Home Học Con đường Viết của tôi (1): Viết cho mình hay viết cho người

Con đường Viết của tôi (1): Viết cho mình hay viết cho người

Đọc thêm về chùm bài “Con đường Viết của tôi” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/con-duong-viet-cua-toi/
Tôi bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên hồi lớp 3. Hồi đó tôi thường hay đi loanh quanh tìm lá cây, đem về ép, rồi viết những câu thơ vịnh loài cây ấy. Lên lớp 6, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tiên, đó là một truyện khoa học viễn tưởng. Lúc đó, tôi nhìn lại những bài thơ viết hồi lớp 3, thấy ấu trĩ quá, nên vứt luôn tập thơ ép hoa lá kỳ công suốt 3 năm liền ấy đi. Một khi đã nhận thấy sự ấu trĩ của mình, nhìn lại vào cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đang viết dở, cũng thấy sao mà dở tệ, vì thế, tôi đã xé nó đi (Hồi đó còn đang viết tay). Nguyên nhân khiến tôi cảm thấy những bài viết của tôi ấu trĩ hay dở tệ là bởi cái tôi khi viết và cái tôi của các chuẩn mực, nhận định hoàn toàn chênh lệch nhau. Đoạn này, tôi sẽ trình bày kỹ ở các phần sau. Sau đó, tôi lại muốn viết một cuốn tiểu thuyết dã sử, vừa có màu sắc thần tiên, vừa có màu sắc kiếm hiệp.  Và thế là tôi đã dành 2 năm (Nửa cuối năm lớp 6 đến nửa đầu năm lớp 8) để tìm tài liệu lịch sử, văn hóa cho nó, và xây dựng một đề cương chi tiết về những biến cố sẽ diễn ra trong một bộ tiểu thuyết gần 1000 trang. Tôi viết nó liên tiếp trong hơn 2 năm. Nhiều lần bị gián đoạn, nhiều chương phải viết đi viết lại. Đó là những ngày mà sáng và chiều vẫn phải ở trên lớp học (tôi học lớp chọn ở một trường rất danh tiếng, nên áp lực rất lớn), tối đi học thêm và làm bài tập về nhà, tôi chỉ có khoảng từ 11h đêm đến 4h sáng để viết tiểu thuyết. Và sáng hôm sau, 6 rưỡi đã phải dậy để đi học. Tôi đã bắt đầu con đường văn chương của mình như thế đấy. Khởi đầu cho việc viết chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là viết chuyên nghiệp. Nó đòi hỏi sự thử nghiệm, chấp nhận thất bại, khả năng tự đánh giá bản thân, sự tìm tòi nghiên cứu (có thể trong sách vở hoặc cuộc sống), và đặc biệt, kỷ luật cá nhân.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy, tôi đặt tên là “Điệu nhạc trần gian”(Xuất bản 2004, NXB Phụ Nữ) với ẩn ý rằng mọi vẻ đẹp của cõi trần và hiện hữu với đủ sắc thái hỷ lạc sầu bi đều hơn những tham vọng cao xa như tột đỉnh quyền lực hay thần tiên thoát tục. Khi đem sách tới các Nhà xuất bản, các Nhà xuất bản không dám nhận in vì cho rằng tôi ăn cắp bản thảo ở đâu đó và cương quyết rằng với độ tuổi của tôi, tôi không thể viết được một cuốn sách như vậy, với những tư tưởng như vậy. Tôi đã từng đưa cuốn sách này đến gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông Khoa lúc đó còn khuyên tôi là viết cho người Việt Nam thì chỉ cần viết về “củ sắn củ khoai” là được rồi. Lúc ấy, tôi chỉ biết cười khẩy một cái rồi quay đi. May sao, cuốn sách đến tay nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cảm thấy thích thú với cuốn sách nên đã cùng vài người bạn khác giúp tôi xuất bản sách. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì dành cho tôi những lời khen ngợi cuốn sách như sau: “Bố cục lớp lang liền mạch, nhân vật rõ ràng, tả người có dáng, tả cảnh có hình, tả tình có điệu… Chuyện là chuyện tiên ma nhưng đời là đời thực, tình là tình thực, và điều này đọc tác phẩm người đọc có thể thấy thuyết phục.” Khi được xuất bản, nhiều nhà báo đã viết về tôi, nhiều bạn đọc gửi thư cảm ơn và tỏ lòng mến phục. Tôi cho rằng, tôi đã thành công ở độ tuổi ấy. Và cuốn “Điệu nhạc trần gian” đến nay, khi nhìn lại, dù rất nhiều lỗi tư duy và dùng từ, nhiều non nớt trong xây dựng nhân vật, nhưng tôi vẫn thấy kết quả ấy là xứng đáng với những gì tôi đã bỏ ra lúc ấy. Có thể, thời gian sắp tới, tôi sẽ sửa chữa lại để cuốn sách hoàn thiện hơn, phù hợp với tôi hiện nay – vốn đã tự định hình rõ rệt.
