Lịch sử Việt Nam luôn là một đề tài gây nhiều tranh cãi, phần vì thiếu thốn sử liệu và thiếu nền tảng nghiên cứu học thuật, phần vì Việt Nam có một quá trình giao thoa phức tạp bởi nhiều lớp văn hoá, văn minh khác nhau. Số đông các bạn trẻ không hài lòng với kiến thức sử được dạy một cách nhàm chán và nghèo nàn trong nhà trường nên mong muốn tự bổ sung kiến thức sử qua sách vở và internet. Một học giả phương Tây khá nổi đình nổi đám trong giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam đó là Liam C. Kelly đã có nhiều bài viết thách thức những kết luận lịch sử được đưa ra bởi các học giả chính thống của Việt Nam hiện nay. Trang điện tử của báo Nhân dân đã phải giật tít “Nhà nghiên cứu lịch sử hay kẻ đốt đền”? về Liam C. Kelly. Chưa biết Kelly đúng hay sai nhưng phải thừa nhận rằng ông ta đã có lý khi hầu hết các sử liệu của Việt Nam hiện nay là chưa đủ, thậm chí là quá nghèo nàn và tạo ra rất nhiều điểm hở trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Để giúp đỡ các bạn trẻ còn hoang mang và chưa biết bắt đầu từ đâu trong hành trình khám phá lịch sử Việt Nam, tôi xin đưa ra một số hướng dẫn về phương pháp tiếp cận lịch sử Việt Nam trong bài viết này. Bài viết sẽ được trình bày một cách ngắn gọn và kiệm lời, phù hợp với các bạn thích đi thẳng vào vấn đề chứ không dài dòng giải thích.
I – Các khó khăn khi tiếp cận lịch sử Việt Nam
– Thiếu sử liệu, đặc biệt là sử liệu về thời Lý-Trần
– Chồng chéo sử và nguỵ sử (thần thoại, truyền thuyết, ca dao, nói chung là dân gian)
– Các nhà nghiên cứu sử bị bó hẹp trong một hệ tư tưởng (chính trị, tự tôn dân tộc…)
II- Tình trạng nắm bắt lịch sử Việt Nam hiện tại
Nhận thức về lịch sử Việt Nam hiện tại còn yếu và thiếu. Sách vở viết về lịch sử vẫn còn giới hạn trong các cuộc binh biến, quyền mưu chốn quan trường. Chưa có nhiều sử liệu về đời sống, ẩm thực, nghệ thuật, tôn giáo, hay các cuộc di dân. Lịch sử về các dân tộc thiểu số gần như chưa có gì.
III- Thế nào là nắm chắc được lịch sử của một vùng đất
– Nắm rõ các đợt sóng di dân đã từng xảy ra ở vùng đất đó
– Các thay đổi đã từng diễn ra ở vùng đất đó về mặt ngôn ngữ, văn hoá, chính trị, địa chất
– Các nhân vật đóng vai trò thay đổi vùng đất đó cả về mặt vật thể và phi vật thể
IV- Phương pháp tiếp cận lịch sử Việt Nam
Mục tiêu: sử dụng phương pháp này để nắm được chính xác tiến trình của lịch sử Việt Nam, ít nhất là từ khoảng đầu Công nguyên cho tới hiện nay.
- Xử lý các nguồn sử liệu
Một cuốn sử tốt là một cuốn sử chỉ ghi chép lại những gì diễn ra, tai nghe mắt thấy, càng chi tiết càng tốt. Thái sử lệnh là chức quan trọng triều đình TQ, có từ thời nhà Thương, nhà Hạ không biết là có hay chưa. Thời Chu, sách Đông Chu Liệt Quốc hồi 65 kể chuyện bốn anh em sử gia họ Thôi đã không chịu chép sai sử mà bị vua chém đầu. Ba người anh bị chém, người em cuối cùng vẫn không khuất phục và cuối cùng được tha.
Đọc sử nên tỉnh táo trước các nhận định của sử gia bởi vì nhận định của họ dễ bị định hướng theo một tư tưởng nào đó và dẫn đến thiên kiến. Do đó, khi chúng ta chọn đọc sử liệu, chúng ta cần đưa ra đánh giá của cá nhân để phân biệt đâu là sự kiện thật, đâu là do thiên kiến của tác giả.
