Kinh tế đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta, nhưng ít có tên tuổi nào trong giới kinh tế học lại được nhiều người dân thường biết đến. Tuy vậy, gần đây có 5 nhà kinh tế đang được nhiều người chú ý: Esther Duflo, Stephanie Kelton, Mariana Mazzucato, Carlota Perez và Kate Raworth. Một điểm chung nổi bật là họ đều thuộc phái nữ, và có lẽ vì vậy, những người phụ nữ này đang mang đến cái nhìn mới mẻ về mọi thứ trong một ngành vốn do nam giới chiếm ưu thế từ trước đến nay. Họ thách thức những định nghĩa quen thuộc của ngành kinh tế, từ “giá trị”, “khoản nợ”, “tăng trưởng”, cho đến “tổng sản phẩm quốc nội” (GDP). Khi nhận ra rằng bộ máy quyền lực chủ yếu gồm những nhân vật giỏi chém gió hơn là có thực lực, những nhà nữ kinh tế mới vào cuộc này đã dần tiết lộ cho chúng ta biết thế giới đang được điều khiển một cách lạ đời như thế nào. Và họ kêu gọi mọi người hãy cùng nhau xem xét lại điều gì nên được ưu tiên hàng đầu. Dưới đây là 4 thông điệp họ muốn chia sẻ với chúng ta:
- Thách thức những khái niệm chính thống: Những khái niệm này từ trước đến nay được đặt ra một cách độc đoán, dưới cái nhìn hẹp hòi. Ví dụ như với câu hỏi “Giá trị kinh tế là gì?”, nếu ta quy xét rằng một số thành phần xã hội là nhân tố tạo ra giá trị kinh tế, thì những người khác sẽ thuộc về thành phần gì? Họ là những người bòn rút giá trị, phá hủy giá trị hay sao? Nền kinh tế cần có chức năng phục vụ con người, chứ không phải là con người bị xếp loại để phục vụ các mục đích kinh tế. Cũng như vậy, các khoản nợ và thâm hụt ngân sách về căn bản tốt hay xấu là do quá trình sử dụng chúng, và đều có thể được dùng làm công cụ chính sách có hiệu quả. Chúng có thể được sử dụng để tài trợ cho những cuộc chiến tranh gây mất ổn định cho thế giới và khiến hàng triệu người thiệt mạng; nhưng cũng có thể được dùng để ổn định cuộc sống bằng cách xây dựng một nền kinh tế hợp lý, làm lợi cho nhiều người chứ không phải chỉ một nhóm nhỏ nào đó. Vì vậy, chúng ta cần ghi nhớ chức năng ban đầu của đồng tiền là một phương tiện trao đổi, và mục đích thực sự của nó là để phục vụ con người chứ không phải để biến con người thành nô lệ.
- Tăng trưởng xanh chứ không chỉ còn là GDP: Khái niệm GDP được hình thành từ những năm 1930, trong bối cảnh một nền kinh tế chỉ bằng 1/10 hiện nay. Ngoài ra, quá trình toàn cầu hóa của thế kỷ 21 cho thấy GDP không còn phù hợp để làm thước đo cho sức khỏe của nền kinh tế nói riêng, và của xã hội nói chung. Nó khiến chúng ta chạy theo sự tăng trưởng mù quáng mà không tính đến những thiệt hại cho con người và cho trái đất. Ví dụ như việc gây ô nhiễm thì lại đóng góp vào sự tăng trưởng GDP vì sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dọn dẹp sự ô nhiễm đó. Vì thế, chúng ta cần những công cụ mới, những khái niệm mới để đạt được sự phát triển bền vững và không gây hại cho các thế hệ sau. Một cách để đạt được tăng trưởng xanh là qua việc truyền cảm hứng về lối sống mới: nhiều dịch vụ thay vì nhiều hàng hóa, những ngành nghề mang tính sáng tạo và chủ động, sự chăm sóc sức khỏe được đưa lên hàng đầu, sử dụng năng lượng mặt trời, tận dụng các lợi ích của internet, tái chế chứ không phải tạo ra thêm rác thải, và ưu tiên sự linh hoạt hơn là việc tuân thủ các quy định. Khi những lối sống mới này lan rộng, chúng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho sự sáng tạo và tạo ra các nghề nghiệp mới phục vụ những lối sống đó.
