Home Đọc SÁCH HAY TRONG NƯỚC TUẦN TỪ NGÀY 22 THÁNG 11 ĐẾN 28 THÁNG 11 NĂM 2021: MICHEL FOUCAULT, BÁO CÁO TÀI CHÍNH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA WARREN BUFFETT… & PHÊ THƠ #3: TINH THẦN THỢ SĂN TRONG THƠ CA

SÁCH HAY TRONG NƯỚC TUẦN TỪ NGÀY 22 THÁNG 11 ĐẾN 28 THÁNG 11 NĂM 2021: MICHEL FOUCAULT, BÁO CÁO TÀI CHÍNH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA WARREN BUFFETT… & PHÊ THƠ #3: TINH THẦN THỢ SĂN TRONG THƠ CA

Trần Cúc

29/11/2021
sach-hay-trong-nuoc-22-thang-11

Trong tuần từ ngày 22 đến 28 tháng 11 năm 2021, thị trường sách trong nước đem lại cho chúng ta khá nhiều đầu sách vừa thú vị vừa mới lạ so với thời gian trước liên quan tới: tư tưởng của Foucault, khái niệm Chân – Thiện – Mĩ, tài chính,… Dưới đây là tổng hợp những cuốn sách hay cùng những sự kiện tri thức thú vị trong tuần cuối của tháng 11

Sách học thuật thú vị

1. Khải Minh Book dự kiến phát hành cuốn “MICHEL FOUCAULT” của GS. Sara Mills (Đại học Sheffield Hallam, Vương quốc Anh) vào ngày 06/12/2021

Trích: Fanpage Khải Minh Book

Michel Foucault (1926-1984) là nhà lý luận xã hội, nhà triết học, nhà sử học và nhà tâm lý học người Pháp, người hoạt động chính trị và trí tuệ cho đến khi qua đời. Ông được nhớ đến với phương pháp sử dụng nghiên cứu lịch sử để làm sáng tỏ những thay đổi trong diễn ngôn theo thời gian, và các mối quan hệ phát triển giữa diễn ngôn, tri thức, thể chế và quyền lực. Các công trình và hoạt động của Foucault đã truyền cảm hứng cho các nhà xã hội học trong các lĩnh vực phụ bao gồm xã hội học về tri thức ; lý thuyết giới tính, tình dục và đồng tính luyến ái; lý thuyết phê bình;  lệch lạc và tội phạm; và xã hội học giáo dục. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bao gồm Kỷ luật và Trừng phạt, Lịch sử tính dục, và Khảo cổ học của Tri thức.

Cuốn sách này của GS. Sara Mills (Đại học Sheffield Hallam, Vương quốc Anh) là một định hướng dẫn nhập mới mẻ về những tư tưởng có ảnh hưởng nhất của Foucault, về bối cảnh của chúng và cách thức mà nhiều nhà phê bình đã sử dụng chúng. Khảo xét những khái niệm khóa như quyền lực, diễn ngôn, tri thức, tính dục, chủ thể tính và chứng điên, Sara Mills hướng đạo dẫn dắt người đọc xuyên qua khung tư tưởng lý thuyết của Foucault, thứ đã tạo nền cho rất nhiều ngành học hiện nay. Bà cũng cung cấp một hướng dẫn chi tiết cụ thể về những công trình chủ yếu của Foucault và một danh sách các công trình tham khảo đọc thêm, để chuẩn bị hành trang đầy đủ hơn cho những ai dự tính sẽ nghiên cứu sâu hơn vào tư tưởng của Foucault. Về cơ bản cuốn sách này sẽ xem xét việc làm thế nào những người đọc còn lạ lẫm với tư tưởng của Foucault có thể tiếp nhận được một số phương pháp phân tích của ông và ứng dụng chúng vào những nghiên cứu của họ.

