhiều điều hơn so với những gì nó đề xuất. Bảy nhu cầu chính yếu có thể được chia thành hai nhóm riêng biệt. Nhóm thứ nhất bao gồm các yêu cầu cải thiện các điều kiện sản xuất và kinh doanh chè: “Ngài sẽ hỗ trợ các hiệp hội của chúng tôi bằng cách bảo vệ chúng tôi chống lại sự lạm dụng của những người mua chè, là những người luôn tìm mọi cách để làm hại chúng tôi” và “ngài sẽ chỉ định và giới thiệu một cơ sở kinh doanh mà chúng tôi có thể bán chè của mình cho họ.”[79] Những người kiến nghị này rõ ràng đã yêu cầu chính quyền bảo hộ tổ chức, giám sát và điều tiết các kênh kinh doanh sản phẩm của họ để đảm bảo giá cả và kết quả thỏa đáng. Nhóm thứ hai gồm các yêu cầu về việc xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng: xây dựng trường học và bệnh viện cùng với việc sửa chữa mạng lưới đường bộ, đặc biệt là Tỉnh lộ số 99.

Thưa ngài Thống sứ Cấp cao, một lần nữa, đây là một khẩn cầu mà chúng tôi tha thiết hy vọng được thực hiện: tỉnh lộ số 99 … là con đường duy nhất được sử dụng để vận chuyển chè của chúng tôi, bao gồm chín cây cầu gỗ và một số đoạn trũng thấp gây hại cho công việc kinh doanh của chúng tôi hằng năm vào mùa mưa. … Mong ngài sửa chữa tỉnh lộ số 99, giảm số lượng cầu, và dần thay thế chúng bằng những cây cầu bằng đá.[80]

Cuối cùng thì có bao nhiêu yêu cầu đã được đáp ứng? Rất khó để biết, vì các ghi chép đều ngưng lại khi Thế chiến II nổ ra. Ngoại lệ duy nhất là Tuyến đường số 99 đã được sửa chữa gần như ngay lập tức. Ngày 10 tháng 11 năm 1937, chỉ năm ngày sau khi bản kiến nghị này được đệ trình lên Thống sứ Cấp cao Bắc Kỳ, Phủ Thống sứ Phú Thọ đã viết thư cho ông.

Để tôi có thể tổ chức phân đội tù nhân, là những người đáng lẽ sớm được đưa đi sửa chữa Tỉnh lộ số 99, được gọi là ‘trà lộ,’ và mở đường trong mùa khô đang diễn ra, tôi rất vinh dự được yêu cầu ngài nhanh chóng giao 50 tù nhân đủ sức khỏe cho tôi.[81]

Sự đáp ứng kịp thời của các cơ quan chức năng cho thấy vai trò quan trọng của chè đối với nền kinh tế của tỉnh, cả về tài chính và về xã hội. Nó có lẽ bắt nguồn từ những lời hứa mà Thống sứ Cấp cao đã tuyên bố trong chuyến tham quan huyện Thanh Ba. Ngoài những tác động cụ thể của nó, sự phản hồi này đã chính thức công nhận tổ chức của các nhà sản xuất bằng cách coi tổ chức này như một người đối thoại hợp pháp, biểu trưng cho một bản sắc tập thể duy nhất. Nguyện vọng cuối cùng do các chủ đồn điền đệ trình nên được kiểm xét trong bối cảnh sự phát triển trong mối quan hệ giữa các bên liên quan.

Để thu hút tốt hơn những người nhập cư mới, để khuyến khích họ bằng cách giao việc cho họ, chúng tôi cầu xin lòng nhân từ của Thống sứ Cấp cao loại bỏ những khu bảo tồn rừng còn lại, vốn đóng vai trò như những tấm bình phong che đậy nền nông nghiệp diễn ra phía sau họ khỏi người kiểm tra của Sở Kiểm lâm, và cấp những vùng đất này cho những người muốn trồng chè. Điều này sẽ tập trung vào việc canh tác loại cây rất có triển vọng này ở Đào Giã, Thái Ninh, Ninh Dân và các vùng lân cận.[82]

Đây là một khoảnh khắc giải phóng thực sự bởi vì thực dân ra lệnh cho các đại diện của quyền lực thuộc địa phải hành động một cách hợp lý và sáng suốt bằng cách tháo gỡ bộ mặt mà các nhà cầm quyền đã đặt ra một cách ngạo mạn và cuối cùng chính họ cũng bị lừa dối. Mặc dù không có tài liệu nào nói rõ điều này, nhưng sự biến mất được thừa nhận của những mảnh đất cuối cùng trong khu bảo tồn rừng Đại Lục và Năng Yên vào cuối những năm 1930 cho thấy chính quyền thuộc địa đã chú ý đến yêu cầu này bằng cách cho phép tiếp tục thuộc địa hóa một cách có chủ đích, vì nó được cho là không thể tránh khỏi và có lợi cho hai bên liên quan trong thời kỳ đô thị đang đẩy nhanh tiến độ tách rời tài chính khỏi các lĩnh vực can thiệp thuộc địa thông thường.[83] Có khả năng là các nhà chức trách thuộc địa, dù họ có muốn đến mấy, đã chọn không mạo hiểm phản đối thêm một thực tế mà chính sự tồn tại và phạm vi của nó trong hai thập kỷ trước đó như thừa nhận rằng chính quyền không có khả năng kiểm soát xã hội địa phương.

Kết quả: Biến động sâu sắc (1920-1945)

Trong khoảng hai thập kỷ, “cuộc cách mạng chè” đã gây ra biến động sâu sắc trong khu vực khi biến đổi hoàn toàn cảcảnh quan địa lý và các đặc điểm kinh tế xã hội của một số huyện ở tỉnh Phú Thọ. Điều này tạo ra một hình thức hoạt động kinh tế mới trong khu vực, theo đó một quá trình chiếm hữu cá nhân tập trung vào việc chuyển đổi nhanh chóng những vùng rộng lớn của các sườn đồi cằn cỗi – tài sản tập thể của các làng – sang sự độc canh chuyên sâu. Cuộc chinh phục này đã gây thêm tổn hại cho những khu rừng vốn đã bị tổn thương do không có bất kỳ quy định thực sự nào. Cả hai yếu tố, vốn là hệ quả của viện diện tích trồng rừng gia tăng nhanh chóng, đã thúc đẩy sự suy giảm diện tích rừng: một mặt, sự gia tăng nhu cầu nội địa đối với các sản phẩm gỗ (vật liệu xây dựng, củi đốt) luôn kèm theo sự gia tăng dân số thiếu cân đối; mặt khác, quá trình chế biến tại chỗ lá chè tươi, và đặc biệt là việc sấy khô lá chè, đòi hỏi một lượng lớn nhiên liệu. Vừa là chỉ số vừa là biểu tượng cho sự chuyển đổi của khu vực, các khu bảo tồn rừng là những khu vực duy nhất có thể giúp lượng giá được việc dùng chè thay thế cho rừng và các khu bảo tồn này đã biến mất theo đúng nghĩa đen trong suốt một thập kỷ.

Sự bùng nổ dân số sau đó đã được thúc đẩy bởi một luồng di cư kép. 2.857 khu định cư của các chủ đồn điền-thuộc địa (1.866 khu định cư chính quy và 991 khu cấp mới) được chính thức ghi nhận vào năm 1939 tại bảy xã của huyện Thanh Ba, trung bình có 410 đồn điền tại mỗi xã. So với mức thuế cá nhân năm 1926, dựa trên thuế cá nhân của  số nam giới trên mười tám tuổi trong tỉnh, thì số trang trại gia đình ở cùng các xã này đã tăng gấp bảy lần trong mười lăm năm.[84] Có thể, ước tính này còn thấp, vì con số năm 1939 chỉ tính các đồn điền bất hợp pháp nằm trên đất bảo tồn rừng, do đó số liệu này loại trừ tất cả các đồn điền trên đất tư nhân. Sự phát triển theo cấp số nhân trên diện tích đất canh tác, bắt đầu từ giữa những năm 1920, gây ra đợt di cư thứ hai do tạo ra nhu cầu về lao động chân tay, tăng lên cùng với sự lan rộng của các đồn điền. Trong cả năm, 6.000 – 6.500 lao động nông nghiệp làm công ăn lương, gồm – nam nữ từ các tỉnh đông dân cư nhất của Đồng bằng sông Hồng (Thái Bình, Nam Hà và Nam Định), được huy động để làm việc trên 19.500 mẫu chè chỉ riêng tại các vùng đất địa phương. Trong vụ thu hoạch của năm (tháng 5 đến tháng 10), con số này đã tăng lên 10.000 lao động thời vụ. Kết quả là, độ dốc của mật độ dân số, vốn tỷ lệ nghịch với độ cao của vùng đất so với mực nước biển, đã giảm dần vào cuối những năm 1930: dân số không còn chỉ tập trung trên các bờ đồi của sông Hồng mà đã lan dần vào sâu trong nội địa.

Sự chuyển đổi kinh tế và xã hội nói chung này có hai đặc điểm khác nhau: sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và sự phát triển của mô hình kinh tế trong nước dựa trên việc trồng lúa vì nhu cầu địa phương thành một nền kinh tế đồn điền theo hướng sản xuất và kinh doanh nông sản hàng hóa. Những chuyển đổi này dẫn đến việc tổ chức lại các đơn vị hành chính và chính trị cấp trung gian. Huyện Thanh Ba năm 1939, tiếp theo là các huyện Hạ Hòa và Cẩm Khê năm 1943 được nâng lên cấp phủ. Yêu cầu của Thống sứ Pháp về việc “nâng cấp huyện Thanh Ba lên phủ” mà ông gửi tới Thống sứ Cấp cao Bắc Kỳ cung cấp một cái nhìn sơ lược về động lực đằng sau sự thay đổi này.

