Từ NTNDCFS – page cung cấp đầy đủ dẫn chứng về sự việc đạo văn trong “Thành Kỳ Ý”
Trong suốt 3 tuần qua, chúng tôi và các bạn đã cùng đấu tranh cho việc lôi hành động đạo văn của Lê Ngọc Linh – tác giả cuốn “tiểu thuyết lịch sử được phục dựng công phu nhất từ trước đến nay” ra ánh sáng. Mặc dầu hành vi vi phạm pháp luật trầm trọng của Lê Ngọc Linh là sử dụng trái phép tác phẩm của những tác giả khác đã được phơi bày, nhưng thái độ của Lê Ngọc Linh cùng dàn ekip sản xuất Thành Kỳ Ý hoàn toàn chưa hề tự nhận đạo văn và công khai xin lỗi như cam kết.
Nhận thấy điều này có thể trở thành tiền lệ xấu đối với giới xuất bản nói riêng và đối với cộng đồng tác giả – độc giả nói chung, chúng tôi cho rằng cuốn tiểu thuyết lịch sử Thành Kỳ Ý phải được thu hồi và cấm xuất bản bởi những lý do (tóm gọn) sau:
1. Đạo văn.
2. Cổ súy loạn luân.
3. Cổ súy ấu dâm.
4. Sai lệch tính cách nhân vật lịch sử.
5. Nội dung tác phẩm có nhiều điểm sai lệch lịch sử.
6. Cung cấp nhiều kiến thức về văn hóa sai lệch.
7. Cung cấp nhiều kiến thức tôn giáo sai lệch.
8. Cung cấp nhiều kiến thức Hán văn sai lệch.
9. Tác phẩm không đạt chất lượng về nội dung, văn phong.
10. Thái độ đạo văn và cổ súy đạo văn.
11. Thái độ bêu rếu, chê bai nét đẹp, thẩm mỹ cũng là văn hóa, phong tục Việt Nam ngày xưa.
Đối với tư cách người yêu mến văn chương, lịch sử và văn hóa, phong tục Việt Nam, hành vi ĐẠO VĂN của Lê Ngọc Linh vô cùng đáng lên án và cần có hành động ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc. Mỗi ý kiến của các bạn là một lần cảnh tỉnh và ngăn chặn nạn đạo văn – ăn cắp bản quyền cho bây giờ và mai sau.
Hãy nghĩ rằng nếu chúng ta Dung Thứ cho hành động đạo văn của Lê Ngọc Linh lần này, thì trong tương lai chúng ta sẽ phải dung thứ cho bao nhiêu kẻ đạo văn nữa? Bao nhiêu tác giả sẽ bị xâm phạm bản quyền? Bao nhiêu đạo phẩm sẽ tràn lan trên thị trường? Bao nhiêu lần chúng ta sẽ phải bất lực trước những hành vi xấu xí của các kẻ tự nhận danh xưng “Tác giả – Nhà văn”?
Chúng ta đã, đang, và sẽ tiếp tục những hành động thiết thực để chống lại đạo văn, rác phẩm. Chúng ta sẽ cho những kẻ mon men muốn xâm phạm bản quyền – sử dụng trái phép tác phẩm của người khác biết rằng, không bao giờ có chuyện một sản phẩm chắp vá được chào đón, hoanh nghênh mà không bị lên án, thu hồi!
Mỗi chữ ký của các bạn – những người luôn mong muốn một nền văn học lành mạnh, những ai luôn hy vọng về sự phát triển mạnh mẽ của giới xuất bản tại Việt Nam sẽ là một lời tuyên án cho hành động đạo văn này!
Đúng vậy, mỗi người trong chúng ta đều có một mầm xanh công lý, chúng ta có quyền – và nghĩa vụ tố giác, lên án những hành vi vi phạm bản quyền. Và chúng ta phải, sẽ làm điều đó.
