Home Đọc Tiếp cận hệ thống Thần thoại Trung Hoa

Tiếp cận hệ thống Thần thoại Trung Hoa

Đây là bản gỡ băng buổi Dionysus’Society của Book Hunter với chủ đề: Tiếp cận hệ thống Thần thoại Trung Hoa. Bài viết không hướng tới việc cung cấp thông tin chi tiết về toàn bộ các tích truyện thần thoại Trung Hoa, mà nhằm cung cấp cho người đọc một công cụ tư duy để có thể tiếp cận với hệ thống này. Bạn sẽ bắt gặp các từ khóa, làm quen hình ảnh các vị thần, biết được một số niên đại và một số câu chuyện thần thoại, qua đó, bạn có thể nắm được những tri thức tổng quan nhất về chủ đề này.
I – Các nguồn lưu truyền thần thoại Trung Hoa
Nói về thần thoại Trung Hoa, người ta hay nhắc nhiều đến khái niệm căn bản là “thần tiên”. Từ này gộp chung hai khái niệm “thần” và “tiên”, tuy nhiên nội hàm hai khái niệm này thực chất rất khác nhau. Theo từ điển Hán – Việt Thiều Chửu, “thần” nghĩa là thể hiện những gì bất phàm, kì lạ và huyền diệu. “Tiên” thường mang nhiều sắc thái Đạo giáo, thậm chí có người sử dụng theo nghĩa huyền thuật quyền năng. Không thể phân định rõ ràng các khái niệm này nếu ta không truy nguyên gốc tích hình thành và lưu truyền của các câu chuyện thần thoại.

  1. Sách cổ Sơn Hải Kinh

Ghi chép sớm nhất về các vị thần Trung Hoa mà chúng ta biết tới ngày nay xuất phát từ quyển sách có tên “Sơn Hải Kinh”. Sách viết từ thời Tiên Tần, không rõ danh tính tác giả cũng như thời điểm ra đời chính xác, chứa những ghi chép về sông, núi, biển, những vùng đất, những tập quán, và đặc biệt là những câu chuyện kì dị về các vị thần. Nội dung “Sơn Hải Kinh” có kể tỉ mỉ câu chuyện sáng thế của các vị thần, cách hình thành của vũ trụ cũng như xã hội con người, cách các vị thần điều hành cai quản mọi mặt nhân gian, cuộc chiến của các vị thần, cuộc đời các vị nhân thần và các vua thời Hạ Thương Chu – những người tự xưng có nguồn gốc thần thánh. Thời Hán, sách đã được đưa vào chương trình học, như một loại sách giáo khoa sử địa ngày nay. Vào thời Tam Quốc,  “Sơn Hải Kinh” không hiểu vì lý do gì đã hoàn toàn thất lạc. Rất nhiều năm sau, thời Tống, Minh, Thanh, Trung Hoa Dân Quốc, nhiều người đã sưu tầm, lưu giữ, chắp nối từng phần nhỏ cuốn “Sơn Hải Kinh” để nghiên cứu và cho ra đời nhiều bản chú giải khác nhau. Các câu chuyện về các vị thần như Nữ Oa đội đá vá trời, Phục Hy, Ngưu Lang Chức Nữ, Tây Vương Mẫu… đều có thể tìm thấy trong “Sơn Hải Kinh giáo chú”, một bản chú giải thời Trung Hoa Dân Quốc. Khi tìm hiểu về các vị thần, tất cả những dữ liệu các học giả sử dụng đều dựa trên những bản chú giải Sơn Hải Kinh sau này.
 

