Năm hai mươi hai tuổi, tôi mới đọc thơ Phạm Hầu. Thế là chưa đến nỗi quá muộn. Tôi nghĩ nên đọc Phạm Hầu khi ở độ hai mươi, khi đó ta có thể hiểu ông như một người bạn ngang tuổi, dẫu rằng với thi nhân thì tuổi tác chắc chỉ để đùa. Phạm Hầu, thi sĩ trẻ trung thuộc lớp sau trong phong trào Thơ Mới đột ngột ra đi khi mới vừa 24 tuổi. Người thanh niên ấy còn rất trẻ, nhưng hồn thơ thì đã mênh mang không tuổi, lòng đã định một lẽ sống riêng. Tôi lần đầu bắt gặp hồn thơ ấy trong bài thơ “Lý tưởng”:
Sầu hương hoa gạo đỏ bên chân
Xa nắng chiều hoe nhạt mấy phần
Một cột đèn cao mơ goá bụa
Đường dài toan nối hận gian truân
Tôi theo tư tưởng vô cùng tận
Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu
Sáng sớm rạng đông, chiều chạng vạng
Những giờ mới lạ có bao nhiêu?
Thuở nhỏ đêm mơ nằm thấy bướm
Giờ không mơ bướm lại mơ thơ
Đời tôi nếu rụng bao nhiêu sắc
Cũng tại vì tôi quá mộng hờ
Ao ước ngày mai sắc nắng thơm
Chiều mai thôi ráng nhuộm cô đơn
Chiều qua gió thổi lời tôi nguyện
Quên thổi giùm tôi hận chập chờn
Tôi đợi người đây, Tuyệt đích ơi!
Dẫu xa, xa cách mấy phương trời
Biết rằng vô ích nhưng tôi vẫn
Phung phí đời tôi mấy độ tươi.
Mới đọc qua thôi đã thấy buồn nhè nhẹ. Hình ảnh thơ đượm buồn làm nền cho lời tâm sự của người thơ. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh xác hoa gạo rụng dưới chân người, làm lịm nhạt cả nắng chiều. Bao nhiêu hương sắc giờ đây rụng xuống dưới gót dòng người trần thế, những gì tươi đẹp nhất lại rơi vào cảnh tàn lụi, sa xuống cùng chỗ với cái tầm thường, đó cũng là nỗi buồn từng ám ảnh Xuân Diệu:
Những chút hồn buồn trong lá rụng
Bị nhàu ai tưởng dưới trăm chân
(Ý thu)
Nỗi buồn về sự tàn héo, phai bạc thấm vào không gian, làm nắng chiều nhợt nhạt. Đến đây thì cả không gian không còn là không gian thực nữa, nó đã trở thành không gian tâm trạng, cảnh vật không còn là một cảnh bên ngoài nữa, mà là những biểu tượng cả hữu thức lẫn vô thức của nhà thơ:
Một cột đèn cao mơ góa bụa
Cắt nghĩa làm sao hình ảnh này? Đọc lên chỉ thấy sự khuyết thiếu, cô đơn. Hình ảnh thơ chuyển từ bông hoa gạo rụng còn lưu chút sức sống sang một vật vô tri. Dường như ở mỗi câu, sức sống lại thêm yếu ớt: sắc hoa gạo lẫn trong vết chân người, nắng dần thu lại và giờ là cây cột đèn chơ vơ. Sức dần cạn, mà đường còn dài, còn trắc trở gian truân. Đó là con đường gì? Hãy nghe tác giả mở lòng tâm sự:
Tôi theo tư tưởng vô cùng tận
Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu
Sáng sớm rạng đông, chiều chạng vạng
Những giờ mới lạ có bao nhiêu?
