Home Đọc Phân tâm học và tình yêu – Những lý luận về tình yêu và tính dục

Phân tâm học và tình yêu – Những lý luận về tình yêu và tính dục

Lần đầu tôi được biết đến Phân tâm học là nhờ vào bộ sách 4 cuốn Phân tâm học và tình yêu, Phân tâm học và tính cách dân tộc, Phân tâm học và văn hóa tâm linh, Phân tâm học và văn học nghệ thuật do GS Đỗ Lai Thúy tổ chức dịch và chủ biên cách đây hơn 10 năm. Bộ sách đồ sộ tập hợp những tiểu luận xuất sắc nhất của các nhà phân tâm học trên thế giới của Tây Âu và Đông Âu. Lúc bấy giờ, “Phân tâm học” vẫn là một hệ thống lý thuyết… “dị giáo” trong trường đại học nói riêng và giới học thuật nói chung. Khi mới phát hành, bộ sách nhanh chóng trở thành hiện tượng của giới học thuật và trong suốt 10 năm không tái bản, sách vẫn được săn lùng. Người ta trao tay nhau những cuốn sách photo in lậu. Đến nay, cuốn đầu tiên của bộ sách có tên “Phân tâm học và tình yêu” đã được tái bản với diện mạo mới.
“Phân tâm học và tình yêu” tập hợp 4 tiểu luận về vấn đề tình yêu và giới tính của 4 cây đại thụ lớn bao gồm 2 nhà phân tâm học Sigmund Freud và Enrich Fromm; cùng với 2 triết gia siêu hình là Athur Schopenhauer và Vladimir Soloviev. Sau khi đọc kỹ 4 tiểu luận lớn này, người đọc có thể xem xét cách GS Đỗ Lai Thúy ứng dụng lý thuyết phân tâm học trong việc giải mã hiện tượng thơ Hoàng Cầm. “Phân tâm học và tình yêu” cũng như 3 cuốn sách còn lại của bộ Phân tâm học, là hệ thống tư liệu quan trọng cho những ai muốn đeo đuổi con đường tâm lý học, xã hội học, văn hóa học và nghiên cứu văn học tại Việt Nam.

Link sách: https://www.bookhunterlyceum.org/san-pham/phan-tam-hoc-va-tinh-yeu/

Các tiểu luận trong sách
#1. Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục – Sigmund Freud
“Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục” của Sigmund Freud có thể nói là tiểu luận nền tảng nhất của lý thuyết phân tâm học. Tiểu luận này được dịch từ tiếng Pháp bởi Phan Ngọc Hà. Trước khi đọc chi tiết tiểu luận, chúng ta có thể đọc lời giới thiệu về tầm quan trọng và cách tiếp cận lý thuyết do Huyền Giang dịch từ bài tiểu luận của nhà tâm lý học David Stafford Clark.
#2. Phân tâm học tình yêu – Enrich Fromm
Enrich Fromm không có cái nhìn sắc lạnh như Freud khi ứng dụng Phân tâm học. Là một người tìm hiểu Phật giáo và Thiền, Fromm đã đi xa hơn Freud trong việc lý giải hiện tượng tôn giáo. “Phân tâm học tình yêu” của Enrich Fromm rất khác về tư tưởng và cách tiếp cận so với Freud. Ông luận về tình yêu dưới cái nhìn triết học và phân tâm học, và hơn cả thế thông qua tình yêu ông đưa ra một lý thuyết về con người và sự hiện hữu của con người. Bản dịch “Phân tâm học tình yêu” của Enrich Fromm do Tuệ Sĩ thực hiện cùng với lời giới thiệu của Đỗ Lai Thúy.
#3. Siêu hình học tình yêu – Athur Schopenhauer
“Siêu hình học tình yêu” hay còn biết đến với cái tên khác là “Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết” là một phần của tiểu luận “Thế giới ý chí và quan niệm” của Athur Schopenhauer. Schopenhauer được Nieztches gọi là “nhà giáo dục”, bởi ông là khởi điểm cho sự ảnh hưởng của triết học phương Đông từ Ấn Độ tới nền triết học duy lý của phương Tây, là mở đầu cho dòng triết học nhân sinh, triết học phi lý, triết học hiện sinh và chủ nghĩa bi quan triết học mà đến nay vẫn còn ảnh hưởng. Tiểu luận về tình yêu của ông là nguyên mẫu đầu tiên cho cái nhìn dung tục về tình yêu, có phần nào ảnh hưởng đến Freud trong “Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục”.
#4. Siêu lý tình yêu – Vladimir Soloviev
Vladimir Soloviev là triết gia Nga vĩ đại nhất nhưng cũng bị ghẻ lạnh nhất tại Nga trong thời đại của ông. Chỉ đến nay, Vladimir Soloviev mới được trả lại vị trí số một của mình. “Siêu lý tình yêu” là tiểu luận hiếm hoi của ông sớm gây được tiếng vang và được thế giới biết đến nhiều nhất. Ông nhìn tình yêu dưới cái nhìn lý tưởng và cho rằng qua tình yêu, con người khẳng định giá trị tuyệt đối của bản thân. Hơn thế nữa, ông đề cao tình yêu nam nữ hơn mọi dạng thức tình yêu khác bởi tính chân giá trị của tình yêu này gắn liền với sự bất tử.
#5. Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm – Đỗ Lai Thúy
“Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm” được GS Đỗ Lai Thúy sử dụng như lời bạt của tập sách. Bài tiểu luận sử dụng lý thuyết phân tâm học để giải mã tình yêu và các ám ảnh nhục dục trong thơ Hoàng Cầm. Nếu coi cả tập “Phân tâm học và tình yêu” là một bộ giáo trình hướng dẫn chúng ta sử dụng Phân tâm học để lý giải các hiện tượng tâm lý thì bài tiểu luận “Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm” giống như một bài mẫu cho quá trình ứng dụng, để ta hiểu hơn các thao tác trong phê bình văn học. Nếu coi bài tiểu luận về thơ Hoàng Cầm là cách Đỗ Lai Thúy giải mã tâm lý của nhà thơ qua các ẩn ngữ thơ ca thì bốn tiểu luận được ông tuyển chọn đăng trong tập sách là một lời giải mã gián tiếp cho phương pháp phê bình văn học của chính ông.
Cách tiếp cận cuốn sách
Đây không phải cuốn sách bạn có thể đọc một mạch và ngay lập tức hiểu hết những điều được viết trong cuốn sách. Đây cũng không phải cuốn sách để các bạn tụng niệm đọc đi đọc lại. Đây là cuốn sách mà bạn phải vừa đọc, vừa suy ngẫm, vừa ứng dụng trong thực tiễn đời sống hoặc trong giải mã các hiện tượng văn hóa xã hội. Nhưng cuốn sách cũng không đưa cho các bạn đáp án mà gợi ý cho bạn những phương pháp để xử lý.
Bạn có thể vận dụng lý thuyết của từng tác giả, bạn cũng có thể phối hợp lý thuyết của họ cho công trình riêng hoặc cách đánh giá của mình. Xa hơn thế, bạn có thể quên đi tất cả hệ thống lý thuyết này và nhớ những gì tinh túy nhất để vận dụng trong cách mình lý giải về cuộc sống dưới góc độ tình yêu và giới tính.
Nếu ai đó nói với bạn rằng Phân tâm học đã lỗi thời. Đừng bận tâm về điều đó. Con đường tìm hiểu các cơ chế tâm lý của con người không bao giờ lỗi thời. Những tác giả đi trước là những người đã khai phá và các tác giả sau này nới rộng hơn cho con người khi bước vào căn hầm tâm trí đầy bí ẩn và cạm bẫy. Trên con đường ấy, bạn không phải là bệnh nhân ngồi chờ trị liệu và xoa dịu, bạn là một người khám phá. Và biết đâu, một trong số những độc giả của cuốn sách này lại khám phá thêm những bí mật khác của thế giới tâm trí.
Hà Thủy Nguyên
 