  1. Thái Bình đạo thời Tam Quốc – Đạo giáo

Nếu khái niệm “thần” gắn với sách Sơn Hải Kinh, thì khái niệm “tiên” lại gắn liền với Đạo giáo và thuật tu tiên. Thuật tu tiên cổ xưa chỉ mang quan niệm đơn giản: các vị “tiên” là những con người, sống cuộc đời thanh tịnh thoát tục trên núi cao, gắng thoát khỏi vòng trần thế. Những hình ảnh tiên gắn liền với bùa phép và quyền năng phổ biến sau này là xuất phát từ hệ thống Đạo giáo.
Đạo giáo không xa xưa như chúng ta vẫn tưởng. Cần phải phân biệt rõ hai khái niệm “Tư tưởng Lão – Trang” với “Đạo giáo”. Hiện nay những người truyền bá Đạo giáo thường đánh đồng hai khái niệm này, hoặc giảng rằng Đạo giáo thuộc tư tưởng Lão – Trang, nhưng thực ra có nhiều sự khác biệt ở đây. Tư tưởng Lão – Trang được ghi chép qua hai quyển “Đạo Đức Kinh” và “Nam Hoa Kinh”. “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử là sách bàn về nguyên lý vận hành của tự nhiên (Đạo) và của con người (Đức). “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử luận giải những vấn đề về tự do, về mỗi sinh vật trong đời đều có cái tiêu diêu bình đẳng theo sở năng riêng của mình. Hai sách đều dẫn đến tư tưởng “Vô vi”, “Vô vi” không nghĩa là không làm gì, mà là làm theo lẽ tự nhiên, vì thế làm mà như không làm. Cần lưu ý, Lão Tử và Trang Tử đều không nhận đệ tử, không đề ra hệ thống tôn giáo hay phương pháp tu luyện.
Cùng thời tư tưởng Lão Trang đã xuât hiện các giáo phái truyền thuật tu tiên với các bài luyện tập thân thể, hít thở, điều khí, mục đích là đạt đến bất tử. Trong “Nam Hoa Kinh”, phần Tề Vật Luận có nhắc tới một vị đắc đạo sống an nhiên tự tại không bận việc đời, không bị ảnh hưởng bởi xung quanh. Có lẽ vì đoạn ấy mà người đời cho rằng đạo Lão Trang gần với thuật tu tiên. Thực tế thì tư tưởng Lão – Trang là hai tư tưởng triết học, không liên quan gì đến hệ thống tôn giáo.
Thời Tam Quốc, thời điểm mà quyển “Sơn Hải Kinh” đột ngột biến mất cũng là lúc Đạo giáo với nội hàm thuật tu tiên bắt đầu nảy sinh với tên gọi “Thái Bình đạo”, gắn liền với loạn Khăn vàng và nhân vật Vu Cát. Thái Bình đạo kết hợp tư tưởng Lão Tử và một số câu chuyện ghi chép về vị thần Hiên Viên Hoàng Đế, đã mê hoặc được Hán Thuận Đế, một trong những vị vua cuối triều Hán. Nhờ vậy mà đạo này hết sức phát triển. Phút chốc, Thái Bình Đạo lan ra toàn thiên hạ, lượng giáo chúng khổng lồ cát cứ khắp các châu làm nảy sinh loạn giặc Khăn vàng. Thậm chí, rất nhiều hoạn quan trong triều Hán bấy giờ – những người có khả năng thao túng triều chính, đều hậu thuẫn cho Thái Bình đạo. Tuy sau này Tôn Sách đã giết Vu Cát, loạn Khăn vàng được dẹp yên, nhưng ảnh hưởng của Thái Bình đạo vẫn còn trong dân gian. Hình ảnh những ông đạo sĩ mà ngày nay chúng ta thường thấy, với các trò vẽ bùa, tử vi lý số, xem sao giải mộng, luyện công phu, trừ ma diệt quỷ… cùng nhiều lý thuyết tiên đạo khác đều xuất phát từ Thái Bình đạo của thời kỳ này.
 

  1. Phật giáo

Một nguồn lưu truyền thần thoại Trung Hoa khác là Phật giáo. Phật giáo ảnh hưởng đến Trung Quốc theo nhiều đường, đầu tiên có thể kể đến qua Bồ Đề Đạt Ma (thế kỷ V – VI SCN). Nhân vật này đã có công dựng lên chùa Thiếu Lâm, nơi trở thành trung tâm của Thiền tông Trung Hoa. Đưa ra một loạt phương pháp thiền, nhưng ông luôn quan niệm “phải tự mình đắc chứng ngộ, không nhờ cậy một ai”, tuyệt không nhắc gì đến thần thánh cả.
Một con đường khác Phật giáo đến Trung Hoa là Mật Tông. Khác với tưởng tượng của nhiều người, Mật Tông đến Trung Hoa là truyền trực tiếp từ Ấn Độ, chỉ sau đó mới truyền lại Tây Tạng. Ở Ấn Độ khi ấy, Phật giáo bị tầng lớp tu sĩ Bà la môn đàn áp nặng nề, nên một số người theo Phật giáo đã chọn cách thỏa hiệp, tức là kết hợp Phật giáo nguyên thủy và Ấn Độ giáo, tạo thành Mật Tông. Thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ VIII, Mật Tông được truyền đến Trung Hoa, đồng nghĩa với việc một loạt các vị thần Ấn Độ giáo cũng xuất hiện và hòa vào văn hóa Trung Hoa, chẳng hạn như Brahma được gọi là Phạm Thiên. Biểu tượng rõ rệt nhất trong Phật giáo được biến dạng theo kiểu “Trung Quốc hóa”, đó là hình tượng địa ngục với các cực hình tra tấn để trả nợ cho các tội lỗi ở trần gian.
Ngoài hai đường trên, Phật giáo còn đến Trung Quốc qua chuyến hành trình thỉnh kinh của Đường Tam Tạng. Mang kinh điển Phật giáo vào Trung Quốc, Đường Tam Tạng đã miệt mài dịch sách kinh và nghiên cứu, tạo nền tảng của phải Duy Thức – một phái nghiên cứu sự vận hành của tâm thức dựa trên lý thuyết Phật giáo. Phái này cũng tuyệt không nói gì đến chuyện thần thánh ma quỷ.
 

  1. Các tích ma quỷ địa phương

Một nguồn khác hình thành nên các giai thoại thần tiên là những truyện kì dị, thần kì, yêu quái ma quỷ lưu truyền trong dân gian của mỗi địa phương, mà
“Liêu Trai Chí Dị” là một tập hợp tinh tuyển. ­­Những câu chuyện địa phương này cũng đã được ghi chép thành dạng truyện truyền kỳ vào thời Tùy – Đường.
 
