Home Đọc Thị trường sách Việt Nam: Con đường chuyên nghiệp hóa gian truân

Thị trường sách Việt Nam: Con đường chuyên nghiệp hóa gian truân

Book Hunter Thị trường sách Việt Nam

Năm 2005, Luật Xuất bản (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI, đã mở đường cho ngành xuất bản Việt Nam với những điều khoản cởi mở hơn, cho phép tư nhân tham gia xuất bản ở ba khâu: làm bản thảo, in ấn và phát hành. Chính sách này đã thực sự thúc đẩy ngành sách Việt Nam, mở đường cho tri thức có thêm nhiều lối rẽ đến với bạn đọc  và cũng giúp nâng cao đời sống của những người hoạt động trong ngành xuất bản. Nhưng từ cởi mở đến chuyên nghiệp hóa là một chặng đường dài mà từ đó tới nay đã gần 20 năm, những bước tiến vẫn còn chậm, trong khi tốc độ biến chuyển của xã hội cùng các biến động lớn trên thế giới đang ngày càng trở nên nhanh hơn.

Trước khi mở cửa, việc xuất bản sách hoàn toàn chịu sự chi phối của chủ trương nhà nước và phân bổ ngân sách công. Các trí thức đảm nhận các khâu như viết hay dịch, biên tập… đều hoạt động trong khuôn khổ chủ trương này. Bên cạnh đó, các khâu khác của xuất bản như thiết kế, chế bản, in ấn, phát hành cũng hoạt động theo khuôn mẫu định sẵn và thiếu đi tính cạnh tranh để hướng tới chất lượng tốt hơn. Với sự cởi mở để các nhân tố thị trường tham gia ngành sách, tính cạnh tranh của thị trường trở thành yếu tố chi phối chính: thiết kế đẹp hơn, ưu đãi nhiều hơn, chăm sóc khách hàng sát sao hơn, nhiều điểm bán hơn, nội dung “hot” hơn… nhưng tất cả các yếu tố này không tạo nên sự chuyên nghiệp hóa của ngành sách.

Thị trường sách Việt Nam trong vòng gần 20 năm ngắn ngủi đã chứng kiến 3 phương thức kinh doanh xuất bản sách, và mỗi phương thức kinh doanh xuất bản lại thúc đẩy những phương thức hoạt động tri thức khác nhau.

Mở cửa cho tư nhân – Vùng vẫy thoát khỏi sách bao cấp

Trong trí nhớ của tôi, Trung tâm văn hóa Đông Tây do dịch giả Đoàn Tử Huyến sáng lập, có thể nói là điểm sáng đầu tiên trong nỗ lực thoát khỏi những khuôn khổ của mô hình sách bao cấp trước đó. Được thành lập năm 1999, Đông Tây lúc bấy giờ là một đơn vị sách nhỏ nhưng có những bước đi mạnh mẽ không chỉ bằng hoạt động bán lẻ, mà còn tạo lập nên một không gian tương tác và làm việc của các trí thức dám dấn thân thoát ra khỏi vòng kim cô của hình mẫu trí thức được bao cấp. Điểm nhấn của Đông Tây đối với tôi chính là các tác phẩm của văn học Nga, một nước Nga hoàn toàn khác với kiểu mẫu nước Nga dân tộc tính mà tôi được học trong nhà trường. Đó là một nước Nga với bộ não khủng khiếp của Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky, Mikhail Bulgakov… hay tinh thần đẹp đẽ sâu lắng của Mikhail Prisvin… Nhưng đó chỉ là một cánh cửa trong rất nhiều cánh cửa tri thức mà Đông Tây đã mở ra. Đông Tây đã tạo ra một tiền lệ tốt cho ngành sách tư nhân, thay vì chạy đua theo những sách thị trường như truyện tranh hay tiểu thuyết tình ái…, các độc giả thuở ấy có một cột trụ tri thức để neo vào.