Tiềm năng nông nghiệp của đất, cùng với nhiều tuyến đường giao thông liên lạc, đường sắt, sông Hồng, và tuyến đường Thuộc Địa số 2 nối với vùng đất ấy đã đặt huyện này vào hàng giàu nhất trong khu vực. Sự phát triển rộng rãi của việc trồng chè trong những năm qua thậm chí còn làm tăng đáng kể tầm quan trọng kinh tế của nó. Năm 1937, chỉ riêng lượng xuất khẩu chè từ khu vực này đã đạt trên 1.000 tấn, chiếm giá trị thị trường hơn 600.000 đô la [đồng bạc]. Hơn nữa, và như tôi đã vinh dự được các ngài chú ý đến trong bản tin của tôi được đề cập trước đó, khoản tài trợ gần đây hơn 900 đất nhượng trong khu vực mà Tỉnh Lộ số 99, được gọi là ‘Trà Lộ’, chạy qua sẽ kích thích một lượng người nhập cư đủ lớn để tôi cho là cần bổ nhiệm một Quan Phủ có kinh nghiệm tốt với bề dày thành tích về việc quản lý hành chính cho vị trí đứng đầu khu vực này. Cần lưu ý rằng những người lao động chân tay nhập cư có thể xảy ra xung đột, ít nhất là ngay sau khi họ đến, với yêu cầu của các thân hào và dân địa phương; và rằng chính quyền cấp tỉnh có thể được kêu gọi để hòa giải nhiều cuộc xung đột chắc chắn sẽ xảy ra do bị kích động bởi làn sóng lao động chân tay bên ngoài.[85]

Ngoài vai trò trung tâm của chè trong lập luận của PhủThống sứ, thì tình huống mà ông ta mô tả đã hội đủ mọi yếu tố của một động lực tiên phong, hợp với sự phát triển kinh tế không ngừng, sự tăng cường trao đổi thương mại và sự xuất hiện ngày càng nhiều dân nhập cư. Ông ta lập luận rằng đơn vị huyện không còn đủ với mức độ nhập cư: “làn sóng lao động chân tay từ bên ngoài” trong khu vực, được khuyến khích bởi chính quyền thuộc địa, có thể tạo ra căng thẳng với dân địa phương, biện minh cho việc nâng cấp kết cấu chính trị và hành chính và sự quản lý của nó. Yêu cầu nâng cấp các huyện Hạ Hòa và Cẩm Khê lên phủ mang lại một bức tranh tương đồng về sự chinh phục và phát triển không bị kìm hãm.[86]

Huyện Hạ Hòa trước đây, có diện tích 50.000 ha và giáp với tỉnh Yên Bái, có những vùng đồi rộng lớn hiện đang được khai phá. Có 7 khu đất nhượng lớn và 600 khu đất nhượng nhỏ. Những vùng đất này đặc biệt thích hợp cho việc trồng chè. Do đó, việc thuộc địa hóa từng bước một sẽ còn phát triển hơn nữa khi thị trường chè trở lại bình thường. … Không khỏi có khả năng khu vực này sẽ vượt qua phủ Thanh Ba, hiện có 32.141 cư dân sống trên diện tích 17.860 ha. Quy mô dân số của Hạ Hòa tăng từ 16.341 vào năm 1938 lên 28.179 vào năm 1942, với mức tăng tương ứng với thuế cá nhân, từ 23.938 đô la [đồng bạc] lên 38.798 đô la và thuế tài sản, từ 31.557 đô la lên 41.066 đô la.[87]

Các số liệu được liệt kê bởi Phủ Thống sứ cho thấy sự tăng trưởng chưa từng có trong suốt 4 năm: dân số, cũng như lượng thuế thu được, tăng hơn 40%. Do đó, sự phát triển việc trồng chè ở huyện này đầy triển vọng và rất có thể sẽ được hiện thực hóa “một khi thị trường chè trở lại bình thường”, một tham chiếu từ ngữ về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chiến tranh, sự chiếm đóng của Nhật Bản và nhu cầu của quốc gia này về việc sản xuất nông nghiệp,[88] cuối cùng đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945.[89] Hơn nữa, theo phân tích còn nhiều hoài nghi của Phạm Xuân Độ, những sự kiện bi thảm này đã thực sự dẫn đến một thời kỳ thịnh vượng bất ngờ: “Ngược lại, người buôn chè từ Phú Thọ lại thịnh vượng hơn hơn trước, vì hai lý do: thứ nhất, chè Trung Quốc không thể vận chuyển trong thời chiến; thứ hai, có nhiều cơ hội xuất khẩu chè đen sang Pháp, Bắc Phi (Algeria) và Hoa Kỳ.” Tác giả kết luận rằng “sự phát triển của chè đã đưa Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh giàu có nhất Bắc Kỳ, một tỉnh được dự báo sẽ trở thành tỉnh giàu nhất miền Bắc trong thập kỷ tiếp theo.”[90] Dường như không gì có thể làm chậm đà tăng trưởng vững chắc và liên tục này.

“(Tái) Khám phá” hay Sự Phi Thuộc Địa Hóa Thiết Yếu của tinh thần

Trong khi “cuộc cách mạng chè” là kết quả của một động lực nội sinh – vì “người bản địa” là kiến ​​trúc sư chính của sự phát triển đồn điền – thì nguồn gốc của nó về cơ bản là từ thực dân. Để đáp ứng nhu cầu của các nhà cai trị thực dân mới, chè, trước đây là một loại cây trồng trong vườn chỉ được sản xuất cho việc tiêu dùng cá nhân, trong vài năm sau đó đã trở thành một loại cây hái ra tiền, cung cấp cho các thị trường Đông Dương, Pháp và Bắc Phi. Sự phát triển thương mại này là kết quả của việc thiết lập mối quan hệ thuộc địa đặt nền trên sự bóc lột và trên sự ra đời của các phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phục vụ chính sách khai thác tài nguyên (nông nghiệp, khai thác gỗ, hầm mỏ) và thu ngân sách (thuế tài sản và cá nhân; độc quyền về rượu, muối, thuốc phiện, v.v.). Tuy nói như vậy, nhưng không thể phủ nhận rằng giới chủ đồn điền-thực dân đã chủ đích áp dụng mô hình phát triển tư bản chủ nghĩa này bằng cách tận dụng những cơ hội kinh tế mới nảy sinh từ sự can thiệp của Pháp và những sai sót trong hệ thống thống trị còn nhiều khiếm khuyết.

Điểm cuối cùng này nên được đánh giá dựa trên cuộc tranh luận bắt đầu vào giữa những năm 1970 về vấn đề bản chất của nền kinh tế nông dân Việt Nam thời tiền thuộc địa và sự phát triển của nó trong thời thuộc địa. Cuộc tranh luận này dao động giữa một bên là khái niệm kinh tế đạo đức và luân lý do James Scott định nghĩa năm 1976, với một bên là khái niệm kinh tế hợp lý được Samuel Popkin ủng hộ năm 1979.[91]

So với trước đây, các hệ thống sản xuất nông nghiệp trong lịch sử đã được xây dựng theo logic của việc giới hạn rủi ro, trong đó nông dân tuyệt đối ưu tiên cho khả năng tự cung tự cấp và an ninh của nhóm trong nước. Do đó, một thái độ ngại thay đổi trong văn hóa đã phát triển, và điều này càng trầm trọng hơn do sự kiểm soát tập thể mà cộng đồng thôn làng thực hiện đối với tất cả các thành viên của mình. Về mặt nhận thức, đổi mới đồng nghĩa với việc vi phạm các chuẩn mực và là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định của trật tự xã hội và hệ thống phân cấp địa phương. Quan điểm của Samuel Popkin, chống lại cách tiếp cận duy văn hóa này, đã giải phóng nông dân khỏi sự thống trị của những ràng buộc văn hóa xã hội mà không phủ nhận sự tồn tại của chúng. Lý thuyết của ông mang lại cho nông dân khả năng phát triển các chiến lược cá nhân để đa dạng hóa nghề nghiệp của họ nhằm thích ứng với môi trường đang phát triển và tham gia vào các mạng lưới trao đổi thương mại. Bằng cách khẳng định nông dân và tầng lớp địa phương có thể tiếp thu các nguyên tắc lợi nhuận và tích lũy của cải phù hợp với văn hóa, ông bác bỏ phần thứ hai trong phân tích của James Scott, vốn cho rằng, các phong trào nổi loạn nổi lên ở nông thôn cần được hiểu như là những phản ứng thù địch và phòng thủ đối với sự vi phạm các cấu trúc và thể chế truyền thống được kích động bởi sự xâm nhập tàn bạo và cưỡng bách của hệ thống chủ nghĩa tư bản thực dân.

