Home Đọc Một Chín Tám Tư – Kiệt tác đã giết chết George Orwell (phần 1)

Một Chín Tám Tư – Kiệt tác đã giết chết George Orwell (phần 1)

Minh Hùng

07/10/2019

Bài gốc: https://www.theguardian.com/books/2009/may/10/1984-george-orwell

Robert McCrum

Năm 1946, Biên tập viên tờ Observer David Astor đã cho George Orwell mượn một trang trại xa xôi vùng Scotland để ông viết cuốn sách mới của mình, Một Chín Tám Tư. Cuốn sách đã trở thành một trong những tiểu thuyết quan trọng nhất của thế kỷ 20. Trong bài viết này, Robert McCrum kể lại câu chuyện hấp dẫn về cuộc sống đầy đau khổ của Orwell khi ở lại trên đảo, phải cận kề cái chết và bị bao vây bởi những con quỷ sáng tạo, và hừng hực lao mình vào một cuộc đua để hoàn thành cuốn sách.

 

Đấy là một ngày tháng tư, trời quang mây tạnh, khá lạnh, đồng hồ điểm mười ba tiếng.

Sáu mươi năm sau khi ra mắt kiệt tác của Orwell, Một Chín Tám Tư, câu mở đầu trong suốt pha lê ấy nghe tự nhiên và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Nhưng nếu nhìn vào bản thảo đầu tiên, bạn sẽ thấy khác: không nhiều sự dứt khoát rõ ràng, mà có nhiều đoạn viết lại đầy ám ảnh, bằng các loại mực khác nhau, điều đó bộc lộ sự hỗn loạn lạ thường bên trong tác phẩm.

Có lẽ cuốn tiểu thuyết tối hậu của thế kỷ 20, một câu chuyện còn mãi mới mẻ và đương đại, vời những thuật ngữ như “BigBrother”, “doublethink” và “newspeak” đã trở thành một phần trong dòng chảy đời sống hàng ngày. Một Chín Tám Tư đã được dịch sang 65 ngôn ngữ và bán hàng triệu bản trên toàn cầu, mang lại cho Geogre Orwell một vị trí độc nhất trong văn chương thế giới.

“Orwellian” ngày nay trở thành một cách nói tắt phổ biến cho bất cứ thứ gì mang tính chất hà khắc hay toàn trị, và câu chuyện về Winston Smith, một thường dân trong thời đại của ông, tiếp tục gây tiếng vang tới cho độc giả, những người mang nỗi sợ rất khác về tương lai so với nỗi sợ của nhà văn người Anh giữa thập niên 40.

Tình cảnh lúc viết cuốn Một Chín Tám Tư là một câu chuyện ám ảnh giải thích cho sự lạnh lẽo trong thế giới “phản utopia” của Orwell. Nhà văn người Anh ấy đây, ốm đau tuyệt vọng, một mình vật lộn với những con quỷ trong trí tưởng tượng, ở một nơi xa xôi thuộc Scotland, sau những hậu quả tàn hoang của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Ý tưởng về Một Chín Tám Tư, hay còn gọi, “Người cuối cùng ở châu Âu” đã được Orwell ấp ủ từ cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Cuốn tiểu thuyết của ông, có chút ảnh hưởng từ tiểu thuyết phản utopia của Yevgeny Zamyatin mang tên We, có lẽ đã bắt đầu được định hình chắc chắn vào những năm 1943 – 44, cùng trong khoảng thời gian ông và vợ mình, Eileen nhận nuôi người con trai duy nhất, Richard. Bản thân Orwell khẳng định ông một phần được truyền cảm hứng từ một cuộc họp của các lãnh đạo phe Đồng minh tại Hội nghị Tehran năm 1944. Isaac Deutscher, một đồng nghiệp tại Observer, đã cho biết Orwell bị thuyết phục rằng “Stalin, Churchill và Roosevelt đã chủ ý âm mưu phân chia thế giới” ở Tehran.

Orwell đã làm việc cho tờ Observer của David Astor từ năm 1942, ban đầu là một người Phê bình, sau đó trở thành một phóng viên. Biên tập viên đã dành cho Orwell lòng ngưỡng mộ lớn lao vì “sự thẳng thắn tuyệt đối, sự trung thực và nghiêm chỉnh của ông, và trở thành người bảo trợ cho Orwell suốt thập niên 1940. Tình bạn gắn bó giữa hai người rất quan trọng đối với câu chuyện trong Một Chín Tám Tư.