Từ Đông Tây, nhiều đơn vị sách nhỏ khác đã dần thành hình, học tập theo mô hình của Đông Tây nhưng quy mô nhỏ hơn. Mô hình của Đông Tây có thể gói gọn trong các cột trụ sau:

  • Tạo vòng kết nối nhóm trí thức hàn lâm tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung…cùng tổ chức dịch thuật, nghiên cứu và xuất bản, cùng tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, và cùng nhau chia sẻ những thị hiếu thẩm mỹ trong không gian đọc mang phong cách mộc mạc, giản dị.
  • Phân phối và bán lẻ các dòng sách đại chúng có tuyển chọn theo tiêu chí khuyến khích tinh thần yêu nước, xen kẽ với những sách kiến thức thường thức.
  • Dần dần tạo nên không gian thư viện mở tư nhân nhưng không chính thức bằng mô hình cà phê sách, nơi những người yêu sách với nhiều chủ đề khác nhau đều có thể tới đọc, làm việc và trao đổi. Cho đến nay, đây vẫn là mô hình thành công nhất của Đông Tây và ngày càng nhân rộng tại các tỉnh. Ngay cả khi Đông Tây không còn giữ vị thế đỉnh cao trong xuất bản sách thì cà phê thư viện vẫn tiếp tục mở rộng và phát triển.

Cùng thời với Đông Tây, một số nhà xuất bản nhà nước cũng tham gia thị trường và nhanh chóng khẳng định các vị thế thay vì cam phận trở thành cửa cấp giấy phép. Bên cạnh Đông Tây, NXB Phụ Nữ (bây giờ là NXB Phụ Nữ Việt Nam), NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Văn Học, NXB Văn hóa thông tin (đã bị đóng cửa)… giữ vững tinh thần truyền cảm hứng đọc sách và tình yêu sách tới nhiều thế hệ ở Việt Nam. Cũng như Đông Tây, họ sử dụng chính sách “lấy đa số nuôi thiểu số”, tức là sử dụng các dòng sách đại chúng không đòi hỏi quá nhiều công sức để thực hiện lại dễ tiếp cận độc giả để nuôi các dòng sách hàn lâm đòi hỏi sự công phu.

Chính sách xuất bản này đã định hình nên diện mạo của một thị trường sách Việt Nam tràn đầy lý tưởng nhưng lại tự phân chia thị trường thành hai phân khúc đối lập và không có lộ trình để đưa hai phân khúc lại gần nhau, mà thay vì đó, sách hàn lâm ngày càng co lại và rơi vào thế tài chính nan giải, sách thị trường ngày càng mở rộng. Và dần dần, câu chuyện “lấy đa số nuôi thiểu số” lại trở thành khoanh vùng giới hạn của sách hàn lâm thuộc thiểu số trong một nhóm đối tượng ít ỏi. Các cuốn sách hàn lâm thay vì chứng minh vị thế của mình trên thị trường đã chọn một con đường an toàn: vào thư viện công và thư viện các trường đại học. Trong tình huống ấy, sách hàn lâm có mức giá rẻ và mức chiết khấu cao để phù hợp với ngân sách thu gom của hệ thống thư viện công.

Sách lậu và tình trạng vi phạm bản quyền càng khiến xuất bản sách hàn lâm gặp nhiều khó khăn. Do doanh số bán không quá cao, thêm vào đó là mức nhuận bút thấp do phải định giá thấp, những người hoạt động tri thức tiếp tục duy trì hình mẫu “hàn nho” giữa biến động của cơn sóng thần thị trường đang ập tới. Cải thiện đời sống bằng nhuận bút dịch sách và viết sách hàn lâm là điều bất khả, dù công sức và đầu tư nhiều hơn, trong khi ấy các cây bút thị trường bỗng chốc chiếm lĩnh các mặt báo và có sức ảnh hưởng lớn hơn, các cây viết hàn lâm lại tiếp tục trói mình vào những dự án mang tính chất “bao cấp” của nhà nước.

