Home Hiểu Từ Thánh Kinh Solomon đến danh sách 72 con quỷ của Solomon

Từ Thánh Kinh Solomon đến danh sách 72 con quỷ của Solomon

Vua Solomon (còn được gọi là Jedidiah trong tiếng Do Thái và Sulayman trong tiếng Ả Rập) là một trong các vị vua Israel gắn liền với nhiều truyền thuyết về trừ tà nhất trong văn hóa Trung Đông. Vua Solomon xuất hiện trong cả Kinh Thánh Cựu Ước, Kinh Thánh Do Thái và Kinh Qur’an. Ông thường được mô tả là nhà quân chủ giàu có, đấng tiên tri vĩ đại, nổi tiếng vì sự trí tuệ và quyền lực, nhưng đồng thời cũng phạm nhiều tội lỗi.

Những ghi chép quan trọng về sự triệu hồi và điều khiển quỷ dữ của vua Solomon

Trong số các ghi chép quan trọng về Solomon điều khiển quỷ, đáng chú ý nhất là tác phẩm ngụy thư thế kỷ 1 được gọi là Thánh kinh của Solomon. Văn bản này không được các phái chính thống của Kito giáo coi là kinh điển. Cuốn sách được viết bằng tiếng Hy Lạp và đề cập đến chi tiết vua Solomon đã xây dựng đền thờ của mình bằng cách chỉ huy loài quỷ bằng một chiếc nhẫn ma thuật do tổng lãnh thiên thần Michael giao cho ông. Văn bản này đến nay vẫn còn gây tranh cãi vì nó chưa hoàn hảo và nguồn gốc không rõ ràng.

Nội dung của cuốn sách bắt đầu từ tình huống một con quỷ tên là Ornias quấy rối một chàng trai trẻ được Solomon sủng ái, bằng cách ăn cắp nửa tiền lương của anh ta và hút hết sinh lực của anh qua ngón tay cái bên phải của anh. Solomon cầu nguyện trong đền thờ và được tổng lãnh thiên thần Michael trao cho một chiếc nhẫn với con dấu của Chúa (hình ngôi sao năm cánh), trên đó cho phép Solomon chỉ huy ma quỷ. Bằng cách ném chiếc nhẫn vào quỷ Ornias, đóng dấu ấn, Solomon đã kiểm soát và ra lệnh cho quỷ. Bằng cách tương tự, Solomon đã bắt và điều khiển quỷ Beelzebub – hoàng tử địa ngục, ra lệnh cho chúng quỷ xây dựng ngôi đền của mình.

The Dream Of Solomon by Luca Giordano | King solomon, Art, Solomon
Bức tranh “Giấc mơ của Solomon” của Luca Giordanno

Trong chương 18 của Thánh Kinh Solomon, những con quỷ trong 36 decans xuất hiện và có sự biến dạng so với niềm tin truyền thống về 36 decans của người Ai Cập. 36 chòm sao nhỏ trong Chiêm tinh Ai Cập đã chuyển dịch thành những con quỷ có thể gây ra những chứng bệnh và sự đau đớn khác nhau, và Thánh Kinh Solomon cũng cung cấp cách trị những con quỷ này. Ví dụ như con quỷ thứ 33 là Rhyx Achoneoth – kẻ gây ra đau họng và viêm amidan có thể được đuổi bằng bùa viết theo chữ Leikkourgos và lá cây thường xuân được chất thành đống.

Kết cục của Thánh Kinh Solomon mang tính giáo huấn khi đề cập đến việc Solomon cải sang đạo khác và đồng ý tôn thờ Remphan và Moloch để đổi lấy tình yêu của nàng Shunamite nên linh hồn Chúa Trời rời bỏ ông. Những dòng kinh cuối cùng còn cảnh báo độc giả đừng từ bỏ niềm tin của mình giống như Solomon đã làm. (1)

Nhiều con quỷ được đề cập đến trong Thánh Kinh Solomon đều có nguồn gốc từ Hy Lạp, Ai Cập, Do Thái, Kito giáo, Ả Rập và nhiều nền văn hóa khác. Hai con quỷ phổ biến nhất được đề cập đến đều liên quan chặt chẽ đến tình dục, trong đó có Asmodeus (xuất hiện trong sách Tobit) và nữ quỷ Obyzouth, tương đồng với Lilith. Các ác quỷ, được liệt kê theo thứ tự xuất hiện, là Ornias, Beelzebub (Chúa Ruồi), Onoskelis (một nữ satyr- tức nữ thần dê), Tephras (con quỷ tro bụi đặc biệt mạnh vào mùa hè), 7 chị em sao (ám chỉ đến Pleiades), Envy (con quỷ không đầu thường lấy đầu của nạn nhân đặt lên cổ mình), Rabdos (con quỷ hình dạng sư tử, chỉ cho Solomon về quyền năng của đá lục bảo), Rath, Tribolaios (con quỷ 3 thân), Obizouth (nữ quỷ rắn đố kỵ), the Wingdragon (Con rồng có cánh thường làm tình với những phụ nữ đẹp), Enepsigos (thiên thần sa ngã đại diện cho mặt trăng, có hình tượng gần gũi với Hecate) , Kunopaston (con quỷ có hình cá ngựa), “quỷ dâm” không tên, 36 linh hồn của decans, Ephippas (quỷ gió), Abizithibod (quỷ Biển Đỏ). Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng về một số trong những quỷ này ngay dưới đây.

