Peter N.Stearns
Con người sống ở hiện tại. Họ vừa hoạch định cho tương lai, vừa lo lắng về nó. Trái lại, lịch sử lại nghiên cứu về quá khứ. Tất cả nhu cầu đều thôi thúc từ cuộc sống hiện tại và liệu trước những điều chưa xảy ra, vậy tại sao ta lại phải quan tâm đến quá khứ làm gì? Với tất cả phân ngành trong ước mơ và thực tại của tri thức, tại sao cứ nhất định (như hầu hết chương trình giáo dục tại Mỹ) phải nhắc lại lịch sử? Và tại sao lại phải bắt nhiều học sinh học lịch sử thậm chí còn nhiều hơn cả chuẩn yêu cầu?
Bất kỳ đối tượng nghiên cứu nào cũng cần phải có minh chứng: người thực hiện phải giải thích được tại sao vấn đề đáng được quan tâm. Hầu hết mọi vấn đề được chấp nhận rộng rãi – và lịch sử chắc hẳn nằm trong số đó – đều thu hút một lượng người chỉ thích những thông tin và suy tưởng có liên quan. Nhưng người nghe lại ít khi tự nhiên hứng thú với vấn đề mà thường nghi ngờ tại sao lại phải bận tâm để biết mục đích đó là gì kia chứ.
Các sử gia không cấy ghép tim, cải tiến thiết kế đường cao tốc hay bắt giữ tội phạm. Trong một xã hội hoàn toàn trông đợi vào giáo dục thực dụng, chức năng của lịch sử dường như khó xác định hơn là kỹ thuật hay y khoa. Lịch sử thực ra rất hữu dụng, nó thực sự rất cần thiết, nhưng sản phẩm từ việc học lịch sử lại ít tính hữu hình hơn, có khi nó lại ít tác động trực tiếp, so với các sản phẩm từ các lĩnh vực khác.
Trước đây lịch sử được xác định với những lý do mà ngày nay không còn được ta chấp nhận nữa. Ví dụ, một trong những lý do lịch sử còn giữ được vị trí trong nền giáo dục hiện nay là bởi vì các nhà lãnh đạo thời kỳ đầu tin rằng các sự kiện lịch sử nào đó sẽ giúp phân biệt những người có giáo dục với những kẻ vô giáo dục; những người có thể kể ra được ngày người Norman chinh phục nước Anh (năm 1066) hay tên của người đã luận ra thuyết tiến hóa cùng thời điểm với Darwin là ai (Wallace) sẽ được cho là siêu đẳng – một ứng viên tốt hơn tại trường luật hay thậm chí là một vị trí làm việc cao hơn. Tri thức về các sự kiện lịch sử đã được sử dụng như một công cụ sàng lọc trong nhiều xã hội, từ Trung Hoa đến Hoa Kỳ, và thói quen này vẫn còn tồn tại trong chúng ta ở mức độ nào đó. Điều không may là, công dụng này có thể khuyến khích những máy nhớ một chiều – một khía cạnh thực tế nhưng không được hay ho lắm của lĩnh vực này. Lịch sử nên được học vì nó cần thiết cho các cá nhân và xã hội, và bởi nó ẩn chứa vẻ đẹp riêng. Có nhiều cách để bàn về chức năng thực của vấn đề – vì có nhiều nhân tài lịch sử khác nhau và nhiều lối tiếp cận ý nghĩa lịch sử khác nhau. Dầu vậy, tất cả định nghĩa về tính ứng dụng của lịch sử dựa trên hai nền tảng.
Lịch sử giúp ta hiểu về con người và các xã hội
Trong phần đầu, lịch sử mang đến một kho tàng thông tin về cách ứng xử của con người và xã hội. Rất khó để hiểu về hoạt động của con người và xã hội, dù các lĩnh vực đã có rất nhiều nỗ lực. Sự phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu hiện có sẽ là những cản trở không cần thiết cho nỗ lực của chúng ta. Làm thế nào ta có thể định giá được chiến tranh nếu quốc gia vẫn đang hòa bình – hay nếu không sử dụng tư liệu lịch sử? Làm thế nào ta có thể hiểu được những điều kỳ diệu, như ảnh hưởng của phát minh công nghệ, hay vai trò của niềm tin trong việc hình thành đời sống gia đình, nếu ta không dùng đến cái ta biết từ những trải nghiệm đã qua? Một số nhà khoa học đang cố gắng công thức hóa luật pháp hay lý thuyết về hành vi của con người. Nhưng thậm chí những dữ liệu thu nạp này cũng phải dựa trên thông tin lịch sử, trừ những hạn chế nhất định, thường là những trường hợp do con người họ nên, ở đó các thí nghiệm có thể được đưa ra để quyết định cách con người hành động. Những phương diện chính trong hoạt động của một xã hội, như bầu cử phổ thông, truyền giáo, hay liên minh quân sự, không thể được thiết lập như những thí nghiệm chính xác được. Hệ quả là, lịch sử phải đảm nhiệm, nhưng không hoàn hoàn, vai trò của một phòng thí nghiệm, và dữ liệu từ quá khứ phải trở thành cứ liệu quan trọng nhất cho những khảo sát tất yếu nhằm giải mã vì sao những giống loài phức tạp của ta lại cứ xử như thể trong một cấu hình xã hội. Điều này, về cơ bản chính là lý do tại sao chúng ta không thể xa rời lịch sử: nó không chỉ cho ta một cơ sở dẫn chứng sâu rộng để chiêm nghiệm và phân tích cách các xã hội hoạt động, và con người cần phải có cảm thức về cách các xã hội hoạt động, đơn giản là để làm chủ cuộc đời mình.
