Home Chuyên đề tháng Hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam của người dân Mỹ (phần 2): Diễn biến phong trào

Hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam của người dân Mỹ (phần 2): Diễn biến phong trào

Diễn biến hoạt động xã hội chống chiến tranh Việt Nam của người dân Mỹ
Tổ chức theo New Left thành lập và phát triển trước giai đoạn phản chiến
(Tham khảo lịch sử chính trị Hoa Kỳ qua cuốn sách được xuất bản trong năm 2020 Nước Mỹ chuyện chưa kể tại đây)
Trước 1964, hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam diễn ra nhỏ lẻ, với sự tham gia của các tổ chức có mục tiêu hòa bình như War Resisters League (WRL), Committee for Non-Violent Action (CNVA) hay tổ chức thân Cộng sản như Progressive Labor Movement hay May 2nd Movement (M2M).
Tuy nhiên trong giai đoạn này cộng đồng lớn mà sau này sẽ chi phối phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam vẫn đang hoạt động rất năng nổ. Họ không kêu gọi dừng chiến tranh Việt Nam, nhưng họ tập trung đòi quyền bình đẳng cho người da đen, tăng quyền lợi cho người nghèo. Chúng ta sẽ tìm hiểu lí do hình thành của các phong trào này và vì sao họ chuyển hướng sang phản đối chiến tranh Việt Nam (các phong trào này được gọi là New Left để phân biệt với Old Left thân Cộng sản).
Những yếu tố có trong thập kỉ 50, kết hợp với việc John Frank Kennedy đắc cử làm tổng thống với nhiều lời hứa cho người da đen và người nghèo khiến năm 1960 là cột mốc quan trọng. Ngày đầu tháng 2 năm 1960, bốn sinh viên da đen đã vào một hàng ăn chỉ phục vụ người da trắng, thuộc Greensboro, North Carolina, và yêu cầu được phục vụ. Ngày hôm sau, họ quay trở lại cùng với vài chục người nữa. Cứ như vậy, hoạt động lan ra khắp thành phố, rồi khắp bang, rồi trên nhiều bang miền Nam có phân biệt chủng tộc. Khoảng 70,000 người tham gia Sit-in lần này, và một số địa phương đã chịu nhượng bộ tạm thời. Nhưng điều quan trọng hơn là vào tháng 4 năm đó, người tổ chức phong trào đã họp lại và thành lập Student Non-violent Coordinating Committee (SNCC), tổ chức đóng vai trò lớn trong phong trào người da đen và truyền cảm hứng cho sinh viên cả nước Mỹ.
Hoạt động Sit in còn cho thấy phong cách đòi thay đổi chính sách mới. Thay vì họp bàn trước, lên kế hoạch, xác định thời cơ, liên kết các bên, tổ chức vận động hành lang, trong thập kỉ 60 chúng ta sẽ thấy phong cách đấu tranh bộc phát. Người đấu tranh không kêu gọi “hãy thay đổi chính sách” mà hành động ngay như chính sách đã được thay đổi; không làm việc sau bàn giấy mà đòi hỏi trên phố; không thực hiện vận động hành lang dài hơi mà muốn đòi thay đổi ngay; không quan tâm đến bầu người đại diện mà muốn tất cả người tham gia đều được lắng nghe (Participatory democracy).
Ở các bang miền bắc, hoạt động đáng kể đầu tiên trong 1960 là hoạt động “gây rối” tại hội nghị của HUAC. Hội đồng này công bố video về nhóm gây rối và cho đây là đồng đảng của Cộng sản, mặc dù trong đoạn phim thì rõ ràng đây chỉ là những hoạt động gây rối trẻ con. Đoạn phim lan truyền ra nhiều khuôn viên đại học, và hội đồng HUAC bị cười nhạo, coi là những kẻ nhát chết, hoang tưởng. Hội đồng có quyền lực rất lớn trong thập niên 50 giờ đã thành trò đùa.
Từ các hoạt động tự phát, các tổ chức như Student Peace Union – SPU, hay TOCSIN, SANE… phát triển ở các bang miền bắc, thực hiện các hoạt động như giáo dục về hạn chế vũ khí hạt nhân, tránh leo thang chiến tranh lạnh. SPU vận động được vài ngàn sinh viên đến biểu tình và đề xuất ý kiến về hòa bình tại Washington, nhưng sau nhiều lần nỗ lực, họ nhận thấy các chính trị gia như Kennedy bề ngoài thì ủng hộ, nhưng khi đối thoại về chính sách thì chính trị gia lại có rất nhiều lí do để thoái thác và trì hoãn thay đổi.