Để minh chứng và xác thực với Cục xuất bản về hành vi đạo văn của Lê Ngọc Linh – Thành Kỳ Ý, chúng tôi cần các bạn, những độc giả tin vào Sự thật ký tên bằng cách nhấn vào 2 đường link bên dưới:
Link google drive: https://goo.gl/forms/ZZ1AJYHVu2
Link change.org: https://goo.gl/Jk7xLQ
(Hiện tại ngôn từ của bản kiến nghị chưa được chuẩn vì người viết vẫn còn bức xúc với sự việc. Trước khi trình lên Cục xuất bản, chúng tôi sẽ gọt giũa ngôn từ cho hợp với văn phong hành chính, rất mong các bạn góp ý)
Dưới đây là nội dung đơn kiến nghị:
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Ngày 27 tháng 2 năm 2016
ĐƠN KIẾN NGHỊ THU HỒI GIẤY PHÉP XUẤT BẢN CỦA TIỂU THUYẾT “THÀNH KỲ Ý”
Kính gửi: Cục xuất bản in và phát hành, thuộc Bộ truyền thông và Thông tin
Ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục xuất bản in và phát hành
Bà Mai Thị Hương – Trưởng phòng Quản lý xuất bản
Chúng tôi là những cá nhân quan tâm đến cuốn tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử “Thành Kỳ Ý” của tác giả Lê Ngọc Linh, xuất bản vào quý I năm 2016, cấp giấy phép bởi Nhà xuất bản Văn học, Công ty cổ phần văn hóa Đông A phát hành. “Dự án tiểu thuyết” này được gây quỹ cộng đồng từ trang Comicola – một website chưa được cấp phép hoạt động chính thức. “Dự án tiểu thuyết” nhanh chóng nhận được số tiền ủng hộ lên đến 212.330.200 đồng từ những người muốn khích lệ văn học trẻ.
Từ ngày 7 tháng 2 năm 2016, chúng tôi đã phát hiện tình trạng vi phạm Luật bản quyền tác giả một cách nghiêm trọng trong cuốn tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý” của Lê Ngọc Linh. Tính đến nay, Thành Kỳ Ý đã “sao y bản chính” ngôn từ tổng cộng 13 điểm trong “Tứ Thư Bình Giải”, 1 điểm từ “Đời sống cung đình triều Nguyễn” và 8 điểm từ các đoạn văn trên các bài báo mạng như Thư Viện Hoa Sen, Dân Trí, VnExpress, Vietnamtourism… Việc này đã gây phẫn nộ trong cộng đồng vì các nguyên nhân sau:
1. Cô Lê Ngọc Linh đã “đạo văn”. Sao chép, trích dẫn các đoạn văn từ Tứ Thư Bình Giải, Đời sống cung đình triều Nguyễn và một số bài báo mạng khác mà cố tình không dẫn nguồn, chú thích. Chúng tôi cho rằng hành vi này đã vi phạm Luật bản quyền tác giả, nếu còn dung thứ cho cô Lê Ngọc Linh sẽ tạo nên tiền lệ xấu cho dàn tác giả trẻ sau này, cổ súy đạo văn và khiến văn đàn Việt Nam trở nên hư thối, lũng loạn.
2. Cô Lê Ngọc Linh và công ty cổ phần Comicola đã cung cấp thông tin sai lệch về cuốn sách, lợi dụng niềm tin của cộng đồng trong khi gây quỹ và có dấu hiệu lừa đảo. Được biết cô Linh cùng công ty cổ phần Comicola liên tục thông cáo báo chí với các từ khóa gây chú ý như “tiểu thuyết lịch sử được phục dựng công phu nhất từ trước tới nay”; “tác giả trẻ viết về lịch sử Việt Nam”…khiến người đọc hiểu lầm và nắm bắt thông tin sai lệch về nội dung tác phẩm, gây ra việc ủng hộ – gây quỹ và nhận lại một sản phẩm có chất lượng không xứng đáng với những thông tin đã được đưa ra trước đó. Thiết nghĩ nếu hành vi này không được nhắc nhở, điều chỉnh sẽ gây ra tình trạng treo đầu dê bán thịt chó, lừa đảo cộng đồng và gây thiệt hại về tài sản cho nhân dân Việt Nam.