Vấn đề lớn nhất của tình trạng sách hàn lâm không thể tự sống giữa thị trường mà cần có sự trợ giúp kiểu “lấy nhiều nuôi ít” hay kiểu “bao cấp” đó là nó khiến cho sách hàn lâm trở nên thiếu sức sống. Sự xa cách giữa lối tư duy hàn lâm của chính những người làm sách hàn lâm với độc giả một mặt khiến độc giả e dè, một mặt khiến người làm sách hàn lâm mất đi năng lực đưa tri thức vào thực tiễn, từ đó cũng tự thu hẹp vị thế của người trí thức. Trong khi ấy, các tác giả sách thị trường cũng không có nỗ lực nâng cao năng lực và hiểu biết của mình, chấp nhận chiều lòng thị trường dễ dãi, và thay vì chọn sáng tạo thì lại chọn bắt chước những cuốn “best seller” của Hồng Kông, Trung Quốc. Dẫu vậy, dòng sách thị trường vẫn tạo nên nguồn tiền vững chắc cho các đơn vị làm sách như Phương Nam Books, NXB Trẻ… để các đơn vị này dấn bước mạnh mẽ hơn vào dòng sách hàn lâm.

Một góc sách tại Đinh Lễ , con phố gắn liền với thời kỳ đầu mở cửa thị trường sách. Nguồn ảnh: Infonet.

Chuẩn hóa Luật cho phép tư nhân tham gia xuất bản & sự tham gia công ước Berne

Tham gia vào WTO đã buộc Việt Nam thay đổi luật chơi của ngành xuất bản vào năm 2005. Nghiêm khắc hơn với sách lậu và sách chưa thỏa thuận bản quyền, sách thị trường buộc phải dừng các cuốn sách dịch “trốn bản quyền” và làm sụt giảm doanh thu đáng kể, cùng với đó sách hàn lâm cũng phải đương đầu với vấn đề tương tự, thậm chí còn nặng nề hơn. Ở thời điểm ấy (thậm chí ngay cả ngày nay), trả chi phí bản quyền sách vẫn là một cái gì đó rất…xa xỉ. Cái khó ló cái khôn, thị trường sách Việt Nam đã chuyển mình.

Sách hàn lâm buộc phải tham gia vào cuộc chơi chuyên nghiệp hoặc bày trò lấp liếm qua sách “tổng hợp” hoặc “biên soạn”. Nhưng nghịch lý ở chỗ, một khi đã đọc các sách nguyên tác, người đọc không còn hứng thú với “tổng hợp” hay “biên soạn”. Sách hàn lâm dịch thuật được ưa chuộng, bắt đầu bằng những cuốn sách đã hết hạn bản quyền xen kẽ với những cuốn sách đương đại có doanh số bán tốt trên thị trường thế giới. Đây là giai đoạn bung trổ một loạt các đơn vị làm sách chuyên nghiệp với chiến lượng marketing tốt, thỏa thuận sòng phẳng hơn cho dịch giả và tác giả, thậm chí là nuôi tham vọng “khai dân trí” và “nâng cao chất lượng văn hóa đọc”.