Tham khảo danh sách các sử liệu của Việt Nam và đánh giá một số cuốn trong danh sách ở phụ lục (1) và (2) ở cuối bài. - Thăm quan các di tích
Di tích, các địa điểm thờ cúng là một nguồn tìm hiểu lịch sử quan trọng. Chúng là các chứng tích lịch sử tồn tại qua thời gian. Tuy nhiên, các di tích lịch sử của Việt Nam dễ bị nhầm lẫn với các địa điểm thờ cúng do người dân tự phát lập nên.
Ngoài ra, nhiều di tích cùng thờ một nhân vật nhưng mỗi một di tích lại có nội dung khác nhau và thiếu rõ ràng.
Do đó, các di tích nếu không ghi chép rõ ràng thì cần tìm thêm sử liệu để đối chứng. Cần xác định chính xác nhân vật được thờ là ai, có công lao gì cụ thể, tại sao người dân ở khu vực ấy lại thờ cúng nhân vật đó. Đôi khi, các sự tích dân gian lại là một nguồn tham khảo tốt đối với các sự kiện hoặc nhân vật còn nhiều điểm mờ trong lịch sử. - Đọc sách của các nhà nghiên cứu lịch sử
Các cuốn sách nghiên cứu lịch sử cho chúng ta một góc nhìn từ một tập hợp dữ liệu có thể bao gồm sử liệu, di tích, khảo cổ…là một nguồn tham khảo tốt. Để đánh giá tốt một cuốn sách nghiên cứu ta cần nhìn vào phần sách tham khảo và các ghi chép điền dã, thực địa. Tỉ lệ thông tin là bao nhiêu, tỉ lệ quan điểm là bao nhiêu. Mới đầu nên lựa chọn sách có tỉ lệ thông tin cao, sau khi có nền tảng tốt, có thể đánh giá các nhận xét, quan điểm của các nhà nghiên cứu lịch sử thì mới đọc các sách co tỉ lệ thông tin ít hơn, tỉ lệ quan điểm nhiều hơn. Các sách nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện nay tiêu biểu chỉ có các cuốn của các nhà nghiên cứu Pháp hoặc các nhà nghiên cứu được đào tạo dưới trường Pháp, hoặc một số nhà truyền đạo. Ví dụ: Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ 17&18 của Nguyễn Thanh Nhã, Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 của Nguyễn Văn Uẩn, Hội hè lễ tết người Việt của Nguyễn Văn Huyên, Lịch sử Hà Nội của Philippe Papin, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 của Tạ Chí Đại Trường, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885 Yoshiharu Tsuboi, Việt Nam văn hoá sử cương của Đào Duy Anh… - Lấy dữ liệu từ các ghi chép đương thời
Các ghi chép ở đây bao gồm các tác phẩm của những tác giả sống đương thời, ghi chép lại những chuyện xảy ra có thể bao gồm hoặc không bao gồm đánh giá và cảm nhận cũng như thái độ của tác giả. Các tác phẩm thuộc phạm vi này thường mang nhiều tính cá nhân vì họ xuất phát từ bản thân, nằm ngoài thời cuộc, quan sát và ghi chép lại. Nguồn dữ liệu này rất phong chú, có thể không cho ta biết được tổng quan mà cho ta biết các chi tiết cụ thể.