Ảnh: Khải Minh Book

Sách văn học đáng chú ý

1. NXB Trẻ cho ra mắt cuốn “THUNG LŨNG BẤT HẠNH” của Agatha Christie

Trích: NXB Trẻ 

Khi có mặt tại trang viên Thung Lũng để ăn trưa theo lời mời của bà Lucy Angkatell, thám tử Hercule Poirot không mấy vui khi thấy những vị khách đã dàn dựng một hiện trường án mạng bên hồ bơi để trêu chọc mình.

Thật không may, đó là thật. Lúc những giọt máu loang xuống nước, nạn nhân cũng thì thầm từ cuối “Henrietta”. Khẩu súng trên tay người vợ, vật chứng số một, trong lúc bối rối cũng bị rơi xuống nước.

Điều tra của Poirot cho thấy mọi chuyện phức tạp hơn ông tưởng. Có vẻ như ai cũng có động cơ gây án, và trong đại gia đình nhiều bí ẩn này, mỗi người đều là nạn nhân của tình yêu.

“Một cuốn sách lạ lùng và sâu sắc; như một đại dương sâu thẳm với những dòng chảy ngầm mạnh mẽ.” – Tác giả đoạt giải thưởng quốc tế Michel Houellebecq

“Một cốt truyện hạng A – hay nhất của Christie trong nhiều năm.” – San Francisco Chronicle

Ảnh: NXB Trẻ

Sách phổ thông hữu ích

1. NXB Tri thức giới thiệu sách mới xuất bản “CHAKLENG – TỪ MẢNH GHÉP KÍ ỨC” của Inrasara

Trích: NXB Tri thức 

Chakleng, làng Cham ngàn năm có tên trên bi kí. Chakleng, tên làng cũng là tên đập nổi tiếng Ninh Thuận. Chakleng được nhắc đến trong tục ngữ: ‘Palei Caklaing jih dalah, gauk glah palei Hamu Crauk’: Mĩ Nghiệp thổ cẩm, Vĩnh Thuận đồ gốm.

Chakleng sở hữu tất cả những gì palei Cham Pangdurangga có: tài năng, ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh. Thế nhưng bao nhiêu “có” ấy đã thất tán cùng với văn hóa, văn minh Cham, phân mảnh tản mác khắp nơi và chỉ còn đọng lại trong kí ức của bao thế hệ.

Thế nên viết về Chakleng không thể như nhà nghiên cứu viết thứ địa dư chí với các chứng cứ đầy tính khoa học, mà cần đến cách tiếp cận khác: từ kí ức những đứa con Chakleng, cả ‘urang parat’ “chú rể” về làm dân Chakleng.

Qua lối diễn đạt khác: như một chuyện kể, một oral history. Cả sử liệu được cho là chắc nịch nhất: bi kí, văn bản cổ… cũng cần được nhìn như chuyện kể, sự kiện được kể lại. Cho Chakleng sống giữa lòng đứa con Chakleng, và giữa lòng Cham.

Ảnh: NXB Tri thức

2. Thái Hà giới thiệu sách mới “LỜI DẠY CỦA MỘT NHÀ SƯ” của Hasu Tran

Trích: Thaihabooks

Trong cuộc đời tăm tối này, cái gì soi rọi cho chúng ta đây?

Đức Phật dạy có bốn loại ánh sáng:

  • Ánh sáng mặt trăng cho ban đêm
  • Ánh sáng mặt trời cho ban ngày
  • Ánh sáng của lửa để thắp lên trong đêm tối
  • Và ánh sáng của trí tuệ.

Ba loại ánh sáng đầu tiên không phải lúc nào cũng có, muốn là có như ý mình. Nhưng khả năng soi rọi của trí tuệ không bị giới hạn trong không gian và thời gian. Dù nói về khía cạnh duy tâm hay duy vật, trí tuệ là nguồn sáng của thế giới.