Tôi kể lể rất dài để muốn nói với các bạn rằng viết lách thật sự rất khó khăn, rất nhiều những vấn đề phải đối mặt, mà không phải chỉ có ý tưởng, chỉ có kỹ năng là các bạn đã có thể viết được. Cho dù bạn viết một bài thơ bốn câu, một bài tản văn, một bài báo xã luận bình thường, một bài tâm tình trên blog, hay truyện ngắn, tiểu thuyết… bạn cũng phải đối mặt với rất nhiều thứ phức tạp đến từ bên trong bạn.
Trong loạt này, tôi sẽ đề cập đến những khó khăn, những ảo tưởng mà chúng ta phải đối mặt với việc viết. Có thể những điều này sẽ không cần thiết với những ai muốn nhanh chóng viết được một bài quảng cáo hoặc tuyên truyền, nhưng tôi hi vọng rằng những kinh nghiệm của tôi sẽ có ích cho những người muốn viết một cách nghiêm túc (dù có đeo đuổi con đường chuyên nghiệp hay không).
Viết cho mình hay viết cho người khác
Đây là câu hỏi khiến tôi dằn vặt suy nghĩ mất nhiều năm. Trong nhiều năm đó, tôi chẳng viết gì nên hồn. Một phần là do những gì tôi tự viết cho mình không bị tịch thu sau khi xuất bản thì cũng cả một dàn nhà báo lên tiếng phẫn nộ. Điều này cũng khiến tôi phải suy nghĩ về cách viết của mình. Tôi cứ liên tục đặt các chuỗi câu hỏi: Nếu mình viết cho mình thì mình cần gì phải viết, cứ để gió cuốn trôi thôi. Nếu mình viết vì người khác thì phải cố làm thế nào cho đại chúng có thể chấp nhận mình, mà tiêu chuẩn của mình và đại chúng lại khác xa nhau một trời một vực. Và thế là tôi chán, không viết nữa. Tôi sẵn sàng bán khả năng viết của mình cho các dự án truyền thông, phim truyền hình ngớ ngẩn để lấy mấy trăm triệu đi chơi bời trác tang, coi như cũng xong một đời.
Tôi chỉ thực sự thoát ra vũng lầy của các chuỗi câu hỏi ấy khi tôi viết tiểu thuyết “Thiên Mã” (Xuất bản 2010, NXB Kim Đồng). Đây là một cuốn truyện khoa học viễn tưởng, có một chút màu sắc tâm linh. Trải nghiệm khi viết cuốn sách này rất thú vị. Tôi phát hiện ra là những điều tôi biết trước đây, thông qua việc viết kết nối lại với nhau một cách tự động, thậm chí phạm vi nhận thức của tôi còn được mở rộng. Lúc này, tôi mới hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc viết cho mình.
Viết cho mình không phải đơn giản là nỗi lòng của mình có gì thì phơi bày ra hết, “Mình” là một cái gì đó rất rộng lớn mà chính bản thân chúng ta cũng không hiểu hết. Bạn chỉ nhận thức được bề mặt của cái “mình” ấy thôi, giống như việc bạn có thể nhìn thấy được màu da, bàn tay, bàn chân, khuôn mặt…v…v…, nhưng không dễ gì để nhận biết các chuyển động của xương khớp, sâu xa hơn là các hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ sinh dục… và càng bất khả thi để cảm nhận các nội tiết tố của chúng ta vận hành thế nào. Đó chỉ là cái bất khả tri trong cơ thể vật lý, hãy tưởng tượng thế giới tâm trí của chúng ta sẽ khó khăn để hiểu như thế nào. Bởi vậy. Viết không phải chỉ để bộc lộ, mà là quá trình sắp xếp tư duy bản thân, thậm chí đột phá vào các ngóc ngách bên trong của mình mà thông thường chúng ta sẽ không có nhiều dịp để chạm tới. Do đó, viết cho mình là một quá trình nhận biết bản thân một cách sâu sắc và tập trung. Hamvas Béla, triết gia Hungary yêu thích của tôi còn cho rằng Viết là một hoạt động Yoga tinh thần.
