Những câu chuyện của Clara [239] hay của Người-Mất-Ngủ [245-255] tả nỗi ám ảnh về những cái chết oan khuất của người thân, về những đoạn đời địa ngục sau những tội ác giết người ghê tởm, là những tình tiết chân thực tuy vậy, chỉ mang gia trị thông tấn về sự hoành hành của cái Ác trong cuộc đời và trong xã hội.
Câu chuyện chị em Sophie-Victor mới thật sự mang ý nghĩa bi kịch, một bi kịch của đời thường.
Victor là người chủ hiệu sách mà ‘hai đứa’ đến mua giấy, vở, bút để viết ra các câu chuyện trong QUYỂN VỞ LỚN [26-27 (nằm trong bộ ba CẶP SONG SINH KỲ ẢO của Agota Kristof], là người giới thiệu Lucas với Peter [170], là người chỉ cho Lucas tìm sách ở thư viện [195] để rồi gặp Clara, và sau này, là người bán cả căn nhà cùng với hiệu sách cho Lucas [241-2], sau khi gặp lại người chị – Sophie, người thân duy nhất của ông, sau 20 năm chưa gặp lại [243]. Bà chị khuyên ông về ở với chị ở nông thôn, trong ngôi nhà của cha mẹ mà hai chị em cùng sống thời thơ bé.
Victor có một ước mơ từ thời thanh niên là trở thành nhà văn, viết một quyển sách. Ông tâm sự với Lucas: “Lucas ạ, tôi tin rằng mỗi con người được sinh ra là để viết một quyển sách, chứ không vì lí do gì khác. Một quyển sách thiên tài hay tầm thường, không quan trọng, nhưng người nào không viết gì là thất bại, anh ta chỉ đi qua cuộc đời mà không để lại dấu vết gì.” [249]
Victor là người bệnh tật. Ông bị bệnh mạch máu do nicotin đầu độc. Các bác sĩ đã cho thuốc, nhưng không cải thiện được nếu ông không ngừng hút thuốc và không bắt đầu tập thể dục. Nhưng ông không muốn bỏ hút thuốc.
Bà chị khuyến khích ông viết, bà chăm lo mọi việc, để ông hoàn toàn tự do viết quyển sách của mình. Vì muốn giúp ông em bỏ rượu và thuốc lá, bà đã liên tục theo dõi, giám sát ông : “…Chị tôi rình rập canh giữ tôi, theo dõi tôi thường xuyên. Ngay khi vừa đến nơi, chị cấm tôi uống rượu và hút thuốc, và bất cứ khi nào tôi vừa đi làm một việc gì đó hay đi dạo trở về, chị liền hôn tôi thắm thiết, tôi nhận ra rằng chỉ để phát hiện mùi rượu hay thuốc lá trong hơi thở của tôi.” [279]
Những vấn đề của Victor
- 1. RƯỢU VÀ THUỐC LÁ
- 2. CHỊ VÀ EM
- 3. VIẾT
Tìm hiểu thêm về tiểu thuyết: Cặp song sinh kỳ ảo – Ágota Kristóf – Book Hunter Lyceum
1.
Vấn đề đầu tiên của Victor là ông ta hoàn toàn thiếu nghị lực. Ông không thể bỏ được thói quen xấu, dù biết rằng với bệnh tình của ông, nó hết sức nguy hại. “Đôi khi tôi nghĩ rằng tôi nên bỏ hút thuốc, và ngay lập tức tôi châm một điếu xì gà hay một điếu thuốc lá, và trong khi hút tôi nghĩ rằng nếu tôi không ngừng hút thuốc thì điều đó có nghĩa là chân trái của tôi sẽ ngừng tất cả lưu thông, và điều đó sẽ dẫn đến hoại thư, và đến lượt nó sẽ dẫn đến phải cưa cụt bàn chân hay cả đùi trái.” [247-8]
Ông ta đã cố bỏ rượu được mấy tháng, nhưng lại “hoàn toàn không có khả năng bỏ thuốc”. Thế là, để đối phó với sự chăm sóc sát sao của bà chị, ông đành “hút lén lút như một cậu học trò.” Phải dùng mánh lới che giấu “hút khi đi dạo trong rừng. Trên đường về tôi nhai lá thông và uống bạc hà để khử mùi….” [279]
Và đây là cách ông trở lại với rượu, hay rượu quay lại với ông:
“Vài ngày sau, từ một cuộc “tản bộ” trở về, tôi vào một quán rượu địa phương. Tôi chỉ muốn uống một cốc trà nóng để sưởi ấm tôi lên đôi chút, nhưng tay chân tôi lạnh đến mức tê dại vì tuần hoàn kém. Tôi ngồi bên một chiếc bàn gần bếp lò, và khi người hầu bàn hỏi tôi muốn uống gì, tôi bảo, “Trà.” Và nói thêm “Cho một ít rhum vào nhé.”