 

“Chính trị luận” của Aristotle và sự phê phán các mô hình xã hội

I – Góc nhìn chính trị của Aristotle “Chính trị luận” của Aristotle là một tác phẩm kinh điển mang tính chất đột phá trong lịch sử triết học và chính trị học không phải ở mức độ liệt kê quy mô mà ở tầm nhìn. Trước Aristotle, chính trị chỉ đơn thuần được xem như mối quan hệ giữa người cai trị và người bị trị trong một quốc gia. Thậm chí với Plato, người thầy của Aristotle, chính trị vẫn là một thứ

Erich Fromm và sứ mệnh tâm phân học như “y sĩ của linh hồn”

Tâm phân học (psychoanalysis, thường được dịch là phân tâm học) trong những năm qua đặc biệt được ưa chuộng tại Việt Nam. Lúc đầu, các nhà phê bình văn học thường sử dụng tâm phân học như một con dao mổ sắc nhọn để hé lộ cõi giới của các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… Khi tâm phân học lan ra đại chúng độc giả Việt, con dao mổ ấy được sử dụng để phanh phui các chứng bệnh xã hội

Watchmen – Sự xung đột của các nhận thức thế giới

“Watchmen” (2009) là bộ phim siêu anh hùng xuất sắc nhất trong chùm chủ đề “hot” của truyện tranh và phim ảnh Holywood từ năm 1960 đến nay: siêu anh hùng cứu thế giới. “Watchmen” được chuyển thể từ bộ truyện tranh 12 tập do Alan Moore sáng tác. Bối cảnh xã hội trong “Watchmen” rất đặc biệt bởi vì nó phản ánh thực trạng chính trị của nước Mỹ sau thất bại của chiến tranh Việt Nam.  Nhưng tôi sẽ không bàn về thực

Nghiên cứu về Niccolò Machiavelli để hiểu về quân chủ và dân chủ

Tại sao lại viết về Machiavelli? Machiavelli chắc chắn đã đóng góp một lượng lớn các diễn ngôn trong tư tưởng phương Tây – đáng chú ý là trong lĩnh vực lý thuyết chính trị, nhưng đồng thời còn có cả lịch sử và thuật chép sử, văn chương Ý, nguyên lý chiến tranh và ngoại giao. Nhưng Machiavelli chưa bao giờ tự nhận mình là một triết gia – thật vậy, ông thường thẳng thừng từ chối các vấn đề triết học – và
le-nam

Lê Nam

01/02/2018

Sách hay viết về đời sống tinh thần của các triết gia phương Tây

Đời sống tinh thần ngày càng trở thành mối quan tâm của chúng ta bởi vì chúng ta đã dần nhận thức được sức tàn phá của chủ nghĩa vật chất khởi phát nhờ nền công nghiệp phương Tây. Ý thức về đời sống tinh thần của các triết gia phương Tây có thể xem như một nỗ lực lấy lại quyền kiểm soát với đời sống vật chất. Ý tưởng này đã được phát biểu rất rành mạch bởi nhà văn C.S Lewis của Anh: "Tôi