Cùng vào năm 1960, tổ chức LID (League for Industrial Democracy) cảm thấy mình cần có chi nhánh sinh viên nếu muốn tiếp tục hoạt động. Student LID (SLID) được lập ra, và được đổi tên thành SDS (Student for Democratic Society). Vào 1962, tại hội nghị đầu tiên của tổ chức SDS, tuyên ngôn chính trị do Tom Hayden và các thành viên SDS soạn thảo đã được công bố. Tuyên ngôn phê phán việc kéo dài chiến sự và chiến tranh lạnh, hiểm họa hạt nhân, chạy đua vũ trang, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng, độc quyền kinh doanh và chính trị. Tuyên ngôn đề xuất thêm quyền quyết định cho các cá nhân, thêm quyền lợi cho người lao động, tăng phúc lợi xã hội, giảm đói nghèo, loại bỏ phân biết chủng tộc. Hình thức nhằm đạt được Participatory Democracy là dân sự bất tuân phi bạo lực mà nòng cốt là sinh viên.
Trong hội nghị, một số sinh viên thuộc tổ chức thân Cộng sản đề xuất việc dự thính, tổ chức LID rất phản đối (vì tổ chức này có cốt lõi là chống cộng sản). Nhưng ban tổ chức hội nghị vẫn cho những sinh viên này ngồi dự.
LID bác bỏ thẳng thừng tuyên ngôn này vì nó không ghi rõ mục tiêu tổ chức là chống Cộng sản.
Một điểm nữa trong tuyên ngôn và trong hội nghị là sự thiếu đi giải pháp khả thi để thực hiện những mục tiêu đề ra. Sau tranh luận hồi lâu, hội nghị chốt ở điểm: Participatory Democracy.
Về nội bộ, SDS đi theo hướng dân chủ ngay ở bên trong. Không có cấp trên, cấp dưới, các cuộc họp có nhiều chủ đề, người tham gia thảo luận sôi nổi, đa chiều. Giữa những người trẻ đồng chí hướng này nảy sinh tình cảm thân thiết. Họ không cảm thấy sự ấm áp của gia đình ở nhà mình, nhưng lại tìm thấy gia đình ở đây.
Từ 1960 đến 1964, các tổ chức hoạt động miền bắc và miền nam của Mỹ đều thực hiện nhiều hoạt động hướng tới người da đen, người nghèo, chiến tranh lạnh… nhưng không hướng tới chiến tranh Việt Nam vì: Sự can thiệp của Mỹ tới chiến tranh Việt Nam vẫn chưa lớn, và vì người tổ chức các hoạt động này vẫn tư duy như sau: Cần có sự ủng hộ của chính phủ để đạt được cải cách tiến bộ, và việc biểu tình về quá nhiều vấn đề sẽ làm nhiều chính trị gia thấy khó ưa, dẫn đến khó đàm phán hơn.
Năm 1964 – đổi hướng phong trào và đổi hình thức sang bất hợp tác
Vụ JFK bị ám sát (JFK là người biết vỗ về phe New Left và Liberal), cùng với hai sự kiện: Hội nghị đảng Dân chủ ở thành phố Atlantic, và sự kiện vịnh Bắc bộ dẫn đến việc Johnson leo thang chiến tranh ở Việt Nam, đã làm thay đổi lối tư duy của các tổ chức này về vấn đề Việt Nam. Có thể nói, giai đoạn trước tháng 8/1964, phe New Left vẫn hoạt động nhắm tới từng vấn đề một, tách biệt vấn đề khá cụ thể, vừa biểu tình phản đối, vừa đàm phán, thương lượng nếu có thể. Sau tháng 8/1964, phe New Left thiên về đấu tranh cho tất cả các vấn đề, đồng nhất các vấn đề với một vấn đề duy nhất (sự áp bức của hệ thống), và gần như cắt đứt việc thương nghị với chính trị gia.
Sự kiện ở Atlantic: sau hàng năm đấu tranh đưa người nghèo và người da đen đi bầu cử ở Mississippi (một số nhà hoạt động bị tấn công, bị giết, nhưng cảnh sát và FBI làm ngơ), phong trào đã đưa một nhóm người ủy nhiệm riêng đến hội nghị đảng Dân chủ ở Atlantic, với yêu cầu thay thế nhóm người ủy nhiệm hiện có do nhóm này không được bầu một cách công bằng. Johnson không đồng ý, công sức của các nhóm hoạt động đều công cốc. Các lãnh đạo cũ của các phong trào này thấy mình đã thất bại và không xứng đáng lãnh đạo nữa, thay vào đó là những lãnh đạo mới ít học hơn, táo tợn hơn, sẵn sàng sử dụng bạo lực, nhìn các vấn đề theo kiểu đơn giản, và không quan tâm đến thương nghị với chính quyền.