NXB Tri Thức là một sự tiến hóa của mô hình của Đông Tây. Nếu Đông Tây được tạo nên bởi cộng đồng các trí thức ngành xã hội và văn nghệ sĩ, thì NXB Tri Thức được gây dựng bởi các nhà khoa học, triết học và chính trị. Không lệ thuộc vào ngân sách nhà nước và được nuôi dưỡng bởi lý tưởng của các trí thức vào độ chín của tuổi đời và vốn tri thức, NXB Tri Thức đã thổi một làn gió mới trong sách hàm lâm nói riêng và toàn bộ thị trường sách. Thông điệp “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” học tập từ tinh thần của chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, kết hợp với sự tái sinh mô hình Khai Trí Tiến Đức thời đầu thế kỷ 20, NXB Tri Thức thu hút nhiều nguồn tài trợ lớn, trong đó Qũy Phan Chu Trinh đóng vai trò chủ lực. Không phụ sự tin tưởng của các nhà tài trợ cũng như các trí thức già tham gia hợp tác để đưa tri thức khai sáng đến với bạn đọc, NXB Tri Thức liên tục tổ chức dịch và xuất bản các trước tác kinh điển nằm trong Tủ Sách Tinh Hoa, và cũng từng bước giới thiệu các xu hướng học thuật mới trên thế giới trong các lĩnh vực Kinh tế, Chính Trị và Giáo dục. Các cuộc thảo luận tại trụ sở VUSTA – cơ quan bảo trợ NXB Tri Thức thu hút nhiều trí thức lớn tuổi và các nhóm dân sự trẻ, mà Book Hunter nằm trong số ấy dần lan tỏa tinh thần “khai trí” trong cộng đồng. Trong suốt mười lăm năm lý tưởng, NXB Tri Thức tạo ra một lớp độc giả mới mạnh mẽ hơn, dũng cảm bước vào dòng sách khó dù những nền tảng từ nhà trường không trang bị đủ các bộ công cụ tư duy, và giữ vững ngọn lửa khai sáng, không thỏa hiệp bằng các dòng sách thị trường.

Trong khi ấy, một loạt các đơn vị làm sách mới ra đời cùng thời điểm với NXB Tri Thức hoặc muộn hơn một vài năm đã lựa chọn con đường cân bằng giữa sách hàn lâm và sách đại chúng mà thế hệ độc giả ngày nay đã ăn sâu vào tâm trí những cái tên như Nhã Nam, Alpha Books (sau này mở thêm Omega Plus Book), Đông A, Bách Việt, Thái Hà Books, First News… Không muốn biến sách hàn lâm trở thành gánh nặng đầu tư, và không muốn duy trì tình trạng “lấy nhiều nuôi ít” của thế hệ làm sách trước đó, cũng không muốn lệ thuộc tài chính vào các nhà tài trợ vốn thay đổi thất thường, các công ty sách mới này thực hiện chuyên nghiệp hóa, biến phát hành sách thành kinh doanh sách, biến xuất bản sách thành đầu tư vào sách. Những công ty này mạnh dạn đầu tư vào bản thảo kể cả chi phí bản quyền cao, trả mức nhuận bút tốt hơn cho dịch giả và tác giả, đẩy mạnh các mẫu thiết kế bắt mắt, không ngần ngại chi trả thuê hệ thống PR báo chí và marketing, xây dựng kênh bán riêng để tối đa hóa lợi nhuận, tạo cạnh tranh về giá và áp dụng nhiều thủ thuật bán hàng đa dạng… Bên cạnh đó là sự lên ngôi của thương mại điện tử và các đột phá của ngành shipping. Nhờ vậy thị trường sách thực sự chuyển mình với khối lượng sách lớn và lượng độc giả đông đảo hơn và sự tách bạch của hai dòng sách hàn lâm và đại chúng cũng không còn là khoảng cách quá xa vời.

Book Hunter thị trường sách Việt Nam
Cuộc thảo luận của Book Hunter, hợp tác với NXB Tri Thức, tổ chức tại VUSTA 53 Nguyễn Du, năm 2015

Dẫu vậy, không xa vời lại không hoàn toàn là điều tốt. Các dòng sách của các đơn vị này này tao ra một lớp độc giả trung lưu, có dư dả về tài chính, thích bàn tán những điều cao xa nhưng lại muốn tiếp nhận chúng một cách nhanh chóng và giản lược. Kéo theo đó là lớp trí thức trẻ tiếp nhận kiến thức qua sách dẫn nhập để dễ dàng sử dụng phục vụ các nhu cầu thực tiễn như làm luận án, viết báo, viết văn, diễn thuyết, cố vấn cho doanh nghiệp… Nhưng điểm tích cực của xu hướng sách này nằm ở chỗ đã khuyến khích tầng lớp trung lưu mới nổi nhận thức được vai trò của tri thức trong quá trình xây dựng sự nghiệp cá nhân và làm phong phú hơn đời sống tinh thần.