Thi nhân mang “tư tưởng vô cùng tận”, người đeo đuổi mộng lớn lao, với tấm lòng rộng mở, với tinh thần cao khiết, người muốn đạp lên hết thảy tầm thường, người muốn sống hừng hực tràn trề trong những “giờ mới lạ”. Thế nhưng hy vọng bao nhiêu, thực tại càng phũ phàng bẫy nhiêu. Người chỉ có trong đời nỗi quạnh hiu của những “sớm rạng đông”, “chiều chạng vạng”: một vòng tuần hoàn tẻ nhạt, nhàm chán, cũ mòn, đâu được như những giấc mộng hằng ám ảnh người:
Thuở nhỏ đêm mơ nằm thấy bướm
Giờ không mơ bướm lại mơ thơ
Giấc mơ thường là dấu chỉ biểu hiện khao khát của con người. Những ám ảnh sâu kín nhất, những niềm đam mê ngấm ngầm bị “kiểm duyệt” trong đời sống thường trở lại và chiếm lĩnh người ta trong giấc mơ. Dựa vào chút lý thuyết trên thì ám ảnh lớn của Phạm Hầu là cái đẹp. Bướm hay thơ đều là biểu tượng cho cái đẹp. Người thơ muôn đời theo đuổi cái đẹp, dẫu là cái đẹp hữu hình hay siêu hình. Mộng lớn của Phạm Hầu, “tư tưởng vô cùng tận” của Phạm Hầu là đạt đến cái tận mỹ, cái đẹp tuyệt đối, thứ rất thật trong giấc mơ người. Đời người vì thế mà tỏa sắc thắm tươi, vì thế mà đáng sống, bất chấp cả sự rữa tàn rơi rụng:
Đời tôi nếu rụng bao nhiêu sắc
Cũng tại vì tôi quá mộng hờ
Phạm Hầu nói từ chính trải nghiệm của mình: đời chỉ đẹp khi đắm đuôí theo đuổi giấc mộng tuyệt đích, phát tiết hết anh hoa đến tận cùng, cho đến tận khi mộng tan sắc rụng.
Người thơ sống giữa mộng và thực. Mộng trong lòng thì tuyệt đích, vô cùng, là cái tận mỹ, cái lý tưởng. Thực bên ngoài là cảnh tẻ nhạt chán chường, u ám ảm đạm. Vẻ đẹp của đời hóa ra không ở trong đời thực, mà lại là những phút hết mình theo mộng lớn. Biểu tượng nắng xuất hiện trong ước ao của tác giả:
Ao ước ngày mai sắc nắng thơm
Chiều mai thôi ráng nhuộm cô đơn
Từ cái nắng chiều nhợt nhạt từ khổ thơ đầu đến “sắc nắng thơm” xua tan cô đơn buồn bã trong tâm tưởng, đó là niềm mong cầu chờ đợi, là hy vọng, là lời nguyện trên môi nhà thơ. Nhưng sắc nắng ấy vẫn chỉ là mơ, và lời nguyện thì mong manh trước gió:
Chiều qua gió thổi lời tôi nguyện
Quên thổi giùm tôi hận chập chờn
Gió là biểu tượng đa nghĩa: một luồng lưu chuyển lạnh lẽo vô tình, vô hình vô ảnh, không sao nắm bắt được, chỉ có thể thuận theo, đó là biểu tượng của dòng thời gian có thể làm hoa tươi rã cánh, hay là biểu tượng của những dâu bể thế nhân. Thời gian dâu bể cuốn trôi lòng trần, dập vùi cả ước ao hy vọng, nhưng duy có giấc mộng lớn hướng đến tuyệt đích ở trong lòng vẫn không lay chuyển. Thực tại càng chán nản, lý tưởng càng in sâu ám ảnh, và cơn khát ấy vẫn cứ cháy bỏng cồn cào:
Tôi đợi người đây, Tuyệt đích ơi!
Dẫu xa, xa cách mấy phương trời
Biết rằng vô ích nhưng tôi vẫn
Phung phí đời tôi mấy độ tươi.
Bao nhiêu vẻ buồn vương lại từ nắng nhạt và hoa tàn, hóa ra chẳng thể làm người thơ phai lòng. Thi nhân gọi mộng tha thiết, và lòng chàng thì bất chấp tất cả ôm lấy giấc mộng vô cùng. Chỉ cần đời thêm một khắc tươi như cánh bướm sắc hoa trong mộng, dẫu là xa cách phương trời, dầu là “phung phí”, “vô ích”, có là gì đâu, ta vẫn đợi người.