Lịch sử giúp ta hiểu được sự thay đổi và cách xã hội ta đang sống biến đổi như thế nào
Lý do thứ hai kế thừa chặt chẽ với lý do đầu tiên, lịch sử tất yếu phải là một lĩnh vực nghiên cứu nghiêm túc. Quá khứ tạo nên hiện tại, nó cũng tạo ra tương lai. Bất kỳ lúc nào ta cố để biết tại sao một sự việc xảy ra – sự đổi ngôi của đảng chính trị cầm quyền trong Quốc hội Mỹ, sự thay đổi lớn trong tỉ lệ tự tử của thanh thiếu niên, chiến tranh ở Balkans hay ở Trung Đông – chúng ta đều phải tìm kiếm những nhân tố khai nguyên hình thành nên nó. Thỉnh thoảng lịch sử khá gần đây cũng đủ để giải thích cho một sự lớn mạnh, nhưng thường ta cần phải nhìn xa hơn để định dạng những nguyên nhân tạo ra sự thay đổi. Chỉ có bằng cách nghiên cứu lịch sử, chúng ta mới có thể thấu hiểu được cách vạn vật thay đổi; chỉ có nhờ vào lịch sử ta mới có thể bắt đầu thấu đạt những nhân tố tạo ra sự thay đổi; và chỉ nhờ vào lịch sử ta mới hiểu được những yếu tố nào giúp cho một cơ cấu hay xã hội đứng vững trước những biến đổi.
Tầm quan trọng của lịch sử trong đời sống chính chúng ta
Hai nguyên nhân căn bản để nghiên cứu lịch sử này làm nền tảng cho những công dụng cụ thể và đa dạng hơn của lịch sử trong đời sống chúng ta. Lịch sử khi được kể hay, hẳn sẽ rất đẹp. Nhiều sử gia thu hút độc giả đại chúng, họ biết được tầm quan trọng của lối viết tạo kịch tính và uyển chuyển – tất nhiên cả độ chính xác nữa. Hồi ký và lịch sử quân sự hấp dẫn một phần bởi câu chuyện kể trong đó. Lịch sử như một hình thức nghệ thuật và giải trí phục vụ nhu cầu thực tiễn, trên cơ sở thị hiếu đám đông nhưng cũng dựa trên mức độ thẩm thấu của con người. Những câu chuyện hay là những câu chuyện thuật lại cách con người và xã hội thực sự hoạt động, và chúng gợi nhắc lại những suy nghĩ về trải nghiệm của con người ở những khoảng không-thời gian khác. Mục đích mỹ cảm và nhân văn khuyến khích người ta đắm mình vào trong những nỗ lực nhằm cấu trúc lại những quá khứ xa xăm, xa rời hẳn khỏi tính hữu hiệu ngay trước mắt, trong thời đại hiện nay. Khám phá ra điều những sử gia thỉnh thoảng gọi là “dĩ vãng của dĩ vãng” – những cách con người trong những thời xa vắng kiến tạo cuộc sống – vốn liên quan đến cảm thức về cái đẹp và hưng phấn, cả góc nhìn đỉnh cao khác về đời sống và xã hội của con người.