II – Hệ thống Thần thoại Trung Hoa
 1. Thời Sáng thế
“Sơn Hải Kinh” có nhắc đến thần Hỗn Độn – vị thần sáng thế. Thần tự nhiên sinh ra ở Côn Luân, khi Trời Đất còn trộn lẫn nhau. Thần là cục thịt tròn, có 4 chân, có mắt những không mở ra được, không miệng, không tai, không nghe, không thấy, không ăn, không nói. Thần đại diện cho ý tưởng về sự hỗn độn: người tốt đến gần, thần liền tức giận; người xấu đến gần, thần liền vui vẻ. Truyên thuyết kể lại rằng Hỗn Độn – vị Thiên đế Trung tâm, một ngày đẹp trời, mời hai Thiên đế phương Bắc và phương Nam đến ăn uống và tiếp đãi tử tế. Hai Thiên đế cảm kích, không biết lấy gì báo đáp, thấy Hỗn Độn không tai không mắt không miệng, bèn cố đục 7 cái lỗ trên người Hỗn Độn trong 7 ngày, để Hỗn Độn được như người thường. Sau 7 ngày, Hỗn Độn chết. Đó là một thuyết khởi thủy của các vị thần Trung Quốc.
Các nguồn tiên đạo, Đạo giáo cho ta thuyết thứ hai về thời sáng thế với vị thần Bàn Cổ. Vị thần này được nhắc đến thường xuyên trong văn hóa Trung Hoa. Theo truyền thuyết, Bàn Cổ tự nhiên mà khai sinh từ một viên đá trên núi Côn Luân tích tụ khí âm dương. Bàn Cổ đến phia tây núi Côn Luân thấy một cái rìu, liền dùng đó tách Trời và Đất. Ông tự xưng mình là Thiên tử. Một số thuyết cho rằng Bàn Cổ sinh ra Phục Hy, Nữ Oa và Hoa Tư, nhưng nhiều thuyết khác lại cho rằng Phục Hy và Nữ Oa cũng “tự nhiên mà thành”. Bàn Cổ cũng được gọi là Hỗn Độn thị. Ở đây thần thoại Trung Hoa có một điểm trùng khớp với thần thoại Hy Lạp: mọi vật đều bắt đầu từ Hỗn Độn. Ở Thần thoại Hy Lạp, vị thần khởi thủy là thần hỗn độn Chaos. Ta thấy rõ một quan điểm triết học: mọi thứ hữu hình đều bắt đầu từ vô định, mọi thứ định hình đều bắt đầu từ cái không định hình.
Sách vở Đạo giáo còn ghi nhận thuyết sáng thế thứ ba về Nguyên Thủy Thiên Tôn. Theo đó, xuất hiện trước thời Bàn Cổ, bản chất Nguyên Thủy Thiên Tôn là thứ khí làm vạn vật được vận hành, quyền lực ngang với khái niệm Thượng Đế phương Tây, thậm chí chính Nguyên Thủy Thiên Tôn tạo ra Bàn Cổ và có quyền chỉ định Ngọc Hoàng. Thuyết này cũng có ảnh hưởng tới Việt Nam, động Tam Thanh nổi tiếng ở Lạng Sơn chính là nơi thờ Nguyên Thủy Thiên Tôn.
 

  1. Thời Kiến tạo trật tự thế giới

Kiến tạo tự nhiên

Truyền thuyết còn ghi chép về vị thần Cự Linh, được mô tả là hấp thu khí nguyên thủy, tạo ra toàn bộ núi non trên mặt đất. Hai vị thần khác góp công kiến tạo tự nhiên là vợ chồng Phác Phụ. Hai vợ chồng này được giao nhiệm vụ tạo ra sông suối ao hồ, nhưng họ làm việc tắc trách, khiến nhiều ao đầm tù đọng. Thiên Đế thấy vậy liền trách phạt, không cho họ về Thiên Đình cho đến khi khơi thông sông suối, làm sông Hoàng Hà trở nên trong sạch. Hai vị thần này liền bỏ đi chơi, để sông Hoàng Hà ngầu đục phù sa đến tận ngày nay.
Ngoài Cự Linh và vợ chồng Phác Phụ, Bàn Cổ cũng tham gia vào quá trình kiến tạo tự nhiên: khi chết đi, nhục thân ông biến thành đất đai sông núi, các vị thần khác lấy đó làm nơi sinh sống.
 

Kiến tạo xã hội

Nữ Oa và Phục Hy
Một vị thần rất nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa là Nữ Oa hay còn gọi là Oa Nữ, hay Oa Hoàng. Sông núi đã dựng lên, cây cỏ đã mọc đầy, nhưng thần vẫn buồn chán, bèn dùng đất sét nặn ra con người theo hình các vị thần. Nhưng do con người làm bằng đất sét, chẳng thể sống mãi, nên bà đã sáng tạo ra quy trình tự sinh sản – tức là hôn phối. (Nên nhớ trước đó, các vị thần đều “tự nhiên mà thành”) Nữ Oa được coi là vị thần hôn nhân. Bà cũng chính là vợ của Phục Hy.
Phục Hy còn được gọi với nhiều tên khác là Bào Hy, Mật Hy, Hoàng Hy. Mẹ Phục Hy sống ở nước thiên đường Hoa Tư, một hôm ướm chân vào vết chân lạ, cảm ứng mà sinh thành Phục Hy. Phục Hy sau này lấy Nữ Oa, hai người cùng nhau tạo ra hôn nhân cũng như lễ nghi quy củ nói chung trong xã hội. Nhờ xem thiên tượng và cách vận hành tự nhiên, Phục Hy đã sáng tạo ra Bát quái, đây cũng chính là nền tảng của kinh Dịch. Truyền thuyết còn cho dựa trên một số nguyên lý bát quái, Phục Hy còn tạo ra thuật châm cứu. Ngoài ra, ông cũng tạo ra lễ nghi hôn nhân; hướng dẫn người dân cách nấu ăn, dạy cách đánh cá săn bắt, làm nông nghiệp và các dấu hiệu sơ khai khác của văn minh. Phục Hy được xếp vào làm Thiên Đế Phương Đông, chủ quản mùa xuân. Thần giúp việc cho Phục Hy là Câu Mang.
 
