Bước vào những ngày cuối năm 2021, mời các bạn cùng làm dịu, chậm lại nhịp sống mà thưởng thức những tác phẩm, những sự kiện tri thức hướng về nghệ thuật và văn học…
Trong tuần từ ngày 06 đến 12 tháng 12 năm 2021, sự kiện tri thức nổi bật với hai buổi “Reading” được thực hiện bởi hai tổ chức khác nhau mang đến góc nhìn rộng hơn, giải mã về cuộc đời cũng như các phát ngôn của Osho và chương trình “Reading” còn lại sẽ xoay quanh chủ điểm “văn học phản địa đàng”. Ngoài ra, còn có nhiều sự kiện thú vị khác hấp dẫn, chờ các bạn tìm hiểu ở phía dưới.
Sách văn học đáng chú ý
1. Đông A thông báo sắp phát hành cuốn “THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI” – Ấn phẩm đầu tiên trong tủ sách Văn chương & Mỹ thuật
Trích: Fanpage Đông A
Trong “Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng viết về “mười hai cuộc đổi thay tiết trời, mười hai sự rung động uyển chuyển của năm tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tình tứ” (Tự ngôn). Không chỉ đầy ắp những cảnh, những tình đắm đuối thiết tha, không chỉ duyên dáng và ý nhị kể biết bao câu chuyện về ẩm thực, thú vui, phong tục của miền Bắc, tùy bút này còn là một điển hình cho phong cách Vũ Bằng, đặc biệt với việc sử dụng câu từ tiếng Việt trong sáng, uyển chuyển, đầy nhạc tính. Một tùy bút đẹp như mơ. Mà đúng là giấc mơ.
“Người ta nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ những nét mặt thương yêu, nhớ những con đường đã đi về năm trước, nhớ người bạn chiếu chăn dắt tay nhau đi trên những con đường vắng vẻ ngào ngạt mùi hoa xoan còn thơm mát hơn cả hoa cau, hoa bưởi. Người ta nhớ heo may giếng vàng; người ta nhớ cá mè, rau rút; người ta nhớ trăng bạc, chén vàng.
Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ…” (Trích “Thương nhớ mười hai”)
Sách phổ thông hữu ích
1. Omega+ hợp tác với tác giả Trần Đán xuất bản cuốn “VÒNG LUÂN HỒI CỦA CÁI ĐẸP – MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ NGHỆ THUẬT”
Trích: Fanpage Omega Plus Books
Tác giả cuốn sách này là nghệ sĩ, họa sĩ Trần Đán – một người đến rất trễ với nghệ thuật. Lòng đam mê niên thiếu của tác giả đối với nghệ thuật đã bị kìm nén trong suốt 40 năm để rồi trỗi dậy sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Tác giả không hề tiếc nuối. Tuổi nào cũng có thể đến với nghệ thuật. Nhưng một khi đã dấn thân thì ta phải dấn thân một cách chỉn chu.
Đây là một cuốn sách tập hợp những bài viết thể hiện sự kiến giải về nghệ thuật rất hữu ích của nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật Trần Đán với một sự quan sát và trải nghiệm từ góc nhìn của một người có nền tảng khoa học và kỹ thuật trước đó.
Các bài viết trong sách này có một đặc điểm chung: chúng không là những áng văn lưu loát mà là những tiểu luận nghiên cứu có hơi hướng khoa học về cái gọi là “nghệ thuật”. Vì thế chúng có thể hơi khô khan. Các bạn hãy chịu khó một chút, vì hy vọng của tác giả là sau khi đọc xong cuốn sách, bạn đọc sẽ được thỏa mãn một cơn khát khác, không phải từ cổ họng mà là từ trí tuệ. Cũng trong cuốn sách này, khái niệm “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh” sẽ được khảo sát lại.
2. Omega+ thông báo phát hành ấn bản đặc biệt “SÚNG VI TRÙNG & THÉP” của Jared Diamond
Trích: Fanpage Omega Plus Books
“Súng, vi trùng và thép” là tác phẩm khoa học phổ thông thứ hai và nổi tiếng nhất của Jared Diamond, được ra mắt lần đầu vào năm 1997 và trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới thời điểm đó. Xuất bản lần đầu tại Việt Nam từ năm 2007, trải qua nhiều lần tái bản khác nhau, nhưng cuốn sách mới thực sự được độc giả quan tâm chú ý kể từ đầu năm 2020 thời điểm dịch Covid 19 bùng phát.
