Home Đọc ĐỌC SÁCH TÔN GIÁO TÂM LINH – NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý

ĐỌC SÁCH TÔN GIÁO TÂM LINH – NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý

Chưa bao giờ người đọc sách tôn giáo tâm linh lại nhiều như hiện nay. Những cuốn sách ấy, thậm chí có thể xếp vào hàng Best Seller và mang lại lợi nhuận không ít cho các nhà xuất bản. Tuy nhiên, đọc nhiều sách tâm linh cũng giống như luyện nhiều pho võ công mà không luyện đến nơi đến chốn, có khả năng dẫn đến tẩu hỏa nhập ma. Tôi đọc các loại sách tôn giáo tâm linh từ hồi 10 tuổi, không dám tự xưng là người thông hiểu đạo, nhưng có thể tự tin rằng mình không bị tẩu hỏa nhập ma. Đến khi lớn lên, tôi cũng có tu luyện qua một số trường phái, tự thấy mình không đến nỗi thần trí rối loạn. Nhìn xung quanh, rất nhiều người tôi quen đã trở nên cuồng tín theo cách này hay cách khác. Bởi thế, tôi viết bài này những mong những người có ý định tìm hiểu các sách Tôn giáo, tâm linh lưu ý và cẩn thận.

Sách tôn giáo tâm linh có thể chia ra thành một số loại sau:

Kinh sách: Là những sách được sử dụng làm tư tưởng cốt yếu, ghi chép lại những sự tích, thần thoại trong hệ thống tôn giáo hoặc giáo phái nào đó. Các tôn giáo lớn đều có hệ thống kinh sách riêng của mình như Do Thái giáo, Kito giáo có Kinh Thánh, Islam có kinh Koran, Hindu và Bà La Môn giáo có kinh Vedas, Phật giáo có đủ các loại Bát Nhã Tâm Kinh, Hoa Nghiêm…v…v… Các giáo phái nhỏ hơn như Satan giáo, Wicca, Pháp Luân Công…v…v… cũng đều có kinh sách riêng của mình.

Nhập môn: Là những cuốn sách tóm tắt hệ thống của một tôn giáo do người đời sau viết lại để dễ đọc, dễ tiếp cận hơn. Những sách nhập môn này mang tính chất là Sách giáo khoa, được trình bày theo hướng cung cấp thông tin.

Sách tư tưởng: Là những quan điểm, tư tưởng của những người tu hành từ nhiều tôn giáo, trường phái khác nhau được tập hợp, ghi chép lại. Dòng sách này có từ xa xưa và đến nay vẫn rất phổ biến. Ví dụ như có thể nhắc đến các Upanishad trong Bà La Môn giáo, hay các bài thơ của những thầy tu Sufi như Rumi, Hafiz, hoặc gần gũi nhất với chúng ta là những cuốn sách của Osho, Krishnamurti, những bộ tập hợp thơ Thiền như “Thiền uyển tập anh” cũng là sách loại này.

Sách trải nghiệm: Là những trải nghiệm tâm linh của những người theo từng tôn giáo khác nhau. Những cuốn sách loại này rất phổ biến hiện nay. Ví dụ như “Đối thoại với Thượng Đế”, “Năng đoạn kim cương”, “Hành trình về phương Đông”…v…v…

Sách lý giải các vấn đề tôn giáo, tâm linh: Các hiện tượng tôn giáo tâm linh luôn là một bí ẩn đối với các học giả từ xưa tới nay. Bằng mọi góc nhìn, dù là chính trị, tâm lý hay khoa học, họ luôn tìm cách lý giải. Trước đây, các nhà phân tâm học như Freud, Jung, Enrich Fromm, Roberto Assagiolie… tốn không ít công sức để lý giải các hiện tượng này. Đến nay, với các thành tựu của Vật lý lượng tử, một trào lưu sử dụng vật lý và toán học để giải thích các nhận thức luận hay các hiện tượng trong lĩnh vực tôn giáo tâm linh đã hình thành. Không ít những tác giả lớn đã đi theo xu hướng này như David Bohm, Fritjof Carpra, Mundasev…v…v…

Sách về các hiện tượng kỳ bí: Một dòng sách ăn theo tất cả các xu hướng trên đó là những cuốn sách tập hợp đủ loại các câu chuyện ma, gọi hồn, kỳ tích, phép màu…v…v… Người ta thường thích đọc loại sách này vì chúng dễ đọc, không phải động não, lại có thể giải trí giống như đọc tin giật gân trên báo.

