Home Ngẫm LẠC THÚ – ĐÁNH THỨC PHẨM CHẤT LINH HỒN (2): ÂM GIAI CỦA TÂM TRÍ

LẠC THÚ – ĐÁNH THỨC PHẨM CHẤT LINH HỒN (2): ÂM GIAI CỦA TÂM TRÍ

Thời nay, thẩm mỹ âm nhạc của loài người ngày một tệ hại. Âm nhạc là những chuỗi âm giai năng lượng phức hợp của cảm xúc và suy nghĩ đan xen. Trong cõi tâm trí của con người, cảm xúc và lý trí đối thoại với nhau bằng một loại ngôn ngữ: âm giai năng lượng.

Những bản nhạc tuyệt đẹp, những khúc thi ca bay bổng, những áng văn chương mê luyến lòng người… đó là âm giai năng lượng. Khoảnh khắc trầm mình dưới ánh hoàng hôn… Sự cuộn trào của nụ hôn đắm đuối…Nỗi đau mênh mang đại ngàn… Phút giây bi tráng gió tung bay hồng bào… Cõi hư vô của thân phận… Đó cũng là âm giai năng lượng. Chỉ những ai dấn thân vào luân hồi viễn kiếp với nụ cười ngạo nghễ mới có thể nghe thấu trùng trùng âm giai với điệp điệp thang bậc lòng người.

Khi cảm xúc rung động, âm giai cất lên nhịp nhịp sóng: lúc sâu lắng, lúc cuộn trào, khi dồn dập, khi hoan ca. Thứ âm giai ấy khuấy động hàng tỉ suy nghĩ xếp lớp trong ký ức luân hồi. Nỗi buồn của ngày hôm nay có thể là nỗi buồn đã dâng lên tự ngàn năm. Khe khẽ vui vì cơn gió đầu mùa có thể lan sang tới trăm năm sau. Chỉ một rung động của hiện tại cũng ẩn chứa trong đó ngàn kiếp vạn kiếp từ quá khứ và tương lai.

Khi suy nghĩ nẩy sinh từ một tác nhân bên ngoài, ký ức bên trong sẽ được gợi nhắc. Ký ức ấy có thể kiếp này hoặc kiếp trước, nhưng phàm đã trở thành ký ức thì đều ẩn chứa cảm xúc bên trong. Với thứ ký ức không cảm xúc, ấy là thứ ký ức giả tạm mà ta đã tự ghi chồng lên hoặc kẻ nào đó đã cố ý cài đặt để lừa dối. Suy nghĩ có thể giả dối, ký ức có thể giả dối, nhưng cảm xúc không thể giả dối. Khi được đánh thức, ký ức cũng cất lên thành một thứ âm giai nhuốm màu siêu hình và tượng trưng.

Tận hưởng vô vàn âm giai trong mỗi khoảnh khắc đời người, ấy là thứ lạc thú mà không mấy ai có đủ trí tuệ và sự rộng mở để lắng nghe. Mà dù có đủ trí tuệ và sự rộng mở, cũng không phải ai cũng có đủ dũng cảm để tận hưởng. Người đời ai cũng tìm vui trốn khổ, muốn thong dong mà chẳng dám lao đao, muốn tâm thanh tĩnh mà chối bỏ sự vọng động. Nực cười thay! Chỉ kẻ lao vào trùng trùng lớp lớp âm giai miên viễn kiếp mới thật sự ở trong tĩnh lặng, bởi không tĩnh lặng sao có thể lắng nghe.

Kìa những kẻ chối bỏ hồng trần, bó gối tọa thiền chốn am mây, thế sự ngoài tai, khoác trên mình manh áo thung dung thoát tục… Ôi những kẻ bịt tai bịt lòng nén âm giai vào câu kệ lời kinh… Họ trốn chạy điều gì ngoài chính mình? Thế nào là giải thoát? Thế nào là Niết Bàn? Thế nào là vượt trên luân hồi? Có bao giờ nghe câu hỏi của ta mà các ngươi rơi tọt xuống hư vô? Hư vô là thật! Còn nào thì giải thoát, nào thì Niết Bàn, nào thì đắc đạo… chỉ là thứ danh xưng trói buộc linh hồn của các ngươi mà thôi.

Hãy tận hưởng âm giai của hư vô. Âm giai của cảm xúc hoang mang bất định. Âm giai của biết bao lần tự cật vấn bản thân về chính mình cho tới khi không thể tìm điển kết rồi rơi vào sự bồng bềnh của bể luân hồi.

Ta đã lênh đênh trên bể luân hồi, đắm chìm trong mỗi âm giai nối nhau tựa sóng biển ngân nga. Ta không quay đầu, vì bến bờ không rung động chỉ là chốn nghỉ chân cho một cuộc viễn du khác. Kẻ không dám rời bỏ bến bờ để lang thang trên biển cả, là kẻ sẽ quên dần những âm giai năng lượng của chính mình. Tâm trí kẻ ấy sẽ xơ cứng. Linh hồn kẻ ấy sẽ bị chiếm đoạt bởi thứ bến bờ giả tạm.

Thiết nghĩ, bến bờ đã trở thành nơi đất chật người đông. Và không bến bờ nào thoát được cơn đại hồng thủy âm giai năng lượng. Vậy thì tội gì mà không căng buồm phiêu lưu, cưỡi lên sóng gió, tung cánh hồ hải bốn phương, cất vang những âm giai chấn động đất trời?

Lạc trên bể khổ cũng tốt! Cập bến Niết Bàn cũng tốt! Cần gì phải xác định điểm dừng. Lòng muốn đi thì cứ đi. Lòng muốn nghỉ thì cứ nghỉ! Sự giải thoát, suy cho cùng vừa có thể là giải thoát, cũng vừa có thể là trói buộc. Linh hồn không giới hạn sao phải chứng ngộ hay không chứng ngộ. Báu vật của ta rất quý nhưng tìm kiếm, chiếm đoạt bên ngoài chẳng phải cũng rất phấn khích hay sao? Qủa nghiệp có thể đau đớn nhưng thỏa mãn, chẳng hơn kẻ ở chốn thâm sơn nhưng vẫn mơ về bốn biển.

Thấu rõ tỉ tỉ âm giai, chỉ có thể là một linh hồn tĩnh lặng như gương. Kiến tạo ngàn ngàn âm giai, chỉ có thể là một linh hồn sáng trong vằng vặc. Bên ngoài vọng động, bên trong tự tại. Bên trong vọng động, hoan ca theo vọng động.

Có khoảnh khắc nhỏ vừa trôi qua!

Hà Thủy Nguyên

LẠC THÚ – ĐÁNH THỨC PHẨM CHẤT TÂM HỒN – BÀI 1: NHỤC DỤC

Các trường phái tu hành đều khước từ lạc thú, các chính trị gia đều sợ lạc thú, và quỷ dữ lợi dụng lạc thú. Tất cả những kẻ đó đều không biết thế nào là lạc thú, chúng đều là những cỗ máy. Cỗ máy không biết đến lạc thú và đã ngăn cản lạc thú, bởi lạc thú đánh thức ý thức của linh hồn, phá tan mọi kế hoạch đưa thế giới trở thành thiên đường hoàn hảo. Mọi bước tiến triển của