Bài viết này để tiếp nối những chia sẻ cũng như những điều “dường như khó nói ra” ở buổi trò chuyện Để trẻ em vui thú với tri thức do Book Hunter tổ chức ở thành phố Hà Tĩnh. Với những kinh nghiệm trong công việc làm giáo dục, tôi đã đề cập với mọi người về “việc đọc cần được tạo môi trường và có sự đồng hành” với một số những việc làm cụ thể mà tôi đã thực hiện để xây dựng nhóm các em cùng nhau đọc sách diễn ra đều đặn hàng tuần trong gần 3 năm nay. Tuy nhiên, tôi vẫn mang lòng “e sợ”, những điều mình chia sẻ được xem là một thành công, là những lời khuyên, để khi mọi người mang đi áp dụng, lại trở thành thất vọng về con trẻ, về chính mình…
Phải nói trung thực, tôi chưa bao giờ có chủ đích và tuyên truyền về việc xây dựng một nhóm đọc sách. Mục tiêu của tôi từ ban đầu tới bây giờ vẫn là một nhóm cùng nhau suy tư, cùng nhau trò chuyện. Khi phụ huynh cho con đến nhóm với mục tiêu để con đọc sách, để con tự tin hơn… tôi đều trả lời là tôi sẽ không chắc có thể làm được việc đó trong nhóm này hay không bởi vì sách chỉ là là một trong những con đường mà tôi cùng các em sẽ đi để tiếp cận tri thức. Tôi sẽ không biết bao giờ con mới chủ động đọc sách, hay con sẽ chuyển từ truyện tranh sang truyện chữ, hay con sẽ đọc những cuốn sách theo một định hướng nào đó?
Tôi sẽ mô tả thêm một vài chi tiết về nhóm cùng suy tư mà chúng tôi cùng nhau gây dựng trong 3 năm qua. Tôi làm việc độc lập, cũng không hẳn có một mô hình sẵn để xây dựng nhóm này như câu hỏi của bạn bè là “bạn có theo một mô hình nào đã có trên thế giới hoặc ở Việt Nam không?”. Tôi được tạo cảm hứng từ 2 vấn đề mà tôi thấy khó thực hiện với quy mô lớp học và trường học (số đông) hiện nay là chăm sóc sức khỏe tâm thần và cùng nhau suy tư các câu hỏi có “tính triết học”. Không có một mô hình sẵn có, không có nguồn lực tài chính và truyền thông nên tôi cũng xác định vừa làm vừa học. Tôi có những người bạn là giáo viên, là nhà tư vấn giáo dục góp ý cho tôi từng ý tưởng. Tôi có được một nhóm khoảng 10 em (lúc ít hơn, lúc nhiều nhất được khoảng 17,18 em) để gặp nhau hàng tuần.
“Cùng suy tư” tức là phải có vật liệu hay là chủ đề để nghĩ, để bàn luận, để soi chiếu, để thực hành. Đó là cầu nối của nhóm chúng tôi tới việc đọc sách. Tất nhiên, ngoài sách ra, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ các nhân vật với những vấn đề thực tiễn, chúng tôi có những buổi thực hành đi dạo, quan sát thiên nhiên, tập hít thở… Miễn là từ đó, các em và tôi có môi trường tinh thần và vật lý để gợi mở các vấn đề. Quay lại việc đọc sách, để từ sách gợi ra được các vấn đề suy tư, tôi xoay xở đủ các hoạt động để các em mời mọc các em việc đọc sách từ đọc cho các em nghe, cho các em vẽ các nhân vật, cho các em tạo câu chuyện mới, cho các em mượn sách hàng tuần… Và cho đến nay, nhóm chúng tôi, các em vẫn chưa thoải mái và tự tin đọc cho nhau nghe – người đọc vẫn là tôi, chưa giới thiệu, chia sẻ được về các cuốn sách hay các vấn đề từ sách mà các em đang suy nghĩ.
Như vậy, nếu xét “thành công” theo tiêu chuẩn thông thường, tôi càng không dám đưa lời khuyên. Nhưng nếu xét trên các băn khoăn và các bài học, tôi thấy mình gần với những nỗ lực của các bậc phụ huynh, các giáo viên, những người quan tâm đến việc làm giáo dục coi trọng quá trình suy tư và tiếp cận tri thức đa dạng. Tôi tin, Book Hunter đề nghị tôi tới buổi chia sẻ, chính bởi sự đồng điệu ở những khó khăn trên con đường này, hơn là những thành công, những điều đong đếm được dễ dàng. Trong phạm vi một bài viết ngắn, những điều tôi viết tiếp dưới đây được gợi mở từ câu hỏi ở buổi chia sẻ: “Làm thế nào để chọn sách đúng cho con?”
