Hồi còn đi học, tôi thường đọc đi đọc lại “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn. Những câu ngâm: “Thiên địa phong trần/ Hồng nhan đa truân/…” đã theo tôi suốt một thời cắp sách đến trường. Hồi đó, tôi chỉ lờ mờ biết được “thuở trời đất nổi cơn gió bụi” là một thời loạn lạc, phân tranh. Lớn hơn một chút, tôi đọc thêm “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều. Tôi của lúc đó cũng đặt câu hỏi, tại sao cả Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, sau đó là Nguyễn Du, lại “thích” mượn lời người phụ nữ đến vậy? Họ cảm thương cho số phận của người chinh phụ, người cung nhân ư? Hay bên trong còn ẩn tình gì khác?
Các thầy cô thường giảng, những lời ngâm đó là lời của chính tác giả than trách cho số phận người phụ nữ, vì trong thời phong kiến và lúc chiến tranh, người phụ nữ luôn luôn bị chà đạp, đau khổ. Nhưng nếu nói như vậy, tức là số phận của những người đàn ông trong thời phong kiến và chiến tranh không đau khổ, không bị chà đạp sao? Đau khổ, chà đạp mà cũng phân chia nam nữ sao?
Tôi ôm mãi những câu hỏi ấy cho đến ngày đọc “Thiên địa phong trần” (Tập 1: Khúc cung oán) của nhà văn Hà Thủy Nguyên. Cuốn sách lấy bối cảnh triều đình mục ruỗng thời Lê mạt, khi vua Lê Hiển Tông chỉ còn là một kẻ bạc nhược trên ngai lạnh, thái tử Lê Duy Vỹ bị bức tử, và hoàng tôn Lê Duy Khiêm (chính là vua Lê Chiêu Thống sau này) bị nhốt trong ngục tù suốt hơn mười năm. Cùng lúc đó, thế lực họ Trịnh của Trịnh Sâm toàn quyền điều hành triều chính, giật dây vua, ám hại trung thần, đấu đá nội bộ lẫn nhau.
“Hơn chục năm nay, chiến tranh liên miên, quân nổi dậy khắp nơi, ai cũng giương cao lá cờ “Phù Lê diệt Trịnh”, chính nghĩa đầy mình, rồi cũng để làm chi? Tất cả đều chỉ là máu chảy đầu rơi.”
(Thiên địa phong trần – Hà Thủy Nguyên)
Cũng giống như Nguyễn Gia Thiều, Hà Thủy Nguyên chọn viết về một thời loạn lạc. Nhưng thay vì mượn lời người cung nữ bị ruồng bỏ, Hà Thủy Nguyên chọn mượn lời những Nguyễn Khản, Nguyễn Gia Thiều, Ngô Thì Chí… để họa nên bức tranh toàn cảnh của cả một thời đại khi nhà Lê suy vi, chúa Trịnh lộng hành. Chính trong bức tranh lớn đó, từng nhân vật bước ra: có người bạc mệnh như Duy Vỹ, phong lưu như Nguyễn Khản, cương trực như Ngô Thì Chí; lại có kẻ ham muốn quyền lực như Trịnh Sâm, lũng đoạn triều cương như Thị Huệ, Mậu Lân, móc nối các bên vì tư lợi như Nguyễn Hữu Chỉnh, “phò thịnh chứ không phò suy” như Ngô Thì Sĩ; và cũng có người vì nghiệp lớn mà chọn để bản thân vấy bẩn như Nguyễn Gia Thiều.
Không chọn con đường viết về những chuyện tình dễ hấp dẫn người đọc, cũng không đưa câu chuyện ra những ngoại vi mà hiện nay các tác giả và độc giả thường ưa chuộng, Hà Thủy Nguyên đi thẳng vào một thời đại đầy biến động với tầng tầng lớp lớp những âm mưu, quyền đấu. Đọc “Thiên địa phong trần”, bạn đọc sẽ có câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao một vị chúa nghiêm khắc như Trịnh Sâm lại có thể dung túng cho “cậu giời” Đặng Mậu Lân? Có chắc chắn rằng thế tử Trịnh Tông đã nổi dậy đoạt quyền? Và liệu Lê Duy Khiêm có “tiềm năng” là một ông vua bán nước?…
Trong thời đại Lê mạt đầy biến động ấy, vốn không có người tốt, kẻ xấu, chỉ có những con người khác nhau theo đuổi những lí tưởng khác nhau. Với lịch sử, đúng – sai là đánh giá khác nhau của hậu thế; với văn chương, tốt – xấu, hay – dở là nhận định khác nhau của người đọc.
