Home Đọc GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG TRONG “NHÀ GIẢ KIM” CỦA PAULO COELHO (4) – NHỮNG BIỂU TƯỢNG TÂM LINH

GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG TRONG “NHÀ GIẢ KIM” CỦA PAULO COELHO (4) – NHỮNG BIỂU TƯỢNG TÂM LINH

Thư Sinh

29/07/2019

Trong phần (4) này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nhóm biểu tượng liên quan đến vấn đề tâm linh trong tiểu thuyết Nhà giả kim của Paulo Coelho.

  1. Melchisedek

Melchisedek là biểu tượng đầu tiên. Trong tác phẩm, Melchisedek được nhắc đến là một vị vua xứ Salem. Ông là người đã khích lệ Santiago theo đuổi giấc mơ của cậu. Melchisedek được nhắc đến trong Cựu ước là vị thượng tế muôn đời, người có nhiệm vụ truyền đi những dấu chỉ của Chúa. Sự xuất hiện của Melchisedek trong lúc Santiago phân vân là một dấu hiệu đáng chú ý. Melchisedek không chỉ là một vị vua xứ Salem bình thường, mà đã trở thành đại diện cho sự thôi thúc của Thượng Đế, thúc giục Santiago đi theo tiếng gọi của giấc mơ.

2. Nhà giả kim/ Thuật giả kim

Biểu tượng tiếp theo là Nhà giả kim/ thuật giả kim. Nhà giả kim là người nhắc nhở Santiago khi cậu có ý định sẽ ở lại sa mạc cùng tình yêu của đời cậu, cùng là người thầy hướng dẫn Santiago trên đoạn đường phía sau. Xét về chức năng, Nhà giả kim và Melchisedek có chức năng ngang bằng nhau, chia đều ở phần đầu và phần cuối tác phẩm. 

Giả kim là biểu tượng đặc biệt. Biểu tượng này không chỉ thể hiện qua nhân vật nhà giả kim xuất hiện ở nửa sau câu chuyện mà còn trải dài trong suốt toàn bộ cuốn sách. Nhà giả kim được nhắc đến với tư cách là người có thể biến đá thành vàng và chế tạo thuốc trường sinh. Đó là những hành động thường được nhắc đến về giả kim. Tuy nhiên, thuật giả kim không chỉ có thế. Về mặt tinh thần, song song với quá trình luyện đá, chì thành vàng ròng, các nhà giả kim cũng tham gia vào quá trình tôi luyện, chuyển hóa bản thân. Nhà giả kim không đơn thuần là người luyện vàng mà đã nâng lên thành biểu tượng về luyện đan tinh thần.

Theo cách nói của Paulo Coelho là “Họ nhìn ngọn lửa cho đến khi mọi cao ngạo của thế giới này biến mất dần. Rồi một ngày kia họ nhận thấy rằng tinh hóa kim loại cũng là thanh lọc chính mình”.

Như vậy, ý tưởng chính của thuật giả kim là chuyển hóa để đạt đến trạng thái cao nhất, hoàn mĩ nhất.

Từ ý tưởng này, có thể thấy quá trình Santiago bước vào cuộc phiêu lưu, không ngừng mở rộng bản thân, vượt qua mọi giới hạn cũng chính là quá trình Santiago đang chuyển hóa chính mình. Sự chuyển hóa ấy không chỉ diễn ra ở việc cậu thay đổi công việc mà còn diễn ra trong chính suy nghĩ của Santiago. Santiago cũng trở thành 1 nhà giả kim trong chính hành trình tâm linh của cậu.

3. Urim & Thummim

Đây là 2 viên đá Melchisedek đưa cho Santiago. Trong cuốn tiểu thuyết, hai viên đá này xuất hiện 4 lần – những lần phân vân, lưỡng lự.

Theo sách Book of Samuel, có 3 cách để biết được sự thật: Qua lời các ngôn sứ, qua những giấc mộng hoặc qua Urim và Thummim. 

