Home Đọc GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG TRONG “NHÀ GIẢ KIM” CỦA PAULO COELHO (3) – Những biểu tượng hành vi

GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG TRONG “NHÀ GIẢ KIM” CỦA PAULO COELHO (3) – Những biểu tượng hành vi

Thư Sinh

29/07/2019

Sau khi giải mã nhóm biểu tượng về những mô hình người trong xã hội, chúng ta sẽ chuyển sang nhóm thứ hai trong Nhà giả kim: Những biểu tượng hành vi.

  1. Theo đuổi giấc mơ

Hành vi đầu tiên được xem như một biểu tượng cần giải mã chính là Theo đuổi giấc mơ.

Việc chạy theo một giấc mơ này không có nghĩa Santiago là một người tham lam đang cố săn tìm kho báu mà mang một ý nghĩa khác. Cậu quyết định đến Kim Tự Tháp không phải vì cậu bị mê hoặc bởi kho báu, mà vì cậu không hiểu được tại sao cậu lại có một giấc mơ như vậy. Và để có câu trả lời, không có cách nào khác ngoài việc chính cậu phải đến Kim Tự Tháp.

Nhiều người nhầm lẫn giữa việc Santiago đi theo giấc mơ và Santiago chạy theo khó báu. Đây là hai vấn đề khác nhau. Ngay từ đầu, Santiago không hề để ý đến kho tàng, và cái kho tàng cũng không thu hút cậu đến thế (nếu kho tàng thu hút, Santiago đã không nhiều lần nghĩ đến việc bỏ cuộc và đi về tậu một đàn cừu khác để tiếp tục cuộc đời anh chăn cừu thích đi đây đi đó). 

Mơ là hiện tượng diễn ra trong tâm trí mỗi người, nó là vấn đề xảy ra bên trong, mặc dù nội dung của chỉ dẫn Santiago lại đưa đến một địa điểm bên ngoài là Kim Tự Tháp. Giải quyết các vấn đề bên trong bằng việc dấn thân vào cuộc hành trình tưởng như là hướng ra bên ngoài, tưởng như là đang chạy theo thứ vật chất xa hoa phù phiếm nào đó, có lẽ điều đó đã khiến nhiều người hiểu nhầm về hành vi “theo đuổi giấc mơ”. Theo đuổi giấc mơ, thực chất là hành động khám phá và giải mã, tìm kiếm và xử lí những vấn đề đang diễn ra bên trong tâm trí, trong suy nghĩ, và trong chính con người Santiago, chứ không chỉ đơn giản là thực hiện một hành động nào đó xuất hiện trong giấc mơ theo nghĩa đen.

2. Cuộc phiêu lưu

Biểu tượng hành vi tiếp theo là Cuộc phiêu lưu. Thông qua hành trình từ Tây Ban Nha sang Ai Cập, Santiago có cơ hội phát hiện và xem xét tất cả những vấn đề cậu có, từ chuyện thích đi đây đi đó, cho đến những suy nghĩ về bản chất của kho báu, những gì cậu học được trên từng đoạn đường, thử sức ở các công việc khác nhau… Cuộc phiêu lưu của Santiago không đơn thuần là hành trình khó khăn của một chàng trai đang săn tìm kho báu, mà còn là quá trình vượt qua mọi giới hạn, không ngừng mở rộng, phát triển bản thân của Santiago. Không dừng lại ở người chăn cừu, Santiago tiếp tục đi. Làm việc ở cửa hàng pha lê, trở thành người lữ hành trên sa mạc, tập cách nhận biết các dấu hiệu, … qua mỗi chặng đường, độc giả lại thấy một Santiago khác với Santiago trước đó.

Thực chất, câu chuyện về hai giọt dầu được kể đến trong tác phẩm cũng nhấn mạnh vào ý thức chủ động mở rộng bản thân ấy. “Bí quyết của cuộc sống là nhìn ngắm những cảnh vật xung quanh mà vẫn không quên đi hai giọt dầu trước mắt”. Hai giọt dầu là mục đích, là cái mỗi người tự đặt ra và tự yêu cầu bản thân phải hoàn thành nó. Nhưng hoàn thành theo cách nào? Nhiều người chăm chăm vào mục đích riêng, hoạt động như một con robot được lập trình sẵn. Những người ấy có mục đích, nhưng họ không thực sự sống. Tuy nhiên, những người quá tập trung vào các thứ râu ria trên đường đi mà lạc mất mục đích của bản thân cũng không phải là đang sống hoàn toàn. Hành trình chinh phục mục đích chính xác là một cuộc phiêu lưu. Thế nhưng, cuộc phiêu lưu chỉ thật sự là cuộc phiêu lưu khi người ta cống hiến hết mình cho chính nó, tận hưởng mọi thứ gặp phải trên đường, vui lạc thú, sẵn sàng chấp nhận thử thách,… và không bao giờ quên điểm cuối của chuyến hành trình.

