Home Hiểu Nữ quyền không như bạn tưởng (5): Bình đẳng giới ở Việt Nam

Nữ quyền không như bạn tưởng (5): Bình đẳng giới ở Việt Nam

PHẦN III: TÌNH HÌNH BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở VIỆT NAM: XƯA VÀ NAY

Tuy phong trào nữ quyền và các làn sóng của nó bắt rễ ở xã hội phương Tây, ta không thể bỏ qua tình hình bình đẳng giới ở Việt Nam kể từ thời quân chủ đến nay. Trước hết, về mặt lịch sử, cần khẳng định rằng đàn bà ở Việt Nam được hưởng nhiều quyền lợi từ khá sớm trong lịch sử, và điều này được thể hiện khá rõ ràng trong các bộ luật thời quân chủ, đó là Quốc triều Hình luật (bộ luật Hồng Đức) và Hoàng Việt luật lệ (bộ luật Gia Long).

  1. Nữ quyền trong vấn đề sở hữu và thừa kế tài sản

Luật thời quân chủ đối xử rất công bằng đối với việc sở hữu tài sản, không phân biệt nam nữ. Mặc dù không có thống kê đầy đủ, song những ghi chép trong địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng để lại đã phản ánh rõ và củng cố thêm những quy định mà trước đó, trong luật pháp Lê triều đã ban hành (16).

Ví dụ, nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Cảnh Minh và Đào Tố Uyên về đất đai ở thế kỷ XIX cho biết, tại một vùng đất ở Ninh Bình, có hai người đàn bà sở hữu ruộng đất. Một tác giả người Hàn Quốc là Kim Jong Ouk cũng ghi chép được 198 người đàn bà sở hữu đất ở làng Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) trước năm 1945 (16).

Về việc phân chia tài sản của vợ. Điều 1 và 2 của luật nhà Lê có ghi: “Chồng cùng vợ trước có con, vợ sau không có con, hay vợ cùng chồng trước có con, chồng sau không có con, mà chồng chết trước, không có chúc thư, thì điền sản thuộc về con vợ trước, hay con chồng trước; Nếu vợ sau, chồng sau không chia đúng phép thì bị xử phạt 50 roi, biếm một tư” (Điều 1). “Vợ chồng không có con, hoặc ai chết trước, không có chúc thư, mà điền sản chia về chồng hay vợ, cùng là để về việc tế tự không đúng phép, thì xử phạt 50 roi, biếm một tư. Người trong họ không được giữ phần điền sản về việc tế tự ấy nữa” (Điều 2).

Về việc thờ tự và giữ hương hỏa, luật pháp Việt Nam thời quân chủ cũng quy định rõ: “Người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng, ruộng đất hương hỏa thì cho lấy một phần hai mươi” (Điều 4, bổ sung luật hương hỏa), và: “Cha mẹ sinh được hai con trai, người con trai trưởng chỉ sinh con gái, con thứ lại có con trai, thì phần hương hỏa giao cho con trai của người con thứ; Nhưng con trai người con thứ chỉ sinh cháu gái, thì phần hương hỏa trước kia lại phải trao trả cho con gái người con trưởng” (Điều 4, châm trước bổ sung về luật hương hỏa). (16)

Như vậy, căn cứ theo các văn bản pháp luật thời phong kiến, có thể thấy đàn bà ở Việt Nam được hưởng các quyền lợi về tư hữu tài sản và bất động sản không thua gì đàn ông.

  1. Nữ quyền trong vấn đề hôn nhân

Hôn nhân dưới chế độ quân chủ cũng không phải luôn luôn trong tình trạng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Cụ thể, luật nhà Nguyễn có quy định rất rõ về tự do lựa chọn trong hôn nhân: “Trường hợp đôi trai gái bị chủ hôn dùng uy quyền bức bách, sự việc không do mình làm chủ, nếu con trai từ 20 tuổi trở xuống, con gái còn ở nhà với cha mẹ (tuy không phải là dùng uy quyền bức bách), thì cũng chỉ bắt tội một mình chủ hôn, đôi trai gái đều không bị bắt tội”.

