Home Xem “NA TRA – MA ĐỒNG GIÁNG THẾ” VÀ SỰ VÔ NGHĨA CỦA ĐỊNH MỆNH
Xem

“NA TRA – MA ĐỒNG GIÁNG THẾ” VÀ SỰ VÔ NGHĨA CỦA ĐỊNH MỆNH

Ra rạp từ tháng 7 năm 2019, bộ phim “Na Tra – Ma đồng giáng thế” đã nhận được vô số lời khen từ khán giả. Sau “Đại ngư hải đường”, “Na Tra” một lần nữa đã đem đến cho người xem một trải nghiệm đầy bất ngờ về thế giới thần thoại Trung Hoa, với những Nguyên thủy thiên tôn, Thái ất chân nhân, Na Tra, Ngao Bính,…

Câu chuyện của “Na Tra – Ma đồng giáng thế” xoay quanh Na Tra, cậu bé hoài thai từ Ma Hoàn – một phần của Linh Châu thời hỗn nguyên. Ngay từ khi ra đời, Na Tra đã bị tiên đoán là mang số phận ác ma hủy diệt thiên hạ. Chính vì thế, cậu bé lúc nào cũng bị dân chúng xa lánh. Nguyên Thủy thiên tôn nói, vì là đầu thai của ác ma, nên đến năm 3 tuổi, Na Tra sẽ bị thiên lôi đánh chết.

Vậy là từ khi sinh ra, Na Tra đã bị gắn lên người một định mệnh: ác ma chuyển thế. Định mệnh ấy đeo bám dai dẳng đứa nhỏ, khiến cậu không có bạn bè, càng không có cơ hội được ra ngoài giao du. Ân thị và Lý Tĩnh yêu thương Na Tra, cố gắng để 3 năm cuộc đời của con trai sẽ được vui vẻ, hạnh phúc. Dưới sự trợ giúp của Thái ất chân nhân, Na Tra được đào tạo để trở thành một người hùng trừ gian diệt bạo. Chỉ là, cậu bé Na Tra hồn nhiên quá, vui vẻ quá, lại…nhiệt tình quá, nên sự nghiệp trừ gian diệt bạo cũng đi liền với phá làng phá xóm, trêu trẻ doạ người.

Chính vì vậy, người ta càng tin Na Tra là ma đồng hơn, càng xua đuổi Na Tra hơn. Xem phim, nhìn bé Na Tra, bạn sẽ phải tự hỏi, liệu rằng đây có thật là “ma đồng” không? Ai trong chúng ta không từng nghịch ngợm, cáu bẳn, khó chịu khi còn bé? Ai trong chúng ta không từng mong muốn có một người bạn để chơi cùng? Ai trong chúng ta không từng cố gắng làm việc tốt, nhưng lại tạo ra cả những sai sót không đáng có? Nếu vì tất cả những điều đó mà đánh giá một đứa trẻ là “ma đồng”, vậy chẳng phải tất cả chúng ta đều từng là ma sao?

Thật ra, Na Tra không tự nhiên mà bị coi là ma đồng. Cậu là ma đồng vì các vị thần tiên chân tu khẳng định như vậy. Chính lời của các vị chân tu thấu đạo ấy đã gán cho Na Tra một định mệnh, rồi sau đó, để kiểm soát Na Tra, họ nhốt cậu trong vùng kết giới quanh ngôi nhà. Kết giới không giữ được, họ đưa Na Tra đến một thế giới thần tiên đẹp đẽ, biến thế giới thần tiên ấy thành một lồng giam để Na Tra vĩnh viễn không thể thoát ra. Nhưng dù là kết giới hay một thực tại đẹp đẽ đầy sắc màu thì tất cả cũng chỉ là giả tạm, Na Tra muốn đi, và đúng như cậu nói: “Chân trên người ta, ta muốn đi đâu thì đi.” Na Tra tự đi ra ngoài thật.

Trong “Na Tra” còn có một lồng giam khác: nhà tù giam giữ những con thủy quái, được gọi với cái tên mỹ miều là “Long cung”, và nhà tù ấy trói buộc Ngao Bính bằng trách nhiệm với gia tộc.

Ở đây, tôi không muốn bàn sâu về những lồng giam, mà chỉ muốn đi vào chi tiết: cả Na Tra và Ngao Bính đều sống trong sự trêu đùa của định mệnh. Một người ngay từ khi ra đời đã mang thiên mệnh ác ma, một người lại gánh vác trên vai sứ mệnh khôi phục long tộc, trừ khử ác ma. Thứ định mệnh này bám riết lấy cả hai, hủy hoại cuộc sống của cả hai, và khiến họ lao vào cuộc tương tàn mà cả hai đều chỉ là con rối bị giật dây.

Con người, yêu ma, thần tiên, tất cả đều một mực tin tưởng vào định mệnh. Thế nhưng định mệnh của một người đâu phải do ai đó ngoài cuộc có thể định đoạt được. Một ác ma Na Tra cuối cùng lại là người cứu cả ải Trần Đường; một “đấng cứu thế” Ngao Bính lại bị lợi dụng đến mức suýt thì trở thành tội đồ của cả thần, nhân, ma.