Trong cuộc tranh luận theo mô hình cổ điển về “chủ nghĩa toàn diện đối đầu với chủ nghĩa cá nhân”, chủ nghĩa cơ hội và năng lực đổi mới được thể hiện bởi giới chủ đồn điền-thực dân là hai đặc điểm nổi bật phản ánh rõ ràng khái niệm về nền kinh tế hợp lý và lý thuyết cơ bản về sự lựa chọn hợp lý. Do đó, người ta phải thừa nhận rằng sự hội nhập của nền nông nghiệp nội địa bản địa vào lĩnh vực kinh tế tư bản không nhất thiết bị áp đặt và/hoặc bị hạn chế; và rằng nó không gây tổn hại một cách có hệ thống đến đời sống vật chất của người dân. Sự thịnh vượng của nhóm chủ đồn điền-thực dân này dù sao cũng là một ngoại lệ và đã xảy ra bất chấp sự kém phát triển ngày càng trầm trọng mà vùng nông thôn Bắc Kỳ đã trải qua trong nửa đầu thế kỷ XX, như được thể hiện trong các dữ liệu do Pierre Brocheux và Daniel Hémery kiểm xét trong Annuaires Statisticstiques de l’Indochine (1913-1943). Nó cho thấy chế độ ăn uống giảm dần chất lượng trong suốt thời kỳ này:[92] năm 1913, tỷ lệ ngũ cốc/dân số là 3 tạ thóc/người mỗi năm, một lượng vừa đủ cho một người trưởng thành;[93] đến năm 1943 nó giảm xuống còn 1,9 tạ[94]. Trong suốt ba thập kỷ, Bắc Kỳ đã đi từ trạng thái cân bằng về sản xuất lương thực – mặc dù còn bấp bênh, vì nó có thể bị mất mùa trong trường hợp mùa màng thất bát (thời tiết bất lợi hoặc lũ lụt) – sang tình trạng khủng hoảng lương thực mang tính cấu trúc. Sự bần cùng hóa của dân chúng cuối cùng đã chứng minh một yếu tố quan trọng trong sự thành công của “cuộc cách mạng chè”. Bằng cách khiến hàng chục nghìn dân làng đang thiếu ăn và thất nghiệp, hầu hết từ khu vực đồng bằng sông Hồng, phải rời bỏ nhà cửa của mình, cuộc khủng hoảng này đã cung cấp cho các chủ trang trại một nguồn lao động chân tay giá rẻ liên tục và sẵn có, điều không thể thiếu đối với việc phát triển kinh tế đồn điền.

Mặc dù mối liên hệ nhân quả này có vẻ khủng khiếp, nhưng nó thực sự là một lời nhắc nhở kịp thời rằng thái độ và quỹ đạo của các thành phần khác nhau của xã hội thuộc địa không thể bị thu hẹp trong một quan điểm Mani giáo vốn đặt họ trong mối quan hệ đơn phương và ổn định của sự đối lập và kháng cự với các thế lực thực dân. Ở đây, cũng như ở những nơi khác, những mơ hồ trong việc liên lạc của thực dân đã làm đảo lộn các quá trình hình thành xã hội khi nó làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn nội tại hoặc xóa bỏ những mâu thuẫn này thông qua việc thành lập một mặt trận thống nhất chống lại sự cai trị cưỡng bức, mang lại những lợi ích vật chất mới lạ và những liên minh thực dụng đã cải tổ xã hội thuộc địa mà không đơn giản hóa nó. Sự công nhận chính thức của các giới chức chính quyền bảo hộ về sự phức tạp nội tại của xã hội nông thôn tạo ra cuộc “khám phá” thực sự như được đề cập ở đầu bài viết này. Thực ra, ngoài những lý giải thực tế (phạm vi hoạt động của chính quyền bảo hộ không được thực hiện một cách nhất quán trên toàn bộ lãnh thổ; quyền lực của nó suy giảm và dần không còn chắc chắn khi khoảng cách với giới tư bản tăng lên), người ta ngày càng nhận thức được tình hình thực tế lúc ấy, mà vào cuối những năm 1930, họ không còn có thể lờ đi hoặc tránh được nữa. Người nông dân không chỉ không còn bị ràng buộc vĩnh viễn với thôn làng của họ nữa, vì họ tự nguyện rời đi để đến những khu vực mới và tận dụng các cơ hội kinh tế trong khi vẫn duy trì mối liên kết chặt chẽ với làng quê của họ; mà họ còn hiện diện như là những cá nhân với quyền lợi riêng của mình, vốn nghịch với tập thể đơn thuần của một nhóm người giống nhau.[95] Do đó, phong trào thuộc địa hóa là kết quả của một tập hợp các lựa chọn cá nhân được thực hiện ở cấp độ nhóm trong nước chứ không phải là được thực hiện cách bắt buộc ở quy mô tập thể.

Cần phải nói rằng thực tế kép này về cơ bản là khác biệt với lý thuyết được tán đồng bởi tất cả các tác giả thời đó, những người coi “làng truyền thống” là một kiến ​​trúc thượng tầng hữu cơ chi phối mọi khía cạnh của đời sống xã hội, kinh tế và tinh thần của cư dân nơi đây, đặt lên vai họ gánh nặng của tư cách đạo đức cụ thể của riêng làng đó, vốn đã thay thế tính cách của các cư dân.[96] Lập trường này của giới trí thức nhận được sự ủng hộ đồng lòng, được cả giới báo chí và giới văn chương đại chúng truyền bá, và vào cuối thế kỷ XIX, đã ảnh hưởng nặng nề đến cách nhìn của chính quyền thực dân về giai cấp nông dân, đã đưa ra những chỉ dẫn cho hành động của họ ở nông thôn Bắc Kỳ. Tầm nhìn có kế hoạch về tương lai huy hoàng của nghề trồng chè này cũng không phải là ngoại lệ. Cho đến cuối những năm 1930, mọi dự án được đề xuất đều dựa hoàn toàn vào các công ty tư bản do các chủ đồn điền châu Âu chỉ đạo. “Người bản địa” chỉ tham gia với tư cách là những cu ly, những người lao động chân tay “chăm chỉ” và “dễ bảo”, được giao những công việc nặng nhọc nhất và hoạt động cuồng nhiệt của họ được ví như hoạt động của một “tổ kiến” Nét tính cách hư cấu này trong văn chương thuộc địa ngụ ý chuyển tải đặc nét nô lệ và thích sống quần tụ của người An Nam.[97]

Do đó, những gì mà giới chức trách của chính quyền bảo hộ phát hiện ra vào năm 1935 nằm ngoài sức tưởng tượng của họ: từng là những khán giả thụ động và tù nhân trong thôn làng và những truyền thống lâu đời của họ, “người bản địa”, dù là nông dân hay quý tộc, đột nhiên trở thành tác nhân tạo ra sự thay đổi, có khả năng tác động trực tiếp lên xã hội địa phương và biến đổi nó từ bên trong. Không hài lòng với việc giải phóng mình khỏi những thứ được cho là gông cùm này, họ không ngần ngại đưa ra các yêu sách và các kiến ​​nghị liên quan đến chính sách thuộc địa. Sự ngờ vực và mù quáng của các nhà cầm quyền, giống như sự chắc chắn ngày càng tăng của các tác giả thời kỳ đó, đã nảy sinh từ một khuôn khổ chung của hệ tư tưởng thuộc địa vốn thiết lập tính ưu việt nội tại của mô hình văn minh tư sản phương Tây so với mô hình của các xã hội ngoại lai. Chỉ riêng hệ tư tưởng này đã đủ để hợp pháp hóa chủ nghĩa bành trướng và sứ mệnh khai hóa của Pháp.[98] Vì vậy, những nhà văn và quan chức thuộc địa này chỉ đang áp dụng cho xã hội Việt Nam một mô hình như thể đã được quy định bởi trật tự tự nhiên của vạn vật vì trật tự ấy phổ quát và tuyệt đối.

Có lẽ điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là nguy cơ tiềm tạng về việc bị hiểu sai khi khuôn khổ tư tưởng này được sử dụng trong thực tế như một lăng kính phân tích duy nhất để xem quá trình thực dân hóa. Ví dụ, Hy Văn Lương, một nhà nhân chủng học Bắc Mỹ chuyên về Việt Nam và là tác giả của một chuyên khảo đáng chú ý về một ngôi làng ở tỉnh Phú Thọ, viết: “Ở tỉnh Phú Thọ, khu vực kinh tế tư bản chủ yếu bao gồm các đồn điền chè và sơn của Pháp ở vùng đồi núi của tỉnh, một nhà máy chế biến chè ở Phú Hộ và một nhà máy bột giấy nhỏ ở Việt Trì. Các đồn điền này được thành lập trên vùng đất được nhượng cho những người Pháp định cư và cho các cộng tác viên Việt Nam, diện tích đất nhượng lên tới 10.969 ha, hay xấp xỉ 22% diện tích đất có thể canh tác của tỉnh vào những năm 1930 (Phạm Xuân Độ 1939: 62-63; Henri 1932: 23).[99] Tác giả, trở thành nạn nhân của sự háo hức muốn vạch trần ách thống trị không thể chấp nhận được của chủ nghĩa thực dân, đã đưa ra một câu chuyện lịch sử sai lầm khi thiết lập mối liên hệ nhân quả ngụy biện giữa hai tuyên bố. Đầu tiên là danh sách các tô giới lớn của Pháp và Việt Nam đặt tại tỉnh Phú Thọ vào năm 1938. Danh sách này thực sự có trong tác phẩm của Phạm Xuân Độ nhưng lại không phân biệt các loại cây trồng khác nhau đang được trồng trên các đồn điền khác nhau. Thứ hai là danh sách những vùng đất trồng chè và cây sơn trà Trung Quốc, cũng do Phạm Xuân Độ cung cấp nhưng chỉ là một cuộc điều tra một phần và trên hết, là một danh sách không bao giờ cho thấy đây là những đồn điền của châu Âu. Nói cách khác, Hy Văn Lương bị mắc kẹt bởi cách giải thích của mình về hệ thống thuộc địa, vốn phụ thuộc vào một giả định được nâng lên thành tiên đề: rằng khu vực kinh tế tư bản nhất thiết phải do các nhà thực dân Pháp sở hữu và vận hành. Ông ấy chưa bao giờ hình dung được rằng nó có thể diễn ra theo bất kỳ cách nào khác. Việc phi thực dân hóa tâm trí đòi hỏi phải đặt vấn đề về tính hợp pháp và liên quan của khuôn khổ khái niệm thông thường vốn định hướng cho định nghĩa về các vấn đề và đối tượng nghiên cứu. Nói cách khác, người ta phải tuân theo nguyên tắc “đứt gãy” do Pierre Bourdieu và các đồng nghiệp của ông định nghĩa vào năm 1968, phạm vi của nó vượt ra ngoài giới hạn của xã hội học: “Việc nắm bắt một thực tế ngạc nhiên ít nhất giả định quyết định dành sự chú ý có phương pháp đến yếu tố bất ngờ, và giá trị khám phá của nó phụ thuộc vào tính thích hợp và tính liên kết của hệ thống các vấn đề mà nó gợi ra.”[100]

