Khi còn là một học sinh đi học ở hệ thống trường công lập, tôi chưa từng thấy mình yêu thích việc học. Khi là một giáo viên ở một trường tư thục – một môi trường giáo dục hiện đại tôi có những nghi ngờ, những băn khoăn với rất nhiều vấn đề giáo dục. Khi rời trường học, quan sát quá trình học tập mầm non, tiểu học của những người cháu trong gia đình, tôi thất vọng với cách mà những trường học cụ thể của cháu tôi đang tác động lên trẻ em.
Tôi, cùng với những đồng nghiệp tâm huyết mà tôi có cơ hội làm việc cùng, soạn từng giáo án lên lớp, chia sẻ những trăn trở, nâng đỡ nhau qua từng khó khăn, luôn cố gắng lý giải và làm tốt nhất trong sự hạn chế của mình để nhìn nhận các vấn đề trong giáo dục trường học. Có quá nhiều các vấn đề cụ thể mà tôi không thể tóm tắt hơn 10 năm làm giáo viên của mình trong vài dòng chữ ngắn ngủi.
Nhưng, quả thật, khi tôi đọc đến bài viết “Trường học là một nơi tồi tệ cho trẻ em” trong cuốn “Trường học kém thành tích” của John Holt, tôi nhận ra mình chưa bao giờ dám “thừa nhận” điều đó.
Luận điểm chính và gần như là “đủ” để tác giả đưa ra kết luận này là việc ông cho rằng, trẻ không thực sự còn “học” khi ở trường học nữa.
Những đứa trẻ thông minh hơn, tò mò hơn, khéo léo hơn, ít sợ hãi hơn so với chính bản thân chúng khi đã tham gia vào trường học. Một nơi đại diện cho việc “học” thì sự học lại diễn ra một cách méo mó – nghe thật sự chua xót. Dù ta lần ngược lại lịch sử để biết trường học ra đời trong những bối cảnh đặc biệt và nó có những chức năng kinh tế – chính trị khác ngoài chức năng giáo dục. Và dần theo thời gian, trường học khiến cho việc nhận diện quá trình học chỉ gắn với những tri thức được cung cấp ở đó, chỉ có những tri thức ở trường học mới được xem là có giá trị.
Tôi có dịp hỏi một vài người bạn câu hỏi: Bạn có thích học không?
“Tôi không thích học. Và có lẽ là không ai thích học, giống như không ai thích đi làm cả. Mà phải đi làm vì tiền giống người ta bắt buộc phải học vì mục đích gì đó”.
Tôi đoán là câu trả lời này rất quen thuộc với nhiều người, phản ánh việc ngầm định sự học chỉ diễn ra ở trường học.
“Học ăn, học nói, học gói, học mở” – câu ngạn ngữ thường gặp về sự học trong dân gian Việt Nam ngụ ý việc điều gì chúng ta cũng cần phải học mới biết, học từ những chuyện nhỏ nhặt, diễn ra hằng ngày tới các vấn đề mang tính vĩ mô. Tôi từng có may mắn cùng một nhóm đồng nghiệp soạn chủ đề về “Sự học” cho học sinh. Đó là cơ hội cho tôi thực sự được suy nghĩ về hoạt động học một cách sâu rộng hơn. Tự mình cởi trói khỏi suy nghĩ về việc “không thích học” của bản thân từ thời đi học.
Một đứa trẻ không thích học ở trường học không đồng nghĩa với một đứa trẻ không thích học.
Và với mô tả về việc học của John Holt thì thực chất không có đứa trẻ nào không thích học bởi vì “con người là một động vật học tập, chúng ta thích học hỏi”. Chỉ là quá trình trưởng thành, tham gia vào các hoạt động xã hội, chúng ta được/bị dán nhãn và tự dán nhãn “giỏi”, “dốt”, “chăm chỉ”, “lười biếng”… và đơn giản hóa quá trình học tập của bản thân.