Thậm chí đối với trường hợp lừa gạt trong hôn nhân thì luật cũng quy định rõ: “Nếu trong việc cưới gả bên họ nhà gái lừa gạt, thì người chủ hôn bị xử phạt 80 trượng (chẳng hạn như người con gái bị tàn tật mà lại đưa chị em gái ra thay mạo nhận là cô dâu để gặp mặt, đến khi làm lễ thành hôn mới đưa người con gái bị tàn tật ra). Bắt truy hồi tiền của lễ lạt. Nếu bên nhà trai mạo nhận thì xử nặng thêm một bậc (chẳng hạn như định hôn cho con trai nhưng lại làm lễ thành hôn cho con nuôi. Lại như người con trai bị tàn tật, lại đưa anh em trai ra thay, mạo nhận là chú rể để gặp mặt, đến khi làm lễ thành hôn lại đưa người con trai bị tàn tật ra)”.

Đối với việc chồng mua bán vợ hay thê thiếp, cha mẹ cầm con gái, thì cũng bị luật nhà Nguyễn xử nghiêm: “Người chồng đem thê thiếp cầm cố cho người khác làm thê thiếp, bản thân thực vô liêm sỉ, lại đẩy thê thiếp vào hoàn cảnh thất tiết, thực là bại hoại luân thường đạo lý nhiều lắm, cho nên xử phạt 80 trượng. Cha mẹ cầm cố con gái cho người khác làm thê thiếp, xử phạt 60 trượng”.

Còn nếu cưỡng bức phụ nữ thì sẽ phải bị treo cổ làm gương: “Phàm kẻ cường hào ỷ thế cưỡng đoạt vợ và con gái gia đình lương thiện, gian chiếm làm thê thiếp thì bị xử tội giảo (giam hậu) […]. Kẻ cường hào ỷ thế hành hung tàn bạo, không cần sính lễ, công nhiên cưỡng đoạt tại nhà vợ và con gái gia đình lương thiện đem về gian chiếm làm vợ tì thiếp của mình, thì bị xử tội giảo”.

Không quá lời khi khẳng định, pháp luật Việt Nam dưới thời quân chủ đã có những tiến bộ rõ rệt về bình đẳng giới.

  1. Nhìn nhận lại nữ quyền dưới thời quân chủ

Quốc triều hình luật (thời Lê sơ) có 6 quyển, 13 chương và 722 điều. Trong đó có 200 điều phỏng theo luật nhà Đường, 17 điều phỏng theo luật nhà Minh, 178 điều chung đề tài nhưng khác cách xử lý, và 328 điều không tương ứng với điều luật nào của Trung Hoa cả.

Còn Hoàng Việt luật lệ (thời Nguyễn) có 22 quyển, 34 chương và 398 điều. Trong 398 điều thì 397 điều là giống với nhà Thanh, nhưng cũng đã được chỉnh sửa và cập nhật cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Dù chưa có nghiên cứu tham chiếu cụ thể tới các bộ luật của Trung Hoa, nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ dưới thời quân chủ phương Đông, dưới tư tưởng Nho giáo, không chỉ ở riêng Việt Nam, không hề bị xem nhẹ.

Tất nhiên, xã hội xưa rất khắt khe trong một số vấn đề khác như gian dâm và phá thai. Trong đó, đặc biệt là tội gian dâm là bị thả trôi sông, hoặc bị voi giày. Nhưng ví dụ như trong cuốn “Kỹ thuật của người An Nam”, Henri Oger đã vẽ minh họa rằng nam tăng mà không biết giữ giới luật, nữ giới mà lăng loàn, nếu phạm tội bại hoại nhân luân thì đều bị thả trôi sông như nhau cả. Như vậy đây là vấn đề quan niệm gìn giữ đạo đức của người xưa, chứ không phải vấn đề nữ quyền.