Việc làm việc độc quyền trong các nguồn chính của kho lưu trữ thuộc địa tạo ra một kiểu trompe l’oeil decor, một hình ảnh biến dạng và thành kiến ​​về phong trào quần chúng mà tôi gọi là “cuộc cách mạng chè”. Có ít nhất ba lý do cho điều này. Trước hết, số lượng tài liệu ấn tượng được tạo ra dưới sự quản lý đã áp dụng quan điểm “từ trên xuống” mà nhất thiết phải thiên vị vì được nuôi dưỡng bởi khát vọng của một hệ thống thống trị tập trung được áp đặt bằng vũ lực và đang nghiêng ngả dưới áp lực của một cuộc khủng hoảng kép: cuộc khủng hoảng quốc tế năm 1929, đồng nghĩa với sự suy thoái của cả nền kinh tế tư bản phương Tây và thuộc địa, và cuộc khủng hoảng sâu sắc về căn tính và tính chính danh được bộc lộ bởi những đòi hỏi về chủ nghĩa dân tộc và độc lập của những cư dân thuộc địa ở Đông Dương. Thứ hai, các tài liệu lưu trữ liên quan đến việc mở rộng kinh tế đồn điền ở tỉnh Phú Thọ phản ánh những mối bận tâm quy ngã đã bị cắt đứt với thực tế địa phương và chủ yếu tìm cách ngụy trang cho những sai sót của chuỗi chỉ huy và những lỗi phạm do các cơ quan hành chính khác và các cơ quan kỹ thuật liên quan gây ra. Khi làm như vậy, họ tạo ra ảo tưởng rằng có thể toàn quyền kiểm soát xã hội nông thôn. Cuối cùng, những tài liệu này cung cấp một bức chân dung vừa rời rạc, vừa thiên vị và vừa cơ hội. Nó giảm thiểu các động lực địa phương để cuối cùng nhập chúng vào lời hùng biện về sự tiến bộ và sứ mệnh khai hóa của Pháp, mà đến thời điểm này không còn gồm những người bảo vệ nhiệt thành nhất cho mô hình thuộc địa.

Khác xa với việc cung cấp một lý giải đáng tin cậy về một giai đoạn thời gian cụ thể, các nguồn lưu trữ mà tôi tham khảo đóng vai trò như là dấu vết bằng văn bản của một sự thao túng có chủ ý đối với lịch sử xã hội địa phương, một sự thao túng sẽ không được phát hiện nếu không giải thích và đối mặt các nguồn này thông qua và bằng những câu chuyện và sự kiện được thu thập trong quá trình nghiên cứu thực địa của tôi. Kết luận này lặp lại lời của Paul Veyne, người cho rằng “lịch sử là kiến ​​thức bị cắt xén. … Ảo tưởng về sự tái tạo trọn vẹn xuất phát từ thực tế rằng các tài liệu cung cấp cho chúng ta câu trả lời cũng đặt ra các câu hỏi cho chúng ta; theo cách đó, các tài liệu ấy không chỉ khiến chúng ta thiếu hiểu biết về nhiều thứ, mà còn khiến chúng ta cũng không biết rằng mình không biết”.[101]

[1] Programme de colonisation dans la province de Phú Tho, no. 67031, 1939, Fonds de la Résidence supérieure du Tonkin (từ giờ viết là “RST”), National Archives of Vietnam (từ giờ viết là “NAV”), Hanoi.

[2] Phần lớn lãnh thổ của tỉnh Phú Thọ nằm ở “Trung Khu” (Trung Du), một vùng đồi nằm giữa đồng bằng sông Hồng – một khu đông dân cư, cho đến đầu những năm 1990, hoàn toàn bị chi phối bởi canh tác lúa thâm canh —và vành đai miền núi của “Vùng cao”, nơi có dân cư thưa thớt và có khoảng ba mươi dân tộc canh tác lúa trong thung lũng và /hoặc làm nương rẫy.

[3] Quyền bảo hộ đối với Bắc Kỳ đã được áp đặt lên triều đình Huế theo Hiệp ước Harmand ngày 23 tháng 8 năm 1883, được Hiệp ước Patenôtre tái khẳng định vào ngày 6 tháng 6 năm 1884. Trái ngược với hệ thống khuất phục trực tiếp được áp dụng tại các thuộc địa của Pháp – khi chẳng hạn, Nam Kỳ trở thành một bộ phận hợp nhất của đế quốc vào ngày 5 tháng 6 năm 1862 (Hiệp ước Sài Gòn) -, chế độ chính trị trong chế độ bảo hộ không bao gồm việc chuyển giao chủ quyền hợp pháp đối với các lãnh thổ bị chinh phục cho lực lượng chiếm đóng. Ở các khu bảo hộ Bắc Kỳ và An Nam, hai hệ thống hành chính và tư pháp tồn tại song song với nhau: hệ thống Quan Việt Nam, mở rộng đến cấp huyện theo cấp tri huyện (hay quan huyện), một cấp quan của triều đình Huế; và chính quyền trung ương Pháp có các cơ quan phân cấp về cấp chính trị – hành chính chỉ mở rộng đến tỉnh, với Thống sứ Pháp đứng đầu. Trong thực tế, quyền lực thuộc địa đã xâm lấn đáng kể vào các đặc quyền của chế độ quân chủ ở Bắc Kỳ, vốn do triều đình chính thức nắm giữ ở Huế, nhanh chóng làm cho chế độ bảo hộ giống như thuộc địa chính thức.

[4] Chúng tôi không tìm thấy được một cách dịch chính xác nào, nhưng chức năng của lý trưởng có thể ứng với chức năng của xã trưởng. [Xã là đơn vị hành chính nhỏ nhất của Pháp, gần giống chứ không tương đương với một đô thị hay thị trấn tại Hoa Kỳ. Nhìn chung xã được lãnh đạo bởi một xã trưởng hoặc một hội đồng.]

[5] Ông Nguyễn Văn Mán, sinh năm 1927, xã Thái Ninh, phỏng vấn bởi Olivier Tessier, 9/10/1997

[6] Ông Nguyễn Văn Chất, sinh năm 1915, xã Vũ Ẻn, phỏng vấn bởi Olivier Tessier, 11 – 15/8/1997.

[7] Bản phân tích chi tiết về kết quả điều tra thực địa của tôi có thể được tìm thấy trong chương thứ hai, có tựa đề De la guerre de conquête à la ‘revolution’ du thé: mobilité de la population et recomposition des espaces villageois,”và của Olivier Tessier, “Le pays natal est un carambole sucré [Quê hương là chùm khế ngọt]. Ancrage social et mobilité spatiale. Essai de définition d’un espace social local au nord du Vietnam” (PhD diss., Université de Provence, 2003), 116-63

[8] Paul Veyne, Writing History: Essays on Epistemology, trans. Mina Moore-Rinvolucri (Middletown: Wesleyan University Press: 1984)

[9] Pierre Lefèvre-Pontalis, Notes sur l’exploitation et le commerce du thé au Tonkin (Paris: E. Leroux, 1892), 6

[10] Henri Brénier, Essai d’atlas statistique de l’Indochine française. Indochine physique, population, administration, finances, agriculture, commerce, industrie (Hanoi: IDEO, 1914), 167

[11] Philippe Eberhardt and Maurice Aufray, Contribution à l’étude du thé en Indochine, in Bulletin Économique de l’Indochine no. 33 (Hanoi: IDEO, 1919), 8-9.

[12] Brénier, Essai d’atlas statistique, 166, bản đồ XXXVI.

[13] Brénier, Essai d’atlas statistique, 166, bản đồ XXXVI.

[14] Jean Goubeaux, “Étude agronomique et économique de la province de Phu-Tho (Tonkin),” Bulletin économique de l’Indochine 31, no. 195 (1928): 403.

[15] Paul Braemer, “La production du thé au Tonkin,” Bulletin économique de l’Indochine 30, no. 185 (1927): 212.

[16] Năm 1891, tỉnh Hưng Hóa được tái cấu trúc hoàn toàn theo sắc lệnh của Gouverneur Général Jean-Marie de Lanessan số 541 (8 tháng 9 năm 1891), và thủ phủ được chuyển đến thành phố Phú Thọ vào ngày 5 tháng 5 năm 1903. Năm 1905, chính quyền thực dân lập lại các tỉnh phía bắc Bắc Kỳ. Từ các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Thái Nguyên ra khỏi lãnh thổ, họ thành lập ba tỉnh mới: Phú Thọ, Vĩnh Yên và Phù Lỗ. Xem Lê Tượng và Vũ Kim Biên, Lịch sử Vĩnh Phú [Lịch sử tỉnh Vĩnh Phú] (Việt Trì: nxb Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phú, 1980), 128.