Cuộc phiêu lưu vừa là để chinh phục, vừa là để tận hưởng. Và để có thể tận hưởng, rõ ràng cần phải thử sức trong tất cả các vị trí, làm trọn vẹn công việc của từng vị trí để hiểu rõ đâu là vị trí phù hợp nhất, đâu là thứ bản thân có thể phát huy hết khả năng,… Cuộc phiêu lưu có thể xem như một cuộc thử nghiệm, một chương trình rèn luyện, ở đó, Santiago có thể hóa thân vào các công việc khác nhau, vừa làm việc, vừa tìm kiếm giá trị của bản thân cậu.

3. Hành vi sở hữu

Một biểu tượng hành vi quan trọng nữa cần giải mã là Hành vi Sở hữu. Sở hữu ở đây được hiểu theo nghĩa là cố gắng giữ những thứ gì đã có trong tay. Về kiểu hành vi sở hữu, trong Nhà giả kim đề cập đến hai kiểu, dựa theo hai mối quan hệ: Santiago – lũ cừu, và Nhà vua – lũ cừu.

Hành vi sở hữu của Santiago thể hiện rõ trong việc lúc nào cậu cũng quanh quẩn với đàn cừu. Và bất cứ khi nào gặp phải một thử thách khác thường, hoặc đạt được một vài thành công nào đó về mặt tiền bạc, điều đầu tiên cậu nghĩ đến cũng là quay về Tây Ban Nha, mua thật nhiều cừu để tiếp tục chăn cừu. Lũ cừu trở thành một thứ cám dỗ cản trở Santiago. Hay nói cách khác, hành vi sở hữu trở thành rào chắn ngăn cản Santiago đi tiếp. Việc liên tục nghĩ về những gì đã có, thỏa mãn với những gì đã có thường xuyên khiến Santiago rơi vào trạng thái mất tập trung, xao nhãng trước mục đích chính là theo đuổi giấc mơ (nhiều người hiểu nhầm mục đích là đi tìm kho báu).

Cần phải thẳng thắn rằng, chừng nào Santiago còn nghĩ về đàn cừu, chứng đó cậu vẫn còn ở trong trạng thái của một anh chăn cừu tầm thường, nếu không muốn nói là thấp kém. Trên thực tế, trong suốt nửa đầu câu chuyện, tôi không biết là Santiago sở hữu lũ cừu, hay là lũ cừu đang sở hữu và điều khiển suy nghĩ Santiago. Với mỗi lần khép lại chặng đường cũ, Santiago lại thêm một lần tưởng nhớ đến đàn cừu (chỉ còn tồn tại trong hoài niệm) của mình. Kéo theo đó là rất nhiều tưởng tượng về viễn cảnh ngày cậu trở lại với căn phòng giam đầm ấm mà lũ cừu cần mẫn giành tặng riêng cho cậu.

Mặc dù đã bước vào cuộc phiêu lưu, đã thử sức ở nhiều vị trí, song phải rất khó khăn, Santiago mới có thể thoát được khỏi tâm lí của một kẻ chăn cừu. Cậu luôn cần người nhắc cậu nhớ về mục đích thật sự khi cậu lên đường. Đó là vị vua già, là ông chủ cửa hàng pha lê, là nhà giả kim, là Fatima,… Hành vi này của Santiago cũng là một hành vi thường gặp trong thực tế. Nó là câu chuyện của sự dễ dàng thỏa mãn với những gì đang có, chăm chăm hướng đến thứ đã có, giữ khư khư chúng mà quên đi việc chính. Chỉ vì cái tâm lí sở hữu ấy mà Santiago khi đó lúc nào cũng cần người nhắc nhở, cần người hướng dẫn, và cần người đẩy cậu đi, dù rằng cậu đã có một mục tiêu rất rõ ràng.