Nhưng viết cho mình không có nghĩa rằng chúng ta được quyền bừa bãi với câu chữ. Không viết đúng chính tả, không viết đúng ngữ pháp, dùng từ ngờ nghệch, câu cú không chuẩn, cấu trúc bài lộn xộn… không phải là sống đúng với bản chất mà là do sự khiếm khuyết trong khả năng tư duy và vốn kiến thức của chúng ta gây ra. Nếu bạn coi việc viết là để hoàn thiện mình thì bạn cần thiết phải gia tăng khả năng tư duy và vốn kiến thức. Bạn muốn “mình” sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn hay “mình” sẽ mãi mãi là kẻ què quặt ốm yếu? Nếu bạn có thể mất không ít tiền để bồi bổ, tập luyện để có một cơ thể khỏe đẹp, tại sao bạn không sẵn sàng bỏ chút thời gian, công sức để chăm lo cho cái tâm trí đang lộn xộn của mình? Những nhà văn, nhà thơ, triết gia viết cho bản thân họ mà vẫn thuyết phục được người khác chính là bởi vì họ luôn tôi rèn tâm trí của họ thành một tuyệt tác (chứ không phải chỉ tác phẩm).
Và nếu bạn xác định rằng việc viết không phải chỉ để phơi bày bản thân mà còn để hiểu hơn về bản thân thì bạn sẽ không ngại khi phải viết để phục vụ người khác. Bạn có thể coi các nhiệm vụ viết để phục vụ người khác như một cách thức để giúp chúng ta mở rộng phạm vi bản thân: Có thể là hiểu thêm một lĩnh vực mới, có thêm kiến thức mới, học thêm được một kỹ năng viết mới… Trừ những thứ viết có thể gây hại cho tính mạng con người hay tẩy não độc giả, còn thì mình đều có thể thử học để biết. Thậm chí, không chỉ viết cho người khác, ngay cả việc dịch cũng sẽ giúp bạn hoàn thiện khả năng viết của mình. Nếu bạn e sợ rằng việc viết cho người khác sẽ ảnh hưởng đến việc viết của bản thân bạn thì chứng tỏ rằng bạn cũng chưa hiểu bản thân mình đủ nhiều, chưa xác định được rằng bản thân mình là cái gì.
Vậy nên, viết cho mình hay viết cho người không quá quan trọng trong quá trình bạn viết. Có những lúc bạn tưởng viết cho mình, nhưng cái “mình” ấy có thật là “mình” hay không thì chưa chắc. Có lúc bạn viết cho người khác nhưng bạn đồng nhất được những thứ mình tâm đắc với những yêu cầu của bài viết, bạn lại được biểu hiện bản thân mình. Trên thực tế, cái gọi là “mình” được bồi đắp nên bởi người khác, và người khác cũng chỉ là phóng chiếu của “mình” mà thôi. Chỉ có hành động viết và tâm thế sáng rõ của mình khi viết là thứ có thể khiến chúng ta đi sâu bản thân và biểu hiện ra những gì tưởng như mình chưa từng nghĩ đến. Nếu bạn khư khư mình chỉ viết những thứ thuộc về mình, tức là bạn đang tự lập trình chính bạn, tự bạn biến mình thành robot của rất nhiều người khác đã cài vào bạn. Nếu bạn chỉ biết chạy theo các yêu cầu của người này người khác mà quên đi cảm giác học hỏi, quên đi những tiêu chuẩn của bản thân, quên đi các điều tâm đắc của mình thì bạn cũng sẽ trở thành loài zombie chạy theo tiếng ồn của đám đông dư luận.
Tôi thích câu này của Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long”: “Văn chương là tấc lòng gửi lại ngàn năm”. Nhưng điều quan trọng đó là chúng ta phải xem xét xem “tấc lòng” chúng ta có gì để viết, hệ trọng hơn đối với các cây viết trẻ thì cần phải xem xét xem chúng ta có “tấc lòng” hay không đã.
Hà Thủy Nguyên
(Còn nữa)