[17] Sự hiện diện lịch sử của các đồn điền là lý do đằng sau một loạt yêu cầu gửi hạt giống đến Thống sứ Pháp ở Hưng Hóa. Ngày 3 tháng 10 năm 1901, Thống sứ Pháp ở Thái Nguyên xin hạt chè cho những người Pháp trồng rừng và nhận được tám mươi giỏ. Ngày 7 tháng 12 năm 1901, Thống sứ Pháp ở Bắc Ninh yêu cầu chuyển hàng từ mười đến mười lăm kilôgam hạt giống sau khi Thống sứ Bắc Kỳ thông báo với ông này rằng ông có một kho dự trữ bốn mươi kilôgam. Và vào ngày 1 tháng 12 năm 1902, giám đốc của Vườn Bách thảo cũng đưa ra một yêu cầu tương tự, lưu ý rằng “có rất nhiều cây chè trong vùng mà ngài quản lý.” “Culture alimentaire, le théier,” N 45, No. 1151, 1900-1905, Fonds de la province de Phú Thọ, NAV, Hanoi. [Trong hệ thống thuộc địa của Pháp, “Thống sứ” là các quan chức chính phủ cư trú trong các cơ quan bảo hộ thuộc địa.]

 Đất nhượng chính là đất đai, đồn điền, mỏ quặng do chính quyền thực dân chiếm đoạt từ người bản địa và giao lại cho giới chức hoặc thương nhân thực dân. (Người dịch)

[18] “Affaires indigènes, village de Mạn Lạn,” no. 714, 1893-1910, Fonds de la province de Phú Thọ, NAV, Hà Nội.

[19] Ibid.

[20] Goubeaux, “Étude agronomique et économique,” 408-9.

[21] Trại có nghĩa đen là “trại, trại giam, thuộc địa.” Tuy nhiên, theo Gustave Dumoutier (được Nguyễn Tùng trích dẫn lại), trong bối cảnh nông thôn miền Bắc, nó có thể được dịch như là “những ngôi nhà nhỏ biệt lập” hoặc “những khu định cư phân tán”: xem Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski, “Noms et appellations au Vietnam,” trong D’un nom à l’autre en Asie du Sud-Est. Approches et ethnologiques, eds. Josiane Massard-Vincent và Simone Pauwels (Paris: Karthala, 1999), 281.

[22] Trạm này được tạo ra trong thời kỳ phục hưng các cơ quan nông nghiệp ở Đông Dương, do Gouverneur Général Albert Sarraut khởi xướng và vào năm 1913, được giao cho Auguste Chevalier, một nhà thực vật học tại Bảo tàng quốc gia về lịch sử tự nhiên (Muséum national d’histoire naturelle) ở Paris. Trong khoảng thời gian từ 1917-1918, Chevalier thành lập trường cao đẳng thú y và trường Đại học nông nghiệp và lâm ngiệp (École supérieure de l’agriculture et de sylviculture) ở Hà Nội, bên cạnh đó cũng mở bốn trạm thí nghiệm, hai trong số đó (Phú Hộ và Pleiku) dành để cải thiện việc canh tác chè. Xem Pierre Brocheux, Une histoire économique de Viet Nam, 1850-2007. La Palanche et le camion (Paris: Les Indes savantes, 2009), 73.

[23] Du Pasquier, La production du thé en Indochine, 4.

[24] Yves Henri, Économie agricole de l’Indochine (Hanoi: IDEO, 1932), 680.

[25] Braemer, “La production du thé au Tonkin,” 214.

[26] Goubeaux, “Étude agronomique et économique,” 401.

[27] “50.000 ha bụi chè và cà phê đã bị các đồn điền người Pháp bỏ hoang từ năm 1926 đến năm 1931; diện tích đất canh tác được ổn định ở mức 2.950 [ha].” André Guinard,“La culture du thé en Indochine” (1953), trích dẫn bởi Brocheux, Une histoirevéconomique du Viet Nam, 86.

[28] Vào giữa những năm 1920, tình hình giai cấp nông dân ở đồng bằng sông Hồng trở nên tồi tệ hơn. Các cơ chế điều tiết của địa phương, đặc biệt là việc phân chia lại đất công xã theo định kỳ, và doanh thu do một bộ phận lớn và năng động của các nghệ nhân truyền thống tạo ra không còn đủ để chống lại sự bần cùng ngày càng tăng của tầng lớp nông dân và số lượng nông dân không có đất ngày càng tăng. Nhưng chỉ sau cuộc khủng hoảng quốc tế năm 1929 và tác động của nó đối với nền kinh tế thuộc địa, và do đó đối với các dân tộc bị đô hộ, thái độ của giới chức trách của chính quyền bảo hộ mới bắt đầu thay đổi. “Chính sách viện trợ canh tác lúa”, được đưa ra từ năm 1931-1932, để trang bị cho Đồng bằng sông Hồng cơ sở hạ tầng thủy lợi có thể mở rộng vụ thu hoạch lúa hai năm một lần đồng thời giảm ùn tắc ở các tỉnh đông dân nhất thông qua việc tổ chức các cuộc di cư vào các vùng dân cư thưa thớt ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Xem Olivier Tessier và Jean-Philippe Fontenelle, “Pression démographique et contraintes publiques: la Payannerie nord vietnamienne dans la tourmente du XX siècle,” trong Population et dévelopment au Viêt-nam, ed. Patrick Gubry (Paris: Karthala / CEPED, 2000), 499-500.

[29] “Đến năm 1932, hoạt động sản xuất bắt đầu chịu tác động của tình trạng sản xuất thừa toàn cầu (90 triệu kg được dự trữ ở London vào năm 1935); ở Pháp, chè Đông Dương đang cạnh tranh với chè Ceylan (Sri Lanka) và Ấn Độ.” Pierre Brocheux lưu ý rằng trong những năm 1930, diện tích đất canh tác giảm từ 13.000 ha vào năm 1935 xuống 6.100 ha vào năm 1938, thì xuất khẩu lại tăng: cán cân nhập khẩu hằng năm thâm hụt so với xuất khẩu từ năm 1924-1930 (2.131/946 tấn) dần dần trở thành thặng dư đáng kể vào năm 1940 (200/2.556 tấn). Xem Brocheux, Une histoire économique du Viet Nam, 86-88.

[30] “Affaires indigènes, village de Thái Ninh,” no. 732, 1901-1921, Fonds de la province de Phú Thọ, NAV, Hanoi.

[31]  “Affaires indigènes, village de Ninh Dân,” no. 729, 1896-1922, Fonds de la province de Phú Thọ, NAV, Hanoi.

[32] Dương Thị The and Phạm Thị Thoa, Tên làng xã Việt Nam đầu thê´ kỷ XIX [Names of Communes in Vietnam at the Beginning of the Twentieth Century] (Hanoi: nxb Khoa học Xã hội, 1981).

[33] Olivier Tessier, “Fondateurs, ancêtres et migrants : mobilité et reformulation des espaces d’appartenance dans un village du nord du Viêt-nam,” Moussons 6 (2002): 103.

[34] Bắt đầu từ năm 1850, cuộc nổi dậy Thái Bình ở Trung Quốc đã tạo ra làn sóng hàng ngàn lính đánh thuê và thổ phỉ Trung Quốc xâm nhập sâu vào lãnh thổ Bắc Kỳ, như họ đã làm ở tỉnh Thái Nguyên, nơi họ bị quân đội của vua Tự Đức ngăn chặn vào năm 1851. Cuộc cướp bóc và bạo lực do Hắc Kỳ quân, Hồng Kỳ quân, và Hoàng Kỳ quân, được nhóm lại với nhau dưới một thuật ngữ chung “Cướp biển Trung Quốc”, có liên quan trực tiếp đến các cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa của Pháp. Các liên minh với các băng cướp biển khác nhau này được tuyên bố định kỳ và sau đó bị cả quyền lực thuộc địa tương lai và nhà nước đế quốc lên án, vốn bị mất ổn định trước sự xâm nhập của một thế lực phương Tây. Xem Lê Thành Khôi, “Absolutisme et immobilisme,” trong Histoire du Viêt-Nam, des origines à 1858 (Paris: Sudestasie, 1981), 383.

[35] Đoạn này trích từ một yêu cầu đề tháng 6 năm 1902 của lý trưởng xã Ninh Dân gửi tri huyện Thanh Ba cung cấp một cái nhìn tổng quan và ngắn gọn về tình hình: “Làng của chúng tôi nằm trong vùng rừng, trải dài trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Trong quá khứ, nó đã quá đông dân cư. Sau đó, cư dân bị phân tán do cướp biển và kết quả là các vùng đất bị bỏ hoang”. “Affaires indigènes, village de Ninh Dân,” Fonds de la Résidence de Phú Thọ, NAV, Hà Nội. Về chủ đề tương tự, Pierre Gourou đã viết: “Những ngôi làng rất cổ của người An Nam nằm trên các ruộng bậc thang giữa sông Hồng và sông Lô cũng như giữa các ruộng bậc thang bên hữu ngạn sông Hồng, một chút về phía thượng lưu của Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ). Những khu định cư An Nam cổ đại này đã phải chịu đựng rất nhiều khó khăn trong những rắc rối của thế kỷ 19 khi đất nước nằm dưới tay của các băng cướp bóc, trong đó nổi tiếng nhất là Hắc Kỳ quân. Nhiều làng mạc đã biến mất, và có rất nhiều đất đai để người khai hoang An Nam phục hồi”. Pierre Gourou, Les Payans du delta tonkinois. Étude de géographie humaine (Paris: Les Éditions d’art et d’histoire, 1936), 201.

[36] Tessier, “Fondateurs, ancêtres et migrants,” 104-8.

[37] Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên and Philippe Papin, eds., Đồng Khánh địa dư chí [Descriptive Geography of the Emperor Đồng Khánh] (Hanoi: EFEO/Purple Ink, 2004), 943.

[38] Phạm Xuân Độ, Phú Thọ tinh địa chí [Geography of Phú Thọ Province] (Hanoi: nxb Tông Phát hành Nam-Ky´, 1939), 34-35.