“Có những em sẽ không phù hợp với việc học thông qua ĐỌC” hay là “Các em chưa thích việc đọc là bởi vì các em chưa tìm thấy cuốn sách phù hợp” vẫn đang là câu hỏi mà tôi đang quan sát thông qua thực tiễn làm giáo viên. Một số những nghiên cứu về não bộ con người mà cho người giáo viên chúng tôi hiểu về việc không phải ai cũng “thích” hay là cơ chế học thông qua việc đọc. Nhưng những nghiên cứu đó là lý thuyết. Còn khi thực hành, có những em, sau 2, 3 năm tôi cũng đã nghiêng về phía chấp nhận việc em sẽ nghe, sẽ thực hành… hơn là đọc sách nghiên cứu thì em lại “bừng sáng” trong một cuốn sách trinh thám và nó như một điểm mở “nút thắt” cho quá trình đọc.
Vậy nên, khi ta nói về việc ĐỌC SÁCH, ta đâu chỉ nói về hành vi Đọc, mà chính là con đường tiếp cận tri thức, quá trình học hỏi. Và bởi vì nó là con đường, nên ta có thể đi tiếp tục, có thể mở đường, cũng có thể quay lại tìm một con đường khác… miễn là cuối cùng, ta nhận ra mình đang đến với tri thức.
Chúng ta sẽ bớt sợ “những lựa chọn sách sai”. Một phụ huynh ở buổi chia sẻ cũng như những người mẹ, người bố mà tôi từng gặp nói với tôi băn khoăn của họ trong việc chọn sách cho con sao cho đúng.
Sách thế nào là sai? Thế nào là đúng? Thế nào là hay? Thế nào là dở?
Người lớn chúng ta với trách nhiệm bảo hộ trẻ em, chúng ta chính là những tấm lưới lọc lựa, bảo bọc các em khỏi các nguy hại. Tôi không phê phán những trách nhiệm đó. Chính tôi, khi lên kế hoạch cho từng buổi gặp gỡ, cũng cân nhắc lên xuống việc chọn lựa chủ đề nào, cuốn sách nào phù hợp cho chủ đề đó, cuốn sách đó có vừa sức đọc chung của các em trong nhóm không, hình vẽ minh họa có gợi trí tưởng tượng không?… Và đôi khi tôi cũng “nhún vai” vì chấp nhận một phương án phù hợp hơn cả chứ chưa hẳn hài lòng. Trong nguồn lực và năng lực có thể của người bảo hộ, chúng ta luôn loay hoay trong việc đưa ra lựa chọn cho trẻ.
Nhưng, những lo lắng Đúng – sai thái quá sẽ khiến chúng ta bị áp lực vô hình và can thiệp thô bạo tới quá trình tiếp cận tri thức của trẻ. Tôi muốn gợi ý tới chị việc “có thể sai” và giáo dục tính tự chủ cho trẻ thông qua các lựa chọn – tất nhiên sách cũng nằm trong số đó.
Ban đầu, chúng ta có thể dựa vào những băn khoăn, những câu hỏi, những vấn đề mà các em đang tò mò để giúp các em tìm sách. Và, có khi ta chẳng tìm thấy cuốn sách nào trả lời trực tiếp những vấn đề đó. Có khi có cuốn nội dung hay nhưng hình minh họa ta không thích. Có khi ta lại thấy cuốn sách đó quá nhiều chữ, quá nhiều tri thức khó… Và, các em sẽ thấy chán. Các em cũng có thể bỏ cuộc không đọc hết.
Tôi cho rằng, một cuốn sách chán, việc các em bỏ đọc chưa chắc đó đã là những lựa chọn “sai” – khi ta có thể học được điều gì đó từ những lựa chọn đó. Và lúc đó, là lúc mà ta có thể đồng hành với trẻ, là cơ hội để ta cho trẻ được học thông qua một “người lớn”. Phải chẳng, thứ ta nên giữ, nên xem là đích không phải là một cuốn sách “đúng”, mà là giữ lòng tò mò, sự ham thích với tri thức. Nếu trẻ sau những lựa chọn đó, vẫn tiếp tục tò mò, vẫn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho chính mình, dù qua việc chọn cho được một cuốn sách khác, hay nghĩ ra những cách nào đó ngoài tài liệu sách vở, thì ta đã đạt được mục tiêu giáo dục.