Tuy nhiên, những lời dặn dò chỉ hữu ích khi ta biết ta muốn gì. Tức là cần có 1 sự hiểu biết nhất định về ý muốn của chính mình trước khi kiếm tìm những dấu hiệu. Santiago chỉ dùng khi không thấy những dấu hiệu nào và cảm thấy không còn lí do nào để tiếp tục đi. Thực chất 2 viên đá là một dấu hiệu để nhắc Santiago nhớ về giấc mơ của cậu.

4. Sa mạc

Sa mạc là không gian của sự thử thách, và là thử thách lớn nhất.

Đây là nơi Santiago gặp tình yêu của đời cậu, được giữ lại làm người giải mã các dấu hiệu cho bộ tộc, đạt được một số thành công và một lượng tiền nhất định. 

Sự thử thách mà sa mạc đem lại là thử thách của Khí hậu khắc nghiệt, Tình yêu, Sự nghiệp/ Quyền lực. Trong đó, Tình yêu là thử thách lớn nhất.

Ban đầu, tình yêu với Fatima khiến Santiago không còn muốn tiếp tục con đường đang đi, khiến cậu quên đi mục đích ban đầu. Thế nhưng nhà giả kim và Fatima đã nhắc Santiago nhớ lại.

Ở đây, có một mối tương đồng giữa Santiago và Jesus. Trước khi đi rao giảng Tin mừng, Jesus cũng có 40 ngày ở trong sa mạc và bị Satan dùng quyền lực cám dỗ. Điều khác là trong Tin Mừng không nhắc đến tình yêu nam nữ như trong Nhà giả kim

5. Giấc mơ

Giấc mơ được nhắc đi nhắc lại trong tiểu thuyết Nhà giả kim. Với Santiago, đó là giấc mơ thấy 2 đứa trẻ dắt tay đến Kim Tự Tháp và nói ở Kim Tự Tháp có kho báu. 
Khi tìm hiểu biểu tượng này trong cuốn tiểu thuyết, cần lưu ý rằng giấc mơ không chỉ xuất hiện với Santiago mà còn xuất hiện với rất nhiều người khác, ví dụ: tên thủ lĩnh của bọn cướp ở cuối truyện. Điều này chứng tỏ Santiago không phải người đặc biệt hay người được chọn như nhiều người nghĩ. Thực chất, cậu trở nên đặc biệt là vì cậu đã chọn theo đuổi giấc mơ, theo đuổi cuộc hành trình khám phá tâm trí bên trong của cậu.

Mơ là sự thể hiện của những ham muốn, hoặc những ẩn ức, những điều không thể nói hoặc làm trong thực tế. Nói chung, nói đến giấc mơ là nói đến một thế giới tinh thần bên trong, và không thể định nghĩa chúng được một cách cố định.

Hai đứa trẻ trong mơ dễ khiến người ta liên tưởng đến một câu trong Kinh Thánh: Phải trở nên như trẻ thơ mới có thể được lên Thiên Đường. Như vậy, giấc mơ có thể hiểu là một cuộc sống hoàn hảo như trên Thiên Đường, cũng có thể hiểu là một dấu hiệu để khích lệ Santiago lên đường.

Giấc mơ xuất hiện cũng như một dấu mốc. Chấp nhận giấc mơ, tin vào nó, cuộc sống của Santiago không còn là cuộc sống của một anh chăn cừu bình thường ngày ngày quanh quẩn với đàn cừu chỉ biết ăn rồi ngủ nữa. Giấc mơ trở thành cột mốc của sự thay đổi, từ cuộc sống thường nhật nhàm chán chuyển sang cuộc sống phiêu lưu đến những vùng đất mới. Nó mở ra cơ hội cho kẻ lúc nào cũng sẵn sàng đổi thay để có được những điều tốt đẹp hơn.

6. Kim Tự Tháp

Kim Tự Tháp trong thực tế là nơi canh giữ mộ của các Pharaon, được xây dựng kiên cố, hoành tráng, bất chấp mọi giới hạn về thời gian, không gian. Kim Tự Tháp là một thực thể tồn tại vĩnh viễn cùng không – thời gian. Do vậy, mặc dù là một khu hầm mộ, song Kim Tự Tháp lại là biểu tượng của vẻ đẹp lí tưởng và sự sống vĩnh hằng.