Khác với Santiago, hành vi sở hữu của nhà vua già lại được biểu hiện ra bằng một cách thức khác. Melchisedek là một vị vua của xứ Salem – nơi được mệnh danh là vùng đất thánh. Ông có thừa của cải, vàng bạc, và chắc chắn, có thừa cừu. Thế nhưng tất cả những gì chúng ta “đọc” được ở ông lại không phải là những suy nghĩ tủn mủn về cừu hay về tiền. Thay vào đó, ông nói về điểm hạn chế của những cuốn sách, về hành trình trong cuộc đời của mỗi con người, về chân lí “Khi một người quyết tâm điều gì thì cả thế giới sẽ chung sức để họ đạt được điều đó”. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Xét về mặt sở hữu của cải, chắc chắn số lượng cừu cũng như số lượng tiền của Santiago chắc chắn không bao giờ chạm đến được ngưỡng ngoài cùng của kho tài sản mà vị vua già có. Thế nhưng sự khác biệt vốn không nằm ở việc ai có nhiều hay ít cừu hơn, ai nắm giữ nhiều tiền hay nhiều quyền hơn. Đặt sự so sánh ở đây là vô nghĩa, bởi không giống Santiago, vị vua già không bao giờ để của cải vào trong mắt. Lũ cừu sẽ ở đúng với vị trí của nó, và vị trí ấy không phải là ở trong suy nghĩ hay cái nhìn của một vị vua. Melchisedek có của cải và thực sự làm chủ được những gì ông có. Melchisedek không phụ thuộc vào đàn cừu, ông làm chủ nó, ông là thủ lĩnh. Và chính vì là thủ lĩnh nên lũ cừu không thể giam hãm ông. Đó chính là điểm khác biệt. Suy nghĩ của Santiago quá nửa chặng đường vẫn là suy nghĩ được nhìn qua cái nhìn và vị thế của một tay chăn cừu, một người đang tự đánh đồng mình thành một trong số những con cừu ngoan ngoãn.

Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu sẽ là vô nghĩa nếu kẻ chăn cừu vẫn mãi mãi là kẻ chăn cừu. Đoạn đường từ đồng cỏ Andalusia sang Kim Tự Tháp đã chuyển hóa Santiago một cách từ từ. Dần dần, trong chuyến đi của mình, Santiago đã loại được những gì nhỏ bé, tầm thường ra khỏi tâm trí. Để rồi trong thành công cuối cùng khi tìm thấy một hòm tiền được chôn dưới lòng đất, điều đầu tiên Santiago nghĩ đến, tuyệt nhiên không còn là vài ba con cừu, mà là cô gái sa mạc Fatima – tình yêu của đời cậu. Đối với tôi, đó vừa là thời điểm Santiago tìm ra một kho báu, đồng thời cũng là khoảnh khắc vị thế của cậu chuyển từ kẻ chăn cừu sang một vị vua đích thực, và còn lúc đánh dấu thời điểm lũ cừu không bao giờ có thể điều khiển suy nghĩ Santiago được nữa. 

4. Tình yêu lí tưởng

Biểu tượng cuối cùng trong nhóm hành vi là Tình yêu lí tưởng. Tình yêu lí tưởng được thể hiện thông qua nhân vật Fatima. Qua câu chuyện, người đọc nhận ra được tình yêu của Fatima là tình yêu không trói buộc, đem lại cho Santiago sự tự do và quyền lựa chọn. Ở đây, không tồn tại hành động ép buộc, cũng không tồn tại những xung đột theo kiểu “liệu cô ấy có yêu người bán kem?” như thứ tình cảm Santiago có trước đó với cô con gái của một thương nhân.

Có sự khác biệt rõ rệt trong hai mối tình của Santiago (nếu mối quan hệ với cô gái ở phần đầu được coi là tình cảm). Ở phần đầu, mối tình của Santiago thật sự không gây ấn tượng đối với người đọc. Không có sự tin tưởng, không chia sẻ, không thấu hiểu. Thậm chí, cô gái ở mấy chương đầu còn đặt những câu hỏi ngớ ngẩn theo kiểu “Tại sao anh lại đọc sách?”, “Em không nghĩ rằng người chăn cừu lại biết chữ”,… Trái lại, cuộc gặp gỡ Fatima trên sa mạc lại hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố trên. Santiago chia sẻ với Fatima về giấc mơ, về cuộc hành trình, Fatima chia sẻ cùng Santiago về người đàn ông ra đi rồi sẽ trở về, và tình yêu chân thật sẽ không ngăn cản người đàn ông đi theo vận mệnh của họ.
Đặt trong mối tương quan giữa hai người con gái ấy, tôi nhận ra hai kiểu quan hệ thường thấy trong xã hội. Kiểu thứ nhất là sự nhầm tưởng về tình yêu. Cho đến giờ, tôi vẫn không thể biết được Santiago thích cô con gái của ông thương nhân kia vì lí do gì. Một thứ cảm xúc bị ngộ nhận là tình yêu, rồi người ta cứ bám víu lấy nó mà không biết rằng hành động đó là vô ích. Kiểu thứ hai là một mô hình tình yêu lí tưởng (có khả năng sẽ tìm thấy, hoặc không). Với kiểu này, hai người không phải chỉ ngồi tán gẫu những câu vô thưởng vô phạt, mà đồng hành cùng nhau khi khó khăn ập đến, chia sẻ suy nghĩ để cùng giải quyết vấn đề. Đặc biệt, tình yêu này không ngăn cản bất cứ ai, càng không có chỗ cho những ích kỉ, vụ lợi cá nhân.

Theo đó, tất cả những hành vi của Fatima đều là biểu hiện của một thứ tình yêu lí tưởng, mà nếu Santiago không lên đường, cậu sẽ không bao giờ biết hay cảm nhận được.