 Ở đây, tác giả đang muốn nói đến đồng bằng sông Hồng. (Biên tập)

[39] Henri Brénier chỉ ra rằng, vào năm 1914, việc vận chuyển hàng hóa đã cung cấp cho các tuyến đường sắt ở Đông Dương doanh thu cao nhất của họ. Điều này đặc biệt đúng với tuyến Hải Phòng-Yunnanfou, mặc dù giá mỗi tấn được vận chuyển cao hơn gấp ba lần so với tuyến công cộng. Xem Brénier, Essai d’atlas Statisticstique, 205. Cũng cần lưu ý rằng hình thức vận tải này nhanh hơn và ít rủi ro hơn so với vận chuyển qua sông Hồng, vốn không thể di chuyển trong mùa mưa.

[40] Trong những thập kỷ đầu tiên của giai đoạn thuộc địa hóa, rừng ở Nam Kỳ bị tàn phá thảm hại đến mức hai sắc lệnh, lần thứ nhất năm 1891 và lần thứ hai năm 1894, đã tìm cách tạo ra một hệ thống điều chỉnh tất cả các khu rừng ở Đông Dương. Việc tạo ra các khu bảo tồn rừng là trọng tâm của dự án này. Nhưng ngay cả khi việc sử dụng miễn phí các khu bảo tồn này bị cấm, thì “luật này, vốn rất khắt khe với ‘người bản xứ’, không nên được coi là kết quả từ việc mong muốn bảo tồn. Nó không gì khác hơn là một phương tiện để tái tạo những khu rừng đã bị cạn kiệt sau hai mươi năm sử dụng của thực dân, để ngăn chặn sự suy kiệt hoàn toàn của những khu rừng này.” Frédéric Thomas, Histoire du régime et des services Foretiers français en Indochine de 1862 à 1945 (Hà Nội: nxb Thế Giới, 1999), 25.

[41] Arrêté du gouverneur général de l’Indochine, 31 juillet 1914, Journal officiel de l’Indochine française, 1327-28; arrêté du gouverneur général de l’Indochine, 9 novembre 1928, Journal officiel de l’Indochine française, 3351-52. Hai khu bảo tồn này nằm trong số mười chín khu bảo tồn được thành lập từ năm 1908 đến năm 1931 ở tỉnh Phú Thọ. Tổng diện tích bề mặt là 38.386 ha, hơn 10% tổng diện tích bề mặt của tỉnh (khoảng 3.740 km2).

[42] “Forêts – Réserves dans la province de Phú Thọ,” N 92, no. 75 747, 1908-1939, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[43] Tình hình này được xác nhận bởi một báo cáo về vị trí từ người đứng đầu văn phòng Kiểm lâm thuộc Bộ Lâm nghiệp Phủ Đoan. Báo cáo đề ngày 3 tháng 10 năm 1927 chỉ rõ thành phần của khu dự trữ trong tương lai của Năng Yên. Dự án phân loại rừng được đề xuất liên quan đến 2.263,30 ha trải rộng trên lãnh thổ của chín xã thuộc hai huyện: 753,82 ha “rừng mật độ trung bình”, 1.145,86 ha “rừng bị chặt phá” và 138,14 ha “đang phục hồi”. Xem nghị định ngày 9 tháng 11 năm 1928, phụ lục “Réserve Foretière”, ref. No. 490 Năng Yên, “Forêts – Réserves dans la province de Phú Thọ,” N 92, no. 75 747, 1908-1939, Fonds RST, NAV, Hà Nội,

[44] Việc so sánh 19 nghị định phân loại này nêu bật các khác biệt trong cách chúng được xây dựng, và nội dung của các biện pháp quản lý đều tương tự nhau. Ví dụ, “cư dân của các làng giáp ranh với khu bảo tồn Năng Yên được công nhận là có các quyền sử dụng sau đây: 1. Tự do khai thác gỗ và tre, nứa cần thiết cho mục đích sử dụng cá nhân của họ trong việc xây dựng và bảo trì nhà và chùa miếu cũng như củi đốt, tùy thuộc vào việc đã xin phép và tuân theo các hướng dẫn của cơ quan kiểm lâm; 2. Thu hoạch miễn phí Củ nâu, rễ ăn được, làm thuốc hoặc nhai được; 3. Khai thác tự do lá của cây cọ đã có trong rừng, mà không khuyến khích sự xâm lấn của loài này dưới bất kỳ hình thức nào; 4. Cho phép tự do thu hoạch nhựa cây Trám trắng (canarium copaliferum).” Arrêté du gouverneur général de l’Indochine, ngày 9 tháng 11 năm 1928.

 Tác giả đang muốn nói đến các tháng Tư và Sáu âm lịch. (Biên tập)

[45] Henri, Économie agricole de l’Indochine, 395.

[46] Goubeaux, “Étude agronomique,” 409-10.

[47] Du Pasquier, La production du thé en Indochine, 26.

[48] “Programme de colonisation dans la province de Phú Thọ,” Fonds RST, NAV, Hanoi.

[49] Lá thư ngày 3/8/1937, “Déclassement partiel des réserves forestières de Đại Lục et Năng Yên,” phụ lục, ref. nos. 292 and 490, decree no. 96, 8 June 1938, “Forêts – Réserves dans la province de Phú Thọ,” N 92, no. 75 747, 1908-1939, Fonds RST,
NAV, Hanoi.

[50] Lá thư ngày 13/8/1937, “Déclassement partiel des réserves forestières de Đại Lục et Năng Yên,” phụ lục, ref. nos. 292 and 490, decree no. 96, 8 June 1938, “Forêts – Réserves dans la province de Phú Thọ,” N 92, no. 75 747, 1908-1939, Fonds RST,
NAV, Hanoi.

[51] Chín bức thư đã được trao đổi trong khoảng thời gian từ ngày 14 tháng 9 đến ngày 20 tháng 12 năm 1937, mặc dù một số mục còn thiếu trong hồ sơ.

[52] Thư ngày 13 tháng 8 năm 1937

[53] Thư của người đứng đầu Sở Kiểm lâm Bắc Kỳ, 24/8/1928, “Réserve forestière” phụ lục, ref. no. 490 Năng Yên, decree dated 9 November 1928, “Forêts – Réserves dans la province de Phú Thoø,” N 92, no. 75 747, 1908-1939, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[54] Annuaire général de l’Indochine. Partie administrative (Hanoi: Impr. d’Extrême-Orient, 1914), 423-25.

[55] Annuaire administratif de l’Indochine (Hanoi: Impr. d’Extrême-Orient, 1929), 279-80.

[56] “Demande de défrichement présentée par Chu Văn Cu du hameau de Đông Lĩnh, village de Đào Giã,” no. 42454, 1927, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[57] “Demande de défrichement présentée par le village de Hương Xạ,” no. 42468, 1926, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[58] “Demande de défrichement présentée par Phạm Văn Nghiêm du village de Đào Giã,” no. 42460, 1927, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[59] Khó khăn và độ phức tạp của một thủ tục như vậy, nhờ đó mà bản chất của tài sản, diện tích bề mặt của nó, ranh giới địa hình, và đạo đức của người nộp đơn phải được chứng minh, đã đủ để gây cản trở cho những thành viên “hợp pháp” nhất trong số dân cư đang được quản lý.

[60] Phạm Xuân Độ, Phú Thọ tinh địa chí, 79-80.

[61] Nhà nông học René Dumont và nhà địa lý Pierre Gurorou đều ủng hộ quan điểm Malthus này. Dumont đã viết rằng “Không có tiến trình thực sự nào có thể được thực hiện miễn là đồng bằng tiếp tục có một dân số quá mức, mà, với thực tế kinh tế hiện tại, đồng bằng không đủ để cung cấp cái ăn lẫn chỗ ở.” René Dumont, La culture du riz dans le delta du Tonkin. Étude et propositions d’amélioration des techniques traditionelles de rizility tropicale (Patani: Prince of Songkia Đại học, 1935; Repin. 1995), 63. Theo Gurorou, “mật độ quá mức của dân số là một vấn đề không có giải pháp để giải quyết. … Những người nông dân này đã sử dụng đất của họ với công suất gần tối đa; không phải các dự án thủy lực cũng không có những tiến bộ kỹ thuật có thể tăng sản xuất vào điểm thay đổi điều kiện vật chất của cuộc sống của họ [Nghèo mạn tính].” Gourou, Les paysans du delta tonkinois, 577. Theo số lượng đã được thống nhất, vào những năm 1930, Đồng bằng Bắc Kỳ chứa một nhân khẩu học vượt quá 1,5 đến 2 triệu người, trong tổng dân số 7-8 triệu người. Xem Grégeoire Kherian, “Esquisse d’une politique démographique en Indochine,” Revue indochinoise juridique et économique I (1937): 41.

[62] Thadeus Smolski, Notes sur le mouvement de la population en Indochine, trong Bulletin Économique de l’Indochine no. 199 (Hanoi: IDEO, 1929).

[63] Một nỗ lực đầu tiên trong việc khai hoang chính thức vào năm 1907 đã dẫn đến việc tái định cư của tám mươi tư gia đình (328 người) từ tỉnh Thái Bình đến tỉnh Cần Thơ. Hầu hết họ cuối cùng đã được hồi hương trong những năm sau đó. Xem Raymond Grivaz, Aspects sociaux et économiques du sentiment relegieux en pays annamite (Paris: Éd. Montchrétien, 1942).

[64] Conseil fédéral de l’Indochine, December 1941, report no. 5, “Le problème démographique, surpopulation et colonisation,” ANVNI GGI 1367, p. 6, Fonds du Gouvernement général de l’Indochine, NAV, Hanoi.

[65] “Programme de colonisation dans la province de Phú Thọ,” Fonds RST, NAV, Hanoi.