Các tác phẩm ví dụ: Chân Lạp phong thổ ký của Chu Đạt Quan- một vị quan nhà Nguyên, Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông, Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ… - Giải mã truyền thuyết dân gian
Các câu chuyện dân gian có nhiều tính chất ly kỳ, huyền ảo, tuy nhiên vẫn chứa đựng trong đó một phần nào sự thật. Chúng ta có thể tham khảo các câu chuyện này để có được thêm một góc nhìn về một nhân vật, một sự kiện nào đó. Các ví dụ về câu chuyện dân gian không rõ nguồn gốc như Từ Đạo Hạnh đầu thai ba kiếp bao gồm Từ Đạo Hạnh, Lý Thần Tông, Lê Thần Tông, hoặc chuyện Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay lên trời… Các truyền thuyết này có nhiều ẩn ngữ, nên để chúng phục vụ tốt cho sự tiếp cận lịch sử của chúng ta, chúng ta cần giải mã chúng một cách dần dần và liên hệ chúng với các khoảng trống trong lịch sử có liên quan. - Đọc dã sử để lấy không khí
Các tiểu thuyết dã sử có tác dụng mang lại cho chúng ta cái không khí của một thời điểm hay một ấn tượng đối với một nhân vật nào đó trong lịch sử. Các tiểu thuyết dã sử nổi tiếng Việt Nam có thể kể tới Vạn Xuân của Yveline Féray viết về Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh viết về Hồ Quý Ly, Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng viết về Lê Mạt, Trăng nước Chương Dương của Hà Ân viết về thời Trần…Có một số tác phẩm không biết nên xếp vào sử liệu hay dã sử hay ghi chép như Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái bởi tác phẩm này được viết bởi nhiều người và theo các thái độ không thống nhất… Những cuốn sách loại này tuy hấp dẫn, nhưng tính sử liệu không cao, mà chỉ để chúng ta thấm đẫm trong không khí lịch sử. - Tổng hợp: Các bạn có thể làm một bản niên biểu các sự kiện lớn trong lịch sử Việt Nam, điền vào đó các sự kiện chính –> Chọn các sách sử hoặc nghiên cứu lịch sử, di tích, truyền thuyết… tương ứng với từng thời kỳ –> Đọc lướt các đầu sách để xem qua cách viết của tác giả, rồi chọn những quyển có nhiều sử liệu và độ khả tín cao. –> Lên kế hoạch đọc dần từng giai đoạn (có thể theo thứ tự hoặc không). Trong quá trình đọc ghi chép lại các chi tiết quan trọng để lưu trữ theo từng nhóm chủ đề.
Bảng phân chia thời đại trong lịch sử Việt Nam và tình hình sử liệu, di tích (Bản mẫu để tham khảo)
Thời kỳ |
Sử liệu |
Di chỉ, di tích |
Tiền sử | Không có | Các hang động ở miền Bắc, các cồn sò, cồn cát, cồn đất phân bố dọc bờ biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… |
Sơ sử | Sử liệu Trung Quốc | Đông Sơn (Thanh Hoá), làng Vạc (Nghệ An), Việt Khê (Hải Phòng), các địa điểm thờ cúng… |
Thời Bắc thuộc Phù Nam, Chân Lạp |
Sử liệu Trung Quốc, du ký La Mã, bia khắc | Thành Cổ Loa, đình Quán La, thành Luy Lâu, gò Cây Thị… |
Thời kỳ đầu của nền độc lập | Sử liệu Trung Quốc, bia khắc | Thành cổ Hoa Lư, bãi cọc Bạch Đằng, các địa điểm thờ cúng… |
Lý – Trần – Hồ | Sử liệu Trung Quốc, văn bia Chămpa, bia khắc | Hoàng thành Thăng Long, thành Tây Đô, các địa điểm thờ cúng… |
Nhà Lê | Sử liệu Trung Quốc, sử liệu Việt Nam, văn bia Chămpa, bia khắc, du ký phương Tây | Lam Kinh, các đô thị cổ còn sót lại, các địa điểm thờ cúng… |
Nhà Nguyễn | Sử liệu Trung Quốc, sử liệu Việt Nam, văn bia Chămpa, sử liệu phương Tây, du ký | Kinh thành Huế, trang phục, chiếu chỉ, các đô thị cổ còn sót lại, các địa điểm thờ cúng… |
Thời Pháp thuộc | Sử liệu Trung Quốc, sử liệu Việt Nam, sử liệu phương Tây, du ký | Căn cứ kháng chiến, công trình kiến trúc kiểu Pháp, nhà tù, các địa điểm thờ cúng… |
Việt Nam sau 1945 | Sử liệu Trung Quốc, sử liệu Việt Nam, sử liệu phương Tây, du ký | Khu đô thị kiểu mới, di tích chiến tranh… |
