Home Đọc “NHÀ GIẢ KIM” HAY LỜI NHẮC CHO NHỮNG CON CỪU CẦN MẪN

“NHÀ GIẢ KIM” HAY LỜI NHẮC CHO NHỮNG CON CỪU CẦN MẪN

Nhà giả kim phát hành năm 1988 với tên gốc là “O Alquimista”, được Paulo Coelho viết bằng tiếng Bồ Đào Nha và do NXB Editora Rocco Ltd chịu trách nhiệm xuất bản. Hành trình khám phá bản thân và giải mã giấc mơ của cậu bé Santiago được kể lại bằng sự pha trộn văn phong hiện thực – lãng mạn – huyền ảo đã thu hút sự chú ý của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Cho đến nay, sức hấp dẫn mà tác phẩm tỏa ra dường như vẫn không hề suy giảm.

Theo Paulo Coelho, Nhà giả kim  chất chứa nhiều biểu tượng. Trong phạm vi bài viết, người viết chỉ đề cập đến 1 trong rất nhiều biểu tượng được đưa vào cuốn sách. Đó là đàn cừu.

Đàn cừu là một biểu tượng đặc biệt trong Nhà giả kim. Nếu để ý kĩ, có thể thấy rõ đại đa số suy nghĩ của Santiago đều gắn với lũ cừu và hướng tới chúng như một “phương án an toàn”.

Để hiểu về đàn cừu của Santiago, trước hết chúng ta cần hiểu về đàn cừu của Chúa. Trong Cựu Ước, cừu giữ một vị trí danh dự. Đàn cừu, hay đàn chiên, chính là loài vật thân thuộc với Chúa nhất, có cơ hội nhiều cơ hội để được gần gũi với Ngài nhất. Cừu cũng là con vật xuất hiện sớm nhất trong các lễ tế, từ dấu máu trên cửa bảo vệ cho lũ trẻ con Do Thái trong giao ước cũ cho đến lễ tế chiên để tưởng nhớ đến Chúa trong suốt quãng thời gian trước giao ước mới. Đến Tân Ước, cừu không còn là cừu nữa, cừu chính là người – những người con ngoan đạo luôn được chỉ đường bằng những dấu chỉ của Thiên Chúa tối cao, hoặc được xóa bỏ mọi tội lỗi sau công cuộc cứu thế của Đấng Jesus Christ. Trong Thiên Chúa giáo nói chung, người ta coi Jesus là vị mục tử nhân lành luôn yêu thương đàn chiên con của mình. Đàn chiên ấy chính là Giáo hội và những người trong Hội Thánh. Xét trên tư tưởng đó, không phải ngẫu nhiên mà trong Nhà giả kim lại nhắc nhiều đến cừu. Tuy nhiên, đàn cừu trong Nhà giả kim lại là một đàn cừu rất khác.

Lũ cừu xuất hiện tổng cộng 15 lần, trong đó có đến 9 lần xuất hiện trong trường hợp Santiago nhụt chí. Ở lần đầu tiên, lũ cừu chỉ đơn giản là lũ cừu, chúng được một cậu bé chăn dắt trên các vùng đồng cỏ ở Andalusia. Thế nhưng nếu truy tìm đến nguồn gốc, chúng không phải đích đến cuối cùng của người chăn cừu Santiago. Lũ cừu chỉ là phương tiện để cậu thực hiện ước muốn đi đây đi đó của mình, cũng như vô số những phương tiện khác đã tồn tại và làm tròn nhiệm vụ trên hành trình của Santiago. Nhưng nếu chỉ là phương tiện, tại sao tần số xuất hiện của chúng lại nhiều đến thế, rải rác từ đầu đến cuối tác phẩm, “phủ sóng” trên cả thực tế lẫn trong suy nghĩ của nhân vật chính?

Nếu xem xét ở bối cảnh câu chuyện, ở lịch sử cuộc đời Santiago, người đọc luôn có cơ hội để khám phá một ý tưởng: Lũ cừu là nhân tố có tác động cực lớn đến suy nghĩ và hành động của Santiago. Chính vì thế nên cậu mới nghĩ đến chúng nhiều như vậy.