Viêm Đế
Viêm Đế – Thần Nông là vị thần quan trọng trong văn hóa Trung Hoa cũng như Việt Nam với vai trò tạo ra nông nghiệp. Mẹ Viêm Đế, một ngày bước qua một con rồng đang ngủ, cảm ứng mà sinh ra ông. Thần đầu người mình trâu, thạo cày cấy từ khi sinh ra, phát minh ra cái cày và dạy dân cách trồng lúa. Khi lượng thức ăn và hàng hóa đã nhiều lên, Thần sáng tạo ra thêm chợ để mọi người giao thương buôn bán. Ngũ huyền cầm – loại đàn 5 dây của Trung Quốc cũng là một sáng tạo của Viêm Đế. Ngoài ra Viêm Đế còn là người tạo ra nghề thuốc. Tích cổ kể rằng khi Viêm Đế đang mải mê kiến tạo và xây dựng thì xảy ra cuộc chiến giữa các vị thần, nhiều dịch bệnh cũng nảy sinh. Ông thương muôn dân, bèn rẽ nước đi xuống biển, đánh rồng, rút gân nó làm công cụ dò tìm thuốc trị bệnh cho dân. Viêm Đế sau này chết vì ăn nhầm thứ cỏ độc – cỏ đoạn trường. Chất độc phát tác, ông đứt ruột mà chết.
 
Ba vị thần trên đây đã tạo ra những chuẩn mực đầu tiên trong xã hội loài người, làm nền tảng để hình thành một trật tự thế giới Ngũ Đế sau đó:
Phương Đông do Phục Hy cai quản, ứng với mùa xuân.
Phương Nam do Viêm Đế – Thần Nông cai quản, ứng với mùa hạ.
Phương Tây do Thiếu Hạo cai quản, ứng với mùa thu.
Phương Bắc là Chuyên Húc cai quản, ứng với mùa đông.
Thiên đế Trung ương là Hiên Viên Hoàng Đế.
 
Hiên Viên Hoàng Đế
Thuyết Hoàng Đế ở Côn Luân xuất hiện từ thời Chu Mục Vương (1000 năm TCN), khi ông ta khám phá ra cung điện bằng ngọc trên núi Côn Luân. Lấy Côn Luân làm trung tâm thì phía đông là đồng bằng Hoa Hạ, nơi người Hán tự xưng là con cháu của Phục Hy. Có thuyết cho rằng từ “Ngọc Hoàng Đại Đế” sử dụng phổ biến ngày nay là xuất phát từ tên Hiên Viên Hoàng Đế.
Truyền thuyết kể rằng mẹ ông nhìn thấy bắc cực quang, cảm ứng mà sinh ra Hiên Viên Hoàng Đế. Hoàng Đế có 4 đầu nhìn ra 4 hướng đông tây nam bắc, thức ăn chính là ngọc. Các nguồn tư liệu đều cho rằng ông lập nhiều công cán mà được lên ngôi, nhưng tuyệt không thấy ghi chép cụ thể gì về những công cán ấy. Khi lên ngôi, việc đầu tiên ông làm là hàng phục quỷ. Các quỷ đều do “quỷ mẫu” – mẹ quỷ sinh ra, ngoài ra còn là những vong hồn uất ức không tan ra được. Hoàng Đế chế ra điệu nhạc Thanh Giốc, khi cất lên khiến quỷ kinh tâm động phách (từ “quỷ khốc thần sầu” chính là để chỉ bản nhạc này). Nhờ vậy, dưới chân núi Thái Sơn, Hoàng Đế đã triệu tập và hàng phục tất cả quỷ về dưới trướng mình. Nhân đó, ông tạo ra chốn âm ty để đưa quỷ xuống, gọi là U Đô, nằm ở Bắc Hải. Ở U Đô có núi tên Hắc Sơn, trên đó có loài Hắc Nhân, giống xác sống đi lại vô hồn (khá giống hình tượng Zombie ngày nay).
Người giúp việc cho Hiên Viên Hoàng Đế là Hậu Thổ. Hậu Thổ giúp cai quản bọn quỷ dưới U Đô. Vợ Hiên Viên là Luy Tổ, có công giúp dân nuôi tằm dệt vải, chế ra quần áo, điều phối chiến trận, chăm lo thực phẩm lương thực cho dân.
Hiên Viên Hoàng Đế có rất nhiều cung điện, ngoài cung điện trên trời, còn có cung điện chính ở núi Côn Luân. Truyền thuyết mô tả rằng núi Côn Luân lúc nào cũng rừng rực lửa, người thường không dám lại gần. Ngoài ra Hiên Viên Hoàng Đế có một hành cung bí mật làm chỗ ở của phi tần mỹ nữ, một vườn treo ở phía Tây Côn Lôn, tương truyền là đường dẫn lên trời.
Có giả thuyết cho rằng Vua Hùng xuất phát từ bộ tộc Hữu Hùng, vốn là con cháu của Hiên Viên Hoàng Đế. Thêm nữa, tên tuổi Hoàng Đế còn gắn liền với “Tố Nữ Kinh”, tác phẩm bàn về lẽ âm dương, quy luật trời đất và việc giao hợp.
 
Thiếu Hạo
Thiếu Hạo, chủ quản phương Tây, vốn là con của Hiên Viên Hoàng Đế. Ông cũng quản lý các loài chim phía tây, đồng thời quản lý mùa thu. Ông phân chia thứ bậc và khu vực cho từng loài chim, quản lý chúng một cách hết sức khoa học. Ngoài ra, ông sáng tạo ra đàn cầm và đàn sắt, đàn cầm tiếng trầm, đàn sắt réo rắt, hai tiếng hòa nhau rất hay. Từ đó mới có hình ảnh “duyên cầm sắt” chỉ tình duyên đôi lứa. Giúp việc cho Thiếu Hạo là Nhục Thu, trên tay cầm một cái thước.
 