Cuốn sách không chỉ nêu những mặt tiêu cực và tích cực kể trên của dịch bệnh. Sự hiện diện của nó tại thời điểm này như một dấu ấn không thể xoá nhòa trong trí nhớ của bất kì ai đọc nó: tất cả chúng ta đang trải qua một sự kiện lịch sử chưa từng có trong vòng một thế kỉ qua, trải qua tất cả những tai ương lẫn những biến động to lớn do dịch bệnh mang lại, và với cuốn sách này, chúng ta có cơ hội nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm qua của nhân loại, tự chiêm nghiệm trong buồn lo và cả niềm tin vào tương lai tốt đẹp sắp tới.
Đồng thời, cuốn sách cũng vừa vinh dự được trao Giải A – Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam lần thứ 4 năm 2021.
Với tất cả những lí do trên, chúng tôi quyết định cho ra đời phiên bản kỉ niệm đặc biệt của cuốn sách “Súng, vi trùng và thép” tại thời điểm này với tên gọi: COVID EDITION.
3. Nhã Nam thông báo phát hành cuốn “CHIA RẼ – TẠI SAO CHÚNG TA ĐANG SỐNG TRONG THỜI ĐẠI CỦA NHỮNG BỨC TƯỜNG” của Tim Marshall
Trích: Fanpage Nhã Nam
Nếu như trong “Những tù nhân của địa lý”, Tim Marshall – nhà văn, ký giả kỳ cựu, khẳng định nhân loại vẫn bị giam hãm trong nhà tù địa lý mặc dù đang ráo riết với giấc mơ vươn vào không gian, thì ở “Chia rẽ” (2018), góc nhìn trở nên thật gần hơn: con người đang tự dựng lên những bức tường vô hình trong tâm trí để chia rẽ chính mình.
Marshall đã chọn một vài trường hợp tiêu biểu để triển khai trong tác phẩm như: hệ thống an ninh mạng Vạn Lý Hỏa Thành của Trung Quốc tưởng chừng như thống nhất nhưng lại có nhiều nạn rứt từ bên trong; Trung Đông loay hoay với xung đột sắc tộc, tôn giáo; châu Âu thì lại đang phải đối mặt với vấn đề nhập cư, thương mại và chủ quyền,… Hiện trạng về các bức tường vô hình này dường như còn có xu hướng gia tăng, bất chấp những nỗ lực xóa bỏ khoảng cách địa lý.
Những bức tường chia rẽ tôn giáo, sắc tộc, chủ thuyết chính trị này vẫn bám trụ dai dẳng trong tâm trí như một phần bản chất con người và theo chúng ta vào thời đại mới, cùng với sự phát triển của các hình thái xã hội. Trong khi đó, các nền tảng công nghệ thông tin được kỳ vọng kết nối con người, song lại làm phát sinh thêm nhiều “bộ lạc mới” trên cộng đồng mạng, họ tự tiện phát ngôn, buông lời công kích, và gây chia rẽ.
“Chia rẽ” là một tác phẩm khách quan viết về địa chính trị. Tác giả không tỉ mỉ liệt kê và phân tích mọi vùng miền, mọi sự chia rẽ, mà “tập trung vào những khu vực minh họa tốt nhất cho thách thức với bản sắc trong một thế giới đã toàn cầu hóa” để chuyển tải một thông điệp mang tính cảnh báo: Chúng ta đã và đang sống trong một thế giới bị chia rẽ, thế giới của những bức tường hữu hình lẫn vô hình, dẫy đầy sự phân tranh, và hiện trạng đó chưa có nhiều dấu hiệu được cải thiện.
4. Kim Đồng thông báo phát hành cuốn “HỒ SƠ TÂM LÍ TỘI PHẠM” (2 tập) của Cương Tuyết Ấn
Trích: Fanpage Bookaholic
BỘ SÁCH CHẤN ĐỘNG NHẤT VỀ TÂM LÍ TỘI PHẠM. PHƠI BÀY TRỌN VẸN NHỮNG GÓC KHUẤT NỘI TÂM CỦA KẺ THỦ ÁC.