Đời sống sáng tạo của Orwell vốn đã được hưởng lợi nhờ mối liên kết giữa ông với tờ Observer từ tác phẩm Trại súc vật. Khi chiến tranh đi đến hồi kết, tương tác sinh lợi giữa tiểu thuyết và báo chí Chủ nhật đã góp phần vào cuốn tiểu thuyết còn phức tạp hơn, đen tối hơn mà ông đang ấp ủ trong đầu sau câu “chuyện cổ tích” nổi tiếng kia. Ví dụ, rõ ràng từ những phê bình trên Obsever, ta thấy ông hứng thú với mối quan hệ giữa đạo đức và ngôn ngữ.

Cũng có những nguồn khác ảnh hưởng tới tác phẩm. Ngay sau khi nhận nuôi Richard, căn hộ của Orwell đã bị phá hoại bởi bọ rệp. Không khí căng thẳng của các cuộc khủng bố ngẫu nhiên xảy ra trong đời sống thường ngày ở London thời chiến đã trở thành thứ không thể thiếu trong cuốn tiểu thuyết đang viết. Điều đến sau đó còn tệ hơn. Vào tháng Ba năm 1945, khi đang trong chuyến công tác tới châu Âu cho tờ Observer, Orwell nhận được tin vợ mình, Eileen đã qua đời khi gây mê trong một ca phẫu thuật thông thường.

Đột ngột ông trở thành người góa vợ, làm ông bố đơn thân, sống đời luẩn quẩn trong nhà trọ ở Islington, và làm việc không ngừng nghỉ để gắng ngăn lại dòng lũ cảm xúc hối hận và đau buồn vì người vợ đoản mệnh. Năm 1945 ấy, ông đã viết gần 110 000 từ cho các ấn phẩm khác nhau, trong đó bao gồm 15 bài phê bình cho tờ Observer.

Rồi Astor đến. Gia đình anh sở hữu một bất động sản trên hòn đảo Jura xa xôi của Scotland, bên cạnh Islay. Có một căn nhà, Barnhill, nằm cách bảy dặm bên ngoài Ardlussa ở mũi phía bắc xa xôi bạt ngàn cây thạch nam tại Inner Hebrides. Ban đầu, Astor đề nghị Orwell dành một kỳ nghỉ ở đó. Trao đổi với Observer tuần trước, Richard Blair nói rằng từ truyền thuyết gia đình, ông tin rằng Astor đã cảm thấy ngạc nhiên trước phản ứng nhiệt tình của Orwell.

Vào tháng Năm năm 1946, Orwell, khi ấy vẫn đang nhặt nhạnh lại những mảnh vụn vỡ đời mình, đã lên tàu đi một chuyến dài và gian khổ để đến Jura. Ông nói với người bạn Arthur Koestler của mình rằng nó “gần như một chuyến tàu tích trữ cho một chuyến đi Bắc cực.”

Đó là một việc làm mạo hiểm; Orwell không có được sức khỏe tốt. Mùa đông 1946-47 là một trong những mùa đông lạnh lẽo nhất lịch sử. Nước Anh hậu chiến của ảm đạm hơn trong chiế tranh, và ông luôn phải chịu cơn đau ở ngực. Ít nhất, tác mình khỏi những phiền phức phát bực của giới văn chương London, ông sẽ được tự do vật lộn với cuốn tiểu thuyết mới. “Bị bóp nghẹt bởi báo chí, tôi thấy mình ngày càng giống một trái cam bị vắt kiệt.” Ông đã nói với một người bạn của mình như vậy.

Trớ trêu thay, một phần những khó khăn của Orwell lại xuất phát từ thành công của cuốn Trại súc vật. Sau nhiều năm thờ ơ bỏ mặc, thế giới đã nhận thức được thiên tài của ông. “Mọi người đổ dồn vào tôi,” ông phàn nàn với Koestler, “muốn tôi giảng bài, viết loại sách nhỏ, tham gia cái này cái nọ, vân vân, bạn sẽ chẳng thể biết được tôi khao khát đến nhường nào được thoát khỏi đó và có thời gian để suy nghĩ trở lại.”