Mơ về “kho báu ở Kim Tự Tháp”, rất có thể là kho báu của sự sống đời đời, hoặc xa hơn, là sự hòa hợp cuối cùng với Tâm linh vũ trụ.

7. Vị trí của kho báu

Từ đầu đến cuối, kho báu được cho là ở Kim Tự Tháp, song hóa ra kho báu lại ở ngay chính căn nhà thờ bỏ hoang nơi Santiago bỏ lại lũ cừu để lên đường sang Ai Cập. Kho báu ở ngay chính trong căn nhà của mình, hoặc kho báu ở chính trong bản thân mình. Triết lí này nghe có vẻ đơn giản, song để hiểu được nó một cách sâu sắc thật sự không phải dễ.

Santiago đi một vòng, quay lại ở điểm bắt đầu để thấy hòm tiền vàng được chôn ngay dưới lòng đất. 

Thế nhưng hòm tiền vàng ấy có thật sự là “kho báu” được nhắc đến trong giấc mơ ban đầu? Không chắc.

Nếu để ý kĩ, sẽ thấy từ đầu đến cuối, không có một câu chữ nào nói đến việc kho báu sẽ là một hòm tiền vàng. Thậm chí, trên suốt đoạn đường, Santiago thường xuyên đoán mò về kho báu, nhưng cũng chưa bao giờ cậu đoán đến số tiền vàng kia. Kho báu trong suy nghĩ Santiago là những gì cậu đã có, những phút giây đã trải qua, và những ngày cậu gặp gỡ Fatima. Thế nhưng cuối cùng, cả Santiago và độc giả đều kì vọng vào một thứ kho báu khác, ví dụ như tiền bạc. 

Quả thực, nếu bắt buộc phải tìm một thứ kho báu vật chất, Santiago đã tìm thấy. Hòm tiền vàng ấy là món quà dành cho những ai dũng cảm đi chạy theo một giấc mơ. Kho báu ở ngay trong nhà, nhưng nếu không bước ra ngoài trải nghiệm, không quăng quật mình vào cuộc sống thì sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ nhận ra được thứ kho tàng chất chứa ngay bên trong đó.

Sau tất cả những gì đã trải qua, Hành trình đi theo giấc mơ, đi tìm kho báu thực chất là hành trình tâm trí, khám phá và thấu hiểu chính mình. Và khi đứng trước hòm tiền vàng, cái Santiago nghĩ đến không phải tiền, mà là kho báu thật sự mà cậu tìm thấy trên đường đi, đó là bản thân cậu, và tình yêu. Chính vì thế, vào giây phút cuối cùng, cậu đã chẳng còn nghĩ đến đàn cừu nữa. Thay vào đó, cậu gọi tên Fatima. Đây mới là kho báu đích thực.

8. Những dấu hiệu

Dấu hiệu, thực chất là những mẩu thông tin xuất hiện trong lúc không có bất kì một sự kì vọng nào, và để nhận biết, cần phải đặt chúng vào trong toàn cảnh, từ đó mới có thể đưa ra phân tích cụ thể.

Liệt kê các dấu hiệu: Giấc mơ – Sự xuất hiện của ông vua già – 2 viên đá – Lời nhắc nhở (của ông chủ hàng pha lê và Nhà giả kim)

Các dấu hiệu đặc biệt bởi nó xuất hiện vào lúc không ai ngờ tới, cũng không trông đợi hay kì vọng gì vào nó. Nhưng việc chúng xuất hiện cũng không hề quá lộ liễu. Chúng chỉ đơn giản là xuất hiện. Và việc còn lại là phải nhận biết được chúng, tức là phải có khả năng quan sát kĩ lưỡng và nhận ra được những điểm khác biệt trong bức tranh toàn cảnh.

Ví dụ: Với cuộc sống chăn cừu nhàm chán, rõ ràng giấc mơ là một điều đặc biệt.