Lê Duy Nam & Bùi Minh Hùng
Bản gỡ băng buổi Uống trà & Trò chuyện văn hóa với chủ đề Phương pháp tiếp cận lịch sử Việt Nam
Phụ lục:
1: Danh sách các sử liệu của triều đình Việt Nam
STT | Tên sách | Tác giả | Năm viết | Ghi chú |
1 | Đại Việt sử ký | Lê Văn Hưu | 1272 | Gồm 30 quyển chép lịch sử Việt Nam từ thời Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng |
2 | An Nam chí lược | Lê Tắc | 1307 | 20 cuốn, giấy tờ tản mạn từ Triệu Đà, Lê Hoàn, tới nhà Trần, dòng dõi vua Lý, văn hoá An Nam |
3 | Việt sử cương mục | Hồ Tông Thốc | 1370-1394 | Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư bàn về sách Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc:Riêng có bộ “Việt sử cương mục”của Hồ Tông Thốc làm là ghi chép thận trọng mà có phương pháp, bình luận sự việc thiết đáng mà không rườm rà, cũng gần hy vọng được. Nhưng sau cơn binh lửa, sách ấy không truyền. |
4 | Lam Sơn thực lục | Lê Thái Tổ | 1431 | Sách kể lại quá trình khởi nghĩa đánh bại quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy |
5 | Dư địa chí | Nguyễn Trãi | 1435 | Ghi chép về địa lý hành chính và tự nhiên của Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử tính đến đầu nhà Lê |
6 | Đại Việt sử ký tục biên | Phan Phu Tiên | 1455 | Tiếp nối Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu từ thời Trần Thái Tông tới 1428 |
7 | Đại Việt sử ký toàn thư bản 15 quyển | Ngô Sĩ Liên | 1479 | Dựa trên cuốn Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký tục biên của Phan Phu Thiên, bổ sung sử Việt Nam từ 2879 TCN đến 1427 |
8 | Thiên Nam dư hạ tập | Đỗ Nhuận và Thân Nhân Trung | 1483 | Gồm 100 quyển về luật lệ, chế độ, diển lễ, cáo sắc, văn thư từ Lê Thái Tổ tới Lê Thánh Tông; bị mất giờ chỉ còn 4,5 quyển |
9 | Việt giám thông khảo | Vũ Quỳnh | 1511 | Dựa trên Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, bổ sung thêm từ 1428 tới đời Lê Uy Mục |
10 | Ô Châu cận lục | Dương Văn An | 1553 | Sách ghi chép về nhiều phương diện sông núi, thành quách, phong thổ, nhân vật của dải đất miền Trung từ Quảng Bình trở vào Quảng Nam ở thế kỷ 16 |
11 | Việt sử toàn thư | Phạm Công Trứ | 1665 | Dựa trên cuốn Việt giám thông khảo, và chép tiếp tới đời Lê Thần Tông (1662) |
12 | Trung Hưng thực lục | Hồ Sĩ Dương | Thế kỷ 17 | Sách gồm 3 quyển, chép sử từ Lê Lợi đến Lê Gia Tông mất, năm 1675. Đoạn đầu Lê Sơ rất sơ lược, tập trung vào thời loạn. |
13 | Đại Việt sử ký bản kỉ tục biên | Lê Hi + Nguyễn Quý Đức | 1698 | Sách tập trung vào khoảng 30 năm từ Lê Huyền Tông (1662 – 1671) đến cuối triều Lê Gia Tông (1672 – 1675). |
14 | Nam triều công nghiệp diễn chí | Nguyễn Khoa Chiêm | Đầu thế kỷ 18 | Truyện dài lịch sử bằng chữ Hán, kể chuyện diễn ra từ khi Nguyễn Hoàng đánh nhau với nha Mạc giành Thuận Hóa năm 1558 đến đời Nguyên Phúc Tần năm 1689 |
15 | Đại Việt thông sử | Lê Quý Đôn | 1749 | 30 quyển, viết theo thể kỷ truyện, chép từ thời Lê Thái Tổ đến vua Lê Cung Hoàng |
16 | Đại Việt sử ký tục biên | Nguyễn Hoàn, Lê Quý Đôn, Vũ Miên | Năm 1775 dưới thời Trịnh Sâm | Sách viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn từ năm 1676 đến 1789, tức là từ thời Lê Hy Tông đến hết Lê Chiêu Thống, nối tiếp theo bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Nội dung sách ca ngợi các chúa Trịnh. |
17 | Việt sử tiêu án | Ngô Thì Sĩ | 1775 | Dựa trên sử cũ (Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử toàn thư…) Lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng tới thời thuộc nhà Minh |
18 | Phủ biên tạp lục | Lê Quý Đôn | 1776 | Chép lại hầu hết các thông tin quan trọng về kinh tế và xã hội của Đàng Trong trong gần 200 năm từ cuối thế kỷ 16 đến khoảng năm 1776 |