“Tôi không biết tại sao tôi nói thế, tôi không định nói, nhưng tôi đã nói. Tôi uống li trà pha rhum của tôi, rồi gọi li rhum khác, lần này không có trà, và sau đó một li rhum thứ ba.” [280-1]
KHI NHỮNG NHU CẦU THUỘC BẢN NĂNG NGỰ TRỊ
Lev Tolstoy nói (đại ý) “Lý trí lẽ ra phải là một kị sĩ dũng mãnh thuần phục con ngựa bất kham là bản năng, thì lại ủ rũ bước theo khi con ngựa lồng lên hung hãn.”
Về chuyện này, hai đứa bé song sinh đã biết tự dạy mình.
Victor hoàn toàn hiểu rõ bệnh nghiện hút và nghiện rượu sẽ đưa ông đến đâu. Nhưng ông hoàn toàn bất lực. Từ hiểu biết đến hành động, ý chí có vai trò quan trọng. Khi ý chí bạc nhược, hiểu biết thành vô dụng.
Cái kết cục bi thảm (bóp cổ bà chị đến chết) cho thấy hèn nhát bạc nhược không chỉ là nhục nhã, mà nhiều khi còn là tai họa. Nhiều người cho rằng những người yếu đuối luôn đầu hàng bản năng cũng có thể là người tốt khi không làm hại đến ai (như Victor, nếu không xảy ra vụ giết người trong u mê kia). Sự đầu hàng (hay vô dụng) của lí trí trước đòi hỏi của bản năng chính là tình trạng nô lệ, thể hiện ở việc tuân theo những dẫn dắt, những mệnh lệnh không lời của nó. Khốn nỗi, sự tuân theo này cũng là một dạng bản năng, và chưa bao giờ lý trí (khả năng suy xét) xuất hiện để nói chuyện với bản năng, nói chi đến giao tranh, chinh phục!
Đến nước cảm thấy hạnh phúc trong thỏa mãn nhu cầu, thì đó chính là cái hạnh phúc thảm hại của nô lệ trong gông xiềng của mình.
“Tôi bỏ chai rượu vào túi áo khoác. Bên ngoài tuyết đang rơi. Tôi cảm thấy một hạnh phúc hoàn hảo. Tôi không còn sợ phải về nhà, không còn sợ chị tôi nữa.” [281]
…
“Tôi cảm thấy tuyệt không thể tưởng, được bao quanh bằng những bạn bè thân thiết. Tôi tiêu hết số tiền mang theo người.” [284] Đấy là trong quán rượu, sau khi ông ta gọi một chai nước chanh bị cười chê, đã mua rượu hết chai này đến chai khác đãi tất cả mọi người.
Xét toàn cục vấn đề ở đây, thì vụ giết người cũng chỉ là chuyện nhỏ.
2.