Do đó, việc luật pháp bảo vệ phụ nữ như ở Việt Nam từ thế kỷ XIX còn đi trước xã hội phương Tây rất lâu vì như đã bàn ở các phần trước, cái gọi là những làn sóng “nữ quyền” (feminism) mới chỉ thực sự dấy lên ở xã hội phương Tây vào cuối thế kỷ XIX, mang theo nhiều hệ lụy về việc phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống, tự do ly hôn, quan hệ ngoài hôn nhân, và phá thai.

  1. Nữ quyền trong các văn bản pháp luật hiện đại

Các bản Hiến pháp của Việt Nam đều rất tôn trọng sự bình đẳng trong quyền lợi của các công dân, đăc biệt là Hiến pháp 1980 và 1992 nhấn mạnh đến quyền chính trị của phụ nữ:

Thật vậy, ta có thể đi ngược lại dòng thời gian và đến với bản Hiến pháp đầu tiên (1946) ban hành ngày 9 tháng 11 năm 1946. Điều 9 của Hiến pháp này quy định:

“Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”

Kể từ đó tới nay, trải qua 5 bản Hiến pháp, có thể nhận xét mà không sợ sai lầm rằng, quyền lợi và vị thế của đàn bà ở Việt Nam chỉ có tăng lên, chứ chưa bao giờ giảm đi. Cụ thể, trong Hiến pháp 1959, Điều 24 quy định: “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình’’. Như vậy, so với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã cụ thể hóa hơn các lĩnh vực mà người phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới.

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 có dành hẳn một điều luật 64 khá dài và đầy đủ cho đàn bà:

“Phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.Nhà nước và xã hội chăm lo nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp của phụ nữ, không ngừng phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội.Nhà nước có chính sách lao động phù hợp với điều kiện của phụ nữ. Phụ nữ và nam giới việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Phụ nữ có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương nếu là công nhân, viên chức, hoặc hưởng phụ cấp sinh đẻ nếu là xã viên hợp tác xã.Nhà nước và xã hội chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà ăn công cộng và những cơ sở phúc lợi xã hội khác, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập và nghỉ ngơi.”

 

Không chỉ vậy, để nhấn mạnh quyền bình đẳng về chính trị, Điều 57 quy định “Công dân không phân biệt dân tộc, nam – nữ, thành phần xã hội…. từ 21 tuổi trở lên đều có thể được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp”. Điều 64: “Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng…. Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con”.

Trong các năm tiếp theo, Việt Nam đã ban hành một loạt các bộ luật nhằm cụ thể hóa các quyền lợi của đàn bà, đó là Luật bình đẳng giới (2006), Luật phòng chống bạo lực gia đình (2007), Luật Bảo hiểm xã hội (2006, 2014), Luật Quốc tịch (2008), Bộ luật Lao động (2005, 2012), và Luật Hôn nhân và gia đình (2000, 2014)…

Chẳng hạn, Điều 11, Chương II, Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị: “Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; Bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp…”

Bản Hiến pháp 2013 mới nhất đảm bảo sự công bằng với nam giới khi quy định rất rạch ròi quyền của đàn bà và đàn ông ngang nhau trong chương II (rải rác trong các điều 14-49), bao gồm các quyền chính trị, dân sự, lao động, văn hóa, giáo dục, xã hội, và tư pháp… (17)

Nhưng không chỉ được đối xử công bằng với đàn ông, đàn bà ở Việt Nam còn được pháp luật ưu tiên! Cụ thể là trong bản Hiến pháp năm 2013, Điều 36 và 58 quy định rất rõ về sự bảo hộ của Nhà nước cho người mẹ:

Điều 36: “…Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.”Điều 58: “…Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình.”

 

Trên đây là quy định về bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật, còn thực trạng việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam ra sao?

Phần này, tôi xin trích nguyên văn từ một bản nghiên cứu của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

“Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI (2002-2007), phụ nữ chiếm 27,31% trong tổng số đại biểu, khóa XII (2007-2011): 25,76%, khóa XIII (2011-2016): 24.40%. Đây là tỷ lệ tương đối cao qua các kỳ bầu cử Quốc hội và đã đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan lập pháp cao nhất châu Á và cũng như trên thế giới (trên 25%). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nước ta cao hơn hẳn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực. Theo Liên minh các nghị viện thế giới, Việt Nam đứng thứ 37 trong tổng số 188 nước trên thế giới về tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp (số liệu tính đến ngày 31-1-2011 trên cơ sở báo cáo của cơ quan lập pháp các nước).