Trước Thánh Kinh Solomon, nhiều tác phẩm khác liên quan đến Solomon cũng đã rất phổ biến. Vào giữa thế kỷ 1 TCN, tác phẩm Thánh Kinh Thông Thái hay Tri Kiến của Solomon (Book of Wisdom hay Wisdom of Solomon), một phần của Cựu Ước viết bằng tiếng Hy Lạp  được lưu truyền ở Alexandria và Ai Cập. Cuốn sách không đề cập đến năng lực điều khiển ma quỷ của ông mà thể hiện các quan niệm về sự thông thái. Trong tác phẩm này, Solomon được miêu tả như một nhà thiên văn học. Chi tiết này có thể liên đới tới các chi tiết các con quỷ mà Solomon điều khiển đều liên quan đến các chòm sao trên bầu trời (ví dụ như 36 decans). Cuốn sách là một sự giao thoa giữa truyền thống thần quyền của người Do Thái và truyền thống uyên bác của Hy Lạp, mà không rõ sự tương tác lẫn nhau diễn ra theo cách nào.

Amazon.com: The Testament of Solomon: Recension C (9781907881947): Johnson, Brian, Aldarnay, S.: Books
Bản dịch Thánh Kinh Solomon sang tiếng Anh cổ nhất

Từ nền tảng của Thánh Kinh Solomon, các pháp sư trừ tà dễ dàng gắn vua Solomon với các hoạt động trừ tà được ghi lại trong Clavicula Salomonis Regis, tên tiếng Anh là Lesser Key of Solomon, được lưu truyền từ khoảng giữa thế kỷ 17. Nó được chia làm 5 cuốn sách bao gồm: Ars Goetia, Ars Theurgia-Goetia, Ars Paulina, Ars Almadel, và Ars Notoria. Trong đó Ars Goetia ghi chép về 72 con quỷ, thuật triệu hồi và điều khiển chúng.

Ars Goetia có liên đới mật thiết tới tác phẩm Pseudomonarchia Daemonum của tác giả Johann Weyer (1515-1588), nhà huyền môn và quỷ học người Hà Lan, nổi tiếng với sự phản đối bức hại phù thủy của giáo hội. Ông là người đầu tiên gọi những người phụ nữ bị giáo hội quy là phù thủy bằng các trạng thái bệnh lý như tâm thần và trầm cảm. Ông không phủ nhận sự tồn tại của ác quỷ nhưng thông qua các tác phẩm của mình ông chỉ ra rằng ác quỷ không đáng sợ như những gì giáo hội tuyên truyền (2). Bản danh sách quỷ của ông dừng ở con số 69 con quỷ chứ không phải 72 con quỷ như Ars Goetia đề cập, và thứ tự các con quỷ cũng được thay đổi. Weyer không hề đề cập đến nguồn của những cuốn sách mà ông trích dẫn, vậy nên rất khó để khẳng định rằng Ars Goetia và Pseudomonarchia Daemonum ảnh hưởng qua lại theo cách nào. Một tác phẩm trước đó không lâu (khoảng thế kỷ 14 và 15) có tên Livre des Esperitz (không rõ tác giả) cũng để cập đến 46 con quỷ cùng với thứ bậc, năng lực, hình thù và quân đoàn địa ngục, tuy nhiên có nhiều điểm khác biệt so với Ars Goetia và Pseudomonarchia Daemonum.

List of demons in the Ars Goetia - Wikipedia
Các ấn quỷ trong Ars Goetia

DANH SÁCH QUỶ TRONG TỪNG TÁC PHẨM

Có đánh dấu những tên quỷ không trùng lặp trong 3 tác phẩm: Vàng (Hoàn toàn không trùng lặp), Xám (Trùng lặp 2 lần), Không đánh dấu (Trùng lặp ở cả 3 tác phẩm).

Những con quỷ quan trọng trong Thánh Kinh Solomon

Hệ thống quỷ liên quan đến Thánh Kinh Solomon nói riêng và toàn bộ các truyền thuyết liên quan đến Solomon rất phức tạp và nhiều dị bản. Nhiều con quỷ trong số đó tôi không tìm được thông tin liên quan, hoặc chúng chỉ đóng vai trò rất nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến tuyến truyện, do đó tôi sẽ không đề cập đến chúng.