Đó là những dòng sách thịnh hành trên thị trường hiện nay. Người đọc đa phần thường chỉ láng máng rằng mình đang đọc một cuốn sách thuộc lĩnh vực tôn giáo, tâm linh chứ ít ai biết mình đang đọc sách thuộc loại nào. Bởi vậy, hiện nay, có nhiều người đọc những cuốn thuộc Sách trải nghiệm tâm linh, tức là những cuốn được viết bởi người đang bước trên con đường tu tập, lại cho rằng đó là sách chân lý, vội vã tin theo chạy theo. Hoặc đọc láng máng một số những cuốn lý giải về tôn giáo, tâm linh lại cho rằng tất cả các hiện tượng và nhận thức ấy đã được khoa học chứng minh. Hoặc tệ hơn, đọc những sách về các hiện tượng kỳ bí rồi sợ hãi, rồi sợ hãi chạy theo các thầy trừ tà… Tất cả những nhận thức lệch lạc này đều có thể dẫn tới tẩu hỏa nhập ma.

Tôi xin đưa ra một số hướng dẫn đọc sách như sau:

  1. Tìm hiểu sơ lược về tôn giáo hoặc trường phái tâm linh

Khi bạn thấy muốn tiếp cận một tôn giáo hoặc trường phái tâm linh nào đó, bạn nên có cái nhìn tổng quan về chúng. Để có cái nhìn tổng quan này, bạn có thể bắt đầu từ một số sách Nhập môn. Không phải tất cả các sách Nhập môn đều đúng đắn. Có nhiều cuốn viết mang tính chém gió, không có cơ sở, đan cài ý tưởng của người viết vào. Những cuốn này thường thiếu thông tin căn bản. Vậy các thông tin căn bản là gì?

Thứ nhất phải kể đến lịch sử của tôn giáo hoặc trường phái tâm linh. Chúng ta cần phải biết về câu chuyện và bối cảnh lịch sử ra đời của tôn giáo hoặc một trường phái tâm linh, để có thể hiểu được tại sao tôn giáo hay trường phái tâm linh ấy lại có cách nhìn nhận về thế giới, về con người, quan điểm về nghi lễ, lề luật… như vậy.

Thứ hai, chúng ta nên biến về lịch sử vận động của tôn giáo hay giáo phái tâm linh ấy. Hiểu về tiến trình lịch sử này, chúng ta sẽ nắm được các nhánh phát triển. Từ đó lần lại được những kinh sách, những quan điểm gần với tư tưởng ban đầu nhất. Bởi lẽ, có một khả năng rằng rất nhiều kinh sách đã bị sửa chữa, rất nhiều luật lệ bị thêm thắt để kìm hãm con người, rất nhiều phương pháp tu bị biến tướng khi có hiện tượng sát nhập với các vùng văn hóa khác nhau. Ví dụ như đạo Phật khi vào Tây Tạng và Trung Quốc đã có biến tướng rất nhiều so với đạo Phật nguyên thủy.

Thứ ba, chúng ta cần nắm được các khái niệm mà một tôn giáo hay giáo phái sử dụng. Những khái niệm này để nắm được thì cần đọc trong đoạn nào, kinh nào. Một cuốn sách nhập môn có thể cung cấp cho ta điều này. Ví dụ như một người Công giáo nhất thiết phải biết các từ như Khải huyền, Sáng thế, Tận thế, Mặc khải…v…v…

Từ các thông tin căn bản này, ta đã có một số vốn từ, vốn kiến thức để có thể tiếp cận các kinh sách. Tại sao chúng ta không ngay lập tưc sa vào kinh sách tôn giáo hay giáo phái tâm linh? Bởi vì người xưa viết các kinh điển cách xa chúng ta rất nhiều thế kỷ, có lối tư duy và hành văn rất khác với chúng ta.

Chúng ta có khả năng sẽ bắt gặp rất nhiều khái niệm khó hiểu hay những câu chuyện mang tính biểu tượng mà chúng ta không hiểu ngay lập tức được. Bởi thế, sách Nhập môn cung cấp thông tin căn bản là cần thiết để chúng ta có thể làm quen với khái niệm, giống như bạn muốn học Toán thì phải biết phép cộng, phép trừ và các con số vậy.