SDS cũng nhận ra bài học cay đắng trên, và bị shock khi Johnson được leo thang chiến tranh dễ dàng. Tổ chức này công khai thể hiện ý định biểu tình chống chiến tranh Việt Nam (chống lại tổ chức mẹ là LID, chống Cộng sản), và ngay lập tức nhận được ủng hộ về người và tiền từ các tổ chức và cá nhân cả nước. Hàng trăm cuộc teach-in (giáo dục vì sao chiến tranh Việt Nam là sai) diễn ra khắp đất nước (do nhiều tổ chức sinh viên cùng thực hiện), hàng chục chi bộ địa phương của SDS được thành lập. Đến 17/4/1965, tổ chức cùng một số nhóm khác đã vận động biểu tình chống chiến tranh ở Washington, với 25000 người tham gia (nhiều nhất cho tới thời điểm đó). Sau cuộc tuần hành này, thanh thiếu niên đổ vào gia nhập SDS, và các hoạt động phản chiến như teach-in, hỗ trợ tránh nghĩa vụ quân sự, biểu tình chống chiến tranh, tuyển quân, chống doanh nghiệp phục vụ chiến tranh… diễn ra sôi động.
Trong cuộc tuần hành, Paul Potter, lãnh đạo SDS phát biểu rằng hệ thống đàn áp các hoạt động xã hội ở miền Nam, hệ thống ném bom ở Việt Nam… là một hệ thống, rằng chiến tranh chỉ là một biểu hiện của hệ thống cần thay đổi, rằng NLF cũng là một phong trào, và nó đáng cho chúng ta đồng cảm và làm gì đó.
Số lượng người tăng lên không có nghĩa là SDS mạnh hơn. Những người tham gia được gọi là người từ đồng cỏ (prairie people) vì nhiều người trong số họ ít học, sống trôi dạt, bị cộng đồng kì thị vì có chút liên hệ với phong trào xã hội. Nhiều người hơn nhưng từ thời điểm này SDS không có đường lối thống nhất, và participatory democracy không còn thực hiện được nữa vì quá nhiều người với ý kiến đối lập, khó dung hòa. Từ đây SDS bị đẩy theo hướng cực đoan hóa, đơn giản hóa mọi vấn đề.
SDS cũng không kiểm soát được các cuộc biểu tình cũng như thành phần tham gia. Ngày càng nhiều lá cờ của NLF, hay khẩu hiệu bôi nhọ nước Mỹ, thần thánh hóa Việt Nam xuất hiện trong các cuộc biểu tình, cộng với việc truyền thông đưa tin có chọn lọc, khiến nhiều phong trào trông giống như bị Cộng sản chi phối, tẩy não.
Hình thức bạo động dần trở nên phổ biến
Trong giai đoạn từ 1965, không ít người trong phong trào chống chiến tranh đã sang Việt Nam hoặc tham gia họp với đại diện NLF, và bắc Việt Nam. Được chào mừng thân mật, được nghe kể và tận mắt chứng kiến sự dữ dội của bom đạn, và được nghe những câu chuyện dũng cảm mà người Việt kể như một điều rất bình thường, những người này phát cuồng Việt Nam khi quay trở lại nước Mỹ. Những câu chuyện của họ cũng chuyển hóa rất nhiều thành viên khác thành ủng hộ Việt Nam và Anti-Mỹ.
Họ không thể không thấy bức xúc và thất vọng khi biết vào cuối 1967, sau hơn 2 năm tuyên truyền, biểu tình, chỉ có 10% dân số ủng hộ việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Họ cảm thấy những hoạt động hiện tại quá chậm, trong khi Việt Nam thì không thể chờ được.
Một số người còn khinh bỉ các hoạt động biểu tình phản chiến diễn ra đều đều, tuy đông người thật nhưng không đem tới kết quả gì (ví dụ vụ tuần hành tới lầu Năm Góc, xâm phạm vào ngoại vi tòa nhà, cài hoa vào họng súng của binh sĩ, thuyết phục họ ngừng chiến tranh, với sự tham gia của 50,000 người, nhưng không đem lại kết quả gì, và đến đêm thì cảnh sát tràn vào đánh đập, bắt bớ).
Định hướng mới đã được những thành viên cốt lõi của phong trào như Frank Bardacke và Tom Hayden đưa ra: Phải dừng cuộc chiến bằng mọi giá, phải tạo ra hỗn loạn, khiến bánh xe hệ thống trì trệ, phải tạo ra thiệt hại cho hệ thống, phải đánh thức những giới thượng lưu còn lơ đãng và cho họ thấy chi phí thật sự của cuộc chiến tranh. Khi đó họ sẽ phải tính toán và sẽ thấy cần dừng cuộc chiến đắt đỏ này lại.
Những xung đột bạo lực thường xuyên giữa chính quyền các tỉnh miền Nam của Mỹ và người nghèo, người da màu góp phần đẩy nhiều thành viên phản chiến tới ghét hệ thống, lực lượng cảnh sát, và đi theo bạo lực. Giót nước tràn li là vụ Thứ ba đẫm máu, 16/10/1967. Vào ngày này, khi 2,500 người phản đối nghĩa vụ quân sự đi chiến đấu ở Việt Nam tuần hành hòa bình ở Oakland, California, cảnh sát đã sử dụng dùi cui và hơi cay để tấn công họ. Số người bị thương không đếm được, 20 đã bị bắt (Về sau tin tức lộ ra là trong nhóm tuần hành có mật thám của cảnh sát, cho biết địa điểm diễn ra nhằm nhanh chóng đàn áp).