Ở Jura, ông được giải thoát khỏi những phiền nhiễu này, nhưng hứa hẹn về tự do sáng tạo trên một hòn đảo ở Herides cũng đi kèm cái giá của nó. Nhiều năm trước đây, trong tiểu luận “Tại sao tôi viết”, ông đã mô tả cuộc vật lộn để hoàn thành một cuốn sách: “Viết một cuốn sách là một cuộc chiến khủng khiếp và kiệt quệ, giống một căn bệnh dài đau đớn. Người ta không bao giờ thực hiện được một điều như vậy nếu không bị điều khiển bởi con quỷ mà người ta vốn không chống lại được hoặc hiểu về nó. Chúng ta đều biết rằng con quỷ đó chỉ đơn giản tương tự một loại bản năng khiến cho một đứa trẻ la hét gây chú ý. Tuy nhiên cũng đúng là người ta có thể viết những điều không thể đọc nổi trừ phi người ta liên tục tranh đấu để biểu hiện cá tính của riêng mình.” Và rồi cái câu kết nổi tiếng của Orwell đã tới. “Tiểu thuyết tốt giống như một ô kính cửa sổ vậy.”

Từ mùa xuân năm 1947 đến khi mất vào năm 1950, Orwell đã tái hiện mọi khía cạnh của cuộc đấu tranh này theo cách đau đớn nhất có thể tưởng tượng. Có lẽ, một cách riêng tư, ông tận hưởng sự chồng chéo giữa lý thuyết và thực hành. Ông đã luôn phát triển trên những khốn khó tự sinh.

Ban đầu, sau “một mùa đông tương đối khốn khổ”, ông say sưa với vẻ đẹp hoang dại và cô lập của đảo Jura. “Tôi đang vật lộn với cuốn sách này,” ông viết cho người đại diện của ông, “tôi có thể hoàn thành nó vào cuối năm – dù cho khi đó tôi có phải gãy tấm lưng này, miễn là tôi còn ổn và tránh được các công việc báo chí cho đến mùa thu.”

(còn tiếp phần 2)

Minh Hùng dịch

MỘT CHÍN TÁM TƯ – KIỆT TÁC ĐÃ GIẾT CHẾT GEORGE ORWELL (PHẦN 3)

Bài gốc: https://www.theguardian.com/books/2009/may/10/1984-george-orwell Robert McCrum Mời bạn tìm đọc phần 1 và phần 2. Đây là một cuộc chạy đua tuyệt vọng với thời gian. Sức khỏe Orwell ngày một giảm sút, bản thảo “tệ đến không thể tin nổi” cần được đánh máy lại, còn hạn cuối vào tháng Mười hai thì lừng lững tiến đến gần. Warburg hứa hẹn sẽ giúp đỡ, và người đại diện của Orwell cũng vậy. Hiểu lầm đã xảy ra giữa những người đánh máy, nên bằng cách nào

Minh Hùng

11/11/2019

MỘT CHÍN TÁM TƯ – KIỆT TÁC ĐÃ GIẾT CHẾT GEORGE ORWELL (PHẦN 2)

Bài gốc: https://www.theguardian.com/books/2009/may/10/1984-george-orwell Robert McCrum Tìm đọc phần 1 tại đây. Căn nhà Barnhill, nhìn ra phía biển từ đầu của một lối đi đầy những ổ gà, vốn không lớn, với bốn phòng ngủ nhỏ nằm trên một nhà bếp rộng rãi. Cuộc sống đơn giản, thậm chí có phần nguyên sơ. Không có điện. Orwell dùng khí Calor để nấu nướng và đun nước. Đèn bão đốt paraffin. Buổi tối, ông đốt than bùn. Ông vẫn liên tục hút thứ thuốc lá sợi to

Minh Hùng

28/10/2019

TẠI SAO TÔI VIẾT? – GEORGE ORWELL (1): ĐỘNG LỰC CỦA NHÀ VĂN

Từ khi ít tuổi, có lẽ là năm hay sáu gì đó, tôi đã biết rằng khi tôi lớn lên tôi sẽ trở thành một nhà văn. Trong quãng từ mười bảy đến hăm tư tuổi tôi đã cố từ bỏ ý định này, nhưng tôi thực hiện điều đó với ý thức rằng tôi đang lăng mạ bản chất đích thực của mình và dù sớm hay muộn tôi sẽ ngồi xuống và sáng tác. Tôi là đứa thứ hai trong số ba anh

TẠI SAO TÔI VIẾT – GEORGE ORWELL (2): VĂN CHƯƠNG VÀ CHÍNH TRỊ

Có thể thấy rằng những xung lực khác nhau này đã phải giao tranh với nhau như thế nào, và bằng cách nào chúng lan truyền từ người này sang người khác theo thời gian. Theo bản chất – cứ cho rằng “bản chất” là trạng thái bạn đạt được khi bạn lần đầu trưởng thành – tôi là người mà ba động lực đầu tiên mạnh mẽ hơn động lực thứ tư. Ở thời bình, tôi có thể đã chỉ viết những cuốn sách