“Nếu bất chợt mình biến thành một kẻ hung ác, giết hết con này đến con khác thì chắc khi cả lũ chết gần hết rồi chúng mới biết”, cậu thầm nghĩ, “Vì chúng mù quáng tin vào mình, chứ không còn tin ở bản năng của chúng nữa. Chỉ bởi mình là kẻ dẫn chúng đến những đồng cỏ xanh và nguồn nước mát” [tr. 21]

“Chúng không nhận ra rằng ngày này chúng đi đường mới. Chúng không biết đồng cỏ khác nhau và bốn mùa thay đổi, vì chúng chỉ lo mỗi chuyện ăn và uống. Nhưng biết đâu con người cũng y như thế” [tr. 26]

Ở hai trích dẫn này, đàn cừu hiện lên như một đại diện cho sự trì độn và ngu muội. Mặc cho chúng có ngoan ngoãn và tuân thủ đến mấy, chỉ cần một ngày nào đó người chăn cừu có hứng thú mới, chúng luôn luôn là đối tượng bị đưa ra thí nghiệm. Và rồi vì quá vâng phục, quá thèm khát chuyện ăn uống nên chỉ cần thỏa mãn chúng hai điều đó, chúng sẽ chẳng còn đủ trí thông mình để làm gì khác. Hai trích dẫn trên dường như ngầm ẩn một diễn ngôn chống đối lại mọi sự xếp đặt của ai – đó – khác, chống lại đạo luật do người tổ chức thành lập dựa trên một vài giao ước cụ thể: Rằng chỉ có đàn cừu, chỉ có loài vật mới ngoan ngoãn nghe lời mà không suy nghĩ, cũng như chỉ có đàn cừu mới cần thỏa mãn mỗi hai vấn đề ăn và uống. Con người, vượt lên trên mọi giáo điều, rõ ràng không hề giống đàn chiên ngoan đạo. Cũng như con người luôn có quyền chính đáng đối với cuộc sống của chính mình, có quyền không phó thác cuộc sống cho một thứ định mệnh siêu hình nào đó. Nói cách khác, ở phần đầu câu chuyện, đàn cừu còn là hiện thân cho những con người ù lì, không chịu thay đổi, không chịu sống đúng nghĩa.

Về sau, biểu tượng đàn cừu lại mang một “sứ mệnh” khác.

“Cháu muốn trở về với lũ cừu càng sớm càng tốt” [tr. 77]

“Thật dễ hiểu vì sao mình cứ thiên về lũ cừu của mình. Vì mình biết rõ chúng rồi; chăn chúng cũng chẳng cực nhọc và chúng dễ thương” [tr. 91]

Phần trên, chúng ta đã làm rõ một luận điểm: đàn cừu là biểu tượng cho một phần tính người. Sang phần sau, đàn cừu vẫn song hành trên chuyến du hành sang Ai Cập cùng Santiago. Trên đường đi, cậu vẫn không quên nghĩ về đàn cừu của mình, và cậu nghĩ về chúng nhiều hơn mỗi khi đối mặt trước cơn hoạn nạn, rằng giá như cậu có thể quay về với lũ cừu, hoặc khi có tiền rồi, cậu lại nghĩ ngay đến việc mua một lũ cừu. Đến thời điểm này, lũ cừu đã trở thành một loại cám dỗ trên con đường vươn chạm tới giấc mơ, dấn thân để hiểu chính mình của Santiago – nhưng cậu không nhận ra điều đó, cũng như cậu sẽ không nhận ra một phần tính cách ngại thử thách vẫn luôn được tiền định tồn tại trong thâm căn cố đế con người cậu. Và chuyến đi của Santiago, thực chất là một cuộc chiến, giữa đàn cừu và những gì không phải cừu, giữa sự nhàn hạ của cuộc sống đã biết và khoái cảm phiêu lưu trên những địa hạt chưa bao giờ được chạm tới. Santiago đã có một cuộc chiến đấu dai dẳng mà cậu không hề biết, bởi cậu vẫn được sự giúp đỡ của ông vua già, chủ cửa hàng pha lê, giả kim thuật sư,…

Nhìn một cách tổng thể, đàn cừu trong Nhà giả kim chưa bao giờ và không bao giờ có khả năng nhận biết được thế giới, cũng như không bao giờ nhận thức được bản thân chúng chỉ là những con cừu. Và ở đây, chúng ta có thể liên tưởng đến một khả năng: Tất cả những ai không có khả năng nhận biết thế giới và nhận biết chính mình, thậm chí còn không có ý định bước chân ra ngoài cuộc sống để nhận biết bản thân, đều chẳng khác gì lũ cừu lang thang vô định trên đồng cỏ, chỉ suốt ngày chờ đợi kẻ chăn chiên đến dắt mũi, lùa đi.