Dưới đây là những ghi chép ngắn của tôi về những con quỷ quan trọng trong Thánh Kinh Solomon, cũng như hệ thống quỷ học sau này:

1/Ma cà rồng Ornias – con quỷ yêu đàn ông (3)

Theo Thánh Kinh Solomon, con quỷ đầu tiên đã đưa đẩy vua Solomon đến với con đường quyền năng chính là Ornias, một loài ma cà rồng sống trong chòm sao Bảo Bình, hắn có khả năng thay đổi hình dạng. Hắn bóp cổ những người đàn ông sinh ra vào quãng thời gian chòm sao Bảo Bình nằm ở Mặt Trời, vì họ có niềm đam mê với phụ nữ thuộc chòm Xử Nữ. Orinias nói rằng hắn trải qua ba lần biến đổi: “Đôi khi ta là người đàn ông thèm khát cơ thể của những cậu bé ẻo lả, và khi ta chạm vào chúng, chúng đau đớn quằn quại. Đôi khi ta là một sinh vật có cánh bay lên những miền trời. Cuối cùng, ta xuất hiện như một con sư tử”.  Ornias có năng khiếu tiên tri và cho Solomon biết rằng ma quỷ có thể bay lên trời để nghe lỏm kế hoạch của Chúa.

Yan-gant-y-tan - Wikipedia
Qủy Ornias

Khi đền thờ của Solomon đang được xây dựng ở Đền thờ Jerusalem, Ornias xuất hiện vào buổi chiều tà, ăn trộm tiền công và thức ăn của cậu bé thợ cả – người được Solomon sủng ái – và hút linh hồn của cậu ta qua ngón tay bên phải. Khi thấy cậu bé gầy rộc đi, Solomon đã hỏi cậu bé, và cậu kể về Ornias. Quá tức giận, Solomon cầu xin Thượng Đế giúp đỡ để cai trị con quỷ. Tổng lãnh thiên thần Michael đã trao cho Solomon một cái nhẫn ma thuật và một con dấu khắc triện có thể mang lại quyền năng cho Solomon. Michael căn dặn Solomon: “Ngươi sẽ cầm tù tất cả ác quỷ, dù nam hay nữ, với sự giúp đỡ của chúng, ngươi sẽ xây dựng Jerusalem chừng nào ngươi còn mang dấu ấn này của Chúa”. Solomon đưa chiếc nhẫn cho cậu bé và hướng dẫn cậu ném nó vào con quỷ khi nó xuất hiện, rồi lệnh cho hắn đến gặp Solomon. Qua thú nhân của Ornias, Solomon biết thân phận của con quỷ vốn là hậu duệ của một tổng lãnh thiên thần và bị khắc chế bởi tổng lãnh thiên thần Uriel.

Solomon đã giam hắn bằng chiếc nhẫn của mình và bắt hắn cắt đá từ mỏ đá. Kinh hoàng trước quyền uy của Uriel và Solomon, Ornias đã đi tìm Hoàng tử của Qủy Beelzebub. Khi Beelzebub tỏ thái độ khinh thường Solomon, Ornias đã sử dụng chiếc nhẫn để triệu hồi Beelzebub quy phục Solomon. Điều kỳ lạ đó là ngoài quyển Thánh Kinh Solomon, Ornias không hề được nhắc đến trong bất cứ một danh sách quỷ nào được gán cho Solomon ở các thời đại sau, và chắc chắn không hề nằm trong số 72 con quỷ của Solomon.

Sự yêu thích trai trẻ của Ornias và mối liên đới đến sự tích về chòm sao Bảo Bình trong chiêm tinh học Hy Lạp có sự liên hệ với nhau mật thiết. Trong thần thoại Hy Lạp. Zeus cũng vì yêu vẻ đẹp trai của Ganymede nên đã đưa chàng lên Olympus và hóa thân chàng thành chòm sao Bảo Bình. Liệu có hay chăng hình tượng ma cà rồng Ornias là một ẩn dụ cho những biến động liên đới đến chòm sao Bảo Bình dưới triều đại Solomon? Và cũng từ đó, không thể không đặt ra nghi vấn rằng liệu Thánh Kinh Solomon về bản chất có phải là một cuốn sách chiêm tinh học hoặc một cuốn sách ghi chép sự kiện lấy mốc đánh dấu là sự di chuyển của các chòm sao đã bị biến tướng theo thời gian? Điều này càng được minh chứng rõ ràng hơn khi các con quỷ khác được gắn với khái niệm decans.

2/ Những con quỷ decans (4)

Decans (hay thường được gọi là chòm Thiên Cương theo quan niệm Á Đông) là khái niệm dùng để chỉ các chòm sao theo hệ phái chiêm tinh của Ai Cập, được sử dụng vào khoảng 2100 TCN để đo đạc thời gian. Theo chiêm tinh cổ đại của Ai Cập, cứ cách 10 ngày, một chòm decan lại xuất hiện trên bầu trời. Tại thời điểm bấy giờ, decan đầu tiên xuất hiện chính là Sothis (tức sao Sirius).