Chuyên Húc
Chuyên Húc là cháu của Hiên Viên Hoàng Đế, chủ quản phương Bắc, đồng thời quản mùa đông. Chuyên Húc sinh ra ở vùng đất phía Tây của Thiếu Hạo, sau được phong trấn giữ phía Bắc. Chuyên Húc sớm được Hiên Viên giao nhiều trọng trách và có ý cho kế vị sau này. Ông là người sáng tạo ra trống. Ông cũng cắt đường nối trời với đất để chống lại các lực lượng thầy đồng, ông đồng bà cốt. Giúp việc cho ông là Thần gió Ngu Cường, trên tay cầm một cái cân.
 

  1. Cuộc chiến giữa các vị thần

Cuộc chiến giữa Cộng Công và Chúc Dung

 
Mâu thuẫn đầu tiên là giữa trục Nam và Bắc: cụ thể là giữa Thần Nông (Thần Nông này chưa chắc là Viêm Đế bởi Thần Nông có rất nhiều người kế vị) và Chuyên Húc, giữa thần nước Cộng Công và thần lửa Chúc Dung. Cộng Công phục vụ đắc lực cho Thần Nông, Chúc Dung ban đầu theo Chuyên Húc. Bắt đầu từ cuộc cãi vã về nông nghiệp đất đai giữa Hoàng Đế và Thần Nông, mâu thuẫn lớn dần dẫn đến cuộc chiến giữa Chuyên Húc – cháu Hoàng Đế, cai quản phương Bắc và Thần Nông – cai quản phương Nam. Cộng Công, phục vụ cho Thần Nông là vị thần rất mạnh, nhưng Chuyên Húc tuyên truyền bôi xấu trước dân chúng rằng Cộng Công là vị thần gây hại cho nhân gian, khiến dân chúng quay lưng lại với vị thần này. Chuyên Húc lại sai Chúc Dung đánh Cộng Công. Cộng Công thua trận, đập đầu vào núi Bất Chu tự tử. Từ đó trời sập xuống, gây nhiều tai ương. Nữ Oa thấy vậy đành phải dùng nhiều công phu luyện đá ngũ sắc để vá trời. Thấy đất trời vẫn chông chênh, bà lấy một con rùa ghép vào cột chống trời cho vững. Hình tượng kiến trúc với rùa còn xuất hiện nhiều ngày nay chính là bắt nguồn từ tích này. Sau trận khi đánh thắng Cộng Công, thần lửa Chúc Dung đầu về dưới trướng Thần Nông, có lẽ để thu xếp cục diện.
 
Cuộc chiến giữa Hoàng Đế và Xuy Vưu     
Cục diện cuộc chiến giữa Chuyên Húc và Thần Nông chưa hoàn toàn ngã ngũ thì xảy ra cuộc nổi dậy của Xuy Vưu. Xuy Vưu vốn dĩ là một người hầu của Hiên Viên, là người đứng đầu Xuy Vưu thị, ngoài ông ta còn có 80 anh em đầu bịt sắt. Xuy Vưu kết giao với rất nhiều quỷ khác nhau. Hoàng Đế dùng Xuy Vưu vào việc mở đường, dọn đường, Xuy Vưu thấy việc hèn mọn, không phục, bèn nổi dậy ở vùng phương Nam của Thần Nông, cũng chính là vùng yếu nhất do vừa ngớt chiến trận.
Khi Xuy Vưu tấn công, Thần Nông, vốn chỉ quen làm nông nghiệp, thua rất nhanh. Chúc Dung xông ra đánh Xuy Vưu, tuy nhiên cũng thua cuộc, bèn đưa Thần Nông đến lánh ở vùng đất Trác Lộc. Xuy Vưu chiếm phương Nam, bèn chiêu nạp Miêu tộc, một bộ tộc rất thiện chiến. Đến tận ngày nay, kho tàng võ thuật Miêu tộc còn lưu truyền bộ Xuy Vưu Quyền – cách đánh theo lối Xuy Vưu, tức lấy phòng thủ làm tấn công, có thể đánh ngang ngửa với võ thuật Trung Nguyên. Lại nói, chiêu nạp xong người Miêu, việc thứ hai Xuy Vưu làm là chế vũ khí: mâu, kích, côn… Từ hai thế mạnh này, Xuy Vưu tấn công vào Trác Lộc, khiến Thần Nông hoảng sợ quay sang thần phục và cầu cứu Hoàng Đế. Từ đây bắt đầu cuộc chiến giữa Hoàng Đế và Xuy Vưu.
Ban đầu, Hoàng Đế chiêu tập một đạo quân rất đẹp kéo sang, định dùng ngoại giao thuyết phục hòa hoãn với Xuy Vưu. Tuy nhiên, vừa sang đến nơi, Xuy Vưu lập tức đánh phủ đầu. Hoàng Đế thua một trận lớn, bèn rút về chuẩn bị lại lực lượng một cách nghiêm chỉnh nghênh chiến. Hoàng Đế có trong tay 3 vị tướng tài, 1 vị có lối đánh nhanh, 1 vị ưa đánh chậm, 1 vị có tài bao quát cục diện. Tư liệu còn ghi rằng Hoàng Đế được cả các thiên thần trên trời phò trợ cho việc chiến trận. Nhờ vậy, Hoàng Đế đã đẩy lui được quân Xuy Vưu.
Lập kế khác, Xuy Vưu niệm chú gọi sương mù đến vây Hoàng Đế. Quân Hoàng Đế lùng túng trong vòng vây sương mù, nhưng chính trong nghịch cảnh này, một tướng lười biếng dưới trướng Hoàng Đế tên là Phong Hậu đã sáng tạo ra kim chỉ nam, cứu cả đoàn quân. Nhờ đó, Hoàng Đế sốc lại tinh thần binh sĩ, thoát khỏi sương mù, tiếp tục tấn công Xuy Vưu.
Không nản chí, Xuy Vưu tiếp tục huy động 3 tộc quỷ chuyên làm tâm lý chiến để ru ngủ và mê hoặc gồm: Võng Lượng, Li Mị và Thần Côi. Ly Mị sử dụng tiếng hát làm mê hoặc, Võng Lượng dùng lời nói ngon ngọt ru ngủ, Thần Côi dùng tiếng ngáp làm quân sĩ uể oải. Khi đối đầu với 3 tộc quỷ, quân Hoàng Đế lại khốn đốn. Hoàng Đế bèn sai các tướng đi lùng bắt, đem về được 1 con quỷ Ly Mị để tra tấn lấy thông tin, qua đó mới biết để diệt quỷ thì phải sử dụng tiếng rồng gầm để tấn công. Hoàng Đế bèn lấy sừng trâu đục ra thành chiếc tù và, khi thổi lên tiếng hào hùng như rồng gầm. Từ đấy về sau tiếng tù và cũng trở thành một tiếng phổ biến trên chiến trận để diệt quỷ.
Dùng quỷ mê hoặc không xong, Xuy Vưu tiếp tục bắt tay với tộc người khổng lồ Khoa Phụ. Giống người Khoa Phụ rất khỏe mạnh nhưng kém trí thông minh. Dù vậy, sức mạnh của chúng vẫn khiên Hoàng Đế đau đầu. Nhưng Cửu Thiên Huyền Nữ, vị thần đầu người mình chim đã xuất hiện và dạy Hoàng Đế học binh pháp, nhờ đó mà chiến thắng được Xuy Vưu và Khoa Phụ. Xuy Vưu bị bắt rồi sau đó bị chém đầu. Máu Xuy Vưu vương đổ xuống tạo thành những vùng đất có lá phong đỏ trên các miền Trung Quốc ngày nay.
 