Khi biết mình không “lười” học, tôi, một giáo viên, đồng thời cũng có cơ hội trò chuyện với các em một cách khác đi về việc học. Đôi khi tôi sẽ bất chợt hỏi các em ở bất kì hoạt động nào “Em có đang học không?”. Một số em sẽ hài hước trả lời “Ơ, tất nhiên rồi, chơi còn phải học nữa là.” “Ôi giời, làm gì mới chả là đang học cô ơi.”…
Sự bất bình của tôi với thực trạng ở trường học thời gian gần đây thêm phần tăng cao khi tôi gặp gỡ một nhóm các em học sinh hằng tuần. Chúng tôi trò chuyện về những điều diễn ra trong một tuần, nếu được hỏi về những điều vui vẻ, dễ chịu, hiếm khi câu chuyện đó xuất phát từ trường học – trừ một vài câu chuyện liên quan đến bạn bè. Nhưng tôi nghe thấy những câu chuyện lặp đi lặp lại trong 3 năm qua:
“Bọn em không được xuống tầng vào giờ ra chơi. Cô giáo bảo không được phép ra mồ hôi, vì nếu bạn nào ra mồ hôi thì chứng tỏ bạn đó đã xuống tầng.”
(Khi hỏi kĩ thì tôi đoán được nguyên nhân của những cấm đoán này là xuất phát từ nỗi lo mất an toàn)
“Khi cô giáo nghỉ, cô sẽ giao quyền quản lí lớp cho bạn lớp trưởng. Bạn ấy sẽ ghi tên những ai nói chuyện. Bạn nói chuyện sẽ đứng lên và tìm cho ra bạn khác có lỗi thì mới được ngồi xuống. Em bị ghi tên lên bảng dù em không làm gì.”
“Khi em viết bài văn tả cây xoài, em kể rằng em và các bạn dùng dép ném lên cây để cho quả rụng xuống… thì cô giáo không đồng ý, cô yêu cầu sửa.”
“Em thích giờ thể dục vì bọn em toàn được thầy cho xem ti vi cả tiết, hoặc tập vài động tác cũ rồi xem”
“Bài văn đó em không tả đúng về mẹ em bên ngoài, những vẫn phải làm thế để kiếm con điểm”
“Nếu bọn em không làm xong bài kiểm tra thì cô giáo chủ nhiệm sẽ bày cho bọn em để bọn em không phải thi lại”
Sau một vài năm đến trường, đa số các em ở nhóm này, tôi đều phải bắt đầu lại từ việc các em không còn niềm tin vào bản thân mình. Lý do mà các em từ chối nhiệm vụ không phải vì các em không thích chúng mà bởi vì “em không vẽ đâu vì em vẽ xấu” “Em không biết viết”… Dường như chúng đã thu vào một chiếc kén, thà không làm còn hơn làm xấu, làm sai.
Tôi tự hỏi, các em hình thành nên những tính cách, phẩm chất nào sau 5 năm, 9 năm, 12 năm trong môi trường như vậy?
Có thể có những sự “nhún vai” khi nghe trẻ em chia sẻ những điều trên, vì nó có gì to tát đâu. Đằng nào lớn lên, chúng ta cũng sống trong những xã hội mở rộng của trường học, vậy cứ quen dần là hơn. Hoặc có những người sẽ cho rằng tôi đang nghiêm trọng hóa vấn đề cho các giáo viên của các em. Tôi cũng không cho rằng, vấn đề là ở một vài cá nhân giáo viên. Vì tôi tin vào sự nhạy cảm của các em mà tôi làm việc cùng. Các em có thể nhận ra được đâu là những giáo viên vẫn quan tâm đến trẻ, đến sự phát triển của trẻ và tôn trọng chúng tuy cô/thầy không tìm được phương pháp giáo dục phù hợp, đâu là những người xem thưởng – phạt, bắt nạt học sinh là một cách hợp lý để quản lý lớp học và truyền thụ tri thức. Các giáo viên cũng không thực sự ở một môi trường thuận lợi cho việc giáo dục đúng nghĩa.
Đọc những dòng viết của Holt, tôi cảm thấy như suy tư của mình được trải ra, rõ ràng hơn.
“Ở những nơi buồn tẻ và xấu xí này, nơi không ai từng nói bất cứ điều gì dù là đúng hay trung thực, nơi mọi người đều đóng một vai trò nào đó, như trong một trò chơi đố chữ, nơi giáo viên không còn được tự do trả lời học sinh một cách cởi mở và trung thực … Thực sự hiếm có đứa trẻ nào có thể đến trường mà còn đọng lại nhiều sự tò mò, tính độc lập, hoặc ý thức về phẩm giá, năng lực và giá trị bản thân.”