- Tận dụng đúng vai trò của nhà nước: Chính quyền có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sân chơi cho những người yếu thế, chủ động hướng mục tiêu vào việc tạo ra những lợi ích cho xã hội. Vì vậy, nhà nước cần có tầm nhìn và chiến lược, trở nên có hoài bão hơn. Đặc biệt là sau Covid, chính phủ cần sử dụng quyền đầu tư và cung ứng của mình để định hướng cho những thách thức lớn đang tới, chứ không chỉ những mục đích phục hồi ngắn hạn ngay trước mắt. Một biện pháp là việc ra điều kiện cho những khoản bảo lãnh tài chính mà chính phủ đang phân phát cho các công ty. Ví dụ như ở nước Áo, các hãng hàng không chỉ được nhận trợ giúp từ chính phủ với điều kiện đạt được những mục tiêu cắt giảm khí thải như đã thỏa thuận.
- Đưa các nghiên cứu kinh tế ra ngoài thực tế nhiều hơn: Ngành kinh tế học không nên chỉ là những phương trình toán học trên lý thuyết được viết ra ở các trường đại học. Mà các nhà kinh tế học cần phải đưa lý thuyết của mình ra kiểm nghiệm trên thực tế nhiều hơn, giống như cách ngành y tế vẫn làm: các thử nghiệm lâm sàng với các nhóm đối chứng ngẫu nhiên. Còn trên thực tế hiện nay hàng tỷ đô la đang được đổ vào các khoản viện trợ mà không có bằng chứng rõ ràng hay thông số đo đạc hiệu quả.
Mặc dù ngành kinh tế học còn nhiều sự bảo thủ, nhưng các ý tưởng trước đây được cho là không có giá trị thì giờ đang dần trở thành hiện thực. Và sự chuyển đổi từ thứ được cho là lạ lùng thành thứ được chấp nhận và rồi thành chính sách thường được đẩy nhanh bởi các cuộc khủng hoảng. Bước ra từ cuộc khủng hoảng hiện nay, 5 nhà nữ kinh tế trên đang đưa ra một loạt những ý tưởng mới về một hướng đi xanh hơn, lành mạnh hơn, và công bằng hơn. Và điều đáng mừng là có nhiều người đang chú ý lắng nghe họ, trong đó có Giáo hoàng Francis, chính phủ các nước Đan Mạch, Áo, Anh, Nam Phi,… Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về các ý tưởng cụ thể của họ dưới đây.
- Mariana Mazzucato, giáo sư kinh tế trường Đại học Luân Đôn, người sáng lập và là giám đốc Viện Sáng kiến và Mục đích Công cộng UCL – xin tham khảo TED talk: https://www.youtube.com/watch?v=uXrCeiQxWyc; https://marianamazzucato.com/
- Stephanie Kelton, giáo sư kinh tế học và nhà hoạt động chính trị Mỹ, được tạp chí Barron nêu danh trong danh sách 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2020 trong ngành tài chính – xin tham khảo cuốn sách sắp xuất bản “The Deficit Myth” nói về sự thâm hụt ngân sách: https://stephaniekelton.com/book/
- Kate Raworth, phó giáo sư của Viện Biến đổi Môi trường của Đại học Oxford – xin tham khảo cuốn sách “Dough Economics” nói về các khái niệm, cách hiểu mới trong kinh tế: https://www.kateraworth.com/doughnut/
- Esther Duflo, giáo sư Khoa Phát triển Kinh tế và Xóa nghèo của trường MIT, giải Nobel Kinh tế năm 2019 – đi đầu trong việc sử dụng các thí nghiệm thực tế về các ý tưởng xóa đói giảm nghèo: https://www.povertyactionlab.org/
- Carlota Perez, nhà nghiên cứu chuyên về mối liên hệ giữa công nghệ và phát triển kinh tế xã hội: http://www.carlotaperez.org/
Nguồn: Forbes
Phương Anh lược dịch