3. Cô Lê Ngọc Linh đã viết các tình tiết, đoạn văn cổ súy loạn luân, vi phạm thuần phong mỹ tục như chi tiết một nhân vật trong truyện là công chúa Diên Trường nảy sinh tình yêu nam nữ với em trai Cùng – Cha khác mẹ của mình là hoàng thượng Lê Bang Cơ. Tình tiết này cổ súy suy nghĩ loạn luân và tiến tới hành động loạn luân, đây không phải là yếu tố văn học mang giá trị nhân văn nhân bản mà thuần túy là một yếu tố câu khách, đánh vào thị hiếu. Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ khiến hư hỏng thế hệ trẻ Việt Nam. Cổ súy hành động loạn luân đi ngược lại thuần phong mỹ tục, giá trị nhân loại, công khai cổ vũ lối suy nghĩ lệch lạc, bệnh hoạn gây ra thui chột giống nòi tinh anh của đất nước, khiến lượng lượng lao động và kiến thiết đất nước tương lai bị dị tật, lôi kéo nền kinh tế và chính trị nước nhà trì trệ.
4. Vì Thành Kỳ Ý tiến hành PR trên nền tảng tiểu thuyết lịch sử nên phải đc đánh giá trên 2 giá trị tiểu thuyết tức yếu tố văn chương, và lịch sử là hàm lượng kiến thức lịch sử được sử dụng, tái hiện, đánh giá. Bản thân Thành Kỳ Ý đã tự khoác lên mình sứ mệnh truyền bá lịch sử, tuy nhiên của sách này của cô Lê Ngọc Linh có nhiều tình tiết sai lệch lịch sử Việt Nam như: thiết kế các nhân vật lịch sử như Lê Nhân Tông (Lê Bang Cơ), Lê Khắc Xương, Lê Nghi Dân, Lê Thánh Tông (Lê Tư Thành) từ những nhân vật lịch sử của dân tộc trở nên biến tính, đi tranh giành tình yêu của một cô gái, chứ không hề có bất cứ điều gì cho thấy sự khắc họa tính cách xác thực của những tiền nhân đầy mưu trí như trong lịch sử, đây là hành động bĩ mặt tiền nhân, bôi nhọ hình tượng minh quân nước Việt . Điều này gây ra sự hiểu lầm và cung cấp các kiến thức sai trái đến với người đọc, nhất là các độc giả trẻ tuổi chưa có điều kiện tìm hiểu sâu về lịch sử nước nhà. Chúng tôi cho rằng nếu tiếp tục để Thành Kỳ Ý được phát hành đại trà trên toàn quốc sẽ gây ra sự thoái hóa kiến thức về lịch sử ngàn năm của dân tộc, khiến con em chúng ta hiểu sai lệch về các bậc tiền nhân và trở nên xa rời nền lịch sử oai hùng của nước nhà.
5. Nội dung cuốn “tiểu thuyết lịch sử” Thành Kỳ Ý (theo như lời cô Linh khẳng định) chứa nhiều thông tin chú thích vô căn cứ và sai lệch ý nghĩa hoàn toàn như: Nhầm lẫn giữa 2 ngày lễ văn hóa Xá tội vong nhân và Lễ Vu Lan; nhầm lẫn và cho rằng nghi thức Quá đường của đạo Phật hai dòng Bắc tông và Nam tông là một… Điều này khiến độc giả phải tiếp nhận những kiến thức vô căn cứ, sai lệch và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin tôn giáo cùng sự phát triển Phật giáo tại Việt Nam, cũng như làm thui chột phong tục tốt đẹp của người Việt về lễ Vu lan báo hiếu và lễ Xá tội vong nhân.