*

Mời các bạn tham khảo

Online Workshop CÁC NGUYÊN TẮC VIẾT CĂN BẢN

của nhà văn Hà Thủy Nguyên tại ĐÂY

Con đường viết của tôi (3): Sự “hay” muôn vẻ, chi bằng cứ đúng lòng mình

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  “Hay” là một khái niệm rất chung chung. Đọc một áng văn tuyệt mỹ, anh bảo hay, tôi bảo dở, âu cũng là lẽ thường tình. Hay dở cũng như xấu đẹp, tùy vào trình độ cao thấp, và thói quen tư duy của người tiếp nhận. Bàn về lẽ hay dở, tôi đặc biệt tâm đắc với lời than của Hàn Phi Tử hơn hai ngàn năm về trước: “…lời nói thuận

Con đường viết của tôi (2): Đúng ngữ pháp, đơn giản nhưng không dễ

Các bạn có thể đọc cả chùm bài “Con đường viết của tôi” Khi tôi bắt đầu dậy lớp “Viết để biểu hiện bản thân” do Book Hunter tổ chức, tôi đã đặt ra vấn đề viết đúng ngữ pháp tiếng Việt cho tất cả những ai đến học lớp của tôi. Đương nhiên, một câu hỏi lập tức bật ra trong đầu của không ít bạn: “Biểu hiện bản thân thì cần gì đúng ngữ pháp?”. Câu hỏi này không phải là không có

Con đường Viết của tôi (6): Diễn đạt loằng ngoằng và sự suy thoái của tư duy

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  Walt Whitman nói: “Nghệ thuật của nghệ thuật, niềm vinh quang của sự biểu hiện, ánh thái dương của vẻ đẹp ngôn từ, chính là sự mộc mạc”. Thơ Walt Whitman quả thực là một điển hình cho tiếng lòng được cất lên như nó vốn là. Tôi thích thơ ông chính ở điểm ấy. Nhưng tôi cũng rất thích các tác giả có lối diễn đạt kỳ lạ hoặc những ngôn từ

CON ĐƯỜNG VIẾT CỦA TÔI (5): SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG NHƯ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ THẾ GIỚI TÂM TRÍ

Các bạn có thể đọc cả chùm bài “Con đường viết của tôi” Ngày nay, văn chương không còn được ưa chuông nhiều nữa. Văn chương trở thành thứ vô dụng, đặc biệt là ở nước ta, bởi nó không mang lại nhiều tiền bạc và danh vọng. Văn chương chỉ còn là đam mê hoàn toàn rất cá nhân đến từ những ai muốn vượt trên đời sống tầm thường này để đi sâu khám phá thế giới tâm trí của mình. Đó là

MUỐN VIẾT TỐT, HÃY ĐỌC ĐÚNG VÀ VIẾT ĐÚNG

Việc dạy và học văn vô trách nhiệm ở các cấp học đã tạo ra nhiều thế hệ trẻ thiếu những nền tảng căn bản của viết và đọc hiểu. Người ta đã khoác cho môn văn trong nhà trường không ít các nhiệm vụ vĩ đại được tô vẽ bằng các mĩ từ, thế nhưng, nhiệm vụ căn bản nhất là giúp học sinh đọc hiểu các hình thức văn bản và nắm vững các quy tắc trong việc viết thì lại không hề