Việc dạy và học văn vô trách nhiệm ở các cấp học đã tạo ra nhiều thế hệ trẻ thiếu những nền tảng căn bản của viết và đọc hiểu. Người ta đã khoác cho môn văn trong nhà trường không ít các nhiệm vụ vĩ đại được tô vẽ bằng các mĩ từ, thế nhưng, nhiệm vụ căn bản nhất là giúp học sinh đọc hiểu các hình thức văn bản và nắm vững các quy tắc trong việc viết thì lại không hề được coi trọng. Theo thời gian, những cái sai sẽ vô tình trở thành quy chuẩn trong xã hội.
Trong một bài viết về vai trò của ngữ pháp của tôi, tôi đã đề cập đến ngữ pháp được đặt ra như một quá trình định hình các trật tự tư duy. Nếu không có ngữ pháp, ngôn ngữ chúng ta sử dụng sẽ là một mớ những từ hỗn độn được ghép với nhau và không thể tạo thành một mạch thông tin thống nhất. Thông tin để lưu trữ và lưu truyền nhất thiết phải được sắp đặt theo một trình tự. Trình tự này vốn dĩ rất đơn giản, nó là một tổ hợp trong đó có hành động (vị ngữ) và chủ thể của hành động (chủ ngữ), đôi khi sẽ có cả tình trạng và bối cảnh của hành động nữa. Các dấu câu như dấu phẩy và dấu chấm cũng được ra đời để đánh dấu phân biệt các tổ hợp. Sự bẻ gãy các quy tắc văn phạm thường là do hoặc cố tình sáng tạo, hoặc thiếu các hiểu biết căn bản. Mà đa phần người viết sai ngữ pháp đều ở dạng thứ hai. (Đọc thêm bài viết Đúng ngữ pháp, đơn giản nhưng không dễ )
Một người viết sai ngữ pháp không thể có tư duy tốt bởi trong quá trình tiếp nhận thông tin thông qua đọc, họ không thể phân biệt được đâu là hành động và đâu là chủ thể, đâu là nguyên nhân và đâu là kết quả, đâu là trọng tâm và đâu phụ trợ. Điều này đến từ việc họ không được học cách đọc hoặc họ đã bị hướng dẫn đọc sai phương pháp. Việc đọc không đến từ hiểu đúng nghĩa đơn thuần rồi suy ra các nghĩa tiềm ẩn, mà là thay thế bằng sự nhào trộn giữa các định kiến với các mảnh vụn câu chữ được trích xuất ra từ văn bản. Bởi thế, các văn bản khó đọc như văn chương, triết học, lý thuyết…v…v… vẫn luôn bị rơi vào những tranh luận vô nghĩa về ý nghĩa mà tác giả thật sự muốn truyền tải. Đó là còn chưa kể đến việc rất nhiều tác giả thật sự viết điều vô nghĩa với những khái niệm mù mờ và lối diễn đạt sai ngữ pháp. Điều này có lẽ không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Nhà văn George Orwell đã từng cho rằng một sự thay đổi về chính trị có lẽ nên đến từ việc khiến cho những người viết có thể ý thức về việc viết sao cho đúng ngữ pháp với câu văn sáng sủa, mạch lạc. Ông viết:
“Tiếng Anh hiện đại, nhất là trong ngôn ngữ viết, mang đầy những lỗi sai được sử dụng phổ biến do bắt chước nhau, ta có thể tránh được những lỗi này nếu có ai đó tự nguyện nhận lấy rắc rối. Nếu một người có thể gạt bỏ được những lỗi sai này, người đó sẽ nghĩ thông suốt hơn, và suy nghĩ thông suốt chính là bước quan trọng đầu tiên để phục hồi chính trị: do đó mà cuộc chiến chống lại Tiếng Anh tồi sẽ không trở nên phù phiếm và không chỉ là nỗi lo của những nhà văn chuyên nghiệp.”
Nhiều người khi đến tham gia các lớp hướng dẫn viết của tôi đều kỳ vọng rằng tôi sẽ chỉ cho họ các thủ thuật. Nhưng thủ thuật đích thực của tôi chỉ là đọc đúng và viết đúng, đọc sao cho hiểu không sai về một đoạn thông tin và viết sao cho đúng với văn phạm tiếng Việt. Tôi không thích những kẻ bóng bẩy câu chữ hay những kẻ uốn éo trong diễn đạt. Người ta có thể yêu thích sự lịch lãm trong câu chữ nhưng bóng bẩy và uốn éo là trò diễn của những kẻ không hiểu sâu nhưng lại thích diễu võ dương oai. Ngôn từ lịch lãm nghe hay nhưng câu văn không vô nghĩa. Ngôn từ bóng bẩy, uốn éo luôn tạo ra những câu vô nghĩa và là cơ hội cho những người đọc kém cỏi tha hồ lồng ghép các định kiến tư tưởng của bản thân vào đó. Vậy thì, nếu các bạn không có ý thức học và đọc đúng các quy tắc văn phạm trong nhà trường thì từ giờ bắt đầu sắp xếp lại quá trình tư duy của mình cũng không muộn.
Việc tập đọc và tập viết đúng với văn phạm nên được đề cao như một kỹ năng căn bản. Nếu bạn mong muốn truyền đạt các ý tưởng của mình để thay đổi thế giới, tối thiểu hãy nghĩ xem mình viết ngữ pháp có đúng không, dùng từ có chuẩn không. Một khi dòng ý tưởng của bạn không thể đúng ngữ pháp thì dòng ý tưởng ấy vẫn còn là sự chắp vá. Đừng vứt thêm bất cứ điều gì chắp vá vào thế giới vốn dĩ đã hổ lốn này.
Hà Thủy Nguyên