6. Vì tự nhận là cuốn tiểu thuyết lịch sử được phục dựng công phu nhất từ trước tới giờ, và nội dung của Thành Kỳ Ý được đặt trong bối cảnh thời Lê Sơ Đại Việt do vậy cuốn sách này sử dụng khá nhiều Hán tự nhằm nêu rõ không thời gian trong truyện. Tuy nhiên những Hán tự này hoàn toàn dịch sai nghĩa, chệch nghĩa và sử dụng các từ ngữ hoàn toàn không đúng thời đại lịch sử như: “Thụy Liên” vốn là hoa súng lại được tác giả khẳng định là hoa sen và miêu tả là tỏa hương thơm ngát một vùng. Những từ “Thái giám” vốn được dùng chỉ chức quan võ thời Lê Sơ được Lê Ngọc Linh gán thành “hoạn quan”. Các từ không tồn tại vào thời điểm lịch sử như “nữ nhi”, “nô tài”… Các kiến thức sai lệch này khiến độc giả nhầm lẫn về bối cảnh lịch sử, ngôn từ sử dụng lai căng nhiễm đầy văn phong Trung Quốc gây ra sai lệch ngôn ngữ, khiến giới trẻ Việt Nam mất dần đi những kiến thức về ngôn ngữ thời đại lịch sử. Thông qua việc sử dụng ngôn ngữ lai căng cô Lê Ngọc Linh đã âm thầm cổ súy ngôn ngữ Trung Quốc thâm nhập, gây lẫn lộn và làm thế hệ kiến thiết đất nước tương lai suy thoái ngôn ngữ, không còn giữ gìn được bản sắc ngôn ngữ tiếng Việt giàu đẹp. Xin xem trailer đính kèm tại đây để biết thêm chi tiết: https://www.youtube.com/watch?v=LgNo7UnckrI
7. Xin nhấn mạnh tại điểm này, đặc biệt với nhân vật Lê Bang Cơ (tức vua Lê Nhân Tông) và công chúa Diên Trường (tức Thao Quốc Trưởng Công Chúa, chị gái ruột của vua Lê Thánh Tông) cô Lê Ngọc Linh đã sáng tạo và sử dụng tình tiết phản cảm đề cập đến tình yêu loạn luân, khi cả hai nhân vật đều đang ở độ tuổi 12-13 tuổi. Đây là chi tiết hư cấu, mà theo chúng tôi, dễ gây hiểu lầm và lệch lạc đạo đức của các độ giả trong độ tuổi chưa thành niên. Ở khía cạnh lịch sử, đây lại là một tình tiết mang tính bôi nhọ, bóp méo nhân vật lịch sử.
8. Cô Lê Ngọc Linh đã từng hành động, sử dụng ngôn từ bỉ bôi nét đẹp người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam, khích động giới trẻ có quan điểm sai lệch về thẩm mỹ tiền nhân. Họ cho rằng vẻ đẹp lịch sử “Hàm răng đen nhánh hạt huyền, đôi mắt lá răm lông mày lá liễu” là man mọi, quê mùa, xấu xí. Cổ súy những minh họa như tranh ngôn tình của Trung Quốc, tung hô nét đẹp ngoại lai. Điều này cho thấy cô Lê Ngọc Linh đang gián tiếp cổ súy giới trẻ tự ti về nét đẹp, thẩm mỹ của dân tộc. Khiến độc giả trẻ tự tay bỉ bôi văn hóa, nét đẹp gương mặt người phụ nữ từ ngàn năm qua của nước Việt mà đi tung hô tiểu chuẩn thẩm mỹ ngoại lai Trung Quốc.
9. Tiểu thuyết lịch sử được phục dựng công phu nhất từ trước tới giờ của Lê Ngọc Linh sử dụng tựa bìa lai căng, sai lệch ngữ nghĩa. Mà như bài báo của nhà báo Hà Quang Minh (link báo: https://vieclam.laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/soai-ca-diep-van-thanh-ky-y-511506.bld ) đã nêu rõ:
Trích nguyên văn:
“Trong khi đó, “Thành Kỳ Ý” được coi là một tác phẩm đề cao sự trân trọng và tìm về cội nguồn của giới trẻ Việt nhưng cuối cùng, nó lại được xây dựng như một thứ lai tạp, ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Quốc. Từ chuyện quảng bá bằng mấy tiếng “đẹp như soái ca” cho tới chuyện đặt tên sách là Thành Kỳ Ý. Thành Kỳ Ý là gì? Chắc nhiều người Việt không hiểu nổi. Chẳng qua, Thành Kỳ Ý là “cái ý thành thật của mình (hoặc của ai đang phát ngôn)” với chữ “kỳ” ở giữa là một đại từ sở hữu và Thành Kỳ Ý chẳng qua chỉ là cách dùng từ theo ngữ pháp tiếng Hán. Cụm từ này được lấy từ sách Trung Dung của Nho gia. Như vậy, rõ ràng mục đích cao đẹp của cuốn sách đã trở nên không còn cao đẹp nữa chỉ vì phương tiện đi đến cái mục đích ấy vô cùng tầm thường và dễ dãi.”