Nguyễn Gia Thiều viết khúc cung oán vì thương người cung nữ bị vua ruồng bỏ ư? Nguyễn Du viết khúc đoạn trường sau này vì cảm thương cho người thiếu nữ bị phong kiến chà đạp ư? Vậy số phận của một thái tử bị vu oan chết thảm, số phận của một phong lưu đại thần, số phận của một Đô hiệu úy chỉ muốn được phò tá minh quân, số phận của một vị vua mang ô danh bán nước, số phận của một vị thế tử bị chính cha mình ghét bỏ và giam vào hành cung, hay số phận của một vị chúa tham quyền tham sắc,… Tất cả những người đó không đáng thương sao?
“Ta chẳng phải cũng có tướng đế vương sao? Chẳng phải ta cũng chỉ chết rục xương trong tù sao? Thời nay khí phách đế vương sao sống nổi, muốn sống phải làm kẻ hèn. Ta cũng không mong con trai ta trông giống kẻ hèn. Cái gánh nặng mệnh quân vương, con ta liệu có gánh nổi chăng?”
(Lời nhân vật thái tử Lê Duy Vỹ, Thiên địa phong trần – Hà Thủy Nguyên)
Song hành cùng những câu hỏi không lời đáp đó, đi qua mỗi chương sách, độc giả sẽ có cảm giác mình vừa đi qua một cảnh phim, bởi không chỉ đơn thuần là kể chuyện và khắc họa nhân vật, Hà Thủy Nguyên còn tái tạo lại cả không gian và những thanh âm của thời đại. Đó là cung vàng điện ngọc phủ chúa Trịnh, là hồ Tây lộng gió đêm hội Khán Xuân, là tiếng đàn bi ai của Nguyễn Gia Thiều, là kinh thành khói lửa lụi tàn khi quân Tam phủ tràn vào đốt phá,…
Đối với tôi, Hà Thủy Nguyên viết “Thiên địa phong trần” chính là để khóc thương cho những con người trong thời đại “nổi cơn gió bụi ấy”. Họ có khác gì những người cung nữ, người chinh phụ trong thơ Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn. Sắc đẹp? Tài giỏi? Quyền lực? Phong lưu?… Tất cả rồi sẽ tan thành mây khói trước cơn ba đào của lịch sử và sự đổi thay của lòng người.
Sau hơn 13 năm vắng bóng trong làng tiểu thuyết lịch sử, năm 2019, Hà Thủy Nguyên đặt bước chân quay trở lại với “Thiên địa phong trần”. Nếu bạn đọc từng biết đến Hà Thủy Nguyên với tư cách một cô bé 14 tuổi viết nên bộ tiểu thuyết đồ sộ có bối cảnh lịch sử thời Lý “Điệu nhạc trần gian” (2004), hay một cô gái trẻ mới 19 tuổi đã họa lại cả một thời Lê sơ thịnh thế trong “Cầm Thư quán” (2008, tái bản năm 2018), thì “Thiên địa phong trần” (2019) chính xác là một bước tiến tiếp theo của Hà Thủy Nguyên ngày đó: Một Hà Thủy Nguyên đã trưởng thành với lượng kiến thức sâu rộng, “thủ lĩnh” của cộng đồng sách Book Hunter hiện đang rất có uy tín hiện nay.
Trung thành với lối viết duy mỹ và cách tự sự tuyến tính, sự mới mẻ của “Thiên địa phong trần” không nằm ở kĩ thuật viết hay những cấu trúc không – thời gian phân mảnh, phức tạp; mà nằm trong cách tác giả nhìn nhận và xây dựng từng nhân vật. Có lẽ, chưa bao giờ những con người của “muôn năm cũ” ấy lại có thể hiện lên sống động và chi tiết đến vậy, và trước Hà Thủy Nguyên, cũng chưa có một tác giả nào nhìn nhận cá tính và cuộc đời của Nguyễn Khản, Nguyễn Gia Thiều, Ngô Thì Chí, Trịnh Tông, Lê Duy Khiêm (Lê Chiêu Thống)… với cái nhìn đầy đủ, khách quan đến vậy.
Với “Thiên địa phong trần”, Hà Thủy Nguyên đã tấu lên một khúc cung oán để người nghe nhìn sâu hơn vào lịch sử, vào trùng trùng âm mưu thời đại, để rồi từ đó, cũng giống như những con người trong quá khứ, mỗi người trong hiện tại lại chọn cho mình một cách nhìn, một hướng đi riêng.
Được biết, nhà văn Hà Thủy Nguyên đã xuất bản tập 2 của “Thiên địa phong trần”, sẽ đi sâu hơn vào tình trạng loạn lạc của thời Lê Mạt, với cốt truyện phức tạp hơn được sắp xếp theo một cấu trúc phức tạp. Duy trì một cốt truyện và cấu trúc phức tạp nhưng vẫn giữ được lối văn duy mỹ sẽ là thách thức lớn đối với cây bút đầy nội lực như Hà Thủy Nguyên.
(Bài đã được đăng trên Tin tức Việt Nam)
Nguyễn Hoàng Dương