Ảnh: Oakland 17/10/1967. Nguồn: https://historycollection.co/moving-photographs-vietnam-war-protests-show-surprising-side-peace-movement/
Người trong phong trào từ khắp nơi đổ về đây, và vào thứ 6 tuần đó, chiến thuật đã thay đổi. Họ không còn biểu tình hòa bình, mà chia thành các tốp nhỏ cơ động, chiếm cứ khu phố, phá tài sản làm barrier, chửi bới cảnh sát, chạy rồi lại nhóm lại, giằng co gây rối. Cảnh sát không còn dám mạnh tay do đã bị truyền thông lên án sau thứ 3 vừa rồi. Chỉ tới khi lực lượng bảo vệ quốc gia được gọi tới, nhóm phong trào mới giải tán.
Hoạt động trên cho thấy phong trào phản chiến có hình thái mới. Không còn chỉ bao gồm biểu tình hòa bình, chống nghĩa vụ quân sự, giáo dục, vận động hành lang… (mặc dù những hoạt động này vẫn diễn ra sôi động), giờ đây một số hoạt động trở thành kháng cự chính quyền, gây thiệt hại, gây chú ý. Mục tiêu, thông điệp, chính sách không còn quan trọng nữa, và cũng không rõ ràng (nhiều người tham gia vì ghét hệ thống, muốn ném đá vào cửa kính…).
Người theo hướng phản chiến trong hòa bình cho rằng những hoạt động gây rối này là phản tác dụng, khiến cho dân chúng xa lánh phong trào. Nhưng đối với một số thành viên từng trải như Tom Hayden, Frank Bardacke, chứng kiến việc chính trị gia thất hứa và phản bội phong trào, việc hệ thống đàn áp người da đen cũng như người Việt Nam, thất vọng trước sự thờ ơ của đại bộ phận dân chúng, việc các hoạt động mình làm dường như vô ích, thì họ khó nhìn ra con đường nào khác.
Đối với nhóm ít học hơn, thì bạo lực là con đường phù hợp, vì nó không cần suy nghĩ nhiều, cũng khiến bạn tự tin rằng mình đã nhìn thấy rõ kẻ địch, rằng con đường của mình nếu không có hiệu quả ngay, thì cũng tạo cảm giác được sống, đấu tranh.
Thêm nữa, bạo lực thu hút báo giới, và nhóm New Left cực đoan tự thấy rằng mình đang thành công trong việc lột trần bộ mặt hệ thống, cho người dân biết bản chất đàn áp của hệ thống, và phá vỡ niềm tin vào tính chính danh của hệ thống.
Năm 1968 – cả nước bị kích động
Năm 1968 là năm bầu cử tổng thống, và Johnson rất cần giữ thể diện. Chiến dịch Tết làm chính quyền Johnson lộ ra 2 điều mà người dân, doanh nghiệp, giới có quyền lực đều ghét: Một là việc tổng thống đã liên tục nói dối người dân trong nhiều năm về việc cuộc chiến sắp thành công; hai là cuộc chiến không hiệu quả, tốn nhiều tiền, gây thiệt mạng nhiều người, và sẽ tốn nhiều tiền nữa.
Truyền thông không cố tình bôi nhọ Johnson. Những phóng viên từ Mỹ sang không có hứng đi sâu tìm hiểu tình hình Việt Nam, mà thường tụ tập nghe họp báo tại Sài Gòn rồi đưa tin về. Nhưng chiến dịch Tết đem bom đạn đến ngay trước mặt họ, khiến họ sững sờ. Nhà báo Walter Cronkite, người có uy tín trên truyền hình và ủng hộ chiến tranh lạnh còn phát biểu “Chuyện gì đang xảy ra thế này?”; “Tôi tưởng chúng ta đang chiến thắng?” Và sau chuyến khảo sát Việt Nam, ông phát biểu thẳng thắn trên TV rằng nhận định thực tế nhất là chúng ta chỉ đang tranh đấu ngang sức.
Việc này kết hợp với những bất ổn trong xã hội và kinh tế khiến Johnson phải giảm nhiệt chiến tranh và tuyên bố không ứng cử nhiệm kì tới.
Năm 1968 cũng là năm cả phe New Left và phe chính quyền bị kích động. Việc Martin Lurther King bị ám sát tháng 4/1968 ngay lập tức gây ra bạo loạn nhiều thành phố. Thị trưởng Chicago, Richard J. Daley ra lệnh bắt gục những người gây bạo loạn.
Robert Kennedy và Eugene McCarthy đứng ra tranh vị trí đại diện đảng Dân chủ với phó tổng thống Humphrey, nhưng Robert Kennedy bị giết. Niềm hi vọng của phe New Left, đặc biệt là nhóm phản chiến Việt Nam đành đặt cả vào Eugene McCarthy, một chính trị gia không có dáng lãnh đạo nhưng là người duy nhất công khai phản đối cuộc chiến Việt Nam.
Chicago được chọn là nơi tổ chức hội nghị đảng Dân chủ. Thị trưởng tai tiếng Daley siết chặt kỉ luật gần mức thiết quân luật, không để ngỏ cửa cho nhóm New Left thực hiện hoạt động ủng hộ McCarthy. Nhóm này vẫn thực hiện, và trong suốt tuần diễn ra hội nghị, thành phố được “thưởng thức” hình ảnh đám mây hơi cay trên phố, việc cảnh sát vụt nhóm phong trào, các vụ rượt đuổi, ẩn nấp… Một số phóng viên và người đi đường cũng bị vạ lây.