[66] Discours de M. Tholanche à la Chambre des représentants du people du Tonkin, 20 octobre 1936, in Grégoire Kherian, “Esquisse d’une politique démographique en Indochine,” Revue indochinoise juridique et économique II (1937): 43, n. 1.

[67] Thư đề ngày 20/9/ 1937, “Déclassement partiel des réserves forestières de Đại Lục et Năng Yên,” phụ lục, ref. nos. 292 and 490, decree no. 96, 8 June 1938, “Forêts – Réserves dans la province de Phú Thọ,” N 92, no. 75 747, 1908-1939, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[68] Tổng hợp hai tài liệu từ Fonds RST, NAV, Hà Nội: “Carte du programme de colonisation dans la province de Phú Thọ,” no. 67053, 1938-1939 ; “Programme de colonisation dans la province de Phú Thọ.”

[69] Được thành lập vào ngày 20/3/1936, bởi một sắc lệnh của Thống sứ Bắc Kỳ, chính sách về “đất nhượng cho dân cư” được thiết lập bởi và xoay quanh một “ân nhân” chịu trách nhiệm tuyển mộ các nhà thực dân để họ quản lý cả về vật chất lẫn đạo lý; chính sách ấy cũng biểu trưng cho nguyên mẫu của sự phân chia thuộc địa giữa người theo thuyết tiến hóa và người theo chế độ gia trưởng. “Hầu hết những người thành công trong việc thuộc địa hóa An Nam đều có một nhân vật giữ vai trò trung tâm, đôi khi là một quan lại thượng phẩm nhân từ, đôi khi là một nhà thừa sai người Pháp hoặc người An Nam, đôi khi là các công tu mỏ hoặc các nhà thực dân Pháp.”  Kherian, “Esquisse d’une politique démographique en Indochine,” 42.

[70] “Minutes des fiches de concessions à Phú Thọ,” no. 166, 1936, Fonds RST, NAV, Hanoi. Vào giai đoạn này, các huyện Thanh Ba và Hạ Hòa không gồm bất kỳ một vùng đất nhượng nào của người Âu châu. Mãi đến năm 1941 hai loại đất nhượng này mới được cấp tại Thanh Ba.

[71] Thư gửi Thống đốc Pháp tại Phú Thọ, 26/7/1938, “Demande de concession de 200 ha à Thái Ninh formulée par Trần Văn Hợi,” N 67 047, 1938-1940, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[72] Thư gửi Toàn quyền Đông Dương, 25/10/1939 “Demande de concession de 200 ha à Thái Ninh formulée par Trần Văn Hợi,” N 67 047, 1938-1940, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[73] Thư của Toàn quyền Đông Dương, 15/1/1940, “Demande de concession de 200 ha à Thái Ninh formulée par Trần Văn Hợi,” N 67 047, 1938-1940, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[74] Ông cũng nói đại khái về sự cần thiết của việc đáp ứng thị trường Bắc Phi: “Chính vì lý do này mà một cơ quan Đông Dương đã được thành lập ở Algeria để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp,” chưa kể đến “Ủy ban Tuyên truyền mới được tổ chức tại Paris, do De Fol đứng đầu, điều này hoàn toàn chứng minh cho sự quan tâm của mẫu quốc đối với vấn đề quan trọng về chè Đông Dương. ” Thư gửi Thống sứ Bắc Kỳ, 12/10/1938, “Demande de concession de 200 ha à Thái Ninh formulae par Trần Văn Hợi,” N 67 047, 1938-1940, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[75] Sắc lệnh ngày 28 tháng 3 năm 1929 chính thức cấp đất miễn phí tối đa 300 ha cho người An Nam. Chính sách này đi kèm với sắc lệnh ngày 20 tháng 3 năm 1936, trong đó đặt ra chính sách “đất nhượng theo mật độ dân cư” và thiết lập chính sách thuộc địa theo nhóm.

[76] Trong một báo cáo năm 1939, Thống đốc Pháp ở Phú Thọ đã biện minh cho việc bác bỏ năm yêu cầu về “đất nhượng theo dân cư”: “Việc thực dân hóa quy mô lớn và dân cư chỉ nên giới hạn ở những vùng bị cô lập, không khỏe mạnh hoặc không an toàn, nơi mà vì bất kể lý do gì, việc nhập cư tự phát không phải là một lựa chọn. Những điều kiện này duy rất hiếm thấy ở tỉnh Phú Thọ … Tóm lại, chính sách thuộc địa quy mô nhỏ (cấp nhượng đất dưới 15 mẫu, theo nghị định ngày 13 tháng 11 năm 1925) đối với tôi, theo mọi cách, đây là chính sách duy nhất chấp nhân được và đáng mong đợi, xét từ cả quan điểm xã hội và tài chính.” “Programme de colonisation dans la provinc de Phú Thọ”, Fonds RST, NAV, Hà Nội.

[77] Hiệp hội (phường) là một hình thức tổ chức làng nghề phổ biến ở Việt Nam thời tiền thuộc địa. Trong văn hóa đại chúng, các hiệp hội được xác định bằng các ngành nghề của họ, từ đó sinh ra cụm từ chung “hiệp hội 100 ngành nghề”. Hoạt động của họ rất đa dạng, từ việc tạo quỹ đến việc thu quỹ cho ma chay cưới hỏi, vì hiệp hội “theo truyền thống gửi các lễ vật, quà tặng hoặc tiền cho các thành viên.” Xem Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục (Paris: EFEO, 1975), 209. Ngoài những trao đổi vật chất này, mục tiêu của các hiệp hội này là “tạo ra một sự giao thiệp cần thiết giữa mọi người có cùng điều kiện xã hội ”và để tăng uy tín của họ bằng cách dâng lễ vào đình miếu của riêng họ và mang tên họ. Xem Nguyễn Từ Chi, “Le làng traditionnel au Bắc Bộ, sa structure organisationnelle, ses problèmes,” Le village traditionnel (Hà Nội: nxb Thế Giới, 1993), 94. Tính độc đáo của “hiệp hội chủ đồn điện bản địa” hệ tại ở nhu cầu và khả năng giải quyết khiếu nại.

[78] “Pétition à Monsieur Le Résident Supérieur au Tonkin,” no. 67774, 1937, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[79] Ibid.

[80] Ibid.

[81] “Forêts – Réserves dans la Province de Phú Thọ,” Fonds RST, NAV, Hanoi.

[82] “Pétition à Monsieur Le Résident Supérieur au Tonkin,” Fonds RST, NAV, Hanoi.

[83] Những dự báo được đưa ra vào năm 1937 bởi Paul Bernard, tốt nghiệp École Polytechnique và là chủ tịch của Société française financier et coloniale (SFFC), thậm chí còn bi quan hơn. Ông ước tính rằng, đến năm 1948, đồng bằng Bắc Kỳ sẽ chứa vượt quá 2,4 triệu nông dân, trong khi cuộc di cư do Toàn quyền Đông Dương dự kiến, do số tiền cần chi ra, mà ​​sẽ chỉ có thể gồm tối đa 40.000 người,: 10.000 franc/gia đình trước vụ thu hoạch đầu tiên. Đối với ông, cũng như đối với một số quan chức cấp cao được cử đến Đông Dương khi Mặt trận Toàn dân nắm quyền, cuộc khủng hoảng tiếp tục gây ảnh hưởng đến thế giới phương Tây, đặc biệt là Pháp, đòi hỏi phải chuyển đổi phương thức kiếm lợi nhuận từ các thuộc địa. Điều này đòi hỏi phải thay thế việc chuyển dịch tiền vốn sang thuộc địa bằng việc xuất khẩu hàng hóa của Pháp, mở rộng thị trường nội địa và chống lại sự suy thoái ngày càng tăng của giai cấp nông dân thông qua quá trình công nghiệp hóa thuộc địa ồ ạt và nhanh chóng kèm theo những cải cách chính trị từng bước. Xem Pierre Brocheux và Daniel Hemery, Indochine. La colonisation ambigue, 1858-1954 (Paris: La Découverte, 2001), 311-12.

[84] “Rôle des impôts personnels des différents phủhuyệnchâu et centres urbains de la province de Phú Thọ,” 14, 1297, 1926-1927, Fonds de la province de Phú Thọ, NAV, Hanoi.

[85] “Modifications territoriales: érection en phủ du huyện de Thanh Ba,” no. 68830, 1939, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[86] Nghị định số 4215, ngày 04/9/1943.

[87] “Érection en phủ du huyện de Cẩm Khê,” no. 68828, 1943, Fonds RST, NAV, Hanoi.

[88] Sự chiếm đóng của Nhật Bản diễn ra khắc nghiệt, lan tới từng làng: “Tác động của cuộc đảo chính của Nhật chống lại chính phủ Vichy đã lan tới các làng khi có lệnh chuyển đất trồng lúa sang sản xuất cây công nghiệp như hạt thầu dầu và đay.” John Kleinen, Facing the Future, Reviving the Past: A Study of Social Change in a Northern Vietnamese Village (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1999), 74.

[89] Nạn đói xảy ra từ mùa thu năm 1944 đến mùa đông năm 1945 đã gây ra cái chết của 1,5-2 triệu nông dân, chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng. Nguyên Thế Anh, “La famine de 1945 au Nord Viêt-nam,” Approche Asie 8 (1985): 103-16.

[90] Phạm Xuân Độ, Phú Thọ tinh địa chí, 68-69.

[91] James C. Scott, The Moral Economy of the Peasant: Rebellion and Subsistence in Southeast Asia (New Haven: Yale University Press, 1976); Samuel L. Popkin, The Rational Peasant: The Political Economy of Rural Society in Vietnam (Berkley: University of California Press, 1979).