36 decans trong chiêm tinh học Ai Cập, bản ghi chép có niên đại từ vương triều thứ 11 , khoảng 2000 năm TCN, tại Asyut, Ai Cập ngày nay.

Thánh Kinh Solomon coi các chòm sao decans là ma quỷ mang sức mạnh hủy diệt tới nhân loại. Các decans gây ra các bệnh tật về tinh thần và thể chất. Có 7 “kẻ thống trị thế giới” bao gồm: lừa dối, xung đột, số phân, đau khổ, sai lầm, quyền lực và “điều tồi tệ nhất”.

Bản thân các thiên thể sao là Ma quỷ, mang sức mạnh hủy diệt đối với các vấn đề của nhân loại. 36 decan, hay 10 độ của hoàng đạo, được gọi là thiên thể và tương tự như vậy được cai trị bởi Ma quỷ, kẻ gây ra các bệnh về tinh thần và thể chất. Có bảy “kẻ thống trị thế giới”, những người được coi là tệ nạn lừa dối, xung đột, số phận, đau khổ, sai lầm, quyền lực và “điều tồi tệ nhất”, mỗi người trong số họ bị cản trở bởi một thiên thần cụ thể (ngoại trừ “điều tồi tệ nhất ”). Sáu kẻ thống trị bị kiểm soát bởi một thiên thần, ngoại trừ “điều tồi tệ nhất”.

Solomon đã thực hiện các phép triệu hồi các con decans tới trước mặt ông để thẩm vấn và tìm hiểu năng lực của chúng cũng như tên của các thiên thần có thể khắc chế chúng. Chúng xuất hiện với đầu của những con chó vô hình, hoặc giống người, giống bò đực, rồng, mặt chim, nhân sư, một số các loài thú khác.

Những con quỷ, theo thứ tự của decan như sau:

Thứ nhất — Ruax (cũng là Rhyx), hoặc “Chúa”: Hắn ta gây đau đầu và bị trục xuất bởi triệu hồi Michael.

Thứ 2 – Barsafael: Hắn khiến những người sống trong giai đoạn hắn ngự trị bị đau ở hai bên đầu. Hắn bị trục xuất bởi Gabriel.

Thứ 3 — Artosael: Hắn làm hỏng mắt và bị trục xuất bởi Uriel.

Thứ 4 — Oropel: Hắn gây ra đau họng và xuất hiện nhiều chất nhầy, bị trục xuất bởi Raphael.

Thứ 5 — Kairoxanondalon: hắn gây ra các vấn đề về tai và bị trục xuất bởi Uriel.

Thứ 6 – Sphendonael: Hắn gây khối u ở tuyến mang tai và tái phát chứng uốn ván (cơ thể cong về phía sau một cách khó kiểm soát) và bị trục xuất bởi Sabael.

Thứ 7 — Sphandor: Hắn làm tê liệt ccacs chi, dây thần kinh ở tay và làm yếu vai. Hắn bị Arael đánh bại.

Thứ 8 — Belbel: Hắn làm trái tim và khối óc con người trở nên biến thái. Hắn bị trục xuất bởi Karael.

Thứ 9 — Kourtael: Hắn ta gây ra chứng đau quặn ruột, đau đớn. Hắn chỉ rút lui khi nghe đến Iaoth.

Thứ 10 — Methathiax: Hắn ta gây đau thận và bị trục xuất bởi Adonael.

Thứ 11 — Katanikotael: Hắn gây ra chiến tranh và bất hạnh trong nước. Muốn xua đuổi hắn, cần viết trên bảy lá quyệt quê tên các thiên thần Eae, Ieo, Sabaoth.

Thứ 12 — Saphthorael: Hắn gây ra các ảo giác tinh thần. Để thoát khỏi hắn, cần triệu hồi Iae, Ieo và những người con trai của Sabaoth, đồng thời đeo bùa quanh cổ.

Thứ 13 — Phobothel:  Hắn khiến gân cốt bị lỏng, và bị trục xuất bởi Adonai.

Thứ 14 — Leroel: Hắn gây phát sốt, ớn lạnh, rung mình, đau họng. hắn chỉ rút lui khi triệu hồi Iax.

Thứ 15 — Soubelti: Hắn gây cảm giác rung mình, tê dại. Hắn bị trục xuất bởi Rizoel.

Thứ 16 — Katrax: Hắn gây ra những cơn sốt chết người. Có thể tránh hắn bằng cách chà xát rau mùi nghiền thành bột lên môi và thể hiện sự thần phục Zeus.

Thứ 17 — Ieropa: Hắn khiến đàn ông suy sụp và gây ra các vấn đề dạ dày co giật. Hắn rút lui khi nghe cụm từ “Iouda Zizabou”.

Thứ 18 — Modebel: Hắn khiến các cặp vợ chồng ly tán và chỉ rút lui nếu tên của 8 người cha được viết ra và dán ở cửa ra vào.

Thứ 19 — Mardeo: Hắn gây ra những con sốt không thể chữa khỏi và bị trục xuất bằng cách viết tên hắn trong nhà.