Lịch sử góp phần vào thấu nhuần đạo đức
Lịch sử cũng cho ta điều kiện để chiêm nghiệm đạo đức. Nghiên cứu những câu chuyện của các cá nhân và hoàn cảnh trong quá khứ cho phép người học môn sử kiểm nghiệm lại cảm gian lịch sử của mình, chắt lọc lại nó để chống lại mớ hỗn tạp mà các cá nhân ngoài đời thực phải đối diện, trong những môi trường khắc nghiệt. Những người khắc phục được nghịch cảnh không chỉ trong tác phẩm hư cấu, mà còn trong những hoàn cảnh lịch sử thực, sẽ trở thành nguồn cảm hứng. “Dạy lịch sử qua ví dụ” là một cụm từ diễn tả lại công dụng của một việc học từ quá khứ – một việc học không chỉ về những nhân chứng anh hùng, những người kiệt xuất trong lịch sử, họ là những người thành công nhờ vượt qua những nghịch cảnh đạo đức, không những vậy với người bình thường họ mang đến những bài học về lòng dũng cảm, sự cần cù hay lời kháng nghị mang tính xây dựng.
Lịch sử mang lại bản sắc
Lịch sử còn giúp mang lại bản sắc, và đây chắc hẳn là một trong những lý do tất cả các quốc gia hiện đại đều khuyến khích dạy sử dưới một hình thức nào đó. Dữ liệu lịch sử cung cấp những cứ liệu về cách những gia đình, nhóm, thể chế hay cả quốc gia được tạo thành như thế nào và cách chúng phát triển trong khi vẫn duy trì tính cố kết. Với nhiều người Mỹ, học lịch sử của một gia tộc là chính là sử dụng lịch sử rõ ràng nhất, vì nó cung cấp những sự kiện liên quan đến phả hệ và (ở một mức độ ít phức tạp hơn) cơ sở để hiểu về cách gia đình đó tương tác với một thay đổi lịch sử lớn hơn. Bản sắc gia đình được thiết lập và thừa nhận. Nhiều thể chế, doanh nghiệp, cộng đồng và các đơn vị xã hội, cũng như các nhóm thiểu số ở Hoa Kỳ, sử dụng lịch sử vì những mục đích nhận diện bản sắc tương tự. Chỉ có việc xác định nhóm trong khuôn khổ hiện nay mới chống lại khả năng hình thành một bản sắc dựa trên sự giàu có trong quá khứ. Và tất nhiên những quốc gia cũng sử dụng bản sắc lịch sử, và đôi khi lạm dụng nó. Các mảnh ghép lịch sử kể lại câu chuyện của quốc gia, nhấn mạnh đến những đặc tính riêng biệt trong trải nghiệm của quốc gia, hướng đến việc hiểu biết về các giá trị của quốc gia và cam kết trung thành với quốc gia.
Học lịch sử là cần thiết cho những công dân tốt
Học lịch sử lại rất thiết yếu cho những công dân tốt. Đây là lời biện minh phổ biến nhất cho vị trí của lịch sử trong chương trình dạy học. Thỉnh thoảng những công dân ủng hộ lịch sử hi vọng chỉ để thúc đẩy bản sắc và lòng trung thành với dân tộc thông qua một lịch sử được tô điểm bởi những câu chuyện và bài học sống động về các cá nhân thành công và đạo đức. Nhưng tầm quan trọng của lịch sử với công dân thì vượt ra ngoài mục đích hạn hẹp này và thậm chí có thể thách thức nó ở một số điểm.
Lịch sử là nền tảng để một công dân chân chính quay lại, theo nghĩa nào đó, với những công dụng thiết yếu của nghiên cứu quá khứ. Lịch sử mang đến những dữ liệu về sự nổi lên của các thể chế, vấn đề và giá trị quốc gia – đơn thuần là một kho tàng quan trọng của những dữ liệu đó. Nó cũng mang lại những bằng chứng về cách các quốc gia đã tương tác với các xã hội khác như thế nào, cung cấp những quan niệm quốc tế và mang tính so sánh, vốn cần thiết cho những công dân có trách nhiệm. Hơn nữa, học lịch sử giúp ta hiểu về quá khứ, hiện tại và những chuyển biến sau này sẽ ảnh hưởng đến đời sống công dân, vốn đang hiện hữu hay có thể nổi lên và những nguyên nhân của chúng. Quan trọng hơn, học lịch sử khuyến khích những thói quen trong tâm thức vốn rất quan trọng cho cách hành xử có trách nhiệm của cộng đồng, dù là với tư cách là một quốc gia hay lãnh đạo quốc gia, một cử tri có hiểu biết, một người kiến nghị hay một quan sát viên thông thường.
Kỹ năng nào mà một người học sử phải phát triển?
Một học sinh giỏi lịch sử, được đào tạo để làm việc với những tài liệu trong quá khứ và về những nghiên cứu trường hợp trong sự thay đổi xã hội sẽ phải học những điều như thế nào? Danh sách có thể quản lý, nhưng nó bao hàm nhiều thể loại chồng lấn lên nhau.