Kể từ khi nghiên cứu tâm lí học tội phạm đến nay, tôi đã chứng kiến rất nhiều tội ác muôn hình vạn trạng, nhưng hầu hết tất cả những hành vi biến thái đó đều ẩn chứa đằng sau một động cơ chung: Khát vọng được quan tâm và yêu thương.”
Trước đây, trên thế giới từng có những vụ trọng án đi vào ngõ cụt, bởi tất cả các bằng chứng và dấu vết đã bị kẻ thủ ác khôn ngoan xóa sạch. Trong lịch sử, không hề hiếm những vụ án mà cảnh sát phải bó tay, không thể bắt hung thủ hiện nguyên hình.
Ngày nay, ngoài các kĩ thuật hình sự hỗ trợ điều tra tội phạm, thì tâm lí học tội phạm chính là một trong những “kĩ thuật bóc tách” hung thủ từ các nghi can. Những kẻ giết người hàng loạt thực hiện hành vi tàn nhẫn hết lần này đến lần khác mà không để lại chút sơ hở nào, vậy giữa biển người mênh mông làm sao có thể khoanh vùng và tìm được kẻ thủ ác? Những nhà tâm lí học tội phạm dựa vào các hành vi gây án hay còn gọi là chứng cứ hành vi để phân tích tâm lí của kẻ thủ ác và bước đầu phác họa hồ sơ tội phạm, giúp thu hẹp phạm vi điều tra.
5. Thái Hà Books thông báo phát hành cuốn “KHI MỌI THỨ SỤP ĐỔ – LỜI KHUYÊN CHÂN THÀNH TRONG NHỮNG THỜI ĐIỂM KHÓ KHĂN” của Pema Chodron
Trích: Thaihabooks
Chắc hẳn ai trong chúng ta đều ít nhất một lần rơi vào trạng thái “tồi tệ” nhất khi mọi thứ từ công việc, sức khỏe, tinh thần, tình cảm,….đều trở nên sa sút, tiêu cực.
Tại thời điểm đó, một cảm giác chực chờ muốn vỡ tan. Khi mọi thứ bắt đầu lung lay và không còn gì chống đỡ, tất cả như sụp đổ khiến chúng ta kiệt sức và rất khó để có thể vực dậy.
Tuy nhiên, khi chúng ta biết quán chiếu, biết chăm sóc tinh thần mình thì tất cả mọi sự “sụp đổ” đều không khiến ta “lay động”.
Vậy sự ta cần thực tập như thế nào, thiền quán ra sao để trụ vững chính mình và vượt qua tất cả?
Với sự tham cứu sâu sắc và ứng dụng những lời dạy của các bậc thầy, những vị Lama nổi tiếng trong suốt 7 năm, tác giả Pema Chodron đã tìm ra câu trả lời cho những vấn đề trên.
Quyển sách “Khi mọi thứ sụp đổ – Lời khuyên chân thành trong những thời điểm khó khăn” là tinh hoa mà tác giả đúc kết từ kinh nghiệm thực hành tâm linh của mình.
Sự kiện tri thức
1. Book Hunter tổ chức sự kiện trực tuyến TFB#14 “Dưỡng sinh tiết Đông Chí”
Trích: Fanpage Book Hunter
Đông Chí là tiết khí thứ 22 của 1 năm, được coi là thời điểm giữa mùa đông. Chữ Chí trong Đông Chí nghĩa là đã đạt đến điểm cùng cực.
Bước vào tiết khí này, thời tiết lạnh lẽo, bầu trời u ám, gió mùa rét buốt nhất trong năm. Còn theo khoa học, tiết khí này chính là trạng thái nghỉ ngơi của vạn vật để chuẩn bị cho thời kỳ sinh sôi, biến hóa và phát triển mạnh mẽ ở những giai đoạn sau.
Trong ngày Đông chí, khí âm bên trong cơ thể chúng ta đạt đến cực điểm, trong khi khí dương bắt đầu khởi lên. Thời điểm âm dương sắp luân chuyển là thời điểm tốt nhất để đẩy lùi bệnh tật ra khỏi cơ thể và củng cố, cân bằng năng lượng bên trong cơ thể.