  1. Thời kỳ các nhân thần

Đế Tuấn
Sau khi Hiên Viên Hoàng Đế qua đời, ngôi vị trung ương đáng ra giao cho Chuyên húc, nhưng vì một lý do không rõ, rơi vào tay Đế Tuấn. Đế Tuấn có công quy định lịch pháp, dựa theo mặt trời mặt trăng định ra tháng, mùa. Ngoài ra, ông không đóng góp gì khác, nhiều khả năng đây chính là hình mẫu cho nhân vật Ngọc Hoàng Đại Đế ngày nay.
 
Nhân vật Tây Vương Mẫu
Hình ảnh Tây Vương Mẫu với tiệc Bàn Đào, quản cung nữ ở cung Dao Trì như chúng ta thường nghe ngày nay có lẽ những sáng tác từ Đạo giáo. Trong “Sơn Hải Kinh”, Tây Vương Mẫu mang diện mạo hoàn toàn khác: thần không biết là nam hay nữ, có thân người, đuôi báo, đầu tóc rối bù, răng hổ, hay phát ra những tiếng hú hét gào rú. Tây Vương Mẫu thường gieo rắc bệnh dịch, nhưng đồng thời cũng luyện thuốc trường sinh bất tử. Theo Đạo Cao Đài, Tây Vương Mẫu cùng với Đông Mộc Công thành hai vị thần sáng thế, giống như cặp Nữ Oa – Phục Hy trong hệ thống Trung Hoa, kiểm soát trật tự thế giới. Đạo này cũng lấy ngày 3/3 làm sinh nhật Tây Vương Mẫu.
Đó là các vị thần cuối cùng trong thời đại của các vị thần, các vị xuất hiện sau này đều là các nhân thần như Nghiêu, Thuấn, Vũ, đây cũng được coi là thời thịnh trị nhất theo quan điểm Khổng Giáo.
 
Nghiêu – Thuấn
Nghiêu hay còn gọi là Đường Nghiêu, là người hiền được một vị thiên đế trung ương nhường ngôi. Nghiêu nhân nghĩa hiền minh, chăm lo cho đời sống nhân dân. Khi sắp chết, Nghiêu muốn tìm một người hiền để nhường ngôi, bèn tìm đến Hứa Do, nhưng Hứa Do rửa tai không thèm nghe. Có thể kết luận dấu hiệu của thuật tu tiên đã bắt đầu từ thời kỳ này. Nghiêu sau đó nhường ngôi cho Thuấn, một người cũng hiền như mình.
 