Giữa biển trời sanh tử này, giữa cõi đời mê ngủ này, nếu thực sự chúng ta không gặp được những người thầy để có thể dìu dắt cho mình, thì có thể hoặc chắc chắn mình sẽ phải gồng gánh nhiều đau khổ. Nên cuốn sách nói về thay đổi của cô gái trẻ sau khi bắt gặp lời dạy của một nhà sư. Chính về thế chính tác giả đã bộc bạch về lý do viết cuốn sách này:

Trong lúc tôi đi tìm tôi, tôi gặp “người đem lửa về”. Người cho tôi chút lửa, nhưng với tôi là cả bầu trời ánh sáng để tôi thắp lên trong những đêm tối của cuộc đời. Người cho tôi chút lửa, nhưng là nguồn hơi ấm giúp xua tan giá lạnh trong ngày tôi lạc bước nơi rừng sâu tăm tối mịt mù.

Chẳng phải Nhật ký hay hồi ký. Chẳng phải truyện ngắn hay truyện dài. Chẳng thật mà cũng chẳng giả. Chẳng phải hư cấu cũng chẳng phải phi hư cấu. Chẳng phải để giải tỏa nỗi buồn hay tuyên truyền gì đó. Ở đây không có buồn lẫn vui. Viết vậy thôi. Tự nhiên cầm bút, tự nhiên như hơi thở. Cái hấp lực gì đó rất đỗi tự nhiên. Móc hết trong tim, trong óc, trong dạ tất cả những gì có thể nhớ, có thể cảm và có thể khắc ghi…

“Lời dạy của một nhà sư”, cuốn sách thể hiện trăn trở của một người trẻ về cuộc sống, cuộc đời, giá trị con người. Từ một người trẻ không có mục đích sống rõ ràng, bị trầm cảm, tác giả đã thay đổi khi gặp được lời dạy của một nhà sư.

Ảnh: Thaihabooks

3. NXB Tri thức chính thức phát hành cuốn “CHÂN, THIỆN, MĨ TRONG TẦM NHÌN ĐƯƠNG ĐẠI” của Howard Gardner

Trích: bản dịch của Hiếu Tân

  • Vì các nghệ sĩ trường phái Ấn tượng bị các nhà phê bình thông thạo bác bỏ, làm sao chúng ta biết mình đúng khi tôn trọng các tác phẩm của họ và ca tụng vẻ đẹp của chúng? Chúng ta thông minh hơn hay sáng suốt hơn “những con mắt” của năm 1870? Tại sao xã hội Hi Lạp cổ, nơi xuất hiện triết học và nền dân chủ, vẫn dung dưỡng chế độ nô lệ và thân phận thấp hèn của phụ nữ? Tại sao con người tin lâu đến thế rằng mặt trời quay quanh trái đất và trái đất dẹt, tại sao nhiều người vẫn còn tin rằng loài người đã được tạo ra vào ngày thứ sáu? Thiếu những câu trả lời thỏa mãn như vậy có thể khiến những người lớn có hiểu biết vứt bỏ những khái niệm chân-thiện-mĩ.
  • Có thể sẽ có ít dần những người đi xem đơn độc một mình, người xem có thể thường cầm theo thiết bị di động, thậm chí có thể quan tâm đến trải nghiệm tổng thể hơn là đến một tác phẩm nghệ thuật cụ thể nào đó. Nhưng việc gặp gỡ các tác phẩm nghệ thuật sẽ không bao giờ biến mất.
  • Không phải ai trong chúng ta cũng đều có thể lên những đỉnh tháp cao (của chân-thiện-mĩ), nhưng chúng ta cũng không cần lặng thầm hay đi vào đêm tối. Lựa chọn của chúng ta không nhất thiết nghe lệnh của hệ gen hay những lực vô nhân xưng của cung và cầu. Ai trong chúng ta cũng đều có thể tụ tập quanh lửa trại, bàn hội nghị, một trang mạng và tham gia thảo luận sôi nổi về ba phẩm tính.
Ảnh: NXB Tri thức