19 | An Nam nhất thống chí hay Hoàng Lê nhất thống chí |
Ngô Thời Chí | Cuối TK 18 | Sách ghi chép từ đời Trịnh Sâm đến cuối nhà Trịnh, rồi chép từ vua Lê tha hương tới khi mất ở Bàn Thạch, Thanh Hóa |
20 | Đại Việt sử ký tiền biên | Ngô Thì Sĩ Ngô Thì Nhậm hiệu đính |
1800 | Dựa trên sử cũ (Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử toàn thư…) Gồm 17 cuốn, chữ Hán, khắc in năm 1800 dưới triều Tây Sơn Ngoại kỉ từ Hồng Bàng tới Ngô sứ quân; bản kỉ từ nhà Đinh đến thuộc Minh |
21 | Lịch triều hiến chương loại chí | Phan Huy Chú | 1809 – 1819 | Sách gồm 49 quyển ghi chép và phân loại phép tắc các triều đại, nội dung được chia ra thành 10 phần: địa dư chí, nhân vật chí, quan chức chí, lễ nghi chí, khoa mục chí, quốc dụng chí, hình luật chí, binh chế chí, văn tịch chí, bang giao chí… |
22 | Nhất thống dư địa chí | Lê Quang Định | Đầu thế kỷ 19 | Sách gồm 10 quyển, tả những quan lộ và tỉnh lị trong nước |
23 | Gia Định thông chí | Trịnh Hoài Đức | Thời Minh Mạng | Phần 1: huật lại việc đánh Cao Miên thế kỷ 17, các tranh chấp đất đai ở vùng Hà Tiên, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đến hồi nhà Nguyễn tái khởi. Có ghi chép về phong tục, địa dư và khí hậu. Phần 2: Địa lý phong thổ Gia Định, Biên Hóa, Định Tường, Vĩnh Thanh… |
24 | Quốc sử di biên | Phan Thúc Trực | 1851-1852 | Sách chữ Hán viết theo lối biên niên, chép các sự kiện xảy ra trong giai đoạn 1802 – 1847 tức là ba đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. |
25 | Đại Nam Quốc sử Diễn ca | Lê Ngô Cát (thuộc Quốc sử quán) | Thời vua Tự Đức (1847-1883) | Dùng thơ lục bát kể lại lịch sử từ thời Kinh Dương Vương họ Hồng Bàng đến hết nhà Lê |
26 | Khâm định Việt sử thông giám cương mục | Quốc sử quán triều Nguyễn Phan Thanh Giản, Tự Đức |
1856-1884 | Gồm 53 quyển (1 thủ, 5 tiền biên, 47 chính biên), chữ Hán, các tác phẩm của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú Từ Hồng Bàng cho đến Lê Chiêu Thống (1789) Tham khảo nội dung của 200 bộ, bao gồm Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên |
27 | Minh Mệnh chính yếu | Quốc sử quán triều Nguyễn | TK19 | Các chính sách thời Minh Mạng |
28 | Đồng Khánh Khải Định chính yếu | Quốc sử quán triều Nguyễn | TK19 | Các chính sách thời Đồng Khánh, Khải Định |
29 | Đại Nam liệt truyện | Quốc sử quán triều Nguyễn | TK19 | Gồm 87 cuốn, chữ Hán, viết về gia phả nhà Nguyễn |
30 | Đại Nam thực lục | Quốc sử quán triều Nguyễn Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn, Hà Duy Phiên, Nguyễn Trung Mậu, Phan Bá Đạt |
1821-1909 | Gồm Tiền biên (12 cuốn), từ Nguyễn Hoàng (1558) đến Nguyễn Phúc Thuần (1777); Chính biên về các vua nhà Nguyễn gồm 587 cuốn |
31 | Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ | Quốc sử quán triều Nguyễn | 1843-1914 | Ghi chép điển pháp Việt Nam dưới triều Nguyễn, chính biên từ Thiệu Trị 1843 tới Tự Đức 1851; Tục biên từ Tự Đức 1852 tới Thành Thái 1889 và thêm một số nội dung nữa tới tận 1914 |
32 | Quốc triều khoa bảng lục | Cao Xuân Dục | Sách ghi lại tên họ, quê quán của tất cả những thí sinh thi đỗ các khoa thi Đình dưới thời nhà Nguyễn từ năm 1822 đến năm 1919 | |
33 | Việt Nam sử lược | Trần Trọng Kim | 1919 | Dựa trên sử cũ (Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục…) Lịch sử Việt Nam từ thượng cổ đến gần hiện đại |
2: Đánh giá một số tác phẩm hiện được xem là sử liệu của Việt Nam
- Đại Việt sử ký toàn thư – Ngô Sĩ Liên
Ưu điểm:
- Đại Việt sử ký toàn thư thường được coi là sử liệu “chính thống”, được trích dẫn nhiều trong các bài nghiên cứu, được coi làm điểm khởi phát đê rnghieen cứu các vấn đề lien quan của lịch sử Việt Nam.