Số liệu của trang tin Nhóm Nữ nghị sỹ Việt Nam (thuộc Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho thấy, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở nước ta liên tục tăng lên trong thời gian qua và duy trì ở mức cao. Từ năm 1999 đến nay, Việt Nam luôn có nữ Phó chủ tịch nước. Tỷ lệ phụ nữ là bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng cũng tăng lên. Tại các cấp địa phương, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân cũng tăng lên và nhiều nơi có nữ chủ tịch.

Chính phủ cũng có các cơ quan chuyên trách chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ như Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế),… Đặc biệt là Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam được thành lập từ năm 1985 với tổ chức từ trung ương đến địa phương, có chức năng, nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề liên ngành liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ.

Phụ nữ Việt Nam tham gia vào các cơ quan nhà nước: lập pháp, hành pháp, tư pháp, và còn tham gia vào các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp… Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một tổ chức chính trị rộng lớn dành cho phụ nữ hoạt động vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ. Tổ chức này hoạt động rộng khắp trên cả nước từ trung ương đến địa phương và cấp cơ sở với các chi hội phụ nữ.” (18)

TỔNG KẾT

Tuy rằng trong quá khứ, phong trào nữ quyền có đem lại những sự giải phóng nhất định (và cần thiết) cho đàn bà, hiện nay, phong trào này đã biến tướng trở thành một trào lưu cực đoan, bịa đặt và có hơi hướng khủng bố nhằm mục đích bôi nhọ và dần dần xóa sổ nam giới khỏi nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Thực tế là trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đàn bà không hề bị pháp luật ràng buộc hay kìm kẹp trong việc tham gia vào các lĩnh vực của đời sống, miễn là họ đủ khả năng. Chúng ta tôn trọng nữ giới với tư cách những người bình đẳng với nam giới, hay với giới LGBT…, chứ không thể ngây thơ tin vào những thông tin bịa đặt để từ đó ủng hộ quan điểm rằng đàn ông là những kẻ áp bức hay thống trị đàn bà, và phái đẹp luôn luôn là nạn nhân. Qua buổi hôm nay, tôi cũng thật sự mong muốn tất cả những ai đang cầm đầu các phong trào tự xưng là đấu tranh cho bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực gia đình, định kiến xã hội,… hãy trung thực hơn, lý trí hơn trong khi dùng số liệu cũng như thể hiện các luận điểm của mình. Tôi tin rằng, dù là đàn ông hay đàn bà, không có gì giải phóng con người tốt hơn sự thật.

El Niño

Đọc các bài trước tại đây

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.britannica.com/topic/feminism
  2. Plato and Aristotle on the Nature of Women, Journal of the History of Philosophy, Volume 21, Number 4, October 1983, pp. 467-478.
  3. Replublic https://classics.mit.edu/Plato/republic.html
  4. Timaeus https://classics.mit.edu/Plato/timaeus.html
  5. Politics https://classics.mit.edu/Aristotle/politics.html
  6. History of animals https://classics.mit.edu/Aristotle/history_anim.html
  7. https://www.vox.com/2018/3/20/16955588/feminism-waves-explained-first-second-third-fourth
  8. https://time.com/3222543/wage-pay-gap-myth-feminism/
  9. https://www.thoughtco.com/all-about-ancient-queens-121481
  10. https://www.politifact.com/truth-o-meter/statements/2012/jun/21/barack-obama/barack-obama-ad-says-women-are-paid-77-cents-dolla/
  11. https://www.thedailybeast.com/no-women-dont-make-less-money-than-men
  12. https://www.goodcall.com/news/recent-georgetown-study-shows-which-college-majors-are-dominated-by-men-and-women-02108/
  13. https://www.usatoday.com/story/opinion/2014/08/10/sexual-assault-rape-survey-college-campus-column/13864551/
  14. https://www.rawstory.com/2014/04/jimmy-carter-violence-against-women-is-the-worst-human-rights-abuse-on-earth/
  15. https://www.villagevoice.com/2011-06-29/news/real-men-get-their-facts-straight-sex-trafficking-ashton-kutcher-demi-moore/
  16. https://trithucvn.net/van-hoa/dieu-it-biet-ve-nu-quyen-trong-xa-hoi-viet-nam-duoi-thoi-quan-chu.html
  17. https://stp.quangbinh.gov.vn/3cms/quyèn-của-phụ-nũ-trong-các-bản-hién-pháp-viẹt-nam.htm
  18. https://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/2596-thuc-hien-quyen-chinh-tri-cua-phu-nu-o-viet-nam-hien-nay.html