Ảnh: Hội nghị đảng Dân chủ tại Chicago, 1968. Nguồn: https://www.bostonglobe.com/news/nation/2018/08/25/chicago-when-all-changed/miozm7kRI0Uh9lptd37F8H/story.html
Có 10,000 người hoạt động xã hội đối đầu với 23,000 cảnh sát và lực lượng bảo vệ quốc gia. Nhưng một số người trong thành phố cũng giúp đỡ che chở cho người hoạt động xã hội, cung cấp thuốc men, chở đi trốn…. Cả thiếu niên 14-15 tuổi (dân địa phương) cũng tham gia bạo động. Dù cả hai phe đều bị kích động, sau khi truyền thông đưa tin về vụ bạo loạn này, khảo sát cho thấy người dân có ác cảm với nhóm phong trào nhiều hơn.
Từ đây về sau, phía cảnh sát trở nên bạo lực hơn, và một số vụ nổ súng đã diễn ra dẫn đến cái chết của người hoạt động xã hội. Một số thành viên cực đoan của các phong trào xã hội cảm thấy kháng cự là chưa đủ, mà còn sử dụng từ “Cách mạng” (Revolution). Họ thần tượng nhóm The Black Panther (Một nhóm hoạt động xã hội da đen cực đoan, thân Cộng sản, lãnh đạo tập quyền, mang súng, không ngại đấu súng kể cả với cảnh sát). Đây là tiền đề để hình thành nhóm Weatherman từ SDS, mà các hoạt động gần giống như khủng bố.
Nixon đặc cử
Nixon đắc cử với lời hứa ổn định quốc gia, và ông đã nhắm tới dẹp loạn New Left thông qua kế hoạch ba phần. Đầu tiên, ông cho rút quân, Việt Nam hóa chiến tranh, chuyển dần sang chế độ quân đội tình nguyện, ngừng ném bom Bắc Việt Nam và bắt đầu đàm phán hòa bình. Tiếp theo, ông rải thảm bom ngăn chặn quân Bắc Việt Nam tiến xuống, điển hình là ném bom Campuchia. Cuối cùng, ông cùng Edgar Hoover của FBI và CIA tấn công phong trào New Left. Trước đây chỉ các cá nhân thân Cộng sản mới là mục tiêu, thì nay các nhân vật ảnh hưởng trong New Left đều bị lưu hồ sơ, theo dõi hành tung, cài máy nghe trộm. Nhiều nhóm hoạt động có thành viên là nhân viên chính phủ trà trộn, với mục tiêu nghe chiến lược, tạo mâu thuẫn giữa các nhóm, kích động nhóm theo hướng bạo lực (vì nhóm cực đoan sẽ bị công chúng xa lánh). Trong giai đoạn này, số vụ khám xét, bắt tạm giam trái phép các nhân vật ảnh hưởng cũng tăng lên, đẩy nhiều người theo hướng đối đầu với cảnh sát.
Về phía phong trào, tháng National Mobilization Committee to End the War in Vietnam (nhóm Mobe) hoạt động mạnh với mục tiêu yêu cầu ngừng bắn và rút quân ngay lập tức. Vào 15/10/1969, hàng triệu người trên khắp Mỹ ngưng làm việc và tham gia biểu tình địa phương. 15/11/1969, hơn 500,000 người đã biểu tình tại Washington. Sau đó, nhóm Mobe không còn tổ chức được các hoạt động lớn và cũng rơi vào trạng thái mất phương hướng.