Vũ
Truyền thuyết Trung Hoa luôn gắn Vũ với công lao trị thủy. Thực ra công cuộc trị thủy bắt đầu từ trước khi Vũ ra đời. Cha của Vũ là Cổn, vốn là một con rồng, đã ăn trộm đất lở để giúp dân đắp đê trị thủy, nhưng do kém tính toán nên không thành công, Cổn bị trừng phạt và chết. Vũ tiếp tục công cuộc trị thủy thay cha mình. Ông thường phải đánh nhau với thủy thần, phải biến hóa thành con gấu để đào đất trị thủy. Vợ ông tình cờ thấy được chồng mình biến thành con gấu, hoảng sợ bỏ chạy rồi hóa đá, ông chạy theo thét đòi lại con mình là Hạ Khải. Sau này Hạ Khải lên ngôi lập ra nhà Hạ, từ đây cũng bắt đầu lệ cha truyền con nối chứ không còn truyền cho người hiền như xưa. Dưới thời nhà Hạ, dân chúng sung túc quây quần, vui ca suốt đêm, hằng năm vua thường tổ chức những chuyến đi săn. Cũng từ đó mà nhiều cuộc nổi loạn dấy lên nhân dịp này, tiêu biểu là cuộc nổi loạn của Hậu Nghệ.
 
Hậu Nghệ
Hậu Nghệ vốn là một chư hầu nhà Hạ, nhưng đã nổi dậy giành ngôi của Thái Khang, con Hạ Khải. Nhân dịp vua mải mê săn bắn, ông cướp quyền bính, cai quản nhà Hạ trong 40 năm. Sau đó, chính ông cũng mất cảnh giác trong một cuộc đi săn và bị thuộc hạ mưu hại.
Truyền thuyết Trung Quốc còn lưu truyền câu chuyện Hậu Nghệ bắn Mặt Trời. Chuyện rằng thế gian có mười mặt trời, theo lệ thì mỗi ngày một mặt trời phải làm việc chiếu sáng cho nhân gian, 9 mặt trời còn lại tuyệt đối không được xuất hiện. Nhưng các mặt trời không biết vâng lời, một hôm cả 10 mặt trời cùng xuất hiện, làm nắng nóng dữ dội. Hậu Nghệ thấy vậy giương cung bắn rời 9 mặt trời, còn một mặt trời cuối cùng đã kịp chạy thoát.
Ngoài ra còn một thuyết khác về chuyện Hậu Nghệ và vợ là Hằng Nga. Hậu Nghệ vượt nhiều gian khổ đến nơi Tây Vương Mẫu cầu xin thuốc trường sinh bất tử, nhưng mong uống cùng Hằng Nga để cùng nhau hạnh phúc mãi mãi. Nhưng Hằng Nga đã lén dùng thuốc một mình. Do quá liều lượng nên Hằng Nga bay vụt lên trời, mãi mãi ở nơi cung trăng lạnh lẽo.
 
Thời kỳ cuối
Vua cuối nhà Hạ là Hạ Kiệt. Hạ Kiệt say mê Muội Hỉ, vốn là một hồ ly tinh. Kiệt ăn chơi trác táng, thích tra tấn người khác, bị các nước khác nổi dậy tiêu diệt.
Sau nhà Hạ là nhà Ân Thương. Kết cục nhà Ân Thương với cuộc tình Ân Trụ – Đát Kỷ được ghi lại trong “Phong thần diễn nghĩa”. Đây là thời kỳ tranh đấu của hai phái tiên đạo là Triệt giáo và Xiển giáo. Ân Trụ và Đát Kỷ đều ở Triệt giáo, đứng đầu là Thông thiên giáo chủ. Tư tưởng chung của phái này là chúng sinh bình đằng, ai nấy đều nên được tạo cơ hội để tiếp cận các pháp môn tu tiên. Trong khi đó Xiển giáo, đứng đầu là Nguyên Thủy Thiên Tôn, lại cho rằng chỉ những ai được các vị tiên coi là có cốt cách thì mới được phép học tiên đạo. Phong Thần Diễn Nghĩa có thể coi là tiểu thuyết chương hồi đầu tiên của Trung Hoa. Sau này, do bị nhìn nhận dưới lăng kính Nho giáo, Ân Trụ và Đát Kỷ bị coi là người xấu, nhưng cần nhớ tiên đạo thời sau này đã bóp méo hình tượng nhân vật đi rất nhiều. Nhà Ân kết thúc khi Khương Tử Nha, một đệ tử Xiển giáo, phò tá Chu Vũ Vương và Chu Văn Vương thực hiện đảo chính, soán ngôi lập ra nhà Chu.
Ba triều Hạ Thương Chu đều cho rằng mình là hậu duệ các vị thần. Nhà Tây Chu kết thúc trong kịch bản tương tự nhà Ân Thương với việc Chu U Vương mê muội vì Bao Tự – một con giải hóa thân. Chuyện này kết thúc bằng chuyến dời đô từ Tây sang Đông, mở ra đời Đông Chu với nhiều chư hầu phân tranh cát cứ.
 
Đông Du Bát Tiên
Một nhóm các vị tiên rất hay được nhắc tới trong thần thoại Trung Hoa hay các tác phẩm tiên hiệp là Đông Du Bát Tiên, gồm Lý Thiết Quải cưỡi bạch tượng, Hán Chung Ly cưỡi Tứ bất Tướng, Lữ Đồng Tân cưỡi Hạc tiên, Trương Quả Lão cưỡi Lừa ngược, Lam Thái Hòa cưỡi chim Trĩ, Hà Tiên Cô cưỡi chim Phượng hoàng, Hàn Tương Tử cưỡi chim Công, Tào quốc Cửu cưỡi Mai Huê Lộc. Thân thế, sở năng và quá tình tu luyện của tám vị tiên này được ghi chép trong quyển sách “Đông Du Bát Tiên”.
 