KHỞI ĐẦU
“Lucas chắc cậu nhận ra chị tôi là người mà tôi yêu nhất trên đời… chính chị tôi mới thật sự đã nuôi tôi khôn lớn.” …. “Tình yêu của tôi đối với chị không suy giảm trong suốt thời gian này. Cậu sẽ không bao giờ biết tôi vui đến thế nào khi tôi nhìn thấy chị ra khỏi toa tàu. Đã hai mươi năm tôi chưa nhìn thấy chị. [243-4]
Và, sau hai năm chung sống…
KẾT THÚC
“Tôi vừa bóp cổ chị tôi. Bà ấy nằm trên giường tôi. Tôi đã lấy một tấm vải phủ lên người bà ấy. Trong cái nóng nực này thân thể bà ấy sẽ sớm bốc mùi. Không sao. Tôi sẽ báo cáo sau. Tôi đã khóa cửa ngoài, và nếu có ai gõ cửa tôi sẽ không trả lời.” [278]
Đó là sau một cuộc cãi vã hiếm hoi, dẫn đến đoạn tuyệt và manh động, sau khi, bà chị tình cớ phát hiện ra ông em đã lừa mình suốt hai năm qua, về chuyện rượu và thuốc lá. Nhưng chưa hết. Câu chuyện đi đến chỗ Victor phải thú nhận, ông ta đã lừa bà cả chuyện viết sách, quyển sách mà bà mong mỏi còn hơn chính “tác giá” của nó nữa. Tập “bản thảo 200 trang đánh máy” của ông, té ra chỉ là chép lại từ các trang sách của người khác, vì, mỗi khi ngồi trước trang giấy trắng, Victor thấy đầu óc trống rỗng. Không có gì để viết! và ông đã phải giả vờ để đánh lừa bà. Bà hỏi, tại sao, 20 năm trước đó, khi không ai quấy rầy, ông vẫn không viết được quyển sách. Và bà tự trả lời:
“Tại sao? Tại vì cậu không thể viết nổi thậm chí một chữ cho một quyển sách hạng xoàng, bất kể cậu ở đâu hay sống như thế nào!” ông ta cay cú đáp lại “Tôi nói rằng bà ấy đúng, rằng tôi không thể, đã không thể, sẽ không thể viết bất cứ cái gì chừng nào bà ấy còn sống.” [288]
3.
Nhưng cái mộng trở thành văn sĩ không phải là một mơ ước viển vông, một ham thích thoáng qua. Trong phiên tòa xử ông ta như một kẻ sát nhân, ông (không ăn năn, không hối tiếc) tuyên bố: “Tôi phải làm điều đó, tôi phải giết bà ấy. Đó là cách duy nhất tôi có thể viết quyển sách của mình” [290]. Vẫn là lời “cãi cố”, lặp lại luận điệu thốt ra trong cơn điên giận như đã trích ở trang 288, rằng ‘bà ấy’ là trở ngại duy nhất và không thể vượt qua của việc viết cuốn sách. Chúng ta như thể đang xem một vở kịch phi lý, nghe lời tự bào chữa của một người điên. Thật ra, ông ta chỉ tự lừa mình. Cũng giống như ông ta luôn luôn lừa gạt bà chị bằng dủ thứ mưu mẹo, ông ta luôn tự phỉnh, tự dụ mình bằng những lí lẽ trí trá. Ông là điển hình cho loại người “ngụy tín”, không bao giờ nhận trách nhiệm về mình, luôn tìm lý do sự thất bại của mình ở hoàn cảnh, ở người khác, một kiểu “đổ lỗi” thản nhiên. Tuy nhiên, câu chuyện cùng quẫn của việc viết lách này mở ra nhiều góc nhìn về tâm thế của người sáng tác. Cái nghèo nàn, đơn điệu, trì độn u mê của đời sống đã giết chết hết mọi niềm cảm hứng sáng tạo. “Tác phẩm” của Victor, mà Peter mang về và Lucas chép lại vào Quyển Vở, mở đầu bằng đoạn văn tường thuật dửng dưng vô cảm [trích ở trang 278 trên đây]: “Tôi vừa bóp cổ chị tôi.…thân thể bà ấy sẽ sớm bốc mùi. Không sao.”, một giọng văn không thể “khách quan” hơn. Chính cái “sự biến” [vụ giết người] này, tình tiết “giật gân” này lại tạo thành cú hích, thành ánh chớp xe toang bức màn đen bế tắc, giải thoát cho văn tài của Victor mà Peter đã có lời khen chăng?
Câu chuyện này đúng là một bi kịch. Cuộc sống đáng lẽ yên bình, dễ chịu, bỗng biến thành địa ngục trần gian. Những con người lẽ ra phải yêu thương nhau, lại trở nên không thể chịu đựng được nhau, cuộc sống chung đổ vỡ không thể cứu vãn. Không có những mâu thuẫn, những xung đột không thể hòa giải. Chỉ là những chuyện vặt vãnh, tầm thường trong một cuộc sống bình thường. Một bi kịch của những sự tầm thường.
Hiếu Tân