Một điểm thú vị khác trong việc xây dựng mô hình tình yêu lí tưởng thông qua nhân vật là cách Paulo Coelho chọn đặt tên và không đặt tên cho hai người nữ. Cô gái đầu tiên không có nổi lấy một cái tên cho tử tế, hay chính là cô không đáng để được nhắc đến. Gương mặt và cái tên của cô lẫn lộn vào đâu đó giữa hàng trăm, hàng nghìn gương mặt khác mà chúng ta đã từng biết mà không có lấy một chút ấn tượng khả dĩ nào. Trong khi đó, sự xuất hiện của Fatima lại là một sự xuất hiện vô cùng đặc biệt. Cô không chỉ được nhắc đến với một cái tên cụ thể, mà còn được khắc họa bằng những cử chỉ cụ thể, trong những tình tiết cụ thể. Fatima hiện lên rõ ràng là một người phụ nữ hết lòng vì người yêu, với đôi mắt thăm thẳm và dáng đợi chờ giữa sa mạc rộng lớn. Người ta không thể lẫn Fatima với bất kì ai, cũng như tình yêu lí tưởng sẽ không bao giờ bị pha tạp, trộn lẫn.

(Còn tiếp)
 
Nguyễn Hoàng Dương
 
 
Đọc các bài còn lại tại  ĐÂY

“Nhà giả kim” của Paulo Coelho – Chỉ dẫn của thực tại tối thượng

- Có một giấc mơ để trở thành hiện thực khiến cho cuộc sống trở nên thú vị hơn - "Nhà giả kim" Chúng ta đã bao giờ mơ ước chưa? Chúng ta đã bao giờ băn khoăn về cuộc sống và mục đích của nó chưa? Chúng ta có tự hỏi mình những câu hỏi "Liệu tôi có hòa hợp với chính mình không?". Hay những câu hỏi này quá sâu sắc đối với cuộc sống bận rộn mà chúng ta giả vờ lãng quên tầm

Giải mã biểu tượng trong “Nhà giả kim” của Paulo Coelho (2) – Những mô hình người trong xã hội

    Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nhóm biểu tượng thứ nhất: Những mô hình người trong xã hội.   1. Đàn cừu:   Đàn cừu là một biểu tượng xuất hiện dày đặc trong tác phẩm (15 lần, 9 lần trong lúc Santiago nhụt chí). Trong truyện, Santiago sở hữu một đàn cừu, và về sau, nó trở thành phương tiện trao đổi để phục vụ cho nhu cầu đi đây đi đó, đi đến Kim Tự Tháp của Santiago.

Thư Sinh

29/07/2019

Giải mã biểu tượng trong “Nhà giả kim” của Paulo Coelho (1) – Giới thiệu chung

"Hãy bảo nó rằng sợ phải đau khổ còn đau đớn hơn là chính sự đau khổ, và chưa từng có trái tim nào phải chịu đau khổ khi tìm cách thực hiện giấc mơ của mình..." -- Paulo Coelho   1. Về cuốn sách Nhà giả kim và tác giả Paulo CoelhoPaulo Coelho là một tiểu thuyết gia Mĩ Latinh. Ông được biết đến với tư cách là tác giả của Nhà giả kim, 11 phút, Veronika quyết chết, Quỷ dữ và nàng Prym,

Thư Sinh

29/07/2019

GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG TRONG “NHÀ GIẢ KIM” CỦA PAULO COELHO (5) – TỪ PHẦN MỞ ĐẦU

Có rất nhiều người đọc Nhà giả kim, nhưng hầu hết đều bỏ qua hoặc chưa nhận ra được mối liên hệ giữa phần mở đầu truyện với phần nội dung chính, đặc biệt là mối liên hệ giữa bài thơ về chàng Narcisuss của Oscar Wilde và câu chuyện về chàng Santiago của Paulo Coelho. Vậy, hai câu chuyện này liên quan đến nhau như thế nào?Trong bài thơ của Wilde, Narcisuss nhìn hình ảnh mình phản chiếu qua mặt hồ. Mặt hồ nhìn hình

Thư Sinh

29/07/2019

“NHÀ GIẢ KIM” HAY LỜI NHẮC CHO NHỮNG CON CỪU CẦN MẪN

Nhà giả kim phát hành năm 1988 với tên gốc là “O Alquimista”, được Paulo Coelho viết bằng tiếng Bồ Đào Nha và do NXB Editora Rocco Ltd chịu trách nhiệm xuất bản. Hành trình khám phá bản thân và giải mã giấc mơ của cậu bé Santiago được kể lại bằng sự pha trộn văn phong hiện thực – lãng mạn – huyền ảo đã thu hút sự chú ý của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Cho đến nay, sức hấp dẫn