Thứ 20 — Rhyx Nathotho: Hắn gây ra các vấn đề về đầu gối và bị đẩy lùi bởi Phounebiel.

Thứ 21 — Rhyx Alath: Hắn ta gây bệnh phổi ở trẻ sơ sinh và bị loại bỏ khi từ “Rarideris” được viết và mang trên người.

Thứ 22 — Rhyx Audameoth: Hắn khiến trái tim đau đớn và bị trục xuất bởi chữ “Raiouoth.”

Thứ 23 — Rhyx Manthado: Hắn gây ra bệnh thận và bị khắc chế bởi dòng chữ “Iaoth, Uriel.”

Thứ 24 — Rhyx Atonkme: Hắn gây đau xương sườn. Nếu một người viết “Marmaraoth sương mù” trên một mảnh gỗ của con tàu mắc cạn, hắn sẽ rút lui.

Thứ 25 — Rhyx Anatreth: Hắn ta gây đau thắt ruột và bị dập tắt bằng từ “Arara, Arare.”

Thứ 26 — Rhyx, Enautha: Hắn thay đổi trái tim và “nhào nặn” bằng trí óc. Hắn ta bị cản trở bởi chữ viết “Kalazael.”

Thứ 27 — Rhyx Axesbuth: Hắn ta gây tiêu chảy và trĩ. Nếu rượu nguyên chất được trao cho người đau khổ thì hắn sẽ rút lui.

Thứ 28 — Rhyx Hapax: Hắn ta gây mất ngủ và bị khuất phục bởi dòng chữ viết “Kok; Phedisomos. ”

Thứ 29 — Rhyx Anoster: Hắn ta gây ra chứng cuồng loạn và đau bàng quang và bị cản trở khi ai đó nghiền hạt nguyệt quế thành dầu, xoa bóp vào cơ thể và gọi đến Mamaroth.

Thứ 30 — Rhyx Physikoreth: Hắn ta gây bệnh mãn tính nhưng sẽ khỏi khi người bệnh xoa bóp cơ thể bằng dầu ô liu và muối trong khi nói: “Cherubim, seraphim, giúp tôi”.

Thứ 31 — Rhyx AleurethHắn gây sặc xương cá. Nếu một người đặt một chiếc xương cá vào ngực của người đau khổ, Ác ma sẽ rút lui.

Thứ 32 — Rhyx Ichthuron: Hắn rút gân người và chỉ rút lui khi nghe thấy những từ “Adaonai, anh bạn.”

Thứ 33 — Rhyx Achoneoth: Hắn ta gây ra viêm họng và viêm amidan. Hắn ta được gửi đi bằng cách viết “Leikourgos” trên lá thường xuân và chất thành một đống.

Thứ 34 — Rhyx Autoth: Hắn gây ra sự ghen tị và đánh nhau giữa những người yêu nhau. Hắn ta bị khuất phục bằng cách viết các chữ cái alpha và beta.

Thứ 35 — Rhyx Phtheneoth: Anh ta ném Mắt Qủy lên mọi người và bị ngăn cản bởi bùa hộ mệnh “con mắt đau khổ”.

Thứ 36 — Rhyx Mianeth: Hắn ta có mối hận thù với cơ thể, khiến thịt thối rữa và phá hủy nhà cửa. Hắn ta bỏ trốn khi dòng chữ “Melto Ardad Anaath” được viết trên mặt trước của ngôi nhà.

Vua Solomon ra lệnh cho các Ác quỷ của các decan gánh nước và cầu nguyện rằng chúng sẽ đến được Đền thờ của Đức Chúa Trời ở Jerusalem.

Dựa trên liệt kê, ta có thể thấy rằng các loại quỷ decans này đều liên quan đến các bệnh tật hoặc các nhiễu loạn tâm trí, nhiễu loạn xã hội. Một số phương pháp mang tính triệu hồi nhuốm màu sắc huyền bí, nhưng một số lại giống như các phương thuốc cổ truyền ở quanh khu vực Địa Trung Hải dùng để trị các chứng bệnh thường gặp.

3/ Chúa Ruồi Beelzebub

Chúa Ruồi Beelzebub là cái tên có nguồn gốc từ vị thần Philistine được thờ phụng ở Ekron, gắn liền với thần Baal của người Canaan. Trong các truyền thống thần học Cơ Đốc giáo, Beelzebub còn được gọi là Satan và được biết đơn như một trong số 7 hoàng tử Địa Ngục. Nhiều học giả nghiên cứu cho rằng hắn tương đồng với quỷ Bael xuất hiện trong danh sách 72 con quỷ sau này vốn là một con quỷ có giọng khàn đặc, kiểm soát khoa học và tình yêu, cai quản quân đoàn quỷ phía đông. (5)