 

Nữ quyền không như bạn tưởng (4): Những huyền thoại

PHẦN II: MỘT SỐ HUYỀN THOẠI ĐƯỢC THÊU DỆT NÊN TỪ PHONG TRÀO NỮ QUYỀN Phụ nữ có thật sự bị áp bức và không được nắm giữ những trọng trách về chính trị, xã hội? Ta có thể bắt đầu xem xét vấn đề này với một nữ nhân khá nổi tiếng từ những cuốn sách lịch sử đến điện ảnh và truyền hình – Cleopatra VII, Pharaoh cuối cùng của Ai Cập. Nhưng chỉ tính riêng số nữ hoàng cùng mang tên Cleopatra,

NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (3): CÁC LÀN SÓNG NỮ QUYỀN (tiếp)

Đọc các bài trong chùm Nữ quyền không như bạn tưởng tại đây Làn sóng nữ quyền thứ ba (third-wave feminism) Còn rất nhiều tranh cãi xung quanh mốc thời gian làn sóng thứ ba khởi đầu, và liệu nó đã kết thúc hay chưa. Một quan điểm cho rằng làn sóng này gắn với vụ việc Anita Hill và Clarence Thomas. Một số người khác đồng nhất thời điểm bắt đầu của làn sóng nữa quyền thứ ba cho sự xuất hiên của các nhóm

NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (2): CÁC LÀN SÓNG NỮ QUYỀN

Đọc phần (1) tại đây Làn sóng nữ quyền đầu tiên (first-wave feminism) Tranh vẽ các diễn giả nữ quyền tố cáo đàn ông tại hội nghị nữ quyền đầu tiên vào tháng 7 năm 1848, tại Seneca Falls, New York, nơi phong trào nữ quyền Mỹ được phát động (7) Giai đoạn đầu tiên của các phong trào đấu tranh nữ quyền được cho là bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX (19448) đến nửa đầu thế kỷ XX (1920). Thời gian này, các

Những cuốn sách gây ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa nữ quyền

  Thuật ngữ “phong trào nữ quyền” mới xuất hiện ở Việt Nam trong vòng vài năm gần đây. Tuy nhiên, trên thế giới, trào lưu này đã đi qua bốn “làn sóng” (wave), bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX tại Hoa Kỳ, mỗi thời kỳ lại mang những khẩu hiệu và chủ trương khác nhau. Nói chung, phong trào nữ quyền xuyên suốt trong lịch sử của nó hướng đến việc đòi quyền bình đẳng về chính trị, xã hội cho phụ nữ,

“Wonder Woman 1984” đã phản ánh sự hỗn loạn của chính trị Mỹ và sự cực đoan của phong trào nữ quyền như thế nào?

“Wonder Woman 1984”, ra rạp và chiếu trên HBO Max, được giới thiệu theo đúng chất của thập niên 1980 trên mọi phương diện: túi đeo chéo (fanny pack), nhảy break dance, lớp thể dục nhịp điệu, dụng cụ làm ấm chân, máy chơi game, đi bộ tốc độ và J. C. Penney. Bộ phim còn có hai nhân vật phản diện đau khổ. Đầu tiên là một nhà tài phiệt dầu mỏ nổi tiếng, Max Lord (Pedro Pascal), một mô tuýp kiểu Donald Trump

Book Hunter

13/01/2021