Nhưng theo Hersh, trong Price of Power, hai cuộc biểu tình lớn trên đã khiến Nixon hủy bỏ kế hoạch bí mật rằng nếu thỏa thuận với Việt Nam không đạt được vào cuối năm, ông sẽ ném bom và đổ bộ quân ra Bắc Việt Nam.
SDS bị tách ra, một số nhóm đi theo hướng “Cách mạng”, “Chiến tranh du kích”
SDS vốn đã bị chia rẽ từ trước, vào 1969 thì tách hẳn, với phần đông đi theo SDS-Worker-Student-Alliance thân Cộng sản và tổ chức các cuộc đình công, đòi quyền lợi cho lao động (nhóm này không thực hiện hành động khủng bố). Một số nhóm khác trở thành Weatherman, hay Revolutionary Youth Movement, đi vào hoạt động ngầm, học theo chiến tranh du kích, đánh bom các trụ sở chính quyền, các nơi tập trung cán bộ, công chức, sĩ quan.
Ví dụ: vào tháng 3/1970, khi đang chuẩn bị đánh bom bữa tiệc của sĩ quan tại căn cứ quân sự Fort Dix, bom phát nổ tại Greenwich Village, khiến một số thành viên Weatherman chết. FBI nhận định lượng bom đủ làm nổ cả khu phố.
Vào 2/1971, tòa nhà Capitol bị phát nổ, thiệt hại 300,000 USD nhưng không ai bị chết. Weatherman nhận trách nhiệm vụ đánh bom với thông điệp phản đối chiến dịch Mỹ tấn công sang Lào.
Mặc dù những nhóm cực đoan không bao giờ lên tới 1000 người, họ đã khiến cả những thành viên kì cựu phải sững sờ, người mới không dám gia nhập SDS, hàng loạt chi bộ giải thể, và khiến phong trào phản chiến nhận tiếng xấu từ công chúng. Todd Gitlin gửi thư cho bạn mình, ghi “Tôi đã mất đi niềm tin [vào phong trào], giờ tôi không biết nên tin vào điều gì nữa.”
Vụ đại học Kent State – thời điểm phong trào bừng sáng trước khi thoái trào
Đầu tháng 5/1970, sau khi Nixon tuyên bố về chiến dịch Campuchia, sinh viên và người hoạt động xã hội đã biểu tình tại đại học Kent State. Tòa nhà tuyển quân (ROTC) trong khuôn viên bị đốt cháy, không ai bị thương. Sang đến ngày 4/5, lực lượng bảo vệ quốc gia được gọi tới dẹp loạn. Nhóm biểu tình chống trả bằng gạch đá, và sau một hồi giao tranh, lực lượng bảo vệ đã xả súng vào sinh viên, khiến 4 người chết (2 trong số đó không phải đang biểu tình mà chỉ là đang đến lớp học), cùng nhiều người khác bị thương.