Beelzebub - Wikipedia
Minh họa Satan & Beelzabub trong Paradise Lost

Trong Thánh Kinh Solomon, Beelzebub tự nhân mình là thiên thần hàng đầu, được liên kết với sao Kim (tương ứng với Aphrodite, Venus). Theo như cuốn sách này thì có vẻ hắn được đồng nhất với Lucifer. Beelzebub tuyên bố sẽ gây ra sự hủy diệt thông qua bạo chúa, khiến loài người sùng bái ma quỷ, thầy tu bị kích dục, gây ra các vụ đánh ghen và giết người, kích động chiến tranh. Tuy nhiên, các trước tác Cơ Đốc giáo thời Phục Hưng trở về sau có một sự phân biệt rõ rệt giữa Beelzebub và Lucifer, trong đó Beelzebub đứng thứ 2 sau Lucifer trong số các thiên thần sa ngã. Hắn đại diện cho tội ác Tham Ăn trong niềm tin Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, sự liên hệ Beelzebub với Lucifer là thiếu cơ sở do sự khác biệt trong mô hình tính cách và biểu tượng.

Chúng ta quay lại với nguyên mẫu thần Baal trong thần thoại của người Philistine. Danh hiệu Baal có nghĩa là “Chúa” trong tiếng Ugaritic và thường được dùng cùng với tên của mộ vị thần cụ thể.  Với cách hiểu này thì ta có thể thấy rằng cụm “Beelzabub” hay “Baal Zabub” có nghĩa là Chúa Ruồi – vị thần phát triển dựa trên sự thối rữa, mang đến các loại bệnh tật.  Một số giả thuyết khác thì cho rằng đây là cách người Israel miệt thị vị thần bay lượn trên bầu trời của Philistine. Một mối liên hệ thú vị dễ nhân thấy đó là khái niệm “Baal” tương đồng với “El” (hậu tố trong tên của các tổng lãnh thiên thần có cánh, đồng thời cũng danh hiệu của Chúa trong tôn giáo Cannaan cổ). Mối liên hệ giữa Beelzabub và tín ngưỡng thờ thần có cánh khá chắc chắn, câu hỏi đặt ra ở đây đó là Beezabub thực sự có nguồn gốc ra sao, và tại sao lại gắn liền với phân và sự thối rữa.

Sự miệt thị là cách giải thích quá dễ dãi đối với trường hợp của Beelzebub. Tôi thử làm một phép so sánh hình tượng Chúa Ruồi Beelzebub với các hình tượng tương tự ở nền văn hóa ở Địa Trung Hải. Beelzebub có sự tương đồng lớn với vị thần bọ hung Khepri của người Ai Cập. Thần bọ hung Khepri được coi là biểu hiện của thần Ra vào lúc bình minh. Với biểu tượng hình con bọ hung vo tròn cục phân của các loài khác tạo ra ổ trứng để bọ hung cái đẻ trứng trong đó, thần Khepri đại diện cho mặt trời mới được tái sinh vào buổi sáng sớm. Sự tồn tại tín ngưỡng thờ bọ hung xuất hiện trong văn hóa Ai Cập tạo nên sự tương đồng với hình tượng Chúa Ruồi và không còn khiến ta băn khoăn nếu như tại Philistine tồn tại tín ngưỡng thờ ruồi (dù đã bị thất truyền). Một vị thần khác tương đồng hơn với Beelzabub và có mối liên hệ rõ ràng đó là thần Saturn của La Mã. Tín ngưỡng thờ thần Saturn của người La Mã là sự pha trộn giữa tín ngưỡng thờ thần phân bón Sterquilinus của người Sabine cổ và nghi lễ hiến tế trẻ con dâng lên thần Baʿal Hammon của người Tyrian thuộc đô thành Carthage. Một điểm thú vị, đó là Baʿal Hammon đồng thời cũng là vị thần của sự sống và mặt trời, tương đồng với thần Ra trong thần thoại Ai Cập. (Ở các bài viết sâu về thần thoại La Mã và Ai Cập, tôi sẽ đề cập kỹ lưỡng hơn đến vấn đề này) Qua đây, ta có thể thấy sự tương đồng giữa Khepri – Saturn – Beelzabub tới mức có khó thể lý giải được vị thần nào ảnh hưởng đến vị thần nào, nhưng có thể chắc chắn rằng Beelzabub không có liên đới tới Lucifer, mà có liên đới với thần Mặt Trời.

4/Asmodeus

Asmodeus (Asmodai) là con quỷ gây nhiều rắc rối cho vua Solomon nhất và cũng thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim trừ tà. Asmodeus là con quỷ của dục vọng trong quan điểm của Kito giáo, tuy nhiên, khi tìm hiểu về nguồn gốc của con quỷ này và liên hệ với các câu chuyện của Solomon thì có thể thấy rằng tính chất của nó đã bị sai lệch.

