Home Học Câu chuyện Tự học (1): ẢO TƯỞNG VỀ HỌC THỨ MÌNH THÍCH

Câu chuyện Tự học (1): ẢO TƯỞNG VỀ HỌC THỨ MÌNH THÍCH

Năm 2016, khi ngồi bàn cùng với một người bạn về việc xây dựng khóa học hướng dẫn các bạn trẻ tự học, người bạn ấy đã đề xuất rằng nên giúp các bạn trẻ tìm ra được rằng mình thực sự thích học cái gì. Hồi đó, tôi khá lăn tăn về việc này. Bản thân tôi không dám chắc rằng mình có thích học văn hay không, thế nhưng tôi đã đeo đuổi con đường này và nếu không có văn chương có lẽ tôi đã suy sụp sau nhiều biến cố của cuộc sống. Từ bé, tôi thích làm nhà khảo cổ để được đào xới những di tích, để tìm ra các chân tướng của lịch sử, được phiêu lưu, để không phải làm văn phòng ngày 8 tiếng như bố mẹ mình. Bé hơn thế nữa, tôi thích làm nhà tạo mốt để có thể bắt cả thế giới ăn mặc theo ý tôi muốn. Thế nhưng, khi thử bắt tay vào làm những thứ ấy, tôi lại cảm thấy bản thân không đủ động lực. Trong khi đó, văn chương vốn chỉ là một thú vui giải trí trong những đêm mất ngủ ở tuổi dậy thì, lại trở thành con đường mà tôi gắn bó, sẵn sàng bỏ công sức để rèn luyện, sẵn sàng đánh đổi những cơ hội tốt để duy trì. Xem ra, những gì “mình thích” khá là… “ảo”, và đôi khi cần xem xét bản thân rất kỹ càng.
“Thích” là một khái niệm hời hợt. Người ta không tự nhiên “thích” một cái gì đó. Một người con trai “thích” một cô gái vì cô gái ấy gần với một hình mẫu trong bộ phim mà anh ta ưa thích, hoặc gần với mẹ anh ta, hoặc với quan điểm anh ta được dạy về tiêu chuẩn của phụ nữ. Một xu hướng nghệ thuật được ưa thích bởi chúng gần với thói quen tiếp xúc giác quan của các khán giả. Một độc giả thích sách khi người đó có thể hiểu nó, tức là có thể ở trong thực tại của cuốn sách, đắm đuối trong ấy; và điều đó có nghĩa là cuốn sách gần gũi với đời sống thật hoặc đời sống trong tinh thần đã được xây dựng sẵn trong quá trình cuộc sống của anh ta… Tóm lại, người ta không thực sự “thích” điều gì đó. Mọi thứ “thích” đều do môi trường xung quanh tác động vào tâm trí.
Chọn “học thứ mình thích” là một con đường mơ hồ. Khi “học thứ mình thích”, người ta đang bị một tác động lớn nào đó từ môi trường bên ngoài, dần dần tác động ấy trở thành một thứ “tự kỷ ám thị” trong tâm lý của người học. Người ta lầm tưởng rằng đó là con đường mình phải đi, con người mình phải trở thành. Khi chúng ta còn bé, chúng ta càng dễ bị cài đặt hình mẫu “mình thích”. Ở tuổi dậy thì, những xáo trộn tâm lý cũng khiến chúng ta dễ bị tác động bởi thứ “mình thích”, nhưng chúng ta phải đặt lên bàn cân để so sánh với những thứ “thiết thực hơn”. Thời kỳ hoang mang nhất là khi chúng ta vào trường đại học, khi chúng ta nhận thấy rằng môi trường chúng ta đang học không hề thích hợp với chúng ta và có lẽ chúng ta nên chọn con đường khác. Nếu cứ tiếp tục không chắc chắn về “thứ mình thích” chúng ta sẽ mãi mãi sống một đời bất đắc chí, cho dù chúng ta có lựa chọn quay trở lại với những gì “thiết thực”. Bởi thế, “học thứ mình thích” tức là chúng ta đang sa đà vào một mê cung khó mà có thể thoát ra được.
Vậy chẳng lẽ việc học của con người chỉ loanh quanh với những thứ được coi là “thiết thực”? Điều này tôi sẽ viết kỹ ở bài sau. Ở đây, chúng ta chỉ bàn những chuyện liên quan đến “học thứ mình thích”. Bạn phải xác định rất rõ ràng rằng khi chọn con đường mình thích, tức là bạn đang đi vào mê cung. Trong thần thoại Hy Lạp, người anh hùng Theseus đã thoát khỏi mê cung bằng cách dùng một cuộn chỉ để đánh dấu con đường, nhờ thế mà thoát được khỏi mê cung. Nếu bạn học theo thứ mình thích mà học một cách có phương pháp chứ không hời hợt, thì một ngày nào đó, dù bạn nhận ra rằng mình không thích nó đến thế, bạn cũng đã có được một nền tảng để mình bước tiếp.