Na Tra bất tuân ư? Không phải. Cậu chẳng bất tuân ai cả. Ngay từ đầu, cậu đã cố gắng sống một cuộc đời của riêng cậu. Là người hay là ma, là thần hay là quỷ, cậu đều tự quyết định. Không ai có thể cấm Na Tra làm theo ý mình, càng không ai có thể tùy ý biến cậu thành ma được. Người khác có thể áp một định mệnh lên Na Tra, nhưng cuối cùng, chọn thành người như thế nào là do Na Tra tự quyết. Vào thời khắc tự quyết định ấy, định mệnh vô nghĩa, thần tiên vô nghĩa, đến cái chết cũng trở nên vô nghĩa.

Thế nên, nếu bất kỳ ai vẽ ra một định mệnh, một kế hoạch cuộc đời và hướng bạn làm theo, đừng tin lời họ. Định mệnh là cái bẫy chết người, và dù lý tưởng có cao đẹp đến đâu, hãy nhớ rằng đã có kế hoạch thì sẽ có người được lợi. Biến mình thành quân cờ hay tự chơi ván cờ đời mình, đều là do bạn chọn.

Phải rất lâu rồi, tôi mới xem được một bộ phim hoạt hình khiến mình tâm đắc mãi không nguôi như thế. Ý tưởng của phim không mới, nhưng từ phát triển nội dung đến hình thức, cái gì cũng vừa vặn hoàn hảo. Với “Na Tra – Ma đồng giáng thế”, hoạt hình Trung Quốc đã tiếp thu nhuần nhuyễn thành tựu của hoạt hình Nhật và Mỹ. Có một vài cảnh tượng trong Na Tra khiến tôi nhớ đến “Fulmetal Alchemist”, cũng có vài cảnh tượng ngang tầm vũ trụ như “Dragon Ball”, lại có cả vài nhân vật hao hao Pitch Black trong “Rise of the Guardians”, nhưng tuyệt nhiên, Na Tra không phải một sản phẩm chắp vá. Sáng tạo cho phép sự học hỏi, và với cốt truyện chặt chẽ, ý tưởng thống nhất xuyên suốt, tuyến nhân vật được xây dựng và phát triển hợp lý, mang đậm dấu ấn Trung Hoa, câu chuyện diễn ra trong một không gian thần thoại rộng lớn, ít chi tiết thừa, có thể nói, “Na Tra – Ma đồng giáng thế” có phần nhỉnh hơn hoạt hình Mỹ, Nhật hiện nay.

Mượn những nhân vật thần thoại Trung Hoa để kể một câu chuyện hoàn toàn mới, có lẽ, các nhà làm phim Trung đang nghĩ đến chuyện tạo ra một vũ trụ thần thoại hiện đại cho Trung Quốc. Và với đà này, vũ trụ thần thoại Trung Hoa với những siêu anh hùng mới hứa hẹn sẽ đem đến nhiều trải nghiệm sảng khoái cho khán giả, xứng đáng trở thành đối trọng với các siêu anh hùng Mỹ trong tương lai.

Nguyễn Hoàng Dương

Không có đứa trẻ bên trong…

Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ
Xem

Đầu xuân xem “Long thành cầm giả ca”

Lần đầu tiên biết đến “Long thành cầm giả ca” là năm 2010. Năm đó, tôi mới vào lớp 10, bắt đầu học thơ Nguyễn Du. Đó cũng là năm kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, trên TV có nhiều chương trình kỉ niệm đại lễ ấy. Cùng năm ấy, tôi xem trên TV được một đoạn giới thiệu phim “Long thành cầm giả ca”, và nghe Nhật Kim Anh đọc bài thơ cùng tên của Nguyễn Du. Tôi vẫn luôn ghi nhớ ấn tượng

Viết tiểu thuyết lịch sử để làm gì?

Tiểu thuyết lịch sử là gì? Đó là câu hỏi gây tranh cãi trên mọi văn đàn dù ở Việt Nam hay trên thế giới. Nội tại của khái niệm “tiểu thuyết lịch sử” chứa nhiều nghịch lý: Một thái cực là “lịch sử” với các đòi hỏi về tính xác thực của sự kiện và nhân vật, thái cực khác là “tiểu thuyết” với những khoảng không hư cấu không giới hạn. Như vậy, tiểu thuyết lịch sử chông chênh đi giữa ranh giới
Xem

LANG GIA BẢNG – QUYỀN MƯU VÀ HAI NỬA CHÍNH TÀ (3): NỮ NHÂN TRƯỚC THỜI CUỘC

Book Hunter: Mời các bạn đọc chùm bài phân tích về bộ phim truyền hình cổ trang mang tính chính trị xuất chúng của Trung Quốc có tên “Lang Gia Bảng”. Chúng tôi hi vọng rằng, qua đó các bạn có thể đặt cho mình những câu hỏi về tình trạng chính trị Việt Nam hiện nay. Đọc bài trước tại đây: https://bookhunter.vn/tag/lang-gia-bang/ “Lang Gia Bảng” không chỉ đưa ra  sự va chạm giữa các hình mẫu nam nhân một tay dàn xếp đại sự, mà
Xem

Ma cà rồng & Người sói – Biểu tượng tình dục hoang dã

Nếu ở những thế kỷ trước Ma cà rồng hay Người Sói là nỗi ám ảnh sợ hãi của con người thì ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những tạo vật độc ác này lại trở thành biểu tượng cho một vẻ đẹp gợi dục đầy khao khát và đam mê. Trào lưu này bắt đầu từ khi hình ảnh của Ma cà rồng mà đại diện là Bá tước Dracula (1950s) và Người Sói (1960s) xuất hiện trên màn ảnh