  1. Kinh sách và Sách tư tưởng

Có một ranh giới rất khó phân định giữa Kinh sách tôn giáo, tâm linh và sách tư tưởng. Thường thì những người sáng lập tôn giáo ít khi hệ thống hóa Kinh sách của mình. Moses, Đức Phật và Jesus đều không viết kinh sách. Duy có trường hợp Mohamed là vừa viết Kinh sách, vừa xây dựng hệ thống tôn giáo riêng. Hầu như những sách của người sáng lập đều ở dạng các đoạn đối thoại về tư tưởng. Một trường hợp tương tự với các bản Upanishads, các bài thơ của thầy tu Sufi, các bài nói chuyện của Osho, Krishnamurti…v…v… Sau này, những đệ tử của người sáng lập ghi chép lại, tập hợp lại, kêu gọi nhiều người tham gia. Từ đó các hệ thống tôn giáo, tâm linh được hình thành.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người noi theo Mohamed, muốn tự tay viết những cuốn sách kinh điển và xây dựng hệ thống riêng của mình  Trường hợp này khá phổ biến trong thế kỷ 20. Chưa bàn về tính đúng đắn của những cuốn kinh sách loại này, nhưng chúng ta có thể thấy rằng mục đích kiểm soát của người đứng đầu tôn giáo là rõ rệt. Mohamed khi sáng lập Islam, ông nhận sứ mệnh của thiên thần Gabriel để cứu rỗi người dân. Lúc bấy giờ, người dân Ả Rập đều rất nghèo đói và thường xuyên bị cướp phá. Như vậy, hệ thống tôn giáo do ông lập ra vừa mang tính chất tâm linh, vừa mang tính chất chính trị. Điều này cũng khác rất nhiều so với các tôn giáo lập ra sau này, đều mang tính chất kiếm tiền nhiều hơn. Bởi vậy các sách kinh điển loại này đều có thiên hướng ngả sang quyền năng. Bởi vậy, đối với những cuốn kinh sách mô tả nhiều quyền năng kì dị mà không hướng dẫn bạn trở thành con người tốt đẹp hơn thì các bạn có thể vứt chúng vào sọt rác.

Đối với những kinh sách của các tôn giáo lớn, vấn đề bạn phải đối mặt đó là hệ thống quá đồ sộ. Các bạn có thể tham khảo những kiến thức căn bản mà các bạn đã tìm được khi đọc sơ lược về tôn giáo. Rồi từ đó, chia ra thành từng nhóm chủ đề theo lịch sử của tôn giáo ấy để đọc. Việc này sẽ khiến các bạn đỡ bị hỗn loạn thông tin.

Sách tư tưởng cũng chia ra làm hai loại. Một là loại sách của những người tu hành có tư duy và tư tưởng độc lập. Họ không có nhu cầu thành lập tôn giáo, họ chỉ muốn nói lên điều họ nhận thức được với hi vọng có thể thức tỉnh con người. Hai là những người tu hành thuộc tôn giáo hoặc giáo phái nào đó cố gắng diễn giải các vấn đề trong hệ thống của họ bằng tư tưởng và tư duy cá nhân. Đối với  những sách tư tưởng này, chúng ta chỉ nên đọc tham khảo và đối chiếu với nhận thức cá nhân. Khi đọc chúng, chúng ta thường có xu hướng thấy có một vài điểm tương đồng với nhận thức cá nhân hoặc một số vấn đề của chúng ta được giải quyết, vậy là chúng ta vội vàng tin tưởng, thậm chí tệ hơn, cho rằng những điều ấy là cốt lõi của một tôn giáo hoặc một bậc thầy nào đó. Những sai lầm này sẽ khiến chúng ta nhận thức lệch lạc về một tôn giáo hoặc về tư tưởng của bậc thầy. Tốt nhất, chúng ta chỉ nên ghi lại những điều chúng ta tâm đắc và đối chiếu chúng bằng thực chứng của chúng ta.

  1. Sách lý giải các hiện tượng tôn giáo, tâm linh

Đây là một loại sách khó đọc, bởi lẽ chúng đòi hỏi rất nhiều kiến thức và não bộ chúng ta buộc phải sử dụng cả phần logic, thực chứng cùng với tư duy siêu hình, tưởng tượng. Những ai thiếu một trong hai loại này, không nên đọc các sách lý giải. Bởi lẽ, nếu đọc không cẩn thận, chúng ta sẽ làm huyền bí hóa các vấn đề khoa học. Nên nhớ rằng, các nhà khoa học vẫn đang trên con đường lý giải và giả định, chưa có bất cứ khẳng định nào về các vấn đề tôn giáo như linh hồn, thế giới khác, chứng ngộ, thiên đường, địa ngục, phép thuật…v…v… Bởi thế, khi đọc những sách này, chúng ta chỉ nên tập trung hiểu những thành tựu trong bước tiến của khoa học, những xu hướng mới của khoa học… chứ không nên nghĩ rằng khoa học đã trở thành một phần của tôn giáo và mượn các lý thuyết khoa học đó để tự thuyết phục bản thân rằng con đường tôn giáo, tâm linh mình tin theo là đúng đắn.