Asmodeus Goetia Grimoire 8 x 11 Poster with sleeve | Demonology, Occult, Evil demons
Bản vẽ Asmodeus trong sách Ars Goetia

Danh xưng Asmodeus – Asmodai có gốc từ ngôn ngữ Avestan cổ thuộc tôn giáo Zoroastrianism aēšma-daēva, trong đó aēšma có nghĩa là “cuồng nộ”, và daēva có nghĩa là “quỷ”. Niềm tin này thống nhất trong sách Tobbit và kinh Talmud. (5) Thế nhưng, cách lý giải đầy thuyết phục này bị Từ điển Bách khoa thư Do Thái năm 1906 bác bỏ vì nhiều lý do, trong đó có sự chối bỏ ảnh hưởng của tôn giáo Ba Tư đến Kinh Thánh. Dù vậy, những mối tương đồng vẫn khá rõ rêt trong các mô tuýp gây tội ác của Asmodeus:  thường là lừa đảo và giết người hàng loạt.

Thánh Kinh Solomon kể rằng Solomon đã triệu hồi Asmodeus để xây dựng đền thờ cho mình, con quỷ xuất hiện và dự đoán (hoặc cũng có thể là nguyền rủa) rằng đế chế của vua Solomon sẽ bị chia cắt. Khi Solomon truy vấn Asmodeus hắn lộ ra rằng hắn ghét nước sạch và chim (biểu tượng trong các thánh lễ) bởi chúng gợi hắn nhớ đến Thượng Đế.

Trong truyền thuyết Islam, cuộc giao đấu và trả thù của Asmodeus và Solomon được mô tả kỹ lưỡng hơn, phản ánh cuộc chiến của Islam với tín ngưỡng thờ đá phổ biến tại Ả Rập trước thời kỳ truyền đạo của nhà tiên tri cuối cùng Muhammad. Truyền thuyết cho rằng Asmodeus còn được gọi là Sakhr (có nghĩa là đá). Khi Asmodeus lừa Solomon, giả mạo Solomon và tiếm ngôi của vị vua vĩ đại, Solomon đã quay trở lại sau 40 ngày, đánh bại hắn, và giam hắn trong chiếc hộp đá xích sắt rồi ném xuống biển.

Chúng ta quay trở lại với con quỷ trong kinh Avesta của người Ba Tư Aeshma. Aeshma được mô tả như sự bất tuân, xao lãng khỏi đức tin, sự chiếm hữu thân xác, bóp méo ý nghĩa của sự hi sinh thành sự tàn bạo trong chiến tranh. Kinh Avesta lý giải rằng Ahura Mazda đã tạo ra Sraosha – tiếng “Vâng” thể hiện sự tuân phục, nhằm chống lại quỷ dữ Aeshma. Cuộc đối đầu giữa tuân phục và bất tuân này đã ảnh hưởng sang Kinh Thánh của Do Thái giáo và Kito giáo về cấu trúc, và mượn tính cách của Aeshma để xây dựng câu chuyện bất tuân của Lucifer. Tín ngưỡng Kito giáo cũng tin rằng Asmodeus làm việc dưới sự chỉ đạo của Lucifer, không phải Lucifer.

Sự đối đầu của Solomon và Asmodeus không thể hiện cho sự thuần phục bầu trời sao mà dường như thể hiện cho cuộc chiến chống lại tính man dã và sự hỗn loạn. Truyền thuyết của người Islam kể về cuộc chiến của Solomon với Asmodeus càng cho thấy có một sự tranh chấp giữa tính lý trí, minh triết, quy củ, đạo đức với tính man dã nguyên thủy của các bộ tộc rải rác tại Trung Đông thời tiền Islam.

5/ Nữ quỷ Abyzou

Abyzou (Abyzuth, Abyzouth) trong tín ngưỡng của vùng Cận Đông và Châu Âu là một nữ quỷ gây ra sẩy thai và tử vong ở trẻ sơ sinh do sự đố kỵ, vì Abyzou không thể sinh nở. Trong thực hành ma thuật cổ đại ở nhiều nền văn hóa, Abyzou xuất hiện với nhiều tên gọi khác nhau như Alabasandria (ở Ai Cập) và Gylou (ở Byzantine)… Abyzou thường được vẽ dưới hình dạng cá hoặc rắn. Biểu tượng này cho thấy mối liên hệ của Abyzou với những vùng biển sâu, và danh xưng Abyzou có thể là một sự biến dạng của “Abyss” – Vực Thẳm trong tiếng Hy Lạp. (6) Biểu tượng vực thẳm nơi biển sâu cũng dễ gợi ta hình dung đến bào thai cùng nước ối trong bụng của người phụ nữ.

Bùa có khắc dấu ấn của Solomon chống lại Abyzou

Thánh Kinh Solomon là văn bản miêu tả đầy đủ nhất về nữ quỷ này. Trong Kinh Thánh của Solomon, Abyzou được mô tả có “khuôn mặt lấp lánh màu xanh lục với mái tóc rối bù như con rắn”, một mô tả dễ gặp trong các tích truyện Hy Lạp cổ đại về các nữ thần rắn Gorgons. Solomon đã chạm trán và tra hỏi về hoạt động của Abyzou. Abyzou cho biết mụ không ngủ mà lang thang khắp nơi trên thế giới tìm phụ nữ sắp sinh để bóp cổ đứa trẻ sơ sinh. Thậm chí, mụ còn gây ra các khuyết tập trên cơ thể và những cơn đau đớn thể xác cho con người. Solomon đã ra lệnh xích Abyzou lên bằng chính tóc của mình và treo trước Đền Thờ trước sự chứng kiến của công chúng.