4. DT BOOKS phát hành cuốn “BÁO CÁO TÀI CHÍNH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA WARREN BUFFETT” vào tháng 11/2021 và  tái bản vào tháng 12/2021 

Trích: Fanpage DT BOOKS

“Benjamin Graham, “ông chủ” của Phố Wall và là thầy của Warren, đã ứng dụng các kỹ thuật phân tích trái phiếu sơ khai vào việc phân tích các cổ phiếu thông dụng. Nhưng Graham không bao giờ phân biệt giữa một công ty đang có lợi thế cạnh tranh dài hạn so với các đối thủ cạnh tranh và một công ty không có lợi thế đó. Ông chỉ quan tâm liệu công ty có đủ khả năng tạo lợi nhuận để giúp nó thoát khỏi khó khăn về kinh tế đã đẩy giá cổ phiếu giảm liên tục hay không. Nếu giá không biến động sau hai năm, ông liền bán cổ phiếu đi. Không phải Graham đã lỡ chuyến tàu, mà chỉ là ông ấy không lên đúng chuyến tàu giúp ông trở thành người giàu nhất thế giới như Warren.

Ngược lại, sau khi khởi đầu sự nghiệp với Graham, Warren đã khám phá ra khía cạnh kinh tế tuyệt vời của việc tạo ra tài sản của một công ty có lợi thế cạnh tranh dài hạn so với các đối thủ. Warren đã nhận ra rằng, càng nắm giữ cổ phiếu của một trong những doanh nghiệp tuyệt vời này lâu bao nhiêu thì bạn sẽ càng giàu có bấy nhiêu.

Trong quá trình khám phá các lợi ích của việc sở hữu một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh dài hạn, Warren đã phát triển một bộ công cụ phân tích độc đáo giúp xác định các dạng doanh nghiệp đặc biệt. Tuy được bắt nguồn từ trường phái cũ của Graham, nhưng cách nhìn nhận sự việc mới mẻ đã giúp ông xác định liệu công ty có thể tồn tại sau khi trải qua các vấn đề hiện tại hay không.”

Ảnh: DT BOOKS

Sự kiện tri thức

1. Book Hunter tổ chức buổi Phê Thơ #3: “Tinh thần thợ săn trong thơ ca”

Trích: Book Hunter

Diễn giả: Hà Thủy Nguyên

Thợ săn là một nguyên mẫu chưa được các nhà nghiên cứu và các nhà sáng tạo thực sự để tâm đến, thế nhưng ẩn sâu trong rất nhiều nhà thơ, hình bóng của thợ săn đã xuất hiện dưới những lớp vỏ khác nhau.

Trong sự kiện PHÊ THƠ #3 lần này, chúng ta hãy dành những ngày cuối tháng 11 để chiêm nghiệm về tinh thần thợ săn, và cùng phát hiện bóng dáng của các thợ săn trong thơ ca thông qua 3 bài thơ khá quen thuộc:

  • Đoạn trích “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi
  • Đoạn trích “Nhớ rừng” của Thế Lữ
  • Bài thơ “Người gái thiên nhiên” của Đinh Hùng

2. Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace, viện Goethe cùng một số tổ chức khác phát trực tiếp Hội thảo chuyên đề: “Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh (AVGC) tại Việt Nam: Sự kết hợp quan điểm giữa Pháp và Đức”

Trích: Giới thiệu sự kiện “Hội thảo chuyên đề: Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh (AVGC) tại Việt Nam” 

Ngày nay, truyện tranh là một hình thức biểu đạt nghệ thuật quan trọng ở Châu Âu, Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Thị trường xuất bản truyện tranh đang phát triển không ngừng và mỗi độc giả đều có thể tìm cho mình một tác giả, một bộ sách đáp ứng thị hiếu riêng. Đây cũng là một nguồn cảm hứng có sức ảnh hưởng và mang tới sự tương tác hai chiều với các phương tiện truyền thông khác: nhiều bộ phim, phim truyền hình, video games, tiểu thuyết hoặc triển lãm đã được chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ các nhân vật, các câu chuyện trong truyện tranh, hay còn được biết tới là Nghệ thuật thứ chín. Truyện tranh còn là một phần của lĩnh vực rộng hơn được gọi là công nghiệp hình ảnh (hoạt hình, video games, truyện tranh).