Vậy suy cho cùng, lũ cừu trong Nhà giả kim khác gì với đàn chiên trong Kinh Thánh? Tất cả chúng đều phó thác số mệnh mình cho một người chăn chiên. Nhưng nếu đàn chiên trong Kinh Thánh luôn được người chăn giữ rao giảng về một thế giới tự do, luôn được quan tâm và yêu thương thì đàn cừu trong Nhà giả kim lại bị chính người chủ của mình bỏ lại nơi đồng cỏ Andalusia bạt ngàn nắng gió. Đàn chiên và Con người trong Kinh Thánh thỏa mãn và thỏa thuận với một loại tự do trong khuôn khổ; còn Con người trong Nhà giả kim lại lên đường để thoát khỏi sự kìm kẹp của thứ dây xích vô hình. Cả lũ cừu và con người trong Nhà giả kim đã có lúc chỉ là một thứ phương tiện, hoặc đại diện cho sự mông muội, trì trệ, nhưng con người – Santiago không yếu ớt, thụ động, dựa dẫm như những con chiên trong Kinh Thánh. Nhưng cuối cùng, Con người trong Nhà giả kim đã trở thành con người biết nghĩ, dám nghĩ và dám hành động, mặc cho việc có thể hành động đó chống lại ý Chúa.

Và rồi, hãy xem ai đã có được hạnh phúc?

 

Nguyễn Hoàng Dương.

 

Paulo Coelho bàn về nhảy múa và cầu nguyện theo lối Sufi

Tôi đã kể những câu chuyện Sufi trong nhiều bài viết, một vài câu chuyện có nhân vật chính là Nasrudin, một gã khở luôn cố gắng để thông minh hơn cả những người khôn ngoan, và hành động của gã có thể làm độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hôm nay tôi muốn đặt những câu chuyện ấy sang một bên và thử viết một chút về chủ đề này. Bách khoa thư định nghĩa về Sufi là một

Minh Hùng

11/09/2019

“NHÀ GIẢ KIM” CỦA PAULO COELHO – CÓ GÌ HAY?

“Nhà giả kim” của Paulo Coelho là cuốn sách “hot” nhất, chỉ sau Kinh Thánh, nhưng Paulo Coelho không được giới hàn lâm thừa nhận và ông cũng chưa từng được các giải thưởng danh giá về văn chương như Nobel Văn học, Concourt hay Man Booker. Vâng, người ta thà trao cho Bob Dylan còn hơn là trao cho Paulo Coelho. Không ít những phê phán đã được đưa ra từ những độc giả, họ cho rằng “Nhà giả kim” không có gì đặc

GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG TRONG “NHÀ GIẢ KIM” CỦA PAULO COELHO (3) – Những biểu tượng hành vi

Sau khi giải mã nhóm biểu tượng về những mô hình người trong xã hội, chúng ta sẽ chuyển sang nhóm thứ hai trong Nhà giả kim: Những biểu tượng hành vi. Theo đuổi giấc mơ Hành vi đầu tiên được xem như một biểu tượng cần giải mã chính là Theo đuổi giấc mơ. Việc chạy theo một giấc mơ này không có nghĩa Santiago là một người tham lam đang cố săn tìm kho báu mà mang một ý nghĩa khác. Cậu quyết

Thư Sinh

29/07/2019

GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG TRONG “NHÀ GIẢ KIM” CỦA PAULO COELHO (4) – NHỮNG BIỂU TƯỢNG TÂM LINH

Trong phần (4) này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nhóm biểu tượng liên quan đến vấn đề tâm linh trong tiểu thuyết Nhà giả kim của Paulo Coelho. Melchisedek Melchisedek là biểu tượng đầu tiên. Trong tác phẩm, Melchisedek được nhắc đến là một vị vua xứ Salem. Ông là người đã khích lệ Santiago theo đuổi giấc mơ của cậu. Melchisedek được nhắc đến trong Cựu ước là vị thượng tế muôn đời, người có nhiệm vụ truyền đi những dấu chỉ của

Thư Sinh

29/07/2019

Tính thiền trong tác phẩm “Nhà giả kim” của Paulo Coelho

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên, Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. Dịch nghĩa Sống giữa phàm trần, hãy tuỳ duyên mà vui với đạo Đói thì ăn, mệt thì ngủ Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác Đối diện với mọi cảnh giới mà vẫn vô tâm, thì cần chi hỏi thiền nữa.(Kệ vân, Trần Nhân Tông) Đây là một trong những bài thơ thiền của Trần Nhân Tông mà tôi rất
le-nam

Lê Nam

28/07/2019