- Ghi chép theo lối biên niên khá chi tiết các sự kiện lịch sử xảy ra trong giai đoạn Lý, Trần và Lê Sơ, sách có giá trị trong việc tra cứu sự kiện.
Nhược điểm:
- Nguồn gốc của sách không được rõ ràng. Sách của Ngô Sĩ Liên soạn, cóp nhặt nhiều phần của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên, nên ngôn ngữ không thuần nhất, nguồn thông tin khó xác minh chính xác.
- Ngô Sĩ Liên thường dùng các tiêu chuẩn đạo đức Nho giáo Trung Quốc để đánh giá khen chê các sự kiện, nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Thậm chí ông còn dùng góc nhìn của một phiên thần dưới trướng “Thiên tử” phương Bắc để phê bình vua nước Nam.
- Phần nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Hồng Bàng thị… thiếu căn cứ và gợi nhiều nghi vấn. Trước đó, Lê Văn Hưu thiết lập điểm khởi đầu cho lịch sử Việt Nam là sự thành lập Vương quốc Nam Việt. Đến thời Lê Ngô Sĩ Liên mới thêm vào phần sử về các nhân vật Lạc Long Quân và Hùng Vương.
- An Nam chí lược – Lê Tắc
Ưu điểm:
- Đây là một công trình khảo cứu ra đời từ sớm mà đã rất công phu, ngôn ngữ thuần nhất, nội dung đề cập rất nhiều và rộng: địa lý, phong tục, truyện cổ của dân Việt; các chiếu dụ thánh chỉ từ thiên triều gửi về Nam, các quan phương Bắc cai quản An Nam đô hộ phủ từ thời Bắc thuộc, tình hình vận chuyển lương thảo và các cuộc chinh phạt của người Hán xuống phía Nam trong lịch sử, các diễn biến lịch sử từ thời Bắc thuộc tới sau cuộc chiến tranh Nguyên – Đại Việt, gia thế các vua nước Việt từ họ Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý Trần, quan chế, binh chế hành chính, các sản vật địa phương…
- Sách có các thư tín ngoại giao quan trọng giữa triều đình đôi bên, vốn là những tư liệu hiếm. Phần quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc được đặc biệt đào sâu.
- Sách được lưu giữ khá tốt, không khó xác minh nguồn gốc chính xác.
Nhược điểm:
- Sách do một người theo hàng nhà Nguyên soạn thảo, nên góc nhìn có phần lệ thuộc vào “thiên triều”, không còn hoặc phải giấu đi ý thức độc lập.
- Hoàng Lê nhất thống chí – Ngô gia văn phái
Ưu điểm:
- Thuật lược các sự kiện chính của lịch sử Bắc Việt cuối thế kỷ 18 bằng thể loại “chí”.
- Sách mang đến cho người đọc không khí của một thời loạn lạc phân tranh của các thế lực liên tục nổi dậy rồi tàn lụi thời Lê Mạt.
Nhược điểm:
- Do được các tác giả kế tục nhau viết, nên giọng văn không thuần nhất. Thậm chí quan điểm cũng bất đồng giữa các phần. Tác giả 7 hồi đầu là Ngô Thì Chí, trung thành với vua Lê Chiêu Thống. Tác giả 7 hồi sau là Ngô Thì Du, sau này làm quan nhà Nguyễn. Tư tưởng bất đồng cũng là nguyên nhân khiến ngoài cái tên “Hoàng Lê nhất thống chí”, truyện còn có tên khác là “An Nam nhất thống chí”.