Hồi trước, có một người bạn khác, tôi quen ở một trung tâm dậy Thiền) than thở với tôi rằng bạn ấy thích trở thành họa sĩ, và bạn ấy chán công việc bạn ấy đang làm (một công việc văn phòng chán ngắt mà tôi chả nhớ cụ thể). Bạn ấy bảo rằng công việc văn phòng ấy đang cản trở giấc mơ làm họa sĩ của bạn ấy, môi trường làm việc ở văn phòng đã giết chết cảm xúc của bạn ấy. Lúc đầu, tôi còn kiên nhẫn nghe than thở, nhưng hôm nào cũng phải nghe, tôi đã phát chán, và quyết định nói thẳng. Tôi đã chất vấn bạn ấy rằng tại sao bạn ấy muốn trở thành họa sĩ nhưng lại học để làm việc ở văn phòng? Bạn ấy chưa lấy chồng có con, ngoài công việc ở văn phòng ra bạn ấy chỉ đến trung tâm tập Thiền, thời gian rảnh rất nhiều, thế tại sao không thể thức đêm để học thứ mình thích. Chưa có thời gian học ở các trường dạy vẽ, bạn ấy có thể tự học qua các sách dạy mỹ thuật, tham gia các Online Course…v…v… Một ngày, bạn ấy dành không quá 15 phút để luyện tập thứ mình thích, mà còn phập phù lúc có lúc không. Nếu đủ dũng cảm, bạn ấy có thể bỏ việc để đi học. Nếu ít dũng cảm hơn, bạn ấy có thể vừa đi làm vừa luyện tập vào các buổi tối. Qúa nhiều thời gian đã bị bỏ phí cho kể lể, quá ít thời gian cho luyện tập. Tôi tin rằng có không ít bạn trẻ như vậy. Họ thích nhiều thứ, nhưng không mấy khi chịu hi sinh một chút thời gian nhàn rỗi của mình để học thứ mình thích một cách, thật sự nghiêm túc. Và điều ấy khiến họ vẫn tiếp tục trong mê cung, ngồi trong tuyệt vọng không giúp họ thoát khỏi mê cung.
Một loại ảo tưởng khác về “học thứ mình thích” đó là đồng nhất giữa việc mình có khả năng làm và thứ mình thích. Bạn có thể học tiếng Anh rất giỏi, được nhiều người khen ngợi, gặt hái được nhiều cơ hội từ đó,… nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc bạn thích học tiếng Anh. Thứ “thích” ấy được thổi phồng bởi những người xung quanh bạn khiến bạn tin rằng bạn “thích” nó. Trong khi ấy, bạn giỏi bộ môn ấy cũng như bạn giỏi rất nhiều các môn khác nữa. Đây là trường hợp thường thấy ở những người rất thông minh, có phương pháp học, có thể hiểu các môn học bằng cách nhìn ra bản chất của mỗi môn học. Những lời tán thưởng từ xung quanh có thể đưa bạn vào một cơn ám thị, bạn sẽ tự đưa mình vào vai diễn “tử vì đạo” cho thứ mình đam mê. Điều này có thể dẫn đến hai khả năng: Hoặc bản trở thành thiên tài, hoặc bạn trở thành kẻ ảo tưởng về tài năng và làm ra những điều lố bịch.
Việc loại bỏ các ảo tưởng “mình thích” này rất quan trọng trong việc định hướng cuộc đời của mình. Bởi “thứ mình thích” giống như một ảo ảnh xuất hiện trong khi bạn lạc đường giữa sa mạc. Bạn chạy vội đến đó, nhưng lại chẳng có gì cả. Ảo tưởng ấy sẽ che mờ khả năng định hướng và khả năng sinh tồn của bạn. Trừ phi, bạn biết tận dụng các ảo ảnh ấy để đoán định được đường đi.
Như đã nói ở trên, tôi đã từng thích làm nhà khảo cổ, nhà tạo mốt. Tôi học khá giỏi văn ở bậc phổ thông và thường sử dụng văn chương như một liệu pháp tâm lý cho bản thân, một thứ game nhập vai…, và những người xung quanh tôi cũng tán thưởng khả năng viết văn của tôi, cho nên tôi cũng có thời tưởng rằng tôi thích văn chương, tôi đắm đuối với văn chương. Tôi không thể trở thành nhà khảo cổ nhưng những ngày tháng tìm tòi trong thư viện cũng cho tôi biết một lượng lịch sử kha khá để viết tiểu thuyết, một lối tư duy truy nguyên và tiến trình, một thói quen quan sát và so sánh. Tôi không thể trở thành nhà tạo mẫu nhưng tôi có thể hiểu về thẩm mỹ, về hội họa, về lịch sử thời trang…v…v…Những thứ tôi thích mà tôi đã bỏ công sức cho nó đã giúp tôi hiểu biết như thế, dù cho chúng không phải con đường sự nghiệp mà tôi chọn.
Tóm lại, cho dù học thứ thiết thực hay thứ mình thích, bạn cũng nên tiếp cận chúng một các nghiêm túc và bài bản, cố gắng hiểu bản chất của chúng. Những cảm hứng “thích” hay “không thích” chỉ là những điều nhất thời, nhưng những gì chúng ta tiếp nhận được chính là những gì chúng ta đạt được.
Hà Thủy Nguyên

Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục #2: Não trạng Học và các Phương pháp Học

Tiếp theo của series bài Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục, Book Hunter xin được giới thiệu với các bạn những cuốn sách tìm hiểu về não trạng học và phương pháp học đã được xuất bản tại Việt Nam. Đây cũng là những cuốn sách Book Hunter đưa tới sự kiện TƯƠNG GIAO #1: NHỮNG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC TRONG LỊCH SỬ vào 9/9/2023.  Từ sự nghiên cứu não trạng học bằng các phương pháp khác nhau như khoa học não

Book Hunter

14/09/2023

Câu chuyện tự học (4): KHI NÀO BẠN CẦN TỰ HỌC

Đó là khi bạn thấy những thứ mình biết không còn thỏa mãn mình. Bạn nhận ra rằng những gì mình biết là không đủ để phục vụ cho ý định nào đó của bạn. Khi chúng ta muốn thực hiện một ý định nào đó, đặc biệt là một ý định dài hơi, chúng ta buộc phải vận dụng những gì mình đã biết (như kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm) để thực hiện. Nếu ý định ấy gặp khó khăn trong việc hoàn

Xây dựng nền tảng tự học trước 15 tuổi

Tháng 10, Book Hunter tổ chức buổi trò chuyện với chủ đề “Tự chủ và Tự học trên đường đời” tại Vinh. Hà Thủy Nguyên nhắn mời tôi tham gia chia sẻ nội dung “Xây dựng nền tảng tự học trước 15 tuổi”. Tôi hào hứng nhận lời, thử “tái xuất giang hồ” sau vài năm rời Hà Nội về Vinh và sống khép mình, làm việc với một nhóm nhỏ học sinh, đi lại giữa một vài nơi quen thuộc gần gũi. Có lẽ

Câu chuyện tự học (5): QUẢN LÝ THỜI GIAN CHO NGƯỜI TỰ HỌC

Khi chúng ta quyết định dành một khoảng thời gian trong cuộc sống hàng ngày của mình để tự tìm tòi một lĩnh vực nào đó, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều điều: phân bố tài chính, thiếu thốn tư liệu, khó tìm người hướng dẫn đáng tin cậy… Thế nhưng, một khó khăn tưởng như vô hình nhưng lại cản trở lớn nhất trong chặng đường tự học của chúng ta chính là quản lý thời gian. Thời gian vô tận nhưng luôn

Câu chuyện tự học (3): TỰ HỌC LÀ MỘT QUÁ TRÌNH KHỔ LUYỆN

Nhiều người chọn cách tự học với tâm lý rằng mình sẽ được thoải mái hơn, không phải chịu các nguyên tắc gò bó, không phải chịu sự đánh giá của các hệ thống giáo dục đào tạo. Đây là một quan điểm hết sức sai lầm. Bạn chọn tự học, tức là bạn đang chọn một con đường khó khăn hơn, và đương nhiên cũng chủ động hơn. Bởi lẽ, khi tự học, bạn phải cố gắng khổ luyện hơn những người khác gấp bội,