Biểu tượng địa ngục
Biểu tượng địa ngục hình thành do ảnh hưởng của thuyết Luân hồi trong Ấn Độ giáo lưu truyền sang Trung Hoa. Địa ngục là sự kết hợp giữa những mô tả trong Kinh Địa tạng và hệ thông âm ty U Đô do Hiên Viên Hoàng Đế tạo ra để chứa quỷ. Ngoài ra, địa ngục còn gắn làm nơi xử án vong hồn những nhân vật ra có tài xử án trên dương thế, chẳng hạn như Bao Công, hay Khấu Chuẩn. Vong hồn xuống địa ngục sẽ phải theo quy trình xử lý sau: những con quỷ sẽ dẫn vong hồn đến thập điện diêm la, người mắc tội nào thì dẫn đến điện tương ứng để xét xử. Tại đây vong hồn sẽ được phán xét xem có được đầu thai không và đầu thai theo cách nào. Vong sau đó được dẫn đến Phong Đô. Ở Phong Đô có con sống tên là Vong Xuyên, có cây cầu bắc qua tên là cầu Nại Hà. Bước qua cầu Nại Hà nghĩa là linh hồn đã sang một kiếp khác. Bên bờ Vong Xuyên có đá tam sinh, ghi lại ký ức ba kiếp. Bờ bên kia có Vong Đài, nơi vong hồn đến uống canh Mạnh Bà rồi quên hết ký ức tiền kiếp được giữ nơi đá tam sinh. Hệ thống âm phủ trên đây chịu nhiều ảnh hưởng từ thuyết luân hồi của Ấn Độ, trong khi Sơn Hải Kinh không hề có tình tiết này, có thể kết luận hệ thống âm phủ là du nhập từ Ấn Độ vào văn hóa Trung Hoa.
 
***
 
Tiếp cận thần thoại Trung Hoa không chỉ là việc thú vị, mà còn giúp hiểu rõ thêm những ảnh hưởng của Trung Hoa vào văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Văn hóa hiện diện khắp mọi nơi, bạn có thể dễ dàng nhìn nhận lý giải những hình tượng mang đậm dấu ấn văn hóa trong các công trình điêu khắc kiến trúc nơi đình chùa đền tháp… Tuy nhiên, hiện nay các sách vở về thần thoại Trung Hoa không còn được xuất bản nhiều, các nguồn còn lại thường sắp xếp ngẫu nhiên, không theo hệ thống, khiến người đọc khó có được hình dung tổng thể. Trình tự thời gian với các sự kiện chính được trình bày trên đây sẽ là một công cụ quan trọng cho những ai muốn đọc, tìm hiểu và nghiên cứu kho tàng thần thoại phong phú này.
Hà Thủy Nguyên thuyết trình
Minh Hùng bóc băng

Luận giải Đạo Đức Kinh (2): Thuận theo Đạo là không thiên lệch

>> Đọc đầy đủ chùm bài: Luận giải Đạo Đức Kinh Archives - Book Hunter Bất thượng hiền, sử dân bất tranh; Bất quý nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo; Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn.Thị dĩ Thánh nhân chi trị: Hư kì tâm, Thật kì phúc, Nhược kì chí, cường kì cốt. Thường sử dân vô tri vô dục. Sử phu trí giả bất cảm vi dã. Vi vô vi, tắc vô bất trị. Đạo xung, nhi dụng

Kỳ lân – Sinh vật của tình yêu

Con kỳ lân xinh đẹp, đơn độc và dữ dội vẫn khêu gợi trí tưởng tượng của con người trong nhiều thế kỷ qua. Sinh vật với chiếc sừng hình xoắn độc nhất hiện ra trong các truyền thuyết ở khắp nơi tại châu Âu, và vùng Cận Đông; thậm chí nó xuất hiện cả ở phương đông như Trung Hoa, ở đó nó được gọi là lân. Lân được xem là linh thú của trời, xuất hiện khi có một bậc hiền nhân ra

TỬ THƯ – CUỐN SÁCH VỀ CÁI CHẾT CỦA AI CẬP

Định nghĩa Tử Thư Ai Cập là tập hợp các thần chú giúp đỡ những linh hồn đã qua đời định hướng cuộc sống sau cái chết. Chính các học giả phương Tây đã đặt cái tựa đề nổi tiếng cho tài liệu này; tựa đề thực sự của nó có lẽ nên được dịch là “Cuốn sách về Giải thoát trong Ánh sáng” hoặc “Thần chú về Giải thoát trong Ánh sáng” và có một cách dịch dễ hơn sang tiếng Anh có thể

Đọc “Thiền uyển tập anh” để nhớ về thịnh thế của Phật giáo trên cõi Việt

Hôm nay, tôi đi trên đường và bắt gặp Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc. Một chiếc xe khách to, rú còi ầm ĩ, phóng vun vút tranh làn đường của người dân, trên xe chở nhiều ông sư với cái đầu trọc lốc. Chiếc xe đi theo hướng những anh cảnh sát giao thông đứng dẹp đường, dẫn về phía Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, nơi Đại hội diễn ra. Tôi bật cười, thầm nghĩ: “Sư bây giờ cũng vội
le-nam

Lê Nam

23/11/2017

Tư tưởng triết học trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc

TÓM TẮT Văn hóa ẩm thực có một vị trí rất quan trọng trong văn hóa Trung Quốc. Người dân Trung Quốc không chỉ sáng tạo ra nền văn hóa ẩm thực nổi tiếng thế giới, mà còn đưa việc ăn uống lên thành nghệ thuật hưởng thụ cuộc sống và thậm chí đã trở thành nghệ thuật sống không thể thay thế. Văn hóa ẩm thực Trung Quốc được hình thành từ những yếu tố triết học mà dân tộc Trung Hoa đã xây

Book Hunter

30/09/2014