Mục đích của hội thảo là quy tụ các họa sĩ minh họa, nhà văn, biên tập viên, nhà làm phim, nghệ sĩ, nhà báo, nhà xuất bản, nhà phê bình, cùng các nhà văn hóa và chuyên gia khác của Việt Nam để suy ngẫm và trao đổi về các điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Việt Nam dựa trên hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh. Đặc biệt, các diễn giả sẽ trình bày cách thức mà lĩnh vực xuất bản truyện tranh đã phát triển trong nền công nghiệp hình ảnh ở Pháp và Đức.

Ảnh sự kiện “Hội thảo chuyên đề: Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh (AVGC) tại Việt Nam”

3. Hội đồng Anh giới thiệu chuỗi diễn đàn trực tuyến  tới các Đối tác Đông Nam Á: Các sự kiện Nghệ thuật và Văn hóa 

Trích: British Council Việt Nam

Sự kiện sẽ được tổ chức trực tuyến từ 22 đến 25 tháng 11 năm 2021

Điểm nhấn của sự kiện là chương trình Kết nối Việt Nam, phiên sự kiện dành cho Việt Nam diễn ra vào lúc 16.00 đến 17.30 ngày 24 tháng 11. Chương trình sẽ tập trung giới thiệu ba dự án hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong các lĩnh vực rất đa dạng từ âm nhạc, tổ chức lễ hội, sân khấu, nghệ thuật và người khuyết tật, đến tư duy, thiết kế và chế tạo bền vững. 

Tham dự chương trình, khán giả sẽ có cơ hội tìm hiểu về những dự án hợp tác này từ việc hình thành, phát triển (trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19), đến lúc thăng hoa và đưa nghệ thuật đến với cuộc sống tại Hà Nội, Brighton, London và Cardiff. Chương trình cũng sẽ giới thiệu bối cảnh hiện tại của văn hóa Việt Nam từ Bắc vào Nam, chia sẻ những nét hấp dẫn của các thành phố tại Việt Nam và về cộng đồng khán giả trẻ trung, năng động, và rộng mở đón nhận các sản phẩm văn hóa nghệ thuật mới. 

Sự kiện kéo dài một tiếng rưỡi này sẽ cho khán giả thấy được chiếc cầu mà Hội đồng Anh xây dựng nối từ Vương quốc Anh tới Việt Nam, và như anh Adam Ryan, Giám đốc Âm nhạc của Lễ hội The Great Escape chia sẻ – “để từ đó hai bên có thể tận dụng được kiến thức về bối cảnh địa phương cũng như các mối quan hệ của nhau” trong sáng tạo nghệ thuật và kiến tạo đời sống văn hóa xuyên biên giới.

Ảnh: British Council

4. Cà phê thứ bảy tổ chức chương trình CÀ PHÊ MỸ THUẬT với chủ đề “7 MỤC ĐÍCH CỦA NGHỆ THUẬT VÀ THUYẾT TIẾN HÓA CỦA DARWIN”

Trích: Cà phê thứ bảy  

  • Diễn giả: Nhà nghiên cứu Mỹ Thuật – Họa sĩ Trần Đán (từ Hoa Kỳ) – là một nhà nghiên cứu độc lập về nghệ thuật thế giới, hiện sống tại Mỹ. Ông cũng là một họa sĩ trừu tượng và ngây thơ đã có triển lãm tại Hoa Kỳ, Đức và Việt Nam, là một nhiếp ảnh gia ý niệm và đường phố từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Ông là tác giả quyển “Vòng luân hồi của cái Đẹp: Một vài suy nghĩ về nghệ thuật” sắp xuất bản, tập hợp các bài viết về các vấn đề lý thuyết cơ bản của nghệ thuật. Ông từng làm việc nhiều năm trong ngành điện tử y học và chỉ bắt đầu tự học thực hành và nghiên cứu nghệ thuật trong mười năm trở lại đây.
  • Chủ trì: Th.S Mỹ Thuật Vũ Huy Thông
  • MC: Hùng Nguyễn