Những mô tả về Abyzou cho thấy mối liên hệ của nữ quỷ này với giáo phái thờ rắn ở khu vực Địa Trung Hải để lại dấu vết trong các nữ thần tóc rắn Gorgon của Hy Lạp cổ đại, mà nổi tiếng nhất là Medusa. “Gorgon” có nghĩa là “đáng sợ, hung dữ”. Gorgon có phát âm tương đồng với từ tiếng Phạn “Garjana” với ý nghĩa chỉ tiếng gầm gừ của thú dữ. Tín ngưỡng thờ rắn không chỉ phổ biến ở Hy Lạp và Ấn Độ mà tại Trung Đông người ta cũng thường đề cập đến quỷ dữ dưới dạng rắn hoặc trăn, mà câu chuyện Satan xuất hiện dưới dạng rắn là một ví dụ điển hình. Thần thoại Hy Lạp với các vị thần và anh hùng tiêu diệt các loài yêu quái dưới dạng trăn và rắn, như Zeus tiêu diệt Hechatonchires, Apollo giết Python, Perseus hạ Medusa… cho thấy một sự tranh chấp giữa tôn giáo dưới dạng nhân thần tiêu diệt tín ngưỡng thờ rắn. Trước khi người Cannaan đến Trung Đông, rất nhiều bộ tộc tại đây vẫn duy trì tín ngưỡng thờ rắn, nhưng không thể xác định được tín ngưỡng này được lan truyền từ Châu Phi và Ấn Độ tới Trung Đông hay đây là một tín ngưỡng mang tính bản địa, bởi vì tín ngưỡng thờ rắn phổ biến trên khắp thế giới và có thể coi là tín ngưỡng cổ xưa nhất, rộng khắp nhất và có lẽ mang nhiều màu sắc ma thuật man dã nhất.

>> Đọc thêm:

Tóm lại, sau một cuộc thống kê, ta có thể thấy một vài điểm đáng chú ý sau:

Thứ nhất, hệ truyền thuyết Solomon diệt quỷ trải qua một sự tích hợp phức tạp danh sách các loại quỷ từ nhiều nền văn hóa của các sắc tộc khác nhau quanh khu vực Địa Trung Hải. Hệ thống 72 con quỷ của Solomon là một sự bổ sung của các phủ thủy đời sau và vay mượn câu chuyện điều khiển quỷ của ông để hợp thức hóa cho danh sách quỷ của mình – một phương thức ghi chép khá phổ biến trong các văn bản tôn giáo.

Thứ hai, từ văn bản cổ nhất Thánh Kinh Solomon, câu chuyện tiêu diệt và thuần hóa các con quỷ dường như là một công cuộc thuần hóa tự nhiên và con người bao gồm bầu trời sao, các lực lượng tự nhiên, các loài quỷ với sức mạnh phi thường từ biển, những bộ tộc bản địa với tín ngưỡng khác.

Thứ ba, cuộc chiến của Solomon với những con quỷ mà ông phải đương đầu dường như không có mối liên quan tới hệ thống nhân vật trong các thần tích của Kinh Thánh Kito giáo.

Hà Thủy Nguyên

Chú thích:

  1. “Four Hundred Years Later: An Appreciation of Johann Weyer” John Martin, Books at Iowa 59 (Tháng 11, 1993); Đại học Iowa
  2. https://demonology.enacademic.com/425/Ornias
  3. https://occult-world.com/king-solomon/
  4. Dictionnaire infernal, Jacques Collin de Plancy (1853)
  5. https://books.google.com.vn/books?id=njDRfG6YVb8C&q=%C2%A0%22Khashm-dev%22&pg=PA191&redir_esc=y#v=snippet&q=%C2%A0%22Khashm-dev%22&f=false
  6. “Antaura. The Mermaid and the Devil’s Grandmother: A Lecture,” Journal of the Warburg and Courtauld Institutes 29 (1966), A.A. Barb, trang 6

Tình dục học Islam

Những định kiến phổ biến về Islam như một tôn giáo hà khắc về tình dục đã làm lu mờ đi những truyền thống khiêu dâm công khai, tự do bất chấp luật lệ và tri thức của họ. Một cảnh khiêu dâm từ thời kỳ Safavid của Ba Tư, khoảng 1660. Bản quyền ảnh thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Boston. Mark Hay Là một tác giả chuyên viết về văn hóa, đức tin, chính trị học danh tính (các nhóm người có chung

Tô Lông

01/12/2020