Trước “Lý tưởng” của Phạm Hầu, mỗi người lại có cách kiến giải khác nhau. Chắc sẽ có người bảo Phạm Hầu khát khao lý tưởng, muốn đạt đến tuyệt đích bởi vì đời sống thực tế của ông quá đỗi thiếu hụt, buồn chán, nghèo nàn. Nhưng không phải như thế, có hàng tỷ người sống cuộc đời vô nghĩa buồn tẻ, nhưng thi nhân thì ít ỏi sao. Phần đông nhân loại không có khát khao vươn tới tuyệt đích, họ không có niềm đam mê cho cái tận mỹ, họ thậm chí còn chẳng quan tâm đến cái đẹp. Họ chọn thỏa hiệp với cái gọi là “thực tế”, họ đặt lòng vào gạo tiền cơm áo, vui những niềm vui nhỏ nhoi tủn mủn, chọn đời sống nhàm tẻ quẩn quanh, hoặc vài người bận rộn hơn thì tìm đường cứu nước. Chỉ có ngước mắt lên khỏi những lo toan vụn vặt của đời sống, và của cả thời cuộc, người ta mới có thể soi nhìn lại mình. Mà thực ra nếu lòng họ quá nhỏ bé, họ sẽ không bao giờ ngước đầu lên nổi để thoát khỏi đống hỗn độn kia. Giờ, nhìn lại mình, họ thấy gì? Có lẽ trong những khoảnh khắc lặng lẽ riêng tư nhất, họ mơ hồ thấy mình là lý tưởng, thấy mình đạt đến cái vô cùng. Trong giấc mộng về cái đẹp, hay trong khi viết thơ, có lẽ họ đã mơ hồ linh cảm được mình là một thực thể vô cùng. Thế Lữ hồi tưởng quá khứ của chúa sơn lâm, Huy Cận nhìn xa xăm vào vũ trụ, Đinh Hùng viết thơ linh ảo sau những giờ bàn đèn đốt thuốc, hay Phạm Hầu “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/Chẳng biết xa lòng có những ai”… Nỗi ám ảnh của cả một thế hệ có lẽ là bởi họ đã ít nhiều thấu hiểu cái thiêng liêng bên trong mình, họ đánh thức được một phần sâu thẳm bên trong cựa dậy. Trong nhiều bài thơ, Thế Lữ luôn tự nhắc nhớ mình về một thực tại khác, tỏ thái độ nhớ tiếc dĩ vãng cao cao tại thượng, không vướng trần ai. Đinh Hùng thì tự dìm mình vào mộng (hay có lẽ đó mới là đời sống thật của ông?), đi thật sâu vào cõi lý tưởng của mình, tạc chúng lại trong thơ. Huy Cận có vẻ hoang lạnh cô đơn như thể một mình đối diện với vũ trụ, hay là chỉ đang đối diện với chính mình?… Nhưng điều diệu kỳ chỉ trong khoảnh khắc, không sớm thì muộn họ đều phải quay lại với đời thật, nhận ra mình đang lụi tàn trong ngõ hẹp ở một xứ sở bầy nhầy xương máu đầu thế kỷ XX, và cái lý tưởng kia bị dập vùi nghiệt ngã. Khát vọng tuyệt đích kia vừa là khát vọng đạt đến, vừa là khát vọng được trở về. Nếu chưa nếm một chút gì hương vị của tuyệt đích, dẫu là trong ký ức thẳm sâu, người ta sẽ không thể khao khát nó bất chấp thực tại, cơn khát cũng sẽ không thể khắc sâu đến mức bất chấp tương lai như vậy.
Khi người ta đứng giữa mộng và thực, đứng giữa việc đối mặt với bản thân hay thỏa hiệp với các tô vẽ giả tạm của đời sống, có nhiều ngã rẽ phải lựa chọn. Tôi đã từng xoa dịu cơn đói bản năng kia bằng đủ thứ việc vụn vặt đời thường, vô hiệu, tôi vẫn đói, nhưng tôi xao lãng được mình trong nhiều ngày, chỉ đến khi nhìn lại mới tự hỏi “Ta đã làm chi đời ta xưa/Ta đã dùng chi đời ta chưa?” (Trích Đời tàn ngõ hẹp – Vũ Hoàng Chương). Lần đọc bài thơ “Lý tưởng”, tôi coi nó như một nhắc nhở về lẽ sống. Phạm Hầu nhắn nhủ đời chỉ đẹp khi cháy hết mình cho mộng đẹp, tôi chưa được bao lần như thế, tôi chỉ hiểu đời là bể khổ khi ta lẩn tránh mộng đẹp, lẩn tránh cơn khát tuyệt đích của mình.
Minh Hùng