  1. Sách trải nghiệm cá nhân và Sách về các hiện tượng kỳ bí

Đây là hai thể loại sách phổ biến nhất trên thị trường sách, đồng thời cũng có nhiều nguy cơ gây hại nhất đối với người đọc. Những sách về các hiện tượng kỳ bí có lẽ không đáng bàn ở đây. Chúng ta chỉ nên giữ thái độ “đọc thế biết thế”, không cần tin cũng không cần hoài nghi. Điều đáng chú ý ở đây là sách trải nghiệm. Người tu tập tôn giáo, tâm linh có nhiều cấp độ tu luyện, mỗi cấp độ họ lại có những ảo tưởng mà họ phải đối mặt và vượt qua. Sách trải nghiệm có thể giúp chúng ta có kinh nghiệm khi đối mặt với những ảo tưởng mà chúng ta gặp phải, tuy nhiên, cũng có thể khiến cho chúng ta tự xây cho mình những ảo tưởng mới. Và ảo tưởng mới này thường có hơi hướng mê tín theo kiểu: Đi theo vị này mình có thể thành công trong kinh doanh, đọc chú nọ mình sẽ có an lạc, hoặc có một Thượng Đế cao xa mà ta cứ nói chuyện với ông ta là ông ta hiện hữu…v…v… Bởi thế, người thật sự muốn có nhận thức đúng đắn về tôn giáo, tâm linh cần tránh xa hai loại sách này. Nếu có đọc thì bạn có thể coi đó là sách để giải trí mà thôi.

Đó là kinh nghiệm đọc sách tôn giáo, tâm linh của tôi. Đọc sách tôn giáo, tâm linh cũng giống như đọc các thể loại khác. Bạn vẫn cần nắm một số khái niệm căn bản, cần hiểu kinh sách và bối cảnh lịch sử của chúng, rảnh rỗi có thể tham khảo thêm một số sách tư tưởng hoặc sách lý giải. Nhưng quan trọng hơn cả, bạn phải biết nhận định đâu là ngọc trai quý, đâu là hạt nhựa bôi lớp sơn màu.  Bởi vì, chỉ cần một lần sơ sảy, bạn có thể bị rơi vào bế tắc.

Hà Thủy Nguyên

Yoga không phải lúc nào cũng là về Asana và Vóc dáng

Nhắc đến “yoga” thì có lẽ một loạt các tư thế và asana vặn vẹo ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí bạn. Nhưng thật thú vị, sự liên kết giữa yoga với “thực hành tư thế”, trên thực tế, là cách giải thích của thế kỷ 20 về một nền văn hóa có niên đại hơn 3000 năm. Thiền hay dhyana, từng là khía cạnh quan trọng nhất của các thực hành yoga, đã phát triển thành một ngành công nghiệp toàn cầu

Sách – Công cụ hay mục đích

Hồi con gái lớn của tôi học khoảng lớp 3, cháu thường mang theo những cuốn truyện chữ cháu thích đi khắp nơi để có thể mở ra đọc vào những lúc rảnh. Một lần nọ, khi chúng tôi vào hiệu thuốc, các cô bán thuốc khi nhìn thấy cuốn Pippi tất dài cháu cầm trên tay đã kêu lên: "Con đọc sách à, giỏi quá, đọc sách tốt lắm đấy". Mới đây hơn, trong một buổi học tiếng Anh online của cô con gái

Minh Hiền

03/05/2024

Erich Fromm và sứ mệnh tâm phân học như “y sĩ của linh hồn”

Tâm phân học (psychoanalysis, thường được dịch là phân tâm học) trong những năm qua đặc biệt được ưa chuộng tại Việt Nam. Lúc đầu, các nhà phê bình văn học thường sử dụng tâm phân học như một con dao mổ sắc nhọn để hé lộ cõi giới của các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… Khi tâm phân học lan ra đại chúng độc giả Việt, con dao mổ ấy được sử dụng để phanh phui các chứng bệnh xã hội

Làm sao để đọc ít sách hơn?

Thế giới hiện đại đánh đồng một cách chắc nịch người thông minh với người đọc nhiều. Đọc sách, rất nhiều sách, là xác nhận của sự xuất chúng cũng như là cánh cổng tối cao tới uy danh và sự hiểu biết. Thật khó để hình dung ai đó có được những hiểu biết sâu sắc mà không phải chăm chỉ cày qua số lượng lớn những cuốn sách tên tuổi mỗi năm. Rõ ràng là chẳng có giới hạn nào cho việc chúng

Đọc sách nghiên cứu, hiểu và không hiểu

Trong một thị trường sách thiếu vắng tính học thuật và pháp lý, xuất bản lẫn lộn giữa các sách nghiên cứu, sách giới thiệu kiến thức, thậm chí là sách chém gió về kiến thức, người đọc muốn tìm tòi tri thức không khỏi hoang mang. Nhiều bạn trẻ bỏ ra không ít tiền để mua những cuốn sách "nặng đô" về hàm lượng tri thức để chứng minh với bản thân mình rằng mình có thể hiểu được cuốn sách. Nếu hiểu được