Từ đó, John Holt đưa ra một số gợi ý với những thay đổi mang tính hệ thống như:
- Bãi bỏ việc đi học bắt buộc
- Trường học cần mở hơn: đưa trẻ ra khỏi các tòa nhà của trường học và có cơ hội tìm hiểm về thế giới càng sớm càng tốt; đưa vào trường học các giáo viên không làm toàn thời gian như nghệ sỹ, thợ điêu khắc, luật sư…
- Để cho trẻ làm việc cùng nhau (không chỉ dựa trên độ tuổi, phân lớp, phân chia trình độ tương đương)
- Để cho trẻ tự đánh giá việc học của mình
- Bỏ chương trình học cố định theo yêu cầu
- Bỏ cấp học, bài kiểm tra, điểm số
Những gợi ý này John Holt viết cho xã hội Mỹ những năm 70 của thế kỉ trước. Nếu đối chiếu nó với thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay, lướt nhanh, tôi nhận ra những gợi ý của ông đang được một số trường học (phần lớn là hệ thống trường tư) thực hiện và tạo được sự tin tưởng hơn nơi phụ huynh hay học sinh như việc để cho trẻ em được làm việc cùng nhau hay trẻ tự đánh giá việc học của mình, việc mời các chuyên gia, thợ thủ công, ca sĩ, nhạc sĩ… vào trường học hay tổ chức các chuyến tham quan thực tế. Việc trẻ được tự đánh giá việc học của mình cũng được thử nghiệm/đề cập theo một số các cách thức khác nhau (dù chưa nhiều). Trường học có những nỗ lực để trở nên “cởi mở” hơn.
Tuy nhiên, có những gợi ý, John Holt cũng tự đánh giá là “khó thực hiện”.
Và khi một hệ thống “khó” có những thay đổi toàn diện, những nỗ lực cá nhân/cộng đồng nhỏ vẫn đáng kể. Chúng ta có các nhóm quan tâm tới giáo dục, trao đổi chia sẻ các quan điểm giáo dục mới. Các bố mẹ ngày càng tham gia nhiều hơn, có tiếng nói hơn trong việc giáo dục trẻ em. Các tài liệu giáo dục đa dạng và phong phú hơn…
Từ nhiều năm trước, tôi và một số bạn bè giáo viên của mình, khi chưa có nhiều “lý thuyết” hay sách vở từ các nhà nghiên cứu giáo dục cấp tiến, đứng trước “những cảm giác về một điều gì đó bất ổn”, thường bắt đầu, dễ dàng hơn cả, là hỏi chính những đứa trẻ:
“Các em muốn được học như thế nào”
Tôi đã trưởng thành cùng các em từ việc hỏi – trả lời – lắng nghe – chia sẻ tôn trọng – cùng tìm giải pháp.
“Chúng ta đã học các kiến thức vào bên trong rồi. Thế tại sao lại cần phải kiểm tra? Kiểm tra để có thể phát giấy khen à. Em thấy cũng không cần thiết lắm”.
“Tại sao em lại cần học khoa học bằng Tiếng Anh. Nó thật khó để học. Em thấy học bằng Tiếng Việt thì tốt hơn chứ. Thầy nước ngoài nếu thầy đến đây dạy thì thầy nên học Tiếng Việt để có thể dạy bọn em chứ.”
“Cô cho bọn em thêm suy nghĩ thêm. Em muốn tìm thêm những cách khác nữa. Em muốn cố thêm một tí nữa”.
Người lớn, ít khi đặt câu hỏi với những thứ họ xem là đương nhiên, kiểu như “ra đường thì cần phải đi bên phải để an toàn”. Trẻ em, đang trưởng thành, thách thức với mọi khuôn mẫu. Chúng không xem các bài kiểm tra là “phải”, là cần thiết… Thực sự lắng nghe các em, ta sẽ nhìn ra nhiều thứ bất hợp lý. Một quá trình học sẽ diễn ra đồng thời ở cả giáo viên/cha mẹ và trẻ.
Nguyễn Thủy