Nghệ sĩ từ xưa đến nay làm nghệ thuật vì nhiều lý do. Có những lý do họ ý thức được, và có những lý do được các nhà nghiên cứu phơi bày khi nhìn từ nhiều góc độ khác nhau: Xã hội học, Triết học, Ngôn ngữ học, v.v… Trong chương trình Cà phê Mỹ Thuật lần này, nhà nghiên cứu Mỹ Thuật, họa sĩ Trần Đán sẽ đưa ra góc nhìn mới: Thuyết Tiến Hóa của Darwin.

Tạm chia ra các mục đích chính thành bảy nhóm, diễn giả dùng Thuyết Tiến Hóa để soi chiếu từng mục đích. Kết luận diễn giả muốn dẫn đến là: mục đích bao trùm nhất của Nghệ Thuật chính là sự trường tồn tinh thần của con người trước những biến thiên của môi trường sống.

Ảnh: Cà phê thứ bảy

5. CUỐN SÁCH TRUYỀN CẢM HỨNG #9 với chủ đề “TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ”

Trích: Cà phê thứ bảy

  • Khách mời: TS. LÊ NGỌC PHƯƠNG – hiện cô là giáo viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy các lớp chuyên Văn trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TPHCM. Hướng nghiên cứu của cô là Lý luận, phê bình văn học và văn học châu Mỹ. Ngoài ra, cô dành sự quan tâm tìm hiểu về văn học Việt Nam đương đại, một trong số đó là các sáng tác của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
  • Chủ trì : NS. DƯƠNG THỤ
  • Dẫn chương trình: KHÁNH NGÂN

Nguyễn Ngọc Tư là một cây bút đương đại với sức viết bền bỉ và khả năng đổi mới liên tục suốt 20 năm qua. “Gia tài” của nữ nhà văn phong phú với nhiều thể loại mà có lẽ nổi bật nhất chính là mảng truyện ngắn. Từng trang văn thấm thía cái dung dị, giàu sức ám gợi, không khí đượm chất thơ u buồn. Tựa như con nước lênh đênh xứ Nam Bộ, nhân vật đầm mình trong nỗi buồn thương, họ gửi chúng vào “gió”, vào “sông”, vào “khói trời lộng lẫy”… để rồi day dứt khơi gợi nơi độc giả một câu hỏi rằng: có cách nào để sống ấm áp và tỉnh thức hơn?

Đến với chương trình Cuốn sách truyền cảm hứng, chủ đề: TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ, bạn trẻ không chỉ có cơ hội bày tỏ suy nghĩ về tác phẩm, phong cách sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư mà còn cùng nhau đối thoại, sẻ chia về chuyện đời, chuyện người, rút ra được từ những trang văn với Khách mời của chương trình, một độc giả của Nguyễn Ngọc Tư: TS. LÊ NGỌC PHƯƠNG.

Ảnh: Cà phê thứ bảy

6. Cà phê thứ bảy tổ chức chương trình PHIM TÀI LIỆU DOCLAND7: “SATOYAMA – VƯỜN THỦY SINH BÍ ẨN CỦA NƯỚC NHẬT” (Phần 2)

Trích: Cà phê thứ bảy

  • Quốc gia sản xuất: NHẬT BẢN
  • Đạo diễn: Masumi Mizunuma
  • Thời lượng phim: 52 phút
  • Dẫn chương trình: ĐỖ QUỐC TUẤN – MẠNH CƯỜNG

Hãy tưởng tượng một địa hạt nơi mà nhịp điệu các mùa cai trị, nơi mà nhiều thế kỷ làm nông nghiệp và đánh bắt cá đã tái-định-hình mảnh đất, ấy thế nhưng cũng là nơi con người và thiên nhiên vẫn giữ được hòa hợp.