Nhưng câu chuyện lý tưởng không kéo dài được mãi. Tham vọng phổ cập sách đến mọi miền đẩy các đơn vị làm sách này vào một nghịch lý: In nhiều để giá rẻ khiến chi phí truyền thông marketing và chiết khấu cho sale cao, dần dần, quá trình đầu tư bản thảo bị bó hẹp. Thay vì tìm hiểu nhu cầu của độc giả và xuất bản những cuốn sách đáp ứng thiết thực cho nhu cầu ấy, các đơn vị làm sách tạo ra những nhu cầu phái sinh bằng các thông điệp truyền thông và tạo “mốt” trong xuất bản. Điều này khiến nhiều dòng sách bị bỏ lỡ trong khi đó liên tục tạo ra thừa mứa tới mức thị trường bão hòa. Đến lượt chính các đơn vị này bị rơi ngược trở lại vào tình trạng “lấy nhiều nuôi ít”, lấy đại chúng nuôi hàn lâm, trong khi hàn lâm lại không điều tiết và có ảnh hưởng tới sách đại chúng.

Chuyên biệt hóa để hiệu quả hơn & đương đầu với suy thoái

Sau khi NXB Tri Thức bị hạn chế năng lực xuất bản do các vấn đề về chính trị, cùng với khoảng chững của thị trường sách vào những năm 2018 – 2019, một loạt các đơn vị xuất bản nhỏ xuất hiện. Không chọn phương thức marketing phủ, mà chọn chuyên biệt vào các nhóm đối tượng, các đơn vị này nhanh chóng chiếm vị thế. Mở đầu là Tao Đàn với dòng sách văn chương kinh điển với chất lượng vượt trội hơn so với Nhã Nam, kế đến là một loạt các tên tuổi khác với Khai Tâm chuyên dòng sách tâm linh, Viện IRED với dòng sách doanh trí và sách triết học Khai Sáng, Sao Bắc với các tác phẩm văn chương khó đọc đậm màu sắc siêu hình, Viện Nhân học văn hóa với dòng sách nhân học, Thời Độ với dòng sách hội họa, Viện IPER & Quảng Văn với dòng sách giáo dục, Sách Thật với dòng sách tâm lý giáo dục, Dtbooks với dòng sách biên khảo và quản trị kinh doanh,… Các đơn vị vốn chuyên phân phối sách chất lượng cao như Bình Bán Books, Sách Khai Minh… cũng dần dần tham gia đầu tư bản thảo và xuất bản. Trong khoảng thời gian này, Book Hunter đã thực sự tham gia vào thị trường sách với vai trò như một đơn vị xuất bản. Song song với đó, NXB Phụ Nữ Việt Nam, NXB Dân Trí, NXB Hồng Đức trở thành nhà xuất bản thuộc khối nhà nước đi đầu bắt nhịp với nhịp độ mới này và tham gia vào quá trình đẩy mạnh sách hàn lâm. Trên thực tế giờ đây, các dòng sách khó đọc không bị gói gọn trong các cuộc mạn đàm của giới hàn lâm, mà đã thực sự đi vào thực tiễn với vai trò như những cuốn sách chuyên môn. Vị thế của sách hàn lâm đã thay đổi, không còn cảnh phải mượn lực sách đại chúng hay sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để nuôi mà hoàn toàn có thể sống và tái đầu tư bằng chính doanh thu. Ngày càng có nhiều đơn vị phát hành sách chất lượng hơn, sẵn sàng chuyên biệt phát hành sách khó đọc mà những cái tên cũng uy tín chẳng kém các công ty sách được thành lập sau WTO. Đến nay, độc giả “sành sách” đã chọn cho mình những đơn vị phân phối uy tín như An Nam Thư Quán, Bình Bán Book, Khai Tâm, Tri Văn, Vinh Thành Sách, Sách Khai Minh… và việc chọn lựa phân phối các cuốn sách hàn lâm trở thành chính sách chủ đạo của các đơn vị này.