[92] Bằng cách đưa Đông Dương vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu (giảm tỷ lệ tử vong) mà không huy động các phương tiện nhân lực và tài chính cần thiết để tạo ra sự gia tăng tương ứng trong sản xuất nông nghiệp cân xứngvới sự gia tăng dân số theo cấp số nhân, các cường quốc thực dân đã góp phần gây ra tình trạng thiếu lương thực liên tục ở Bắc Kỳ. Cuộc khủng hoảng quốc tế năm 1929 đã đẩy nhanh và khuếch đại quá trình này và cuối cùng dẫn đến nạn đói và cuộc nổi dậy.

[93] Lượng gạo ước tính đủ để nuôi một người trưởng thành là khẩu phần hàng năm gồm 300-350 kg thóc, hoặc 210-250 kg gạo cho một người mỗi năm.

[94] Brocheux and Hemery, Indochine, 255.

 Quan điểm Mani giáo, dựa theo triết lý Mani giáo (Manichaeism, một tôn giáo cổ ở Iran), nhìn vạn vật dưới hai chiều kích tốt và xấu, sáng và tối, tình yêu và thù hận, v.v. – tức là theo kiểu nhị nguyên (dualism). Ở đây, khi nhắc đến quan điểm Mani giáo, tác giả muốn khẳng định: các thành phần khác nhau vốn có thể cùng hợp tác để cùng phát triển nhưng nhiều khi các thành phần ấy dễ bị quy về các thế đối lập nhau, và chỉ có đối lập và kháng cự mà thôi. (Biên tập)

[95] Công việc thực địa của tôi nhằm mục đích phát triển một lượng giá về dòng di cư trong ba dòng họ đã thành lập ở xã Mạn Lạn, nơi là điểm xuất phát của nhiều chủ đồn điền-thực dân trong nửa đầu thế kỷ XX. Tôi thấy rằng 57-80% đàn ông trưởng thành trong mỗi dòng họ này đã rời làng của mình để đến định cư trong vùng lịch sử phát triển đồn điền. Sự di chuyển ở quy mô này, được phân bổ tương đối đồng đều trên khu vực xuất phát, mâu thuẫn với hình ảnh di cư như là giai đoạn cuối cùng trong quá trình tàn phá của nhóm nông dân bên lề xã hội, những người bỏ xứ ra đi là phương tiện sinh tồn duy nhất. Ngược lại, nghiên cứu này truyền tải một hình ảnh về sự phát triển kinh tế, sự năng động và các đặc điểm của phong trào tiên phong, không phù hợp với giai đoạn khủng hoảng này. Đối với những cá nhân đang cân nhắc việc di cư, thì sự kiện một số người di cư quay trở lại xã Mạn Lạn chứng tỏ rằng việc rời đi không phải là con đường một chiều mà cũng không hẳn đã dứt khoát. Việc quá trình di cư không được coi là không thể đảo ngược đã khiến cho việc di cư về mặt xã hội và kinh tế trở nên dễ hình dung và phổ biến hơn. Xem Tessier, “Le Pays natal est un carambole sucré.”

[96] Hãy xem xét trường hợp này: “Họ [dân làng] trung thành tuân theo mọi nghĩa vụ đặt lên họ bởi sự phụ thuộc kép vào gia đình và xã hội. Họ bị chế ngự bởi kỷ luật này đến nỗi họ không thể hình dung được tinh thần tự do cá nhân vốn là đặc trưng của người châu Âu. … Những mối quan hệ xã hội và tôn giáo này bền chặt đến nỗi người An Nam hiếm khi rời khỏi làng của mình, và nếu có, thì họ luôn quay trở lại.” Émile Delamarre, “La réforme communale au Tonkin,” Revue du Pacifique 1, No. 3 (1924): 211-12. Cách tiếp cận văn hóa này đã không biến mất cùng với quá trình thuộc địa hóa: “Vì mỗi làng Việt Nam tự nó là một căn tính và một thực thể, được phân biệt với các làng khác bởi truyền thống, tập quán xã hội, quy tắc đạo đức và vị thần Thành hoàng đại diện cho người bảo vệ và là hiện thân của linh hồn của làng, sự sùng bái dành riêng cho vị thần này trở thành nhiệm vụ của cả cộng đồng.” Nguyễn Văn Ký, La sociétié vietnameinne face à la modernité. Le Tonkin de la fin du XIXe siècle à la Seconde Guerre mondiale (Paris: L’Harmattan, 1995), 28-29.Để tìm hiểu đầy đủ hơn về vấn đề này, xem Philipe Papin và Olivier Tessier, eds., Le village en question [Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ] (Hanoi: Publications du center de EFEO, 2002).

[97] Khi Yves Henri, tổng thanh tra nông nghiệp ở các thuộc địa, đánh giá lực lượng lao động cần thiết cho một đồn điền chè của Pháp rộng 500 ha vào năm 1932, ông mô tả “người bản xứ” giống như một người buôn ngựa: “1.500 người đàn ông (đàn ông, phụ nữ, trẻ em), hoặc ba trên một ha, đó là con số bình thường trên các đồn điền ở Assam.” Henri, Économie agricole de l’Indochine, 595.

[98] Sự mù quáng không thể phủ nhận này đã được nuôi dưỡng bởi một loạt các giả định được nâng lên cấp độ định đề, mà giới tinh hoa chính trị và khoa học sẽ lặp lại sau mỗi lần hủy bỏ nỗ lực di cư: sự gắn bó không rời của nông dân với làng của họ (“quê hương” của họ) và phong tục địa phương của họ, như được giải thích bởi các yếu tố kinh tế, tâm lý, xã hội (địa vị) và tâm linh (tín ngưỡng, mê tín dị đoan); nỗi sợ hãi nghiêm trọng về độ cao và khí hậu không lành mạnh; thực tế là những người từ đồng bằng đã chết khi không có ruộng lúa; và thiếu sự chủ động của từng cá nhân và nhu cầu được hướng dẫn và tổ chức, v.v. Một phân tích chi tiết được cung cấp trong phần mở đầu và chương ba của Tessier, “Le pay natal est un carambole sucré,” 1-29 và 164-244.

[99] “Ở tỉnh Phú Thọ, khu vực kinh tế tư bản chủ yếu bao gồm các đồn điền chè và sơn của Pháp ở vùng đồi núi của tỉnh, một nhà máy chế biến chè ở Phú Hộ và một nhà máy bột giấy nhỏ ở Việt Trì. Các đồn điền này được thiết lập trên đất nhượng được giao cho những người Pháp đến định cư và cộng tác viên Việt Nam – diện tích đất nhượng lên tới 10.969 ha, hoặc khoảng 22 phần trăm đất có thể canh tác của tỉnh vào những năm 1930 (Phạm Xuân Độ 1939: 62-63; Henri 1932: 23).” Hy Văn Lương, Revolution in the Village: Tradition and Transformation in North Vietnam, 1925-1988 (Honolulu: Nhà xuất bản Đại học Hawaii, 1992), 43.

[100] Pierre Bourdieu et al., The Craft of Sociology: Epistemological Preliminaries, trans. Richard Nice (Berlin: de Gruyter, 1991), 14.

[101] Veyne, Writing History, 13.

Tác giả: Olivier Tessier, École française d’Extrême-Orient

Thomas Scott-Railton dịch từ tiếng Pháp

Nguồn: Journal Annales

Người dịch: Sophia Ngo, Biên tập: Quốc Trọng

Trà đạo vô ngôn thấu suốt lẽ nhàn

“Vi kỳ nhàn đắc địa” – Nguyễn Sưởng Thế cục cuộc đời tựa hồ bàn cờ mà trong đó mọi quyết định và diễn biến đều là các nước đi của chính ta và tha nhân. Cuộc đời không bày sẵn trận để đưa ta vào thế khó, thoạt tiên, cuộc đời chúng ta là một khoảng trống mênh mông. Nhất niệm – bước đi đầu tiên, khi ta khai trận, đã đưa đẩy chúng ta đến với thế cục mà ta phải đối mặt,

Trà Việt: chấp nhận như biến thể của trà Tàu hay kiến tạo bản sắc riêng?

Đời sống trà Việt cũng phong phú như đời sống văn hóa của Việt Nam vậy. Là một quốc gia đa tộc (hơn 54 tộc người, và vẫn có những tộc người chưa được ghi nhận chính thức) sống chung với nhau trên dải đất nhỏ hẹp kéo dài ven biển Đông, văn hóa Việt Nam là một tổ hợp vô cùng phức tạp không dễ gì để coi một nét văn hóa nào đó được gọi là đặc trưng. Một lịch sử giao tranh

Thưởng trà cũng lắm công phu… và cả khoa học nữa – Phân loại các dòng trà

1. Giới thiệu tổng quan Trà ở phương Đông rất đa dạng về chủng loại, phong phú về các sản phẩm giống như rượu vang đối với người phương Tây. Về mặt lý thuyết, tất cả các loại trà đều có thể được làm từ cùng một loài thực vật gọi là cây chè hay cây trà, tên khoa học là camellia sinensis (loài là bậc phân loại sinh học cơ bản, loài người, loài bò, loài bồ câu, …). Loài cây chè bao gồm

Ký sự ăn chơi (1): Chén trà Hương Mộc Vị Thanh vớt từ cõi trần ai

Gửi tặng Dương Anh và trà Mộc Thanh nhân dịp kỷ niệm 7 năm tròn vị Mộc Thanh.  Vào một ngày hè nóng bức năm 2020, tôi đã thử hơn 10 vị trà khác nhau suốt từ 10h sáng đến 16h chiều. Tôi vẫn còn nhớ y nguyên hôm ấy, mệt - đói - đơ (chứ không phải say) và chán. Các hương các vị lướt qua miệng rồi trôi tuột vào bụng, chẳng đọng lại chút nào nhung nhớ, kèm với đó là một