Năng lực đánh giá cứ liệu. Học lịch sử tạo dựng nên kinh nghiệm giải quyết và xử lý nhiều loại cứ liệu – những loại cứ liệu được các sử gia sử dụng để tạo hình nên những bức tranh về quá khứ chính xác nhất có thể. Học cách diễn giải những câu nói trước đây của các lãnh đạo chính trị – một loại cứ liệu – giúp hình thành năng lực phân biệt giữa cái khách quan và chủ quan giữa những câu nói do những nhà lãnh đạo ngày nay tạo ra. Học cách kết hợp nhiều loại cứ liệu – những lời phát biểu công chúng, thành tựu cá nhân, số liệu, các hiện vật – giúp phát triển năng lực lập luận chặt chẽ dựa trên nhiều dữ liệu khác nhau. Kỹ năng này có thể được áp dụng cho các thông tin gặp phải trong cuộc sống thường ngày.
Năng lực đánh giá các diễn giải mâu thuẫn. Học lịch sử nghĩa là có được kỹ năng sắp xếp trong mớ diễn giải đa dạng, thường mâu thuẫn với nhau. Hiểu được cách các xã hội hoạt động – trọng tâm của nghiên cứu lịch sử – vốn đã mơ hồ, và dĩ nhiên hiểu những gì đang diễn ra ngày nay cũng là một điều rất mơ hồ. Học cách nhận dạng và đánh giá các diễn giải mâu thuẫn là một kỹ năng cần thiết cho một công dân, ở đó lịch sử, với tư cách là một phòng thí nghiệm kiểm tra thường xuyên trải nghiệm của con người, sẽ trở thành cái nôi đào tạo. Đây là một lĩnh vực ở đó toàn bộ lợi ích từ nghiên cứu lịch sử đôi khi va chạm với việc sử dụng lịch sử theo nghĩa hẹp hơn nhằm kiến tạo bản sắc. Kinh nghiệm trong việc đánh giá hoàn cảnh từ quá khứ cung cấp một cảm thức phản biện mang tính xây dựng, có thể được sử dụng được áp dụng với những yêu sách về vinh quang quốc gia hay bản sắc cộng đồng. Nghiên cứu lịch sử không có nghĩa là làm suy giảm lòng thành hay tính cố kết, mà nó dạy cho ta tính cần thiết của việc suy luận đánh giá, và nó mở ra cơ hội tranh luận cũng và nâng tầm nhận thức.
Kinh nghiệm trong việc đánh giá các ví dụ về sự thay đổi trong quá khứ. Kinh nghiệm đánh giá các ví dụ về sự thay đổi trong quá khứ là rất quan trọng để hiểu về sự thay đổi trong xã hội hiện nay – đó là một kỹ năng cần thiết cho cái thường ta được nghe là “thế giới thường biến”. Phân tích sự thay đổi nghĩa là phát triển năng lực quyết định mức độ và tầm quan trọng của sự thay đổi, vì một số sự thay đổi đóng vai trò căn bản hơn những thay đổi khác. So sánh những thay đổi cụ thể với các ví dụ liên quan từ quá khứ giúp người học sử phát triển năng lực này. Khả năng nhận dạng sự tiếp diễn vốn luôn song hành ngay cả với những sự thay đổi lớn, cũng xuất phát từ việc nghiên cứu lịch sử, cũng như kỹ năng xác định nguyên nhân có thể xảy ra sự thay đổi. Học lịch sử giúp khai sáng một người, ví dụ, nếu một nhân tố chính – như sự cải tiến công nghệ hay một chính sách có chủ đích nào đó – giải thích cho sự thay đổi hay liệu rằng, như một trường hợp phổ biến hơn, nhiều nhân tố kết hợp lại có tạo ra một thay đổi thực tế diễn ra không.
Tóm lại, học lịch sử là rất cần thiết để thúc đẩy những vấn đề hóc búa, và cả những công dân có trình độ. Nó mang lại những thông tin thực tiễn đầy căn bản về nền tảng thể chế chính trị của chúng ta và về các giá trị và vấn đề tác động đến sự ổn định xã hội. Nó cũng góp phần giúp ta có năng lực sử dụng cứ liệu, đánh giá những diễn giải và phân tích những thay đổi và tiếp diễn. Không ai có thể giải quyết được hiện tại như những sử gia giải quyết quá khứ – chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ cho kỳ công này; nhưng chúng ta có thể chuyển hướng bằng việc áp dụng thói quen mang tính lịch sử của tâm thức, và chúng ta sẽ hoạt động như những công dân tốt hơn.