10. Một điều đáng nói là, những nhân vật trong truyện của cô Lê Ngọc Linh chỉ vừa nhích sang lứa tuổi mười một, mười hai. Vậy mà những nhân vật này đã nảy sinh tình cảm yêu đương, những ý nghĩ loạn luân giữa chị em ruột. Như vậy khác nào cổ súy hành vi ấu dâm, loạn luân, đi ngược lại thuần phong mỹ tục và đồng tình với những kẻ vô lương tâm, biến thái có ý nghĩ suy đồi với người thân ruột thịt của mình? Xét thấy những tình tiết này nếu tiếp tục xuất hiện và xuất hiện đại trà, thì vô hình chung lại gây ra sự hiểu lầm về việc xã hội Việt Nam cổ súy loạn luân, ấu dâm; gây ảnh hưởng xấu đến với giới trẻ.
Là người cầm bút, là kẻ phê bình, là độc giả, người tiêu dùng và trên hết là con dân nước Việt với ngôn từ giàu đẹp, với nhân cách sáng ngời; việc đạo văn và cổ súy tình yêu biến thái, loạn luân, ấu dâm cùng với những kiến thức bỉ mặt tiền nhân, sai lệch lịch sử của Thành Kỳ Ý và cô Lê Ngọc Linh phải bị cực lực lên án. Có ai muốn con cháu chúng ta sau này nói chuyện yêu đương khi chỉ vừa mười ba mười bốn? Có ai muốn nhìn thấy con cháu mình là chị em ruột thịt nảy sinh tình cảm trai gái với nhau? Có ai muốn nhìn ra một thế hệ bị suy đồi bởi những dòng văn xảo trá, bởi những câu từ hoa mỹ che lấp nội dung mục ruỗng bên trong?
Xin thưa, người Việt Nam với tri thức và bản chất chuộng hòa bình nhưng cũng luôn bảo vệ công lý. Chúng tôi đã để cho cô Lê Ngọc Linh nhiều lần nhìn lại lỗi sai để lên tiếng xin lỗi và hành động sửa sai, tuy nhiên, cho đến hiện tại cô Lê Ngọc Linh cùng ekip dự án “Thành Kỳ Ý” vẫn không thừa nhận đạo văn và ngang nhiên thách thức sự nghiêm minh của giới xuất bản. Thiết nghĩ, với tâm ý luôn muốn góp phần làm cho giới xuất bản lành mạnh, trong sạch; mở rộng con đường thoáng đãng cho những tác giả tiềm năng phát triển; thì với niềm tin vào sự công chính, niềm tin vào Cục xuất bản, chúng tôi cho rằng Cục sẽ cùng với những cá nhân bé nhỏ như chúng tôi chung tay bảo vệ bản quyền tác giả, cũng như nghiêm khắc răn đe những tác giả trẻ trên văn lộ tương lai, né tránh đạo văn, thành thật với từng con chữ.
Chúng tôi đề nghị với Cục xuất bản in và phát hành phương án như sau:
1. Lập tức thu hồi cuốn tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”, không cho phép tái bản và tiếp tục phần 2, 3 của cuốn sách.
2. Đưa ra mức xử phạt nghiêm khắc với cô Lê Ngọc Linh, kiểm soát quá trình cô Lê Ngọc Linh bồi thường cho những người đã ủng hộ trên trang gây quỹ cộng đồng Comicola.
3. Đưa ra quy chế kiểm soát chất lượng nội dung sáng tác sử dụng gây quỹ cộng đồng để kiếm nguồn vốn.
Chúng tôi rất mong Cục xuất bản in và phát hành nhanh chóng xem xét và ra văn bản xử lý sự việc.
Xin chân thành cảm ơn!