Do vậy, đây là giai đoạn cần cung cấp các chất dinh dưỡng một cách tối ưu cho cơ thể và kết hợp nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý.
2. Book Hunter tổ chức buổi Reading with me #19 “Cuộc đời nổi loạn của Osho”
Trích: Fanpage Book Hunter
Trong buổi Reading with me #19 này, nhà văn Hà Thủy Nguyên cùng với dịch giả Phi Tuyết sẽ chia sẻ với các bạn một bộ sách đặc biệt, tập hợp các mẩu chuyện Osho tự kể về cuộc đời của mình.
Bộ sách gồm 4 cuốn: Đứa trẻ nổi loạn, Sinh viên nổi loạn, Giáo sư nổi loạn, Guru nổi loạn. Bộ sách được tập hợp và dịch bởi Phi Tuyết, một nhà văn tự do và thực tập tâm linh.
3. Cà phê thứ bảy tổ chức chương trình CHƯƠNG TRÌNH CÀ PHÊ GIÁO DỤC & GIA ĐÌNH với chủ đề “GIÚP CON HỌC TRỰC TUYẾN TRONG ĐIỀU KIỆN GIÃN CÁCH VÌ COVID”
Trích: Cà phê thứ bảy
- Chủ trì : Tiến sĩ Bùi Trân Phượng
- Khách mời:
- Chị Văn Thiên Đỗ Quyên – Dược sĩ
- Chị Đinh Thu Hằng – Chuyên viên Logistics
- Anh Trần Vũ Bình – Tiến sĩ Công nghệ Thông tin
- Dẫn chương trình: Hương Giang
Cà phê Giáo dục và Gia đình là kết quả hợp tác giữa Cà phê thứ Bảy (do nhạc sĩ Dương Thụ sáng lập) và TEACH – Cùng Giáo viên Thay đổi, TEACH – Cùng Phụ huynh Thay đổi (do nhà giáo Bùi Trân Phượng khởi xướng).
Với sinh hoạt định kỳ này, chúng tôi mong tạo một không gian trao đổi để phụ huynh, nhà giáo và các bạn trẻ cùng nhau thảo luận về những trải nghiệm, suy tư và đề xuất của mình về giáo dục gia đình, về khả năng đóng góp của ông bà, cha mẹ và thành viên khác trong gia đình, kể cả các con, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho trẻ lớn lên, phát triển cảm xúc, tư duy và nhân cách một cách lành mạnh, tử tế, kế thừa được tinh hoa truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời tự trang bị kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết để sống cùng thời đại của mình, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Trong buổi sinh hoạt đầu tiên, với sự điều phối của nhà giáo Bùi Trân Phượng, chúng ta sẽ thảo luận về chủ đề nóng bỏng: “Giúp con học trực tuyến trong điều kiện giãn cách vì Covid”.
Ba phụ huynh sẽ tham gia diễn đàn gồm hai người mẹ, chị Văn Thiên Đỗ Quyên – dược sĩ và chị Đinh Thu Hằng – chuyên viên Logistics, cùng một người cha, anh Trần Vũ Bình – TS Công nghệ Thông tin, hiện là chuyên gia tư vấn giải pháp Chuyển đổi số của Công ty FPT.
Là phụ huynh của các cháu từ mẫu giáo đến lớp 7, các vị phụ huynh này chia sẻ trải nghiệm thực tế của mình, những điều học được cũng như những băn khoăn, trăn trở. Đồng thời là chuyên gia, anh Bình sẽ nói về khoảng cách công nghệ giữa phụ huynh và các cháu, gợi ý cách cha mẹ có thể làm để giúp các con học tốt hơn.
4. Cà phê thứ bảy tổ chức chương trình PHIM TÀI LIỆU DOCLAND7 số 17, chiếu và thảo luận bộ phim tài liệu “ĐỘNG VẬT LÀ GIỐNG DÂN ĐẸP ĐẼ”
Trích: Cà phê thứ bảy
- Quốc gia sản xuất: Cộng hòa Nam Phi
- Đạo diễn: Jamie Uys
- Thời lượng phim: 92 phút
- Dẫn chương trình: ĐỖ QUỐC TUẤN – MẠNH CƯỜNG
Nếu bạn đã từng ngả nghiêng cười cùng The Gods Must Be Crazy (Thượng đế cũng phải cười) thì càng không thể bỏ qua tác phẩm được làm trước đó 6 năm cũng của đạo diễn người Nam Phi Jamie Uys – Animals Are Beautiful People (1974).