Lịch sử rất hữu dụng trong một thế giới đầy công việc
Lịch sử rất hữu dụng trong công việc. Học lịch sử giúp tạo nên những doanh nhân giỏi, các chuyên gia và lãnh đạo chính trị. Nhiều nghề nghiệp chuyên môn rõ ràng cho các sử gia có thể được xem xét, nhưng đa số những người học lịch sử không trở thành những sử gia chuyên nghiệp. Sử gia chuyên nghiệp dạy học ở nhiều cấp độ, làm việc trong bảo tàng hay trong các trung tâm tuyên truyền, họ nghiên cứu lịch sử để phục vụ công việc hay các cơ quan công quyền, hoặc tham gia ngày càng nhiều vào việc cố vấn lịch sử. Những phân loại này mang tính quan trọng, thậm chí là rất quan trọng, để giữ cho doanh nghiệp cơ bản của lịch sử tồn tại, nhưng hầu hết những người nghiên cứu lịch sử sử dụng việc giảng dạy để nâng cao chuyên môn. Người học sử thấy được rằng kinh nghiệm liên hệ trực tiếp với công việc ở nhiều lĩnh vực, cũng như với nghiên cứu sâu hơn trong các lĩnh vực như luật hay hành chính công. Chủ lao động thường chủ động tìm kiếm những sinh viên có kiểu năng lực được nghiên cứu lịch sử thúc đẩy. Không khó để xác định lý do: người học sử, từ việc nghiên cứu các giai đoạn khác nhau của quá khứ và các xã hội khác nhau trong quá khứ, họ có thể thâu được một nhận thức rộng mở, giúp họ có được trình độ và sự linh hoạt cần thiết cho nhiều trường hợp trong công việc. Họ phát triển kỹ năng nghiên cứu, năng lực phát hiện và đánh giá nguồn thông tin, nghĩa là nhận định và đánh giá nhiều cách diễn đạt khác nhau. Làm việc với lịch sử không những nâng tầm kỹ năng viết và nói căn bản, nó còn liên quan trực tiếp đến nhiều yêu cầu phân tích về vấn đề công và tư, nơi năng lực nhận định, đánh giá và giải thích hiện tượng là rất quan trọng. Học lịch sử rõ ràng là một vốn quý cho nhiều công việc và hoàn cảnh chuyên môn, dù với nhiều học sinh nó không trực tiếp mang đến những công việc cụ thể như một số ngành công nghệ khác. Nhưng lịch sử đặc biệt lại chuẩn bị cho người học một món hời lớn cho sự nghiệp của họ, những phẩm chất đó giúp họ thích nghi và thăng tiến vượt hơn cả mức độ đầu vào của công việc. Không ai có thể phủ nhận rằng trong xã hội, nhiều người say mê nghiên cứu lịch sử vẫn lo lắng về tính liên quan của nó. Khi nền kinh tế thay đổi, luôn có sự quan tâm về tương lai của các công việc trong hầu hết các lĩnh vực. Nhưng giáo dục lịch sử thì không có được đặc ân đó; nó áp dụng ngay vào nhiều công việc và có thể giúp chúng ta làm việc.
Tại sao phải học lịch sử? Câu trả lời là chúng ta thực sự phải học, để có thể đánh giá được phòng thí nghiệm dành cho con người. Khi chúng ta học nó một cách hợp lý, và đạt được một số thói quen hữu ích cho tâm hồn, cũng như có một thông tin nền về các động năng ảnh hưởng đến cuộc sống của chính chúng ta, chúng ta sẽ nổi bật với những kỹ năng liên quan và năng lực được rèn giũa cho một công dân thông thái, tư duy phản biện và nhận thức thuần túy. Lịch sử có thể sử dụng ở nhiều nơi. Học lịch sử giúp ta phát triển một số kỹ năng “bán hàng”, nhưng không được gắn việc học lịch sử với chủ nghĩa vị lợi hẹp hòi. Một lịch sử bất kỳ – thứ giới hạn trong những hồi ức cá nhân về những thay đổi và tiếp diễn trong môi trường hiện hữu – là rất cần thiết để hoạt động vượt ra ngoài tuổi thơ. Một lịch sử bất kỳ phụ vào thị hiếu cá nhân, nơi một người tìm thấy vẻ đẹp, niềm vui từ việc khám phá hay thử thách trí tuệ. Giữa hạn mức tối thiểu không thể chối cãi và niềm vui khi được gắn bó sâu sắc, lịch sử, thông qua kỹ năng tích lũy trong việc diễn giải ghi chép trải ra của con người, cung cấp cho ta một cái nhìn thực tế về cách thế giới này vận hành.
Người dịch: Lê Minh Tân