- Do là thể “chí”, viết theo kiểu tiểu thuyết chương hồi chứ không hẳn là sử, nên các thông tin ở đây chỉ là những mô tả tham khảo, không thể coi là sử liệu đáng tin cậy.
- Nam Ông mộng lục – Hồ Nguyên Trừng
Ưu điểm:
- Viết theo dạng hồi ký, lối viết đơn giản, chân thực, tự nhiên. Sách chứa nhiều thông tin về những nhân vật thời Lý Trần: nhà Nho, thầy thuốc, đạo sĩ, nhà thơ, thầy tu, tướng sĩ, các vua Trần, bà con thân thích của Hồ Nguyên Trừng.
- Cùng thân phận sang làm quan xứ người như Lê Tắc, nhưng tác phẩm này của Hồ Nguyên Trừng mang tính cá nhân hơn. Ông kể về những nét hay, những con người tốt đẹp ở nước Nam mà giọng điệu không hề bị gò ép thuận theo thiên triều.
Nhược điểm:
- Các truyện thường rất ngắn và không có tài liệu xác minh để lại.
- Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú
Ưu điểm
- Sách rất có giá trị trong việc tra cứu phép tắc của các triều đại. Các nội dung sách khảo cứu rất rộng: từ địa dư, nhân vật, quan chức, lễ nghi, khoa mục, hình luật, binh chế, văn tịch, bang giao… Đây là tác phẩm khảo cứu rất công phu, cho ta cái nhìn chân thực về cách thức vận hành của triều đình phong kiến, có thể coi đây là bộ bách khoa thư về cung đình Việt Nam qua các triều đại.
- Cách phân loại, chia mục của tác giả tương đối khoa học và hiện đại.
Nhược điểm:
- Việc viết sử ở Đại Việt từ thời Mạc rồi Trịnh Nguyễn phân tranh đã tương đối khó khăn và rối loạn, vì sử quan là con rối của các thế lực chính trị đang xâu xé nhau đòi chính danh thời bấy giờ. Những thông tin truyền lại sau thời này không chắc còn đảm bảo được tính trung thực. Phan Huy Chú, trong khi thu thập tư liệu chắc chắn gặp phải khó khan này.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục – Quốc sử quán triều Nguyễn
Ưu điểm:
- Là bộ sử được soạn lại dưới thời vua Tự Đức dựa trên hai bộ sẵn có là Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử ký tục biên, đây là một bộ sử lớn và hoàn chỉnh, có giá trị lớn trong việc tra cứu.
- Ngoài sử viết theo lối biên niên, sách còn có những lời phê của vua Tự Đức, giúp ta hiểu them về vị vua này. Sách viết rất kỹ lưỡng về giai đoạn lịch sử thời Hậu Lê trở về sau
Nhược điểm:
- Phần sử thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần khá sơ sài giản lược.
- Sách tiếp nhận thông tin từ Đại Việt sử ký toàn thư, nên cần them nguồn xác minh.
- Nam triều công nghiệp diễn chí – Nguyễn Khoa Chiêm
Ưu điểm:
- Lác tác phẩm truyện kể về lịch sưr phương Nam bắt đầu từ khi Nguyễn Hoàng đánh nhau với nhà Mạc giành Thuận Hóa năm 1558 đến đời Ngãi vương Nguyễn Phúc Tần năm 1689. Truyện cũng tập trung đến cuộc cạnh tranh nhiều năm giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.
- Câu chuyện kỳ thú mang đến không khí của giai đoạn lịch sử.
Nhược điểm:
- Là truyện nên các tình tiết được tiểu thuyết hóa, sách rất ít giá trị tra cứu lịch sử.
- Tác phẩm viết bởi quan nhà Nguyễn nên giọng điệu và góc nhìn bị giới hạn, thiếu khách quan.
- Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim
Ưu điểm:
- Là cuốn sử đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Ngắn gọn súc tích, dễ đọc dễ hiểu, đơn giản và phù hợp với thị hiếu bình dân.
Nhược điểm:
- Thông tin thiếu căn cứ.
- Nhiều nhận định về lịch sử thiếu khách quan.
- Có giọng điệu bênh vực cho thực dân Pháp.