Bộ phim tài liệu về thiên nhiên Nam Phi , được trình bày với các yếu tố hài hước vốn là phong cách của J.Uys. Phim được quay ở sa mạc Namib, sa mạc Kalahari, sông Okavango và đồng bằng Okavango. Phim đã nhận được giải Quả cầu vàng 1974 cho Phim tài liệu hay nhất.
5. Philosapiens tổ chức sự kiện online “SỰ THA HÓA CỦA CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC HIỆN SINH CỦA NIKOLAI BERDYAEV” (qua tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần”)
Trích: Fanpage Philosapiens
Thế kỷ Bạc của văn hóa Nga đã sản sinh ra Nikolai Berdyaev (1874 – 1948), nhà triết học và thần học vĩ đại, một trong những thủ lĩnh của chủ nghĩa hiện sinh Cơ Đốc giáo ở Nga, một cây cầu nối giữa tư tưởng tôn giáo Nga và phương Tây. Ông không chỉ chứng kiến mà còn tham gia tích cực vào những sự kiện trọng đại trong lịch sử nước Nga và thế giới: cách mạng, nội chiến, hai cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng trong tình cảnh éo le của lịch sử, sự nghiệp triết học của Berdyaev đã nở hoa rực rỡ. Ông để lại cho nhân loại một di sản triết học khổng lồ, và một số tác phẩm nổi tiếng đã được dịch ở Việt Nam: Triết học của tự do, Thế giới quan của Dostoevsky, Ý nghĩa của Lịch sử, Con người trong thế giới tinh thần,…
“Con người trong thế giới tinh thần” là một tác phẩm được Berdyaev viết trong giai đoạn sống lưu vong ở Pháp, nhưng tại đó ông chưa bao giờ khỏi day dứt về số phận của nước Nga ruột thịt, của những con người Nga nhỏ bé, yếu ớt, đang sống một cách lay lắt trước “những cú đập mạnh của một thời đại kinh hoàng”. Thời gian sống ở nước Pháp hoa lệ, được tiếp xúc với văn minh nhân loại, Berdyaev đã nhận ra thảm cảnh của người châu Âu thực chẳng khác gì của người Nga, từ đó ông đưa ra một bản cáo trạng chung về tình trạng của loài người. Đó là tình trạng tha hóa, biến chất về nhân cách, là sự sa ngã, đánh mất chính mình trước những dục vọng vật chất tầm thường. Chính tình trạng tha hóa đang làm nguy hại đến nhân tính của con người. Nô lệ của vật chất hoặc tự do của tinh thần – đó là tuyên ngôn của triết học hiện sinh Berdyaev.
Những lập luận của Berdyaev về sự tha hóa của con người đã gây ra một sự khó chịu rất lớn đối với những người theo chủ nghĩa duy vật, nhưng những hiện trạng nhân sinh được Berdyaev mở ra lại rất hiện thực, đến mức xã hội hiện tại chúng ta đang sống dường như không thể tránh khỏi. Triết học Berdyaev được ca ngợi là “triết học tiên tri”, nó không chỉ là hình ảnh của quá khứ, mà chính là hình ảnh của hiện tại và tương lai.
6. Tổ Chim Xanh tổ chức buổi Bluebird Reading Series #1: Văn học phản địa đàng
Trích: Fanpage Tổ Chim Xanh – Bluebirds’ Nest
Văn học phản địa đàng (dystopia) được cho là hệ quả phát sinh từ văn học địa đàng (utopia), bộ phận văn chương mô tả các “địa đàng”, tức xã hội lý tưởng, được tổ chức “hoàn hảo”, bắt đầu từ khi tiểu thuyết Utopia của Thomas More ra đời. Văn học phản địa đàng đưa ra những viễn cảnh (đen tối, dù có vỏ bọc tươi sáng) của xã hội tương lai, về cơ bản dựa trên vài rường cột chính: thảm họa sinh thái, sự thống/toàn trị của công nghệ, quyền lực thái quá của nhà nước, phi nhân hóa, thực tại sống bị giản lược,….