Các em cũng dần được tham gia vào quá trình tự đưa ra lựa chọn cho chính mình.
Mở rộng ra, cả chúng ta lẫn trẻ sẽ tiếp cận chuyện “Đúng -Sai” “Hay – dở” với tư duy phản biện. Một cuốn sách có thể vẫn hay dù có một nhân vật “dở hơi”. Một tư tưởng thì luôn có điểm tỏa sáng trong thời đại của nó lẫn những điểm không còn phù hợp…
Tôi cởi bỏ dần được áp lực phải chọn “sách đúng” cho nhóm của mình. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến hình thức nhóm. Bố – mẹ – con có thể là một nhóm. Giáo viên – học sinh là một nhóm. Các em với nhau là một nhóm. Với hình thức nhóm, ta đọc cùng nhau. Khi tôi nghe các em chia sẻ về một cuốn sách, không bao giờ là những ý kiến cùng một chiều giữa các em với nhau, kể cả trong một em thì cũng không hẳn em sẽ hoàn toàn đồng tình với một cuốn sách. Các em sẽ thường dùng mẫu câu “Em thích/học được điều này… nhưng có điều kia em không…”.
Trong buổi chia sẻ, tôi cũng gợi ý mọi người ở đó tới việc tạo nhóm các gia đình để chia sẻ và trao đổi sách. Rất nhiều các lý thuyết giáo dục đều coi trọng tới Môi trường giáo dục và đề cập tới việc trẻ học thông qua quan sát, bắt chước. Tôi thường hỏi các bố mẹ “xung quanh các em có ai có thói quen đọc sách không?”. Chúng ta thường để tâm tới việc mua sách, chọn sách cho các con, nhưng quên mất môi trường mang tính tinh thần, nơi hành vi “đọc” hiện hữu. Việc tạo một nhóm các gia đình trao đổi sách không chỉ giảm tải gánh nặng kinh tế – khi mà sách trẻ em khá là đắt đỏ cho thu nhập bình quân trong các gia đình Việt Nam – mà quan trọng hơn là tạo ra không gian luân chuyển tri thức, luân chuyển việc đọc.
Truyền thông thường vẽ ra hình ảnh “người suy tư cô độc” – nghĩ là hành vi “một mình”. Với tôi, đó là hình ảnh khá phiến diện. Kể cả khi ta nghĩ một mình thì ta cũng suy tư phần lớn bằng ngôn ngữ, ngôn ngữ có tính cộng đồng, các suy nghĩ của ta được xây nên từ hàng ngàn lớp lang suy tư của người khác. Nếu chúng ta có một nhóm cùng suy tư, thì quá trình nghĩ của ta được soi chiếu, được đồng tình, được phê phán… Nên việc trao đổi sách cũng như việc đọc như trên tôi đã nói, nên được coi là phương tiện, là cái “cớ”, điều tôi đã làm 3 năm nay với nhóm các em hàng tuần cũng như gợi ra cho mọi người trong buổi chia sẻ của Book Hunter là một không gian cùng nhau suy tư.
Như vậy, cũng đồng thời với việc xây dựng “nhóm” người lớn chúng ta được chuyển đổi vai trò, không chỉ là người bảo hộ, hướng dẫn, chúng ta cũng phải là một thành viên của “nhóm cùng suy tư”. Điều này chắc chắn là điều khó nhất, thách thức nhất, hơn cả việc chọn lựa một cuốn sách sao cho đúng. Và tôi xem đó là thành tựu của nhóm cùng suy tư mà tôi cùng các em đã làm được. Chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm đâu đó câu nói “trẻ em là những triết gia nhỏ” – nhằm nhấn mạnh vào tính tò mò, những nhìn nhận bản chất vấn đề, tình yêu tri thức của trẻ, nhưng việc nuôi dưỡng những triết gia nhỏ này thật là con đường gian nan mà cần rất nhiều nguồn lực hơn chỉ là nguồn lực tài chính hay một trường học hiện đại.
Nguyễn Thị Bích Thủy
>> Mời bạn xem lại bản ghi sự kiện Path of Book #1: Tự học & Tự chủ trên đường đời với sự góp mặt của nhà giáo dục Nguyễn Thị Bích Thủy:
>> Tìm hiểu thêm về những cuốn sách về Giáo dục & Học tập tại Book Hunter:
Lưu trữ Giáo dục – Học tập – Book Hunter Lyceum