Book Hunter thị trường sách Việt Nam
NXB Phụ Nữ Việt Nam tổ chức họp báo ra mắt cuốn sách “Rắc rối giới” tại Trung tâm Book Hunter – 81B ngõ 592 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội.

Sự trưởng thành của những đội ngũ làm sách “khó đọc” và năng lực chiếm lĩnh thị hiếu độc giả đã đẩy các dòng sách đại chúng bước vào một bước chuyển mới: Hoặc nâng cao chất lượng sách đại chúng để bán được sách cho tầng lớp trung lưu ngày một khó chiều, hoặc duy trì các dòng sách hời hợt chỉ thu hút được nhóm độc giả sinh viên hoặc mới đi làm luôn chờ mong giảm giá? Rõ ràng, chỉ khi sách hàn lâm có chất lượng cao hơn và lượng người đọc sách hàn lâm gia tăng thì sách đại chúng mới thực sự được nâng cao. Dễ dàng chiều theo thị hiếu nhất thời với hi vọng lấy cái nọ nuôi cái kia, rốt cuộc sẽ tự hạn chế cơ hội mở rộng của các dòng sách chuyên môn khó đọc. Và tới đây, cuộc cạnh tranh sách đại chúng chắc chắn sẽ khốc liệt hơn khi kinh tế suy thoái trong khi người dân ngày càng trở nên khó tính hơn và nhận thức rõ mình muốn gì hơn, cũng như thấu hiểu các chiêu trò marketing hơn.

Nhưng để đánh giá thành bại và hệ lụy của xu hướng xuất bản này vẫn còn quá sớm. Biến cố gây ảnh hưởng lớn đến thị trường sách trong hai năm Covid-19 (2020 và 2021) tuy tạo nên sức bật cho phương thức kinh doanh xuất bản này, nhưng suy thoái sắp tới thì chưa chắc. Vốn mỏng, dấu ấn trong tâm trí độc giả chưa đủ sâu đậm, bề dày xuất bản phẩm chưa đủ nhiều, tốc độ quay vòng vốn chậm… có thể sẽ là những khó khăn không dễ gì vượt qua. Hơn nữa, với quy mô đầu tư nhỏ, dễ dàng co duỗi, lại cũng chính là lực cản, bởi vì khi thị trường gặp sóng gió lớn và gặp các tình huống khó khăn hơn, các ông chủ sẽ dễ dàng bán lại hoặc thoái vốn. Trong khi ấy, các công ty sách lớn ở giai đoạn trước đó cũng gặp bài toán kinh tế lớn hơn với mô hình cồng kềnh không dễ chuyển đổi, và chắc chắn sẽ không mạnh tay đầu tư vào sách chất lượng cao như trước đó nếu kinh tế tiếp tục suy thoái hơn. Một khoảng hẫng với sự sụt giảm sách chất lượng sẽ diễn ra nếu thị trường sách chuyển biến xấu theo hướng này, và có lẽ chỉ có thể trông chờ vào tình yêu tri thức của các cá nhân sở hữu các công ty sách.

Nhưng đương đầu với biến động của thị trường chung là con đường tất yếu của các doanh nhân ngành sách, dù rằng họ xuất thân là một người làm kinh doanh yêu sách hay người làm tri thức nhận ra rằng “phi thương” thì tri thức cũng “bất phú”. Và với tình huống khó khăn trước mắt của thị trường, cạnh tranh có lẽ không phải phương án tốt, mà thay vào đó, cần một sự liên minh hợp tác bền chặt để cùng nới rộng phạm vi của thị trường sách và tạo ra các thế hệ độc giả mới chất lượng.