Văn chương phản địa đàng đạt được những thành tựu rực rỡ trong thế kỉ XX. Các tiểu thuyết phản địa đàng luôn là bức tranh phóng đại những quan niệm phổ quát về thế giới của tác giả vốn ảnh hưởng bởi thời đại họ sống. Ta nhận thấy rằng họ đã viết về những thực tại đáng báo động mà chúng ta càng ngày càng tiệm tiến tới gần trên nhiều phương diện. Những thực tại phản địa đàng đó đang hiện hữu trong chính xã hội của chúng ta. Việc đọc (lại) các tác phẩm văn học phản địa đàng với những câu chuyện “thái quá” về tương lai trong bối cảnh hiện nay, vì thế, càng mang nhiều ý nghĩa: giúp chúng ta hình dung tốt hơn về thực tại ta đang sống và có những nhận thức lại kịp thời.
Buổi đọc Bluebird Reading Series số 1 sẽ xoay quanh chủ điểm văn học phản địa đàng và các tác phẩm tiêu biểu của bộ phận văn học này, phần lớn đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và được phát hành rộng rãi (Thế giới mới tươi đẹp, Người truyền ký ức, 451 độ F, Khi loài vật lên ngôi, Cỗ máy thời gian, Chúng tôi…).
7. Viện Goethe cùng CAB Read đồng tổ chức buổi “Điền dã và thực hành thác bản văn bia”
Trích: giới thiệu sự kiện “Điền dã và thực hành thác bản văn bia”
Hai chuyến điền dã và thực hành làm thác bản sắp tới sẽ đưa người tham gia đến các loại ??̆? ??? ??́? ??̂?. Văn bia là một loại hình văn vật thuộc về di sản ký ức, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sử liệu thành văn của Việt Nam nói chung và của Quảng Nam nói riêng. Các thông tin mà văn bia chuyển tải hết sức phong phú và đa dạng trên nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, mỹ thuật… Dưới tác động của thời gian và con người, loại hình di sản này đã dần mai một trên nhiều phương diện.
Làm thế nào để tri nhận được các thông điệp từ hàng trăm năm trước của tiền nhân lưu lại trên văn bia? Làm thế nào để bảo tồn, tư liệu hoá bằng cách làm thác bản loại hình di sản này??? Thực địa và thực hành cùng Nôm Nà sẽ hé mở những câu hỏi đó.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bản tin tri thức do nhóm Book Hunter thực hiện.
Điểm tin: Trần Cúc
Do nhân lực có hạn, nên Book Hunter có thể sẽ tổng hợp thiếu sót các tin tức. Chúng tôi rất mong các bạn có thể cùng chia sẻ tin tức về các hoạt động xuất bản, sự kiện học thuật, hoạt động nghiên cứu… trong và ngoài nước, để Bản tin tri thức đa chiều hơn và đầy đủ hơn.
Đọc thêm Bản tin tri thức tuần trước:
https://bookhunter.vn/sach-hay-trong-nuoc-tuan-tu-ngay-29-thang-11-den-5-thang-12-nam-2021-sau-nh-n-vat-di-tim-tac-gia-bi-vo-giao-12-von-van-hoa-kinh-te-thi-truong-va-gioi-trong-cong-dong-nguoi-dao-o-sap/
Đọc thêm Bản tin sách học thuật thế giới tháng 11 năm 2021:
https://bookhunter.vn/sach-hoc-thuat-the-gioi-thang-11-nam-2021-weitiko-chua-lanh-virus-tam-tri-chiem-giu-the-gioi-quyen-luc-cua-dia-ly-cach-triet-ly-hoa-voi-bua-va-liem-nietzsche-va-marx-cho-canh-ta-the-ky-21-nghie/
Đọc thêm Bản tin sách tiếng Trung hay tháng 11 năm 2021:
https://bookhunter.vn/sach-tieng-trung-hay-thang-10-nam-2021-muoi-sau-goc-nhin-ve-nam-hoa-roi-luong-trang-ky-dung-giua-lan-ranh-hai-the-gioi/