Hoặc trong lúc không có bất kì một lời gợi ý nào, thì việc 2 viên đá bỗng dưng rơi khỏi túi áo lại là một điều đặc biệt.

Các dấu hiệu sẽ dẫn dắt người ta đi, với điều kiện người ta phải nhận biết được chúng. Trong Nhà giả kim, cái Santiago học được chính là cách nhận biết các dấu hiệu xuất hiện trên đường. Đơn giản đó chính là vấn đề xử lí thông tin trong cuộc sống.

(Còn tiếp)
 
Nguyễn Hoàng Dương
 
 
Đọc các bài còn lại tại  ĐÂY

“NHÀ GIẢ KIM” CỦA PAULO COELHO – CÓ GÌ HAY?

“Nhà giả kim” của Paulo Coelho là cuốn sách “hot” nhất, chỉ sau Kinh Thánh, nhưng Paulo Coelho không được giới hàn lâm thừa nhận và ông cũng chưa từng được các giải thưởng danh giá về văn chương như Nobel Văn học, Concourt hay Man Booker. Vâng, người ta thà trao cho Bob Dylan còn hơn là trao cho Paulo Coelho. Không ít những phê phán đã được đưa ra từ những độc giả, họ cho rằng “Nhà giả kim” không có gì đặc

GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG TRONG “NHÀ GIẢ KIM” CỦA PAULO COELHO (3) – Những biểu tượng hành vi

Sau khi giải mã nhóm biểu tượng về những mô hình người trong xã hội, chúng ta sẽ chuyển sang nhóm thứ hai trong Nhà giả kim: Những biểu tượng hành vi. Theo đuổi giấc mơ Hành vi đầu tiên được xem như một biểu tượng cần giải mã chính là Theo đuổi giấc mơ. Việc chạy theo một giấc mơ này không có nghĩa Santiago là một người tham lam đang cố săn tìm kho báu mà mang một ý nghĩa khác. Cậu quyết

Thư Sinh

29/07/2019

“Nhà giả kim” của Paulo Coelho – Chỉ dẫn của thực tại tối thượng

- Có một giấc mơ để trở thành hiện thực khiến cho cuộc sống trở nên thú vị hơn - "Nhà giả kim" Chúng ta đã bao giờ mơ ước chưa? Chúng ta đã bao giờ băn khoăn về cuộc sống và mục đích của nó chưa? Chúng ta có tự hỏi mình những câu hỏi "Liệu tôi có hòa hợp với chính mình không?". Hay những câu hỏi này quá sâu sắc đối với cuộc sống bận rộn mà chúng ta giả vờ lãng quên tầm

Giải mã biểu tượng trong “Nhà giả kim” của Paulo Coelho (1) – Giới thiệu chung

"Hãy bảo nó rằng sợ phải đau khổ còn đau đớn hơn là chính sự đau khổ, và chưa từng có trái tim nào phải chịu đau khổ khi tìm cách thực hiện giấc mơ của mình..." -- Paulo Coelho   1. Về cuốn sách Nhà giả kim và tác giả Paulo CoelhoPaulo Coelho là một tiểu thuyết gia Mĩ Latinh. Ông được biết đến với tư cách là tác giả của Nhà giả kim, 11 phút, Veronika quyết chết, Quỷ dữ và nàng Prym,

Thư Sinh

29/07/2019

Paulo Coelho nói về Trí huệ của Rumi

Paulo Coelho Nguồn: Blog của Paulo Coelho   Trong cơn khát, bạn uống nước từ một cái cốc, và bạn thấy Thượng Đế trong đó. Những ai không yêu Thượng Đế sẽ chỉ thấy từ đó khuôn mặt chính mình. Ngày lại ngày tôi suy ngẫm Đêm lại đêm tôi buột miệng thốt lên “Tôi từ đâu tới, tôi đang làm gì?” Tôi không biết. Linh hồn tôi tới từ đâu đó, hẳn vậy rồi và tôi sẽ kết thúc tại khởi đầu (Trích "Lời

Minh Hùng

10/09/2019