Hà Thủy Nguyên

Bài viết kỷ niệm 11 năm thành lập Book Hunter.

*Ảnh đại diện: Một góc không gian đọc tại Trung tâm Book Hunter.

> Tìm đọc thêm:

Thị trường sách Việt Nam (10): Đắt rẻ giá sách và quan niệm kinh tế bao cấp – Book Hunter

Kéo hàn lâm gần văn hóa đại chúng hay nâng đại chúng gần tri thức hàn lâm? – Book Hunter

 

THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM (2): XUẤT BẢN MỘT CUỐN SÁCH, VỪA KHÓ VỪA DỄ

Chưa bao giờ ở Việt Nam, xuất bản một cuốn sách lại dễ dàng đến thế. Chi phí rẻ, mọi sự cấp phép đều có thể mua, mọi sự quảng bá có thể dùng tiền để đánh đổi. Tóm lại, một tác giả có sách xuất bản không còn là niềm tự hào vì tri thức và tâm huyết của mình được công nhận nữa, mà tất cả chỉ đơn thuần là kinh doanh. Cách đây vài năm, người ta quen mồm lải nhải việc

Xây dựng nền tảng tự học trước 15 tuổi

Tháng 10, Book Hunter tổ chức buổi trò chuyện với chủ đề “Tự chủ và Tự học trên đường đời” tại Vinh. Hà Thủy Nguyên nhắn mời tôi tham gia chia sẻ nội dung “Xây dựng nền tảng tự học trước 15 tuổi”. Tôi hào hứng nhận lời, thử “tái xuất giang hồ” sau vài năm rời Hà Nội về Vinh và sống khép mình, làm việc với một nhóm nhỏ học sinh, đi lại giữa một vài nơi quen thuộc gần gũi. Có lẽ

Chuyển dịch văn hóa đọc – Tất yếu của lịch sử

Đây vẫn là câu chuyện hỗn loạn văn hóa đọc ở Việt Nam, nhưng tôi xin phép được thử đưa ra một góc nhìn khác để làm lý giải xem những thiếu sót của chúng ta nằm ở đâu. Và tôi xin bắt đầu câu chuyện từ một quá khứ xa xôi: thời kỳ sơ khởi của sách để đến chúng ta có thể nhìn thấy tiến trình dịch chuyển của các loại tư duy. Thay đổi cách đọc, thay đổi tư duy Văn hóa Việt

THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM (5): RỐI LOẠN THẨM ĐỊNH SÁCH

Ở các nước phát triển phương Tây, sự đa dạng trong xuất bản rất được kích thích, nhưng không hề bị rơi vào tình trạng hỗn loạn. Đó là bởi hệ thống thẩm định sách tại các quốc gia này hoạt động rất tốt và biến chuyển phù hợp với thời đại. Mặc dù thỉnh thoảng, việc thẩm định vẫn xảy ra những sự cố nực cười (như trường hợp giải Nobel Văn chương), nhưng về căn bản, chất lượng thẩm định là khả tín.

Đọc sách nghiên cứu, hiểu và không hiểu

Trong một thị trường sách thiếu vắng tính học thuật và pháp lý, xuất bản lẫn lộn giữa các sách nghiên cứu, sách giới thiệu kiến thức, thậm chí là sách chém gió về kiến thức, người đọc muốn tìm tòi tri thức không khỏi hoang mang. Nhiều bạn trẻ bỏ ra không ít tiền để mua những cuốn sách "nặng đô" về hàm lượng tri thức để chứng minh với bản thân mình rằng mình có thể hiểu được cuốn sách. Nếu hiểu được