Sangoro Tanaka sống ở một chốn thiên đường đúng như vậy. Ở tuổi 83, ông là một người cai quản của một trong những khu vườn thuỷ sinh bí ẩn của Nhật Bản. Trên 1000 năm qua, các thị trấn và làng mạc đã phát triển một hệ thống độc đáo khiến cho các con suối và nước trở thành một phần trong ngôi nhà của mình. Từ bên trong những căn nhà của họ, dòng nước đổ vào con hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản, gần cố đô Kyoto. Đây là một môi trường sống quý giá đến mức người Nhật có một từ đặc biệt dành cho nó: “Satoyama” – những ngôi làng nơi núi đồi nhường chỗ cho đồng bằng. Chúng là những môi trường đặc biệt, thiết yếu đối với những con người duy trì chúng lẫn với những loài động vật hoang dã hiện giờ cùng chia sẻ chúng.

Sangoro biết rằng, theo cái cách của Satoyama, mọi thứ đều có mùa của nó. Cùng với nhau, con người Satoyama và thiên nhiên, dệt sự sống vào trong một tấm lưới liền mảnh, được ban phước bởi nước, xoay vòng trên cuộc hành trình không có điểm kết của nó. Một mùa mới, một năm mới, một chu kì mới, tất cả đều bắt đầu từ vườn thuỷ sinh bí ẩn này của nước Nhật.

Ảnh: Cà phê thứ bảy

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bản tin tri thức do nhóm Book Hunter thực hiện.

Điểm tin: Trần Cúc

Do nhân lực có hạn, nên Book Hunter có thể sẽ tổng hợp thiếu sót các tin tức. Chúng tôi rất mong các bạn có thể cùng chia sẻ tin tức về các hoạt động xuất bản, sự kiện học thuật, hoạt động nghiên cứu… trong và ngoài nước, để Bản tin tri thức đa chiều hơn và đầy đủ hơn.

Đọc thêm Bản tin tri thức tuần trước:

https://bookhunter.vn/sach-hay-trong-nuoc-tuan-tu-ngay-15-thang-11-den-21-thang-11-nam-2021-giao-duc-viet-nam-thoi-ky-thuoc-dia-qua-tai-lieu-va-tu-lieu-luu-tru-1858-1945-van-diep-tap-reading-with-me-18/

Đọc thêm Bản tin sách học thuật thế giới tháng 10 năm 2021:

https://bookhunter.vn/sach-hoc-thuat-the-gioi-thang-10-nam-2021-nhung-tien-bo-trong-benh-ly-phan-tu-trong-tam-thucydides-ve-cong-bang-quyen-luc-va-ban-chat-con-nguoi-bi-kich-cua-macbeth-phong-van-canh-sat-thach-thu/

Đọc thêm Bản tin sách tiếng Trung hay tháng 11 năm 2021:

https://bookhunter.vn/sach-tieng-trung-hay-thang-10-nam-2021-muoi-sau-goc-nhin-ve-nam-hoa-roi-luong-trang-ky-dung-giua-lan-ranh-hai-the-gioi/

SÁCH TIẾNG TRUNG HAY THÁNG 2 NĂM 2022: MỘT CON DAO – NGÀN CON CHỮ, TÀU NGẦM LÚC ĐÊM MUỘN, SỮA MẸ HAY SỮA CÔNG THỨC & CĂN PHÒNG BÊN BỜ BIỂN