- Thần, người và đất Việt – Tạ Chí Đại Trường
Ưu điểm:
- Tổng hợp nhiều thông tin về lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo. Quyển sách đưa ta theo tiến trình lịch sử tín ngưỡng và dân tộc, giúp ta hiểu sự xuất hiện của các hệ thống thần được thờ ở mỗi tập đoàn người.
- Sách có nhiều kết luận đi ngược lại những niềm tin đã ăn sâu vào cộng đồng, gợi nhiều suy ngẫm.
- Tác giả có lập luận sắc bén, ý tưởng độc đáo, lối diễn đạt thú vị.
Nhược điểm:
- Không phải tất cả các lập luận đều chặt chẽ
- Các quan điểm mang màu sắc chủ quan cá nhân, đáng để tham khảo và xem xét nhưng không nên nhất thiết tin theo.
- Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVIII – Nguyễn Thanh Nhã
Ưu điểm:
- Sách có nhiều thông tin thống kê nhiều mặt tương đối chính xác về kinh tế Việt Nam qua từng giai đoạn trong thế kỷ XVIII.
- Cách nhìn nhận giai đoạn lịch sử khá mới mẻ: tác giả nhìn ra một trật tự đang dần hình thành từ chiến loạn, và tác giả tập trung khai thác mô tả trật tự mới này ở khía cạnh dễ thấy nhất: kinh tế.
Nhược điểm:
- Ý tưởng và quan điểm của tác giả mang dấu ấn cá nhân, góc nhìn có thể không khách quan. Chúng ta không có điều kiện và con số thống kê toàn diện để kiểm tra độ chính xác các kết luận của tác giả.
- Về xứ Đàng Trong năm 1621 – Cristophoro Borri
Ưu điểm:
- Ghi chép về nhiều mặt của miền Nam đầu thế kỷ 17: đất đai, sông ngòi, khí hậu, phong hóa, hành chính, thương mại, lực lượng chính trị…
- Cách ghi chép rõ ràng, khoa học, dễ theo dõi.
- Cho ta biết góc nhìn của người phương Tây đối với nền văn hóa bản địa
Nhược điểm:
- Nội dung ghi chép tập trung vào các mặt lien quan trực tiếp đến quyền lợi của phương Tây. Quan điểm và cách hiểu của một người Tây phương với tình hình bấy giờ chắc chắn cũng có phần thiên lệch.
- Phần về văn hóa vẫn còn sơ lược, chỉ viết về những khác biệt bề mặt chứ chưa đào sâu.
- Tác phẩm viết từ tiếng nước ngoài rồi dịch ngược lại tiếng Việt nên tên riêng, tên địa danh cần được xác minh kỹ.
- Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn – Hội sử học Hà Nội
Ưu điểm:
- Cuốn sách là tập hợp nhiều bài viết cùng chủ đề, trình bày nhiều tư liệu lịch sử về thời Tiền Lê, phân tích sự nghiệp chống ngoại xâm và xây dựng đất nước của Lê Hoàn.
- Nguồn tư liệu đa dạng phong phú, có giá trị trong việc tra cứu
Nhược điểm:
- Quan điểm trong sách không hẳn là khách quan, còn mang nhiều gán ghép chủ quan. Các bài viết của nhiều tác giả khác nhau nên nội dung không được thuần nhất. Sách ra vào dịp Nghìn năm Thăng Long, nội dung mang hơi hướng tuyên truyền.
Ưu điểm:
- Sách tổng hợp một lượng lớn tư liệu về tình thế chính trị của Việt Nam dưới thời Tự Đức. Tác giả có nhiều phân tích rất mới, rất riêng về tình thế lúc bấy giờ. Sách không chỉ có giá trị tra cứu, mà những suy luận của tác giả cũng rất đáng nghiền ngẫm.
- Lối viết rất khoa học, tư duy mạch lạc sang rõ.
Nhược điểm:
- Do điều kiện nghiên cứu từ nước ngoài và khoảng cách thời gian, cùng với đó là việc lưu giữ tư liệu ở Việt Nam vốn không hề được coi trọng, nên các thông tin mà tác giả nắm được về thời kỳ này có thể chưa chính xác và đầy đủ.
- Những quan điểm, nhận xét của một nhà nghiên cứu nước ngoài về một thời kỳ đã xa tuy đáng tham khảo nhưng cần kiểm nghiệm thêm.
Chú thích:
(1): https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0_M%C3%A3_Thi%C3%AAn