Ảnh: Đại học Kent State, 4/5/1970. https://100photos.time.com/photos/john-paul-filo-kent-state-shootings
Vụ Kent State dẫn đến biểu tình và đình công tại hơn một nửa số trường đại học trên toàn quốc. Tổng cộng khoảng 4 triệu sinh viên đã biểu tình, khiến đây trở thành hoạt động phản chiến lớn nhất thế giới. Nhiều sinh viên đi biểu tình lần đầu một cách hòa bình, nhưng cũng không ít hoạt động bị bạo lực hóa – 30 tòa ROTC tại các khuôn viên bị đốt hoặc đánh bom chỉ trong vài ngày đầu tháng 5. Nhóm Mobe chỉ kêu gọi trong 1 ngày nhưng có khoảng 100,000 người đã biểu tình tại Washington. 75 khuông viên đại học đóng cửa đến hết năm. Ngoài sinh viên, phong trào còn có thêm các giảng viên và nhân viên đại học, bác sĩ, kĩ sư, doanh nghiệp. 250 cán bộ Bộ ngoại giao Mỹ kí phản đối chính sách ngoại giao của chính quyền Nixon. Lần này, Nixon đã phải nhượng bộ, và tuyên bộ rằng quân Mỹ sẽ dừng lại ở 21 dặm vào lãnh thổ Campuchia, và sẽ rút hết quân trong tháng 6.
Nhưng động thái trên chỉ là một phần quà an ủi đối với những người đã phản chiến trong 5 năm. Mọi thứ dường như trở về như cũ: Số người ủng hộ chiến lược của Nixon: Việt Nam hóa, rải thảm bom, leo thang nhất thời, vừa bàn vừa đánh vẫn cao.
Phong trào đi xuống, nhưng tỉ lệ phản đối chiến tranh lại tăng lên
Vụ Kent State University là đỉnh cao nhất mà phong trào có thể đạt tới. Sang những năm tiếp theo, số người tham gia biểu tình phản chiến và số cuộc biểu tình ngày càng giảm. Báo chí cũng “chán” nhắc tới các cuộc biểu tình có quy mô nhỏ hơn ngày trước (họ muốn số người và tính kịch tính cao hơn). Hơn nữa, người hoạt động xã hội giờ đã nhận ra rằng chính quyền sẵn sàng bắn chết họ. Câu hỏi là “Đáp trả gấp đôi” hay “từ bỏ”. Đáp trả gấp đôi nghĩa là họ sẽ đi theo hướng The Weatherman, sẽ chọn khủng bố, tẩy não, và kiểm soát, tất cả những gì họ đã bắt đầu phong trào New Left để chống lại. Vì thế nhiều người đã chọn việc từ bỏ.
Trong giai đoạn này, các nhóm như cựu chiến binh phản đối chiến tranh Việt Nam, các nhóm phụ nữ phản chiến vẫn hoạt động. Tại Việt Nam, tinh thần binh lính Mỹ đi xuống, nhiều người nghiện ma túy, né tránh các chiến dịch, làm giả báo cáo, nhiều vụ ném lựu đạn nhằm giết cấp trên (tổng cộng gần 900 vụ trong 69 – 72).
Nhưng một điều kì lạ là khảo sát cho thấy ngày càng có nhiều người không ủng hộ cuộc chiến, và trong quốc hội, nhiều quy định hạn chế chiến tranh đã được ban hành. Thượng nghị sĩ Church và Cooper ban hành điều chỉnh ép buộc tổng thống không được tấn công Lào và Campuchia bằng quân bộ. Tiếp theo là các đề xuất cắt giảm tiền cho quân đội Mỹ tại Đông Nam Á (ngoại trừ vì mục đích rút quân), yêu cầu khẩn trương rút quân, và quy định rằng phía tổng thống phải được sự thông qua của Quốc hội khi muốn triển khai quân lâu dài (War Power Act 1973). Phe tư pháp cũng không thiên vị phía chính quyền Nixon trong các vụ kiện nhóm New Left. Nhiều bị can – trong đó có cả nhóm bị buộc tội gây nên vụ Chicago – đã được tha.
Nỗ lực gián điệp của Nixon
Nixon thấy đến lúc mình phải tự tay thâm nhập, nghe lén, cài gián điệp chứ không còn trông chờ vào Hoover được nữa. Một đơn vị mới trong Nhà Trắng được thành lập, nhằm do thám không cần xin phép tư pháp các nhóm hoạt động xã hội và chính trị gia (tiền đề cho vụ Watergate).
Tổng kết
Hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam của người dân Mỹ diễn ra liên tục, mạnh mẽ bắt đầu từ 1965. Kể cả khi quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam vào 1973, một số hoạt động vẫn diễn ra nhằm cắt viện trợ cho Nam Việt Nam, bình thường hóa quan hệ, bù đắp tổn thất chiến tranh.
Hoạt động có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức hòa bình, công khai như của những người chống nghĩa vụ quân sự, có những hình thức không khác khủng bố như đặt bom các cơ sở chính quyền như của Weatherman.
Với ảnh hưởng của cuộc chiến Việt Nam, một số nhóm người trẻ tuổi ở Mỹ đã được thành lập, phát triển với rất đông thành viên, biến chất, và tan rã. Ước mơ của họ về Participatory Democracy, về xã hội hoàn mĩ không thành công, và để lại trong họ là một cảm giác lẫn lộn.
Việc bàn về ảnh hưởng của phong trào đến cuộc chiến và đến nước Mỹ là khó khăn và sẽ tùy cảm nhận mỗi người. Tôi xin phép liệt kê một số ảnh hưởng như sau:

  • Phong trào góp phần chuyển hướng thái độ công chúng về cuộc chiến
  • Ủng hộ các nhà lập pháp ban hành chính sách ngăn cản cuộc chiến
  • Giảm số lượng binh lính và sĩ quan phục vụ cuộc chiến
  • Tạo ra nhóm người bất phục, hoài nghi với các quyết định của chính quyền

Nguyễn Phương Mạnh – Book Hunter

Tài liệu tham khảo:
Todd Gitlin. The Sixties: Years Of Hope, Days Of Rage. Bantam Book. 1987 
National Mobilization Committee to End the War in Vietnam Records, 1966-1969. Swarthmore College Peace Collection. https://www.swarthmore.edu/library/peace/DG051-099/dg075nmc.htm
Facts About the Vietnam War, Part IV: U.S. Journalists Didn’t Lose the War,Celebrate the Enemy, or Vilify American Soldiers. Arnold R. Isaacs. https://warontherocks.com/2017/09/facts-about-the-vietnam-war-part-iv-u-s-journalists-didnt-lose-the-war-celebrate-the-enemy-or-vilify-american-soldiers/
Vĩnh biệt Tom Hayden, người bạn lâu đời thân thiết của Việt Nam. Nguyễn Văn Huỳnh. https://baoquocte.vn/vinh-biet-tom-hayden-nguoi-ban-lau-doi-than-thiet-cua-viet-nam-38376.html
Lyndon Johnson’s War Propaganda. Edwin E. Moïse. https://www.nytimes.com/2017/11/20/opinion/johnson-propaganda-vietnam-westmoreland.html
How Congress Helped End the Vietnam War. Julian E. Zelizer. https://prospect.org/article/how-congress-helped-end-vietnam-war
UNL Students Were Protesting The Vietnam War, And The FBI Was Watching. Mike Tobias https://netnebraska.org/article/news/1095662/unl-students-were-protesting-vietnam-war-and-fbi-was-watching
The Four Stages of the Antiwar Movement. Bill Zimmerman https://www.nytimes.com/2017/10/24/opinion/vietnam-antiwar-movement.html
The March on the Pentagon: An Oral History. Bill Zimmerman https://www.nytimes.com/interactive/2017/10/20/opinion/sunday/march-on-the-pentagon-oral-history.html
Các bài viết trên Wikipedia về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam của người dân Mỹ (phần 1): Những tiền đề cơ bản

Vì sao quan tâm tới phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam Là người Việt, chúng ta đã biết ít nhiều về cuộc chiến của người dân Việt Nam chống lại quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Mỹ ủng hộ đằng sau. Tuy nhiên ít người còn nhớ việc người dân Mỹ trong giai đoạn này cũng đã đấu tranh phản đối việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Bài viết này nhằm giúp chúng ta biết thêm một

Hòa bình hay chiến tranh nằm trong tay chúng ta – Giao lưu với Peter Kuznick và Tom Wilber

Vào ngày 13/1/2024, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của hai người bạn viễn phương đến từ Hoa Kỳ của Book Hunter, nhà sử học, đồng tác giả "Nước Mỹ chuyện chưa kể" Peter Kuznick và nhà nghiên cứu, đồng tác giả "Tù binh bất đồng chính kiến" Tom Wilber, chúng tôi đã mời hai ông đến Trung tâm Book Hunter làm diễn giả cho một cuộc chia sẻ về chủ đề Viễn cảnh hòa bình hay chiến tranh nằm trong tay chúng ta. Trong

Trịnh Công Sơn – ai cũng quen mà ai cũng lạ

Tôi vốn dự định chọn Phạm Duy như nhạc sĩ đầu tiên của Âm nhạc phản chiến trước 1975, nhưng rồi cứ lần lữa trì hoãn, bởi Phạm Duy quá ư phức tạp để tiếp cận, dẫu rằng tôi đã có một kho tài liệu về ông. Và thế là tôi bỏ lơ chùm bài viết đã nhiều năm. Chỉ đến khi đi xem bộ phim gây tranh cãi “Em và Trịnh”, nghĩ về những chuyện nực cười trên báo chí, về những câu tán

Tom Wilber – Tôi đã có lòng trắc ẩn đối với những người Mỹ bám vào huyền thoại anh hùng

Tháng 4/2021, trong những ngày tháng COVID tại Hà Nội và Việt Nam vẫn còn căng thẳng, Chuck Searcy, một người bạn lâu năm của Book Hunter sau khi biết chúng tôi đã bắt tay vào xuất bản sách, đã kết nối Tom Wilber với Book Hunter để chúng tôi dịch cuốn sách mới ra mắt của ông sang tiếng Việt, cuốn sách có tiêu đề: Dissenting POWs: From Vietnam’s Hoa Lo Prison to America Today (TÙ BINH BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN – Từ Nhà
le-nam

Lê Nam

24/05/2023

Địa chính trị trong chiến tranh Việt Nam

Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi những đoàn lính của miền Bắc Việt Nam chiếm giữ Sài Gòn, những chiếc máy bay trực thăng cũng đang đưa những người Mỹ cuối cùng trở về nước từ nóc tòa nhà đại sứ quán của họ – một thất bại không thể quên được của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Đông Nam Á với hơn 58.000 lính Mỹ hi sinh. Trong khoảng thời gian từ 1963 tới 1975, James Burnham thường dành chuyên
le-nam

Lê Nam

22/04/2016