Mở đầu năm Nhâm Dần, thị trường sách Trung Quốc hãy còn chưa tỉnh ngủ khỏi đợt nghỉ Tết dài hơi, chưa dậy lên bao nhiêu sôi nổi, song đâu đó ta vẫn có thể nhặt nhạnh được một vài đầu sách truyện, đọc để trải nghiệm một cuộc sống khác, mở rộng thế giới cảm xúc và tinh thần. 1. Tàu ngầm lúc đêm muộn (夜晚的潜水艇) - tác giả: Trần Xuân Thành  (陈春成) Chim đậu trên cây và cá vẫn lặn xuống vực sâu,

SÁCH TIẾNG ANH HAY THÁNG 3 NĂM 2022: HỒI KÝ CỰU BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP MỸ, PHỤ NỮ NÓI VỀ TIỀN BẠC, HIỆP HỘI BẢO TỒN KAIJU, THƯ VIỆN PARIS, NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ KHÔNG THỂ IM LẶNG…

Đặc điểm thị trường sách Tiếng Anh thế giới có lẽ sẽ chỉ gói gọn trong hai tính chất: sôi động hoặc rất sôi động! Tháng 03 thường hay được ví von như tháng của phái đẹp, nhưng nhắc tới phái đẹp, hãy thoát khỏi những chủ đề ‘gắn mác’ thường thấy (theo kiểu tình cảm, cẩm nang chăm sóc, nhan sắc..) mà đến với một lĩnh vực ‘gai góc’ hơn - tài chính, hay cụ thể hơn, là Tiền. Women Talk Money - ấn

SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC THÁNG 1 NĂM 2022: XA LẠ TRONG TÔI, NÃO BỘ MẤT TRÍ, QUÁN CANH BÒ HẦM CỦA KẺ CẮP QUÁ KHỨ…

Văn học là nơi giúp ta nhìn thấy rõ thực tế chân thực nhất, cũng là nơi giúp ta thoát ra khỏi mọi quy tắc ràng buộc trong thực tại, thả mình vào những điều không tưởng nhất. Bước vào tháng 1 năm 2022, mời các bạn cùng thưởng thức qua một vài tác phẩm mà thị trường sách mang tới  1. NÃO BỘ MẤT TRÍ - Allan H. Ropper và Brian Burrell; Linh Nga dịch Trích: Khải Minh Book Thế nào là điên? Tại sao

Trần Cúc

02/02/2022

SÁCH TIẾNG TRUNG HAY THÁNG 11 NĂM 2021: MƯỜI SÁU GÓC NHÌN VỀ NAM HỌA, RỜI LƯƠNG TRANG KÝ, ĐỨNG GIỮA LẰN RANH HAI THẾ GIỚI…

Trong bài điểm sách tháng 11 này, mời các bạn đến với Văn Nhân Họa, một tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Trung Quốc. Với tác phẩm Vây Hãm, để tìm hiểu về cuộc sống của nhóm trí thức Trung Quốc ở những ngày đầu Kháng chiến chống Nhật. Với hai người anh em khờ khạo vô tình lạc nhau nhưng vẫn vượt qua bao khó khăn để tìm kiếm nhau bằng tâm hồn trong sáng, lấy đi bao nước mắt của độc giả.

SÁCH TIẾNG TRUNG HAY THÁNG 9 NĂM 2021: VĂN THÀNH & KẾT NỐI THẾ GIỚI: LOGIC CỦA “MỘT VÀNH ĐAI, MỘT CON ĐƯỜNG”

Lên Baike.baidu.com tìm từ khoá "sách Trung Quốc hay" sẽ lập tức hiện ra hàng loạt trang review sách, nhưng xem chi tiết hơn thì chủ yếu là sách dịch từ tiếng nước ngoài. Thi thoảng có một cuốn do tác giả người Trung viết, nhưng đa phần đều chú trọng tôn vinh đất nước và con người Trung Quốc. Theo quan điểm cá nhân tôi, người Trung có tính tự tôn cao. Thế giới tra cứu bằng Google.com thì Trung Quốc tạo ra Baike.baidu.com,